“Làm thế nào anh có thể là một người vô thần chiến đấu? Nó chẳng khác
nào ngủ một cách hung hăng.”
Decca Aitkenhead
Guardian.co.uk, Chủ
nhật 3/4/2011HIẾU TÂN dịch
Trong cuốn sách mới của ông “Quyển Sách Tốt: một kinh
thánh thế tục” nhà triết học đưa ra những tuyên ngôn về tư duy hợp lý. Ông nói
chuyện về tại sao tôn giáo làm cho ông tức giận, về sức mạnh của triết học, và
cái bờm tóc của ông.
Trong bộ ba vô tín ngưỡng của
các nhà vô thần chuyên nghiệp, AC Grayling luôn luôn có xu hướng được coi như
một viên cảnh sát hiền từ. Không có dáng vẻ lạnh lùng như Richard Dawkins[1],
không hung hăng gây gổ như Christopher Hitchens, Grayling tiếp cận cuộc tranh
luận về Thượng Đế với lối chọc tức nhẹ nhàng hấp dẫn hầu như có thể - nhưng
không bao giờ nên - bị nhầm là hòa giải. “Vâng, tôi là loại nhung” ông lặng lẽ
cười thầm.
Bởi vậy ông khăng khăng nói
rằng quyển sách mới của ông không cùng một loại như những cuốn Thượng Đế Đánh Lừa và Thượng Đế của Hitchens Không Vĩ đại.
“Không, bởi vì nó không chống tôn giáo. Không có một sự cố nào về từ “Chúa”,
hay thế giới bên kia, hay bất kỳ cái gì giống như thế. Nó không công kích tôn
giáo, nó là một quyển sách tích cực, không có cái gì tiêu cực trong đó. Người
ta có thể nghĩ là nó chống tôn giáo - nhưng không phải.” Nhưng sau đó ông nói,
với một cái nháy mắt tinh quái: “Tất nhiên, có lẽ điều thật sự giúp nhiều cho
quyển sách này ở Mỹ là nếu có ai đó bắn tôi.”
Mong sao không thể có chuyện
đó, nhưng Grayling hầu như chắc chắn đang làm bối rối rất nhiều người Cơ đốc
giáo, vì những gì ông đã viết là một cuốn kinh thánh thế tục. Cuốn Sách Tốt
phản chiếu Kinh Thánh cả về hình thức và ngôn ngữ, và như tác giả của nó nói,
là “tham vọng và xấc xược - một tinh túy của điều tốt nhất đã được nghĩ đến và
nói đến, bởi những người thật sự trải nghiệm cuộc sống và suy nghĩ về nó.” Rút
ra từ những văn bản thế tục kinh điển từ đông sang tây, Grayling đã làm đúng
như những người tạo ra Kinh Thánh đã làm với những văn bản thiêng liêng ấy,”
làm lại chúng thành một “kho báu tuyệt vời của nhìn thấu và an ủi và cảm hứng
và nâng cao và hiểu biết trong những truyền thống không tôn giáo vĩ đại của thế
giới.” Ông đã làm việc cho tác phẩm này trong nhiều thập niên, và kết quả là
một tuyên ngôn uyên bác ngông cuồng về tư duy hợp lý.
Thật ra mọi thứ về Grayling
đều là thông thái ngông cuồng cả. Tôi gặp ông ở ngôi nhà phía nam London, trong đó ông ngồi
giữa những chồng sách rung rinh, những tòa tháp nghiêng lớn của học vấn, và
cuộc nói chuyện liên tục chệch hướng sang mốt gia sư thông thái rởm. Bắt gặp
tôi liếc nhìn một trong mấy tập sách mang nhãn Thuyết hiện tượng phụ, ông chuyển ngay sang giải thích chi tiết về
khái niệm này - nhưng rồi vui vẻ ngưng ngay khi con chó của ông bước vào nằm
cuộn tròn dưới chân ông.
“Ố ồ, trông mày kìa, Misty!”
ông cười lục khục, cúi xuống vuốt lưng con chó. “Ố ồ, mày thích thế này, phải
không? Sao mày không ra ngoài chơi? À, mày muốn ở lại đây để được phỏng vấn chứ
gì ? Ồ, mày trả lời phỏng vấn rất hay, đúng không?” Rồi chỉ một lát sau chúng
tôi đã quay trở lại với đề tài gia sư. “Nếu cô không cẩn thận “ ông mỉm cười,
tôi sẽ giải thích những thuật ngữ có thể thay thế lẫn nhau và tham chiếu chung salva
veritate[2],
và chắc chắn là ông làm.
Ông nghĩ những ai sẽ đọc Quyển
Sách Tốt? “ Ờ, tôi đang tuyệt đối hy vọng mọi con người trên hành tinh này.”
Ông chắc chắn rằng rất nhiều người sẽ tự hỏi ông nghĩ ông là ai mà dám viết một
quyển thánh kinh, nhưng có vẻ ông không thấy quá bối rối với chuyện ấy. “Sự
thật là quyển sách đã được viết một cách rất khiêm tốn. Vợ tôi đã đưa cho tôi
một tấm thẻ,” ông cười rúc rích, “ghi rằng: ‘Tôi từng là một người vô thần cho
đến khi tôi nhận ra tôi là Thượng
Đế!’ Và tôi biết rằng trên những mảnh đất Monty Pythonesque rất có khả năng năm
thế kỷ nữa tôi sẽ là một thượng đế do kết quả của điều này.” Ông lại nén tiếng
cười một chút. “Nhưng chắc chắn bây giờ tôi không cảm thấy thích một thượng đế,
chắc chắn đấy.”
Những chuyện cười nho nhỏ và
tác phong dễ mến của Grayling có thể làm cho ông hoàn toàn vui vẻ hồn hậu nói
về tôn giáo, những lúc ông cố nén tiếng cười về “những đàn ông mặc váy ” và
“tin vào những cô tiên ở cuối vườn”, và ném ra lời chế nhạo khôi hài như “Anh
có thể thấy chúng tôi không còn thật sự tin vào Chúa nữa, bởi vì tất cả các ống
kính camera CCTV[3] lúc nào
cũng chĩa vào chúng tôi.” Nhưng khi tôi nhận xét rằng ông có vẻ thấy vui thích
về tôn giáo hơn là tức giận với nó, ông nói nhanh: “Không, nó thật sự làm tôi
tức giận, bởi vì nó gây ra rất nhiều tai ương và bất hạnh.”
Chẳng hạn ông rất bực mình với
câu hỏi trong cuộc điều ra dân số ngày nay hỏi “Tôn giáo của anh là gì?” Hội
Khoa học Nhân văn Anh vừa mới tiến hành một cuộc điều tra trong đó các đối
tượng được hỏi có theo tôn giáo không - 65% trả lời không. Nhưng sau đó hỏi
“Tôn giáo của bạn là gì?” 61 % cũng chính những người đó trả lời Cơ Đốc giáo.
“Cô biết không, họ nói: ‘À bình thường tôi nghĩ tôi là người Cơ Đốc’. Nhưng hai
phần ba dân số không tự coi họ là người có tôn giáo! Như vậy chúng ta phải cố
gắng thuyết phục toàn thể xã hội nhận ra rằng các nhóm tôn giáo là các nhóm lợi
ích tự quyền, chúng tồn tại để khuyến khích các quan điểm của chúng. Mà trong
một xã hội tự do dân chủ thì họ có mọi quyền để làm điều đó. Nhưng họ không có
quyền nào lớn hơn người khác, bất kỳ chính đảng nào hoặc Hội Phụ nữ nào hoặc
công đoàn nào. Nhưng vì những lý do lịch sử, họ có ảnh hưởng bành trướng quá
lớn - những trường học theo tín ngưỡng, truyền thông tôn giáo, các giám mục
trong Thượng Viện, sự hiện diện của tôn giáo trong mọi sự kiện công cộng. Chúng
ta phải đẩy chúng trở lại đúng tầm cỡ của chúng.”
Theo Grayling, những người vô
thần chia ra ba loại chính. Có những người đối với họ sự phản đối thế tục với
địa vị đặc quyền của tôn giáo trong đời sống xã hội là động lực những mối quan
tâm của họ. Rồi có những người, “như ông bạn thân Richard Dawkins của tôi”,
quan tâm về nguyên tắc đến những vấn đề siêu hình học về sự tồn tại của Chúa.
“Và tôi có thể nói chắc rằng có một vấn đề thực chất về niềm tin vào cái giả
dối.” Nói cách khác, ngay cả nếu tín
ngưỡng của một người không làm hại đến ai, thì Grayling vẫn không thích nó.
“Nhưng điểm thứ ba là về đạo đức của chúng ta - chúng ta sống như thế nào,
chúng ta đối xử với nhau ra sao, một đời sống tốt đẹp là như thế nào. Và đó là
vấn đến mà tôi thật sự bận tâm nhất.”
Chỉ trong thập niên vừa qua ba
tuyến tư tưởng này đã phát triển thành một chiến dịch công khai chống lại tín
ngưỡng - nhưng theo Grayling không phải là những người vô thần đã gây ra sự đối
đầu ấy. “Lý do tại sao nó trở thành một vấn đề lớn là do tôn giáo đã lớn giọng
lên (tăng volume) bởi họ đang đứng trên chân sau. Ảnh hưởng của tôn giáo đang
yếu đi, rõ ràng, và đang giảm về số lượng. Lý do tại sao có cuộc tranh cãi về
nó sôi nổi như thế là: con thú bị dồn vào chân tường, kẻ thua trận, bắt đầu lớn
tiếng.”
Tuy nhiên, ngay cả nếu điều đó
là thật, thì phong trào vô thần đã bị kết án là tự bắn vào chân mình vì đã dùng
một giọng điệu quá hung hăng làm cho những người vốn có thể ủng hộ trở nên xa
lánh, và làm cho cuộc vận động tôn giáo mạnh lên. Tôi hỏi Grayling ông có nghĩ
trong lời buộc tội ấy có gì là đúng không, ông nghe một cách kiên nhẫn và nhã
nhặn, nhưng sau đó gạt bỏ nó bằng một cái lắc đầu.
“Ờ, trước hết, tôi nghĩ những
lời buộc tội về tính đấu đá và trào lưu chính thống tất nhiên đến từ những đối
thủ của chúng tôi, những người hữu thần. Câu trả lời của tôi là nếu có điều
kiện họ đã thiêu sống chúng tôi trên giàn hỏa. Tất cả những gì chúng tôi làm là
nói thẳng thừng huỵch toẹt cả ra và họ không thích thế,” ông cười. “Bởi vậy
chúng tôi nói thẳng thừng huỵch toẹt, và cái chương trình nghị sự đáng kính bây
giờ biến mất, họ không còn còn có thể khua môi múa mép đằng sau tấm màn mờ nữa,
‘Ôi ôi, tôi có tín ngưỡng vậy nên anh không được xúc phạm tôi.’ Bởi vậy họ
không thích nói thẳng thừng. Nhưng chúng tôi không thiêu sống họ trên giàn hỏa.
Họ phải nhớ rằng nếu tình thế ngược lại sẽ là một vấn đề nghiêm trọng hơn
nhiều.
“Và ngoài ra, thật thế.” Ông
cười thầm nhẹ nói thêm, “Làm thế nào anh có thể là một người vô thần chiến đấu
được chứ? Làm sao anh có thể trở thành một người không-sưu-tầm-tem có tính
chiến đấu được? Đây thật sự là cái mà nó phải đi đến. Anh đơn giản không sưu
tầm tem. Vậy làm thế nào anh có thể là người không sưu tầm tem chính thống
được? Nó giống như ngủ một cách hung hăng. Đơn giản là nó sai.”
Nếu quả thực Grayling có một
niềm tin kiên định nào đó, thì đó là tất cả chúng ta có khả năng hiểu triết
học. Ông lớn lên trong một gia đình thực dân ở nơi mà bây giờ là Zambia,
ở đó mối bận tâm chính của người lớn là ngoại tình, thả lỏng cho ông tự do vùi
đầu vào sách vở. Ông đọc Plato lần đầu năm 12 tuổi, và nói một cách nồng nhiệt
“mọi người có thể đọc Đạo đức học cho
Nichomachus của Aristotle trong bồn tắm, nó thật tuyệt diệu!” mặc dầu tôi
ngờ rằng ý tưởng của ông về sự dễ đọc không giống như của bạn hay của tôi.
Là tác giả của 30 đầu sách,
ông là giáo sư triết ở Đại học Birbeck ở London, và phụ giảng ở Đại học St
Anne, Oxford đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nhưng có
lẽ mô tả ông hay nhất là câu nói có thể làm người Anh này khó chịu - trí thức
của công chúng.
“Tôi dùng hơn một nửa đầu sự
nghiệp của mình trong tháp ngà để viết triết lý chuyên môn, nhưng tôi nhận ra
từ rất sớm rằng triết học hàn lâm là một phần rất nhỏ hẹp của lĩnh vực này. Đây
là một trong những quan niệm lớn của tôi: rằng triết học thuộc về mọi người.
Cho đến cách đây 100 năm triết học vẫn thuộc về mọi người. Tiếc thay ngày nay
nó chứa đầy biệt ngữ và kinh viện, nên nó đã trở thành quá chuyên môn. Nhưng có
nhiều cái tôi viết ra đã cố gắng chứng minh cho mọi người rằng đây là một phần
của cuộc trò chuyện mà loài người tự nói với mình, về tất cả những câu hỏi lớn.
Tất cả chúng ta là những con khỉ thông minh, 99% chúng ta có khả năng hoàn hảo
để hiểu điều này, và tôi cảm thấy tin tưởng một cách có lý rằng nếu có đủ thời
gian và máy chữ tôi có thể giải thích hầu hết những gì diễn ra trong triết học
chuyên môn, cho một người hoàn toàn chưa có nền tảng gì trong môn này.
Trong thế giới triết học có
một bè phái khinh thường tỏ ra không tin vào cố gắng đưa môn này đến với công
chúng rộng rãi hơn không?
“Ồ, tôi hoàn toàn chắc chắn
điều đó. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng thái độ đó theo thời gian đã biết điều hơn
một cách đáng kể. Từ 10 đến 15 năm trước, khi tôi bắt đầu là làm việc này, tôi
chắc chắn có nhiều kẻ khịt mũi khinh thường” Tuy nhiên một lát sau, ông khịt
mũi đôi chút, khi tôi nhắc đến các tác giả ăn khách mà ông mô tả như những
triết gia giả hiệu.
“Hừm, ừ, [Alian] de Bottons và
vân vân,” Gryaling lầm bầm hơi buồn bã. “Anh ta là một anh chàng dễ thương
tuyệt vời, nhưng không phải nhà triết học. Đó là một thứ người vô dụng. Điều
làm tôi lo ngại là một ai đó sẽ đi vào đó và nghĩ “Ồ, đây là một cơ hội để suy
nghĩ và tìm ra một cái gì” và sau đó thấy rằng nó thật sự rất nông cạn không có
gốc rễ. Và tôi nghĩ rằng những người làm những loại việc đó nên thật sự làm một
việc gì đó và lao mình vào cái gì đó nghiêm túc, thì sau đó họ sẽ không mắc
nhiều sai lầm khi đến lúc phải cố gắng giới thiệu nó cho những người khác.”
Không ai có thể nghi ngờ rằng
Grayling đã “thật sự làm một việc gì đó.” Lần đầu tiên ông nghĩ đến Quyển Sách
Tốt là khi còn là sinh viên đại học, và chắc chắn nó giống như một tác phẩm của
một người nghiện làm việc đích thực. “Tôi nghĩ cả nhà tôi sẽ nói tôi là một kẻ
nghiện việc ở một mức độ nào đó” ông đồng ý, mỉm cười hài hước. Ông sống với
người vợ thứ hai, một nhà tiểu thuyết, và đưa con gái 11 tuổi của họ, nhưng
cũng có hai đứa con đã lớn từ cuộc hôn nhân đầu, và người ta không thể không
nghĩ rằng tất cả bọn họ đã giúp ông liên lạc với một thế giới không đọc Plato
từ năm 12 tuổi.
Ông cho rằng sự nghiện việc
của ông là do cái chết của người em gái ông, bị giết ở Nam Phi khi cô 20 tuổi.
Tình cảm của ông đối với lục địa của tuổi thơ ấy, và về cái chết của người em
gái, là nỗi đau đớn nhạy cảm đến nỗi mãi đến năm ngoái ông mới có thể ăn đôi
chút hoa quả nhiệt đới. “Tôi chỉ có thể bắt đầu ăn một vài miếng xoài,” ông khẽ
nói.
Đây là một khoảnh khắc hiếm
hoi khi trí óc hợp lý của Grayling để lộ ra một tia le lói của một cái gì đó có
tính xúc cảm chủ quan hơn. Nhưng tất nhiên, phần lớn cuộc sống và những xét
đoán của con người ta đâu có phải được dẫn dắt bằng lý trí nghiêm ngặt - là cái
phải làm ông phát khùng. Bởi vậy tôi tự hỏi ông nghĩ gì về sự ngoan cố của loài
người cứ gắn vào những thôi thúc không lý trí như thế.
“Tôi nghĩ họ đang thất bại
trong trách nhiệm của họ đối với bản thân như những con người có trí tuệ. Nhưng
không phải là có trí tuệ đầy đủ. Nếu bạn thật sự thúc ép họ, bằng cách hỏi họ:
liệu bạn có vui lòng để cho những người chế tạo chiếc máy bay mà bạn đi dùng lý
trí không? Bạn có vui lòng để cho các phi công được đào tạo theo lý trí không?
Bạn có vui lòng không khi bác sĩ hoặc người lái tàu nghĩ về những việc họ làm
và sử dụng lý trí? Và họ sẽ nói có. Khi đó bạn nói “Được, tốt thôi, nếu đã thế thì áp dụng điều
đó cho cả cuộc sống của chính bạn nữa được không?”
Chúng tôi kết thúc, và tôi có
một câu hỏi nữa. Tôi ngập ngừng, rồi đánh liều hỏi tôi có thể hỏi về tóc của
ông không?
“Ôi Trời, tóc của tôi.”
Ông luôn được người ta miêu tả
như một triết gia tóc bờm sư tử, do đó tôi tò mò muốn biết ông làm thế nào giữ
được mái tóc tuyệt diệu đó. “À, tôi không thật sự dùng nhiều sản phẩm,” ông nói
“trông nó phải giả tạo lắm, nhưng không, và tôi phải dùng nhiều keo cho nó. Tôi
dùng một ít keo để giữ nó ở trên đây - tôi không biết nhãn hiệu của nó là gì,
nó là một thứ như keo xịt tóc. Tôi muốn nói mọi thứ keo dính đều được cả, chỉ
là để giữ cho trán cao lên thôi.”
Tuy vậy nó cần chú ý nhiều
lắm, đúng không? “Không, không nhiều lắm, nhưng tôi tốn nhiều keo cho nó. Cô
biết không, hồi những năm 60 tôi có một mớ tóc rất, rất dài, và nó làm tôi rất
vướng víu. Nhưng mấy năm trước tôi nói với mấy đứa con tôi, rằng tôi sắp cắt mớ
tóc của tôi đi, tôi vẫn bôi tất cả cái keo này lên nó, - tôi sắp cắt trụi cả mớ tóc của tôi đi,
chúng nó bảo: “Không! Trông cha không giống cha nữa, như thế sẽ không còn là
cha nữa.”
Ông nói ông không hề có ý tự
đắc, nhưng ông đúng là trông giống một người chăm sóc kỹ lưỡng diện mạo bề
ngoài của mình. “Ô, vâng, cô thật là tử tế đã nói thế” ông mỉm cười “tôi không
tự ý thức hay nhận biết về bản thân mình. Tôi chỉ tạo ra một ấn tượng sai với
kiểu tóc này. Điều này nói ra có thể là kỳ cục, tôi chắc rằng các nhà tâm lý
học sẽ chụp lấy cái này, nhưng thật ra - ờ, thật ra tôi phần nào không tồn tại.
Phần còn lại của thế giới có tồn tại, và tôi thật sự quan tâm đến nó. Nếu có
một nhóm người ngồi quanh, và tôi nghĩ về nó sau đó, tôi luôn luôn quên không
nhớ được rằng tôi có ở đó, nếu cô hiểu tôi muốn nói gì.”
Vậy khi ông nhìn thấy ông
trong những bức ảnh chụp cả nhóm ?
“Ồ, tôi ngạc nhiên thấy tôi ở
đó! Vâng rất ngạc nhiên.”
Bản tiếng Việt: Hiếu Tân 050411
[1] Xem: Phỏng vấn Dawkins: http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?
TPID=
15330&LOAIID=34&LOAIFID=5&TGID=1303
[2] Những thuật ngữ có thể đổi lẫn cho nhau mà không làm
thay đổi giá trị đúng của bất cứ câu phán đoán nào chứa chúng (Ví dụ : Hình tam giác và hình ba cạnh)
[3] Camera theo dõi (ví dụ trong các siêu thị, ngân hàng
..)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét