Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Mao trên điện thoại di động của bạn


Một sự nghiệp Cộng sản mới xây dựng trên quá khứ.

Wieland Wagner
Spiegel   12/5/2011

HIẾU TÂN dịch 

Bạc Hy Lai, phụ trách thành phố Trùng khánh, một trong những ngôi sao mới nổi của Đảng Cộng sản Trung quốc. Bí quyết của ông để thành công trong dân chúng? Trừng trị thẳng tay tham nhũng, những bài hát yêu nước và những câu trích (ngữ lục) lời của Mao Chủ tịch – đưa thẳng đến điện thoại di động của bạn.
 
Đó là một buổi sáng ngày mới ở Trùng Khánh, thành phố lớn nằm ở tây nam Trung Hoa. Trong một công viên thành phố, tiếng hô “Ô, nhạc đỏ” có thể nghe vang lên từ hàng chục giọng. Các ca sĩ ngồi trên những chiếc ghế nhựa mà xanh và trắng. Cách đó vài mét, một nhóm công dân khác có vẻ rất thích hát đang tập bài ca cách mạng “Chào Tổ quốc!” (Zuguo, nihao!)

Dàn đồng ca nghiệp dư của khu phố đã tụ tập trước những biển hiệu bằng gỗ được đặt khắp công viên và động viên các công dân hát những bài “nhạc đỏ.” Ở nhiều nơi khác trong thành phố Trùng Khánh này, văn hóa chính trị mà Lãnh tụ Vĩ đại Mao Trạch Đông trước đây đã dùng để kích động quần chúng dấn thân vào cuộc cách mạng thường trực, bây giờ lại một lần nữa nở hoa.

Các đài phát thanh và truyền hình của thành phố cũng đang phát đi những bài ca cách mạng, thay cho những tiết mục giải trí vốn là những món ăn thường lệ ít lâu nay, một kênh đang chiếu những phim tài liệu vào giờ cao điểm về những thành tích lịch sử của Đảng Cộng sản. Các báo địa phương cũng đang đùng đùng nổi lên chiến dịch cách mạng.

Tìm phương hướng

Trùng Khánh, cách Thượng Hải 1.300 km phía thượng lưu sông Dương Tử, là thủ đô lâm thời của Trung Hoa thời Thế Chiến II. Ngày nay nó là một công trường xây dựng khổng lồ được làm bằng những tòa nhà chọc trời chen dày đặc và những đường cao tốc quấn quít vào nhau. Khoảng 33 triệu người sống trong các ranh giới hành chính của nó, một vùng sâu trong nội địa, giàu trữ lượng khí đốt thiên nhiên và quặng than quặng sắt. Nó là một thành phố đang phất lên đi tìm phương hướng tư tưởng – với sự giúp đỡ của các phương pháp từ lâu đã lỗi thời ở Trung Hoa.

Nhưng từ khi Bạc Hy Lai, 61 tuổi, bí thư Đảng bộ Cộng sản địa phương và cựu bộ trưởng thương mại, về phụ trách Trùng Khánh, thì Mao đã được phục hồi như một ông thánh bảo hộ trong cuộc đấu tranh chống lại tất cả những mâu thuẫn có thể có của một chủ nghĩa tư bản đích thực.

Bạc thậm chí dùng cả tin nhắn để gửi đi những ngữ lục gây hứng khởi của Mao đến các công dân, họ sẽ đọc những câu như “Thế giới là của chúng ta, chúng ta sẽ đoàn kết để thành công,” hay “Trách nhiệm và nghiêm chỉnh có thể chính phục thế giới, và các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho những phẩm chất ấy,” xuất hiện bất ngờ trên màn hình điện thoại di động của họ.

Những nơi khác trong nước Cộng hòa Nhân dân cũng đang dỏng tai lên nghe. Năm 2007 khi Bạc được điều từ Bắc Kinh về thành phố Trùng Khánh quanh năm đầy sương mù này, nơi nổi tiếng về nạn tham nhũng, nhiều người nghĩ đó là một sự giáng cấp. Dẫu sao, cũng rõ ràng là Bạc đã thất bại trong cuộc đấu tranh quyền lực ở thủ đô, để giành ngôi vị kế nhiệm chức chủ tịch nước và chủ tịch đảng của Hồ Cẩm Đào.

Nhưng Bạc đã không chịu để cho mình bị đẩy ra khỏi đời sống chính trị hằng ngày. Nhờ vào di sản tả khuynh của đảng, vị lãnh đạo cấp tỉnh này đang ngang nhiên tự vẽ mình như một thay thế được lòng dân cho sự lãnh đạo của Bắc Kinh. Không giống như Hồ và người phó có khả năng kế vị của ông, Tập Cận Bình, 57 tuổi, Bạc đã khơi dậy nhiệt tình trong người Trung Hoa bằng một hình thức dân túy mà giới lãnh đạo cứng rắn của Đảng Cộng sản nói chung không ưa.


Chiến dịch không khoan nhượng chống Mafia.

Bạc bắt đầu giành được sự ủng hộ của dân chúng bằng một chiến dịch không khoan nhượng chống mafia địa phương và các quan chức chính quyền có dính líu. Ông đã ra lệnh bắt giữ khoảng 5.000 người về tội đĩ điếm, sòng bạc và tàng trữ vũ khí bất hợp pháp, và các tội phạm khác. Mười ba người bị hành hình, trong đó có cựu phó cảnh sát trưởng. Ngay cả các chuyên gia luật Trung Quốc cũng phê phán cuộc thanh trừng này là quá độc đoán. Chắng hạn Lý Trang, luật sư riêng của trùm mafia, bị khép án một năm rưỡi tù ngồi vì cáo buộc xui giục thân chủ của mình khai man.

Nhưng thay vì hạ thấp uy tín của bạc, sự phê phán này chỉ nâng cao nó thêm. Ông tiếp tục tiến hành những thay đổi triệt để ở Trùng Khánh, đặc biệt ở những nơi mà công dân dễ để ý nhất. Cây xanh được trồng dọc trên những đường phố bụi bặm, các sĩ quan cảnh sát đóng chốt trên các giao lộ bây giờ tranh đua giúp đỡ công dân thay vì sách nhiễu họ, như họ vẫn làm trong quá khứ. Vào ngày 1 tháng Năm, Trùng Khánh miễn học phí cho tất cả trẻ em từ lớp chín trở xuống.

Bạc kết hợp phong cách lãnh đạo cứng rắn và chủ nghĩa dân túy đang có hiệu quả ở Trung Hoa, nơi mà thần kỳ kinh tế của đất nước đang đẩy nhanh lạm phát và đào sâu thêm hố thẳm giữa giàu nghèo. Cho đến nay, lãnh đạo đảng Hồ chỉ phản ứng với hành vi sốt sắng thái quá của đồng chí mình ở Trùng Khánh bằng sự im lặng dễ thấy. Nhưng Bạc được bảo vệ khỏi mọi cuộc tấn công có thể có từ Bắc Kinh: Đối với nhiều đảng viên, “Mao ngữ lục” nghe đúng đắn về chính trị hơn khẩu hiệu, ảnh hưởng bởi đạo Khổng, về một “xã hội hài hòa” mà Hồ thường xuyên viện dẫn.

Một lý do khác tại sao Bạc trên thực tế không thể bị tổn thương, là bởi vì ông là một trong những “ông vua con”, tầng lớp con ông cháu cha đặc quyền, con cháu của những lập quốc công thần của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa. Cha ông, Bạc Nhất Ba, (1908 – 2007) là một trong những lãnh tụ “bất tử” của Trung Hoa.

Hát làm cho cuộc sống dễ dàng hơn

“Bạc Hy Lai đang thiết lập một phong cách tư tưởng đúng đắn,” Trần Xuyên, 36 tuổi, nói. Là phó thủ trưởng cơ quan tuyên truyền của Sa Bình Bá, một trong những quận của Trùng Khánh, Trần tổ chức hát tập thể những “bài ca đỏ” trong các công viên thành phố. Những bài hát ấy còn vang lên cả trong những quán Karaoke. Các thành phố như Thượng Hải, Vũ Hán và Trường Sa đã cử những đoàn đại biểu đến Trùng Khánh để học tập các phương pháp của Bạc.

Có lẽ những người cầm quyền ở Bắc Kinh tin rằng việc hò hát làm cho nhân dân được xả hơi và cuộc sống của họ dễ dàng hơn. Cảnh giác trước những cuộc nổi dậy gần đây trong thế giới A rập, họ càng tăng cường quan tâm đến ổn định xã hội trong vương quốc rộng lớn của họ.

Đây chính là lý do tại sao Đảng Cộng sản khó mà bỏ qua Bạc, người đệ tử của Mao theo đường lối cứng rắn và dân túy, trong tiến trình thay đổi lãnh đạo sẽ diễn ra ở Bác Kinh vào năm tới. Một vị trí cao nhất trong Bộ Chính trị có lẽ sẽ là điều tối thiểu có thể thỏa mãn ông.

 
Christopher Sultan dịch từ tiếng Đức.



Nhà nước đỏ


HANNAH BEECH / Trùng Khánh
TIME, đăng số tạp chí 25/7/2011

HIẾU TÂN dịch



 
Cậu bé Chen Le mười hai tuổi là một thiếu niên Trung Hoa điển hình. Cậu thích thả máy bay giấy, chơi bóng bàn và mơ trở thành nhà bác học. Và cậu nhằm đến một ngày nào đó trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Như vậy, như Chen mô tả, "tôi có thể ưỡn ngực mà nói rằng tôi là một đảng viên." Trường công mà Chen theo học ở thành phố Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Hoa được đổi tên thành trường Hồng Quân hồi đầu năm nay, để tỏ lòng biết ơn chiến sĩ đã hy sinh thân mình cho nước Cộng hòa Nhân dân. "Tôi rất tự hào về tên mới của trường tôi vì các chiến sĩ Hồng Quân rất kiên cường và có một tinh thần mạnh," Chen nói, một mảnh khăn đỏ quàng quanh cổ cậu ta. "Tôi muốn đỏ như họ."  

 Mùa hè này, Trung Hoa ngập trong màu đỏ. Khi nước này kỷ niệm lần thứ 90 CCP vào 1 tháng Bảy, hàng trăm triệu học sinh, quan chức, người nghỉ hưu và thậm chí những quản trị cao cấp mạng Internet hòa giọng hát những "bài hát đỏ" ca ngợi tổ quốc. Các rạp chiếu bóng đã trải thảm đỏ cho một phim tuyên truyền bom tấn về sự sáng tạo của đảng. Các chính quyền địa phương đã gửi những tin nhắn văn bản với những câu trích ngắn gọn lời Mao Trạchđông, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân, mà cuốn Sách nhỏ màu Đỏ đầy những cách ngôn của ông trong nhiều năm chỉ là thứ hào nhoáng chợ trời..
  Một Olympics Đỏ với 200 đội được tổ chức với những đấu thủ tranh tài như "Những Anh hùng Dội bom các Boongke" và "Ném Lựu đạn." Rồi đến chương trình trường học Hồng Quân dùng tiền quyên góp được và các quỹ khác để huấn luyện cho 1,15 triệu trẻ em trong các trường đào tạo đặc biệt được đặt tên theo quân đội cộng sản. "Các lớp học yêu nước của chúng tôi yêu nước hơn các trường học bình thường, bởi vì yêu tổ quốc chúng tôi là vô cùng quan trọng trong xã hội ngày nay của chúng tôi." Fang Qiang, Tổng Thư ký Hội đồng Dự án Xây dựng Hồng quân Quốc gia, nói. "Tất cả học sinh của chúng tôi đều có một tình yêu nồng nhiệt với Mao Chủ tịch."

Biết nói gì đây? Đây có phải chính là đất nước bị Nhật chiếm đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm ngoái, mà tình yêu của nó đối với hệ thống thị trường tự do đã sinh sôi ra hàng ngàn cuốn sách và tạo ra cả một ngành công nghiệp mà các cố vấn phương Tây phải mở to mắt nhìn?  Chính nó đấy. Trong ba thập kỷ qua, CCP đã thay thế cái nhiệt tình cách mạng ban đầu của nó bằng một sự tận tình dấn thân vào phát triển kinh tế; nhưng đảng đã không phải cố sức để kéo dài đến chín thập kỷ mà không có một cảm giác sống sót buốt nhói. Nước Trung Hoa Đỏ sống lại có lẽ giống như một sự thụt lùi, thế nhưng hoàn toàn ngược lại: một cuộc đấu tranh cho tương lai do các lãnh đạo của đất nước phát động. Vì dân chúng Trung Hoa thấy những chính khách của họ ngày càng trở nên xa rời cái xã hội mà quãng cách về thu nhập ngày càng rộng, cơn thủy triều đỏ thắm nhằm vào việc thấm nhuần lòng tự hào trong một đất nước không có chính phủ mà chỉ có đảng. "Nhìn lại chặng đường phát triển và tiến bộ của Trung Hoa 90 năm qua," Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói trong bài diễn văn chủ đạo ngày 1 tháng Bẩy, "chúng ta tự nhiên đi đến một kết luận cơ bản là: thắng lợi ở Trung Hoa gắn với đảng." Thế là rõ.

Dẫn dắt sự chú ý mới được phục hồi vào lịch sử của CCP, các huyền thoại, các biểu tượng, và niềm tin là một gương mặt phi thường, Bạc Hy Lai, bí thư đảng của đô thị siêu lớn Trùng Khánh và gần giống như một ngôi sao nhạc rốc chính trị ở Trung Hoa. Vào tháng Sáu, dưới sự chỉ đạo của Bạc, khoảng năm mươi nghìn cư dân Trùng Khánh chen chúc trong một sân vận động để gào to những bài hát đỏ. Bạc đã thay thế những quảng cáo thương mại hái ra tiền trên truyền hình địa phương bằng chương trình đỏ, và ông ta đã ra lệnh cho cán bộ về nông thôn để "học tập nông dân" – một sự bắt chước mù quáng cuộc cách mạng nông thôn thảm khốc của Mao.*

Và tất cả những chuyện này có cái gì đáng ngạc nhiên thế nào đó. Cha của Bạc là một người cộng sản nổi tiếng đồng thời với Mao, nhưng ông đã bị thanh trừng trong Cách mạng văn hóa. Bạc, năm nay 62 tuổi, khó lòng mà là một nhà cách mạng: ông ta khoái những chiếc xe hơi và những bộ quần áo cực kỳ xa hoa, và gửi con trai sang học ở Harrow và Oxford. Trước khi trở thành lãnh đạo Trùng Khánh, Bạc nhận được sự khen ngợi tán dương tại các thủ đô phương Tây như Bộ trưởng Thương mại của Trung Hoa, sẵn sàng giao thiệp với thế giới bên ngoài. Ông ta dường như không phải là type người ký trên các biểu ngữ chữ đỏ chói giăng khắp Trùng khánh thúc giục cư dân "đi giăng các khẩu hiệu" và "hát những bài hát đỏ". Nhưng ông ta đã làm.

Màu duy nhất thích hợp.
Nhìn vào cuốn lịch chính trị của Trung Hoa, một câu trả lời khả dĩ cho câu đố này tự nó hiện lên. Sang năm CCP sẽ bắt đầu một cuộc chuyển giao lãnh đạo mỗi thập kỷ một lần, khi Hồ và Thủ tướng Ôn Giabảo sẵn sàng về nghỉ hưu. Khi cuộc đua giành quyền lực bắt đầu, chẳng ai muốn được coi là kém trung thành với một đảng đã 62 năm cầm quyền. Bạc có cơ hội tốt để leo lên cấp thiêng liêng Ban Thường vụ Bộ chính trị trong cuộc xáo bài lãnh đạo sắp tới. Cơn sốt đỏ của ông ta xem ra được trù liệu để giúp cho sự nghiệp của ông.
Nếu chính trị giải thích cơn cuồng nhiệt của Bạc, thì ông ta chỉ cần chọn nơi để thể hiện nó. Trùng Khánh là một đô thị ngổn ngang với 30 triệu dân và có địa vị đặc biệt sánh ngang với Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân là những thành phố tự trị do trung ương quản lý. Trong Thế Chiến II, Trùng Khánh vừa là thủ đô của chính phủ Quốc dân đảng do Tưởng Giới-Thạch kiểm soát vừa như một căn cứ cho những người cộng sản coi như liên minh với Tưởng trong một mặt trận quần chúng chống Nhật. (Nơi hấp dẫn khách du lịch đỏ của Trùng Khánh kỷ niệm những nhà tù cũ, nơi đặc vụ Quốc dân đảng hành hình những người cộng sản nổi loạn.) Ngày nay, cảng sông này là cửa ngõ đầu tư vào vùng nội địa kém phát triển của Trung Hoa, và nó đang bùng phát. Năm 2010 Trùng khánh có thêm 63 triệu mét vuông xây dựng mới, nhiều hơn năm trước 66%. Nhưng sự tăng trưởng như thế dẫn đến những căng thẳng xã hội. "Bí thư Bạc nhận thấy rằng nhân dân muốn tâm linh nhiều hơn khi Trùng Khánh phát triển nhanh như thế," một quan chức Trùng Khánh xin giấu tên."Bởi vậy ông ấy cho họ văn hóa đỏ trong đó họ có thể hát và cảm thấy thoải mái."
Biết rằng Trùng khánh đã bán mình như một thành phố đỏ nhất Trung Hoa, điều khó hiểu hơn là một quan chức khác của thành phố mà tôi đã gặp cũng không muốn nêu tên. Nhưng tôi đã hiểu tại sao khi ông ta bắt đầu uốn ba tấc lưỡi bằng những lời hoa mỹ. "Có một ấn tượng sai rằng văn hóa đỏ chỉ về Đảng cộng sản Trung quốc," ông ta mở đầu. "Điều đó không đúng. Nó còn bao gồm cả Khổng Tử, văn hóa dân chủ, Einstein, Shakespeare, và thậm chí 'Tôi có một giấc mơ' của Martin Luther King." Và sau đó ông ta tiếp tục kết nối văn hóa đỏ với Michael Jackson. Khi đó tôi hỏi về quyết định của chính quyền Trùng Khánh đặt tên chiến dịch của nó theo một màu sắc rất hợp với chủ nghĩa cộng sản. Với một nụ cười, tay quan liêu trong bộ quần áo may cắt khéo và chiếc đồng hồ đắt tiền, trả lời: "À, chị không thể gọi nó là văn hóa màu hồng đúng không?" ông ta nói. "Hay là 'văn hóa xanh'? Các màu khác đều không hợp."
Tất nhiên là không. Nhưng không chỉ những quan chức Trùng Khánh đang đi tìm một tư tưởng – hay màu sắc – dẫn đường. Đối với mọi thành công của nó, CCP có thể đang ở giữa một cuộc khủng hoảng. Một ngày nào đó, nền kinh tế tặng vọt từ lâu của Trung Hoa, ít nhất sẽ chậm lại – các xếp lập kế hoạch đã bắt đầu tính chỉ hy vọng tăng 7% trong năm nay sau nhiều năm tăng 8% hoặc hơn. Mối nguy của các lãnh đạo Trung Hoa là ở chỗ, một ngày nào đó, họ sẽ không còn khả năng dựa vào sự tăng liên tục của cải để mua sự phục tùng theo quy tắc CCP nữa. Với sự thật đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên rằng Bạc và những người khác hy vọng vào một ngày lên lãnh đạo Trung Hoa đã gắn bó với tinh thần được nhuộm đỏ để thống nhất quần chúng trong những thời gian không có gì chắc chắn ấy.
Và thời gian là không chắc chắn. Ngay cả khi Hồ chủ tọa một lễ kỷ niệm lần thứ 90 của đảng ở Bắc Kinh được tổ chức rầm rộ và xa phí, ông cũng thừa nhận những vấn đề nghiêm trọng. Ông nói, "Toàn đảng đang đối mặt với ..thiếu động lực, không đủ trình độ, xa rời nhân dân, thiếu sáng kiến, và tham nhũng." Từ lập trường lãnh đạo, cái này không báo trước điều gì tốt đẹp. Năm ngoái Trung Hoa đã thấy 180.000 "sự cố quần chúng" từ lao động biểu tình đến nông thôn nổi dậy, theo một nhà xã hội học của trường Đại học Thanh hoa danh tiếng ở Bắc Kinh, một mức tăng đáng kể từ con số 74.000 được báo cáo chính thức năm 2004.
Đối với một phe hoài cổ trong lãnh đạo Bắc Kinh, chính những cải cách kinh tế hướng ra thị trường của Đặng Tiểubình, người kế tục Mao – cuộc cải cách đã biến Trung Hoa thành một nhà máy của thế giới – phải chịu trách nhiệm về việc để cho những căn bệnh như hối lộ và bất bình đẳng thu nhập nở rộ. Trong một cuộc điều tra toàn quốc từ năm 2005 trở đi người Trung Hoa đã tỏ ra ngày càng bất mãn với cuộc sống của họ, ngay cả khi thu nhập của họ tăng vọt. "Chúng ta không thể ngăn chặn hoàn toàn sự phân hóa trong xã hội, nhưng chúng ta có thể cố gắng để làm nhẹ bớt căn bệnh này," Fang Ning, giám đốc Viện Khoa học chính trị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội ở Bắc Kinh nói. "Chủ đề trung tâm của văn hóa đỏ là khuyến khích thống nhất và bình đẳng trong xã hội. Trung Hoa đã có tăng trưởng kinh tế. Ngày nay chúng ta muốn tập trung chú ý vào cả phát triển xã hội nữa."

Giới đặc quyền đặc lợi cười khẩy
Ở Trùng Khánh, Bạc đã đưa ra nhiều cải cách xã hội, trong đó có một kế hoạch toàn diện xây nhà công cộng và một cố gắng trồng cây phủ xanh một thành phố sương mù và xám xịt. Nhưng chiến dịch đỏ của ông ta lỗi thời một cách trơ lì. Theo lệnh của bí thư đảng, 200.000 quan chức chính phủ được đưa xuống các xã để nghe những nguyện vọng của nông dân và học hỏi từ cuộc đấu tranh của họ mặc dầu không rõ là chương trình này là một lời nguyền rủa cay độc. "Khi các quan chức chính quyền đến địa phương chúng tôi, họ chỉ đánh bài trên đồng ruộng," một người viết bình luận trên mạng. Một người khác tố cáo: "Anh phải biếu các quan rượu ngon, thức ăn ngon và gái đẹp."
Theo sau chính sách của chính phủ trung ương tập trung vào các vùng nông thôn, những vùng có nguy cơ bị bỏ lại đằng sau khi vùng bờ biển Trung Hoa chạy đua tới tương lai, Bạc đã hứa nâng thu nhập của nông dân lên 100.000 nguyên (1.540 $) trong vòng ba năm. Tại trung tâm triển lãm của thành phố, tôi được hướng dẫn đi qua "Cuộc Trưng bày Tài nguyên Văn hóa Đỏ" tại đó trưng bày bức ảnh một nông dân trung niên đang cho gà ăn trong một vườn cam. Nhưng chỉ có chúng tôi là khách, và toàn bộ cảnh này đã được sửa bằng Photoshop một cách thô thiển, mặc dầu người hướng dẫn tôi cam đoan với tôi rằng nó mô tả hạnh phúc nông thôn đích thực. Chương trình này có lẽ khó mà thuyết phục được những người mà nó cần lôi cuốn. Tôi hỏi Vương Hồng, con trai của một nông dân chuyển lên thành phố vì anh ta không kiếm đủ sống trong nông nghiệp, liệu anh ta có hy vọng đất nông nghiệp của gia đình anh thu hoạch được lợi tức mà chính quyền đã hứa không. "Không cách gì," anh cười. "Tôi không thể thấy điều ấy xảy ra trong vùng quê tôi."
Thật ra, sự phục hưng màu đỏ của Bạc đang đối mặt với một tình trạng thụt lùi. Đối với một số người Trung Hoa, màu đỏ gợi lại những kỷ niệm xấu về Cách mạng Văn hóa năm 1966-76, khi những Hồng Vệ binh điên cuồng hoành hành khắp đất nước. Việc phục hồi sự tôn vinh Mao, người mà ngay cả những kẻ ủng hộ trung thành cũng phải miễn cưỡng ghi nhận "70% đúng, 30% sai" đã cảnh giác những người khác. Khi chiến dịch văn hóa đỏ mạnh lên trong mùa xuân này, nhà kinh tế Mao Yushi của think-tank Bắc Kinh, Viện Kinh tế Unirule, viết trên mạng một tiểu luận qui tội cho Mao đã không đếm xỉa đến cái chết của khoảng 50 triệu người Trung Hoa. Tay Lái Vĩ Đại đã là "một nhạc trưởng trong hậu trường, một kẻ đã phá tan hoang đất nước và đã đem suy vong đến cho dân tộc," nhà hàn lâm viết. Kiểm duyệt đã nhanh chóng cắt bỏ những bình luận của ông.
Trong một nước ngày càng rối rắm phức tạp, tuyên truyền sống sượng sẽ không còn tác dụng. Trong tháng Sáu vừa qua, tờ Nhật báo Trùng Khánh đăng một câu chuyện về một bệnh nhân ung thư sống sót qua hóa trị liệu, nhờ một chế độ nghe những bài hát đỏ. Internet Trung Hoa rộ lên nhạo báng. Giới đặc quyền đặc lợi chắc đã cười khẩy nếu họ cùng đi với tôi khi tôi được một người hướng dẫn chính thức đưa đi một chuyến thăm có dàn cảnh đến Vườn Đông phương của Trùng Khánh, một liên hợp tiện nghi không xa khu buôn bán Ferrari và Maserati, và ngôi nhà trung tâm cộng đồng của nó được trang hoàng bằng những chân dung Marx, Lenin, và Mao. Khi chúng tôi bước vào, cư dân chen chúc xung quanh các máy tính mở những trang Web về động lực văn hóa đỏ Trùng Khánh. Một người đàn ông lớn tuổi đọc một bài về những khó khăn gian khổ mà những người cộng sản lập quốc Trung Hoa đã phải chịu đựng.

Đông phương hồng
Tuy nhiên sẽ là sai lầm khi tưởng rằng không có gì trong những tình cảm ấy là thật. Đối với nhiều người Trung Hoa thuộc một thế hệ già hơn,  "đỏ" có nghĩa là một thời đại trong đó bình đẳng và thống nhất chiếm ưu thế - hay ít nhất những phẩm chất ấy cũng được yêu thích. Đối với họ, văn hóa đỏ biểu thị máu đã đổ bởi những chiến sĩ cộng sản và sự quên mình của một thế hệ những công nhân và nông dân có lý tưởng. Nuối tiếc chủ nghĩa vị tha này, tinh thần dám nghĩ dám làm đã ngấm thậm chí vào cả những người Trung Hoa trẻ tuổi – những người này nhận ra rằng có một người bố đỏ trong lý lịch không phải là dở. Năm 2009 CCP đã chào đón ba triệu đảng viên mới, gần một nửa là sinh viên đại học. "Ngày nay chúng tôi có điều kiện vật chất rất tốt, và chúng tôi không cần phải chết cho tổ quốc như những chiến sĩ Hồng quân năm xưa." Wei Zheng, một sinh viên đại học 22 tuổi và đảng viên ở Hồ Nam, quê hương của Mao nói. "Vì thế đối với tôi, tinh thần đỏ có nghĩa là tôi phải học tập chuyên cần hơn và lao động chăm chỉ hơn."
Cũng không có điều gì là dàn cảnh về nhiệt tình của khoảng 60 cư dân Trùng Khánh, phần lớn là trung niên hoặc già hơn, cứ mỗi tuần hai lần tụ tập dưới một cái cây lớn hát hết mình những bài hát đỏ ưa thích của họ. "Mặt trời không bao giờ lặn trên Trung Hoa," họ hát nói trước khi lên giọng một hành khuc chiến tranh đầy kích động "Hỡi kẻ thù, dù mi từ đâu đánh tới, chúng ta cũng sẽ tìm ra mi và tiêu diệt mi"
Một câu hỏi mở ngỏ đặt ra trước Trung Hoa: liệu cái tâm trạng lạc hậu này, với sự ca tụng CCP, có âm vang trong số những người lớn lên trong vòng ba mươi năm kể từ khi Trung Hoa quay lưng lại với niền kinh tế kế hoạch hóa mac xit và chạy theo thị trường hay không. "Những bài hát đỏ dạy những giá trị rất quan trọng" Yang Mingying, 60 tuổi, một cựu giáo viên nói. "Chúng ta không được để cho các thế hệ mới quên rằng cuộc sống hạnh phúc ngày nay của họ là nhờ những hy sinh của tất cả những chiến sĩ Hồng quân ấy." Đó là một tình cảm phổ biến: người già muốn người trẻ nhớ. Nhưng liệu họ có nhớ không?



_________________________
* Xem thêm: Mao trên điện thoại di động của bạn: Một sự nghiệp Cộng sản mới xây dựng trên quá khứ                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            

     

Gặp ông Mao mới


Bruce Gilley

Nationalinterest, 28/9/2011

HIẾU TÂN dịch

               

         Bruce Gilley là một phó giáo sư khoa học chính trị tại Trường Mark O. Hatfield  của Đại học Quốc  gia Portland và là tác giả của Quyền Cai trị: Các nước giành được và đánh mất Tính Hợp pháp như thế nào

 

Đã đến lúc phải thừa nhận rằng lãnh tụ đang được chờ đợi của Trung Hoa, Tập Cận Bình, không phải ôn hòa như mọi người vẫn tưởng. Thực tế, những bằng chứng từ trong quá khứ của ông cho thấy Tập sắp sửa lái Trung Hoa theo hướng hiếu chiến hơn, cả trong nước lẫn quốc tế. Khi thời gian ông nhậm chức đến gần, Tập tỏ những dấu hiệu là một nhà dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi trong chính sách ngoại giao và có thiên hướng sử dụng các hành động cảnh sát để giải quyết các vụ va chạm trong nước. Bởi vậy, sự thăng tiến của ông cho thấy một cuộc đấu tranh lâu dài giữa những người Mao-it và những người cải cách, có nghĩa là "thời kỳ cải cách" của Trung Hoa đang kết thúc. Thay thế thời kỳ này có thể là một cái gì đó giống hơn với những cuộc đấu tranh đặc trưng của những năm đầu của nước Cộng hòa Nhân dân, khi những người xã hội cấp tiến tin tưởng vào lý thuyết Mac-xit về giải phóng xã hội đấu tranh chống những người dân tộc chủ nghĩa chống Nhật (và chống Mỹ) là những người bị lôi cuốn nhiều hơn bởi lý thuyết của Lenin về kiểm soát chính trị. Tập rõ ràng là đứng về phe thứ hai, ủng hộ áp đặt trật tự và quyền lực lên tiến trình xã hội, và ông có thể dẫn dắt Trung Hoa đi theo một hướng rất khó chịu.
Chính sách đối ngoại là nơi mà các lãnh đạo mới của Trung Hoa nhắm tới để nhanh chóng ghi dấu ấn của mình, so với một số ít người hơn gắn bó với các vấn đề trong nước. Như vậy đây cũng là một thời kỳ mà câu hỏi ai sẽ là người nắm quyền chính ở Bắc Kinh thật sự là vấn đề, và môn mỹ thuật Bắc Kinh học vẫn còn quan trọng. Phó tổng thống Joe Biden từ một cuộc viếng thăm hồi tháng Tám trở về ca ngợi Tập là "mạnh mẽ" và "thực tế." Biden có lẽ đúng. Nhưng cái mạnh và cái thực tế của Tập không nhất thiết tiên báo điều tốt lành cho những ai đang sợ sự trỗi dậy của Trung Hoa.

Lần đầu tiên cái mặt tối "mạnh" của Tập hiện ra công khai là vào năm 2009 khi trong một chuyến thăm Mexico, ông nói với những người Hoa ở đó, "Những kẻ nước ngoài no béo không có việc gì để làm hơn là chỉ ngón tay vào Trung Hoa. Nhưng Trung Hoa không xuất khẩu cách mạng, chúng ta không xuất khẩu đói nghèo, và chúng ta không can thiệp vào công việc của người khác. Vậy [họ] thì than phiền [chúng ta] về nỗi gì?"
"Ba không" của Tập, như được biết, đã được những người dân tộc chủ nghĩa trong nước hoan hô nhiệt liệt, trong đó có những tác giả của cuốn sách châm biếm cay độc năm 1996 Trung Hoa có thể nói không.
Những người dân tộc chủ nghĩa biểu lộ hy vọng rằng Tập sẽ là lãnh đạo đầu tiên sau Mao quyết tâm đứng lên đối diện với phương Tây. Vào đầu tháng Chín, Tập nói với các học viên Trường Đảng Trung ương, học viện đào tạo những 'tinh hoa' của đảng ở Bắc Kinh rằng "hai mục tiêu tối quan trọng – cuộc đấu tranh cho cả độc lập dân tộc và giải phóng nhân dân, tức là nói thực hiện nước mạnh và dân giàu – luôn luôn liên hệ mật thiết với nhau. Cái trước luôn luôn là cơ sở của cái sau."

Nói về trong nước, cũng vẫn phong cách người hùng ấy rõ ràng trong việc Tập ủng hộ nhiệm kỳ "vỡ đầu" của Bạc Hylai ở Trùng Khánh. Một ông vua con khác cũng chắc chắn sẽ vào Thường vụ Bộ chính trị năm 2012, Bạc quét sạch tội phạm có tổ chức trong thành phố bằng một nhát quét bừa vào năm 2009 không thèm đếm xỉa gì đến thủ tục tố tụng thích đáng. Đến thăm thành phố đó vào năm 2010 Tập thổ lộ rằng "cuộc đấu tranh quyết liệt [dựng tóc gáy] chống các băng đảng Tam hoàng và đào tận gốc trốc tận rễ bọn tội phạm xấu xa" là "hợp lòng dân một cách sâu sắc" và khen ngợi bộ máy an ninh địa phương về "dẫn đầu" trong việc giải quyết tận gốc vấn đề này. Việc ông cổ vũ "mô hình Trùng Khánh" đôi khi được người ta hiểu như một sự quay trở lại chủ nghĩa Mao. Thật ra tốt hơn nên nhìn nó như sự quay trở lại nhà nước cảnh sát dân tộc chủ nghĩa, giống Tưởng Giới-Thạch nhiều hơn là Mao Trạchđông.

Vào giữa tháng Bảy, Tập được cử đến Lhasa để chủ trì "lễ kỉ niệm" lần thứ sáu mươi cuộc "giải phóng" Tây Tạng. Trái ngược hoàn toàn với các chính sách hòa giải và nhân đạo của cựu lãnh đạo đảng Hồ Diệubang, người đã đến thăm Tây Tạng vào năm 1980 dánh dấu cơ hội cuối cùng thật sự hòa giải với địa phương này, cuộc thăm viếng của Tập là một đợt học tập thống trị. Sự hiện diện của công an và mật vụ tràn ngập thành phố và chẳng có lấy một mống người Tây Tạng nào trên lễ đài chính thức. Thành phố bị khóa kín hoàn toàn, Tập được hộ tống bảo vệ bởi nhân viên an ninh và quân đội bất cứ nơi nào ông ta đi qua. Theo các báo cáo của truyền thông Trung Hoa thậm chí ông mang theo cả nước uống, đồ ăn và đồ tắm riêng của mình, vì sợ bị đầu độc. Tập không có ý định gặp gỡ giao tiếp với bất cứ người dân thường Tây Tạng nào, trái lại, đã đọc một bài diễn văn cứng rắn dài bảy mươi phút công kích Đạt lai Lạt ma và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện  diện quy mô lớn của quân đội tại địa phương này.

Cái gì ẩn đằng sau ông Tập "sắt máu" này? Óc xét đoán thông thường cho ta hiểu rằng người con của một đảng viên ôn hòa của đảng Cộng sản Trung Hoa – Tập Trọng Huân, người đã chịu đau khổ dưới thời Mao – Tập là một nhà cải cách. Thật ra, sự nghiệp của ông trong các tỉnh ven biển phía Nam chứng tỏ rằng ông là ông thiết tha với cải cách kinh tế và hiệu quả của chính quyền. nhưng thời kỳ cải cách đã chấm dứt, và những cuộc tranh luận đó đã qua rồi. Cuộc tranh luận bây giờ là giữa những người Mác xít cấp tiến, nhiều người trong số họ giành được địa vị trong các tổ chức đảng và tại các vùng nghèo khó sâu trong nội địa, và những người Lêninit dân tộc chủ nghĩa, nhiều người trong số họ, giống như Tập, kinh qua các cương vị kỹ trị trong chính quyền, thường tại những vùng ven biển giàu có. Những người Mác xít cấp tiến quan tâm nhất đến công bằng xã hội và tư tưởng hệ của đảng, trong khi những người Lêninit dân tộc chủ nghĩa quan tâm nhất đến chính quyền nhà nước và kỷ luật đảng. Tập rõ ràng rơi vào nhóm thứ hai. Ông ít quan tâm đến những vấn đề "xã hội hài hòa", "phát triển lấy dân làm gốc" và "phát triển khoa học" đã thu hút sự chú ý của hai người Mác xít cấp tiến đã nắm quyền từ năm 2002 (Hồ Cẩmđào và Ôn Giabảo) Ngược lại, ông tập trung vào sức mạnh của chính quyền nhà nước, áp dụng cả cho đối nội và đối ngoại.

Đối với Hoa Kỳ, trong khi thiện chí kiểu Biden thích hợp ở bình diện ngoại giao, thì các nhà lập chính sách ngoại giao cần xem xét khả năng đang tăng lên của một chính sách ngoại giao đối đầu nhiều hơn dưới thời Tập Cậnbình.

 

Những bộ xương trong tủ áo* của Đặng Tiểubình





 

Tiểu sử mới của con người thật sự làm chuyển biến Trung Hoa hoàn chỉnh và tham vọng hơn bao giờ hết. Nhưng nó có để lại vài khoảng đen nào không?

CHRISTIAN CARYL

Foreignpolicy, 13/9/2011

 HIẾU TÂN dịch

Đặng Tiểubình là lãnh tụ quan trọng nhất thế kỷ 20 mà bạn hầu như không biết gì về ông ta – trừ phi bạn là người Trung Hoa. Trong khi hầu hết mọi người ở nước Cộng hòa Nhân dân đều biết rất rõ rằng Đặng xứng đáng nhất với lòng tin là đã nâng họ ra khỏi nghèo đói và đưa Trung Hoa lên hàng các nước công nghiệp dẫn đầu, ở phần còn lại của thế giới hình chủ tịch Mao được in trên những áo thun. Không ai thắc mắc về chuyện này: bên ngoài đất nước của mình, Đặng (chết 1997) hẳn phải là người ít nổi tiếng nhất trong số những chính khách thành công nhất của thời hiện đại.
Điều này có nhiều lý do. Mao trở thành biểu tượng toàn cầu vì hùng biện Cách mạng Văn hóa của ông khớp một cách tuyệt hảo với phong trào nổi loạn đương thời của tuổi trẻ toàn cầu chống lại nhà cầm quyền, tạo cho ông một vẻ bất kham thời thượng kéo dài đến tận sau khi thế giới đã hiểu rõ hơn nhiều về bản chất gian hùng và các tội ác của ông (trong một phạm vi nào đó, cái nhiệt tình bộc trực của ông ta với bạo lực quần chúng đã thật sự góp phần tạo nên sự hấp dẫn của ông ta.) Ngược lại, các cải cách hướng về thị trường của Đặng, khá mơ hồ và tích lũy dần dần, cái kiểu những bài diễn văn Davos hơn là kích động những cuộc biểu tình tuần hành. Cần có thời gian để tác động đầy đủ của nó trở nên rõ ràng, và các kết quả, mặc dù thật ngoạn mục, không được tính toán chính xác để hấp dẫn những cảm xúc cao hơn.
Tuy nhiên Đặng đã sống một cuộc đời dài và kiệt xuất, đầy kịch tính và ý nghĩa toàn cầu, một cuộc đời đáng để mổ xẻ chi tiết. Bởi vậy chúng tôi phải cảm ơn giáo sư Harvard Ezra Vogel vì đã dành một phần lớn sự nghiệp hàn lâm của mình để biên soạn một bộ tiểu sử đồ sộ Đặng Tiểubình và Công cuộc Chuyển biến Trung Hoa, bản tổng kết tham vọng nhất về con người này cho đến nay. Trong khi viết tập sách này, Vogel đã làm một khối lượng công việc khổng lồ. Ông có vẻ đã đọc miệt mài những hồ sơ tài liệu từ mỗi đại hội Đảng Cộng sản Trung Hoa từ năm 1921. (Tôi không thể nói tôi ghen tỵ với ông về nhiệm vụ đó, nhưng này, có một ai đó phải ghen tỵ)

Trước cuốn này đã có nhiều tiểu sử Đặng Tiểubình, từ Benjamin Yang thô lỗ cộc cằn, nhà cựu ngoại giao Richard Evans mềm mỏng ngọt ngào, nhà phân tích tỉ mỉ lỹ lưỡng Michael Marti – nhưng cuốn của Vogel có thể được coi như toàn diện nhất và nhiều thông tin nhất. (Maurice Meisner viết một cuốn sách nồng nhiệt phi thường về Đặng và kỷ nguyên của ông, nhưng nó không thật sự chứa đựng nhiều như thế theo cách của một cuốn tiểu sử). Vogel đã không để nguyên một tảng đá nào mà không lật lên, và điều này nói chung là tốt. Nhưng đôi khi – trong cuốn sách 928 trang với những chương nhan đề như "Tái điều chỉnh nền kinh tế và Cải cách nông thôn, 1978-1982" cũng có những chỗ cha lật. Nếu bạn muốn biết những điểm đặc biệt trong sự nghiệp của Đặng, ở đây bạn sẽ được thỏa mãn; nếu bạn muốn biết cuộc sống của ông ta, bạn sẽ thấy hơi thất vọng về quyển sách này. Có lẽ Vogel sẽ phản đối rằng chính sự nghiệp mới là quan trọng nhất, và dĩ nhiên điều ấy là đúng – đến một mức độ nào đó. Nhưng một quyển tiểu sử, bởi chính cái bản chất của nó – cũng nên là một câu chuyện nữa, tốt nhất là một câu chuyện không thẳng cánh. Thẳng thắn vô tư một cách thô bạo là một thủ pháp văn chương sống động. William Taubman đã đặt ra một tiêu chuẩn với cuốn chân dung Khrushchev tuyệt vời của ông, vừa nghiên cứu tỉ mỉ vừa châm biếm mạnh mẽ. Vogel trái lại, hơi đi quá nhanh, nhảy cóc qua những khía cạnh thô ráp sù sì, đen tối trong quá khứ của nhân vật chính. Những chỗ tối nghĩa, những khúc quanh cực kỳ sửng sốt trong cốt truyện, cái mùi vị Tứ Xuyên nồng nặc của một cuộc sống có vẻ như không thực không bao giờ lộ ra.
Vogel đã đến Trung Hoa nhiều lần kể từ những năm 1960, và qua nhiều năm ông đã gây dựng những mối quan hệ thân mật với họ hàng nhà Đặng và các thành viên lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Hoa, một mức độ tiếp cận không nghi ngờ gì nữa đã làm phong phú thêm cho cuốn sách . Khi Vogel khám phá ra điều gì thật sự mới mẻ về chủ đề của ông, thì thường không phải là nhờ một tài liệu, mà đúng hơn là nhờ những người trong nội bộ đã chia sẻ cách nhìn của họ. Câu trích dẫn mà tôi ưa thích nhất là từ người con trai út của Đặng: "Cha tôi nghĩ Gorbachev là một thằng ngu."
Tất nhiên bạn có thể tranh cãi rằng lời nhận xét tình cờ này là hòn đá tảng trong toàn bộ câu chuyện của Đặng – và về những con đường đặc biệt khác nhau mà Trung Hoa và Liên Xô đã chọn. Năm 1956, đã ba mươi năm bước vào một sự nghiệp đầy biến cố quan trọng, Đặng là trưởng đoàn đại biểu Trung Hoa sang Moscow dự Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, đại hội mà Nikita Khrushchev đưa ra bản "báo cáo bí mật" cực kỳ quan trọng của ông về tệ sùng bái cá nhân Stalin. Giống như những đại biểu nước ngoài khác, đoàn đại biểu Trung Hoa không thật sự có mặt ở trong phòng họp khi Khrushchev đưa ra bản tổng kết đánh dấu kỷ nguyên mới, về các tội ác và thất bại cá nhân của Stalin, nhưng họ đã biết nội dung của nó từ khá sớm.
Vào thời gian bản báo cáo đó, Gorbachev vẫn còn là một chàng trai trẻ quá tự tin, sau này đã cố gắng tranh đua với những mưu đồ của Khruschev nhằm mở rộng tự do chính trị trong khi không hề từ bỏ nỗ lực vạch ra một chính sách kinh tế nhất quán. Đặng - vào thời gian bản báo cáo đó, đã là một quan chức dày kinh nghiệm với nhiều thập kỷ đấu tranh chính trị đẫm máu – đã rút ra kết luận ngược lại. Ông nhận ra rằng, nếu hệ thống chính trị của anh đối xử với các lãnh đạo của nó như những vị thánh, thì việc đưa họ trở lại tầm cỡ con người rất dễ tạo ra những tác động gây mất ổn định sâu sắc. Ngược lại, tốt hơn nên để các thánh tại vị trong khi tập trung mọi nghị lực của anh vào việc cải thiện cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Vì lẽ đó, khi Đặng lên nắm quyền vào những năm 1970, ông quyết định trước hết thúc đẩy kinh tế. Mặc dầu ông và hàng triệu người khác phải mang cái gánh nặng căm phẫn đối với Mao trong Cách mạng Văn Hóa, ông vẫn cam đoan bảo tồn địa vị của Mao như siêu anh hùng của nước Cộng hòa Nhân dân.
Nó tỏ ra là một chiến lược thành công một cách đáng kinh ngạc. Những cải cách mà Đặng và các đồng chí của ông trong đảng được đưa ra trong năm 1979 hóa ra là chương trình giảm nghèo lớn nhất trong lịch sử loài người. Trong ba thập kỷ qua, việc Trung Hoa đi theo đường lối thị trường đã đưa hàng trăm triệu người ra khỏi cảnh nghèo đói. Như Vogel viết, "Khi Đặng trở thành lãnh tụ kiệt xuất năm 1978, thương mại Trung Hoa với thế giới tộng cộng dưới 10 tỉ $. Ba thập kỷ sau, nó đã tăng lên một trăm lần."
Như vậy Đặng đã mở rộng phạm vi tự do cá nhân cho nhiều người Trung Hoa, ngay cả khi ông bảo vệ sự đi lên của Đảng Cộng sản một cách nhẫn tâm và trì hoãn những cải cách dân chủ cơ bản. Tháng Sáu 1989, Đặng chọn cách đàn áp các cuộc biểu tình của sinh viên ở Bắc Kinh và các thành phố khác bằng cách biểu lộ một sức mạnh tàn bạo từ đó đã làm nhơ thanh danh của ông ta. Nhưng cuộc giải phóng kinh tế vẫn tiếp tục, đặc biệt là vì ông đã chứng minh cho những người bảo thủ phê phán ông rằng ông là người bảo vệ Đảng. Như Vogel chứng minh nồng nhiệt, chuyến "Nam du" năm 1992, khi ông nói lời khen ngợi các Đặc khu Kinh tế mà ông đã khởi xướng từ cuối những năm 1970, khích động các nhà cải cách kinh tế khiến họ giành lợi thế quyết định trên đối thủ của họ. Người Trung Hoa không bao giờ quay trở lại, và ngày nay thế giới .ngạc nhiên trước những thành quả ấy
Đặng đã dùng nửa đầu của 76 năm sự nghiệp đời ông trong đảng như một tùy tùng của Mao – và ông theo chủ của ông có phần ung dung như một kỵ sĩ không màng tới cuộc sống con người. (Như Vogel nhận xét, trong những năm dài làm chính ủy trong quân đội ông đã có tiếng là người không ngần ngại nướng sinh mạng các binh sĩ dưới quyền khi cần thiết) Nhưng ở một nơi nào đó trên đường –  có lẽ là trong thảm họa Đại Nhảy Vọt lấy đi 45 triệu sinh mạng cuối những năm 1950 – Đặng đã đánh mất những ảo tưởng của ông về tính không thể sai lầm của chủ tịch. Năm 1961, Đặng đọc một bài phát biểu về lòng trung thành với đảng trong đó ông tuyên bố ông thần phục một câu tục ngữ ở Tứ Xuyên quê ông: "Mèo trắng mèo đen không quan trọng miễn là bắt được chuột." Đó là cách Đặng kêu gọi đảng đặt hiệu quả kinh tế lên trước tinh thần cách mạng, một lời kêu gọi mà Mao hiểu đúng như sự thách thức quan điểm của ông ta. Chính sự bất đồng ý kiến này khiến Đặng sau đó rơi vào khốn đốn xuýt mất mạng trong Cách mạng Văn hóa, và một lần nữa sau khi Chu Ân Lai chết năm 1976. Tổng cộng Đặng bị kẻ thù thanh trừng ba lần – và mỗi lần trở lại ông  nắm được nhiều quyền lực hơn.
Vogel đã hoàn toàn đúng khi bỏ nhiều công sức vào thời kỳ ngay sau khi Đặng trở lại chính quyền năm 1977, sau khi đảng tổ chức một cuộc lật đổ nổi tiếng người vợ góa siêu-giáođiều của Mao và những đồng bọn của bà ta ("Lũ Bốn Tên" khét tiếng). Tôi đã đếm được 263 trang trong số 928 trang Vogel dành cho việc mô tả những sự kiện năm 1978-1979, khi cuối cùng Đặng giành được địa vị lãnh đạo tối cao của Trung Hoa và bắt tay vào cải cách. Không nói công khai, Đặng lấy nhiều ý tưởng của ông từ những nước Đông Á khác để soi sáng con đường hiện đại hóa độc tài, hướng ra thị trường, trong đó (có lẽ là mỉa mai nhất) có cả "tỉnh phản bội" Đài Loan.

Người Mỹ theo bản năng thường gắn những giá trị thực nghiệm và cải cách với tuổi trẻ, nhưng Đặng đã ở giữa lứa tuổi 70 khi ông bắt tay vào những thay đổi ngoạn mục này. Vogel đã làm một công việc đầy thuyết phục là dựng lại vô số những sự kiện chính trị vụn vặt dẫn tới bước ngoặt đó.
Tuy nhiên ông thiếu thuyết phục khi dựng lại một số thời điểm kém sạch sẽ của Đặng với tư cách là một lãnh tụ. Chỉ nêu một ví dụ, Vogel miêu tả Phong trào Chống Phái Hữu năm 1957, trong đó Đặng giám sát [việc thực hiện] mệnh lệnh của Mao như một "cuộc tấn công độc ác vào khoảng 550.000 nhà phê bình trí thức bị chụp mũ phái tả" "đã hủy hoại nhiều trí tuệ khoa học và kỹ thuật giỏi nhất Trung Hoa và xa lánh nhiều người khác." Ông nói với chúng ta là "Đặng, bối rối rằng một số trí thức đã phê phán một cách kiêu ngạo và bất công các quan chức, những người đang phải xoay sở đối phó với những nhiệm vụ được giao khó khăn và phức tạp." Hả? Không có chỗ nào Vogel giải thích rằng các nạn nhân của chiến dịch đó bị tra tấn, bị bức tử, hoặc bị giam cầm nhiều năm trong các trại cải tạo hoặc bị lưu đày trong nước mà đôi khi nhiều thập kỷ sau mới chấm dứt.

Chắc chắn là có lý do chính đáng để nhà viết tiểu sử tập trung vào cách mà đối tượng của ông nhìn thế giới; chúng ta sẽ thiếu mất nhiều câu chuyện của Đặng nếu chúng ta chỉ nghe những người phê phán ông ta. Vấn đề ở đây là Vogel nghiêng quá xa về phía sau để giải thích logic của đảng, chẳng hạn cuộc đàn áp thẳng tay Thiên An Môn hay Tây Tạng, đến nỗi đôi khi trở nên khó hiểu tại sao có thể có người lại nghĩ khác được. Về một thời điểm đầu những năm 1980, khi Đặng bác bỏ một cách khắc nghiệt những cuộc thảo luận tự do từ các trí thức của Đảng, Vogel nghiêm túc thông báo với chúng ta rằng "Các quan niệm phương Tây về một Thượng Đế siêu việt có thể phê phán các nhà cai trị trên mặt đất không thuộc về truyền thống Trung Hoa." Có thể tôi bỏ sót một cái gì ở đây, nhưng Đặng và các đồng chí của ông ta đã bỏ cả cuộc đời để nhào nặn lại xã hội Trung Hoa theo những lý thuyết bí truyền của một trí thức Do Thái Đức. Quái lạ, bất cứ khi nào Vogel đưa chủ đề này ra, thì là đảng phải quyết định cái gì tạo nên những giá trị Trung Hoa. Các nhà phê bình cách này hay cách khác không bao giờ làm chuyện đó.

Vogel không phải lúc nào cũng sẵn sàng biện hộ cho người khác như thế. Ông có nhắc đến một số mặt đen tối của câu chuyện. Đúng là ông thường hơi rón rén đi quanh chúng. Ông mô tả việc Đặng leo lên địa vị lãnh đạo tối cao trong những năm 1978-1979, hoàn toàn không mỉa mai,  như một thời điểm mà "Đặng bắt đầu đẩy Hoa Quốc Phong sang một bên vì điều tốt cho đảng và đất nước." Ông bảo chúng ta rằng một số tài liệu phê phán đưa ra công bố trên Bức tường Dân chủ Bắc Kinh, nơi tinh thần đa nguyên xuất sắc được phép nở hoa trong vài tháng bắt đầu từ năm 1978 "được niêm yết bởi những thanh niên khác, những người được kích thích bởi tự do mới tìm được của họ, nhưng vì đã sống trong một xã hội đóng kín, thiếu kinh nghiệm và sự khôn ngoan để thông báo hoặc làm dịu đi những ý kiến phê phán của họ" Thật Nhân Dân Nhật Báo cũng khó mà viết hay hơn.

Chắc chắn là cho đến nay Vogel đã đi xa hơn ai hết trong việc kể câu chuyện về Đặng. Ông đáng được hoan nghênh về điều đó; ở đây có cả một kho tài liệu có giá trị mà có lẽ chúng ta không thể có được ở đâu khác. Nhưng nó vẫn không phải là toàn bộ câu chuyện. Tôi tự hỏi, nếu thế, liệu sau này có bao giờ chúng ta được nghe [toàn bộ câu chuyện] không?









_______________________________

* Bộ xương trong tủ áo: Những bí mật (xấu xa, đáng xấu hổ..) mà người ta cố gắng dấu kín

Bắc Kinh qua cặp kính màu hồng


 

Tại sao dân chủ không thể thuần hóa được Trung Hoa?

 
Harry Harding *
 National Interest, 13/7/2001

HIẾU TÂN dịch




Có một tiếng trống giục giã thúc đẩy một dự án dân chủ ở Trung Hoa để chặn đứng những tham vọng độc tài hung hãn. Chẳng ai nghi ngờ rằng Trung Hoa sẽ muốn trở thành cường quốc vượt trội trong bán cầu của nó. Nhưng lý lẽ cho rằng tạo ra một hệ thống dân chủ đa nguyên ở Trung Hoa sẽ loại bỏ được một cuộc xung đột sắp đến giữa Washington và Bắc Kinh là lạc quan thái quá. Chắc chắn rằng Trung Hoa và Hoa Kỳ sẽ là những đối thủ cạnh tranh, thậm chí thù địch, không chỉ vì một đằng là một cường quốc đã định hình, và bên kia là một cường quốc đang lên, mà còn vì các hệ thống chính trị biểu hiện những hệ tư tưởng hoàn toàn khác nhau. Các khái niệm về dân chủ của Hoa Kỳ đặt một mối đe dọa sống còn lên chế độ cộng sản; sự lớn mạnh thành công của Trung Hoa dưới một chế độ độc tài là mối đe dọa cho lãnh đạo Hoa Kỳ và chủ nghĩa biệt lập.
Gần đây Aaron Friedberg[1] kết hợp một cách hết sức bất thường và võ đoán các thành tố hiện thực và phi hiện thực trong một lập luận mà đỉnh cao của nó là "rất có khả năng một Trung Hoa dân chủ hơn cuối cùng sẽ tạo ra một môi trường hòa bình hơn, ít ngả về chiến tranh hơn ở châu Á." Tất nhiên, nó đồng thời cũng có thể loại bỏ mối đe dọa đối với cảm giác của Mỹ về uy quyền tối thượng về tư tưởng hệ. Như vậy, "về lâu dài, Hoa Kỳ có thể học cách sống chung với một nước Trung Hoa dân chủ như cường quốc vượt trội ở Đông Á, cũng như Anh quốc đã phải đi đến chỗ chấp nhận Hoa Kỳ như cường quốc quyền uy ở Tây Bán Cầu." Nhưng, "cho đến ngày ấy Washington và Bắc Kinh sẽ còn kẹt vào một cuộc tranh giành căng thẳng ngày càng tăng để làm chủ châu Á."
Đây là một lý lẽ đã có từ trước. Nó là một trong những dự đoán màu hồng mà Jim Mann đã gọi là "kịch bản êm dịu." Và nó đầy mơ hồ, không chắc chắn. Trong thực tế có rất ít khả năng Trung Hoa sẽ trở thành một hệ thống chính trị dân chủ thật sự, và hơn nữa, một Trung Quốc (vương quốc ở trung tâm) dân chủ hóa có thể hoàn toàn chìm ngập trong những tình cảm dân tộc chủ nghĩa vốn là một phần của văn hóa chính trị Trung Hoa hiện thời, và đang được chính phủ cộng sản hiện nay vun trồng. Ngay cả nếu chúng ta tùy hứng và lạc quan gán một xác suất 50 phần trăm cho mỗi kết quả này, trong khỏang một thập kỷ tới, điều này có nghĩa là cơ may cho một chế độ Trung Hoa vừa dân chủ vừa hợp tác sẽ không lớn hơn 25 phần trăm. Đó không phải là cửa đặt cược tốt nhất. Và dân chủ hóa thật sự nằm trong khả năng thay đổi của chúng ta cũng vậy.
Biết vậy, điều còn quan trọng hơn nhiều là hỏi câu hỏi cơ bản về Hoa Kỳ làm thế nào xoay sở được với sự lớn mạnh của Trung Hoa thông qua hành trạng của chính nó? Điều này sẽ dẫn chúng ta đến một trong những hàm ý chính sách có thể đáp ứng tốt hơn cho những ai bám vào câu thần chú dân-chủ-hóa-là –giải-pháp  bằng suy luận.
Thay vì đơn giản hy vọng dân chủ hóa, tôi nghĩ về hướng tạo ra sự tương thuộc về kinh tế lớn hơn giữa Trung Hoa, Hoa Kỳ và phần còn lại của châu Á. Tính hợp pháp của Đảng cộng sản phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế - và sự tăng trưởng này hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, mà xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài. Chính sách tái cân bằng kinh tế mà Bắc Kinh đang cố vận dụng có thể làm thay đổi các tỉ lệ này cách nào đó, khiến cho kinh tế Trung Hoa ngày càng phụ thuộc tiêu thụ nội địa và ít lệ thuộc vào xuất khẩu, và xuất khẩu phụ thuộc các công ty Trung Hoa nhiều hơn và it phụ thuộc hơn vào đầu tư nước ngoài. Nhưng là một nền kinh tế chín muồi, cũng có những lợi ích trong đầu tư nước ngoài để xuất khẩu của Trung Hoa, và điều đó sẽ làm tăng sự tương thuộc của Bắc Kinh với phần còn lại của thế giới, mặc dù theo một hình thức khác. Điều này tạo ra một môi trường trong đó người Mỹ có thể khuyến khích tính tương thuộc dựa trên quan hệ qua lại. Chào đón tích cực đầu tư Trung Hoa vào Mỹ, với điều kiện sẵn có những cơ hội tương ứng cho những công ty Mỹ (và các nước khác) đầu tư vào Trung Hoa. Đầu tư của Trung Hoa vào một nền kinh tế tiên tiến như kinh tế Mỹ sẽ có nghĩa là hàng hóa Trung Hoa bán ở Mỹ sẽ làm gia tăng sản xuất của công nhân Mỹ - không phải của công nhân Trung Hoa. Đồng thời, các công ty Trung Hoa có đầu tư ở Mỹ  sẽ  có lợi trong những mối quan hệ ổn định giữa Washington và Bắc Kinh.
Hai là, tiếp tục chào đón sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Hoa trong những thiết chế quốc tế hiện tại –  như IMF, Ngân hàng Thế giới, và Liên Hiệp Quốc – và những cố gắng của nó tạo ra những tổ chức mới để đáp ứng những nhu cầu chưa hoàn thành, như SCO, ASEAN+3, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á – miễn là Hoa Kỳ cũng đóng một vai trò thích đáng. Có một sự khác nhau to lớn giữa một cường quốc đang lên muốn có tiếng nói nhiều hơn trong hệ thống quốc tế hiện tồn và một cường quốc đang lên muốn thúc đẩy những thay đổi cơ bản đối với hệ thống đó. Nó sẽ là chìa khóa để bảo đảm rằng những thiết chế đó – cả cũ và mới – đủ mạnh để đồng thời áp đặt một số kiềm chế lên hành vi của Trung Hoa và tái bảo đảm với Bắc Kinh rằng sự lớn mạnh của nó vẫn đang thuận lợi.
Trên hết Hoa Kỳ cần duy trì một thế cân bằng quyền lực tốt trong khu vực này. Trung Hoa có thể muốn chi phối khu vực của nó theo cách mà Hoa Kỳ trong lịch sử đã từng chi phối châu Mỹ, hoặc theo cách mà bản thân Trung Hoa chi phối những phần (mà không chỉ những phần) châu Á dưới các triều đại Minh và Thanh. Nhưng những tầm nhìn của thế kỷ mười bảy và mười chín khó lòng mà thành công với hiện thực thế kỷ hai mươi mốt. Dù tham vọng của Bắc Kinh có thể là gì, việc giữ được một vai trò thống trị ở châu Á hiện tại sẽ cực kỳ khó khăn. Nó là một khu vực rất đông đúc, trong đó có ít nhất bốn cường quốc lớn khác (Nga, Nhật, Ấn và Mỹ) ở tại đó hoặc có những quyền lợi lớn, và đó là nơi có một cộng đồng khu vực ngày càng mạnh (ASEAN) và nhiều cường quốc cỡ trung quan trọng khác (đáng kể là Pakistan, Bangladesh, Australia và Nam Triều Tiên). Một số học giả nói rằng một Trung Hoa chiếm ưu thế - và một hệ thống trong đó những nước khác trong khu vực chiều theo việc Bắc Kinh và Trung Hoa thực thi một hình thức bá quyền hạn chế - là một kết quả "tự nhiên" trong khu vực này. Tuy nhiên cho đến nay dường như rất ít cường quốc châu Á thật sự thích một hậu quả như thế. (Trong quá khứ có lẽ họ cũng không ưa thích gì, nhưng họ không có lựa chọn nào khác). Có một xu hướng mạnh tới đa cực trong vùng đất đa dạng và sôi nổi này, và đối với những vai diễn khác trong khu vực, một châu Á đơn cực sẽ là một thất bại khổng lồ về quyền lực và ý chí.
Vai trò của Hoa Kỳ sẽ là đặc biệt quan trọng trong việc quyết định tương lai của châu Á. Mặc dầu sở thích tiềm ẩn và rõ ràng về đa cực, Nhật bản thì uể oải, Nga thì tập trung nhiều hơn vào châu Âu và vùng Âu Á "gần nước ngoài", ASEAL vẫn đấu tranh để củng cố sự đồng tâm về chính sách ngoại giao và tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ trong tương lai vẫn còn chưa chắc chắn.  Washington sẽ là then chốt nếu mục đích là ngăn ngừa một kịch bản liên hoành trong đó hết nước châu Á này đến nước khác hoảng sợ chạy về phe Trung Hoa. Đem lại sức sống mới cho kinh tế Mỹ, tập trung lại các nguồn quân sự và ngoại giao trên vùng Châu Á Thái Bình Dương và khôi phục lại sự hấp dẫn của mô hình kinh tế và chính trị Mỹ sẽ là cách hiệu quả hơn nhiều để thúc đẩy một châu Á cởi mở và ổn định hơn là chỉ hy vọng Trung Hoa dân chủ hóa.
Vâng, Trung Hoa đang lớn lên, và những cường quốc đang lên đã đặt ra những thử thách trong quá khứ. Nhưng đối với tôi, biến số quan trọng nhất trong việc quyết định kết quả không phải là dân chủ hóa của Trung Hoa mà là làm sống động lại nước Mỹ.


[1] Xem: Bá quyền với những đặc tính Trung Hoa: http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=16130&LOAIID=34&LOAIFID=5&TGID=1303

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Những kẻ khủng bố cũng có quyền


Luật quốc tế nói gì về việc giết Bin Laden

SPIEGEL 14/5/2011

HIẾU TÂN dịch

Việc loại trừ đầu sỏ al-Qaida Osama bin Laden vào đầu tháng này được khắp nơi ăn mừng. Nhưng đó có phải là việc đúng đắn để Mỹ làm không? Chuyên gia luật quốc tế Kai Ambos lập luận rằng việc giết ông ta vừa bất hợp pháp vừa đáng ngờ về mặt đạo đức.


Những kẻ khủng bố, thậm chí cả bin Laden, cũng là những con người. Như vậy, họ có những quyền: quyền con người. Trong số những quyền này có quyền được sống, quyền được đối xử nhân đạo và quyền ra trước một phiên tòa công bằng. Các quyền con người cơ bản có hiệu lực ngay cả trong tình trạng khẩn cấp; chúng không suy suyển trước những ngoại lệ như thế.
Trong thời bình, quyền sống chỉ có thể bị hạn chế trong những hoàn cảnh bất bình thường, đặc biệt vì lý do tự vệ. Nếu đúng là Osama không có vũ khí khi ông ta bị bắn, lý do tự vệ để đối phó trong một cuộc tấn công phi pháp như thế về phần các Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đột nhập có thể bị loại trừ. Rõ  ràng là, một chiến dịch như thế diễn ra dưới sức ép cực mạnh và có thể tưởng tượng rằng các Lực lượng Đặc nhiệm đã hành động với một niềm tin sai lạc rằng họ đang bị bin Laden hay người của ông ta tấn công – các luật sư về tội hình sự gọi đó là “tự vệ giả định” – nhưng nó cũng không làm cho vụ giết người trở nên hợp pháp. Nó chỉ rọi ánh sáng lên trạng thái tinh thần của những người lính mà ta đang nói tới, và như vậy, lên tình trạng có tội của họ.                                             
Tuy nhiên, những người lính này được huấn luyện đặc biệt cho một chiến dịch như thế, họ là những người tinh tuyển trong số tinh tuyển. Nếu chúng ta không thể đòi hỏi hạn chế sử dụng sức mạnh từ họ, thì chúng ta không thể đòi hỏi điều ấy từ bất kỳ ai khác – từ những người lính cảnh sát bình thường trên đường phố hay từ các công dân bảo vệ tính mạng hay nhà cửa của mình. Từ góc nhìn này, dường như khó có chuyện họ bắn bin Laden vì sợ hãi hay do nhầm lẫn. Đúng hơn là họ đã biết quá rõ họ đang làm gì và đã giết ông ta một cách tự nguyện và cố tình.   
        
Tại sao các tội phạm al-Qaida bị đối xử khác?
Đây là vấn đề. Việc giết có mục đích một tên khủng bố, trái ngược với những gì Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gợi ý, không phải là một việc phục vụ cho công lý; đúng hơn, nó đi ngược lại với công lý. Một đất nước được cai quản bằng pháp luật, hành xử với ngay cả những kẻ thù của nó một cách nhân đạo. Bằng cách bắt những kẻ khủng bố và đưa chúng ra trước một tòa án. Đó chính là điều mà Đức đã làm với Lữ đoàn Hồng quân (RAF) và những gì họ làm hôm nay với các thành viên al-Qaida. Đó chính là điều mà Mỹ đã làm ở Nuremberg với những kẻ Quốc Xã và những gì nó khuyến khích toàn thế giới làm với các tội phạm chống loài người khác. Tại sao các tội phạm al-Qaida lại bị đối xử khác?
Nếu tội trạng của chúng được xác định bởi một tòa án công bằng, chúng có thể bị trừng phạt với những bản án nặng nề, trong một số nước như nước Mỹ, với án tử hình. Tuy nhiên, việc xử án phải đi trước. Một vụ giết người mà thiếu vắng một phiên tòa công bằng là một vụ hành hình ngoài-xétxử và ngoài-phápluật, nó không xứng đáng với một nhà nước điều hành bằng pháp luật (Rechtsstaat). Quả thật, nó là một hành động mà những nước không cai trị bằng pháp luật (Unrechtsstaaten) bị lên án trước các tổ chức nhân quyền. Những ai tiến hành hoặc phê chuẩn những vụ giết người ngoài-xétxử như thế đã đánh mất quyền chê trách các nhà nước độc tài về những việc làm hoàn toàn tương tự.

Chiến tranh, tức là “xung đột vũ trang”theo Luật Nhân quyền Quốc tế, là một hoàn cảnh pháp lý khác. Trong những hoàn cảnh như thế, con người có thể bị giết đúng luật khi họ tham gia vào những đối kháng. Việc cấm giết người được thả lửng trong các cuộc xung đột vũ trang quốc tế cho những người tham chiến và trong các cuộc xung đột vũ trang không-quốctế, cho cái gọi là các chiến sĩ hay những người tham chiến thực tế (de facto)

Những người hành động đó có thể, dưới những điều kiện nhất định, cũng là đối tượng của những vụ giết người có mục đich. Điều kiện quan trọng nhất là phải theo nguyên tắc về sự tương xứng, chẳng hạn những biện pháp ít nghiêm trọng hơn (như bắt giữ) nên được ưu tiên hơn và những nạn nhân thường dân phải được tránh. Nếu một vụ giết người có mục đích xảy ra ở lãnh thổ nước ngoài, nhà nước đó phải đồng ý với hoạt động đó; nếu không hành động đó xâm phạm chủ quyền quốc gia, đã bị Luật Quốc tế Chung cấm.

Hùng biện sai lầm về “Cuộc chiến chống khủng bố”
Không có cái nào trong những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc về chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, và nói riêng al-Qaida (Nq. 1267 năm 1999 đến Nq. 1974 năm 2011) cho phép tiến hành trên lãnh thổ nước ngoài các hoạt động bắt giữ, giết người lại càng không, những kẻ (tình nghi) khủng bố. Có thể đọc các tài liệu này, tốt nhất có cùng với những Công ước về khủng bố, như cho phép dẫn độ hoặc truy tố (aut dedere aut iudicare) những kẻ (tình nghi) khủng bố.
Trong trường hợp đang xét,  việc giết người có mục đích không được phép vì Mỹ - trái ngược với những lý lẽ hùng biện về cuộc chiến chống khủng bố” – không dính líu vào một cuộc xung đột vũ trang với al-Qaida. Một mạng lưới khủng bố lỏng lẻo và không tập trung không đủ tiêu chuẩn để được phân loại như một bên trong một cuộc xung đột theo ngữ cảnh của luật Nhân đạo Quốc tế. Trước hết là nó thiếu một cấu trúc chỉ huy quân đội tập trung và có thứ bậc, và kiểm soát một lãnh thổ nhất định.
Tuy nhiên nếu chúng ta đã tuyên bố một cuộc xung đột vũ trang chống al-Qaida thì toàn thế giới sẽ trở thành một trận địa, và hiểu biết cổ điển về một cuộc xung đột vũ trang là trên một lãnh thổ quốc gia nhất định và như vậy liên quan đến sự đối đầu quân sự hạn chế, sẽ được mở rộng ra thành không còn ranh giới nào nữa. Trong khi người ta không thể phủ nhận rằng các cuộc xung đột vũ trang có thể đưa đến “những tác động phụ” như qua sự rút lui của một trong các bên của cuộc xung đột vào lãnh thổ của một nước láng giềng (chẳng hạn như đã xảy ra khi Taliban trốn khỏi Afghanistan sang nước láng giềng Pakistan), phạm vi lãnh thổ phụ thêm của những cuộc xung đột như thế luôn luôn trở lại lãnh thổ ban đầu của xung đột vũ trang. Nếu không, toàn thế giới sẽ biến thành một bãi chiến trường với những hậu quả khôn lường.

Rốt cuộc, điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến chống khủng bố trên khắp thế giới, lôi kéo tất cả các nước nơi có “bọn khủng bố” cư trú, trong khi chúng không đi vào cuộc xung đột vũ trang chính thức với nước phát động cuộc chiến tranh ấy. Thật ra, đây đã là lập trường của Mỹ kể từ 11 tháng 9, 2011. Trưóc sự thất vọng của nhiều người, chính quyền Obama đã tái xác nhận mạnh mẽ lập trường này bằng cách giết bin Laden và bằng cách giết nhiều người bị cáo buộc là thành viên al-Qaida (và các thường dân) trước ông ta, bằng cách tăng cường sử dụng máy bay do thám.

Chiến thắng sự bất công của khủng bố.
Người ta có thể hiểu được lập trường này dưới ánh sáng của ngày 11 tháng 9, và những gì nó đã làm đối với lòng tự trọng của Mỹ, siêu cường duy nhất của thế giới, bị nhục nhã hơn bao giờ hết. Nhưng điều này có liệu biện minh được cho việc tiến hành một chính sách cố tình lảng tránh các nguyên tắc đã được công nhận của luật nhân đạo quốc tế?
Cuối cùng, ngay cả nếu theo lý lẽ người ta muốn cho rằng có tồn tại một cuộc xung đột vũ trang giữa Mỹ và al-Qaida, chỉ những ai trực tiếp dính líu với hành động chiến tranh này mới có thể là đối tượng của một cuộc tấn công quân sự. Bản thân họ phải tiến hành các hoạt động quân sự, ra lệnh những hoạt động như thế , hoặc cho phép lập kế hoạch các hoạt động ấy. Họ phải tiến hành một “chức năng chiến đấu liên tục.” Điều này cũng không có gì chắc chắn liên quan đến bin Laden, vì nhiều người tin rằng ông ta chỉ là lãnh tụ tinh thần của al-Qaida và không có ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự cụ thể. Đoạn phim video do Mỹ đưa ra dường như xác nhận quan điểm này.

Ngoài những vấn đề pháp lý phức tạp và tất nhiên gây tranh cãi, còn một vấn đề cơ bản hơn nhiều, về việc liệu thế giới Phương Tây có thật sự muốn tước quyền sống và các quyền con người khác của những kẻ thù của họ không, và tuyên bố chơi đẹp bằng quân sự với chúng. Hỏi câu này tức là trả lời phủ định nó. Ưu thế đạo đức và chính trị của một xã hội tự do và dân chủ kêu gọi nó đối xử với kẻ thù của nó như những con người với những quyền tối thiểu và không làm như kẻ thù đã làm – hành động một cách man rợ và khinh bỉ loài người.

Nó không phát động chiến tranh chống bọn khủng bố, nhưng đánh chúng bằng luật hình sự tương xứng và công bằng, cùng với sự cai quản bằng pháp luật, Điều đó không loại trừ việc sử dụng sức mạnh và thậm chí giết những kẻ khủng bố như biện pháp cuối cùng, nhưng chỉ bằng cách tôn trọng những quy tắc và những điều kiện đã nói trên kia. Chỉ riêng điều này cũng đủ bảo đảm loại công lý đã được Hoa Kỳ đặc biệt tôn cao kể từ Nuremberg - loại công lý mà nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng Tổng thống Obama đã làm cho được ưa chuộng trở lại. Đây là nền tảng duy nhất từ đó chúng ta có thể chiến thắng cái bất công của bọn khủng bố.