Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Những bộ xương trong tủ áo* của Đặng Tiểubình





 

Tiểu sử mới của con người thật sự làm chuyển biến Trung Hoa hoàn chỉnh và tham vọng hơn bao giờ hết. Nhưng nó có để lại vài khoảng đen nào không?

CHRISTIAN CARYL

Foreignpolicy, 13/9/2011

 HIẾU TÂN dịch

Đặng Tiểubình là lãnh tụ quan trọng nhất thế kỷ 20 mà bạn hầu như không biết gì về ông ta – trừ phi bạn là người Trung Hoa. Trong khi hầu hết mọi người ở nước Cộng hòa Nhân dân đều biết rất rõ rằng Đặng xứng đáng nhất với lòng tin là đã nâng họ ra khỏi nghèo đói và đưa Trung Hoa lên hàng các nước công nghiệp dẫn đầu, ở phần còn lại của thế giới hình chủ tịch Mao được in trên những áo thun. Không ai thắc mắc về chuyện này: bên ngoài đất nước của mình, Đặng (chết 1997) hẳn phải là người ít nổi tiếng nhất trong số những chính khách thành công nhất của thời hiện đại.
Điều này có nhiều lý do. Mao trở thành biểu tượng toàn cầu vì hùng biện Cách mạng Văn hóa của ông khớp một cách tuyệt hảo với phong trào nổi loạn đương thời của tuổi trẻ toàn cầu chống lại nhà cầm quyền, tạo cho ông một vẻ bất kham thời thượng kéo dài đến tận sau khi thế giới đã hiểu rõ hơn nhiều về bản chất gian hùng và các tội ác của ông (trong một phạm vi nào đó, cái nhiệt tình bộc trực của ông ta với bạo lực quần chúng đã thật sự góp phần tạo nên sự hấp dẫn của ông ta.) Ngược lại, các cải cách hướng về thị trường của Đặng, khá mơ hồ và tích lũy dần dần, cái kiểu những bài diễn văn Davos hơn là kích động những cuộc biểu tình tuần hành. Cần có thời gian để tác động đầy đủ của nó trở nên rõ ràng, và các kết quả, mặc dù thật ngoạn mục, không được tính toán chính xác để hấp dẫn những cảm xúc cao hơn.
Tuy nhiên Đặng đã sống một cuộc đời dài và kiệt xuất, đầy kịch tính và ý nghĩa toàn cầu, một cuộc đời đáng để mổ xẻ chi tiết. Bởi vậy chúng tôi phải cảm ơn giáo sư Harvard Ezra Vogel vì đã dành một phần lớn sự nghiệp hàn lâm của mình để biên soạn một bộ tiểu sử đồ sộ Đặng Tiểubình và Công cuộc Chuyển biến Trung Hoa, bản tổng kết tham vọng nhất về con người này cho đến nay. Trong khi viết tập sách này, Vogel đã làm một khối lượng công việc khổng lồ. Ông có vẻ đã đọc miệt mài những hồ sơ tài liệu từ mỗi đại hội Đảng Cộng sản Trung Hoa từ năm 1921. (Tôi không thể nói tôi ghen tỵ với ông về nhiệm vụ đó, nhưng này, có một ai đó phải ghen tỵ)

Trước cuốn này đã có nhiều tiểu sử Đặng Tiểubình, từ Benjamin Yang thô lỗ cộc cằn, nhà cựu ngoại giao Richard Evans mềm mỏng ngọt ngào, nhà phân tích tỉ mỉ lỹ lưỡng Michael Marti – nhưng cuốn của Vogel có thể được coi như toàn diện nhất và nhiều thông tin nhất. (Maurice Meisner viết một cuốn sách nồng nhiệt phi thường về Đặng và kỷ nguyên của ông, nhưng nó không thật sự chứa đựng nhiều như thế theo cách của một cuốn tiểu sử). Vogel đã không để nguyên một tảng đá nào mà không lật lên, và điều này nói chung là tốt. Nhưng đôi khi – trong cuốn sách 928 trang với những chương nhan đề như "Tái điều chỉnh nền kinh tế và Cải cách nông thôn, 1978-1982" cũng có những chỗ cha lật. Nếu bạn muốn biết những điểm đặc biệt trong sự nghiệp của Đặng, ở đây bạn sẽ được thỏa mãn; nếu bạn muốn biết cuộc sống của ông ta, bạn sẽ thấy hơi thất vọng về quyển sách này. Có lẽ Vogel sẽ phản đối rằng chính sự nghiệp mới là quan trọng nhất, và dĩ nhiên điều ấy là đúng – đến một mức độ nào đó. Nhưng một quyển tiểu sử, bởi chính cái bản chất của nó – cũng nên là một câu chuyện nữa, tốt nhất là một câu chuyện không thẳng cánh. Thẳng thắn vô tư một cách thô bạo là một thủ pháp văn chương sống động. William Taubman đã đặt ra một tiêu chuẩn với cuốn chân dung Khrushchev tuyệt vời của ông, vừa nghiên cứu tỉ mỉ vừa châm biếm mạnh mẽ. Vogel trái lại, hơi đi quá nhanh, nhảy cóc qua những khía cạnh thô ráp sù sì, đen tối trong quá khứ của nhân vật chính. Những chỗ tối nghĩa, những khúc quanh cực kỳ sửng sốt trong cốt truyện, cái mùi vị Tứ Xuyên nồng nặc của một cuộc sống có vẻ như không thực không bao giờ lộ ra.
Vogel đã đến Trung Hoa nhiều lần kể từ những năm 1960, và qua nhiều năm ông đã gây dựng những mối quan hệ thân mật với họ hàng nhà Đặng và các thành viên lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Hoa, một mức độ tiếp cận không nghi ngờ gì nữa đã làm phong phú thêm cho cuốn sách . Khi Vogel khám phá ra điều gì thật sự mới mẻ về chủ đề của ông, thì thường không phải là nhờ một tài liệu, mà đúng hơn là nhờ những người trong nội bộ đã chia sẻ cách nhìn của họ. Câu trích dẫn mà tôi ưa thích nhất là từ người con trai út của Đặng: "Cha tôi nghĩ Gorbachev là một thằng ngu."
Tất nhiên bạn có thể tranh cãi rằng lời nhận xét tình cờ này là hòn đá tảng trong toàn bộ câu chuyện của Đặng – và về những con đường đặc biệt khác nhau mà Trung Hoa và Liên Xô đã chọn. Năm 1956, đã ba mươi năm bước vào một sự nghiệp đầy biến cố quan trọng, Đặng là trưởng đoàn đại biểu Trung Hoa sang Moscow dự Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, đại hội mà Nikita Khrushchev đưa ra bản "báo cáo bí mật" cực kỳ quan trọng của ông về tệ sùng bái cá nhân Stalin. Giống như những đại biểu nước ngoài khác, đoàn đại biểu Trung Hoa không thật sự có mặt ở trong phòng họp khi Khrushchev đưa ra bản tổng kết đánh dấu kỷ nguyên mới, về các tội ác và thất bại cá nhân của Stalin, nhưng họ đã biết nội dung của nó từ khá sớm.
Vào thời gian bản báo cáo đó, Gorbachev vẫn còn là một chàng trai trẻ quá tự tin, sau này đã cố gắng tranh đua với những mưu đồ của Khruschev nhằm mở rộng tự do chính trị trong khi không hề từ bỏ nỗ lực vạch ra một chính sách kinh tế nhất quán. Đặng - vào thời gian bản báo cáo đó, đã là một quan chức dày kinh nghiệm với nhiều thập kỷ đấu tranh chính trị đẫm máu – đã rút ra kết luận ngược lại. Ông nhận ra rằng, nếu hệ thống chính trị của anh đối xử với các lãnh đạo của nó như những vị thánh, thì việc đưa họ trở lại tầm cỡ con người rất dễ tạo ra những tác động gây mất ổn định sâu sắc. Ngược lại, tốt hơn nên để các thánh tại vị trong khi tập trung mọi nghị lực của anh vào việc cải thiện cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Vì lẽ đó, khi Đặng lên nắm quyền vào những năm 1970, ông quyết định trước hết thúc đẩy kinh tế. Mặc dầu ông và hàng triệu người khác phải mang cái gánh nặng căm phẫn đối với Mao trong Cách mạng Văn Hóa, ông vẫn cam đoan bảo tồn địa vị của Mao như siêu anh hùng của nước Cộng hòa Nhân dân.
Nó tỏ ra là một chiến lược thành công một cách đáng kinh ngạc. Những cải cách mà Đặng và các đồng chí của ông trong đảng được đưa ra trong năm 1979 hóa ra là chương trình giảm nghèo lớn nhất trong lịch sử loài người. Trong ba thập kỷ qua, việc Trung Hoa đi theo đường lối thị trường đã đưa hàng trăm triệu người ra khỏi cảnh nghèo đói. Như Vogel viết, "Khi Đặng trở thành lãnh tụ kiệt xuất năm 1978, thương mại Trung Hoa với thế giới tộng cộng dưới 10 tỉ $. Ba thập kỷ sau, nó đã tăng lên một trăm lần."
Như vậy Đặng đã mở rộng phạm vi tự do cá nhân cho nhiều người Trung Hoa, ngay cả khi ông bảo vệ sự đi lên của Đảng Cộng sản một cách nhẫn tâm và trì hoãn những cải cách dân chủ cơ bản. Tháng Sáu 1989, Đặng chọn cách đàn áp các cuộc biểu tình của sinh viên ở Bắc Kinh và các thành phố khác bằng cách biểu lộ một sức mạnh tàn bạo từ đó đã làm nhơ thanh danh của ông ta. Nhưng cuộc giải phóng kinh tế vẫn tiếp tục, đặc biệt là vì ông đã chứng minh cho những người bảo thủ phê phán ông rằng ông là người bảo vệ Đảng. Như Vogel chứng minh nồng nhiệt, chuyến "Nam du" năm 1992, khi ông nói lời khen ngợi các Đặc khu Kinh tế mà ông đã khởi xướng từ cuối những năm 1970, khích động các nhà cải cách kinh tế khiến họ giành lợi thế quyết định trên đối thủ của họ. Người Trung Hoa không bao giờ quay trở lại, và ngày nay thế giới .ngạc nhiên trước những thành quả ấy
Đặng đã dùng nửa đầu của 76 năm sự nghiệp đời ông trong đảng như một tùy tùng của Mao – và ông theo chủ của ông có phần ung dung như một kỵ sĩ không màng tới cuộc sống con người. (Như Vogel nhận xét, trong những năm dài làm chính ủy trong quân đội ông đã có tiếng là người không ngần ngại nướng sinh mạng các binh sĩ dưới quyền khi cần thiết) Nhưng ở một nơi nào đó trên đường –  có lẽ là trong thảm họa Đại Nhảy Vọt lấy đi 45 triệu sinh mạng cuối những năm 1950 – Đặng đã đánh mất những ảo tưởng của ông về tính không thể sai lầm của chủ tịch. Năm 1961, Đặng đọc một bài phát biểu về lòng trung thành với đảng trong đó ông tuyên bố ông thần phục một câu tục ngữ ở Tứ Xuyên quê ông: "Mèo trắng mèo đen không quan trọng miễn là bắt được chuột." Đó là cách Đặng kêu gọi đảng đặt hiệu quả kinh tế lên trước tinh thần cách mạng, một lời kêu gọi mà Mao hiểu đúng như sự thách thức quan điểm của ông ta. Chính sự bất đồng ý kiến này khiến Đặng sau đó rơi vào khốn đốn xuýt mất mạng trong Cách mạng Văn hóa, và một lần nữa sau khi Chu Ân Lai chết năm 1976. Tổng cộng Đặng bị kẻ thù thanh trừng ba lần – và mỗi lần trở lại ông  nắm được nhiều quyền lực hơn.
Vogel đã hoàn toàn đúng khi bỏ nhiều công sức vào thời kỳ ngay sau khi Đặng trở lại chính quyền năm 1977, sau khi đảng tổ chức một cuộc lật đổ nổi tiếng người vợ góa siêu-giáođiều của Mao và những đồng bọn của bà ta ("Lũ Bốn Tên" khét tiếng). Tôi đã đếm được 263 trang trong số 928 trang Vogel dành cho việc mô tả những sự kiện năm 1978-1979, khi cuối cùng Đặng giành được địa vị lãnh đạo tối cao của Trung Hoa và bắt tay vào cải cách. Không nói công khai, Đặng lấy nhiều ý tưởng của ông từ những nước Đông Á khác để soi sáng con đường hiện đại hóa độc tài, hướng ra thị trường, trong đó (có lẽ là mỉa mai nhất) có cả "tỉnh phản bội" Đài Loan.

Người Mỹ theo bản năng thường gắn những giá trị thực nghiệm và cải cách với tuổi trẻ, nhưng Đặng đã ở giữa lứa tuổi 70 khi ông bắt tay vào những thay đổi ngoạn mục này. Vogel đã làm một công việc đầy thuyết phục là dựng lại vô số những sự kiện chính trị vụn vặt dẫn tới bước ngoặt đó.
Tuy nhiên ông thiếu thuyết phục khi dựng lại một số thời điểm kém sạch sẽ của Đặng với tư cách là một lãnh tụ. Chỉ nêu một ví dụ, Vogel miêu tả Phong trào Chống Phái Hữu năm 1957, trong đó Đặng giám sát [việc thực hiện] mệnh lệnh của Mao như một "cuộc tấn công độc ác vào khoảng 550.000 nhà phê bình trí thức bị chụp mũ phái tả" "đã hủy hoại nhiều trí tuệ khoa học và kỹ thuật giỏi nhất Trung Hoa và xa lánh nhiều người khác." Ông nói với chúng ta là "Đặng, bối rối rằng một số trí thức đã phê phán một cách kiêu ngạo và bất công các quan chức, những người đang phải xoay sở đối phó với những nhiệm vụ được giao khó khăn và phức tạp." Hả? Không có chỗ nào Vogel giải thích rằng các nạn nhân của chiến dịch đó bị tra tấn, bị bức tử, hoặc bị giam cầm nhiều năm trong các trại cải tạo hoặc bị lưu đày trong nước mà đôi khi nhiều thập kỷ sau mới chấm dứt.

Chắc chắn là có lý do chính đáng để nhà viết tiểu sử tập trung vào cách mà đối tượng của ông nhìn thế giới; chúng ta sẽ thiếu mất nhiều câu chuyện của Đặng nếu chúng ta chỉ nghe những người phê phán ông ta. Vấn đề ở đây là Vogel nghiêng quá xa về phía sau để giải thích logic của đảng, chẳng hạn cuộc đàn áp thẳng tay Thiên An Môn hay Tây Tạng, đến nỗi đôi khi trở nên khó hiểu tại sao có thể có người lại nghĩ khác được. Về một thời điểm đầu những năm 1980, khi Đặng bác bỏ một cách khắc nghiệt những cuộc thảo luận tự do từ các trí thức của Đảng, Vogel nghiêm túc thông báo với chúng ta rằng "Các quan niệm phương Tây về một Thượng Đế siêu việt có thể phê phán các nhà cai trị trên mặt đất không thuộc về truyền thống Trung Hoa." Có thể tôi bỏ sót một cái gì ở đây, nhưng Đặng và các đồng chí của ông ta đã bỏ cả cuộc đời để nhào nặn lại xã hội Trung Hoa theo những lý thuyết bí truyền của một trí thức Do Thái Đức. Quái lạ, bất cứ khi nào Vogel đưa chủ đề này ra, thì là đảng phải quyết định cái gì tạo nên những giá trị Trung Hoa. Các nhà phê bình cách này hay cách khác không bao giờ làm chuyện đó.

Vogel không phải lúc nào cũng sẵn sàng biện hộ cho người khác như thế. Ông có nhắc đến một số mặt đen tối của câu chuyện. Đúng là ông thường hơi rón rén đi quanh chúng. Ông mô tả việc Đặng leo lên địa vị lãnh đạo tối cao trong những năm 1978-1979, hoàn toàn không mỉa mai,  như một thời điểm mà "Đặng bắt đầu đẩy Hoa Quốc Phong sang một bên vì điều tốt cho đảng và đất nước." Ông bảo chúng ta rằng một số tài liệu phê phán đưa ra công bố trên Bức tường Dân chủ Bắc Kinh, nơi tinh thần đa nguyên xuất sắc được phép nở hoa trong vài tháng bắt đầu từ năm 1978 "được niêm yết bởi những thanh niên khác, những người được kích thích bởi tự do mới tìm được của họ, nhưng vì đã sống trong một xã hội đóng kín, thiếu kinh nghiệm và sự khôn ngoan để thông báo hoặc làm dịu đi những ý kiến phê phán của họ" Thật Nhân Dân Nhật Báo cũng khó mà viết hay hơn.

Chắc chắn là cho đến nay Vogel đã đi xa hơn ai hết trong việc kể câu chuyện về Đặng. Ông đáng được hoan nghênh về điều đó; ở đây có cả một kho tài liệu có giá trị mà có lẽ chúng ta không thể có được ở đâu khác. Nhưng nó vẫn không phải là toàn bộ câu chuyện. Tôi tự hỏi, nếu thế, liệu sau này có bao giờ chúng ta được nghe [toàn bộ câu chuyện] không?









_______________________________

* Bộ xương trong tủ áo: Những bí mật (xấu xa, đáng xấu hổ..) mà người ta cố gắng dấu kín

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét