Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Bụt nghe cổ tích



Bụt nghe cổ tích

HIẾU TÂN


   Đây là nước nào?
Bụt ngồi trên tòa sen, chỉ vào một điểm trên quả cầu nhỏ lấp lánh mà một la hán vừa mang đến, hỏi mấy vị bồ tát chắp tay đứng gần ngài.
   Bạch đức Thế tôn, đây là nước An Nam. Văn Thù thưa
   Không, đây là Đại Việt chứ! Phổ Hiền chữa lại
   Họ tự gọi họ là Đại Việt, còn người Tàu gọi họ là An Nam.
Bụt phóng một luồng nhỡn quang thần lực xuống nơi được gọi là Đại Việt An Nam, chỉ thấy mấy cung điện vàng son lóa mắt, xung quanh cơ man là những ngôi nhà tranh rách nát, những bóng người gầy còm khật khưỡng lẩy bẩy.
   Đại Việt, nghe hay đấy. Còn An Nam? Người Tàu gọi họ thế chắc là muốn chúc cho nước này luôn yên ổn thái bình.
   Bạch đức Thế tôn, không phải vậy. Nước Tàu vốn ngàn năm đô hộ nước này, chữ "an" với họ có nghĩa là dẹp yên, mà với dân Nam họ muốn cho "an phận" đó ạ, Thinh Văn đáp.
   Còn chữ "Đại Việt", người nước Việt này thì nhỏ bé mà cái gì cũng thích to. Có chùa Bái Đính to nhất cả khu vực Đông Nam Á châu, tốn không biết bao nhiêu là "ngân lượng", Duyên Giác thưa.
   Bạn ạ, người Việt người ta gọi là "tiền bạc", bạn dùng chữ đó e người Việt sẽ cười bạn là "dốt mà lại hay nói chữ".
   Thì trong các phim Tàu mà người Việt mê nhất, người ta nói chữ đó hoài mà. Cũng chính là dân Việt nói cho nhau nghe đấy chứ. Nghe riết thành quen.
   Bạn có vẻ thông thạo văn hóa Việt nhỉ, thâm nhập đến cả phim truyền hình mỗi tối của họ thì ghê thật. Có chuyện gì hay kể cho Bụt và chúng tăng cùng nghe nào?
   Có một truyện cổ tích, gọi là Tấm Cám, mà người dân Việt từ cụ già đến em bé, không người nào là không thuộc. Trong câu chuyện này có luân hồi, và có cả Bụt nữa.
   À hay đấy. Muốn hiểu tâm hồn một dân tộc, không gì hơn nghe những truyện kể của họ. Nào xem dân tộc này hiểu Bụt như thế nào.

"Truyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, có hai chị em cùng cha khác mẹ.."
………………..
………………………
…………………………………….

…chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu kẻo về mẹ mắng."
…………………
….Bụt hiện lên hỏi "Làm sao con khóc?"

Mọi con mắt quay nhìn lên Bụt. Bụt cười
   Dưới trần gian người theo ta thì nhiều, mà kẻ mạo danh ta cũng không phải là hiếm.
   Thưa, người có tín ngưỡng thì ít mà dị đoan thì nhiều. Nhiều nơi tưởng rằng tín ngưỡng nhưng kì thực chỉ là dị đoan.
   Trong tâm trí của họ Bụt là một ông tiên, râu tóc bạc phơ, cầm gậy trúc, biến hóa thần thông. Có lúc Bụt lên ngồi đàm đạo với Ngọc Hoàng Thượng Đế, hai vị là hai ông vua mỗi người cai trị một vùng trời. Thanh Văn kể.
   Cả ngàn năm họ sống có vua trên đầu, nên trên trời cũng không thể không có vua!
  Ước mong cao nhất của họ là được cai trị bởi một ông vua hiền.
  Các cô thôn nữ còn mơ được tuyển vào cung, một bước thành bà hoàng nữa chứ.
  Vua hiền vua ác. Điều quan trọng là họ luôn luôn cần có vua…
   Cho dù dưới trần gian nhiều nơi không còn vua nữa, mà người ta vẫn sống được.
  ….cũng như họ cần thánh thần để họ bái lạy. Cho nên dù Bụt hiện ra thì họ liền biến bụt thành thánh thần. Duyên Giác kết luận.
   Mọi người cười hoan hỉ.

Vâng. Tôi xin kể tiếp.
……………………………………
…………
…………………………

Bống bống bang bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.
…………………
   Ừ cơm nhà ta là cơm vàng cơm bạc, cũng được đi. Nhưng sao cơm cháo nhà người lại phải là cơm hẩm cháo hoa?
   Vẫn còn đang nghèo mà đã khinh nghèo như thế
   Cái tâm đang muốn nhoi lên đấy mà. Ta sướng lên chưa đủ. Nhà ngươi phải khổ đi ta mới hả.
   Vui nhỉ
…………………………..
………..
"…Phơi áo chồng tao thì phơi bằng sào,
     chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao"
……………..
…………………..
   Kể cũng ngộ nhỉ. Vào đến hoàng cung rồi mà vẫn sinh hoạt, suy nghĩ như người dân quê nghèo khổ.
   Chắc trí tưởng tượng của họ chưa bao giờ vượt ra khỏi lũy tre làng..
   Vâng, họ tưởng họ mơ làm vợ vua nhưng kì thực chỉ là mơ làm vợ một anh nhà giàu trong làng.
   Vua thì cách trùng, biết là giàu nhưng không biết cái giàu ấy nó ra làm sao

….kẽo ca kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra"
!
Tất cả lặng đi. Mọi người nghe lạnh trong xương sống. Bụt mỉm cười.
………
…………………………………
………………
"Ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng?"
………………..
"….Cha con đẻ mẹ con quạ kia, con bà gửi cho bà lọ mắm, bà ăn thấy ngon bà lại chẳng khen ư?"
…………….
………………….

   Kết của các câu chuyện truyền miệng thường có hậu, để răn đời. Thì ra đây là cái hậu của họ, hậu đối với Tấm, nhân vật mà họ yêu quí. Tấm là một cái ngã của họ. Thơ văn nhạc họa của họ đã tốn biết bao nhiêu là giấy mực ngợi ca cô Tấm này, gọi là "cô Tấm thảo hiền".
   Thảo hiền chỗ nào? Ở chỗ giết cô em cùng cha một cách ngọt ngào không cần đến dao kiếm, không cần động thủ à?
   Giết đối với họ là chuyện bình thường. Họ giết người họ ghét, chứ có giết người họ yêu đâu. Vậy là hợp lý.
   Họ thường mong ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Đó là cách hiểu nhân quả của họ.
   Thế còn quả đối với mẹ con Cám, họ cũng là người mà?
   Truyện  này hiện nay họ đang tranh cãi nhiều lắm. 
Ngộ lắm. Họ muốn có một thứ hoa đứng trên các loài hoa, là vua các loài hoa, gọi là "quốc hoa".  
Ấy là vì có nước Bảo trồng nhiều hoa hồng được gọi là đất nước hoa hồng, nước Hà trồng nhiều hoa Tuy Lip được gọi là đất nước hoa Tuy Líp, nên họ nghĩ những hoa ấy là một thứ "quốc hoa"
Cũng là một tâm lý cần vua. Họ không thích, hoặc xa lạ với cái ý tưởng bình đẳng. Phải có cái gì nhất. Phải tranh hơn thua. Phải có trên có dưới. Về truyện thì có người muốn đưa truyện này lên thành "quốc truyện".
Còn tôn giáo thì có người muốn đạo Bụt là "quốc đạo".
"Ấy Nguy! Nguy!" Bụt nói nhanh, khiến các đệ tử cả cười.
Các đệ tử "tản mạn " đã nhiều, người nào cũng đầy hiểu biết. Bụt bảo:
   Các ông thấy không? Một cái tâm lý đến lạ. Khổ thì cứ than cứ khóc, ắt có người thương. Không cần làm gì để tự cứu mình, cứ cầu cứ xin, ắt có người cứu. Vì thế họ mới cần đến một thứ Bụt thần thông, cứu khổ cứu nạn. Bảo rằng trong lòng họ có Bụt, họ không nghe. Họ thích có người từ bi che chở họ, mà không thích từ bi với người khác.
   Bạch Thế tôn, Thanh Văn nói. Nước họ cũng có nhiều truyện truyền miệng rất hay rất đẹp nói lên cái phần tốt của họ, tất nhiên không kém bất cứ dân tộc nào. Như Thạch Sanh hào sảng mà bao dung. Lưu Bình Dương Lễ tình bạn cao đẹp. Mai An Tiêm khuyến khích tự lực tự cường. Thánh Gióng nói cái ý chí quật cường không chịu đè nén đô hộ. Có nhiều truyện gần như không tì vết..
   Nhưng họ lại vẫn thích truyện Tấm Cám. Phải có lý do gì đó sâu xa trong tâm hồn họ.
   Các ông thấy không? Các ông đã thấy cái nghiệp của cô gái này nặng đến thế nào chưa? Trải qua nhiều hóa kiếp, mà nghiệp càng ngày càng nặng thêm. Sang một kiếp khác, tưởng là có cuộc sống khác, nhưng vẫn còn một cái bất biến, không thay đổi. Đó là cái chí tranh giành, tranh quyền đoạt lợi. "Đây là chồng tao". Mục đích cuộc sống. Cái ý chí ngoan cường, bền bỉ, không thể dập tắt ấy là gì vậy? Ý chí phục thù, triệt hạ kẻ thù, như đoạn kết câu chuyện.
  Thù muôn đời muôn kiếp không tan, quả thế..Một đệ tử xen vào.
  Bụt nhìn đệ tử ấy, gật đầu. Nói tiếp.
  Có một chủng tử, một cái mầm nhỏ xíu lúc ban đầu. Mầm thù hận. Tỉnh giác, nhờ tu tập và giáo dưỡng, nhìn ra nó, nhổ ngay nó đi, là xong. Nhưng một nền giáo dưỡng xấu ác có khi còn chăm bón cho nó. Ta thấy trong câu chuyện này, cái mầm thù hận đã được ấp ủ, được vun xới như thế nào. Để đến lúc nó thành quả núi.
  Vâng, trong cả câu chuyện không có một đốm lửa nhỏ của lòng nhân ái, nói gì đến từ bi. Mẹ con Cám làm ác thì phải đền tội, còn Tấm thì hưởng phúc, vì chúng ta yêu Tấm, Tấm là người phe ta mà, hà hà hà.
  Bạn cứ đùa..
  Quả thế. Bụt xác nhận. Một nước mà ôm ấp những truyền thống như thế này thì gay rồi. Chẳng lẽ nên để mầm độc gieo vào lòng trẻ thơ trong trắng? Tương lai dân tộc còn gì, giàu có và tranh giành, chia rẽ và thù hận? Nghiệp của một dân tộc cũng có thể cứ nhìn vào từng cá nhân thì biết. Người cùng một nước được khuyến khích thù hận nhau, dứt khoát không hòa giải, không dung tha nhau, mà nước mạnh được ư? Ta lo rằng cái nước An Nam này muốn thành Đại Việt khó lắm, cho dù họ muốn To.

VT, 10/02/2012

Xem thêm: http://xunau.org/2012/05/02/b%E1%BB%A5t-nghe-c%E1%BB%95-tich/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét