Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Những kẻ khủng bố cũng có quyền


Luật quốc tế nói gì về việc giết Bin Laden

SPIEGEL 14/5/2011

HIẾU TÂN dịch

Việc loại trừ đầu sỏ al-Qaida Osama bin Laden vào đầu tháng này được khắp nơi ăn mừng. Nhưng đó có phải là việc đúng đắn để Mỹ làm không? Chuyên gia luật quốc tế Kai Ambos lập luận rằng việc giết ông ta vừa bất hợp pháp vừa đáng ngờ về mặt đạo đức.


Những kẻ khủng bố, thậm chí cả bin Laden, cũng là những con người. Như vậy, họ có những quyền: quyền con người. Trong số những quyền này có quyền được sống, quyền được đối xử nhân đạo và quyền ra trước một phiên tòa công bằng. Các quyền con người cơ bản có hiệu lực ngay cả trong tình trạng khẩn cấp; chúng không suy suyển trước những ngoại lệ như thế.
Trong thời bình, quyền sống chỉ có thể bị hạn chế trong những hoàn cảnh bất bình thường, đặc biệt vì lý do tự vệ. Nếu đúng là Osama không có vũ khí khi ông ta bị bắn, lý do tự vệ để đối phó trong một cuộc tấn công phi pháp như thế về phần các Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đột nhập có thể bị loại trừ. Rõ  ràng là, một chiến dịch như thế diễn ra dưới sức ép cực mạnh và có thể tưởng tượng rằng các Lực lượng Đặc nhiệm đã hành động với một niềm tin sai lạc rằng họ đang bị bin Laden hay người của ông ta tấn công – các luật sư về tội hình sự gọi đó là “tự vệ giả định” – nhưng nó cũng không làm cho vụ giết người trở nên hợp pháp. Nó chỉ rọi ánh sáng lên trạng thái tinh thần của những người lính mà ta đang nói tới, và như vậy, lên tình trạng có tội của họ.                                             
Tuy nhiên, những người lính này được huấn luyện đặc biệt cho một chiến dịch như thế, họ là những người tinh tuyển trong số tinh tuyển. Nếu chúng ta không thể đòi hỏi hạn chế sử dụng sức mạnh từ họ, thì chúng ta không thể đòi hỏi điều ấy từ bất kỳ ai khác – từ những người lính cảnh sát bình thường trên đường phố hay từ các công dân bảo vệ tính mạng hay nhà cửa của mình. Từ góc nhìn này, dường như khó có chuyện họ bắn bin Laden vì sợ hãi hay do nhầm lẫn. Đúng hơn là họ đã biết quá rõ họ đang làm gì và đã giết ông ta một cách tự nguyện và cố tình.   
        
Tại sao các tội phạm al-Qaida bị đối xử khác?
Đây là vấn đề. Việc giết có mục đích một tên khủng bố, trái ngược với những gì Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gợi ý, không phải là một việc phục vụ cho công lý; đúng hơn, nó đi ngược lại với công lý. Một đất nước được cai quản bằng pháp luật, hành xử với ngay cả những kẻ thù của nó một cách nhân đạo. Bằng cách bắt những kẻ khủng bố và đưa chúng ra trước một tòa án. Đó chính là điều mà Đức đã làm với Lữ đoàn Hồng quân (RAF) và những gì họ làm hôm nay với các thành viên al-Qaida. Đó chính là điều mà Mỹ đã làm ở Nuremberg với những kẻ Quốc Xã và những gì nó khuyến khích toàn thế giới làm với các tội phạm chống loài người khác. Tại sao các tội phạm al-Qaida lại bị đối xử khác?
Nếu tội trạng của chúng được xác định bởi một tòa án công bằng, chúng có thể bị trừng phạt với những bản án nặng nề, trong một số nước như nước Mỹ, với án tử hình. Tuy nhiên, việc xử án phải đi trước. Một vụ giết người mà thiếu vắng một phiên tòa công bằng là một vụ hành hình ngoài-xétxử và ngoài-phápluật, nó không xứng đáng với một nhà nước điều hành bằng pháp luật (Rechtsstaat). Quả thật, nó là một hành động mà những nước không cai trị bằng pháp luật (Unrechtsstaaten) bị lên án trước các tổ chức nhân quyền. Những ai tiến hành hoặc phê chuẩn những vụ giết người ngoài-xétxử như thế đã đánh mất quyền chê trách các nhà nước độc tài về những việc làm hoàn toàn tương tự.

Chiến tranh, tức là “xung đột vũ trang”theo Luật Nhân quyền Quốc tế, là một hoàn cảnh pháp lý khác. Trong những hoàn cảnh như thế, con người có thể bị giết đúng luật khi họ tham gia vào những đối kháng. Việc cấm giết người được thả lửng trong các cuộc xung đột vũ trang quốc tế cho những người tham chiến và trong các cuộc xung đột vũ trang không-quốctế, cho cái gọi là các chiến sĩ hay những người tham chiến thực tế (de facto)

Những người hành động đó có thể, dưới những điều kiện nhất định, cũng là đối tượng của những vụ giết người có mục đich. Điều kiện quan trọng nhất là phải theo nguyên tắc về sự tương xứng, chẳng hạn những biện pháp ít nghiêm trọng hơn (như bắt giữ) nên được ưu tiên hơn và những nạn nhân thường dân phải được tránh. Nếu một vụ giết người có mục đích xảy ra ở lãnh thổ nước ngoài, nhà nước đó phải đồng ý với hoạt động đó; nếu không hành động đó xâm phạm chủ quyền quốc gia, đã bị Luật Quốc tế Chung cấm.

Hùng biện sai lầm về “Cuộc chiến chống khủng bố”
Không có cái nào trong những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc về chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, và nói riêng al-Qaida (Nq. 1267 năm 1999 đến Nq. 1974 năm 2011) cho phép tiến hành trên lãnh thổ nước ngoài các hoạt động bắt giữ, giết người lại càng không, những kẻ (tình nghi) khủng bố. Có thể đọc các tài liệu này, tốt nhất có cùng với những Công ước về khủng bố, như cho phép dẫn độ hoặc truy tố (aut dedere aut iudicare) những kẻ (tình nghi) khủng bố.
Trong trường hợp đang xét,  việc giết người có mục đích không được phép vì Mỹ - trái ngược với những lý lẽ hùng biện về cuộc chiến chống khủng bố” – không dính líu vào một cuộc xung đột vũ trang với al-Qaida. Một mạng lưới khủng bố lỏng lẻo và không tập trung không đủ tiêu chuẩn để được phân loại như một bên trong một cuộc xung đột theo ngữ cảnh của luật Nhân đạo Quốc tế. Trước hết là nó thiếu một cấu trúc chỉ huy quân đội tập trung và có thứ bậc, và kiểm soát một lãnh thổ nhất định.
Tuy nhiên nếu chúng ta đã tuyên bố một cuộc xung đột vũ trang chống al-Qaida thì toàn thế giới sẽ trở thành một trận địa, và hiểu biết cổ điển về một cuộc xung đột vũ trang là trên một lãnh thổ quốc gia nhất định và như vậy liên quan đến sự đối đầu quân sự hạn chế, sẽ được mở rộng ra thành không còn ranh giới nào nữa. Trong khi người ta không thể phủ nhận rằng các cuộc xung đột vũ trang có thể đưa đến “những tác động phụ” như qua sự rút lui của một trong các bên của cuộc xung đột vào lãnh thổ của một nước láng giềng (chẳng hạn như đã xảy ra khi Taliban trốn khỏi Afghanistan sang nước láng giềng Pakistan), phạm vi lãnh thổ phụ thêm của những cuộc xung đột như thế luôn luôn trở lại lãnh thổ ban đầu của xung đột vũ trang. Nếu không, toàn thế giới sẽ biến thành một bãi chiến trường với những hậu quả khôn lường.

Rốt cuộc, điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến chống khủng bố trên khắp thế giới, lôi kéo tất cả các nước nơi có “bọn khủng bố” cư trú, trong khi chúng không đi vào cuộc xung đột vũ trang chính thức với nước phát động cuộc chiến tranh ấy. Thật ra, đây đã là lập trường của Mỹ kể từ 11 tháng 9, 2011. Trưóc sự thất vọng của nhiều người, chính quyền Obama đã tái xác nhận mạnh mẽ lập trường này bằng cách giết bin Laden và bằng cách giết nhiều người bị cáo buộc là thành viên al-Qaida (và các thường dân) trước ông ta, bằng cách tăng cường sử dụng máy bay do thám.

Chiến thắng sự bất công của khủng bố.
Người ta có thể hiểu được lập trường này dưới ánh sáng của ngày 11 tháng 9, và những gì nó đã làm đối với lòng tự trọng của Mỹ, siêu cường duy nhất của thế giới, bị nhục nhã hơn bao giờ hết. Nhưng điều này có liệu biện minh được cho việc tiến hành một chính sách cố tình lảng tránh các nguyên tắc đã được công nhận của luật nhân đạo quốc tế?
Cuối cùng, ngay cả nếu theo lý lẽ người ta muốn cho rằng có tồn tại một cuộc xung đột vũ trang giữa Mỹ và al-Qaida, chỉ những ai trực tiếp dính líu với hành động chiến tranh này mới có thể là đối tượng của một cuộc tấn công quân sự. Bản thân họ phải tiến hành các hoạt động quân sự, ra lệnh những hoạt động như thế , hoặc cho phép lập kế hoạch các hoạt động ấy. Họ phải tiến hành một “chức năng chiến đấu liên tục.” Điều này cũng không có gì chắc chắn liên quan đến bin Laden, vì nhiều người tin rằng ông ta chỉ là lãnh tụ tinh thần của al-Qaida và không có ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự cụ thể. Đoạn phim video do Mỹ đưa ra dường như xác nhận quan điểm này.

Ngoài những vấn đề pháp lý phức tạp và tất nhiên gây tranh cãi, còn một vấn đề cơ bản hơn nhiều, về việc liệu thế giới Phương Tây có thật sự muốn tước quyền sống và các quyền con người khác của những kẻ thù của họ không, và tuyên bố chơi đẹp bằng quân sự với chúng. Hỏi câu này tức là trả lời phủ định nó. Ưu thế đạo đức và chính trị của một xã hội tự do và dân chủ kêu gọi nó đối xử với kẻ thù của nó như những con người với những quyền tối thiểu và không làm như kẻ thù đã làm – hành động một cách man rợ và khinh bỉ loài người.

Nó không phát động chiến tranh chống bọn khủng bố, nhưng đánh chúng bằng luật hình sự tương xứng và công bằng, cùng với sự cai quản bằng pháp luật, Điều đó không loại trừ việc sử dụng sức mạnh và thậm chí giết những kẻ khủng bố như biện pháp cuối cùng, nhưng chỉ bằng cách tôn trọng những quy tắc và những điều kiện đã nói trên kia. Chỉ riêng điều này cũng đủ bảo đảm loại công lý đã được Hoa Kỳ đặc biệt tôn cao kể từ Nuremberg - loại công lý mà nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng Tổng thống Obama đã làm cho được ưa chuộng trở lại. Đây là nền tảng duy nhất từ đó chúng ta có thể chiến thắng cái bất công của bọn khủng bố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét