Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

L. Tolstoy: Shakespeare chán lắm!


Một bài viết của L. Tolstoy về Shakespeare (1907)

Hiếu Tân dịch 


 



Tôi vẫn nhớ nỗi ngạc nhiên tôi cảm thấy khi đọc Shakespeare lần đầu. Tôi chờ đợi nhận được một khoái cảm thẩm mĩ mạnh mẽ, nhưng khi đọc xong, hết tác phẩm này đến tác phẩm khác, những tác phẩm được coi là hay nhất của ông: “Vua Lear,” “Romeo và Juliet,” “Hamlet” và “Macbeth,” không những tôi không cảm thấy thích thú, mà ngược lại còn cảm thấy không sao cưỡng nổi một cảm giác kinh tởm và chán ngắt; và nghi ngờ không biết rằng tại tôi vô cảm khi thấy những tác phẩm được cả thế giới văn minh coi là đỉnh cao của sự hoàn thiện, là tầm thường và cực kỳ tồi tệ, hay là cái ý nghĩa mà toàn bộ thế giới văn minh gán cho những tác phẩm của Shakespeare bản thân nó là vô nghĩa. Sự kinh hoàng càng tăng lên bởi sự thật là tôi luôn luôn cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của thơ ca dưới mọi hình thức; vậy tại sao những tác phẩm nghệ thuật được cả thế giới thừa nhận như những tác phẩm của một thiên tài - những tác phẩm của Shakespeare - không chỉ không làm tôi hài lòng, mà còn gây khó chịu cho tôi! Trong một thời gian dài tôi không tin nổi ở bản thân, và trong năm mươi năm, để thử bản thân mình, tôi đã nhiều lần đọc lại Shakespeare trong mọi hình thức có thể, bằng tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Đức theo bản dịch của Schlegel, như người ta khuyên. Tôi đã đọc nhiều lần các vở bi kịch, hài kịch và kịch lịch sử, và tôi trải nghiệm cùng một cảm giác không thay đổi: ghê tởm, chán ngán và hoang mang. Nay đã là một ông già bảy mươi lăm tuổi, khao khát thử lại bản thân một lần nữa, tôi đã đọc lại tòan bộ Shakespeare, kể cả các vở kịch lịch sử, “Henrys,” “Troilus và Cressida,” “Bão tố,” “Cymbeline,” và tôi đã cảm thấy, với một sức mạnh còn lớn hơn, cùng một cảm giác đó - tuy nhiên lần này không còn là hoang mang nữa, mà một niềm tin vững chắc, không chút hồ nghi rằng niềm vinh quang không thể tranh cãi của một thiên tài vĩ đại mà Shakespeare được hưởng, mà các nhà văn của thời đại chúng ta bắt buộc phải noi gương, và các độc giả và khán giả phát hiện ra ở ông những phẩm chất tuyệt vời không tồn tại - bằng cách đó làm méo mó hiểu biết thẩm mĩ và đạo đức của họ - là một điều xấu, vì nó hoàn toàn không đúng sự thật.
Mặc dầu tôi biết rằng đa số người tin tưởng chắc chắn vào tầm vĩ đại của Shakespeare đến mức khi đọc những phán xét này của tôi họ sẽ không thừa nhận ngay cả khả năng là nó công bằng, và sẽ không mảy may chú ý đến nó, tuy nhiên tôi sẽ hết sức cố gắng chứng minh tại sao tôi tin rằng Shakespeare không thể được thừa nhận như một thiên tài vĩ đại, hay ngay cả như một tác gả trung bình…Dù có vẻ vô vọng đến thế nào, tôi sẽ cố gắng chứng minh trong một vở kịch chọn lọc, vở “Vua Lear” tất cả những lỗi đặc trưng cho tất cả những vở bi kịch và hài kịch của Shakespeare, cứ theo những vở kịch này thì ông không những không biểu hiện một kiểu mẫu của một nghệ thuật bi kịch, mà còn không thỏa mãn những yêu cầu sơ đẳng nhất của nghệ thuật mà mọi người thừa nhận.
Nghệ thuật kịch, theo các quy luật được chính các nhà phê bình tán dương Shakespeare xác lập, đòi hỏi những nhân vật được thể hiện trong vở kịch những hành động phù hợp với tính cách của chúng, và theo tiến trình tự nhiên của các sự kiện, nên được đặt ở những vị trí đòi hỏi chúng đấu tranh với cái thế giới mà chúng thấy chúng ở vị thế đối lập, và trong cuộc đấu tranh này phải thể hiện những phẩm chất cố hữu của chúng.
Trong “Vua Lear” các nhân vật được thể hiện bề ngoài rõ ràng được đặt ở vị trí đối lập với thế giới bên ngoài, và chúng đấu tranh với nó. Nhưng xung đột của chúng không theo một dòng chảy tự nhiên của các sự kiện, cũng không theo tính cách của bản thân các nhân vật, mà được tác giả tạo ra hoàn toàn tùy tiện, và do đó không thể gây nên trong độc giả cái ảo ảnh vốn là điều kiện cốt lõi của nghệ thuật.
Lear không có nhu cầu hay động cơ gì để thoái vị; ngoài ra, đã cả đời sống với các con gái của mình, không có lý do gì để tin lời của hai cô lớn và không tin cô út, thế mà toàn bộ cái bi kịch của ông ta đã được xây dựng trên cơ sở này.
Cảnh phụ cũng phi tự nhiên như thế: quan hệ giữa Gloucester và các con. Địa vị của Gloucester và Edgar xuất phát từ tình huống Gloucester, giống như Lear, tin ngay vào sự dối trá thô thiển nhất và thậm chí không hề thử hỏi đứa con bị đối xử bất công xem những điều anh ta bị kết tội có đúng không, mà ngay lập tức nguyền rủa và đuổi anh ta đi. Sự kiện các quan hệ của Lear với các con gái giống hệt như quan hệ của Gloucester với các con trai của ông ta khiến người ta càng nghĩ rằng trong cả hai trường hợp các quan hệ này là hoàn toàn tùy tiện, và không xuất phát từ tính cách cũng không từ tiến trình tự nhiên của các sự kiện. Cũng phi tự nhiên như thế, và rõ ràng là bịa đặt, là sự kiện trong suốt vở kịch Lear không nhận ra Kent, cận thần cũ của mình, và do đó quan hệ giữa Lear và Kent không gây được đồng cảm của người đọc và người xem. Cũng vậy, ở một mức độ còn lớn hơn, sự thật về địa vị của Edgar, là người không được ai thừa nhận, dẫn người cha mù lòa của anh đi và thuyết phục ông rằng ông đã nhảy qua một vách đá, trong khi thực ra Gloucester chỉ nhảy trên đất bằng.
Những vị trí này, mà các tính cách được đặt vào hoàn toàn tùy tiện, thiếu tự nhiên đến mức người đọc hoặc người xem không chỉ không thể đồng cảm với những đau khổ của họ, mà thậm chí không thể quan tâm đến những gì họ đọc hoặc xem. Đấy là điểm đầu tiên.
Điểm thứ hai là trong vở kịch này, cũng như trong các vở kịch khác của Shakespeare, tất cả các  nhân vật sống, nghĩ, nói, và hành động hoàn toàn không thích hợp với thời gian và địa điểm đã cho. Hành động kịch trong vở “Vua Lear” diễn ra 800 năm trước công nguyên, thế mà các nhân vật được đặt vào trong các điều kiện chỉ có thể  là trong thời Trung cổ: tham gia vào vở kịch là những ông vua, công tước, quân đội và trẻ em đẻ hoang, quý tộc, triều thần, bác sĩ, nhà nông, sĩ quan, binh lính, và hiệp sĩ và v.v..Có thể là những sai sót về niên đại ấy (nhan nhản trong kịch của Shakesprare) không làm tổn hại đến khả năng tưởng tượng trong thế kỷ mười sáu và đầu thế kỷ mười bảy, nhưng trong thời đại chúng ta không còn có thể theo dõi một cách chăm chú sự phát triển của các sự kiện mà người ta biết rằng không thể xảy ra trong những điều kiện mà tác giả đã miêu tả rất chi tiết. Tính chất giả tạo của các địa vị, không xuất phát từ tiến trình tự nhiên của các sự kiện, hay là từ bản chất của các nhân vật, và yêu cầu phù hợp về thời gian và địa điểm, lại tăng thêm nữa bởi sự tô vẽ thô thiển được Shakespeare liên tục đưa thêm vào và nhằm tỏ ra đặc biệt xúc động. Cơn bão phi thường trong khi Lear nói lan man về cây thạch nam, hay là cỏ mà vì lý do gì đấy ông ta đội  lên đầu - giống như  Ophelia trong “Hamlet”— hay là sự trang điểm của Edgar, hay lời nói của anh hề, hay sự xuất hiện của Kỵ sĩ độ mũ giáp, Edgar - tất cả những điều này không những không tăng thêm ấn tượng, mà còn tạo ra một tác động ngược lại. “Man sieht die Absicht und man wird verstimmt,” như Goethe đã nói. Thường xảy ra là ngay cả những cố gắng có chủ tâm rõ ràng này đều phản tác dụng, chẳng hạn như cái cảnh kéo lê chân nửa tá xác chết (mà tất cả các vở bi kịch của Shakespeare đều kết thúc như thế), lẽ ra phải cảm thấy sợ và thương cảm, thì người ta chỉ thấy khá buồn cười.

BÁ TƯỚC LEO TOLSTOY
Sính năm 1828, học đại học tổng hợp Kazan, phục vụ trong quân đội và chỉ huy một khẩu độ pháo ở Crimea năm 1855, có mặt trong cuộc công phá Sebastopol, được cử tới St. Petersburg với tư cách đặc phái viên; sống trong điền trang của ông sau khi giải phóng nông nô, cùng lao động với nông dân, và hiến mình cho sự nghiệp văn chương. Đã xuất bản “Chiến tranh và hòa bình” 1865-68, “Anna Karenina” 1875-78, “Sebastopol” 1853-55, “Childhood, Boyhood and Youth,” and “Bản Sonata Kreutzer” 1890, và “Chiến tranh”  năm 1892.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét