Bình luận văn chương
Emily Parker
The Daily Beast. 5/12/2011
Hiếu Tân dịch
Tại sao chúng ta nên thôi đi tìm những ý nghĩa ẩn giấu trong những thế giới tưởng tượng của nhà văn thần tượng Nhật Bản này.
Khi Haruki Murakami đồng ý cho tôi phỏng vấn tại ngôi nhà
của ông ở Hawaii tôi không tin nổi vào vận may của mình. Đó là vào năm 2006, và
Murakami là một trong những nhà văn yêu thích của tôi. Tôi điên rồ gạch dưới
những đoạn văn trong tác phẩm của ông, đi tìm những manh mối và những liên hệ
giữa những con vật biết nói, những mê cung, và những tham khảo lịch sử rải rác
trong văn ông. Tôi nóng lòng muốn hỏi riêng tác giả: tất cả những cái ấy có ý
nghĩa gì?
Nhưng hóa ra Murakami hình như cũng không biết. Trong khi
ông nói hùng hồn về lịch sử và hệ thống giáo dục của Nhật Bản, tác giả này
đường như đặc biệt tách rời ra khỏi những sản phẩm của trí tưởng tượng của
chính ông. Cứ như thể những tiểu thuyết của ông nảy ra từ một hành lang tiềm
thức mà cánh cửa của nó đóng sầm lại mỗi khi ông đặt bút xuống. "Khi tôi
không viết, chúng biến mất cả." Murakami nói về những tạo vật bí ẩn cư trú
trong các tiểu thuyết của ông. "Tôi thậm chí không mơ."
Tôi thất vọng. Tôi vẫn luôn nghĩ tác phẩm của Murakami như
một hòm châu báu của ý nghĩa, và bây giờ tôi biết là không có chìa khóa. Tôi bỏ
mất năm năm rời xa Murakami. Bởi vậy tôi hơi miễn cưỡng khi cầm lên tác phẩm
mới của ông, cuốn 1Q84, cốt truyện
của nó dường như vô nghĩa ngay cả với những tiêu chuẩn Murakami. Nhưng bây giờ
tôi có thể tự tin nói rằng tôi không chỉ đọc xong cuốn sách, mà tôi còn thích
nó nữa. Tôi chỉ thôi không tìm những ý nghĩa ẩn giấu nữa, và tôi đề nghị bạn
cũng thế.
Đây là vài gợi ý để đọc 1Q84:
Cái toàn thể lớn hơn tổng số những bộ phận của
nó. Sức mạnh của Murakami nằm trong tài kể
chuyện, tài tưởng tượng và khả năng nhử bạn đọc vào trong một vũ trụ không thể
nhận biết. Với 925 trang, 1Q84 là một
cam kết nghiêm chỉnh, không chỉ vì chúng ta đã quen thuộc với những 'tuyên ngôn
ngắn' 140 ký tự. Bạn càng để nhiều thời gian vào thế giới của Murakami, bạn
càng it quan tâm đến những cái xung quanh bạn. Và câu chuyện 1Q84, cũng điên như đoạn mô tả sau đây,
quyến rũ theo cách riêng của nó. 1Q84 kể những câu chuyện song song về
Aoname và Tengo, hai nhân vật có mối quan hệ sâu sắc từ trong quá khứ. Aoname là một kẻ ám sát, nhằm vào
những thủ phạm các vụ bao hành trong gia đình. Chị lên đường đi giết một lãnh
tụ giáo phái bí ẩn, kẻ lạm dụng các cô gái trẻ. Tengo là một giáo viên toán và
một nhà tiểu thuyết khao khát thành đạt, viết lại cuốn "Air
Chrysalis," một câu chuyện tưởng tượng nhưng được viết một cách kinh khủng
bởi một cô gái tên là Fuka-Eri, người trốn thoát khỏi chính giáo phái đó. Ở một
nơi nào đó giữa tất cả những chuyện này, Aoname và Tengo rơi ra khỏi năm 1984
và vào năm 1Q84, một vũ trụ song song nơi có hai mặt trăng. Giáo phái cử một
tên hung đồ tên là Ushikawa đi tóm họ.
Toàn bộ câu chuyện 1Q84
mạnh hơn một số câu riêng lẻ của nó và những hình ảnh nhất định được nhắc
lại rất nhiều lần. Vâng tôi biết rằng Ushikawa có cái đầu chẳng ra hình thù gì,
rằng mặt trăng thứ hai màu xanh cây, rằng Fuka-Eri không dùng các dấu hỏi, và
rằng những cuộc gọi từ biên tập của Tengo có tiếng chuông đặc biệt. Những sự
lặp lại này tăng thêm độ dài và hơn nữa. Nhưng hãy mặc chúng. Về cơ bản, chúng
không ngăn cản dòng chuyện kể.
Hãy hòa làm một với người Nhật. Các hiện tượng văn hóa Nhật Bản không phải lúc nào cũng
chuyển dịch tốt ở nước ngoài. Và tuy vậy Murakami có những người hâm mộ nhiệt
thành trên khắp thế giới. Sẽ có người cãi rằng ông không phải là nhà văn 'đại
diện' của Nhật Bản, một phần bởi vì những cuốn sách của ông nhắc đến những cái
giống như Sonny và Cher. Cũng có sự thật là đôi khi ông nói đến các tính cách
Nhật bản của chính ông như 'không thể hiểu thấu được.' Hơn nữa, việc Murakami
nắm bắt được giọng điệu và nhịp độ của đời sống Nhật Bản đã không thành vấn đề,
điều đó phần nào giải thích tại sao sách của ông biến đi nhanh chóng khỏi các
giá sách ở đó. Một số nhân vật trong 1Q84,
đáng chú ý nhất là một người thu phí của đài NHK và một thày giáo trường luyện
thi, soi sáng những mảng đặc biệt của xã hội Nhật. Đồng thời sách của Murakami
chạm đến những quan niệm phổ biến về nỗi sợ, sự trả thù và tình yêu vĩnh cửu.
Vậy xin hãy vui sống với người Nhật, ít nhất qua 925 trang, dưới cùng hai vầng
trăng đó.
Murakami không phải là George Orwell. Khó tránh được so sánh này, vì cái tên sách 1Q84, nó trực tiếp nhắc đến Orwell, và
trong đó có câu "Anh Lớn đang nhìn mi". Tuy vậy trong khi "Anh
Lớn" của Orwell đại diện cho thế lực toàn trị hắc ám, thì những nhân vật
gọi là "những Người Tí hon" ra ra vào vào 1Q84 có tính cách khó nắm bắt hơn nhiều. Chúng ta biết rằng họ là
"một hiện diện vô hình. Chúng ta không thể nói họ tốt hay xấu, hoặc họ có
một bản chất nào đó hay không." Chúng ta cũng biết rằng họ ra từ mồm một
con dê chết. Những quyết định dường như cân nhắc thận trọng của Orwell về ẩn dụ
và ngụ ngôn giúp ta tin chắc rằng tác giả và người đọc hiểu thế giới theo cùng
một cách. Nói đơn giản hơn, Orwell có một chương trình hành động. Murakami thì lại
khác, ông để cho những tưởng tượng của ông tự do, để chúng ta tùy ý giải mã
chúng. Hay tốt hơn, chẳng giải mã gì cả. Dù sao, nếu Murakami viết từ tiềm thức
của ông, thì tại sao chúng ta phân tích ông bằng ý thức? Yuko, một người bạn
thân của tôi ở nhật, có lẽ đã cho những người đọc Murakami lời khuyên hay nhất:
"Tôi không bao giờ cố gắng hình dung ra ông định nói gì. Tôi chỉ đơn giản
thưởng thức dòng chảy những từ ngữ của ông rồi biến chúng thành cuốn phim của
chính tôi trong trí tôi. Bạn hiểu tôi nói gì không?"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét