Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Trò chuyện với Philip Roth



 Philip Roth:

'Không còn cảm thấy việc tôi phải chết là cái gì bất công ghê gớm lắm'

Martin Krasnik
The Guardian, 14/12/2005

      Hiếu Tân dịch . 2011



Philip Roth: 'Tôi không mỉm cười'.

Philip Roth hiếm khi trả lời phỏng vấn, và tôi nhanh chóng tìm ra tại sao. Không phải là ông khó chịu hay thô lỗ, ông chỉ không muốn phát chán với những câu trả lời cho cùng những câu hỏi lặp đi lặp lại hoài. “Anh định nói về chuyện gì?” Roth hỏi, và ông ngồi xuống. Tôi đã cảm thấy ngay đây là một công việc khó nhằn. Vào tháng Chín, New York Times phỏng vấn ông về việc tác phẩm của ông được The Library of America (Thư viện Hoa Kỳ) xuất bản. Chỉ có hai tác giả khác (Eudora Welty và Saul Bellow) đã đạt được vinh dự ấy lúc còn sống. Nhưng thực tế Roth đã không nói gì với người phóng viên của Times càng lúc càng thất vọng.

Phóng viên nhiếp ảnh của tôi tên là Flash Rosenberg và cô đã thật sự cố gắng giúp tôi. Cô nói cô vừa từ Berlin trở về, ở đó người ta gọi cô là Blitz (tiếng Đức có nghĩa flash – đèn nháy). Roth không cười. Ông chăm chú nhìn cô bằng cái nhìn trống rỗng trong lúc cô nhảy quanh để chụp ảnh. Cô chụp một bức ảnh lấy ngay cho ông và nhét nó vào trong một trong những quả cầu tuyết kỷ niệm ấy. Roth quay nó lộn đầu xuống. và tuyết rơi lả tả trên đầu ông.
“Trông như đầu tôi bị gầu kinh khủng vậy” ông nói chậm rãi bằng giọng trầm. “Cái anh chàng tội nghiệp này thật sự cần một loại dầu gội đầu trị gầu mạnh nhất.”
“Tôi luôn luôn dùng mẹo này để làm người ta mỉm cười,” Flash nói.
“Tôi không mỉm cười.”
Một quãng lặng dài, đau khổ.
“Tại sao ông không mỉm cười?” Tôi hỏi.
“Có lần một nhà nhiếp ảnh từ New York đến “Cười lên nào” cô ta luôn nói thế “Cười!” Tôi không thể chịu nổi cô ta, hay toàn bộ cái hiện tượng ấy. Tại sao lại mỉm cười vào ống kính máy ảnh? Nó không có ý nghĩa gì của con người cả. Bởi vậy tôi đã tống khứ cả cô ta lẫn nụ cười.”
“Ông có mỉm cười bao giờ không?”
Ông nhìn tôi. “Có chứ. Khi tôi nấp vào một góc và không ai có thể nhìn thấy.”
Chúng tôi đang ngồi trong một căn phòng phía sau văn phòng đại diện văn học của Roth ở trung tâm New York. Căn phòng này đầy sách của Salman Rushdie. “Có lẽ đặt phòng của Rushdie ở phía sau là khôn ngoan nhất.” Roth nói mà không mỉm cười. Ông đã đi từ ngôi nhà nông thôn của ông ở Connecticut để đến trả lời một cuộc phỏng vấn về cuốn sách được xuất bản ở Mỹ và Anh nhưng nó cũng vừa được xuất bản tại đất nước tôi, Đan Mạch. Cuốn sách tưởng tượng Charles Lindbergh, vua của các bầu trời, đã thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 1940 và thành lập một liên minh với Hitler.
“Tôi có ý tưởng này khi tôi đọc một tiểu sử tự thuật của một nhà sử học Mỹ. Trong một chú thich ông nêu rằng cánh hữu của Đảng Cộng Hòa đã lập một âm mưu để bổ nhiệm Linbergh năm 1940. Tôi không biết điều ấy. Tôi nhớ rằng gia đình tôi ủng hộ Roosevelt, và mọi người xung quanh tôi đều ghét Linbergh. Toàn bộ những người hàng xóm đều là Do Thái, và mọi người lo lắng về thái độ cực kỳ căm ghét của ông ta  đối với người Do Thái.”
Những người Do Thái xuất hiện khắp nơi trong các sách của Roth, nhưng quyển này dường như là cuốn lịch sử Do Thái lớn nhất của ông. “Do Thái ư? Đó là cuốn sách Mỹ nhất của tôi. Nó viết về Mỹ. Về Mỹ. Nó là một phản-khôngtưởng (dystopia) Mỹ. Anh có bao giờ nên nói với Ralph Ellison rằng Người Vô hình của ông là cuốn sách Da đen nhất, anh có thể nói thế không?” Ông nhìn tôi “anh có nói  không?”
“Có lẽ không.”
“Những loại xét đoán như thế là kiểu sáo mòn của báo chí. Văn học Do Thái. Văn học Da đen. Mọi người mở một cuốn sách ra và lao vào đọc nội dung bên trong mà không chú ý đến những cái nhãn hiệu này.”
“Nhưng ông được xem là nhà văn Mỹ gốc Do Thái. Điều đó không có ý nghĩa gì với ông sao?
“Đấy không phải là vấn đề mà tôi quan tâm. Tôi biết chính xác là người Do Thái có ý nghĩa gì, và nó thật sự không có gì đáng chú ý. Tôi là một người Mỹ. Anh không thể nói về chuyện đó mà không đi thẳng vào những khuôn sáo ghê gớm không nói lên điều gì về con người: Mỹ là trước hết và trên hết...nó là tiếng nói của tôi. Và những nhãn hiệu nhận dạng không liên quan gì đến việc người ta thật sự trải nghiệm cuộc sống như thế nào.

Bây giờ tôi cũng nói nhỏ nhẹ như ông. Thì thầm, tôi nói rằng bản thân ông, trong các quyển sách của ông ông đã viết về căn cước. Trong cuốn Chiến dịch Shylock là nói về một người Do Thái là ai. Trong Âm mưu chống Mỹ là nói về một người Mỹ là ai.
"Nhưng tôi không chấp nhận rằng tôi viết tiểu thuyết Mỹ - Do Thái. Tôi không chuốc lấy cái điều vô nghĩa về văn học da đen hay văn học nữ quyền. Đó là những nhãn hiệu được làm ra để củng cố một số chủ trương chính trị."
Tôi lấy hết can đảm để hỏi một câu tiếp theo: về Roth – và Roth. Ông xuất hiện trong nhiều quyển sách của ông như một chàng trai và một tác giả trưởng thành. Và khi đó ông có một bản ngã thế thân, tác giả Nathan Zuckerman. Như vậy chỗ nào là con người thực Philip Roth kết thúc, chỗ nào là [hư cấu] văn chương bắt đầu? Con người thực Philip Roth nóng nảy nhìn tôi, như thể tôi là một tay ngu ngốc.
“Tôi không hiểu câu hỏi đó,” ông nói. Tôi không đọc sách hay nhận thức về sách theo cách ấy. Tôi quan tâm đến đối tượng, sự.. sự vật, câu chuyện, những xúc cảm thẩm mỹ bật ra từ bên trong ..sự vật ấy. Tôi là Roth hay Zuckerman? Tất cả là tôi. Anh biết không? Đó là điều mà tôi nói một cách bình thường. Tất cả cái đó là tôi. Không có gì là tôi.”

Thế rồi băng tan. Tôi có mang đến cuộc phỏng vấn này mấy tập Con vật hấp hốiVết nhơ của con người – hai cuốn sách về mối quan hệ giữa một người đàn ông lớn tuổi với một phụ nữ trẻ tuổi. Tại sao chuyện ấy lại làm ông quan tâm? “Bởi vì nó tồn tại,” ông nói. Tôi kể với ông về một vụ xìcăngđan lớn ở Đan Mạch trong đó một tác giả 68 tuổi bị mất tất cả danh dự. Tội của ông ta: ông viết công khai về một mối quan hệ tình dục với một cô gái da đen 18 tuổi ở Haiti – con gái của người hầu của ông. Trừng phạt: Đóng đinh trên thập giá trước công chúng, đó là điều thật sự kinh tởm, ngay cả ở nước Đan Mạch tiến bộ. Roth muốn biết tất cả về câu chuyện ấy, mọi chi tiết nhỏ nhặt. Sau đó ông nói: “Tác giả cần cái đó. Ông ta có viết về việc ông ta làm tình với cô gái trong buồng ngủ ông chủ của ông ta không. Có, thế thì hay. Nó trở thành chính trị. Nếu nó là chuyện lăng nhăng với một cô sinh viên 25 tuổi ở trường Đại học ở Port-au-Prince thì có lẽ nó chẳng thành chuyện lớn.”
Tôi bảo ông rằng phỏng vấn ông là cực kỳ khó khăn – giống như không mặc quần áo gì cả mà leo lên một núi băng.
“Ờ, tôi không phải sinh ra để làm cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn. Ha!” Cái cười của ông giống như một lời tuyên cáo – không phải là mỉm cười, mà chỉ “Ha!”
“Lẽ ra chúng ta không nên nói gì về văn chương thì hơn.” Tôi nói.
“Ha, ha,” ông nói. “Bây giờ anh đang nói đấy! Tôi sẽ thấy tuyệt vời với 100 năm hoãn nợ không phải nói về văn chương, nếu anh đóng cửa các khoa văn, đóng các mục điểm sách, cấm các nhà phê bình. Các độc giả sẽ được để yên với những quyển sách, và nếu có ai dám nói về chúng, họ sẽ bị bắn hay bị tống vô tù tức khắc. Vâng, bắn. 100 năm hoãn nợ khỏi phải nói những câu chuyện văn chương không thể nào chịu nổi. Tất cả những gì khác với cuộc nói chuyện này. Nói những câu chuyện thần tiên. Ngay khi anh vừa tổng quát hóa, anh rơi vào một vũ trụ hoàn toàn khác vũ trụ văn chương, và không có chiếc cầu nào nối hai vũ trụ đó."

Roth đi ra ngoài và đem vào một tấm bìa đen – bìa quyển sách mới của ông. Nó đen kịt với một đường kẻ đỏ đóng khung cái tựa đề thường dân. "Anh nghĩ gì về nó? Hôm nay nó đang được duyệt," ông nói. "Trông nó như thể nói về cái chết," tôi nói. "Vâng, anh bảo là cái chết, anh đáng đồng tiền bát gạo đấy. Thường dân là tên một dòng kịch của Anh từ thế kỷ 15, những vở kịch ngụ ngôn, loại kịch luân lý. Chúng được diễn ở các nghĩa địa, và chủ đề luôn luôn là sự cứu rỗi. Tác phẩm kinh điển có tên là Thường dân từ năm 1485, do một tác giả khuyết danh viết ra. Nó ở vào khoảng giữa ngày chết của Chaucer và ngày sinh của Shakespeare. Luân lý của vở kịch luôn là "hãy làm việc cho sỉêng năng chăm chỉ để được lên thiên đường", "hãy làm con chiên ngoan đạo nếu không thì xuống địa ngục." Người thường dân là nhân vật chính và anh ta được thần Chết đến thăm. Anh ta nghĩ đó là một loại sứ giả, nhưng thần Chết nói "Ta là Thần Chết," và câu trả lời của Thường dân là câu tuyệt tác trong kịch nghệ Anh. "Ôi, thần Chết, ngài đến đúng vào lúc mà tôi ít nghĩ đến ngài nhất." Khi tôi ít nghĩ đến ngài nhất. Cuốn sách mới của tôi nói về cái chết và về việc chết. Nào, anh nghĩ sao nào?"
"Đen quá" tôi nói, và tôi hỏi ông liệu nhà xuất bản có sợ rằng người ta không muốn mua nó vì cái màu của nó không. "Tôi không quan tâm. Tôi chỉ muốn nó theo đúng ý của tôi," ông nói.
Tôi nói với ông rằng trông nó giống một quyển Kinh Thánh. "Ha! Tuyệt. Hay. Tôi tưởng nó trông giống một bia mộ." Ông đợi tôi hỏi tiếp.
"Ông có sợ chết không?"
Ông suy nghĩ hồi lâu trước khi trả lời. Có lẽ ông nghĩ đến một chuyện gì khác. "Có. Tôi sợ. Nó thật khủng khiếp." Ông nói thêm. "Tôi còn có thể nói gì khác được? Đến vỡ tim. Không thể nghĩ gì được. Không thể tin được. Kinh khủng lắm."
"Ông có nghĩ nhiều đến cái chết không?"
"Tôi buộc phải suy nghĩ về nó trong suốt thời gian tôi viết quyển sách này. Tôi ngồi hai ngày ròng rã trong một nghĩa địa để xem người ta đào huyệt. Trong nhiều năm tôi đã quyết định không bao giờ nghĩ đến cái chết. Tất nhiên, tôi đã thấy nhiều người chết, cha mẹ tôi, nhưng chỉ đến khi một người bạn thân nhất của tôi chết hồi tháng Tư tôi mới nghiệm được nó hoàn toàn có tính tàn phá. Anh ấy là một người cùng thời. Trong bản giao kèo mà tôi ký không có nói thế, tôi chưa thấy trang ấy trong hợp đồng, anh hiểu không. Như Henry James nói trên giường hấp hối: "À, cái việc lớn ấy, nó đã đến rồi đây."
"Ông có thỏa mãn với cuộc đời ông không?" Tôi hỏi.
"Tám năm trước tôi có dự một lễ truy điệu một tác giả," ông nói. "Một con người phi thường, đầy sức sống, hài hước, lạ kỳ. Ông ấy làm việc cho một tờ tạp chí ở New York này. Ông ấy có nhiều bạn gái, bồ bịch. Và tại lễ truy điệu có đầy đủ những người phụ nữ ấy. Mọi lứa tuổi. Tất cả đều khóc và ra khỏi phòng, vì họ không chịu đựng nổi. Đó là dấu hiệu của lòng tôn kính lớn nhất..."
"Những người phụ nữ sẽ làm gì trong lễ tang của ông?"
"Nếu như họ thậm chí có xuất hiện... họ có lẽ sẽ kêu gào bên quan tài." Ông nhìn qua cửa sổ, sang những tòa nhà trên phố. "Anh biết không, đam mê không thay đổi theo tuổi, nhưng con người anh thay đổi – anh trở nên già hơn. Sự ham muốn đàn bà trở nên gay gắt hơn. Và trong cảm hứng dục tình có một sức mạnh mà trước đó chưa hề có. Cảm hứng về thân thể người đàn bà trở nên da diết hơn. Đam mê tình dục bao giờ cũng sâu sắc, nhưng nó trở nên sâu hơn."
"Ông nói rằng ông sợ chết. Năm nay[1] ông 72 tuổi rồi. Vậy ông sợ cái gì?"
Ông nhìn tôi. "Bị lãng quên. Về sự không sống, hoàn toàn đơn giản, về việc không cảm thấy sự sống, không ngửi thấy nó. Nhưng cái khác giữa hôm nay và nỗi sợ chết khi tôi 12 tuổi, là bây giờ tôi có một kiểu từ nhiệm đối với thực tại. Nó không còn có vẻ là việc tôi phải chết là một cái gì bất công ghê gớm lắm."



[1] 2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét