Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Baruch Spinoza


Baruch Spinoza (1632-1677)



TRÍCH:

...
Chính trong thời kỳ này, khoảng cuối những năm 1650, Spinoza khởi đầu sự nghiệp văn chương của mình. Tác phẩm đầu tiên của ông, Luận về việc sửa lỗi của trí năng, là một cố gắng nhằm đưa ra một phương pháp  triết học cho phép trí óc hình thành nên những ý tưởng sáng rõ, điều cần thiết cho sự hoàn thiện chúng. Ngoài ra, nó còn bao gồm những suy nghĩ về các loại tri thức khác nhau, mở rộng xử lý định nghĩa, và một phân tích dài vê nguyên nhân và bản chất của hoài nghi.Vì những lý do gì không rõ, bản luận văn đó còn trong trạng thái chưa hoàn chỉnh, mặc dầu Spinoza luôn có ý định hoàn thiện nó. Một thời gian ngắn sau đó, khi ở Rijnsburg, Spinoza bắt đầu soạn cuốn Tiểu luận về Chúa, Con người, và Hạnh phúc của con người. Tác phẩm này chỉ lưu hành nội bộ trong số ít bạn bè, báo trước nhiều chủ đề trong  tác phẩm chín muồi của ông , cuốn Đạo đức học. Điều đáng lưu ý là nó bao hàm một tuyên bố mơ hồ về một luận đề nổi tiếng nhât của Spinoza - sự đồng nhất Chúa và Tự nhiên
Spinoza sống ở Rijnsburg chỉ trong thời gian ngắn. Năm 1663 ông chuyển tới thị trấn Vooburg, gần The Hague, tại đó ông sống lặng lẽ nhưng bận rộn. Theo yêu cầu của bạn bè ông bắt tay ngay vào việc chuẩn bị xuất bản một tập bài giảng mà ông đã giảng cho sinh viên ở Leiden về Các nguyên lý triết học của Descartes. Kết quả là tác phẩm duy nhất ông xuất bản dưới tên riêng, nay đã latin hoá thành Benedict: Các nguyên lý triết học của René Descartes , Phần I và II, do Benedict de Spinoza ở Amsterdam trình bày theo phương pháp hình học. Theo điều kiện xuất bản, nhờ bạn mình là Lodewijk Meyer đề tựa, cảnh báo bạn đọc rằng  mục đích của ông chỉ là giớithiệu và ông không chịu trách nhiệm về tất cả các kết luận của Descartes. Ông còn gắn thêm một mẩu nhỏ đầu đề là Các tư tưởng siêu hình, trong đó ông phác thảo một vài quan điểm của chính ông. Mặc dầu rất ngưỡng mộ Descartes, Spinoza  không muốn được coi là người theo học thuyết Descartes.
Tác phẩm của Spinoza về Descartes chứng tỏ ông đã quan tâm rất sớm đến việc áp dụng phương pháp hình học trong triết học.  Ngoài việc đưa các phần trong Những nguyên lý.. vào dạng hình học, ông bắt đầu thử nghiệm với việc biểu diễn hình học tài liệu lấy từ Tiểu luận của chính ông. Ý tưởng trình bày  tư tưởng của ông hoàn toàn dưới hình thức hình học đã nảy sinh từ chính thử nghiệm này. Ông bắt đầu làm việc theo phương pháp này từ đầu những năm 1660 và đến năm 1665 những phần chính yếu của phần viết sau này trở thành Đạo Đức Học được lưu hành dưới dạng bản nháp trong bạn bè ở Amsterdam. Mặc dầu từ lúc đó ông rất say mê với dự án này, không khí chính trị tôn giáo thời đó khiến Spinoza đâm do dự không muốn hoàn tất nó. Ông chọn cách hành xử thận trọng và hoãn việc , thay vào đó ông quay sang  làm một cuốn sách nó chuẩn bị cho công chúng tiếp nhận Đạo Đức Học . Đó là Luận văn Thần học chính trị, ông hoàn thành và cho xuất bản vô danh 1670.
Mục đích của Spinoza trong  Luận văn Thần học chính trị là lập luận rằng sự ổn định và an ninh của xã hội không phải bị huỷ hoại mà thật ra là được cải thiện nhờ tự do tư tưởng, mà ý nghĩa đầu tiên là tự do theo một học thuyết triết học nào. Như trong văn ngữ đã nói rõ, ông coi nguy cơ đầu tiên cho tự do này bắt nguồn từ giới tăng lữ, ông gọi họ là những kẻ lợi dụng nỗi sợ hãi và mê tín của nhân dân để duy trì quyền lực. Gỉai pháp của ông là tách bỏ  bọn tăng lữ khỏi mọi quyền lực chính trị thậm chí đặt thẩm quyền hành đạo trong tay quốc chủ. ông biện luận rằng quốc chủ nên mở rộng các quyền tự do trong lĩnh vực này, lĩnh vực đòi hỏi sự dính líu đén một tín ngưỡng tối thiểu, trung tính đối với các giáo phái đang cạnh tranh nhau , ý nghĩa của nólà cởi mở cho các cách hiểu khác nhau. Ông hy vọng điều này sẽ cho phép các nhà triết học tự do để viết các tác phẩm của mình, không bị trở ngại do bị chủ nghĩa bè phái hạn chế
Đúng như có thể đoán trước, Luận văn Thần học chính trị đụng phải một cơn bão lửa phê phán. Nó bị kết tôi như tác phẩm của quỷ dữ, và tác giả của nó bị lên án có ý đồ hung ác khi viết nó. Thậm chí một vài bạn bè thân thiêt của Spinoza cũng hốt hoảng về việc này. Mặc dầu ông đã cố sức để tránh, nhưng Spinoza cảm thấy bị lôi cuốn vào một cuộc tranh cãi tôn giáo nóng bỏng, bị mang tiếng là vô thần làm ông vô cùng bực tức
Lần dời chỗ cuối cùng của Spinoza, về Hague, là năm 1670, ông sống ở đó đến hết đời mình. Ngoài việc phải đối phó với hậu quả của Luận văn Thần học chính trị , ông còn phải chứng kiến một cuộc cách mạng chính trị lên đến tột cùng bằng việc giết Grand Pensionary của Hoà lan, Jan De Witt cùng với anh trai của ông này. Cornelius, do cơn giận dữ của đám đông những kẻ theo chủ nghĩa Canvanh cực đoan (Orangist-Calvinists) Spinoza hâm mộ Jan De Witt về các chính sách tự do của ông và sợ hãi vụ giết người này. Với sự ngoi lên của bè cánh Canvanh cực đoan ông cảm thấy thân phận của mình thật mong manh.
Mặc dầu những bối rối này, Spinoza vẫn tiếp tục tiến lên. Ông tực hiện những dự án mới, trong đó có việc viết Ngữ pháp tiếng Hebrơ, và ông quay về làm việc cho quyển Đạo đức học . Do sự thù nghịch mà cuốn phải đối đầu và nhận thức được viễn cảnh chính trị mới, chắc chắn ông đã phải làm việc với cảm giác bi quan sâu sắc về cơ hôi thành công. Vào năm 1675, tác phẩm này được hoàn thành. Tuy nhiên, vì ông nhận thấy các kẻ thù của mình đang lớn mạnh cả về cơ hội và ảnh hưởng, nên ông quyết định chưa ông bố nó. Vậy là công chúng phải đợi đến sau khi ông chết mới được thấy những tuyên bố dứt khoát của triết học của ông

Vào thời gian này sức khoẻ Spinoza rất kém. Ốm yếu do bệnh đường hô hấp, ông quyêt định dùng những năm cuôi đời để viết một tác phẩm về chính trị, cuốn Lụân văn chính trị . Mặc dầu đến khi chết ông vẫn chưa hoàn thành nó, ý định của Spinoza là chỉ ra các chính phủ đủ loại có thể được cải tiến như thế nào để bênh vực cho tính ưu việt của nền dân chủ so với các hình thái tổ chức chính trị khác. Theo sau sự dẫn dắt của Machiavelli và Hobbes, lý lẽ của ông không phải là không tưởng, dựa trên sự khẳng định thực tế bản chất con người rút ra từ các lý thuyết tâm lý học ông đưa ra trong Đạo đức học.Trong phần đã hoàn thành , Spinoza  tỏ ra một nhà phân tích sắc sảo về các hình thức hiến pháp khác nhau, và một nhà tư tưởng độc đáo trong số những lý thuyết gia về khế ước xã hội tự do.
Spinoza chết một cách an lành tại căn nhà ông thuê ở The Hague, năm 1677. Ông không để lại di chúc, nhưng những bản thảo các tác phẩm chưa xuất bản của ông- Luận về sự sửa sai của trí năng, Đạo đức học, Ngữ pháp Hebrơ, Luận văn chính trị- cùng với thư từ, được tìm thấy trong bàn làm việc của ông. Chúng được chuyển ngay đến Amsterdam để xuất bản, và sau khi được sáp xếp lại, chúng đã được in ra như tác phẩm sau khi chết . Nhưng ngay cả sau khi Spinoza chết ông cũng không thoát khỏi bị tranh  cãi, năm 1678, những tác phẩm này bị cấm trên toàn Hoà lan.
2. Phương pháp hình học và Đạo đức học
Khi mở cuốn Đạo Đức Học, kiệt tác của Spinoza ra, người ta bị hình thức của nó đập ngay vào mắt. Nó được viết dưới hình thức một luận văn hình học, rất giống cuốn Các Nguyên lý của Euclid, mỗi quyển bao gồm một tập hợp những định nghĩa, tiên đề, định đề và chú giải, và các đặc điểm khác làm nên các phần chính thức của môn hình học. Người ta tự hỏi tại sao Spinoza lại dùng hình thức trình bày như vậy. Nó đòi hỏi những cố gắng rất lớn mà kết quả là một tác phẩm  chỉ dành riêng cho những độc giả nào có thể tự mình tìm hiểu lấy.
Một trong những cách giải thích là ở thế kỷ 17 môn hình học là môn rất thịnh hành,  được đánh giá rất cao, đặc biệt trong giới trí thức Chúng ta có thể thêm rằng Spinoza mặc dầu không theo Descartes nhưng là một học trò nhiệt thành của những tác phẩm của Descartes. Như mọi người biết, Descartes là người chủ trương dùng phương pháp hình học trong triết học, và cuốn Trầm tư của ông được viết theo phong cách hình học. Về mặt này có thể nói cuốn Đạo đức học có cảm hứng từ Descartes.
Nếu đặc tính này là đúng, thì nó còn cần đánh giá chất lượng, Trầm tư  Đạo đức học là khác nhau không chỉ về bản chất mà về cả phong cách. Để hiểu được sự khác nhau này người ta cần để ý đến sự khác nhau giữa hai phong cách của phương pháp hình  học, phương pháp phân tích và  phương pháp tổng hợp. phương pháp giải thích sự khác nhau ấy như sau:
Phân tích chỉ ra con đường đúng nhờ đó các vấn đề  được phát hiện một cách có phương pháp và như chúng là tiên nghiệm, do đó nếu người đọc sẵn lòng theo nó và chú ý thích đáng đến mọi điểm, anh ta sẽ biến vấn đề thành của mình và hiểu nó hoàn toàn như chính anh ta là người phát hiện ra nó vậy.
Ngược lai tổng hợp sử dụng một phương pháp đối lập hoàn toàn, trong đó nghiên cứu là hậu nghiệm ..Nó phát biểu kết luận một cách rõ ràng và sử dụng một loạt các định nghĩa, các định đề, các tiên đề , các định lý và các bài toán sao cho nếu nếu ai đó phủ nhận một trong các kết luận, nó có thể ngay lập tức chứng tỏ rằng nó đã được bao hàm từ trước , như vậy người đọc dù là hay tranh cãi hay bướng bỉnh đến đâu cũng buộc phải  tán thành.(CSM II,110-111)

Phương pháp phân tích  là cách thức để phát minh. mục đích của nó là dẫn dắt trí óc đến chố hiểu những sự thật nguyên thuỷ/ chân lý ban sơ, có thể dùng làm nền tảng của một môn học.  Phương pháp tổng hợp là cách  thức để sáng tác. Mục đích của nó là xây dựng từ một tập hợp các chân lý ban sơ một hệ thống các kết quả, mỗi kết quả trong đó được thiết lập đầy đủ trên cơ sở những cái đã thiết lập trước đó. Vì Trầm tư là một tác phẩm có mục đích rõ ràng là thiết lập các cơ sở của kiến thức khoa học, tất nhiên  nó phải áp dụng phương pháp phân tích. Đạo đức học lại có mục đích khác, mà với nó phương pháp tổng hợp mới là thích hợp.
Như cái tên của nó, Đạo đức học là tác phẩm triết học về đạo đức.Mục đích cuối cùng của nó là giúp chúng ta đạt đượchạnh phúc được tìm thấy trong tình yêu trí tuệ đối với Chúa. Tình yêu này, theo Spinoza, nảy sinh từ kiến thức chúng ta có được về bản chất thần thánh đến độ như chúng ta thấy bản chất của những vật thể riêng rẽ tuân theo tính tất yếu của nó như thế nào. Xem xét điểm này chúng ta dễ dàng hiểu tại sao Spinoza thích phương pháp tổng hợp hơn. Bắt đầu từ mệnh đề liên quan đến Chúa, ông đã có thể sử dụng nó để chứng tỏ tất cả các vật khác có thể được rút ra từ Chúa như thế nào. Nắm bắt trật tự của các mệnh đề như chúng được trình bày trong Đạo đức học của Spinoza, chúng ta có thể đạt đựơc loại kiến thức gần với kiến thức bảo trợ cho hạnh phúc của loài người. Chúng ta đang, và đã trên đường đi đến hạnh phúc. Trong hai phương pháp, chỉ có phương pháp tổng hợp là thich hợp cho mục đích này.

3. Siêu hình học
Mặc dầu ĐĐH về nguyên tắc không phải là tác phẩm siêu hình học, nhưng hệ thống mà nó dựa vào tồn tại như một trong những tượng đài vĩ đại trong truyền thống lớn của suy lý siêu hình. Điều đáng chú ý nhất trong hệ thống này là chủ nghĩa nhất nguyên - học thuyết cho rằng toàn bộ thực tại là nằm trong một ý nghĩa duy nhất. Trong trường hợp của Spinoza, được minh hoạ bằng cách khẳng định rằng có một và chỉ một thực thể. Ông xác định thực thể này là Chúa. Mặc dầu ở phương Tây nhât nguyên luận cũng có những người bảo vệ , nhưng họ ít ỏi về số lượng và ở rải rác, cách xa nhau. Có thể coi Spinoza là người biện hộ lớn nhất trong số đó.

a.    Thuyêt nhất nguyên thực thể
Spinoza xây dựng học thuyết về nhất nguyên thực thể của mình trong một lập luận chặt chẽ cao độ trong IP14. Để dễ dàng theo dõi tiến trình lập luận này chúng ta có thể chia nó ra ba phần . Trước hết , chúng ta khảo sát 4 định nghĩa đóng vai trò then chốt trong lập luận.Thứ hai, chúng ta xem xét hai mệnh đề mà sự trình bày IP14 gợi ra. Cuối cùng, chúng ta quay lại bản thân sự trình bày IP14
1.    Các định nghĩa
Trong số tám định nghĩa mở đầu Quyển Một Đạo Đức Học , bốn ĐN sau đây là quan trọng nhất đối với lập luận của nhất nguyên thực thể
ID3 Về Thực thể tôi hiểu cái gì trong bản thân nó và được nhân thức thông qua chính nó, tức là, khái niệm về nó không đòi hỏi khái niệm về những cái khác mà nó phải hình thành từ đó.
 Định nghĩa này có hai thành phần. Một là, thực thể là cái gì tồn tại trong bản thân nó. Điều đó có nghĩa là nó là chủ đề siêu hình học tối hậu.. Trong khi các sự vật khác có thể tồn tại như một đặc tính của một thực thể, thì thực thể không tồn tại như đặc tính của cái gì khác. Hai là, Thực thể là cái được nhận thức thông qua chính nó.. Điều đó có nghĩa là ý tưởng về một thực thể không dính dáng đên ý tưởng về bất kỳ vật gì khác. Thực thể là độc lập cả về phương diện bản thể và nhận thức.
ID4 Về thuộc tính, tôi hiểu là cái gì trí tuệ nhận thức,lĩnh hội về một thực thể, cấu thành thực chất   của thực thể ấy.
  Một thuộc tính không chỉ là một đặc tính bất kỳ nào của thực thể, mà chính là thực chất của nó. Sự liên kết giữa một thuộc tính và một thực thể mà nó là thuộc tính chặt chẽ đến mức Spinoza phủ nhận có sự khác biệt thực tế giữa chúng.
ID5  Về phương thức tôi hiểu là những ảnh hưởng của một thực thể, hoặc  trong một cái khác mà thông qua cái khác ấy nó cũng được nhận thức
Một phương thức là cái gì tồn tại trong cái khác và được nhận thức thông qua cái khác.Đặc biệt, nó tồn tại như một sự sửa chữa hoặc một ảnh hưởng của một thực thể, và không thể nhận thức tách khỏi thực thể ấy. Trái ngược với thực thể, phương thức là phụ thuộc cả về bản thể lẫn nhận thức
ID6 Về Thượng đế tôi hiểu là một thực thể tuyệt đối vô hạn, đó là một thực thể bao gồm  vô lượng thuộc tính , trong đó mỗi thuộc tính biểu hiện một bản chất vĩnh viễn và vô hạn.
Thượng đế là thực thể vô tận. Bằng cách nói đó Spinoza muốn nói số lượng các thuộc tính cuả Thượng đế là vô hạn, và không có thuộc tính nào mà Thượng đế không có. Khi chúng ta đọc qua ĐĐH chúng ta biết rằng chỉ có hai trong số thuộc tính này trí tuệ loài người có thể biết được. Đó là tư tưởng và quảng tính.
2. Những mệnh đề dẫn nhập  
Spinoza chuyển từ những định nghĩa này đến việc trình bày một loạt mệnh đề liên quan đến thực thể nói chung và đến Chúa nói riêng, trên cơ sở đó ông sẽ chứng minh rằng Thượng Đế là một thực thể và duy nhất. Hai mệnh đề tiếp theo là những cái mốc lớn trong luận đề tổng quát và được gợi ra rõ ràng trong sự trình bày IP14:
IP5
Trong tự nhiên không thể có hai hoặc nhiều hơn thực thể có cùng bản chất hoặc thuộc tính
Với sự trợ giúp của mệnh đề này, Spinoza luận chứng rằng nếu hai hay nhiều hơn thực thể tồn tại chúng sẽ phân biệt bởi sự khác nhau về phương thức hay sự khác nhau về thuộc tính. Tuy nhiên, chúng không thể khác nhau vì sự sai biệt phương thức  vì trong tự nhiên các thực thể có trước phương thức của chúng. Như vậy chúng phải được phân biệt bởi sự khác nhau về thuộc tính.  Từ đó, Spinoza suy ra rằng, không có hai thực thể có thể có cùng một tập hợp các thuộc tính, cũng không thể có một thuộc tính chung . Các thực thể phải khác nhau hoàn toàn
IP14 Thượng đế, hay một thực thể bao gồm vô lượng  thuộc tính, mỗi thuộc tính biểu hiện thực chất   vĩnh viễn và vô hạn, tồn tại một cách tất yếu.
Bằng mệnh đề này, Spinoza đưa ra một phương án của cái gọi là Luận chứng Bản thể học. Lý do cơ bản của phương án này này là nó gắn liền với bản chất của thực thể để tồn tại.. Trước đó trong IP7 Spinoza đã xác lập điều này, bằng cách viện đến sự kiện là các thực thể là hoàn toàn khác nhau, không thể tạo ra nhau. Vì rằng không có gì khác có thể tạo ra một thực thể, các thực thể phải là nguyên nhân tự thân, có nghiã rằng nó thuộc về bản chất của thực thể tồn tại. Như vậy, tưởng tượng rằng Thượng đế không tồn tại là vô lý. Vì một thực thể bao gồm vô lượng các thuộc tính nó gắn liền với bản chất thánh để tồn tại
3. Chứng minh nhất nguyên thực thể
Với những mệnh đề này, Spinoza có đầy đủ mọi thứ ông cần để chứng minh rằngcó một và chỉ một thực thể và rằng thực thể đó là Thượng đế.
IP14 Ngoài Thượng đế, không thể có một thực thể nào tồn tại và có thể nhận thức được
Chứng minh của mệnh đề này là quá đơn giản. Thượng đế có tồn tại (IP11). Vì Thượng đế có mọi thuộc tính (ID6) nếu bất kỳ một thực thể nào khác Thượng đế mà tồn tại, nó có một thuộc tính chung với Thượng đế. Nhưng vì không thể có hai hay nhiều hơn thực thể có chung thuộc tính (IP5), nên không thể có thực thể nào khác ngoài Thượng đế. Thượng đế là một thực thể và là thực thể duy nhất.
Những hàm ý trong mệnh đề này thật là ghê gớm, và có thể coi là Spinoza đã triển khai chúng trong toàn bộ phần còn lại của ĐĐH. Rõ ràng nhất , những mênh đề này đánh dấu sự rạn nứt với chủ nghĩa đa nguyên thực thể vốn được phần đông các triết gia phương tây cổ soái. Ngay cả Descartes là người mà Spinoza đã học tập rất nhiều trong lĩnh vực siêu hình học, cũng thừa nhận tính đa nguyên của các thực thể tinh thần và vật chất cùng với Chúa., mà ông coi như hình mẫu của một thực thể. Quan trọng hơn nữa, nó là tín hiệu về sự vứt bỏ thần học cổ điển, tư tưởng cho rằng Chúa trời là đấng sáng tạo của vũ trụ, về mặt bản thể khác biệt với cái vũ trụ mà ông ta điều khiển theo ý chí tối cao của mình.  Spinoza chẳng có gì ngoài sự khinh bỉ  tư tưởng ấy và bác bỏ nó như một sản phẩm của tưởng tượng. Việc ông đặt lại quan niệm về quan hệ giữa Chúa, thực thể vô hạn, và trật tự của những vật hữu hạn, sẽ trở nên rõ ràng khi chúng ta chuyển sang xem xét ý kiến của ông về hệ thống phương thức.
b.  Hệ thống Phương thức
Cùng với việc vứt bỏ thần học cổ điển, Spinoza đồng nhất một cách tài tình Chúa với Tự nhiên. Tự nhiên không còn được coi là một lực lượng khác với Chúa và phụ thuộc vào Chúa, mà nó là một với lực lượng thần thánh. Câu của Spinoza 'Deus sive Natura’ (Chúa hay Tự nhiên) nói lên sự đồng nhất này và cũng nổi tiếng là một câu biểu đạt súc tích trong siêu hình học của ông. Tuy nhiên khi đứng riêng rẽ, câu này tương đối thiếu thông tin. Nó chỉ nói với chúng ta về việc Spinoza đã bác bỏ quan hệ đấng sáng tạo/ cái được sáng tạo mà  kiểu mẫu cổ điển đã thừa nhận, hình dung về mối quan hệ giữa Chúa và hệ thống tình thái
i. Natura naturans and Natura naturata (Tự nhiên sinh sôi và Tự nhiên phái sinh)
Để trình bày tư tưởng của ông vềvấn đề này Spinoza phân biệt giữa Tự nhiên hiểu theo nghĩa chủ động tích cực hay khía cạnh khả năng sinh sôi của nó, mà ông đồng  nhất với Chúa, hay thuộc tính thần thánh, và Tự nhiên theo nghĩa thụ động, dẫn xuất, hay khía cạnh được sinh ra, mà ông  đồng nhất với các phương thức. Tự nhiên trên kia ông gọi là  Natura naturans (tạm dịch: Tự nhiên sinh sôi) Tự nhiên sau này ông gọi là  Natura naturata (tạm dịch: Tự nhiên được phái sinh). Spinoza dùng hình thức này để biểu lộ hai khía cạnh. Thứ nhất, ông dùng hai lần chữ Tự nhiên  là tín hiệu về sự thống nhất bản thể luận tồn tại giữa Chúa và hệ thống các phương thức. Mỗi phương thức trong hệ thống là một biến thể của không gì khác hơn là chính thực thể là Chuá. Thứ hai, việc dùng từ Tự nhiên ở cách chủ động 'naturans' trong cụm từ đầu và ở cách bị động 'naturata' ở cụm từ sau là tín hiệu của quan hệ nhân quả giữa Chúa và hệ thống phương thức. Chúa không chỉ là chủ thể của phương thức, mà là một lực lượng tích cực tạo ra và duy trì các cách thức đó.
Trong quan điểm về sự thống nhất bản thể giữa Chúa và hệ thống phương thức, Spinoza thận trọng chỉ rõ rằng nguyên nhân thần thánh là nội tại hơn là hướng ngoại . Điều đo muốn nói lên rằng hành động có tính nguyên nhân của Chúa không chuyển ra ngoài thực thể thần thánh để tạo ra các ảnh hưởng bên ngoài, như nếu Chúa là đấng sáng tạo theo nghĩa truyền thống.  Đúng hơn là, nó vẫn còn nguyên trong thực thể thần thánh
 Trong quan điểm về sự thống nhất bản thể giữa Chúa và hệ thống phương thức, Spinoza thận trọng chỉ rõ rằng nguyên nhân thần thánh là nội tại hơn là hướng ngoại . Điều đo muốn nói lên rằng hành động có tính nguyên nhân của Chúa không chuyển ra ngoài thực thể thần thánh để tạo ra các ảnh hưởng bên ngoài, như nếu Chúa là đấng sáng tạo theo nghĩa truyền thống.  Đúng hơn là, nó vẫn còn nguyên trong thực thể thần thánh để tạo ra vô số phương thức, hình thành hệ thống phương thức. Spinoza ví cái đó với cái cách mà bản chất của một Tam giác tạo ra những đặc tính cốt yếu của nó “Từ quyền năng tối cao của Chúa, hay bản chất vô hạn, vô lượng vật thể trong vô lượng phương thức, mọi vật đã sinh ra một cách tất yếu, hay luôn luôn sinh ra, cũng tất yếu  và bằng cùng cách thức mà từ bản chất của một tam giác nó sinh ra từ vô thuỷ và đến vô chung, đó là ba góc của nó bằng hai góc vuông. " (IP17S1).  Toàn bộ hệ thống phương thức,  Natura naturata ( Tự nhiên phái sinh) nội sinh  từ bản chất thần thánh Natura naturans (Tự nhiên sinh sôi)
ii. Hai kiểu phương thức
Spinoza đưa vào bức tranh tương đối đơn giản này một điều phức tạp. Ông nói, có hai kiểu/ loại phương thức. Loại thứ nhất ông gọi là phương thức vô hạn và vĩnh cửu. Đây là những đặc điểm toả khắp vũ trụ, mỗi đặc điểm sinh ra từ bản chất thần thánh ở mức độ như nó sinh ra từ bản chất tuỵet đối của thuộc tính này hay khác của Chúa.. Thí dụ như chuyển động hay đứng yên dưới thuộc tính dãn rộng, và trí năng  vô hạn dưới thuộc tính tư tưởng. Những phương thức loại hai bao gồm những gì có thể goi là hữu hạn và tạm thời.Chúng đơn giản là những sự vật riêng rẽ có mặt trong vũ trụ. Những phương thức này cũng sinh ra từ bản chất thần thánh nhưng chỉ như những sự sinh sôi từ thuộc tính này thành thuộc tính khác của Chúa, ở mức độ nó được biến cải bằng một phép biến cải mà bản thân là hữu hạn và tạm thời. Thí dụ như những vật thể cá biệt dưới thuộc tính dãn nở, và nhưng tư tưởng cá nhân dưới thuộc tính tư tưởng.
Đáng tiếc, Spinoza giải thích rất ít về những phương thức vô hạn và vĩnh cửu này là gì, hay quan hệ của chúng với những phương thức tạm thời và hữu hạn thế nào? Cứ theo những hàm ý trong Luận về sự sửa lỗi của trí năng      rằng  các qui luật của Tự nhiên được gắn vào các thức vô hạn và vĩnh cửu, nhiều nhà bình luận đề xuất rằng Spinoza nghĩ về những  phương thức ấy như  bao trùm cách mà các phương thức hữu hạn và ảnh hưởng lên nhau. Chẳng hạn nếu qui luật về va chạm cách nào đó gắn vàophương thức vô hạn –vĩnh cửu chuyển động và đứng yên, thì kết quả của  bất kỳ va chạm nào  cụ thể sẽ được xác định bởi thức đó cùng với các đặc tính phù hợp ( tốc độ, hướng, kích cỡ, v.v..) của các vật thể liên quan. Nếu điều này là đúng, thì Spinoza hình dung mọi phương thức hữu hạn được xác định hoàn toàn bằng các đường nhân quả giao nhau, một đường nằm ngang kéo dài qua hàng loạt các phương thức hữu hạn trước và một đường thẳng đứng chạy qua hàng loạt các phương thức vô hạn và kết thúc ở một thuộc tính này hay khác của Chúa.
iii. Quyết định luận nhân quả
Tuy nhiên có thể cuối cùng thì Spinoza hình dung về quan hệ giữa các phương thức vô hạn và hữu hạn ông đã rõ ràng một điều:- hệ thống các phương thức là một hệ thống hoàn toàn xác định, trong đó mọi vật đựợc hoàn toàn quyết định là gì và làm gì.
IP29: Trong tự nhiên không có gì ngẫu nhiên, mà tất cả đã được từ tính tất yếucủa bản chất thần thành để tồn tại và tạo sinh các tác dụng một cách nhất định.
Spinoza nhắc chúng ta rằng sự tồn tại của Thượng đế là cần thiết. Nó gắn liền với bản chất của thực thể tồn tại. Hơn nữa , vì mỗi và mọi phương thức đều sinh ra từ tính tất yếu của bản chất thần thánh, hoặc từ bản chất tuyệt đối của thuộc tính này hay khác của Thượng đế  như trong trường hợp với các phương thức  vĩnh cửu và vô hạn, hoặc từ các thuộc tính này hay khác của Thượng đế  trong chừng mực nó được biến cải bằng những cải biến hữu hạn, như trường hợp vơi những phương thức hữu hạn, tất cả những phương thức ấy đều là cần thiết. vì không có cái gì khác hơn bản chất thần thánh và các phương thức của nó, nên không có gì là ngẫu nhiên. Mọi biểu hiện bên ngoài của ngẫu nhiên là kết quả của thiếu sót trong nhận thức về Thượng đế hay là về trật tự các nguyên nhân. Một cach tương ứng, Spinoza lấy việc ‘biết một sự vật một cách thoả đáng là biết nó trong tính tất yếu của nó, vì nó đã được xác định hoàn toàn bằng các nguyên nhân của nó’ làm trung tâm của tri thức lụân của ông
iv. Thuyết nhân quả song hành
Ở điểm này có một câu hỏi rõ ràng được đặt ra là liệu có khả năng một phương thức hữu hạn thuộc về một thuộc tính lại hành động theo và quyết định các phương thức thuộc về các thuộc tính khác hay không. Câu trả lời của Spinoza là dứt khoát: Không. Các quan hệ nhân quả chỉ tồn tại giữa các phương thức thuộc về cùng một thuộc tính. giải thích của ông về điều này có thể tìm lại trong một tiên đề được đưa ra ngay ở đầu Quyển Một
IA4:  Tri thức về một kết quả phụ thuộc vào và gắn với tri thức về nguyên nhân của nó.
Theo tiên đề này, nếu một thức hữu hạn thuộc về một thuộc tính là có Thượng đế được coi là nguyên nhân của nó trong chừng mực ngài được xem xét dưới một thuộc tính khác, nghĩa là, nếu nó được sinh ra bới một thức hữu hạn thuộc về một thuộc tính khác, thì tri thức về thức đó sẽ gắnvới tri thức của thuộc tính khác đó. Vì điều đó là không thế, nên thức đó không thể có Thượng đế làm nguyên nhân, trong chừng mực ngài được xem xét dưới một số thuộc tính khác.  Nói cách khác nó không thể sinh ra từ một thức hữu hạn thuộc về một thuộc tính khác.
Khi áp dụng vào những phương thức thuộc về các thuộc tính mà chúng ta có tri thức- tư tưởng và sự triển khai- điều này có một hề quả hết sức quan trọng. Không thể có tương tác nhân quả giữa tư tưởng và vật thể. Điều này không có nghĩa là tư tưởng và thân thể không có mối liên quan với nhau,  thật ra, đó là một trong những luận điểm nổi tiếng nhất của Đạo Đức học rằng các tuyến nhân quả chạy giữa chúng là tuyệt đối song song.
Để chứng minh luận đề này Spinoza nói rằng nó là một hệ quả của IA4 và ông bỏ ngang nó ở đó. Tuy nhiên rõ ràng là mệnh đề này có cơ sở sâu xa trong nhất nguyên luận thực thể của ông. Vì tư duy và triển khai không phải là thuộc tính của các thực thể khác nhau, nên các tư tưởng và các vật thể không phải là các thức của các thực thể khác nhau. Chúng là “một và cùng một vật, nhưng được thể hiện bằng hai cách”
(IIP7S). Tuy nhiên, nếu tư tưởng và vật thể là một và cùng một vật, thì trật tự và liên hệ của chúng phải là một. Thuyết nhất nguyên thực thể bằng cách này đảm bảo rằng tư tưởng và vật thể mặc dầu độc lập với nhâu về mặt nhân quả, chúng có những quan hệ  nhân quả song song.


4. Trí năng và nhận thức

Đến đây siêu hình học của Spinoza đã động chạm đến lý thuyết của ông về trí năng và thâu lượm được một số kết quả rất sâu sắc. Rõ ràng là nhât nguyên luận thực thể của ông đã ngăn ông không khẳng định thứ nhị nguyên luận mà Descartes đã khẳng định, trong đó trí tuệ và thân thể được nhận thức như những thực thể khác biệt nhau. Hơn nữa, lý lẽ của ông rằng các thức thuộc về các thuộc tính khác biệt nhau không có tương tác nhân quả với nhau nhưng song song nhau về quan hệ nhân quả ngăn ông không khẳng định rằng trí tuệ và thân thể có tương tác.Bởi vì ông chấpnhận hiện thực của trí tuệ trong khi bác bỏ nhị nguyên luận và loại trừ tương tác, quan điểm của Spinoza về trí năng nói chung có một vẻ dễ thương mà quan điểm của Descartes không có.

  1. Trí tuệ là ý nghĩ của thân thể
Để hiểu quan điểm của Spinoza về trí tuệ chúng ta phải bắt đầu từ IIP7. Mệnh đề này cùng với lời chú giải của nó, đưa ông đến luận đề rằng đối với mỗi thức hữu hạn của khai triển (Thực tại?), tồn tại một phương thức hữu hạn của tư duy tương ứng với nó, và không thật sự khác biệt với nó. Nói cụ thể hơn, nó đưa ông đến luận đề rằng (1) với mỗi vật thể đơn giản tồn tại một tư tưởng đơn giản ứng với nó và không thật sự khác biệt với nó. Và (2)với mỗi vật thể phức tạp tồn tại một tư tưởng phức tạp ứng với nó và không thật sự khác biệt với nó, bao gồm, như bản thân nó, những tư tưởng ứng với từng vật thể mà vật thể phức tạp kia bao gồm. Spinoza gọi tất cả những tư tưởng này, dù đơn giản hay phức tạp, là trí năng. Về khía cạnh này ông không cho trí tuệ loài người là duy nhất. Chỉ đơn giản là tư tưởng ấy tương ứng với thân thể con người

Theo quan điểm ấy, Spinoza không có hàm ý rằng mọi trí tuệ đều như nhau. Vì Trí tuệ là những biểu hiện của các vật/thân thể mà chúng ứng với trong lính vực tư tưởng, một số có những khả năng mà số khác không có. Nói đơn giản, năng lực của thân thể hành động và chịu tác động càng lớn, thì năng lực nhận thức của trí tuệ tương nứng với nó càng lớn. Spinoza nói kỹ hơn:
Một thân thể có nhiều khả năng hơn những thân thể khác trong việc làm nhiều thứ cùng một lúc, hoặc bị tác động theo nhiều cách khác nhau cùng một lúc, thì trí năng của nó,theo tỉ lệ , có khả năng hơn các trí năng khác trong việc nhận thức nhiều thứ một lúc. Và khi những hành động của một thân thể phụ thuộc nhiều hơn vào bản thân nó, và các thân thể khác trùng hợp với nó ít hơn trong hành động, thì trí năng của nó, theo tỉ lệ,  có khả năng hiểu rõ ràng hơn. Và từ những sự thật này mà chúng ta biết một trí tuệ này ưu việt hơn trí tuệ khác. (IIP13S)
Đó là giải thích về tính ưu việt của trí tuệ con người. Thân thể con người, là một phức hợp hết sức phức tạp của nhiều vật thể đơn giản, có khả năng hành động và nhận tác động theo vô số cách khác nhau mà các loài khác không có được. Trí tuệ của con người, như là một biểu hiện của thân thể đó trong lĩnh vực tư tưởng, phản chiếu thân thể theo cách là một phức hợp hết sức phức tạp của nhiều tư tưởng đơn giản, và như vậy nó có khả năng nhận thức vượt trội hơn nhiều các trí tuệ khác không phải của con người. Chỉ có một trí tuệ tương ứng với một thân thể phức tạp có thể sánh với sự phức tạp của thân thể người mới có thể có một trí tuệ có khả năng nhận thức sánh được với khả năng nhận thức của trí tuệ con người.
b. Trí tưởng tượng

Có một năng lực nhận thức được Spinoza đặc biệt quan tâm, đó là  trí tưởng tượng. Ông coi nó là năng lực chung về miêu tả/ hình dung vật thể  bên ngòai như nó tồn tại,  bất kể nó có thực sự tồn tại hay không.
Trí tưởng tượng như vậy bao hàm nhiều hơn cái năng lực hình thành  những cấu trúc tinh thần mà chúng ta thường coi là khả năng tưởng tượng. Nó bao hàm cả trí nhớ và nhận thức cảm giác.  Vì rõ ràng không thể đi trong thế giới mà không có nó, nên Spinoza thừa nhận rằng  “trong phương thức này tôi biết hầu như tất cả mọi thứ hữu ích trong cuộc sống” (TIE 22).
Điều đó nói lên rằng Spinoza luôn đối lập tưởng tượng với tri thức, và cho rằng nó không mang lại cái gì hơn là nhận thức mơ hồ lộn xộn. Theo cách dùng thuật ngữ ưa thích của ông, các ý tưởng của tưởng tượng là không xác đáng.. Chúng có thể là thiết yếu để đi trong thế giới, nhưng nó cho chúng ta một hình ảnh méo mó và không hoàn hảo vềcác vật trong thế giới đó. Để hiểu tại sao, tốt hơn nên  bắt đầu bằng nhận thức cảm giác. Đây là hình thức quan trọng nhất của nhận thức tưởng tượng, và  tất cả các hình thức khác đều được rút ra từ chính hình thức này. 
i.    Nhận thức cảm tính 
Theo quan điểm của Spinoza, nhận thức cảm tính có nguồn gốc trong hoạt động của một vật thể bên ngoài lên cơ quan thụ cảm  này hay khác của cơ thể người. Từ đó nổi lên một loạt phức hợp những thay đổi trong (những gì đựơc coi là) hệ thống thần kinh của cơ thể. Vì trí tuệ chính là ý nghĩ của cơ thể, nó phải biểu hiện những thay đổi này.  Cái này Spinoza coi là nhận thức cảm tính (bằng cảm giác).
Để giải thích hành động biểu hiện này làm thế nào để nhận thức được một vật thể ngoài nó Spinoza gợi đến một thực tế là trạng thái được thay đổi của cơ thể người ta là một chức năng vừa là bản chất của cơ thể, vừa là bản chất của vật thể ngoài nó gây ra trạng thái thay đổi đó. Chính vì điều này, sự biểu hiện của trí tuệ về trạng thái này sẽ bộc lộ một cái gì nhiều hơn là bản chất của cơ thể con người. Nó cũng bộc lộ cả bản chất của sự vật ngoài nó nữa.
IIP16:

Ý nghĩ của bất kỳ một thức nào trong đó thân thể con người bị tác động bởi một vật bên ngoài  phải     gắn liền với bản chất của cơ thể con người và đồng thới bản chất của vật thể ngoài nó.
Chính đặc điểm này của hành động biểu hiện của trí năng – tức là biểu hiện bản chất của vật thể bên ngoài- sẽ giải thích được tại sao một hành động như thế chính là nhận thức cảm tính.
c. Những ý tưởng không xác đáng

Xem thế thì thấy không khó hiểu tại sao Spinoza phán xét rằng nhận thức cảm tính là không xác đáng. (Phán xét đó) dựa trên cơ sở là chính trong sự biểu hiện của trí năng về trạng thái của cơ thể con người hơn là trong sự biểu hiện trực tiếp của các vật thể ngoài, nhận thức cảm tính là gián tiếp. Điều này cũng đúng cho mọi  ý tưởng tưởng tượng, vì vấn đề với chúng là một.

IIP16C2

Nó kéo theo điểm thứ hai là các ý tưởng mà chúng ta có về các vật thể bên ngoài chỉ ra các   
trạng thái của chính cơ thể chúng ta hơn là bản chất của các vật thể bên ngoài

Chính vì điểm này mà Spinoza  coi tư duy tưởng tượng là mơ hồ lộn xộn. Hình ảnh mà nó cung cấp về vật thể bên ngoài không tránh khỏi bị nhuộm màu bởi mắt kính của cơ thể người nhìn.. 
Tuy nhiên, sự lộn xộn chỉ là một khía cạnh không xác đáng của tư duy tưởng tượng. Một tư duy như thế cũng bị làm cho méo mó. Lý do của nó nằm ở IA14, trong đó khẳng định rằng kiến thức về  một kết quả phụ thuộc vào và gắn liền với kiến thức về nguyên nhân  của nó. Đây là một điều kiện mà có lẽ tư duy tưởng tượng không bao giờ thoả mãn được. Trí năng có thể bao quát tư duy về một vật thể bên ngoài, nhưng nó không thể bao quát tư duy về tất cả các nguyên nhân của vật  thể đó. Các nguyên nhân này , vốn là vô hạn ,  rơi ra ngoài phạm vi của nó, và chỉ được bao quát  trong trí thông minh vô hạn của Chúa. Tư duy của Chúa về các vật thể có thể là xác đáng, nhưng tư duy của chúng ta thì không. Nó bị cắt lìa khỏi những ý tưởng cần thiết để khiến nó trở nên xác đáng.
d. Các ý tưởng xác đáng
Mặc dầu các ý tưởng tượng về các vật thể bên ngoài là những thí dụ quan trọng nhất của các ý tưởng không xác đáng, nó vẫn không phải là thí dụ duy nhất. Spinoza tiếp tục chỉ ra rằng  những ý nghĩ của trí óc của cơ thể, độ lâu của nó, và các bộ phận của nó là  không xác đáng. Và  ý nghĩ của trí óc về bản thân nó cũng vậy. Ngay cả như vậy ông vẫn còn là người lạc quan về khả thể của những ý nghĩ xác đáng.
Sự lạc quan trở nên rõ ràng khi Spinoza chuyển sự chú ý của mình từ tư duy tưởng tượng về các sự vật riêng rẽ sang tư uy trí tuệ vè các sự vật nói chung. Những sự vật chung này là những sự vật hoặc chung cho mọi vật thể hoặc chung cho cơ thể người và các cơ thể nào mà cơ thể con người thường xuyên chịu tác động. Spinoza chỉ nói rất ít về những sự vật chung này, trừ việc nói rằng  chúng hiện hứu đầy đủ trong toàn thể và trong từng bộ phận  của mọi vật thể trong đó chúng tồn tại. Tuy nhiên có điều khá chắc chắn là lớp sự vật chung cho tất cả các vật thể bao gồm thuộc tính của triển khai và thức vô hạn và vính cứu của chuyển động và đứng yên. Cái gì được bao hàm trong lớp sự vật chung cho cơ thể người và những vật thể mà cơ thể người thường xuyên chịu tác động thì không chắc chắn được như thế. Tuy nhiên, dù cho chúng là gì, Spinoza đảm bảo với chúng ta rằng tư duy của chúng ta về chúng chỉ có thể là xác đáng.
Muốn biết tại sao, ta hãy xem xét một sự vật, A, nó là chung cho cơ thể con người và một số vật thể mà cơ thể con người chịu tác động. Spinoza thừa nhận A sẽ hiện hữu hoàn toàn trong ảnh hưởng sinh ra trong cơ thể con người như kết quả của hoạt động của vật thể bên ngoài, đúng như nó có ở trong bản thân hai vật. Kết quả là, trí tuệ có ý tưởng về ảnh hưởng đó, không chỉ có ý tưởng về A,mà ý tưởng của nó sẽ không lộn xộn không méo mó nữa.Ý tưởng của trí tuệ về A sẽ là xác  đáng.
Kết quả này là vô cùng quan trọng. Bới vì bất kỳ ý tưởng nào đi theo một ý tưởng xác  đáng thì bản thân nó cũng là ý tưởng xác đáng, những ý tưởng này được gọi một cách thích đáng là khái niệm chung/ phổ biến có thể dùng làm tiên đề cho một hệ thống suy lý. Khi vạch ra hệ thống này, trí tuệ gắn vào một loại nhận thức  khác về cơ bản so với khi gắn vào bất kỳ một trong những hình thức đa dạng của nhận thức tưởng tượng. Trong tất cả các hình thức của nhận thức tưởng tượng, trật tự của ý tưởng phản chiếu trật tự của các ảnh hưởng mang tính vật thể, và trật tự này phụ thuộc cơ hội gặp gỡ của cơ thể với vật thể bên ngoài  là hoàn toàn ngẫu nhiên. Ngược lại, việc rút những ý tưởng xác đáng từ các khái niệm phổ biến trong hệ thống suy lý đi theo một trật tự hoàn toàn khác. Trật tự đó Spinoza gọi là trật tự của lý lẽ. Trường hợp điển hình là môn hình học.
e. Ba loại Kiến thức
Với sự khác biệt giữa nhận thức xác đáng và không xác đáng, Spinoza đưa ra một tập hợp mới về sự sai biệt. Ông bắt đầu bằng nhận thức không xác đáng, bây giờ ông gọi nó là kiếnt hức loại 1, và chia thành hai phần.Phần đầu là những kiến thức có từ các kinh nghiệm ngẫu nhiên (experientia vaga). Đây là kiến thức “từ những sự vật riêng lẻ được đem đến cho ta thông qua các cảm giác, theo cách méo mó, hỗn độn, không có trật tự  cho trí năng (P40S2). phần thứ hai bao gồm kiến thức từ những dấu hiệu (ex signis) “ chẳng hạn từ sự kiện là nghe hoặc đoc một từ nào đó chúng ta nhớ lại các sự vật và hình thành những ý nghĩ về chúng , giông như những cái mà thông qua chúng , chúng ta tưởng tượng ra các sự vật” (P40S2). Những gì kết nối hai dạng kiến thức nói trên  là những cái thiếu đi một trật tự hợp lý. Rõ ràng là kiến thức có từ các kinh nghiệm ngẫu nhiên đi theo trật tự của các tác động đến cơ thể người, nhưng kiến thức từ những dấu hiệu cũng thế. Một người La mã nghe từ ‘pomum’ chẳng hạn , sẽ nghĩ đến một quả  táo, không phải vì có một mối liên hệ hợp lý giữa từ ngữ và vật thể , mà chỉ vì chúng đã được liên kết từ trước với kinh nghiệm của người đó
Khi chúng ta đi đến cái mà Spinoza goi là kiến thức loại hai, có lý, chúng ta đã đi từ nhận thức không xác đáng lên đến nhận thức xác đáng về các sự vật. Loại kiến thức này nhận được “từ sự kiện là chúng ta có những khái niệm chung và những ý tưởng thích đáng về thuộc tính của sự vật” (P40S2). Ơ đây, cái có ở trong đầu Spinoza là cái mà vừa mới được chỉ ra, tức là,  sự hình thành những ý tưởng về các thuộc tính chung của các sự vật và sự vận động bằng cách can thiệp suy lý vào sự hình thành các ý tưởng xác đáng của các thuộc tính chung khác. Không giống như trong trường hợp của kiến thức loại một, trật tự này của các ý tưởng là hợp lý.
Chúng ta có thể nghĩ rằng trong việc đạt được kiến thức loại hai này chúng ta đã nhận được tất cả những gì sẵn có dành cho chúng ta. Tuy nhiên, Spinoza thêm một loại thứ ba nữa, mà ông coi là siêu việt. Ông gọi nó là hiểu biết/ kiến thức trực giác và bảo nó “khởi đi từ một ý tưởng xác đáng về  bản chất hình thức của một thuộc tính nhất định của Chúa , tiến đến một kiến thức xác đáng về bản chất [chính thức] của sự vật" (P40S2). Đáng tiếc, Spinoza lại một lần nữa nói mơ hồ về một tiêp giáp cốt yếu, và thật khó hiểu ông nghĩ gì ở đây. Có lẽ ông hình dung một loại kiến thức cho ta thấu hiểu bản chất của một số sự vật riêng lẻ nào đó, cũng như hiểu biết bản chất ấy tuân theo tính tất yếu từ bản chất của Thượng đế như thế nào. Hơn nữa, việc đặc trưng loại kiến thức này như trực giác chứng tỏ rằng liên hệ giữa các bản chất cá thể và bản chất Thượng đế được nắm bắt trong một hành động lĩnh hội duy nhất và không đến từ bất kỳ một loại quá trình suy luận nào. Làm sao có thể như thế thì chưa bao giờ được giải thích.
Bỏ qua một bên các vấn đề mơ hồ, chúng ta vẫn có thể thấy một điều gì đó thụộc về lý tưởng mà Spinoza nhắm đến. Các ý tưởng không xác đáng là không hoàn thiện. Qua chúng, chúng ta nhận thức các sự vật mà không nhận thức các nguyên nhân quyết định cho sự vật là chính nó, và chính đây là lý do khiến chúng ta tưởng tượng chúng là ngẫu nhiên. Điều mà Spinoza đề xuất là loại hiểu biết thứ ba  là một cách để sửa chữa khiếm khuyết này.. Tuy nhiên cần lưu ý rằng ông không đề nghị chúng ta có thể có kiến thức này về tồn tại dài lâu của một đối tượng cụ thể. Như chúng ta đã thấy, điều này sẽ cần có các ý tưởng về tất cả các nguyên nhân tạm thời của một vật, mà những nguyên nhân như thế là vô hạn. Đúng ra, Spinoza đề nghị chúng ta có thể có kiến thức này về bản chất của một sự vật riêng lẻ khi nó tuân theo tính tất yếu từ bản chất của Thượng đế. Có loại kiến thức này tức là hiểu sự vật như tất yếu chứ không phải ngẫu nhiên. Nếu dùng câu của chính Spnoza thì “nhìn nó sub quadam specie aeternitatis dưới một khía cạnh nhất định của sự vĩnh cửu.”
5.Tâm lý học
Một trong những lĩnh vực lý thú nhất và chưa được nghiên cứu của tư tưởng Spinoza là tâm lý học của ông, tâm điểm của nó là lý thuyết của ông về các cảm xúc . Tất nhiên Spinoza  không phải là nhà triết học đầu tiên quan tâm đến cảm xúc. Ông chỉ cần nhìn vào tác phẩm của các nhà triết học thế hệ trước như Descartes và Hobbes và các tác phẩm của các nhà Khắc kỷ trước đó, là thấy ngay các tranh luận chưa dứt về vấn đề này. Tác phẩm của ông cho thấy ông đã học được nhiều từ các nhà tư tưởng nói trên.
Dù vậy, Spinoza vẫn bộc lộ bất mãn sâu sắc đối với quan điểm của những người đi trước. Sự bất mãn của ông phản ánh khuynh hướng thiên về tự nhiên mà ông muốn mang đến cho chủ đề này.
Phần lớn những người đã viết về  cảm xúc và lối sống của con người, hình như không xử lý những sự vật tự nhiên tuân theo các qui luật chung của giới Tự nhiên, mà những sự vật ngoài Tự nhiên. Đương nhiên họ quan niệm con người trong Tự nhiên là một quyền năng trong một quyền năng. Vì họ tin rằng con người khuấy động hơn là tuân theo trật tự tự nhiên, rằng nó (con người) có quyền tuyệt đối đối với hành động của nó và rằng nó chỉ được xác định bằng chính bản thân mình (III lời nói đầu)
Trái lại với những điều ông thấy như một khuynh hướng trong quá khứ ở những nhà triết học đi trước là coi con người như những ngoại lệ của trật tự tự nhiên, Spinoza đề nghị xử lý họ như đối tượng của cùng những qui luật và những yếu tố quyết định có tính nhân quả, như những đối tượng khác. Điểm nổi bật có thể được mô tả rõ nhất như một lý thuyết cơ giới về cảm xúc.

a. Bác bỏ tự do ý chí
  Trong việc nêu lên quan điểm mới này, điều đầu tiên Spinoza đề cập đến là làm rõ cái mà ông coi như lầm lẫn phổ biến nhất mà con người chúng ta có về bản thân mình. Đó là niềm tin vào tự do ý chí. Spinoza chỉ có một thái độ là khinh bỉ đối với niềm tin này, đối xử với nó như một ảo tưởng nẩy sinh từ sự kiện là những ý tưởng chúng ta có về các hành động của chúng ta là không xác đáng. “ Con người tưởng rằng họ có tự do” ông viết “ bới vì họ ý thức về hành động của họ và họ hoàn toàn mù tịt về những nguyên nhân quyết định những hành động ấy””(IIIP2S). Nếu chúng ta có thể có được những ý tưởng thích đáng về những hành động của chúng ta vì những ý tưởng này mang theo chúng hiểu biết về những nguyên nhân của nó, thì ngay lập tức chúng ta sẽ thấy những niền tin này thật ra là ảo tưởng
Rõ ràng là quan điểm này của Spinoza bị chi phối  bởi thuyết định mệnh của siêu hình học của ông. Trí tuệ , như một phương thức hữu hạn, là gì và làm gì, hoàn toàn bị qui định bởi một phương thức hữu hạn khác. Thừa nhận một quyền năng  của ý chí mà bởi đó, ý chí trở thành độc lập và tự chủ đối với các yếu tố quyết định có tính nguyên nhân bên ngoài, là tách rời nó khỏi tự nhiên. Spinoza không có gì để nói về điều này. Vì trí tuệ  hoàn toàn là một bộ phận của tự nhiên, ta phải hiểu rằng nó tuân theo cùng những nguyên tắc chi phối tất cả mọi phương thức.

b. Nguyên tắc bản năng tự vệ
Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất tromg tất cả các nguyên tắc là nguyên tắc được gọi là bản năng tự vệ
IIIP6

Mỗi sự vật với tất cả khả năng  sức mạnh của bản thân nó cố gắng để kéo dài sự tồn tại.
Ý nghiã của nguyên tắc này quá rõ ràng, nhưng nó có vẻ như một kiểu quán tính sinh tồn của các phương thức. Mỗi phương thức, trong phạm vi khả năng của nó, hành động theo hướng chống lại sự phá huỷ hoặc suy giảm tồn tại của nó.Spinoza biểu hiện điều này bằng cách nói rằng mỗi phương thức có có gắng nội tại (bản năng sinh tồn) để kéo dài sự tồn tại. Cố gắng này tập trung vào mỗi phương thức ông nhìn nhận như bản chất của phương thức đó:
IIIP7

Cố gắng mà nhờ đó  mọi vật  bảo tồn sự tồn tại của mình không gì khác hơn là bản chất thật của sự vật.                                                                                                                    .

(to be continued)

Một chân dung do những kẻ không ưa Spinoza làm, với chú thích "Spinoza - Do Thái và Vô thần"

Hiếu tân dịch, 2006

3 nhận xét:

  1. Cám ơn dịch giả đã dịch về Spinoza. Con muốn tìm hiểu thêm về ông nhưng rất ít tài liệu. COn xin mạn phép tác giả nếu được cho con một vài điều về triết gia Spinoza bàn về con người trong mối tổng hòa với Thiên nhiên. Con cám ơn!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Vỹ, mình đang viết luận văn về Spinoza's Ethics cho cái senior thesis. Như bạn nói, đúng là tài liệu về Spinoza trong tiếng Việt rất ít. Mình đọc bản tiếng Anh và cũng đang ấp ủ muốn viết về Spinoza trong tiếng Việt mình. Nếu bạn thích tìm hiểu mình có thể trao đổi thêm. Email của mình là: nimda47@gmail.com

      Xóa
    2. Mình cũng đang tmf hiểu về triết học của Spinoza, rất mừng khi được đọc bài viết này, rất mong sẽ có cơ hội được trao đổi với bạn. Thân!

      Xóa