Nô tài thi sĩ
HIẾU TÂN
Mới nghe thì tưởng chừng như không có sự gán
ghép nào khiên cưỡng hơn: Nô tài và Thi sĩ! Thi sĩ thì phải trăng -mơ - hoa
- gió - sương -nhạc - hương - mây -ong -bướm - xuân - tương tư - biệt ly -sầu -
mộng…Có chi liên hệ với nô tài?
Nhiều người nghĩ một cách hạn hẹp rằng
nghề của nô tài chỉ là hầu hạ. Nhưng không phải, nô tài cũng có nhiều
nghề riêng, nhiều biệt tài, nhiều đẳng cấp. Tài cầm dao cầm kiếm thì đâm thì
chém. Tài bày mưu tính kế thì mưu ma chước quỷ. Tài ăn nói thì uốn ba tấc lưỡi.
Và trong lịch sử nô tài, có nhiều nô tài biết làm thơ, và thơ hay. Thơ có khi
để ngâm vịnh tiêu dao hay thù tạc, nhưng phần lớn là để hiến dâng cho chủ.
Nhưng lại có những nhà thơ cự phách, siêu quần, thiên tài trác việt, có cả một
công chúng yêu thơ tôn vinh làm thi hoàng thi bá, rồi bỗng một ngày nào đó,
thời thế đổi thay, thiên hạ trông vào hành ngôn hành trạng của thi nhân, thì
ngẫm ra rõ ràng một đấng nô tài! Nô tài thi sĩ!
Phẩm chất số một của nô tài là dâng
trọn linh hồn cho chủ. Ở phương Tây có chuyện bán
linh hồn cho quỷ dữ. Nhưng đó là ở phương Tây, hay nói chung ở những nơi giao
thương rộng mở. Ở phương Đông, không bán, mà dâng. Không phải cho quỷ
dữ, mà cho chủ. Chủ thì có nhiều loại, nhiều thang bậc về chức tước, nhiều phẩm
chất khác nhau về tài năng và đức độ, nhưng có một cái chung, là có quyền, và
có tiền. Có người trách thi sĩ viết theo lệnh chủ. Cãi rằng, ta không viết theo
lệnh chủ, ta viết theo mệnh lệnh trái tim ta. Mở ngoặc, nói thầm, trái tim ta,
linh hồn ta, khối óc ta từ lâu ta đã dâng cho chủ.
Nếu chủ đây là minh chủ,
là một đấng anh minh khoan hòa đại độ, chắc sẽ được muôn dân kính
ngưỡng tôn thờ. Và thi sĩ nô tài sẽ vô cùng hoan hỉ tự hào dùng thiên tài thi ca
của mình tung hô ngợi ca không còn trời đất nào nữa, để rồi cùng theo ân chủ đi
vào cõi bất tử. Nhưng nếu rủi chủ lại là kẻ mặt người dạ thú mà quyền thế
nghiêng trời, thì sao? Thì đã có một quy luật thép, là qua ngòi bút kỳ diệu của
nhà thơ nô tài, ông chủ ăn thịt người ấy vẫn là đấng anh minh cứu thế chói lọi
như mặt trời và nhờ vậy mà muôn dân vẫn một lòng bái phục. Chỉ có điều có bất
tử không, bất tử theo kiểu gì, thì không ai dám chắc.
Ta đã từng thấy những nô tài quỳ mọp,
tự tay vả lên mặt mình mà luôn mồm nô tài đáng chết.
Thi sĩ nô tài thì không quỳ, nhưng cũng sẵn sàng vả vào
thơ ca của mình kể cả những áng thơ từng làm say lòng bao kẻ yêu
thơ, nhưng chẳng may không vừa ý chủ.
Tôi cứ nghĩ mãi không hiểu cái sức đẩy
huyền bí nào đã khiến người thi sĩ trứ danh
từ bỏ cái hồn thơ phóng khoáng của mình giữa trời cao đất rộng
vốn từng được bao người yêu mến mà chui vào nhận lấy kiếp nô tài, cho
dù là nô tài thi sĩ? Nhưng ngẫm kỹ thì thấy hóa ra mình chẳng hiểu mô tê gì về
thời [của các] nô tài, và xứ nô tài, và tâm lý nô tài hết. Ở thời ấy và xứ ấy,
có con đường nào khác để quyền cao chức trọng, phú quý vinh hoa, nếu không tự
biến mình thành một nô tài? Ấy là bởi có nhiều cấp nô tài và nhiều cấp chủ, nên
trừ những chủ ở đỉnh cao nhất và những nô tài mạt hạng nhất, ở các cấp trung
gian thì vai nô tài và vai chủ đan xen và luân chuyển. Cho nên vinh ở chỗ này
và nhục ở chỗ khác, cái mình tưởng là vinh thì người khác cho là nhục, là
chuyện thường xảy ra. Các giá trị con người đo bằng phẩm trật trong cái thống
hệ nô tài, xa lạ với các phép đo khác. Nếu tôi là một ông vua, và nếu có ai nói
với tôi thi sĩ Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn là con người có phẩm cách, tôi sẽ
hỏi: “phẩm cách là cái quái gì?” Câu chuyện vua Tự Đức “mê đánh tổ tôm, mê ngựa
hậu bổ mê nôm Thúy Kiều” muốn nọc đánh Nguyễn Du 300 roi khi đọc đến câu
“Tấn Dương được thấy mây rồng có phen” chắc chỉ là một giai thoại, nhưng
là một giai thoại có hàm lượng sự thật cao. Trong thâm tâm Tự Đức chắc Nguyễn
Du cũng chỉ là một nô tài, cho dù ông làm quan với ông tổ bốn đời của ông ta,
và chí của ông là chí không-nô-tài “Chọc trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang
nào biết trên đầu có ai”. Câu chuyện vua Louis XIV hỏi “Trong triều đại
của Ta có gì là hiển hách nhất?” và được Nicolas Boileau đáp rằng “tâu
bệ hạ: Molière!” cũng là một giai thoại, không biết có được bao nhiêu phần
trăm sự thật, nhưng cho ta mơ về một xứ sở mà tâm lý nô tài không ngự trị.
Ấy vậy mà ở ta cũng có những người không ham và
không lụy chế độ nô tài bao trùm thiên hạ. Họ hiểu cái vinh và cái nhục
của chế độ đẳng cấp nô tài:
Ngán nhẽ kẻ tham bề khóa lợi,
mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, khom mình đứng chực trước hầu môn.
Quản bao người tham cái giàm danh, áo giới lân trùm
dưới cơ phu, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ.
Họ tự đắc không chịu hãm mình trong vòng
cương tỏa, và ngông cái ngông của kẻ không chịu cúi luồn.
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp
Trong thú yên hà mặt tỉnh say
Liếc mắt coi chơi người lớn bé
Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay.
Họ biết rằng muốn được
thế thì phải biết từ chối mồi bổng lộc ơn trên ban ra
từ quốc khố vốn bóp nặn từ hầu bao của muôn dân đói khát,
và dám chấp nhận cái nghèo thanh sạch
Của trời trăng gió kho vô tận
Cầm hạc tiêu dao đất nước này.
Người ta gọi họ là những Kẻ Sĩ.
Những thi sĩ không nô tài.
HT 071210
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét