Cuộc trở lại kỳ ảo của Murakami
Malcolm Jones
The Daily Beast 4 tháng 11, 2011 Hiếu Tân dịch
Một bậc thầy của hiện thực và tưởng tượng kỳ
ảo, nhà tiểu thuyết Nhật Bản Haruki
Murakami lại một lần nữa
gây ấn tượng với 1Q84, một sự nhắc
nhở đến 1984 của Orwell. Malcolm
Jones viết về liệu cuốn tiểu thuyết vạm vỡ
này có bõ công chờ đợi hay không
Nhà tiểu thuyết Nhật Bản Haruki Murakami đã hơn một lần
nói với tôi trong các cuộc phỏng vấn về sự ngưỡng mộ của ông đối với những nhà
văn hoàn toàn khác nhau Raymond Chandler, F. Scott Fitzgerald, và Raymond
Carver. Ông cũng đặt tên hai cuốn tiểu thuyết của mình theo các bài hát của the
Beatles và the Beach Boys và ngưng giữa dòng chuyện kể để ca ngợi diễn viên
điện ảnh phương Tây Ben Johnson. Tuy vậy, cả trong những cuộc phỏng vấn lẫn
trong văn của ông, ông đã tỏ ra kín đáo hơn nhiều về những chuyện Nhật Bản.
Chắc chắn không có nhà văn đáng chú ý nào trên đất nước quê hương ông thật
giống ông. Không quá truyền thống Nhật Bản cũng không thật sự Tây phương, ông
là, hầu như theo mọi nhẽ, con mèo bước đi bên cạnh ông.
Không phải tất cả những cuốn sách của ông đều hay như
nhau, nhưng tất cả chúng đều tuôn ra một cách không thể lầm lẫn từ cùng một
ngòi bút. Kết quả là, một khi bạn đã bập vào ông, bạn sẽ sẵn lòng đọc bất cứ
cái gì ông làm ra. (Tôi đã mơ có một cái gì đó như là đặt mua dài hạn các tác
phẩm của ông - mỗi khi làm xong ông chỉ cần gửi chúng đi và gửi hóa đơn vào tài
khoản của tôi). Cách nhìn của ông đủ độc đáo, đủ thanh khiết để đẩy bạn qua
ngay cả những cuốn sách không thật xuất sắc của ông (Phía Nam Biên giới, Phía Tây Mặt trời, Người tình Sputnik) và ông
giỏi nhiều thứ đến mức bạn sẵn sàng tha thứ cho ông những khiếm khuyết ít ỏi
nếu không phải là không đáng kể. Tất cả những phẩm chất này được thể hiện trong
cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, 1Q84
(với 944 trang, làm sao nó có thể không chứa tất cả các phẩm chất đó). Đây là
cuốn tiểu thuyết đầu tiên có tầm cỡ sử thi thật sự thành công mà Murakami đã
cho ra kể từ Biên niên sử Chim vặn dây
cót chói lọi năm 1997, và nó đáng được chờ đợi.
Murakami dẫn dắt một câu chuyện giỏi như bất kỳ nhà văn
nào còn sống. Ông biết cách kể một chuyện tình sao cho không quá sắc sảo. Ông
hiểu cách trộn lẫn hiện thực với tưởng tượng (chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo nếu bạn
muốn nói văn vẻ) theo một tỉ lệ hết sức tương xứng. Và ông có sở trường viết về
các chuyện thường ngày, — chuẩn bị một bữa ăn, một cuộc dạo chơi— sao cho những
sự kiện gần gũi, cho dù nó tầm thường trần tục thế nào, không bao giờ nhàm
chán. Quả thực, có một cảm giác gì đó thật dễ chịu, thật yên lòng, khi nhìn một
nhân vật của Murakami thái rau cho bữa tối.
Ấn tượng nhất là, ông biết cách đưa logic và không khí
của những giấc mơ vào tiểu thuyết không chút ngập ngừng hay mơ hồ. Ông Kafkaesque (theo phong cách Kafka) đến
mức độ ông không quan tâm đến tại sao và như thế nào qua một đêm một người đàn
ông có thể biến thành một con sâu, mà
quan tâm đến việc người ấy đối phó ra sao trong hoàn cảnh mới của y. Và giống
như Beckett, ông trang bị cho những cảnh mộng của mình chỉ bằng một nhúm những
đồ thiết trí chọn lọc - một cái cây, một ngọn đèn đường, một cầu trượt - những
chi tiết làm nền cho cảnh nhưng vẫn dành chỗ để người đọc điền những chi tiết
của mình vào. Đây có lẽ là điểm then chốt: ông biến bạn - người đọc - thành
người công tác của mình. Những gì ông bỏ lại cũng quan trọng như những cái ông
đưa vào, bởi vì nó khuyến khích bạn điền vào những chỗ trống trên bức vẽ. Một
khi bạn đã đắm mình vào, một khi bạn đã
xâm nhập vào cảnh một bữa ăn đang được chuẩn bị, và những ngọn đèn đường trong
sân chơi vào lúc chạng vạng, thì những cái lạ mà ông đưa vào sau đó - hai vầng
trăng treo lơ lửng trên bầu trời chẳng hạn - hầu như chẳng còn có vẻ lạ lùng gì
nữa.
IQ84
Không phải trong câu chuyện hài hước dài dòng này của một
cuốn tiểu thuyết không có nhiều cái lạ, nhưng hầu hết chúng xảy ra khi chúng ta
đinh ninh rằng không có gì lạ xảy ra. Khi một trong những nhân vật bước vào một
thế giới như thế giới của chúng ta, cứu vãn cho một nhúm những chi tiết nổi bật
nhất (như hai mặt trăng nói trên) người kể chuyện bảo đảm với chúng ta rằng nó
không phải là một vũ trụ song song. Nhưng bạn còn có thể gọi nó là cái gì khác
nữa?
Tương tự, khi cũng chính nhân vật đó, một phụ nữ sắp sửa
đi ám sát những người đàn ông bạo hành vợ mình, leo xuống một chiếc thang ở lối
thoát khẩn cấp ra khỏi một xa lộ, một người lái tắc xi chỉ đường cho chị ta
nói, "Sau khi cô làm một chuyện như thế, [rời khỏi xa lộ bằng chân không và
leo xuống mặt đất], vẻ thường ngày của mọi vật có thể thay đổi đôi chút. Đối
với cô mọi vật trông khác trước.
Nhưng đừng để cho những cái bề ngoài đánh lừa cô. Bao giờ cũng luôn chỉ có một
thực tại này". Tất nhiên mọi thứ chúng ta thấy và mọi thứ chúng ta ngắm nhìn
kể những câu chuyện khác nhau. Do đó khó mà biết được nên tin ai và nơi nào đất
rắn biến thành cát lún.
Phần kịch tội ác đen, phần chuyện tình và phần hoang
tưởng trong 1984, câu chuyện ngụ ngôn của George Orwell về chế độ toàn trị và
kiểm soát trí óc con người, 1Q84 bắt
đầu năm 1984 và sau đó xoay trở thành một năm giống năm 1984 nhưng vì nhiều cái
khác, bắt đầu bằng hai mặt trăng, đáng chú ý là không phải người nào trong năm
1Q84 cũng trông thấy. Chia ra làm ba phần (cuốn tiểu thuyết được xuất bản nhiều
kỳ ở Nhật thành ba cuốn khác nhau), tiểu thuyết bắt đầu với hai câu chuyện được
kể song song.
Trong một chuyện, một nhà tiểu thuyết chưa có sách in tên
là Tengo được thuyết phục viết lại và sửa chữa một bản thảo dự một giải thưởng
văn học. Song song với nó là câu chuyện về Aoname, một huấn luyện viên thể dục
làm thêm như một người hành hình các ông chồng bạo hành. Liên hệ giữa hai câu
chuyện là một giáo phái huyền bí. Một cô gái tuổi teen trốn khỏi giáo phái đó
và bản thảo mà Tengo đang sửa chữa chính là bản thảo của cô. Lãnh tụ của giáo
phái bị nghi ngờ là quấy rầy các cô gái vị thành niên, trở thành một trong
những mục tiêu của Aoname.
Trong phần ba, tuyến truyện kể thứ ba được bổ sung vào,
khi một điều tra viên được giáo phái thuê đã khám phá ra mối liên hệ giữa Tengo
với Aoname, hai người không gặp nhau kể từ thời trung học nhưng đã yêu nhau
trong gần 20 năm. Nhưng khuấy đảo những câu chuyện kể đến tận cốt lõi của chúng
theo cách tóm lước này đã làm hại cuốn tiểu thuyết. Nó giống như gọi Moby Dick
là một câu chuyện phóng đại. Quá nhiều thứ bị bỏ lửng.
Trước hết là tình dục: có nhiều miêu tả sinh động về tình
dục trong câu chuyện và việc nhắc nhở đến những phiêu lưu tình dục còn nhiều
hơn. Điều đáng nói là những đoạn về tình dục không khiêu dâm, không khêu gợi
xác thịt. Aoname có một bạn nữ giới (ở đây có một lời khuyên mới cho nhà văn
này: các nhân vật của ông thường là những người thui thủi một mình; một số có
vợ có chồng hoặc đang yêu, nhưng trong các câu chuyện của ông có rất ít bạn)
thỉnh thoảng chị cùng với người bạn ấy đi ra ngoài để chài đàn ông trong những
quán rượu. Nhưng trong khi chúng ta nghe nhiều về điều đang tiếp diễn, thì
những chi tiết có cảm giác như được xài lại (second-hand). Trong một đêm hai
người cùng đi ra ngoài với nhau, Aoname say đến nỗi chị ta không thể nhớ được
điều gì đã xảy ra, và do đó không biết làm gì với cuộc phiêu lưu của mình, và
chúng ta cũng không biết, nhất là bởi vì Murakami viết về sex với cùng thái độ
lãnh đạm uể oải mà ông viết về các chuyện khác. 1Q84 với tất cả sự níu kéo sống động của nó, nó kích thích gần như
một thứ thuốc gây tê (Novocaine) vậy. Đây không phải là một lời chê, vì tác giả
không có ý định cố gắng khuấy động độc giả. Ngược lại, điều mà tác giả đang làm
là thay thế một số bí ẩn của tình dục đã bị lột trần triệt để bằng văn hóa
đương đại - một mục tiêu không phải là tồi đối với một cuốn tiểu thuyết bao gồm
ít nhất một trường hợp hoài thai nguyên trinh.
Khó mà nói được khi nào tác giả nhắc lại các tên, các sự
kiện hay tác phẩm âm nhạc cổ điển vì tác động thần chú để mang lại cho các sự
kiện nói trên âm hưởng mới trong những bối cảnh mới, và khi nào ông chỉ nhắc
lại chính mình. Bản Sinfonietta của
Janacek đang chơi trong xe tắc xi khi Aoname tụt xuống khỏi đường cao tốc ở đầu
cuốn tiểu thuyết, và nó nổi lên hết lần này đến lần khác trong suốt câu chuyện.
Nhưng về phần tôi, tôi không thấy việc nó xuất hiện liên tục như vậy có ý nghĩa
gì. Sự có mặt của nó, giống như nhiều gợi nhắc khác, là bóng gió xa xôi, bí ẩn,
day dứt, nhưng rốt cục bị bỏ lửng không dứt khoát.
Ngược lại, ngay cả khi mọi việc được giải thích rõ ràng,
vẫn có thừa thãi tình trạng không chắc chắn. Trong cuốn tiểu thuyết mà Tengo
viết lại, có những nhân vật gọi là Người Tí hon, những người nhỏ xíu hiện ra
trong thế giới này khi không có ai nhìn thấy, và họ có khả năng biến đổi chính
bản chất của thực tại và xoay chuyển số phận. Có chỗ một trong các nhân vật so
sánh những Người Tí hon - cùng với mọi thứ khác trong câu chuyện tưởng tượng mà
Tengo viết lại, hóa ra là có thật - với Anh Lớn trong 1984. Ông chỉ ra rằng Orwell đã làm tốt công việc của ông đến mức
chúng ta vĩnh viễn cảnh giác với bất cứ cái gì na ná như Anh Lớn, nhưng còn
những Người Tí hon? Có lẽ chúng ta nên nghĩ kỹ hơn về việc kiểm soát trí óc con
người một cách quỉ quyệt từ một hướng khác. Đây là về sự rõ ràng ở cái mức 1Q84 có thể đạt được, nhưng ngay cả ở
đây ý nghĩa của mọi vật cũng chỉ là hàm ý.
Không phải tất cả đều là những cái lạ thường. Murakami
cẩn thận tạo ra những câu chuyện nền cho cả Tengo và Aoname mà một nhà văn kém
hơn có lẽ sẽ từ đó thỏa mãn viết ra một cuốn tiểu thuyết. Tengo lớn lên không
có mẹ và ở với người cha khắc nghiệt sống bằng nghề đi từng nhà thu phí truyền
hình, vào những ngày chủ nhật lôi theo đứa con để làm mềm lòng những khách hàng
cứng cổ. Aoname lớn lên trong một giáo khu cuồng tín có xu hướng hòai tưởng về
những Chứng nhân của Jehovah, và cô cũng bị đưa đi gõ cửa những người xa lạ.
Những cốt truyện phụ này được đưa ra với một thái độ hiện thực điềm nhiên, làm
đau lòng, khiến ta tin chắc rằng nếu Murakami dành đời ông để viết những tiểu
thuyết hư cấu thông thường hơn, chắc chắn ông đã thành công dễ dàng. Tất nhiên
Murakami là nhà văn như ông là hiện nay, rốt cục đã biến cha của Tengo thành
một hồn ma ám những người sống bằng cách gõ cửa nhà họ và đòi trả tiền. Bạn
không thể nói rằng nó đang đến, nhưng bạn cũng không thể nói rằng bạn ngạc
nhiên khi thấy nó.
Dao động giữa mơ hồ và rõ nét, chất thơ và chất trần
gian, 1Q84 gây hoang mang bối rối chán nản, nhưng về
thực chất là một cuốn tiểu thuyết khiến ta say mê và băn khoăn lo lắng không
yên. Chắc chắn nó chia sẻ những khoảnh khắc bạn muốn gào lên với tác giả để HÒA
THUẬN VỚI NÓ. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là ngay cả khi bạn nóng lòng nhất,
bạn vẫn tiếp tục giở các trang. Muralami là một trong số rất ít nhà tiểu thuyết
(trong đó trước hết người ta nghĩ ngay đến Dickens) có thể khiến người đọc
nghiêm túc, chơi đúng luật phải phá lệ và nhảy lên trước để tìm xem điều gì xảy
ra cho một nhân vật.
Trong đoạn văn những Người Tí hon được so sánh với Anh
Lớn, nó nói rằng 'dường như họ lúc nào cũng phá hoại ngầm chúng ta.' Có thể nói
về 1Q84 đúng như vậy. Murakami hiểu
rằng những giấc mơ không hề mơ màng mờ mịt mà là hình ảnh thay thế chính xác,
chi tiết của thực tế bình thường. Ông đã hình dung ra một cách áp dụng logic
của giấc mơ vào tiểu thuyết sao cho ngay trong lúc chúng ta được tiêu khiển bởi
tính huyền bí của cái thế giới mà ông tạo ra, chúng ta vẫn nao nao cảm thấy một
nỗi lo âu rằng chính cuốn tiểu thuyết này đang gỡ ra từ mớ bòng bong những cảm
giác của chúng ta về cái bình thường. Trong khi đọc bạn không biết các sự vật
sẽ đi về đâu, và khi đọc xong bạn cũng không biết bạn đang ở đâu, nhưng mọi vật
quanh bạn dường như khác lạ thế nào ấy. Nếu coi cuốn tiểu thuyết này là ngôi
nhà vui nhộn, nó vui nhộn một cách hết sức nghiêm túc, và bạn bước vào với cảm
giác liều tự thỏa mãn chính bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét