Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

The Duniazát

Truyện ngắn của Salman Rushdie
(from The New Yorker)
Hiếu Tân dịch

Năm 1195, nhà triết học vĩ đại Ibn Rushd, đã có thời là một qadi, hay quan tòa, ở Seville và gần đây nhất, là bác sĩ riêng cho Caliph[i] Abu Yusuf Yaqub tại tỉnh quê hương ông là Córdoba, đã bị giáng chức và bị sỉ nhục vì những tư tưởng tự do của ông không thể được chấp nhận đối với những kẻ Berber cuồng tín đang ngày càng mạnh lên, loang ra như dịch hạch khắp Tây Ban Nha Arab; và bị đầy đến sống trong một làng nhỏ Lucena, một làng đầy những người Do Thái không được tự nhận mình là người Do Thái bởi vì họ đã bị buộc cải sang đạo Hồi. Ibn Rushd, một nhà triết học đã không còn được phép thuyết giảng triết học của mình nữa, tất cả tác phẩm của ông đã bị cấm và bị đốt, ngay lập tức cảm thấy thoải mái giữa những người Do Thái không được tự nhận là người Do Thái. Ông đã từng được Caliph của triều đình hiện thời, triều Almohad, sủng ái, nhưng rồi sủng thần trở nên lỗi thời, và Abu Yusuf Yaqub đã cho phép những kẻ cuồng tín đuổi nhà giảng luận vĩ đại về Aristotle ra khỏi thành phố.
 Nhà triết học không được thuyết triết học của mình sống trong một con phố hẹp đường không lát đá, trong một ngôi nhà tồi tàn với những của sổ nhỏ và ngột ngạt kinh khủng vì thiếu ánh sáng.

Đọc lại Truyện Kiều

Hiếu Tân
Xem lại một bài viết cách đây mười năm, cùng đọc lại Truyện Kiều trong trí nhớ.

Truyện Kiều là một trong những tác phẩm luôn gợi ra những suy nghĩ mới mỗi lần đọc lại. Hơn hai trăm năm nay, về văn chương Truyện Kiều đã có hàng ngàn lời bình, tán; những khám phá, phát hiện góp vào việc đọc hiểu, thẩm, thụ cảm, thưởng ngoạn vẻ đẹp lộng lẫy của ngôn từ, văn phong, tình tiết, tâm lý. Góp, vì những bình tán ấy thường là hoà hợp, bổ sung cho nhau mà ít khi tranh giành loại trừ nhau, làm cho ta hiểu các tầng ý nghĩa của truyện ngày càng phong phú và sâu sắc thêm. Ngay cả khi các kiến giải khác nhau về cách hiểu, cách đọc một chữ, thì tất cả các lý giải vẫn còn đó bỏ ngỏ để người đọc người nghe tự mình lựa chọn, tâm đắc.
Còn về tư tưởng, triết lý Truyện Kiều? Các học giả chia làm nhiều phe, dùng vũ khí lý luận của mình nhất quyết chiếm lĩnh mảnh đất Truyện Kiều cho riêng mình, bằng cách loại trừ, đánh bại, đánh bạt đối thủ để giành phần thắng. Mỗi bên có cái lý của riêng mình, và Truyện Kiều còn đó.
Hãy hình dung Truyện Kiều là “vườn xuân một cửa”, thì cửa ấy đâu có ngăn cấm một ai. Bước chân vào đấy, ta có thể suy tư về đủ điều, mọi lẽ. Dựa trên những diễn biến, những tâm tình trong truyện, ta có thể trầm tư về lẽ đạo hay ngẫm ngợi lẽ đời, và ta thấy mình có toàn quyền như thế. Còn nếu xác quyết rằng “Chính Nguyễn Du đã nghĩ thế này” hay “đây mới thực là tư tưởng Nguyễn Du”, thì xin hãy dè dặt, chậm rãi một chút. Tôi e rằng Nguyễn Du sẽ mỉm cười lặng lẽ: “Ta quả có viết 3254 câu thơ, nhưng ta có nói gì đâu?”