Nền
Dân chủ Tự do có thể Sống sót qua sự Suy tàn của Giai cấp Trung lưu không?
FRANCIS FUKUYAMA
Tạp chí Foreign Affairs số tháng 1-2 năm 2012
HIẾU TÂN dịch
Francis Fukuyama là cộng tác viên kỳ cựu ở Trung tâm về Dân chủ, Phát
triển và Pháp trị tại Đại học Stanford và gần đây nhất là tác giả cuốn sách Nguồn gốc của Trật tự Chính
trị: Từ thời Tiền sử đến Cách mạng Pháp.
Ngày nay trên thế giới đang diễn ra một điều kỳ lạ. Cuộc
khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng đồng euro
đang tiếp diễn đều là sản phẩm của mô hình chủ nghĩa tư bản tài chính được điều
chỉnh nhẹ xuất hiện trong ba thập kỷ qua. Tuy vậy mặc dầu có cuộc nổi giận lan
rộng đối với những cuộc cứu trợ tài chính Phố Wall, không có sự bộc phát lớn
của chủ nghĩa dân túy phái tả Mỹ hưởng ứng. Có thể hiểu được rằng phong trào
Chiếm Phố Wall sẽ giành được sức lôi kéo, nhưng phong trào dân túy gần đây năng
động nhất chính là Đảng Trà (Tea Party) cánh hữu, mà mục tiêu chính của họ là
tuyên bố ôn hòa nhằm bảo vệ những người dân bình thường khỏi những kẻ đầu cơ
tài chính. Sự việc tương tự cũng diễn ra cả ở châu Âu, nơi phái tả thì xanh xao
vàng vọt, còn các đảng dân túy phái hữu thì đang tích cực vận động.
Có nhiều lý do cho việc phái tả thiếu sức động viên, nhưng
lý do chủ yếu là sự thất bại trong địa hạt tư tưởng. Đối với những thế hệ qua,
vị trí cao về tư tưởng trên các vấn đề kinh tế thuộc về những người theo chủ
nghĩa tự do cánh hữu. Phái tả không có khả năng tạo ra được một sự ủng hộ đáng
kể nào cho chương trình nghị sự hơn là quay về với một hình thức không thể nào
đạt được của nền dân chủ xã hội lỗi thời. Sự thiếu vắng một sự phản đối cấp
tiến đáng tin cậy như thế là điều không lành mạnh, bởi vì cạnh tranh là tốt cho
cuộc thảo luận trí thức cũng như cho hoạt động kinh tế vậy. Và một cuộc thảo
luận trí thức nghiêm túc là cần một cách khẩn thiết, vì hình thức hiện tại của
chủ nghĩa tư bản toàn cầu đang làm xói mòn xã hội trung lưu là cơ sở của nền
dân chủ tự do.
LÀN SÓNG DÂN CHỦ
Các lực lượng và các điều kiện xã hội không đơn giản
"quyết định" tư tưởng, như Karl Marx đã có thời khẳng định, nhưng tư
tưởng cũng không trở nên mạnh mẽ nếu chúng không nói lên những mối quan tâm của
đại đa số những người bình thường. Nền dân chủ tự do là tư tưởng mặc định trong
phần lớn thế giới ngày nay một phần bởi vì nó đáp ứng và tạo điều kiện cho
những cấu trúc kinh tế xã hội nhất định. Những thay đổi trong các cấu trúc này
có thể có những hậu quả về tư tưởng, đúng như những hay đổi về tư tưởng có thể
có những hậu quả về kinh tế xã hội.
Hầu như tất cả những tư tưởng mạnh định hướng các xã hội
loài người cho đến 300 năm qua là [tư tưởng] tôn giáo về bản chất, chỉ có một
ngoại lệ quan trọng là Khổng giáo ở Trung Hoa. Hệ tư tưởng thế tục lớn đầu tiên
có tác dụng lâu dài trên toàn thế giới là chủ nghĩa tự do, một học thuyết gắn
liền với sự lớn lên của một giai cấp trung lưu trước tiên là thương mại và sau
đó là công nghiệp trong một số vùng ở châu Âu vào thế kỷ mười bảy. (Dùng từ
"giai cấp trung lưu" tôi muốn nói đến những người không ở trên đỉnh
chóp mà cũng không nằm dưới đáy xã hội của họ về phương diện thu nhập, những
người có ít nhất học vấn trung học, và có tài sản thực, hàng xài lâu bền hoặc
có doanh nghiệp riêng của mình)
Như được phát biểu bởi những nhà tư tưởng kinh điển như
Locke, Montesquieu, và Mill, chủ nghĩa tự do chủ trương rằng tính hợp pháp của
chính quyền nhà nước xuất phát từ khả năng của nhà nước bảo vệ các quyền cá
nhân của các công dân của nó, và rằng quyền lực nhà nước cần được hạn chế bởi
sự thượng tôn pháp luật. Một trong những quyền cơ bản được bảo vệ là quyền tư
hữu, cuộc Cách mạng Vinh quang của Anh những năm 1688-1689 là cực kỳ quan trọng
đối với sự phát triển của chủ nghĩa tự do hiện đại bởi vì trước hết nó thiết
lập nguyên tắc theo hiến pháp rằng nhà nước không thể đánh thuế một cách hợp
pháp các công dân của nó nếu họ không đồng ý.
Đầu tiên, chủ nghĩa tự do không nhất thiết hàm ý dân chủ.
Những người của đảng Whig ủng hộ hiến pháp năm 1689 thường là những người sở
hữu tài sản giàu có nhất ở Anh; Nghị viện thời kỳ đó đại diện cho ít hơn mười
phần trăm của toàn dân cư. Nhiều nhà tự do kinh điển, trong đó có Mill, hết sức
nghi ngờ những ưu việt của nền dân chủ: họ tin rằng việc tham gia vào chính trị
một cách có trách nhiệm đòi hỏi có giáo dục và có một sự đặt cọc trong xã hội -
tức là, sở hữu tư nhân. Cho đến cuối thế kỷ mười chín, hầu như trên khắp châu
Âu quyền bầu cử bị giới hạn bởi những yêu cầu về tài sản và học vấn. Cuộc bầu
cử Andrew Jackson làm tổng thống Mỹ năm 1828 và sau đó việc ông bãi bỏ yêu cầu
về tài sản để bầu cử, ít nhất cho đàn ông da trắng, như vậy từ khá sớm đã đánh
dấu một thắng lợi quan trọng cho một nguyên tắc dân chủ lành mạnh hơn.
Ở châu Âu, việc loại đại đa số dân cư ra khỏi quyền lực
chính trị và sự lớn lên của giai cấp công nhân công nghiệp đã mở đường cho của
nghiã Marx. Tuyên ngôn Cộng sản được
công bố năm 1848, cùng một năm với các cuộc cách mạng lan rộng trên khắp các
nước lớn châu Âu trừ nước Anh. Và như vậy bắt đầu một thế kỷ tranh quyền lãnh
đạo phong trào dân chủ giữa những người cộng sản sẵn sàng vứt bỏ nền dân chủ
hình thức (các cuộc bầu cử đa đảng) cho cái mà họ tin là dân chủ thực chất
(phân phối lại về kinh tế), và những người dân chủ tự do, tin vào sự mở rộng
quyền tham dự chính trị trong khi duy trì nền pháp trị bảo vệ các quyền cá
nhân, trong đó có quyền sở hữu.
Tiếp theo sau là lòng trung thành của giai cấp công nhân
công nghiệp mới. Những người Marxist buổi đầu tin rằng họ sẽ thắng hoàn toàn
chỉ bằng sức mạnh của số lượng: khi quyền bầu cử được mở rộng ở thế kỷ mười
chín, các đảng như đảng Lao động Anh (Công đảng) và đảng Dân chủ xã hội Đức đã
lớn mạnh rất nhanh và đe dọa bá quyền của cả những người bảo thủ lẫn những
người tự do truyền thống. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân bị cản trở dữ dội,
thường bằng các biện pháp không dân chủ; những người cộng sản và nhiều người xã
hội chủ nghĩa, đến lượt mình, rời bỏ chế độ dân chủ hình thức và ủng hộ việc
trực tiếp cướp chính quyền.
Trong suốt nửa đầu thế kỷ hai mươi, có sự nhất trí mạnh mẽ
trong phái tả cấp tiến rằng một số hình thức của chủ nghĩa xã hội - sự kiểm
soát của chính phủ chỉ huy những cao điểm kinh tế để đảm bảo sự phân phối quân
bình của cải - là không tránh khỏi đối với tất cả các nước tiên tiến. Thậm chí
một nhà kinh tế bảo thủ như Joseph Schumpeter cũng có thể viết trong cuốn sách
của ông năm 1942, Chủ nghĩa tư bản, Chủ
nghĩa xã hội và Dân chủ, rằng chủ nghĩa xã hội đã nổi lên thắng lợi bởi vì
xã hội tư bản đang tự hủy hoại về mặt văn hóa. Chủ nghĩa xã hội được tin là đại
diện cho ý chí và quyền lợi của đại đa số nhân dân trong các xã hội hiện đại.
Tuy rằng mặc dầu những cuộc xung đột tư tưởng của thế kỷ hai
mươi diễn ra trên bình diện chính trị và
quân sự, chính những thay đổi cực kỳ quan trọng diễn ra trên bình diện xã hội
đã hủy hoại kịch bản Marxist. Trước hết, mức sống thực tế của giai cấp công
nhân công nghiệp tăng lên, đến một điểm mà nhiều công nhân hoặc con cái họ có
khả năng gia nhập tầng lớp trung lưu. Thứ hai kích cỡ tương đối của giai cấp
công nhân ngừng lớn lên và thực tế bắt đầu giảm xuống, đặc biệt trong nửa sau
thế kỷ hai mươi, khi các dịch vụ bắt đầu thay thế sản xuất trong cái được mệnh
danh là những nền kinh tế hậu-công nghiệp. Cuối cùng, một tầng lớp mới những
người nghèo hoặc kém may mắn hình thành bên dưới giai cấp công nhân công nghiệp
- một hỗn hợp lai tạp giữa các dân tộc, chủng tộc thiểu số, những người mới
nhập cư, và những nhóm bị loại ra ngoài xã hội như phụ nữ, người đồng tính, và
người khuyết tật. Kết quả của những thay đổi này, trong phần lớn những xã hội
đã công nghiệp hóa, là giai cấp công nhân cũ đã trở thành nhóm lợi ích khác
trong nước, sử dụng quyền lực chính trị của các công đoàn để bảo vệ những thành
quả khó khăn lắm mới giành được của thời kỳ trước.
Hơn nữa, giai cấp kinh tế không biến thành một lá cờ lớn trong
những nước công nghiệp tiên tiến để tập hợp dân chúng cho hoạt động chính trị.
Quốc tế Thứ hai kêu gọi thức tỉnh năm 1914, khi giai cấp công nhân châu Âu vứt
bỏ những lời kêu gọi đấu tranh giai cấp và sắp hàng đằng sau các lãnh tụ bảo
thủ đưa ra những khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa, một mẫu hình vẫn còn đến ngày
nay. Theo nhà học giả Ernest Gellner, nhiều người Marxist cố gắng giải thích
điều này bằng cái mà ông gọi là "lý thuyết nhầm địa chỉ":
Đúng như những người Hồi giáo Shi'ite cho rằng Tổng thiên
thần Gabrriel đã nhầm lẫn, chuyển Lời Phán truyền cho Mohamed mà lẽ ra phải
truyền cho Ali, những người Marxist cũng vậy, về cơ bản thích nghĩ rằng tinh
thần của lịch sử hay ý thức của loài người đã làm một chuyện khờ dại khủng
khiếp. Thông điệp thức tỉnh định chuyển cho các giai cấp, nhưng do sai lầm
khủng khiếp của bưu điện, lại bị trao cho các dân tộc.
Gellner tiếp tục lập luận rằng tôn giáo phục vụ một chức
năng tương tự như chủ nghĩa dân tộc ở Trung Đông hiện đại: nó động viên nhân
dân một cách hiệu quả bởi vì nó có nội dung tâm linh và cảm xúc mà ý thức giai
cấp không có. Đúng như chủ nghĩa dân tộc châu Âu được thúc đẩy bởi sự di chuyển
người Âu từ nông thôn ra thành thị vào cuối thế kỷ mười chín, cũng vậy, đạo Hồi
là một phản động lực đối với quá trình đô thị hóa và di chuyển chỗ ở diễn ra
trong các xã hội Trung Đông hiện đại. Bức thư của Marx sẽ không bao giờ được
chuyển đến địa chỉ có dấu "giai cấp".
Marx tin rằng giai cấp trung lưu, hay ít nhất lớp có sở hữu
tư bản của nó mà ông gọi là tư sản, sẽ luôn luôn vẫn là thiểu số nhỏ và đặc
quyền đặc lợi trong các xã hội hiện đại. Nhưng điều xảy ra trong thực tế ngược
lại, là tầng lớp tư sản và giai cấp trung lưu nói chung cuối cùng đã tạo thành
đại đa số dân cư của các nước tiên tiến nhất, đang đặt ra những bài toán cho
chủ nghĩa xã hội. Từ thời Aristotle, các nhà tư tưởng đã tin rằng nền dân chủ
ổn định dựa trên một giai cấp trung lưu rộng lớn và rằng các xã hội có cực kỳ
giàu sang và cực kỳ nghèo khổ thường dễ bị hoặc là bọn đầu sỏ chính trị thống
trị hoặc cách mạng dân túy nổi lên. Khi phần lớn thế giới phát triển thành công
trong việc tạo ra các xã hội của giai cấp trung lưu, thì lời kêu gọi của chủ
nghĩa Marx biến mất. Nơi duy nhất phái tả cấp tiến vẫn tồn tại dai dẳng như một
lực lượng mạnh là những vùng bất bình đẳng cao độ của thế giới, như những phần
của châu Mỹ Latin, Nepal, và những vùng nghèo khổ bần cùng của đông Ấn Độ.
Cái mà nhà khoa học chính trị Samuel Huntington gọi là
"đợt sóng thứ ba" của dân chủ hóa toàn cầu, bắt đầu từ miền Nam châu
Âu trong những năm 1970 và lên đến cực điểm trong cuộc sụp đổ của chủ nghĩa
cộng sản trong những nước Đông Âu năm 1989, những nền dân chủ bầu cử tăng lên
về số lượng trên khắp thế giới từ 45 trong năm 1970 lên 120 vào cuối những năm
1990. Tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến sự xuất hiện của những giai cấp trung lưu
mới ở các nước như Brazil. Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, và Thổ Nhĩ Kỳ. Như nhà
kinh tế học Moisés Naím đã chỉ ra, những giai cấp trung lưu này tương đối có
giáo dục tốt, có sở hữu tài sản, và được kết nối bằng công nghệ với thế giới
bên ngoài. Họ đòi hỏi khắt khe các chính phủ của họ và động viên dễ dàng do kết
quả của việc họ truy cập vào công nghệ. Không có gì đáng ngạc nhiên rằng những
người châm ngòi chính cho những cuộc nổi dậy trong Mùa Xuân A Rập là những người
Tunisia và Ai Cập có học vấn, mà hy vọng về việc làm và sự tham dự chính trị
của họ đã bị các chế độ độc tài trong đó họ sống ngăn trở.
Những người thuộc tầng lớp trung lưu không nhất thiết ủng hộ
dân chủ về nguyên tắc: giống như những người khác, họ là những người hoạt động
tự lợi chỉ muốn bảo vệ tài sản và địa vị của mình. Trong những nước như Trung
Hoa và Thái Lan, nhiều người thuộc giai cấp trung lưu cảm thấy bị đe dọa bởi
yêu sách đòi phân phối lại của người nghèo và vì vậy họ liên kết lại trong việc
ủng hộ các chính phủ độc tài bảo vệ các lợi ích giai cấp của họ. Cũng không
phải các nền dân chủ nhất thiết đáp ứng những mong đợi của các giai cấp trung
lưu của chúng, và khi chúng không đáp ứng được, thì giai cấp trung lưu có thể
trở nên cứng cổ.
CÁI THAY THẾ ĐỠ TỆ NHẤT?
Ngày nay có một sự nhất trí rộng rãi trên thế giới về tính
hợp pháp, ít nhất về nguyên tắc, của nền dân chủ tự do. Theo lời nhà kinh tế
Amartya Sen, "Trong khi nền dân chủ vẫn chưa được thực hiện một cách phổ
biến, và thực ra cũng chưa được chấp nhận đồng đều ở mọi nơi, trong khí hậu
chung của dư luận thế giới, sự cai quản [xã hội, một cách] dân chủ ngày nay đã
đạt đến trạng thái nói chung được coi là đúng." Nó được thừa nhận rộng rãi
nhất ở những nước đã đạt được mức độ phồn vinh vật chất đủ để cho phép một đa
số công dân nghĩ họ thuộc về giai cấp trung lưu, đó là lý do tại sao có một xu
hướng tương liên giữa các mức độ của phát triển và nền dân chủ ổn định.
Một số xã hội, như Iran và A Rập Saudi, bác bỏ nền dân chủ
tự do để ủng hộ một hình thức chính trị thần quyền Hồi giáo. Tuy nhiên những
chế độ này đã lâm vào ngõ cụt về phương diện phát triển, chúng chỉ sống được
nhờ ở trên một mỏ dầu vĩ đại. Một thời A Rập đã lả một ngoại lệ lớn đối với đợt
sóng thứ ba, nhưng Mùa Xuân A Rập đã cho thấy rằng công chúng A Rập cũng có thể
sẵn sàng được động viên chống độc tài như ở Đông Âu và châu Mỹ Latin một thuở.
Tất nhiên điều đó không có nghĩa rằng con đường đi tới một nền dân chủ vận hành
tốt ở Tunusia, Ai Cập, hay Libya sẽ dễ dàng hoặc không có khúc mắc, nhưng nó
gợi cho thấy rằng khao khát tự do và tham dự chính trị không phải là nét riêng
đặc biệt của người Âu hoặc người Mỹ.
Thách thức nghiêm trọng duy nhất đối với nền dân chủ tự do
ngày nay đến từ Trung Hoa, nó kết hợp chính phủ độc tài với một nền kinh tế thị
trường hóa một phần. Trung Hoa được thừa kế một truyền thống lâu dài và tự hào
về chính phủ quan liêu chất lượng cao,
một truyền thống có độ dài hai thiên niên kỷ. Các lãnh đạo của nó đã cố
gắng làm được một cuộc chuyển đổi cực kỳ phức tạp từ một nền kinh tế tập trung,
kế hoạch hóa theo phong cách Xô viết thành một nền kinh tế mở năng động và đã
làm việc đó một cách tài giỏi xuất sắc -
nói thẳng ra, tài giỏi hơn các lãnh đạo Mỹ đã bộc lộ trong việc quản lý chính
sách kinh tế vĩ mô của họ thời gian gần đây. Hiện nay nhiều người khâm phục chế
độ Trung Hoa không chỉ vì kỷ lục kinh tế của nó mà còn vì nó có thể làm những
quyết định lớn, phức tạp một cách nhanh chóng, so với chứng tê liệt khổ sở về
chính sách đang hành hạ cả Mỹ và châu Âu trong mấy năm qua. Đặc biệt từ cuộc
khủng hoảng tài chính gần đây, bản thân người Trung Hoa đã bắt đầu chào mời
"mô hình Trung Hoa" như vật thay thế cho nền dân chủ tự do.
Tuy nhiên, mô hình này thậm chí không dễ trở thành một vật
thay thế nghiêm chỉnh cho nền dân chủ tự do trong các khu vực ngoài Đông Á.
Nhưng ban đầu, mô hình này là đặc biệt về phương diện văn hóa: chính phủ Trung
Hoa được xây dựng quanh một truyền thống lâu dài về tuyển mộ nhân tài, những
cuộc thi công chức, nhấn mạnh cao độ đến giáo dục và sự tôn sùng thẩm quyền kỹ
trị. Rất ít nước đang phát triển có thể hy vọng cạnh tranh với mô hình này,
những nước như Singapore và Nam Triều Tiên (ít nhất trong thời kỳ đầu ) thì đã
nằm bên trong khu vực văn hóa Trung Hoa rồi. Bản thân người Trung Hoa cũng nghi
ngờ không biết liệu mô hình của họ có thể xuất khẩu được không; cái gọi là nền
chính trị nhất trí của Bắc Kinh là một sáng tác của Phương Tây, không phải của
Trung Hoa.
Cũng chưa rõ liệu mô hình này có thể duy trì được mãi không.
Cả sự tăng trưởng lấy xuất khẩu làm động lực, lẫn quan điểm quyết định
từ-trên-xuống cũng không tiếp tục gặt hái những kết quả tốt đẹp mãi được. Sự
kiện chính phủ Trung Hoa không cho phép thảo luận công khai về tai nạn thảm
khốc của đường sắt cao tốc mùa hè qua và không thể qui trách nhiệm cho Bộ Đường
sắt về tai nạn này cho thấy còn có những quả bom giờ khác ẩn phía sau mặt tiền
của vấn đề ra quyết định một cách hiệu quả.
Cuối cùng, Trung Hoa rốt cuộc se phải đối mặt với chỗ yếu
lớn về mặt đạo đức. Chính phủ Trung Hoa không bắt buộc các quan chức của nó tôn
trọng phẩm giá cơ bản của các công dân. Hàng tuần, có những cuộc biểu tình mới
về cướp đất, xâm phạm môi trường, hoặc tham nhũng trắng trợn ở một số quan
chức. Trong khi đất nước lớn lên nhanh chóng, những sự lạm dụng này có thể được
quét dấu xuống dưới tấm thảm. Nhưng tăng trưởng nhanh chóng sẽ không kéo dài
vĩnh viễn, và chính phủ sẽ phải trả giá cho sự phẫn nộ bị đè nén. Chế độ không
còn có bất kỳ một lý tưởng chủ đạo nào làm tâm điểm để tổ chức nó; nó được điều
khiển bởi một đảng cộng sản được cho là phấn đấu cho bình đẳng nhưng đang chủ
trì một xã hội biểu lộ sự bất bình đẳng gay gắt và ngày càng lớn.
Như vậy sự ổn định của chế độ Trung Hoa không hề là chuyện
đương nhiên. Chính phủ Trung Hoa lập luận rằng các công dân của nó là khác về
mặt văn hóa và sẽ luôn luôn ưa thích một nền độc tài nhân từ và khuyến khích
tăng trưởng hơn là một nền dân chủ hỗn loạn nó đe dọa sự ổn định xã hội. Nhưng
không có gì chắc rằng một giai cấp trung lưu đang mở rộng sẽ hành xử ở Trung Hoa
hoàn toàn khác với cách nó hành xử ở các nơi khác trên thế giới. Các chế độ độc
tài khác có thể tranh đua với thành công của Trung Hoa, nhưng ít có cơ hội để
phần lớn thế giới 50 năm sau sẽ giống Trung Hoa ngày nay.
TƯƠNG LAI CỦA DÂN CHỦ
Có một tương quan rộng lớn giữa sự tăng trưởng kinh tế, thay
đổi xã hội và vai trò bá chủ của hệ tư tưởng dân chủ tự do trong thế giới ngày
nay. Và tại thời điểm này, không có hệ tư tưởng nào đáng là đối thủ xuất hiện.
Nhưng một vài xu hướng rắc rối trong kinh tế xã hội, nếu tiếp tục, sẽ đe dọa sự
ổn định của các nền dân chủ tự do hiện
thời và hạ bệ hệ tư tưởng dân chủ như nó được hiểu ngày nay.
Nhà xã hội học Barrington Moore có lần đã khẳng định một
cách cường điệu, "Không có giai cấp tư sản thì không có dân chủ."
Những người Marxist đã không đạt được xã hội cộng sản không tưởng của họ bởi vì
chủ nghĩa tư bản chín muồi sẽ sinh ra các xã hội của giai cấp trung lưu, không
phải các xã hội của giai cấp công nhân. Nhưng nếu sự phát triển hơn nữa của
công nghệ và toàn cầu hóa làm xói mòn giai cấp trung lưu và khiến cho chỉ có
một thiểu số công dân trong một xã hội tiên tiến đạt được địa vị trung lưu, thì
sao?
Có thừa thãi những dấu hiệu cho thấy một giai đoạn phát
triển như thế đã bắt đầu. Thu nhập trung bình ở Mỹ trong thực tế đã ngừng tăng
tiến từ những năm 1970. Tác động kinh tế của sự ngừng trệ này đã được mềm đi
đến một mức độ nhất định nhờ sự kiện là phần lớn gia đình Mỹ ở thế hệ trước đã
chuyển sang mô hình trong một nhà hai người có thu nhập. Hơn nữa, như nhà kinh
tế Raghuram Rajan đã lập luận một cách thuyết phục, vì người Mỹ rất không muốn
ủng hộ việc phân phối lại một cách minh bạch, nên thay vì thế Mỹ đã thử một
hình thức phân phối lại rất nguy hiểm và không hiệu quả trong thế hệ trước bằng
cách trợ cấp tiền thế chấp cho những gia đình thu nhập thấp. Xu hướng này, thực
hiện được nhờ một trận lụt thanh toán tiền mặt từ Trung Hoa và các nước khác
rót vào đã làm cho nhiều người dân bình thường của Mỹ ảo tưởng rằng mức sống
của họ được nâng lên đều đều trong thập kỷ qua. Trong khía cạnh này, việc chiếc
bong bóng nhà ở nổ năm 2008-2009 không có gì khác hơn là sự quay trở lại mức
nghèo khổ. Những người dân Mỹ ngày nay có thể được lợi từ những chiếc điện
thoại di động giá rẻ, quần áo rẻ, và Facebook, nhưng họ ngày càng không thể có
nhà riêng, hay bảo hiểm y tế, hay lương hưu dễ chịu khi họ về hưu.
Một hiện tượng khó chịu khác, do nhà tư bản táo bạo Peter
Thiel và nhà kinh tế học Tyler phát hiện, là lợi ích từ những đợt sóng gần đây
nhất của đổi mới công nghệ đã đổ dồn một cách không cân xứng vào những thành
viên tài năng nhất và học vấn cao của xã hội. Hiện tượng này giúp gây ra sự gia
tăng ồ ạt tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ trong thế hệ qua. Trong năm 1974, một
phần trăm số gia đình giầu nhất chiếm chín phần trăm GDP; năm 2007, phần chiếm
đó đã tăng lên 23,5 phần trăm.
Các chính sách thương mại và thuế cũng có thể đã tăng tốc
theo xu hướng này, nhưng kẻ có tội ở đây là công nghệ. Trong giai đoạn đầu của
công nghiệp hóa - thời đại của những máy dệt, than, thép, và động cơ đốt trong
- lợi ích của thay đổi công nghệ hầu như luôn luôn chảy xuôi một cách đáng kể
xuống phần còn lại của xã hội về phương diện làm thuê [tức xuống những người
làm thuê-ND]. Nhưng đây không phải là một quy luật tự nhiên. Ngày nay chúng ta
đang sống trong cái mà nhà học giả Shoshana Zuboff gọi là "thời đại của cỗ
máy thông minh," trong đó công nghệ ngày càng có khả năng thay thế nhiều
hơn và cao hơn những chức năng của con người. Một tiến bộ lớn đối với Thung
lũng Silicon thường có ý nghĩa là sự mất việc của những tay nghề thấp ở một nơi
nào khác trong nền kinh tế, một xu hướng không có vẻ gì sẽ sớm kết thúc.
Bất bình đẳng đã luôn tồn tại, như kết quả của sự khác nhau
tự nhiên về tài năng và tính cách. Nhưng thế giới công nghệ ngày nay đã phóng
đại quá lớn những sự khác nhau đó. Trong xã hội nông nghiệp thế kỷ mười chín,
những người cực kỳ giỏi toán không có mấy cơ hội để biến tài năng của mình
thành tiền. Ngày nay, họ có thể trở thành những phù thủy tài chính hoặc những
kỹ sư phần mềm và đưa về nhà mình những phần tài sản quốc gia ngày càng lớn.
Nhân tố khác làm xói mòn thu nhập của giai cấp trung lưu
trong các nước phát triển là toàn cầu hóa. Với sự giảm chi phí vận tải và
truyền thông, và hàng trăm triệu lao động mới trong các nước đang phát triển đi
vào thị trường nhân công thế giới, loại công việc ngày trước trong các nước
phát triển do giai cấp trung lưu cũ làm thì bây giờ có thể được thực hiện rẻ
hơn nhiều ở nơi khác. Dưới một mô hình kinh tế dành ưu tiên cho việc kiếm cho
được thu nhập tổng tối đa, thì cảnh công việc mình vẫn làm bị giao cho người
khác là chuyện không tránh khỏi.
Những ý tưởng và chính sách thông minh hơn có thể đã chứa sự
bù trừ. Đức đã thành công trong việc bảo vệ phần lớn cơ sở chế tạo của nó và
nhân công công nghiệp ngay cả khi các công ty vẫn cạnh tranh toàn cầu. Mặt khác
Mỹ và Anh đã vui vẻ hoan nghênh việc chuyển sang nền kinh tế dịch vụ hậu công
nghiệp. Tự do thương mại đã trở thành ít tính lý thuyết hơn một hệ tư tưởng:
khi các thành viên của Quốc hội Mỹ cố gắng trả đũa bằng những đòn trừng phạt
chống Trung Hoa vì đã giữ đồng tiền của nó thấp hơn giá trị thực, họ đã bị căm
phẫn lên án là duy trì chủ nghĩa bảo hộ, cứ như thể sân chơi đã ngang bằng. Có
nhiều cuộc đàm thoại vui vẻ về những điều kỳ diệu của nền kinh tế trí thức, và
những công việc chế tạo bẩn thỉu, nguy hiểm chắc chắn sẽ được thay thế bởi
những công nhân có học vấn cao làm những công việc sáng tạo và thú vị như thế
nào. Đây là những chiếc khăn voan mỏng che trên những sự kiện thô của quá trình
giảm công nghiệp hóa. Nó bỏ qua sự kiện là những lợi ích của trật tự mới dồn
một cách không cân xứng vào một số rất nhỏ những người trong lĩnh vực tài chính
và công nghệ cao, những lợi ích chi phối giới truyền thông và cuộc đàm luận
chính trị chung.
PHÁI TẢ VẮNG MẶT
Một trong những đặc điểm khó hiểu nhất của thế giới sau cuộc
khủng hoảng tài chính là cho đến nay, chủ nghĩa dân túy chủ yếu đã mang hình
thức phái hữu, không phải tả.
Ở Mỹ chẳng hạn, mặc dầu Đảng Trà là chống đặc quyền đặc lợi
trong những tuyên bố hùng hồn của nó, các thành viên của nó bầu cho các chính
khách bảo thủ là những kẻ phục vụ cho đúng giới tài chính đó và những tập đoàn
đặc quyền đặc lợi mà họ tuyên bố khinh miệt. Có nhiều cách giải thích cho hiện
tượng này; trong đó có niềm tin sâu xa vào bình đẳng cơ hội hơn là bình đẳng
kết quả, và sự kiện là các vấn đề văn hóa, như phá thai và quyền sử dụng súng,
cắt ngang qua các vấn đề kinh tế.
Nhưng lý do sâu xa hơn một phái tả dân túy có cơ sở rộng rãi
đã thất bại trong hoạt động thực tế là một lý do về trí tuệ. Đã nhiều thập kỷ
nay chẳng có ai trong phái tả có khả năng nói lên, trước hết, một phân tích
mạch lạc những gì đang xảy ra trong cấu trúc của các xã hội tiên tiến khi họ
tiến hành cải cách kinh tế và thứ hai, một chương trình hành động hiện thực có
bất kỳ hy vọng nào bảo vệ một xã hội giai cấp trung lưu.
Các xu hướng chủ yếu trong tư duy cánh-tả trong hai thế hệ
qua, nói thẳng ra, là thảm hại hoặc trong khuôn khổ khái niệm hoặc là công cụ
vận động. Chủ nghĩa Marx đã chết nhiều năm trước đây, và một ít tín đồ cũ vẫn
còn đây đó thì cũng đã sẵn sàng vào nhà an dưỡng. Phái tả kinh viện thay thế nó
bằng chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa đa văn hóa, chủ nghĩa nữ quyền, lý
thuyết phê bình và một mớ những xu hướng trí thức rời rạc khác tập trung nhiều
về văn hóa hơn là kinh tế.
Chủ nghĩa hậu hiện đại bắt đầu với việc phủ nhận khả năng
của bất kỳ một đại tự sự nào về lịch sử hoặc xã hội, đang giảm bớt uy quyền của
nó như một tiếng nói phát ngôn cho đa số công dân, những người cảm thấy bị tầng
lớp đặc quyền đặc lợi phản bội. Chủ nghĩa đa văn hóa công nhận tình trạng nạn
nhân của hầu như mọi người ngoài nhóm. Không có khả năng tạo ra một phong trào
quần chúng tiến bộ trên cơ sở một liên minh pha tạp như thế, phần lớn các công
dân thuộc giai cấp lao động và trung-lưu-lớp-dưới bị thiệt thòi trong hệ thống
này là những người bảo thủ về văn hóa và có thể bối rối ngượng ngùng khi bị
nhìn thấy có mặt trong những liên minh như thế.
Dù biện minh nào về mặt lý thuyết nằm bên dưới chương trình
hành động của phái tả, vấn đề lớn nhất của nó là thiếu tín nhiệm. Trong hai thế
hệ qua, phái tả dòng chính đã theo một chương trình dân chủ xã hội tập trung
vào việc nhà nước cung cấp các dịch vụ khác nhau như lương hưu, chăm sóc sức
khỏe, và giáo dục. Mô hình đó ngày nay đã hết sức sống: các hệ thống phúc lợi
xã hội đã phình to, trở nên quan liêu và xơ cứng, chúng thường bị tước đoạt bởi
chính những cơ quan quản lý chúng thông qua những nghiệp đoàn khu vực công; và
quan trọng hơn cả, chúng không thể trụ được về mặt tài chính, vì lý do dân số
già đi hầu như ở khắp nơi trong những nước phát triển. Như vậy, khi các đảng
dân chủ xã hội hiện có lên nắm chính quyền, họ không còn khao khát gì hơn là
làm một người coi giữ hệ thống phúc lợi xã hội được tạo ra cách đây nhiều thập
kỷ; không đảng nào có một chương trình hành động mới đầy hứng khởi để tập hợp
quần chúng xung quanh nó.
MỘT HỆ TƯ TƯỞNG CỦA TƯƠNG LAI
Ta hãy thử tưởng tượng một chút, một nhà văn xoàng xĩnh vô
danh hôm nay trong một gian gác xép ở đâu đó cố vạch ra một hệ tư tưởng của
tương lai có thể cho một con đường hiện thực dẫn tới một thế giới với những xã
hội giai cấp trung lưu giàu có và những nền dân chủ tráng kiện. Hệ tư tưởng ấy
trông sẽ thế nào nhỉ?
Nó sẽ phải có ít nhất hai thành phần, chính trị và kinh tế.
Về chính trị, hệ tư tưởng mới này sẽ cần tái khẳng định vai trò tối cao của nền
chính trị dân chủ đối với kinh tế và chính phủ hợp pháp như một biểu hiện của
lợi ích công cộng. Nhưng chương trình hành động mà nó đưa ra để bảo vệ đời sống
của giai cấp trung lưu không thể đơn giản dựa trên các cơ chế hiện có của hệ
thống phúc lợi xã hội. hệ tư tưởng này sẽ cần thiết kế lại cách nào đó khu vực
công, giải thoát nó khỏi sự phụ thuộc vào những kẻ giữ tiền đặt cược hiện thời,
và sử dụng những quan điểm mới được công nghệ hỗ trợ để trao những dịch vụ. Nó
cũng phải thẳng thắn tranh cãi cho việc phân phối lại và trình bày một con
đường hiện thực để kết liễu sự áp đảo trong chính trị của các nhóm lợi ích.
Về kinh tế, hệ tư tưởng này không thể bắt đầu bằng một sự
lên án chủ nghĩa tư bản hiểu theo cách thông thường, như thể chủ nghĩa xã hội
lỗi thời vẫn còn là một sự thay thế có thể đứng vững. Nó đề cập nhiều hơn đến
tính đa dạng của chủ nghĩa tư bản đang lâm nguy và mức độ mà các chính phủ nên
giúp đỡ các xã hội điều chỉnh để thay đổi. Toàn cầu hóa không nên xem như một
sự kiện không thể lay chuyển được của đời sống mà nên coi như một thách thức và
một cơ hội có thể được kiểm soát cẩn thận về mặt chính trị. Hệ tư tưởng mới sẽ
không coi các thị trường như mục đích tự thân, trái lại, nó nên coi trọng thương
mại và đầu tư toàn cầu trong chừng mực chúng đóng góp vào sự thịnh vượng của
giai cấp trung lưu, không chỉ vào việc làm tăng nguồn của cải quốc gia.
Tuy nhiên, không thể đạt đến điểm này nếu không cung cấp một
phê phán nghiêm chỉnh và liên tục đối với phần lớn lâu đài của môn kinh tế học
tân cổ điển hiện đại, bắt đầu bằng những giả thiết cơ bản như quyền tối thượng
của sở thích cá nhân và thu nhập tổng thể là một phép đo chính xác nguồn phúc
lợi quốc gia. Phê phán này phải lưu ý rằng thu nhập của người dân không nhất
thiết biểu hiện sự đóng góp thật sự của họ cho xã hội. Tuy nhiên, nó còn phải
đi xa hơn, và nhận ra rằng ngay cả nếu thị trường lao động là có hiệu quả, thì
sự phân phối tự nhiên của các tài năng không nhất thiết công bằng và rằng các
cá nhân không phải là những thực thể hoàn toàn có chủ quyền, mà là những con
người bị định hướng mạnh bởi các xã hội bao quanh họ.
Phần lớn những tư tưởng này đã tồn tại đây đó trong những
mảnh, những mẩu vụn trong một thời gian nào đó; nhà văn xoàng kia chỉ cần đưa
chúng vào một đoạn văn mạch lạc. Ông ta hoặc bà ta còn phải tránh vấn đề
"nhầm địa chỉ". Tức là, phê phán toàn cầu hóa phải gắn với chủ nghĩa
dân tộc như một chiến lược để vận động theo cách xác định quyền lợi của dân tộc
một cách phức tạp hơn, chẳng hạn, các chiến dịch "mua hàng Mỹ" của các công đoàn ở Mỹ. Sản phẩm sẽ
là một tổng hợp các tư tưởng từ cả hai phía tả và hữu, tách rời khỏi chương
trình hành động của các nhóm ngoại biên tạo thành phong trào tiến bộ hiện nay.
Hệ tư tưởng này là dân túy; thông điệp này bắt đầu bằng một phê phán tầng lớp
đặc quyền đặc lợi hy sinh lợi ích của nhiều người cho một thiểu số, và một phê
phán chính sách tiền tệ, đặc biệt ở Washington, chủ yếu làm lợi cho những người
giàu có.
Những nguy cơ cố hữu trong một phong trào như thế là rõ
ràng: Khi Hoa Kỳ, nói riêng, rút lui khỏi sự ủng hộ một hệ thống toàn cầu cởi
mở hơn có thể khiến những người theo chủ nghĩa bảo hộ phản ứng lại ở những nơi
khác. Trong nhiều khía cạnh, cuộc cách mạng Reagan-Thatcher được kế tục đúng
như những người đề xướng nó mong đợi, mang lại một thế giới cạnh tranh ngày
càng tăng, toàn cầu hóa, không va chạm. Trên con đường đó, nó tạo ra vô vàn của
cải và tạo ra một giai cấp trung lưu lớn lên trên khắp thế giới phát triển, và
kéo theo sau nó sự lan rộng của dân chủ. Có khả năng là thế giới phát triển
đang trên đỉnh của một loạt đột phá công nghệ không chỉ làm tăng sản xuất mà
còn cung cấp việc làm cho số lớn người của giai cấp trung lưu.
Nhưng đó là vấn đề niềm tin hơn là một phản ánh của thực tế
kinh nghiệm của 30 năm qua, nó chỉ vào hướng ngược lại. Thật ra có nhiều lý do
để nghĩ rằng bất bình đẳng sẽ tiếp tục tệ hại hơn. Sự tập trung của cải ở Mỹ
hiện nay đã biến thành tự củng cố: như nhà kinh tế Simon Johnson lập luận, khu
vực tài chính sử dụng thủ đoạn vận động hành lang của nó để tránh các hình thức
điều tiết phiền hà hơn. Các trường học cho tầng lớp khá giả tốt hơn bao giờ
hết, những trường học dành cho những người khác tiếp tục xuống cấp. Giới đặc quyền đặc lợi trong mọi xã hội sử
dụng ưu thế của họ gia nhập vào hệ thống chính trị để bảo vệ các quyền lợi của
họ thiếu vắng một sự vận động dân chủ cân bằng lại để sửa chữa tình hình này.
Giới đặc quyền đặc lợi Hoa Kỳ cũng không là ngoại lệ của qui tắc này.
Tuy nhiên, cuộc vận động sẽ không xảy ra chừng nào giai cấp
trung lưu của các nước phát triển vẫn còn mê mệt với câu chuyện kể của thế hệ
trước: rằng các quyền lợi của họ sẽ được phục vụ tốt nhất bởi thị trường ngày
càng tự do hơn và các nhà nước ngày càng nhỏ đi. Câu chuyện thay thế đã có rồi,
đang chờ để bước ra đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét