Truyện ngắn
ALEXANDER SOLZHENITSYN
Hiếu Tân dịch
Aleksandr Solzhenitsyn (1918 -2008 ) nhà văn Nga
Tác phẩm tiêu biểu
Truyện
ngắn:
Viên trung úy (1945), Chuyện ở ga Kochetovka (1963), Ngôi nhà của
Matriona (1963),
Truyện vừa:
Một ngày của Ivan Denisovich (1958),
Truyện
dài.
Tháng 8 năm 1914, Quần đảo GULag
Tiểu thuyết
Vòng đầu,
(1955-1968), Bánh xe đỏ, (1971-1991),Khu ung thư, 1968,
Kịch:
Xe tăng biết sự
thật! (1963-1967), Ngọn nến trước gió (1963-1967)
***
BÀN TAY PHẢI
Mùa đông ấy tôi đến Tashkent gần như một người chết rồi. Và đó cũng là mục đích tôi đến đó: đến để chết.
Thế rồi
bỗng nhiên tôi lại có được niềm vui sống mới.
Nó kéo
dài một tháng. Rồi một tháng nữa. Rồi một tháng nữa. Mùa xuân Tashkent kiên cường
cuồn cuộn qua bên cửa sổ nhà tôi rồi bước sang mùa hè, bởi vậy khi tôi bắt đầu
bước ra ngoài trên đôi chân còn run rẩy thì tất cả đã trở nên xanh tươi và ấm
áp.
Không dám tự thú nhận với bản
thân mình rằng tôi đang khá hơn, và đếm niềm vui sống bổ sung này trong những mộng
mơ hầu như gượng gạo của mình không phải từng năm mà từng tháng, tôi rón rén từng
bước chân trên những con đường nhỏ trải sỏi hay tráng nhựa của công viên nằm
phơi mình giữa những khối nhà của Y viện. Tôi thường phải ngồi xuống nghỉ, và hết
lần này đến lần khác chứng buồn nôn do đang phải điều trị bằng X-quang buộc tôi
phải nằm xuống chân cao hơn đầu.
Tôi có phần giống các bệnh nhân
khác, phần khác lại không giống họ: Tôi có ít quyền hơn họ nhiều và buộc phải sống
thu mình hơn. Họ còn có thân nhân đến thăm và khóc thương cho cảnh ngộ của họ,
và họ chỉ quan tâm mỗi một điều: mong cho khỏi bệnh. Tôi thì khỏi bệnh chẳng để
làm gì: mùa xuân này tôi đã sang tuổi băm lăm mà trên đời này chẳng có ai ngó
ngàng đến tôi. Tôi chẳng có lấy một tấm thông hành, và chẳng lẽ khỏi bệnh chỉ để
rời bỏ chỗ xanh tươi trù phú này rồi trở về nơi hoang vu mà tôi bị đày ải suốt
đời dưới sự giám sát chặt chẽ, cứ nửa tháng phải đăng ký lại, ở đó người giám
trại đã tốn rất nhiều thời gian để quyết định rằng có nên để tôi, một người sắp
chết, được ra khỏi trại để điều trị hay không. Tôi không thể kể gì với các bệnh
nhân cùng viện, họ đã có những nỗi lo của riêng họ rồi.
Mà dù cho tôi có kể thì họ cũng
chẳng hiểu được…
Mặc dù đã tốn mười năm làm những
việc nhỏ mọn khác nhưng tôi nghĩ tôi đã biết rằng chính những chuyện nhỏ bé vụn
vặt như vậy đã cho bạn biết mùi cuộc sống theo đúng nghĩa của nó. Những việc đại
loại như: có thể xê dịch trên đôi chân lẩy bẩy, thở, cố sức nén cái đau rát
trong ngực, hay lấy ra được cả một củ khoai tây từ trong bát súp.
Đó là một mùa xuân dày vò day dứt
nhất mà cũng là đẹp nhất trong đời tôi.
Tất cả mọi vật tôi nhìn đều khiến
tôi mê mải chú ý: hoặc là tôi đã hoàn toàn quên chúng, hoặc tôi chưa nhìn thấy
chúng bao giờ - chiếc xe kem, người quét đường với chiếc ống vòi, người bán
hàng rong với những chùm củ cải ngọn dài.., chẳng khác nào con ngựa non nhìn
qua lỗ tường thấy đám cỏ bên ngoài.
Mỗi ngày tôi liều đi xa thêm một
chút khỏi phòng khám, đi sâu vào trong công viên. Công viên này chắc phải có từ
thế kỷ trước[1], với những vật kiến trúc vững
chãi bằng gạch trần. Suốt cả ngày, từ lúc bình minh rực rỡ đến đêm khuya sáng
ánh đèn, công viên đầy ắp sự sống và vận động. Những người khoẻ mạnh thì vui
chơi sôi nổi, những người bệnh thì nghỉ ngơi lặng lẽ.
Tại một điểm nhiều con đường nhỏ
tụ hội vào một con đường lớn dẫn ra cổng chính có bức tượng Stalin lớn bằng thạch
cao đang lặng lẽ cười qua bộ râu bằng đá. Tiếp theo trên con đường đó rải rác
những bức tượng các lãnh tụ khác với kích cỡ nhỏ hơn.
Rồi đến một kiốt văn phòng phẩm
bán bút bi và những cuốn sổ tay xinh xắn. Mặc dầu túi tiền tôi rất hạn hẹp, khó
khăn chính là những cuốn sổ tay mà tôi có trước kia đều rơi vàơ những chỗ chẳng
hay ho gì cho tôi. Thôi tốt nhất là đừng có chúng.
Ngay cạnh cổng vào là một kiốt
bán hoa quả và một phòng trà. Những bệnh nhân chúng tôi, trong những bộ pyjama,
không được phép vào phòng trà, nhưng cửa phòng mở rộng cho thấy rõ bên trong.
Trước đây tôi chưa từng thấy một phòng trà thật sự bao giờ, với những ấm trà cá
nhân pha trà đen và trà xanh ở đó có chỗ kiểu Âu châu với những chiếc bàn vuông
và góc cho người Uzbek với một sàn gỗ liền. Những người ngồi bên bàn ăn uống vội
vàng rồi hối hả đi ra để lại ít tiền lẻ trong những cái cốc rỗng của họ. Bên
sàn có trải chiếu và tấm rèm mây cuốn lên cho mát thì không thế. Ở đó người ta
nằm ngồi hàng giờ hay cả ngày, ngửa cổ tu hết ấm này đến ấm khác và thả xúc sắc
như thể trên đời này họ chẳng có việc gì để làm.
Quán trái cây phục vụ cả những
người bệnh, nhưng giá cả của nó khiến kẻ lưu đày chỉ có chút tiền còm như tôi
phải chùn lại. Tôi đứng ngắm những đống mơ, nho khô và dâu tươi một hồi rồi bỏ
đi.
Tiếp theo là một bức tường cao:
các bệnh nhân không được phép đi ra khỏi cổng. Mỗi ngày hai hoặc ba lần âm
thanh từ những ban nhạc đám ma vọng vào qua bức tường này (nghĩa trang của cái
thành phố đông triệu dân này nằm ngay bên cạnh). Tiếng nhạc kéo dài chừng mười
phút cho đến khi đám ma đi qua, tiếng trống còn vọng lại theo một nhịp đi rời rạc.
Nhịp trống chẳng có tác động nào đến dân chúng bên đường, tiếng bước chân lăng
xăng của họ chẳng ăn nhập gì với âm nhạc. Người nào có phản ứng thì hơi ngảnh đầu
lên ngó rồi lại tiếp tục công việc của mình (mà họ hoàn toàn biết rõ đó là thứ
công việc gì). Những người bệnh thì khác, họ đứng lại, lắng nghe hồi lâu, thậm
chí còn ngó qua cửa sổ các phòng bệnh.
Tôi càng cảm thấy rõ rệt là
mình đang hồi phục và chắn chắn sống bao nhiêu, thì càng buồn bã thất vọng bấy
nhiêu: tôi đã cảm thấy tiếc phải rời bỏ chốn này.
Trong sân vận động của nhân
viên y tế, hai người da trắng đang chơi tennis. Cả đời tôi, tôi đã muốn chơi
môn này mà chưa bao giờ có cơ hội. Phía dưới bờ sông thoai thoải, con sông
Salar vàng đục gầm thét trôi qua. Công viên sinh động với những cây gỗ thích rợp
bóng mát, những cây sồi sum suê cành lá và những cây keo Nhật bản mảnh khảnh. Đài
phun nước tám mặt bắn những tia nước bạc óng ánh lên không trung. Còn cỏ trên
bãi! Chao ơi là tươi mọng, cái vẻ tươi tốt mà tôi đã quên mất từ lâu, vì theo lệnh
của trại, cỏ phải bị dãy hết đi như một thứ kẻ thù nguy hiểm, và ở nơi tôi bị
đày thì cỏ hoàn toàn không có. Chỉ cần nằm lăn ra mà hít cái mùi thơm dịu dàng
của cỏ là đã cảm thấy một niềm hạnh phúc thanh bình như chưa bao giờ biết đến.
Không phải chỉ có một mình tôi
trên cỏ. Đó đây các sinh viên y khoa ngồi túm tụm học bài, hoặc vừa bước qua thảm
cỏ vừa sôi nổi bàn tán về chuyện thi cử. Vài tay cao lêu nghêu đung đưa những
túi đồ thể thao từ trong nhà tắm của sân vận động bước ra. Buổi tối các cô gái
trong những chiếc váy trơn hay có diềm xếp nếp, trông không rõ qua lớp bụi mờ
nhưng vì thế mà càng hấp dẫn hơn, dạo bước quanh đài phun nước làm sỏi trên đường
kêu lạo xạo.
Tôi cảm thấy buồn thương não nuột:
có lẽ thương cho thế hệ của tôi: chết cóng ở Demyansk, chết thiêu ở Auschwitz,
bị tiêu diệt ở Dzhezkazgan hay trút hơi thở cuối cùng trong rừng taiga, mà
không bao giờ được gọi những cô gái này là của mình. Hay là thương cho những cô
gái không biết đến những chuyện mà tôi không bao giờ có thể kể cho họ nghe?
Suốt cả ngày trên những con đường
trải sỏi hay trải nhựa tràn ngập những phụ nữ là phụ nữ - những bác sĩ trẻ, những
y tá, nhân viên phòng thí nghiệm, bác sĩ thực tập, nhân viên giặt là, dược tá
và người nhà bệnh nhân. Họ đi qua lại trước mặt tôi trong những bộ đồng phục
màu trắng tuyết nghiêm trang và trong những bộ váy áo miền nam gần như trong suốt.
Những người trông có vẻ khá giả xoay xoay trong tay cái chuôi bằng trúc của những
chiếc ô Trung quốc vàng, xanh, đỏ đủ màu. Mỗi người lướt qua có lẽ làm nên cốt
chuyện cho một câu chuyện đời: quãng đời của họ trước khi tôi đến – và và sự
quen biết có thể (hay không thể) diễn ra giữa chúng tôi.
Tôi có một bộ dạng đáng buồn. Vẻ
mặt gày úa hốc hác của tôi mang dấu vết của những gì tôi đã trải qua: những nếp
nhăn từ cảnh ảm đạm ở trại, nước da xám xịt vì dãi dầu mưa nắng, vụ nhiễm độc gần
đây càng làm tôi mang vẻ ốm yếu và các thứ thuốc độc khiến màu sắc gò má tôi
càng thêm xanh xao. Bản năng tự vệ buộc tôi tuân phục và che dấu khiến cho dáng
tôi thành lom khom. Chiếc áo khoác tả tơi như của anh hề ngắn cũn cỡn ngang đến
bụng, chiếc quần rách chỉ đến mắt cá, và từ đôi ủng thô kệch của tôi những mẩu
giẻ bó chân lâu ngày nâu xỉn thòi cả ra ngoài.
Đó là lý do tại sao người thấp
kém nhất trong số phụ nữ này cũng không dám sánh bước bên tôi…Và dù tôi không
thể tự nhìn thấy mình, thì cặp mắt của tôi cũng thu hút mọi người như cặp mắt của
họ.
Một hôm trước lúc trời tối tôi
đứng ở cổng chính và nhìn ngó xung quanh. Giống như mọi hôm người ta đi lướt
qua: những chiếc ô vung vẩy, những váy lụa, quần tuytxo với giây lưng màu sáng,
những sơmi thêu và mũ chỏm sặc sỡ. Tất cả trôi đi như một dòng suối bất tận.
Các giọng nói hoà quyện nhau, người ta mua hoa quả, uống trà, đánh xóc đĩa
trong nhà. Giữa cảnh rối ren ấy, một dáng người vụng về nhỏ thó đứng dựa hàng
rào. Bằng một giọng nghèn nghẹt ông ta nói luôn miệng như một gã ăn mày: “Các đồng
chí.. các đồng chí…”
Đám đông nhốn nháo chẳng ai để
ý đến ông ta.
Tôi lại gần ông ta và hỏi: “Thế
nào, chuyện gì đấy, người anh em?”
Người đàn ông này có cái bụng
to hơn bụng đàn bà chửa. Nó nhũn nhẽo như một chiếc bao và dường như sẵn sàng nổ
tung ra khỏi bộ quần áo kaky bẩn thỉu. Chân ông ta đi một đôi giày ống đã đóng
lại đế và phủ một lớp bụi dày. Chiếc áo khoác ngoài dày cộp đã đứt hết cúc với
cổ áo cáu ghét và ống tay áo sờn dường như một gánh nặng trên đôi vai ông ta,
và hoàn toàn lạc điệu với thời tiết. Trên đầu ông ta là chiếc mũ rách cổ lỗ
trông như của thằng bù nhìn.
Ông ta có đôi mắt lồi lờ đờ. Cố
gắng lắm ông ta mới giơ được một bàn tay ra và tôi gỡ ra từ bàn tay nắm rất chặt của ông ta một
tờ giấy nhàu nát. Đó là một lá đơn được viết bằng thứ chữ nguệch ngoạc từ một
ngòi bút cào rách giấy, của công dân Bobrow xin được vào bệnh viện. Nó được chứng
thực bằng hai chữ ký, một đỏ một xanh. Chữ ký bằng mực xanh là của Sở Y tế
Thành phố, nêu rõ từ chối sau khi xem xét. Chữ ký màu đỏ ra lệnh cho phòng khám
đa khoa của bệnh viện cung cấp phòng ở cho đương sự trong khoa nội trú. Chữ ký
mực xanh ghi ngày hôm qua, mực đỏ - hôm nay.
“À, ông cần vào phòng cấp cứu”
tôi giải thích cho ông ta bằng giọng oang oang như nói với người câm điếc. “Khu
nhà đầu tiên. Chỉ cần bước qua …những pho tượng này”
Nhưng lúc này ông ta đã suy nhược
quá đỗi có lẽ sau một chuyến đi dài, ông ta không thể hỏi thêm câu gì, hay kéo
lê chân trên con đường nhẵn nhụi này –tay lão còn không thể giữ nổi chiếc túi
xách nặng hơn kílô. Lúc này tôi bèn quyết định:
“Thôi được, ông già, tôi sẽ đưa
ông đến đó. Đi theo tôi. Đưa chiếc túi xách cho tôi”
Lão nghe khá tốt. Với vẻ nhẹ
nhõm lão đưa tôi chiếc túi và nắm lấy cánh tay tôi đưa ra cho lão rồi khó nhọc
nhấc chân lê đôi ủng trên con đường nhựa. Tôi nắm khuỷu tay lão, cảm thấy nó
qua lần áo khoác đỏ ngầu bụi. Cái bụng căng phồng của lão dường như nặng hơn phần
còn lại của cơ thể khiến lão thường xuyên phát ra tiếng thở dài nặng nhọc.
Chúng tôi cứ đi như vậy, hai thằng
đàn ông nhếch nhác dọc theo chính con đường mà tôi đã mơ tưởng đi dạo cùng những
người đẹp nhất Tashkent. Chốc chốc chúng tôi lại đi qua trước những pho tượng
thạch cao có khuôn mặt đờ đẫn.
Cuối cùng chúng tôi rẽ ngoặt.
Ngay phía trước mặt có một chiếc ghế dài có lưng dựa, và người bạn đồng hành của
tôi xin ngồi xuống nghỉ một chút. Tôi cũng đang buồn nôn vì đã đi bộ quá lâu.
Chúng tôi ngồi xuống ghế, trước mặt là quang cảnh đài phun nước.
Trên đường đi ông già này chỉ
nói có vài câu. Bây giờ lấy lại hơi thở rồi, ông ta mới nói rõ thêm chi tiết.
Ông già ở tận Urals, nơi đó lão có giấy phép cư trú. Đó là nguyên nhân gây ra
những rắc rối cho lão. Ở đâu đó gần Takhia-Tash (nơi mà theo tôi nhớ thì trước
kia đã bắt đầu xây một con kênh quan trọng - sau rồi bỏ) lão bị ốm. Lão đã mất
cả tháng trời nằm bệnh viện, tại đó việc xả nước dư ra khỏi chân và dạ dày của
lão đã khiến cho bệnh càng nặng thêm. Tuy vậy họ vẫn cho lão xuất viện. Lão xuống
tàu ở Chardzou- nhưng người ta không cho lão vào chữa trị mà cứ bảo lão phải về
Urals nơi lão có hộ tịch. Lão không còn hơi sức để đi chuyến xe lửa dài ngày,
và không có tiền mua vé. Cuối cùng ở Tashkent lão mất hai ngày mới xin được
phép vào bệnh viện.
Vì cớ gì lão đi xuống miền nam
và điều gì đưa lão đến đây, tôi đã không hỏi. Bệnh tình của lão, theo giấy tờ
thì thuộc loại khó trị, và theo bộ dạng của lão thì đây có vẻ là chứng bệnh cuối
cùng mà lão mắc. Vốn đã có quá nhiều bệnh nhân xung quanh tôi có thể thấy rõ
trong người lão chẳng con bao sức sống. Đôi môi lão đã nhão ra, lời lẽ thì rối
rắm khó hiểu còn đôi mắt thì đã mờ hẳn rồi.
Thậm chí cái mũ cũng là quá sức
lão. Giơ tay lên hết sức lão kéo nó xuống đặt trên đùi. Rồi lão lại nhọc nhằn
đưa cánh tay lên lần nữa lấy ống tay áo bẩn thỉu lau mồ hôi trên trán. Đỉnh đầu
lão là một cái vòm nhẵn bóng bao quanh bởi một mớ tóc vành bán nguỵêt không chải
bết lại nhưng vẫn còn giữ được màu nâu nhạt. Không phải tuổi tác mà chính bệnh
tật đã đưa ông già đến tình trạng tệ hại thế này.
Cái cổ lão, được bọc trong lớp
da nhão chảy xệ xuống, trên đó yết hầu cứ tự ý liên tục chạy lên chạy xuống. Vậy
thì cái gì đỡ cái đầu lão lên? Chúng tôi chỉ mới vừa ngồi xuống thì nó đã gập
xuống ngực, cằm tì hẳn vào thân.
Lão cứ ngồi nguyên như thế, bất
động, mũ đặt trên đùi, mắt nhắm nghiền. Hình như lão quên khuấy mất rằng chúng
tôi chỉ ngồi xuống để nghỉ một lát và lão còn phải đi đến phòng cấp cứu.
Ngay gần bên, đài phun nước
đang phun lên trời những sợi tơ bạc gần như không hề phát ra tiếng động. Hai cô
gái đi qua phía bên kia đài phun nước, tôi nhìn theo những cái lưng xa dần. Một
người bận đồ màu cam, người kia - màu hạt dẻ. Tôi thấy cả hai đều xinh đẹp.
Ông bạn bên cạnh trút một tiếng
thở dài rõ to, ngật đầu trên ngực và nhướng cặp mi mắt màu xám ngả vàng liếc
nhìn tôi từ phía bên.
“Ông không tranh thủ làm một hơi
thuốc à?”
“Bỏ ngay cái ý nghĩ ấy đi, ông
bạn già ạ” Tôi nghiêng xuống lão “Tôi với ông phải lấy làm mừng nếu có thể lê
bước thêm chút nữa mà không thấy quá nặng nhọc. Thử nhìn lại ông xem. Hút thuốc
đấy” (bản thân tôi cũng mới chỉ cai thuốc cách đây một tháng, mà cực kỳ khó
khăn)
Hơi thở của lão trở nên nặng nhọc hơn, và dưới
đôi mi màu vàng ệch lão liếc nhìn tôi như một con chó nhìn chủ.
“À, ông có thể cho tôi vay ba
rúp được không, rồi chúng ta kết bạn?”
Tôi cân nhắc có nên cho ông ta
vay tiền không. Chẳng cần nói, tôi vẫn là một người tù, còn ông ta tự do. Tôi
đã làm việc không công ở đó nhiều năm. Sau đó khi họ bắt đầu trả thì có khấu trừ:
nào tiền gác, tiền điện, tiền chó, tiền quản giáo và thức ăn.
Tôi rút ra chiếc ví da cũ từ
túi áo sơ mi và kiểm qua bên trong. Tôi thở dài, đưa cho ông già tờ ba rúp.
“Cám ơn” Lão khò khè. Khó nhọc
lắm lão mới giơ được tay lên đỡ lấy đồng bạc và nhét nó vào túi. Cánh tay lão
không chút sinh lực rơi thõng ngay xuống đùi và cằm lão lại gục ngay xuống ngực.
Chúng tôi ngồi đó trong im lặng.
Một người phụ nữ đi qua, theo sau là hai nữ sinh viên. Tôi
nghĩ cả ba người đều đẹp.
Đã nhiều năm qua tôi thậm chí không nghe giọng nói phụ nữ
hay tiếng gõ gót giày của họ.
“Cũng may là họ chứng thực vào đơn cho ông. Nếu không thì ông
còn phải vất vưởng ở đây hàng tuần lễ. Cái lối ở đây là như vậy đấy. Khối người
cũng gặp rắc rối như ông”
Lão nâng cằm lên khỏi ngực và hướng về phía tôi: đôi mắt lão
đã bắt đầu có dấu hiệu hiểu, giọng lão run run và câu nói đã có đôi chút mạch lạc.
“Con ơi, người ta nhận lão vào viện là do lão có công lao. Lão
đây là một cựu chiến binh thời cách mạng. Này, đích thân Sergey Kirov đã bắt
tay lão ở Tsaritsyn đấy nhá. Đáng lẽ lão phải có lương hưu đặc biệt ấy chứ”
Môi và má lão hơi động đậy- một dấu hiệu của nụ cười kiêu hãnh
thoáng lướt qua bộ mặt đầy râu ria của lão.
Tôi nhìn bộ đồ rách rưới của lão và quan sát toàn bộ hình hài
lão.
“Thế tại sao người ta không cấp nó cho ông?”
“Đời là thế đấy.” Lão thở dài “Họ chẳng thèm xem xét để thừa
nhận nó. Một số hồ sơ bị cháy, số khác bị thất lạc. Không có cách nào tìm được
những nhân chứng. Mà Kirov thì đã bị giết rồi. .. Tôi chỉ còn biết trách bản thân,
đáng lẽ tôi phải giữ lấy những giấy tờ ấy….Tôi chỉ có một…”
Bàn tay phải của ông ta - những ngón tay có các khớp sưng lên
cản trở cử động của những ngón khác - lần sờ về phia túi. Lão cố sức nhét tay vào
túi, rồi bỗng nhiên tay rơi ra và đầu gục xuống. Sự hồi phục nhắn ngủi bị cắt đứt
ngay vì cơn tái phát.
Mặt trời đã khuất sau những dãy nhà. Lão cần phải đi nhanh đến
nhà cấp cứu (chỉ còn cách khoảng một trăm bước) Giường trống bệnh viện thì bao
giờ cũng hiếm và lâu mới có.
Tôi nắm vai ông già
“Đi thôi. Cố lên ông. Ông có thấy cải cửa kia không? Có thấy
không. Tôi vào đó báo cho họ biết là có ông đến. Còn ông cố gắng đi đến đó. Nếu
không đi được thì đợi tôi. Tôi sẽ cầm hộ túi cho ông”
Lão gật đầu, có nghĩa là đã hiểu những gì tôi nói.
Phòng cấp cứu, một gian được ngăn ra bằng ván từ một phòng lớn
xiêu vẹo ọp ẹp, (trong đó có buồng tắm, nhà cắt tóc, phòng thay đồ..) luôn luôn đầy ắp bệnh nhân
chầu chực hết giờ này đến giờ khác để được nhận vào. Có điều lạ là lúc này ở đấy
lặng như tờ. Tôi gõ vào cửa sổ che ván. Một nữ y tá trẻ mũi hếch môi tô son –
không , không phải son đỏ, mà mầu tím xẫm, mở ra.
“Gì đấy?” Cô ta ngồi bên bàn, hình như đang đọc truyện cười.
Đôi mắt cô ta, tôi dám chắc, có vẻ gian xảo.
Tôi đưa cho cô ta lá đơn có ghi hai cách giải quyết, và nói.
“Ông ấy không đi được.Tôi sẽ dìu ông ấy đến ngay”
“Ông không được đưa ai đến đây hết” Cô ta hét lên bằng giọng
chói tai mà thậm chí không thèm liếc qua tờ giấy “Không biết nội quy à? Chúng tôi
chỉ tiếp nhận bệnh nhân vào chín giờ sáng”
Chính cô ta mới là người không biết nội quy. Tôi ghì đầu và
cánh tay qua lỗ cửa để ngăn không cho cô ta đóng lại, trễ môi dưới thành một nụ
cười khinh bỉ và nhăn mặt lại như khỉ đột và giả nói ngọng như một tên tội phạm.
“ Nhìn đây, cô! Tôi không phải là một trong những cò mồi của
cô”
Cô ta tỏ vẻ sợ hãi, dịch ghế ra xa cửa sổ, và nói một cách cảnh
giác.
“Không nhận bệnh nữa. Chín giờ sáng mai”
“Cô phải đọc cái này”
Tôi nói bằng giọng trầm và đầy đe doạ.
Cô ta đọc.
“Chà, gì thế này. Ai thì cũng phải theo nội quy. Hơn nữa, không
còn giường nào trống. Từ sáng nay đã không còn”
Hình như cô ta cảm thấy vui sướng khi nói không còn giường
trống, như thể cô ta khoái trá với việc làm cho tôi bối rối khó chịu.
“Nhưng ông già này được ưu tiên, cô thấy không? Ông ấy không
còn chỗ nào mà đi nữa”
Vì tôi đã rời khỏi lỗ cửa và lấy lại giọng nói bình thường,
vẻ mặt cô ta liền trở lại đanh đá cáu kỉnh
lúc trước.
“Tất cả bệnh nhân của chúng tôi đều từ thành phố khác đến.
Chúng tôi làm thế nào được, cho họ vào cả ấy à? Họ phải đợi, đó là việc của họ.
Cứ để ông ta nghỉ ở chỗ ai đó đêm nay”
“Xin mời cô bước ra ngoài nhìn ông ta một cái”
“Tại sao tôi phải làm thế? Tôi mà phải đi ra nhặt nhạnh mọi
người vào á? Tôi không phải là lao công tạp vụ!”
Lúc này cô ta còn hếch mũi lên nhiều hơn nữa. Cô ta vẫn không
ngớt lải nhải như thể có sợi dây cót nào vừa bung ra trong cô.
“Vậy cô ngồi đây làm gì?” Tôi đập bàn tay lên tấm ván gỗ làm
cho một lớp bụi trắng bay ra “Tại sao cô cứ khoá mình trong ấy thế?”
“Tôi quên chưa hỏi ông, con người ngạo mạn này” Cô ta bùng nổ.
Cô nhảy xuống, chạy ra khỏi căn phòng nhỏ qua cửa bên: “Ông là ai? Đừng có dạy
tôi phải làm thế nào! Chúng tôi có xe cứu thương đang đến đấy”
Nếu không có son môi màu tím thô kệch và những mómg tay sơn
màu tím thì thật ra trông cô ta cũng không đến nỗi xấu xí. Cái mũi là một lợi điểm
của cô. Cả đôi lông mày nữa cũng rất ấn tượng. Áo choàng trắng không cài cúc và
mở ra vì nóng, và tôi có thể thấy chiếc khăn choàng màu hồng rất đẹp, và một
huy hiệu Đoàn TNCS.
“Cô muốn nói rằng nếu ông ta không tự mình đến đây mà được một
xe cứu thương chở đến thì cô sẽ cho ông ta vào phải không? Đấy là nội quy à?”
Cô ta ném một cái nhìn khinh bỉ lên bộ dạng thảm hại của tôi,và
tôi cũng nhìn lại cô ta từ đầu đến chân. Tôi đã hoàn toàn quên rằng giẻ bó chân
của tôi thòi cả ra ngoài giày. Cô ta khịt mũi tỏ vẻ lãnh đạm và nói:
“Đúng. Bệnh nhân. Đó là nội quy!” và quay vào phòng.
Tôi nghe có tiếng sột soạt sau lưng, và quay đầu lại. Người
bạn đường của tôi đã đến nơi. Ông ta đã nghe thấy tất cả câu chuyện và đã hiểu
hết. Dựa vào tường ông ta cố lần đến chiếc ghế băng dành cho bệnh nhân.. Ông ta
rối rít vẫy bàn tay phải, trong đó nắm chiếc ví da đã quá sờn cũ.
“Đây..” Ông ta khó nhọc kêu lên “Đây, cho cô ấy xem…để cho cô
ấy… đây”
Tôi kịp tóm được ông và đỡ ông ngồi xuống chiếc ghế dài. Những
ngón tay vô dụng của ông cố sức móc ra tờ giấy duy nhất còn lại, nhưng không được.
Tôi lấy tờ giấy nhàu nát được bồi thêm ở chỗ các nếp gấp và
mở nó ra. Nó được đánh máy bằng chữ màu tím thành những hàng nhấp nhô:
“VÔ SẢN TOÀN THẾ GIỚI, LIÊN HIỆP LẠI !”
Chuyển đến….
Cấp cho đồng chí Bobrow N.K., chứng nhận rằng năm 1921 là đội
viên của Chi đội Biệt động vùng NN của Cách mạng Thế giới và bản thân đã tiêu
diệt tên dòi bọ cuối cùng.
Chính uỷ …….(Ký tên)”
Bên dưới là một con dấu bằng mực tím đã mờ
Tôi vừa xoa ngực vừa hỏi:
“Chi Đội Biệt Động” đúng thế không?’
“Đúng” ông ta trả lời, khó khăn lắm mới giữ được cho mắt mở
“Anh đưa cho cô ấy xem”
Tôi nhìn bàn tay phải ông ta, nắm đấm nhỏ xíu với đường tĩnh
mạch xanh nổi lên và những khớp xương sưng lên khiến ông không thể móc nổi tờ
giấy ra khỏi ví. Tôi nhớ lại kiểu cách thời thượng những ngày ấy: những kỵ sỹ
nhún nhảy trên mình ngựa và chém sả kẻ địch từ đầu đến thắt lưng.
Thật kỳ lạ…. bàn tay phải này đã từng nắm chuôi kiếm chém phăng
những cái đầu, cổ, vai, thế mà bây giờ không cầm nổi cái ví.
Tôi đi đến bên cửa sổ và đẩy mảnh ván ra. Nữ nhân viên đăng
ký đang đọc cuốn trưyện cười. Trên trang sách để ngược tôi nhìn thấy hình một
nhân viên Tséka vóc dáng thanh tú đang đứng thăng bằng trên ngưỡng cửa sổ, súng
lục lăm lăm trong tay.
Tôi nghẹ nhàng đặt tờ giấy chứng thực đã sờn rách lên trên
trang sách ấy, xoay gót và vừa liên tục xoa ngực cho bớt đau vừa đi về phía cửa
vào. Tôi biết bây giờ tôi phải nằm dốc đầu xuống, và phải làm ngay không chậm
trễ.
“Cái gì thế này? Sao lại rải giấy tờ lung tung thế này? Thu
lại ngay!” Cô y tá quát sau lưng tôi.
Người cựu chiến binh sụm xuống ghế băng. Đầu và đôi vai ông
ta hình như đã gập cả vào trong thân người. Những ngón tay vô dụng thõng thượt
bên hông, chiếc áo khoác không cúc cũng thế. Cái bụng tròn phồng trướng lên trông
thật khó tin đằng sau vạt áo.
1960
Bản Tiếng Việt ©2004 Hiếu Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét