Ngày nay chỉ có những
giáo sư triết học, mà không có các triết gia. Là một triết gia không phải
chỉ là có những tư tưởng siêu việt uyên áo, thậm chí cũng không phải là lập ra
một trường phái, mà là yêu sự thông thái đến mức sống theo những tiếng gọi của
nó, một đời sống đơn giản, độc lập, cao thượng, và tin tưởng. Đó là việc giải
quyết một số vấn đề của cuộc sống, không phải về lý thuyết, mà về thực tiễn.
Henry David Thoreau (1817 - 1862)
Cái
tên Trần Đức Thảo từ lâu có nhiều hấp dẫn với tôi. Người ta gọi ông là Triết
gia – Nhà triết học duy nhất hay số một của Việt Nam. Nhiều người thống nhất nhận
định Việt Nam ta xưa nay không có triết học, vậy thì với Trần Đức Thảo: Có một
nền triết học Việt Nam chăng? Trong đời thường, ông có dáng dấp một triết gia
theo quan niệm dân dã, (ngày trước người ta thường gọi những cái đầu bù tóc rối
như tổ quạ là đầu “phi lô dôp”) Theo những người được gần ông (Phùng Quán, Cao
Xuân Hạo..) kể lại, ta thấy ông sống chìm đắm trong suy tư, không màng đến những
gì xảy ra ngay xung quanh mình. Nhiều tác giả tên tuổi ở tây Âu, nhiều tạp chí
chuyên ngành gọi ông là philosopher –
nhà triết học. Người ta không chỉ gọi ông đơn giản là triết gia, mà còn là triết
gia chân chính, nhà triết học chiến đấu.. Ở Việt Nam, nhiều người hâm mộ ông,
nhưng tôi nghĩ họ chưa chắc đã đọc ông, mà phần nhiều hâm mộ danh tiếng của ông
và những giai thoại về ông. Một anh bạn nhà văn kể với tôi rằng ở Paris,
Jean-Paul Sartre có một căn phòng trên quảng trường, bốn mặt lắp kính để công
chúng “chiêm ngưỡng” Sartre, và trên bàn làm việc trước mặt Sartre, là bức ảnh chân
dung Trần Đức Thảo!
Nhiều người thích thú với câu chuyện Trần Đức Thảo đã “dám” tranh luận cả với Sartre, và đã thắng! Chuyện này ta sẽ nói sau, nhưng đọc những thư từ trao đổi với A. Kojève (1902-1968), [một nhà triết học có ảnh hưởng lớn ở Pháp vào những năm 1930, người chủ yếu đưa triết học Hegel vào Pháp] khi Trần Đức Thảo mới ba mươi tuổi (1948), ta thấy một tư thế tranh luận chững chạc của một tư duy triết học [tương đối] độc lập. Một điều chắc chắn là ở Việt Nam chưa có ai đi xa đến như Trần Đức Thảo vào những miền cô tịch của tư duy trừu tượng, và sử dụng một cách thuần thục như vậy các thao tác tư duy triết học. Trong một số khu vực hẹp của tư tưởng Hegel, Marx, Husserl, đã có thời, Trần Đức Thảo có một thẩm quyền nhất định.
Nhiều người thích thú với câu chuyện Trần Đức Thảo đã “dám” tranh luận cả với Sartre, và đã thắng! Chuyện này ta sẽ nói sau, nhưng đọc những thư từ trao đổi với A. Kojève (1902-1968), [một nhà triết học có ảnh hưởng lớn ở Pháp vào những năm 1930, người chủ yếu đưa triết học Hegel vào Pháp] khi Trần Đức Thảo mới ba mươi tuổi (1948), ta thấy một tư thế tranh luận chững chạc của một tư duy triết học [tương đối] độc lập. Một điều chắc chắn là ở Việt Nam chưa có ai đi xa đến như Trần Đức Thảo vào những miền cô tịch của tư duy trừu tượng, và sử dụng một cách thuần thục như vậy các thao tác tư duy triết học. Trong một số khu vực hẹp của tư tưởng Hegel, Marx, Husserl, đã có thời, Trần Đức Thảo có một thẩm quyền nhất định.
Bởi
vậy khi biết có một cuốn sách viết về những năm tháng cuối đời của Trần Đức Thảo,
và nhất là nghe trong đó hình như Trần Đức Thảo “có để lại một cái gì”.. tôi
hào hứng tìm đọc. Mặc ai tò mò muốn tìm điều gì giật gân theo sở thích của
riêng họ, còn tôi, tôi chi muốn theo dõi bước đường tư tưởng của Trần Đức Thảo.
Ban đầu, khi đọc (trên mạng) những trích đoạn của cuốn sách Trần Đức Thảo- những lời trăng trối của
Tri Vũ Phan Ngọc Khuê, Trần Đức Thảo nói
(chuyện với Lê Tiến) được ghi âm lại, tôi thấy khả nghi: lẽ nào một nhà triết học,
nói về một lí thuyết triết học, mà không có lập luận gì cả, chỉ nhắc đi nhắc lại
Marx sai, chính Marx đã sai, rồi Hegel sai, và Marx theo Hegel Marx cũng sai! Rồi
đập bàn, nóng này, giận dữ. Không có vẻ một nhà triết học, nhà nghiên cứu.
Nhưng
sau khi đọc cả tài liệu, đến đoạn cuối này như một bằng chứng, thì tôi thấy có
thể là thật. Thì ra trước đó tôi đánh giá Trần Đức Thảo cao hơn, hay nói cách
khác, kì vọng hơn. Và tôi buồn cho ông.
Cuốn
sách mỏng cho thấy một đoạn đời Trần Đức Thảo, đoạn cuối cùng, từ khi ông sang
Pháp đến khi chết. Người thuật lại có một
tình cảm quý trọng chân thành đối với Trần Đức Thảo, và tôi cảm ơn ông về điều
đó. Nhờ có cuốn sách mà chúng ta hiểu Trần Đức Thảo rõ hơn.
Cầm
trên tay cuốn Trần Đức Thảo- những lời
trăng trối, người đọc nghĩ gì? Chúng ta mong được thấy những suy tư triết học
của một người được coi là nhà triết học gần như duy nhất của đất nước, người do
một sự lắt léo của số phận mà thành “người quan sát trong cuộc” của cách mạng cộng
sản ở VN, và người cuối cùng đã phản tỉnh, đã nhìn thấy “mặt thật” và từ bỏ nó.
Con đường đau khổ, vật vã của tinh thần (‘le
chemin de tourment’ – tên một tiểu thuyết của Alexi Tolstoy) đã qua và những
suy tư của một đầu óc tầm cỡ triết gia như ông sẽ giúp cho nhiều người đi sau
thoát khỏi lầm lạc chăng? Bây giờ, cái gì là đúng cái gì là sai đã rõ ràng, nhưng
là nhà triết học, ông có thể giúp cho ta nhìn lại cái phương pháp, để trong
muôn vàn rối rắm, biết tách ra khỏi cái sai mà tìm về gần với chân lí. Kì vọng
của chúng ta đặt vào nhà triết học là vậy, chứ không phải những kiến thức rối
mù trong suy tư trừu tượng rút ra từ núi sách vở mà ông đã đọc.
Ta
gặp trong sách chuyện kể về những đoạn đời chủ yếu của Trần Đức Thảo từ khi về nước (1951) đến khi trở lại Pháp
(1992) những nỗi niềm, cay đắng, bức xúc, những băn khoăn, trăn trở, qua trải
nghiệm thực tế của nhà triết học. Lời thuật nói chung là khả tín. Một điều đáng
tiếc nhỏ, là đôi khi người thuật có xu hướng “tiểu thuyết hóa”, dường như là do
muốn bổ sung cho câu chuyện bớt sơ sài. Chẳng hạn chuyện kể CCRĐ: bắt rễ -
xâu chuỗi – họp đội
– xử án địa chủ, quá tỉ mi – là
cách kể của
nhà văn cho người đọc – không phải giọng
trò chuyện riêng, và thiếu
những nhận định khái quát.
Có những chi tiết đã nhiều người biết, như vụ xử bà Năm, nhưng vụ cố vấn
TQ nêu tấm gương ‘cụ Hồ xử bắn bà Năm’, tôi cho là không thực. Về
CCRĐ, điều mà tôi muốn biết là khi đó TĐT đã viết gì về CCRĐ, ý kiến
có tính triết học?
(Được biết TĐT có bài viết về CCRĐ, nhưng hình như ngoài những hệ lụy tồi tệ đối
với tác giả, bài viết không có tiếng vang đáng kể nào.)
Ngoài
ra trong sách có một số chi tiết không đúng thời điểm: Điện hạt nhân – xe lửa
cao tốc – khách sạn 5 sao, những vấn đề chỉ gần đây mới có: (Thảo ra đi 1993!).
Có những ý như “lãnh đạo tuyên bố hi sinh
đến người dân cuối cùng để chiến thắng,” “hi sinh đến giọt máu cuối cùng của người dân cuối cùng”[1]..dường như là những suy diễn quá trớn. (Nghe như câu
mà ta thường nghe ‘Mao muốn đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng’.)
Rất nhiều
chuyện “thời sự xã hội” mọi người đều biết, nêu ra không mang lại một giá trị
nào cả, vì nhà triết học cũng chỉ “ca cẩm” như những người khác, không có một
kiến giải độc đáo nào. Trong một rừng những điều tiêu cực ấy, Trần Đức Thảo đã
không tìm thấy cái gốc ở đâu. Cách nhìn của
ông là mặc nhiên chấp nhận hiện tại, rồi phê phán những xấu xa ngang trái lẻ tẻ của nó.
Ngay
trong những năm “Nhân văn Giai phẩm”, ông đã bị chụp mũ “xét lại”. Những quan
điểm của Trần Đức Thảo về chiến tranh và hòa bình trong những năm 1960 gần giống
với của nhóm
xét lại, nhưng trong
vụ án ấy, ông đã không bị liên can, vậy thời gian ấy Trần Đức Thảo ở
đâu, làm gì, đã viết gì?
Ông được mời nói
chuyện trước “trung ương” về đề tài này, nhưng những lập luận của ông cho thấy
dường như ông không hiểu lập trường của “phe cách mạng” về chiến tranh, và nói
chung, bạo lực. Đối với họ, chiến tranh đâu phải chỉ là tàn phá, chết chóc, đau
khổ, tụt hậu..? đối với họ, chiến tranh còn là (hay chính là) phương thức, là
cơ hội để đạt những mục tiêu “cách mạng” của họ. Là một nhà marxist, ông không
thể không nhớ câu nói của Marx, được Stalin nhắc lại: “Bạo lực là bà đỡ cho mọi
xã hội đang giở dạ đẻ”. Bài nói đó có lẽ chỉ thích hợp với một chính phủ dân tộc
không cộng sản.
Qua những trải nghiệm ấy, ta thấy được bước
đường tư tưởng của Trần Đức Thảo – “nhà triết học”. Đang là một nhà triết học
thuần túy tư biện, (hay đúng hơn là người “học rất giỏi” sau là giáo sư triết học,
nhưng chưa thấy Thảo có gì sáng tạo hay phát triển) trong trường biện chứng
Hegel và hiện tượng luận Husserl, nghiên cứu Marx và liên hệ với ĐCS Pháp, sau
khi Việt Nam độc lập, năm 1946 Trần Đức Thảo muốn xin về “giúp cụ Hồ xây dựng đất
nước”, nhưng không được, lần đầu tiên Thảo nếm mùi thất bại. Năm 1951 về nước,
cũng với tham vọng là nhà lí luận (tất nhiên là hàng đầu, nếu không nói số một)
của Đảng, trong cách mạng Việt Nam. Nghe nói ông muốn giảng dạy chủ nghĩa Marx
cho lãnh đạo, nhưng đó là một lầm lẫn ngây thơ và tai hại. Và từ đó đến cuối đời,
là thất bại cay đắng. Thất bại toàn diện. Và trong nhiều khía cạnh: đầu hàng. Một
người như Thảo có cơ may thành công không, trong tham vọng của mình? Có đấy,
nhưng với một điều kiện mà Thảo không có: cơ hội. Không phải cơ hội bên ngoài,
mà là bên trong: tính cơ hội. Thảo không có, đó là nguyên nhân không thành công;
về phương diện con người, đó là ưu điểm lớn nhất của Thảo.
Về
tư tưởng, Thảo nổi danh ở trong nước nhờ giai thoại về một cuộc “tranh luận” với
J-P Sartre. Nội dung tranh luận được hé lộ trong cuốn “Vấn đề con người và chủ nghĩa lí luận không có con người[2]”
(Lời nhà xuất bản): té ra Thảo bảo vệ chủ nghĩa Marx chống luận điểm của Sartre
“chủ nghĩa Marx không nhân bản, chủ nghĩa hiện sinh vô thần xin ứng làm nhân bản
học của chủ nghĩa Marx”. Đại khái Sartre coi chủ nghĩa Marx chỉ có ý nghĩa về
chính trị xã hội, còn chủ nghĩa hiện sinh mới là triết học. Lúc này Thảo chứng
tỏ mình đứng vững trên lập trường marxist, sự đứng vững này gần đến cuối đời
ông còn khẳng định. Ý tứ trong sách thì dường như Thảo thắng, phe Sartre thua.
Nhưng làm gì có thắng thua trong lí luận, bằng lập luận! Chính thực tiễn mới là
người phân xử. Và trong những ngày cuối đời, khi Thảo cứ một mực: “Marx sai, chính Marx đã sai”, tôi ước gì
lúc đó Trần Đức Thảo có thời gian để xem lại cuộc tranh luận ấy.
Ngoài
tham vọng làm nhà lí luận của cách mạng, sau này Thảo thổ lộ, ông muốn về nước
để được đắm mình trong hiện thực cách mạng, đem lí luận gắn với thực tiễn.
Nhưng cái thực tiễn ấy không chỉ khiến Thảo thất vọng não nề, mà còn đầy đọa
thân xác Thảo, dằn vặt tâm hồn Thảo. Tuy nhiên, những đau khổ của Thảo, cái vị
thế không có gì đáng nể của Thảo dù nhìn dưới góc độ nào, có nguồn gốc từ ngay
trong tư tưởng của “Thảo-nhà tư tưởng”. Ông thấy cán bộ “ấu trĩ - vụng
về - ngu dốt – tùy tiện – thô bạo”. Và ông cho là “do
nóng vội, thiếu kinh nghiệm” (dù
mục tiêu tốt/ đúng?), động
cơ là mong tiến nhanh đến mục tiêu. Thế còn bản thân “mục tiêu”? Vì đấy mới là vấn đề! Ông có thể
nhìn thực tế với lương tri
lành mạnh để thấy những tồi tệ của nó, những cái gọi là sai lầm (sai với cái
gì?) của nó. Nhưng một nhà triết
học mà chỉ nhìn
và suy nghĩ theo chủ quan, không thấy tính qui luật, không đi sâu đến
tận cùng bản chất của vấn đề,
không có khả năng đào
sâu vấn đề đến những gốc gác cùng kiệt của nó, thì không mong cống hiến được gì
mới cho nhận thức. Ông nhiều lần bực bội về sự “sùng bái” “ngu tín”,(obscurantisme) “cuồng tín” (fanatisme), nhưng ông cũng lại thường nghĩ “Marx có nói thế đâu” (ý
rằng sai lầm chỉ
trong thực hiện,
đã không làm theo Marx!),
nghĩa là Marx vẫn là chỗ dựa bất di bất dịch, một sự sùng bái không phải trong
lời nói, mà trong suy nghĩ và hành động. Trần
Đức Thảo là một người marxist nguyên chất, thất bại của Trần Đức Thảo trước hiện
thực cách mạng, theo một nghĩa nào đó, là thất bại của chủ nghĩa Marx.
Tên
tuổi Trần Đức Thảo được gắn với “nhóm Nhân Văn Giai Phẩm” bị đảng lên án và bị
đẩy ra ngoài lề suốt phần đời còn lại, nhưng khi đọc những ý kiến của ông tôi
hoàn toàn thất vọng. Nếu tên tuổi của ông còn lại với lịch sử, thì chính là
“còn lại chút này”. Người ngoài cuộc đã có ý kiến đánh giá cả nửa thế kỉ rồi,
nhưng không hề thấy một nhận định khái quát, sâu sắc nào của nhà triết học,
trong cuộc.
Về
thái độ sống, ông sống co ro trong sợ hãi (nhờ sợ hãi mà còn tồn tại), thu
mình, (bị bắt phải) tuân phục; cố tỏ ra sùng bái cụ Hồ (không thành tâm). Ông
đã không sống đích thực (mà làm sao đích thực được, trong một thân phận như thế),
và không thoát khỏi chữ “ngụy tín” (mauvais foi) của Sartre: không dám nhìn thẳng
vào sự thật, vào thân phận mình, và biện hộ cho thất bại của mình bằng nhiều
cách khác nhau. Ông có một niềm tin – học thuyết Marx, ông tin rằng ông nắm vững
nó hơn mọi người, nhưng rồi ông đã bị đánh bởi chính những con người nhân danh
kiên định với lòng tin ấy. Ông đã tin vào “chuyên chính vô sản” và hăng hái nhiệt
thành chứng minh, biện hộ cho nó (không ư?), có khi nào ông thấy mình đang là một
nạn nhân “đích thực” của cái CCVS ấy không?
Trong
truyện Tây Du Kí có chuyện Tôn Ngộ Không vẽ một cái vòng trên mặt đất, để bảo vệ
thày trò Đường Tăng nếu đứng trong đó và không ra khỏi vòng. Cuộc đời Trần Đức
Thảo cũng có một cái vòng như thế, mà ông chưa bao giờ có ý định bước ra khỏi:
hệ tư tưởng Marx Lenin! Nguồn gốc mọi bi kịch mang tên Trần Đức Thảo là ở đó.
Ông
đọc những tác phẩm hiện đại về tư tưởng bác bỏ Marx, với tâm thế phê phán, như
ngày nào ông phê phán Sartre, trên lập trường Marx Lenin. Đơn giản: ông không
bước ra khỏi vòng. Ông cũng nhận thấy giai cấp thống trị, đặc quyền đặc lợi
đang hình thành, nhưng vẫn “kiên trì lập trường cách mạng”. Ông thấy các nghệ
sĩ “nhân văn” đòi tự do sáng tác, tự quản văn nghệ là đúng, nhưng vẫn say sưa
suy tư biện luận, bảo vệ, cải tiến “chủ nghĩa”.
Vào
cuối thập kỉ 70, Trần Đức Thảo có viết bài phê phán chủ nghĩa Mao (chắc theo đặt
hàng của đảng). Cuối thập kỉ 80, (hình như ?) ông có viết bài bác bỏ Hà Sĩ Phu.
Và trong những năm đầu thời kì đổi mới kinh tế, ông có bài trên báo Nhân Dân,
chứng minh “chủ nghĩa tư bản,” Mỹ, Nhật vẫn là bóc lột. Những bài viết đóng góp
cho Trung ương, cho Sài gòn, chỉ là góp ý sửa chữa, điều chỉnh chính sách
(không biết có được nghe không?). Cuốn “Vấn đề Con người và Chủ nghĩa Lý luận
Không có Con Người”: chống giáo điều, chống chủ nghĩa cá nhân!
Khi còn ở Pháp, Trần Đức Thảo tự do tranh luận
với các nhà triết học thuộc các trường phái khác nhau, trong đó có cả các bậc
thầy của Thảo. Họ cư xử với Thảo bằng sự kính trọng của trí thức. Về nước,
không ai tranh luận, thảo luận với Thảo cả. Chỉ có những bài báo chửi mắng xỉ
nhục Thảo, gọi Thảo là phản động. Ông hầu
như bị tách rời khỏi sự phát triển tư duy của thế giới. Thảo và Tụ đều xuất
phát từ sự hình thành của con người. Nhưng tư duy Tụ là phương pháp, còn Thảo
là sùng bái, nên vẫn lẩn quẩn trong vòng Tôn Ngộ Không: biện chứng! Duy vật sử
quan!
Trần Đức Thảo phê phán quan điểm “Đảng không bao giờ sai lầm” là “biện chứng duy tâm”? Nói đảng “duy nhất
đúng” là gian dối về lý luận! Nhưng
“không bao giờ sai lầm/duy nhất đúng” sao lại là biện chứng, nó là siêu hình chứ!
Bởi vì nếu có một cái gì duy nhất đúng, tuyệt đối đúng, thì nó mâu thuẫn ngay với
qui luật biện chứng: phủ định của phủ định. Cái tuyệt đối đúng là chấm hết của
mọi sự phát triển! Nếu Newton tuyệt đối đúng thì sẽ không bao giờ có Einstein. Và
khoa học ngày nay đã đi đến nhận thức này: nếu một lý thuyết có tính khoa học,
thì nó phải có đặc điểm này: là nó có thể sai! Tính “có thể sai” là một dấu
chỉ của tính khoa học! Một cái gì không thể sai có thể là cái gì khác, như tôn
giáo chẳng hạn, nhưng nhất thiết không thể là khoa học. Còn “duy tâm” ư, duy tâm chỗ nào? Tôi nghi ngờ
ý tưởng này của nhà triết học.
Những
phân tích của Thảo không hơn những người khác. Sức mạnh lí luận trong những cái
Thảo viết không đáng sợ, vì né tránh trực diện, né vấn đề cơ bản. Và vì vẫn
“trong vòng”.
Tôi cho
rằng những trí thức cũ, người Kháng chiến cũ không thể nghe Thảo: vì nhận thức
của họ cao hơn Thảo, đi trước Thảo. Vì họ không bị vướng.
Trong
thời kì đổi mới kinh tế, Thảo thể hiện thái độ ghét tư bản nói chung: CNTB man
rợ ở phương Tây đem lại? Đau lòng vì đô la Mỹ tung hoành? Độc lập về kinh tế?
Ông buồn vì đất nước ngả sang kinh tế thị
trường “của khối tư sản” [vẫn “phe ta/phe địch”]
CNXH theo định hướng thị trường!
vẫn cai trị theo kiểu cũ (CNXH) nhưng theo một thứ CNTB mới rất tàn nhẫn
Nếu Marx
đúng khi phê phán tư bản thì phải lấy Marx để
phê phán chế độ tư bản “rừng rú” (mói mọc lên ở VN) này chứ. Ai phân
tích hay hơn Marx về kinh tế hàng hóa?
Những nhận
thức đơn giản ban đầu, chưa đào sâu. Ông đứng ở hàng đầu về lí luận Marx. Đằng
sau quay: ông ở cuối! Đứng trong vòng nhận thức luận marxist, tầm nhìn của Trần
Đức Thảo rất hạn hẹp.
Mấy
cơ sở mà Trần Đức Thảo hay dựa vào: biện chứng, duy vật sử quan. Phép biện chứng
Hegel đã bị Karl Popper phê phán đáo để, điều quan trọng nhất mà Popper vạch
ra, là nó dành đất cho ngụy biện, và từ ngụy biện mới đi đến kết luận “không
bao giờ sai”. Duy vật sử quan đã tỏ ra sự bất lực và thiếu căn cứ của nó. Phải
tìm một sử quan mới! Đâu? Trần Đức Thảo đã bao giờ nghĩ đến điều này chưa?
Khi nhận
ra cần thay đổi thì đã muộn! Đáng buồn! Ông luôn mồm Marx sai, cả Marx cũng sai! Nhận ra Marx sai từ
bao giờ? Cuối 1992! Cái nóng nảy của ông
chứng tỏ đó là cơn bức xúc khi vừa mới ngộ ra, nóng lòng muốn thổ lộ.
“Marx
đã bị bỏ lâu rồi,nhưng ở ta vẫn dùng làm bình phong”
Người
ta bỏ Marx không phải vì người ta không yêu Marx nữa, mà vì nếu cứ tiếp tục
theo các định đề cũ, thì người ta sẽ đi vào ngõ cụt. Chính thực tiễn mở mắt cho
người ta, bắt người ta phải nhìn lại lý thuyết. Một nhà triết học thì không bức
xúc vì cái trước mắt, nhà triết học là phải có viễn kiến, phải có khả năng dự
báo. Tôi cho rằng Trần Đức Thảo bị trễ so với thời đại là do ông cứ bám chặt
vào những định đề cũ, và, quan trọng hơn, phương pháp suy tư của ông đã không
còn thích hợp, nó làm ông thất bại không đi đến được những kết luận khái quát
hơn có tầm thời đại.
“Trên thân phận của Mao còn cái bóng vĩ đại rất
ám ảnh của Marx” (sic) !? Làm gì có! Với Mao, Marx là gì? Chỉ là dụng cụ
thôi! Nhưng trong câu này, nếu thay chữ Mao bằng chữ Trần Đức Thảo, thì lại
đúng!
Chê Đặng
Tiểubình vẫn giữ “Hồng và Chuyên” “Hồng
mà dốt và gian thì hỏng hết”: hóa ra “hồng” (mà giỏi) là tốt, chỉ có dốt (tức
không “chuyên”) là hỏng. Nhưng người ta nói “hồng và chuyên” cơ mà.
Cuốn
sách kết thúc bằng cái chết buồn thảm của nhà triết học và những chuyện trớ
trêu xung quanh nó. Nghe nói Trần Đức Thảo có để lại nhiều di cảo, chắc mọi người
sẽ háo hức muốn biết ông đã để lại di sản nào cho dân tộc và cho nhân loại.
Nhưng khi đọc đến đoạn cuối sách, đoạn Trần Đức Thảo nói về tham vọng của ông
xây dựng một tòa lâu đài cho toàn nhân loại, công bằng, nghiêm minh, trong đó
ai cũng sống hạnh phúc, thì tôi ngậm ngùi cay đắng. Cái mà ông để lại cho đời là
một giấc mơ, lần đầu tiên Trần Đức Thảo là người mơ tưởng! Và ông tin nó khả
thi, và ông tin nó không thể sai! Ôi!
Gấp
quyển sách lại, tôi buồn. Thương ông, một cuộc đời bị đày đọa, một bộ óc thông
minh nhưng cả cuộc đời chẳng biết có ích cho ai. Cái bi kịch trí thức của ông
là điển hình của những trí thức ấu trĩ ngây thơ trước thực tiễn đầy hung hiểm,
bị rơi vào một cái bẫy vùng vẫy không thoát ra được, hay tự lấy dây quấn chặt lấy
thân mình nên càng dẫy dụa càng bị thắt chặt, và đến khi thoát ra thì đã muộn,
quá muộn rồi.
10 March – 20 April, 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét