Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

The Duniazát

Truyện ngắn của Salman Rushdie
(from The New Yorker)
Hiếu Tân dịch

Năm 1195, nhà triết học vĩ đại Ibn Rushd, đã có thời là một qadi, hay quan tòa, ở Seville và gần đây nhất, là bác sĩ riêng cho Caliph[i] Abu Yusuf Yaqub tại tỉnh quê hương ông là Córdoba, đã bị giáng chức và bị sỉ nhục vì những tư tưởng tự do của ông không thể được chấp nhận đối với những kẻ Berber cuồng tín đang ngày càng mạnh lên, loang ra như dịch hạch khắp Tây Ban Nha Arab; và bị đầy đến sống trong một làng nhỏ Lucena, một làng đầy những người Do Thái không được tự nhận mình là người Do Thái bởi vì họ đã bị buộc cải sang đạo Hồi. Ibn Rushd, một nhà triết học đã không còn được phép thuyết giảng triết học của mình nữa, tất cả tác phẩm của ông đã bị cấm và bị đốt, ngay lập tức cảm thấy thoải mái giữa những người Do Thái không được tự nhận là người Do Thái. Ông đã từng được Caliph của triều đình hiện thời, triều Almohad, sủng ái, nhưng rồi sủng thần trở nên lỗi thời, và Abu Yusuf Yaqub đã cho phép những kẻ cuồng tín đuổi nhà giảng luận vĩ đại về Aristotle ra khỏi thành phố.
 Nhà triết học không được thuyết triết học của mình sống trong một con phố hẹp đường không lát đá, trong một ngôi nhà tồi tàn với những của sổ nhỏ và ngột ngạt kinh khủng vì thiếu ánh sáng.

Đọc lại Truyện Kiều

Hiếu Tân
Xem lại một bài viết cách đây mười năm, cùng đọc lại Truyện Kiều trong trí nhớ.

Truyện Kiều là một trong những tác phẩm luôn gợi ra những suy nghĩ mới mỗi lần đọc lại. Hơn hai trăm năm nay, về văn chương Truyện Kiều đã có hàng ngàn lời bình, tán; những khám phá, phát hiện góp vào việc đọc hiểu, thẩm, thụ cảm, thưởng ngoạn vẻ đẹp lộng lẫy của ngôn từ, văn phong, tình tiết, tâm lý. Góp, vì những bình tán ấy thường là hoà hợp, bổ sung cho nhau mà ít khi tranh giành loại trừ nhau, làm cho ta hiểu các tầng ý nghĩa của truyện ngày càng phong phú và sâu sắc thêm. Ngay cả khi các kiến giải khác nhau về cách hiểu, cách đọc một chữ, thì tất cả các lý giải vẫn còn đó bỏ ngỏ để người đọc người nghe tự mình lựa chọn, tâm đắc.
Còn về tư tưởng, triết lý Truyện Kiều? Các học giả chia làm nhiều phe, dùng vũ khí lý luận của mình nhất quyết chiếm lĩnh mảnh đất Truyện Kiều cho riêng mình, bằng cách loại trừ, đánh bại, đánh bạt đối thủ để giành phần thắng. Mỗi bên có cái lý của riêng mình, và Truyện Kiều còn đó.
Hãy hình dung Truyện Kiều là “vườn xuân một cửa”, thì cửa ấy đâu có ngăn cấm một ai. Bước chân vào đấy, ta có thể suy tư về đủ điều, mọi lẽ. Dựa trên những diễn biến, những tâm tình trong truyện, ta có thể trầm tư về lẽ đạo hay ngẫm ngợi lẽ đời, và ta thấy mình có toàn quyền như thế. Còn nếu xác quyết rằng “Chính Nguyễn Du đã nghĩ thế này” hay “đây mới thực là tư tưởng Nguyễn Du”, thì xin hãy dè dặt, chậm rãi một chút. Tôi e rằng Nguyễn Du sẽ mỉm cười lặng lẽ: “Ta quả có viết 3254 câu thơ, nhưng ta có nói gì đâu?” 

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Danh tiếng Kundera ngày nay ra sao?

Jonathan Coe

The Guardian, Friday 22 May 2015 
Hiếu Tân dịch

Milan Kundera

Trong những năm 1980 mọi người đều đọc “Đời nhẹ khôn kham” và “Cười cợt và Quên lãng”. Nhưng, khi ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên sau hàng chục năm, danh tiếng của nhà văn gốc Tiệp này ngày nay ra sao – phải chăng nó đã bị hủy hoại không thể cứu vãn do cách miêu tả phụ nữ của ông?
Ở trang đầu cuốn tiểu thuyết mới của Milan Kundera xuất bản ở Pháp năm ngoái khi tác giả 85 tuổi, một người đàn ông đang chậm rãi thả bộ dọc theo một đường phố Paris vào tháng Sáu, khi “mặt trời ban sớm ló khỏi những đám mây”. Tên anh ta là Alain. Chúng ta không biết tuổi của anh, hay anh trông ra sao, nhưng chúng ta biết rằng anh là một trí thức bởi vì cảnh hở rốn của các thiếu nữ mà anh đi ngang qua trên đường phố gợi hứng cho một loạt suy tư, “mô tả và định nghĩa đặc trưng” của những “khuynh hướng gợi tình” khác nhau.
Ai khác có thể viết những dòng trên đây nếu không phải Milan Kundera?

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Người xin lỗi

Milan Kundera
Hiếu Tân dịch


Alain trầm tư về rốn

Đang là tháng Sáu, mặt trời ban sớm ló khỏi những đám mây, và Alain đang chậm rãi thả bộ dọc theo một đường phố Paris. Anh quan sát những cô thiếu nữ: tất cả đều để hở rốn giữa thắt lưng quần quá trễ và áo thun quá ngắn. Anh bị quyến rũ và thậm chí bối rối: cứ như thể sức quyến rũ của họ không còn ở đùi, ở mông, hay ở ngực họ nữa, mà đã chạy xuống cái lỗ nhỏ tròn ở tâm thân thể họ vậy.
Điều này gợi cho anh suy nghĩ: nếu một người đàn ông (hay một thời đại) coi những bắp đùi là trung tâm sức hấp dẫn của phái nữ, người ta sẽ mô tả và định nghĩa đặc trưng của khuynh hướng gợi tình ấy như thế nào?

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

TRẦN ĐỨC THẢO – Version 2: Bi kịch của một nhà triết học.

Hiếu Tân




Ngày nay chỉ có những giáo sư triết học, mà không có các triết gia. Là một triết gia không phải chỉ là có những tư tưởng siêu việt uyên áo, thậm chí cũng không phải là lập ra một trường phái, mà là yêu sự thông thái đến mức sống theo những tiếng gọi của nó, một đời sống đơn giản, độc lập, cao thượng, và tin tưởng. Đó là việc giải quyết một số vấn đề của cuộc sống, không phải về lý thuyết, mà về thực tiễn.

                                               Henry David Thoreau (1817 - 1862)

Cái tên Trần Đức Thảo từ lâu có nhiều hấp dẫn với tôi. Người ta gọi ông là Triết gia – Nhà triết học duy nhất hay số một của Việt Nam. Nhiều người thống nhất nhận định Việt Nam ta xưa nay không có triết học, vậy thì với Trần Đức Thảo: Có một nền triết học Việt Nam chăng? Trong đời thường, ông có dáng dấp một triết gia theo quan niệm dân dã, (ngày trước người ta thường gọi những cái đầu bù tóc rối như tổ quạ là đầu “phi lô dôp”) Theo những người được gần ông (Phùng Quán, Cao Xuân Hạo..) kể lại, ta thấy ông sống chìm đắm trong suy tư, không màng đến những gì xảy ra ngay xung quanh mình. Nhiều tác giả tên tuổi ở tây Âu, nhiều tạp chí chuyên ngành gọi ông là philosopher – nhà triết học. Người ta không chỉ gọi ông đơn giản là triết gia, mà còn là triết gia chân chính, nhà triết học chiến đấu.. Ở Việt Nam, nhiều người hâm mộ ông, nhưng tôi nghĩ họ chưa chắc đã đọc ông, mà phần nhiều hâm mộ danh tiếng của ông và những giai thoại về ông. Một anh bạn nhà văn kể với tôi rằng ở Paris, Jean-Paul Sartre có một căn phòng trên quảng trường, bốn mặt lắp kính để công chúng “chiêm ngưỡng” Sartre, và trên bàn làm việc trước mặt Sartre, là bức ảnh chân dung Trần Đức Thảo!

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

TRẦN ĐỨC THẢO – Version 1: Những lời trăng trối Hay nhận thức và ân hận muộn màng?



Hiếu Tân

  Khi đọc (trên mạng) những trích đoạn TĐT nói (chuyện với Lê Tiến) được ghi âm lại, tôi thấy khả nghi: lẽ nào một nhà triết học, nói về một lí thuyết triết học, mà không có lập luận gì cả, chỉ nhắc đi nhắc lại Marx sai, chính Marx đã sai, rồi Hegel sai, và Marx theo Hegel Marx cũng sai! Rồi đập bàn, nóng này, giận dữ. Không có vẻ một nhà triết học, nhà nghiên cứu.
Nhưng sau khi đọc cả tài liệu, đến đoạn cuối này như một bằng chứng, thì tôi thấy có thể là thật. Thì ra trước đó tôi đánh giá TĐT cao hơn, hay nói cách khác, kì vọng hơn. Và tôi buồn cho ông.
Cuốn sách mỏng cho thấy một đoạn đời TĐT, đoạn cuối cùng, từ khi ông sang Pháp đến khi chết. Người  thuật lại có một tình cảm quý trọng chân thành đối với TĐT, và tôi cảm ơn ông về điều đó. Nhờ có cuốn sách mà chúng ta hiểu TĐT rõ hơn.
Cầm trên tay “Những lời trăng trối” của TĐT, người đọc nghĩ gì? Chúng ta mong được thấy những suy tư triết học của một người được coi là nhà triết học gần như duy nhất của đất nước, người do một sự lắt léo của số phận mà thành “người quan sát trong cuộc” của cách mạng cộng sản ở VN, và người cuối cùng đã phản tỉnh, đã nhìn thấy “mặt thật” và từ bỏ nó. Con đường  le chemin de tourment’ đã qua và những suy tư của một đầu óc tầm cỡ triết gia như ông sẽ giúp cho nhiều người đi sau thoát khỏi lầm lạc chăng? Bây giờ, cái gì là đúng cái gì là sai đã rõ ràng, nhưng là nhà triết học, ông có thể giúp cho ta nhìn lại cái phương pháp, để trong muôn vàn rối rắm, biết tách ra khỏi cái sai mà tìm về gần với chân lí. Kì vọng của chúng ta đặt vào nhà triết học là vậy, chứ không phải những kiến thức rối mù trong suy tư trừu tượng rút ra từ núi sách vở mà ông đã đọc.
Ta gặp trong sách chuyện kể về những đoạn đời chủ yếu của TĐT từ khi về nước (1951) đến khi trở lại Pháp (1992) những nỗi niềm, cay đắng, bức xúc, những băn khoăn , trăn trở, qua trải nghiệm thực tế của nhà triết học. Lời thuật nói chung là khả tín. Một điều đáng tiếc nhỏ, là đôi khi người thuật có xu hướng “tiểu thuyết hóa”, dường như là do muốn bổ sung cho câu chuyện bớt sơ sài. Chẳng hạn chuyện kể CCRĐ: bắt rễ - xâu chuỗi – họp đội – xử án địa chủ, quá tỉ mi – cách k của nhà văn cho người đọc – không phi giọng trò chuyện riêng, và thiếu những nhận định khái quát. Có những chi tiết đã nhiều người biết, như vụ xử bà Năm, nhưng vụ cố vấn TQ nêu tấm gương c Hồ x bắn bà Năm’, tôi cho là không thực. Về CCRĐ, điều mà tôi muốn biết là khi đó TĐT đã viết gì về CCRĐ, ý kiến có tính triết học? (Được biết TĐT có bài viết về CCRĐ, nhưng hình như ngoài những hệ lụy tồi tệ đối với tác giả, bài viết không có tiếng vang đáng kể nào.)
Ngoài ra trong sách có một số chi tiết không đúng thời điểm: Điện hạt nhân – xe lửa cao tốc – khách sạn 5 sao, những vấn đề chỉ gần đây mới có: (Thảo ra đi 1993!).

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

GREGOR SAMSA YÊU

Truyện ngắn của Haruki Murakami
Hiếu Tân dịch


Thức dậy, anh phát hiện ra rằng anh đã trải qua một cuộc biến hình và trở thành Gregor Samsa[1].
Anh nằm ngửa sóng soài trên giường, nhìn lên trần nhà. Phải mất một lúc mắt anh mới quen với bóng tối. Trần nhà có vẻ như một cái trần bình thường, có thể trông thấy hằng ngày ở bất cứ đâu. Trước đây nó đã từng được sơn màu trắng, hay có lẽ màu kem nhạt. Tuy nhiên nhiều năm bụi và bẩn đã biến nó thành màu sữa hỏng. Không có trang trí, không có nét gì đặc biệt. Không lí lẽ, không thông điệp. Nó thực hiện vai trò kiến trúc của nó nhưng không gợi hứng gì.

Haruki Murakami
Ở một bên căn phòng phía tay trái anh, có chiếc cửa sổ cao, nhưng rèm che đã bị tháo đi, và những tấm ván gỗ dày được đóng đinh vào khung cửa sổ. Giữa các tấm ván là các khe ngang cỡ hai ba cm, chẳng hiểu có mục đích gì hay không, những tia nắng sớm chiếu qua, tạo những vệt sáng song song trên nền nhà. Tại sao phải chắn cửa sổ một cách thô thiển như thế? Ngoài khơi có bão hay lốc xoáy gì chăng? Hay để chặn không cho ai đó đột nhập vào? Hay để ngăn không cho ai đó (như anh chẳng hạn?) thoát ra?

Vẫn nằm ngửa, anh từ từ quay đầu và xem xét phần còn lại của gian phòng. Anh không thấy có đồ đạc gì, ngoài cái giường mà anh đang nằm. Không tủ ngăn kéo, không bàn viết, không ghế. Không có tranh ảnh, đồng hồ, hay gương soi treo trên tường. Không có bóng đèn hay cây đèn nào. Anh cũng không thấy có tấm thảm nào trên sàn. Chỉ có gỗ trần. Các bức tường được bọc bằng giấy dán tường hoa văn phức tạp, nhưng nó quá cũ và bạc màu trong cái ánh sáng nhợt nhạt đến nỗi không thể nhận ra mẫu mã gì nữa.

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Lão Shadrach Cohen Mỹ hóa


Bruno Lessing (1870- 1940)
HIẾU TÂN dịch

Một con giun mà quằn lên thì chẳng theo qui tắc nào cả. Ấy thế nhưng, hầu như mọi con giun quằn lên đều rất bất ngờ. Lão Shadrach Cohen cũng thế.
Lão có hai con. Một đứa là Abel, và thằng kia, Gottlieb. Chúng rời nước Nga năm năm trước cha, mở một cửa hiệu trên phố Hester bằng tiền lão cho chúng. Vì những lí do mà chỉ những người buôn bán hiểu được, chúng quản lí cửa hiệu mang tên người cha, và, khi công việc làm ăn đã nên khá giả, thấy có cơ hội đầu tư thêm nhiều vốn sẽ có lợi hơn, chúng viết thư mời người cha thân yêu sang đất nước này.
“Ở đây chúng con có ngôi nhà xinh đẹp cho cha. Cha con ta sẽ sống hạnh phúc bên nhau.”

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

George Sand (1804-1876)


Chân dung George Sand năm 34 tuổi. Auguste Charpentier vẽ, 1838 
Vào thời kì tiểu thuyết lãng mạn (với Những Bí mật thành Paris của Eugène Sue và những chương đầu bản thảo Những người khốn khổ của V.Hugo) lấy cảm hứng từ những vấn đề xã hội và nhân đạo, George Sand chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các học thuyết của các nhà tư tưởng như Michel de Bourger, Lamennais, và nhất là của nhà xã hội chủ nghĩa Pierre Leroux (x. trg 328) bản thân George Sand, bắt đầu từ năm 1840 cũng chọn lối viết tiểu thuyết mơ mộng về những chủ đề sẽ củng cố sự dấn thân của bà như một nữ chiến sĩ: đoàn kết hữu ái giai cấp, sự công bằng trong phân chia đất đai, chủ nghĩa hòa bình. 
Nổi bật nhất về lựa chọn tư tưởng hệ trong những sách của bà là Bạn đồng hành Vòng quanh nước Pháp (Le compagnon de Tour de France - 1840), Người thợ xay bột ở Angibault (Le meunier d’Angibault - 1845), và cả Tội lỗi của ông Antoine (Le Péché de Monsieur Antoine- 1847). Theo lời Michel Raimond, “Giá trị của những tiểu thuyết này không phải ở những đoạn nghị luận nặng nề về vấn đề xã hội, mà ở những cảm nhận về thời đại của mình, là những bước mò mẫm ban đầu của một nền văn chương đại chúng. Những tiểu thuyết ấy nếu không thành công, cho dù được đăng nhiều kì trên báo, trong việc làm cho văn chương thấm vào dân chúng, thì cũng đã đánh dấu, thường là một cách màu mè, việc dân chúng tràn vào tiểu thuyết”.

BUỔI RẠNG ĐÔNG THẾ KỈ 19 (À l'aube du siècle)

CHÍNH TRỊ VÀ TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC

1. Kiểm duyệt của Nhà nước


Điều XI Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền nói rõ: Quyền tự do công bố tư tưởng và ý kiến là một trong những quyền quý nhất của con người: vì vậy mọi công dân đều có thể phát biểu, viết, in ấn một cách tự do, với điều kiện phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng quyền tự do ấy, trong những trường hợp do luật pháp qui định.
Cách mạng Pháp tôn trọng quyền tự do ấy cho đến tháng Tám năm 1792. Sau đó tình hình xấu đi dẫn đến việc đặt ra luật tội phạm báo chí vào tháng 3-1793, một chiếc mặt nạ mới của nền kiểm duyệt vĩnh viễn.

GÓT CHÂN ASIN CỦA PUTIN

Điểm cuốn sách “Sự thăng trầm của số phận: cuộc đấu giành dầu và quyền lực ở Nga”[i] của Thane Gustafson – giáo sư khoa học chính trị, ĐH Georgetown, Washington.

Tony Wood, London Review of Books
Hiếu Tân dịch (“LE TALON D’ACHILLE DE POUTINE” – Books, Mai 2014.)


Từ khi phát hiện ra những mỏ dầu Sibia, 1960s, nước Nga gắn bó với vàng đen. Chính sự sụt giá dầu vào năm 1986 đã kết liễu cơn hấp hối của LX. Chính sự bùng phát của nó, từ 1999, đã tài trợ cho sự trở lại quyền lực của Putin và thiết lập chủ nghĩa tư bản lai tạp và biến chất, biến nước Nga thành gần như một nhà nước dầu lửa. Ngày nay, hệ thống này đã suy yếu. Sự phụ thuộc xuất khẩu dầu khí rất nặng nề, các nguồn đang có xu hướng cạn kiệt và các công nghệ thì lỗi thời.

Lịch sử nước Nga thế kỉ XX không thiếu những bước ngoặt, từ CMT10 năm 1917, qua cuộc đánh bại Đức ở Stalingrad 1943, cho đến sự biến mất đột ngột LX cuối 1991. Nhưng mọi người đều biết, làm nên số phận nước Nga không phải chỉ có những thời điểm then chốt này. Những bước chuyển khác, khó thấy hơn, đã uốn cong quĩ đạo của đất nước này. Bắt đầu từ năm 1959. Hồi đó các nhà địa chất từ lâu đã ngờ vỉa quặng ngầm bên dưới đầm lầy L’Ob có dầu, một cuộc thăm dò khảo sát khi đó đã xác nhận điều này, khi phát hiện ra một vỉa dầu ở gần làng Chaim. Từ 1960, giếng R-6 được đào, sau 18 ngày khoan đến độ sâu 1.500 m nó bắt đầu phun dầu với tốc độ 400 đến 500 tấn / ngày đêm, và đây là ngành công nghiệp quan trọng đầu tiên được khai thác ở Sibir. Thành công này kích khởi cơn cuồng nhiệt thăm dò và trong thời gian bốn năm tiếp theo sau, hơn hai mươi vỉa dầu trong vùng này được phát hiện. Nhưng mãi đến tháng Ba năm 1965 khám phá quan trọng nhất trong lịch sử dầu khí nước Nga mới được thực hiện, với mỏ dầu khổng lồ Samotlor: đứng thứ hai thế giới ở đỉnh điểm của nó trong những năm 1980, đến nay vẫn nằm trong số năm nước hàng đầu, sản xuất hơn 35 triệu tấn dầu thô một năm.

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Alfred de Musset - Lời thú tội của một đứa con thế kỉ


HIẾU TÂN dịch 
[Collection Henri Mitterand: LITTÉRATURE XIXe Siecle-TEXT ET DOCUMENT]

Chắc chắn không có ai miêu tả hay như Musset, trong hai chương đầu của cuốn tiểu thuyết tự thuật năm 1836 Lời thú tội của một đứa con thế kỉ, trạng thái tinh thần của thế hệ trẻ lãng mạn trong phần ba đầu thế kỉ. Với óc tỉnh táo, nhà văn đã nhận ra trong cái khủng khiếp của cách mạng và trong cảnh tan tác của đế chế hai chấn thương lớn nhất đánh dấu thế hệ trong đó có ông: “Tất cả mọi bệnh tật của xã hội đến từ hai nguyên nhân: nhân dân đã qua năm 1789 và 1814 mang trong tim hai vết thương. Tất cả những gì đã qua thì không còn nữa, tất cả những gì sẽ đến thì vẫn còn chưa đến. Đừng tim bí mật của những điều ác của chúng ta ở đâu khác”

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Alice Munro: Sự giàu có của một cuộc đời kép

Aida Edemariam
The Guardian, Saturday 4 October 2003

Hiếu Tân dịch – 2013

Sinh ra và lớn lên trong một khu nghèo nàn Canada, Alice Munro lấy việc đọc - và sau này là viết – làm lối thoát khỏi cảnh sống khó khăn của gia đình. Được mô tả như một người đàn bà “nội trợ e dè” khi bà nhận được giải thưởng đầu tiên, từ đó đến nay bà được so sánh với Chekhov, và bây giờ (2003), ở tuổi 72, được coi là người viết truyện ngắn hay nhất trong những người còn sống.

Nhà văn Canada Alice Munro
Bà viết về việc giết mổ gà tây và nuôi cáo, về những cây gỗ bị đốn trong rừng hoang Ontario, về những trường học nông thôn khắc nghiệt và những căn bệnh dai dẳng, về bạo lực gia đình và nỗi nhục nhã thầm kín, và trên hết, bà viết về cuộc đời những cô gái và những người phụ nữ. Trong khi những chuyện này có vẻ làm cho bà kém nổi tiếng hơn là bà đáng được thế, thì bà đã bị ném đá như ta có thể đoán trước, rằng bà chỉ quan tâm những chuyện nhà cửa nhỏ mọn, hẹp hòi, địa phương và cũ kĩ, rằng bà chỉ viết truyện ngắn, những câu chuyện của bà chỉ nói về thắng lợi đối với những định kiến vụ vặt như thế. Trong một thời gian dài Alice Munro được so sánh với Chekhov; John Updike còn kể thêm Tolstoy, và A S Byatt thì nói đến Guy de Maupassant và Flaubert. Munro thường được gọi là nhà viết truyện ngắn bằng tiếng Anh hay nhất trong số những người còn sống; các từ “truyện ngắn” thường xuyên được nhắc đến.

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Vài "tâm tư" khi dịch sách "Learning Theories in Childhood"

Thưa các anh chị và các bạn,

Tôi rất vui mừng vì một sự tình cờ tôi được gặp gỡ và làm việc với Trường Hoa Sen, và cộng tác với ban tu thư, qua dịch giả Mai Sơn, và điều thú vị là cuốn sách tôi dịch đầu tiên cho BTT chính là cuốn Learning Theories in Childhood (LTiC), [Các lý thuyết về học tập ở tuổi thơ].


Những vấn đề về dạy và học là cái mà tôi vốn quan tâm, trong những lúc tôi từng học và từng dạy. Luôn khao khát những ý tưởng mới mẻ về dạy và học: Độc lập suy nghĩ. Động cơ học tập. Lấy người học làm trung tâm. Giải quyết tình huống có vấn đề... Metacognition (LTiC, 118) trong khi nghiền ngẫm về học, tôi thấy một ý tưởng mà cho đến bây giờ, qua các sách mình đọc tôi vẫn thấy nó là của riêng mình: Trí thông minh/khả năng học tập của người học (learner) không phải chỉ là thứ trời cho, nó có thể và cần được phát triển ngay trong quá trình học.

Sau đây là những điều tâm đắc khi dịch cuốn sách.

NHÀN NGẪM

Cái ý tưởng “đối thoại với Phật” bị nhiều người chê là cao ngạo, bất kính. Phải vậy không? Làm gì có một ông Phật hiển hiện trước mắt mình, để mình thưa chuyện. Vậy nên đối thoại với Phật chỉ là mình thưa chuyện với chính mình. Nói chuyện với tâm mình, Phật tại tâm mà.

SINH LÃO BỆNH TỬ

Xuât phát điểm của tư tưởng Phật là một chữ khổ, nó quán xuyến toàn bộ hành trình của sinh mệnh. Rõ hơn, đây là sinh mệnh người, vì chúng ta là người, nên quan tâm đến sinh mệnh người. Không biết các loại chúng sinh khác (noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh..) có cảm nhận về con đường sinh (lão bệnh) tử này không? Thêm nữa, nó là sinh mệnh của cá thể người, của cá nhân. Bởi vì, khi sinh mệnh được ngắt ra làm bốn nhịp như thế, Sinh/ Lão/Bệnh/Tử, thì không có một tập hợp sinh thể nào mà trong nó tất cả các cá thể luôn cùng một nhịp. Ngay trong một cơ thể, trong từng giây phút, nhóm tế bào này chết đi nhóm tế bào khác sinh ra, liên tục không dừng. Vậy trong cơ thể lúc nào cũng có Sinh và có Tử, tổng hợp lại đó chính là hoạt động Sống. Cũng giống như thế với một cộng đồng người. Khi xảy ra một đại họa, như thiên tai, dịch bệnh hoặc chiến tranh, rất nhiều người chết trong khoảng thời gian ngắn, thì đó là tổng số những cái chết cá nhân, nhiều người khác không chết, cộng đồng không chết. Và nhiều người được liên tục sinh ra. Quán ta với người là một, không hai, không thể tác dụng trong trường hợp xét, vì ta đang bệnh không thể cho rằng người khác cũng đang bệnh.

MẤY MẨU CHUYỆN CƯỜI

HIẾU TÂN
Theo cuốn Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar


  Hai tác giả cuốn Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar[1], Thomas  Cathcast và Daniel Klein, có một sáng kiến đem những chuyện vui cười đến cho người học triết, khiến triết học không còn quá khô khan và “nghiêm trọng”; và cho chúng ta thấy những chuyện cười, tất nhiên là rất cần trí tuệ, đôi khi cũng minh triết lắm chứ.

  Sau đây là một số thí dụ vui:

Chuyện cười số 1:
Morty về nhà thấy vợ gã cùng với Lou, người bạn chí thiết của gã, đang trần như nhộng trên giường. Morty chưa kịp mở miệng thì Lou nhảy ra khỏi giường và bảo: “Trước khi cậu nói bất cứ điều gì, nghe đây, ông bạn vàng ạ, cậu tin vào cái gì, tin tớ hay tin vào mắt của cậu?”

PIERRE-AUGUSTE RENOIR (1841 - 1919)

Renoir sinh ở Limognes, là con thứ sáu trong một gia đình nghèo có bảy anh em. Mười ba tuổi Renoir đã bắt đầu kiếm sống bằng nghề vẽ lên đồ sứ. Việc học nghề quá sớm như thế đã để dấu vết lên nghệ thuật của ông, nó luôn là trang trí bất kể tính chất hiện thực ở giai đoạn sau. Bố của Renoir là thợ may gia công nên ông phải bán tranh nhiều hơn những họa sĩ khác. Đó là nguyên nhân giải thích việc ông đáp ứng nhu cầu bằng những bức chân dung vẽ theo thị hiếu, nhưng rất đẹp, trong khi những bức khác của ông lại tỏ ra tự do thoải mái hơn. Người ta chê trách Renoir rất nhiều về tất cả những điều đó.

Hội họa hiện đại Pháp

Phần I
TINH THẦN HIỆN ĐẠI1855-1895

Thời Hiện đại tìm thấy mình trong một hệ thống mênh mông những thể chế, những sự kiện bất di bất dịch, những giáo lí đã mất tín nhiệm, những phong tục, những qui tắc đã có từ thời nào để lại; chính trong hệ thống đó cuộc sống hiện đại tiến lên phía trước, nhưng nó cảm thấy rằng hệ thống đó không phải là sáng tạo của bản thân nó, rằng hệ thống đó không phù hợp với những đòi hỏi thực tế của nó, rằng đối với nó hệ thống đó là cổ lỗ, không hợp lí. Sự thức tỉnh của cảm giác đó là sự thức tỉnh của Tinh thần Hiện đại. Bây giờ Tinh thần Hiện đại đang thức tỉnh khắp nơi.

Khai sáng là gì?

Immanuel Kant
Hiếu Tân dịch
This is a so important text that I cannot help translating it myself
[though there have been dozens of Viet.versions circulating]


Khai sáng là sự vươn lên của con người khỏi tình trạng vị thành niên mà hắn tự áp đặt cho mình. Vị thành niên là không có khả năng sử dụng hiểu biết của chính mình mà không cần sự dẫn dắt của người khác. Tình trạng vị thành nên này là tự áp đặt nếu nguyên nhân của nó không nằm trong sự thiếu hiểu biết mà nằm trong sự thiếu cả quyết và thiếu can đảm để sử dụng trí tuệ của chính mình mà không có sự dẫn dắt của người khác. Do đó, “Hãy dám biết!” (Sapere aude.) “Hãy can đảm sử dụng hiểu biết của chính mình” là khẩu hiệu của khai sáng.

Lười nhác và hèn nhát là những lí do khiến một phần đông đến thế của loài người vẫn cam tâm làm vị thành niên trong suốt cuộc đời của họ, rất lâu sau khi tự nhiên đã giải phóng họ khỏi sự dẫn dắt của bên ngoài. Đó cũng là lí do tại sao nhiều người khác tự khoác lấy vai trò giám hộ đến thế. Bởi làm vị thành niên thì thật là dễ chịu. Nếu tôi có một cuốn sách nó suy nghĩ hộ tôi, một mục sư hành động thay cho lương tâm tôi, một thày thuốc kê đơn ăn kiêng cho tôi, và vân vân, thì tôi chẳng cần tự mình ra tay làm gì.

Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Tôi chưa bao giờ gặp Khổng Tử

HIẾU TÂN

Bạn sẽ cười khi nghe tôi nói câu này; thì đã có ai gặp đâu, người sống cách chúng ta 25 thế kỷ. Nhưng có một sự thật là Khổng Tử vẫn sống, tuy chỉ mờ mờ bàng bạc trong dân gian. Với tôi điều này là quan trọng nhất: tôi chưa bao giờ muốn gặp ngài.

NHỮNG CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ ĐÔNG KYSÔT

HIẾU TÂN

Phần 1: Cuộc trò chuyện chưa từng có
giữa chàng hiệp sĩ Mặt buồn với một kẻ xa lạ


  Đông Kysôt (Don Quichotte / hay Đôn Kihôtê - Don Quijote) ngồi bên bờ suối vắng. Dưới ánh sao mờ. Trong rừng cây xào xạc. Thân thể kiệt quệ và rớm máu.Giáp tả tơi, giáo gãy mẻ, mũ trụ bẹp rúm. Cạnh đó, con Rôtxinăngtê run rẩy và ủ rũ.

-          Kính chào hiđangô, ngài suy nghĩ gì vậy, trong cảnh trời đêm kỳ ảo như đêm nay, một mình giữa rừng khuya tịch mịch này? Phải chăng ngài đang ôn lại những chiến công hiển hách của đời hiệp sĩ giang hồ, hay đang để tâm tưởng bay bổng theo hình bóng ý trung nhân Đuynxinê đuy Tôbôdô kiêu bạc, mà sắc đẹp có một không hai dưới gầm trời từng khiến mọi con tim biết yêu phải thổn thức  ước ao ?

-      Không một ai có quyền diễu cợt ta, diễu cợt Đông Kysôt này, kể cả anh, kẻ hậu sinh đáng mến ạ. Trang phục và phong thái của anh cho ta biết anh đến từ phương trời xa lạ, giữa ta và anh có khoảng cách nhiều thế kỉ. Cho dù ta luôn cho rằng phán xét của các thế hệ đến sau là đáng trọng,vì trí tuệ của họ đã được thời gian bồi đắp cho dày thêm bằng những khôn ngoan của nhân loại, cho dù tất cả điều đó, anh cũng không có quyền diễu cợt ta.