Nhà thơ thiên tài Joseph Brodsky:
những cái may trong cái rủi
Keith Gessen
Hiếu Tân dịch
Mùa thu 1963 ở Leningrad, nơi lúc đó còn là Liên bang Cộng
hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết, nhà thơ trẻ Dmitry Bobyshev cuỗm mất người yêu
của nhà thơ trẻ Joseph Brodsky. Chuyện này không êm. Bobyshev và Brodsky là bạn
thân của nhau. Họ thường xuất hiện, theo thứ tự abc, tại những điểm đọc thơ
công cộng quanh Leningrad. Bobyshev hai mươi bảy tuổi và vừa ly thân với vợ;
Brodsky hai mươi ba và công việc thất thường. Cùng với hai nhà thơ trẻ đầy hứa
hẹn khác, họ được phong là “ban nhạc thần kỳ” bởi Anna Akhmatova, người bạn và
thầy của họ; bà tin rằng họ đang làm trẻ lại truyền thống thơ ca Nga sau những
năm đen tối dưới chế độ Stalin. Khi người ta hỏi Akhmatova rằng trong số đó bà
khâm phục ai nhất, bà nêu tên hai người: Bobyshev and Brodsky.
Giới trẻ Liên xô cảm nhận những năm sáu mươi sâu sắc hơn
những người cùng thế hệ với họ ở Mỹ và Pháp, vì, trong khi Suy thoái và Chiếm
đóng đã là tồi tệ, chế độ Stalin còn tồi tệ hơn. Sau khi Stalin chết, Liên xô
bắt đầu nhích lại gần thế giới. Lệnh cấm nhạc jazz được bãi bỏ. Ernest
Hemingway được xuất bản; Bảo tàng Pushkin ở Moscow tổ chức triển lãm tranh
Picasso. Năm 1959, Liên xô cho phép triển lãm hàng tiêu dùng Mỹ, và cha tôi,
cũng là người của thế hệ ấy, lần đầu tiên được nếm mùi Pepsi.
Tình dục được giải phóng, nhưng nó sẽ đi đến đâu? Người ta
sống với cha mẹ. Cha mẹ họ lại sống với ông bà, trong cái gọi là những chung
cư. “Chúng tôi chưa bao giờ có căn phòng riêng của mình để cám dỗ các cô gái
vào, các cô gái của chúng tôi cũng không có phòng riêng.” Brodsky viết sau này,
khi đã lưu vong ở Hoa Kỳ. Ông có một nửa căn phòng, ngăn ra từ phòng của cha mẹ
bằng một giá sách và mấy tấm rèm. “Chuyện tình của chúng tôi hầu như chỉ là
những cuộc đi bộ và những cuộc nói chuyện, nếu phải trả lộ phí những dặm đường
chúng tôi đã đi thì sẽ là một khoản khổng lồ đấy” Người phụ nữ mà Brodsky đã
cùng đi và cùng nói chuyện trong hai năm, người phụ nữ đã làm cho “ban nhạc
thần kỳ” phải tan đàn xẻ nghé là Marina Basmanova, một họa sĩ trẻ. Người đương
thời mô tả cô là người trầm lặng một cách duyên dáng và đẹp. “Tôi chỉ là thứ mà em bàn tay em chạm đến/
” ông viết, “trên đó , trong đêm, điếc
đặc/ đen như quạ / em nghiêng đầu…./ Tôi thật là đui mù/ Em, khi ẩn khi hiện/
đã dậy tôi nhìn.”
Mọi người trong giới gần như nhất trí lên án Bobyshev. Không phải vì vụ bê bối đó, - ai mà chẳng có chuyện bê bối? – mà vì, ngay khi Bobyshev bắt đầu theo đuổi Basmanova thì chính quyền cũng bắt đầu theo đuổi Brodsky. Tháng 11 năm 1963, trên báo địa phương xuất hiện một bài báo lăng mạ Brodsky, cái quần của anh, mớ tóc đỏ hoe của anh, những kỳ vọng văn chương của anh, và những bài thơ của anh, mặc dầu trong bảy đoạn trích đưa ra làm dẫn chứng cho thơ của Brodsky thì ba đoạn là của Bobyshev. Mọi người nhận ra loại bài báo đó là mở màn cho một cuộc bắt bớ, và các bạn của Brodsky nài nỉ khuyên anh đến Moscow để chờ cho mọi sự qua đi. Họ còn khuyên anh nên vào khám ở bệnh viện tâm thần may ra việc chứng nhận anh bị một loại tâm thần phân liệt có thể giúp anh thoát khỏi vụ này. Brodsky đón Năm Mới trong bệnh viện, rồi xin được ra viện. Vừa ra đến ngoài, anh biết tin Bobyshev và Basmanova đang ở bên nhau đón Năm Mới tại nhà nghỉ của một người bạn. Brodsky vay mười hai rúp mua vé tầu và lao thẳng đến Leningrad. Anh chạm trán Bobyshev. Anh đối mặt Basmanova. Trước khi có thể đi xa hơn, anh bị ném vào tù. Phiên tòa sau đó đã gây nên một phong trào nhân quyền ở Liên xô, biến Brodsky thành một nhân vật nổi tiếng toàn thế giới, và kết quả cuối cùng anh bị lưu đày khỏi Liên xô.
Brodsky sinh tháng Năm, 1940, một năm trước cuộc xâm lược
của Đức. Mẹ anh là kế toán, cha anh là nhà nhiếp ảnh làm việc cho Viện Bảo tàng
Hải quân, ở Leningrad khi Brodsky còn nhỏ. Họ là cặp vợ chồng yêu nhau thắm
thiết, và được Iosif Brodsky, con trai duy nhất của họ, hết sức kính yêu.
Leningrad phải chịu khổ đau khủng khiếp trong chiến tranh –
nó bị Đức bao vây hơn hai năm, thiếu thốn lương thực và hơi đốt. Một người cô
đã chết đói. Trong những năm liền sau chiến tranh, ngay cả khi Stalin động viên
đất nước vào cuộc Chiến tranh Lạnh, cảnh tàn phá vẫn còn thấy rõ. “Chúng tôi đi
học, và dù cho nhà trường có dạy những thứ rác rưởi gì để tô vẽ, thì đau khổ và
đói nghèo vấn thấy rõ ở khắp nơi,” Brodsky viết. “người ta không thể che đậy
cảnh hoang tàn bằng một trang báo Sự thật.”
Anh là một học sinh không hào hứng học hành, và phải lưu ban năm lớp bẩy. Khi
cha mẹ anh bắt đầu khó khăn về tài chính – cha anh mất việc trong chiến dịch
cuối đời của Stalin chống người Do thái – Iosif, mười lăm tuổi bỏ học và vào
làm việc ở nhà máy.
Trong cuốn tiểu sử trung thực, cực kỳ cẩn trọng và có căn cứ
đáng tin cậy “Đời văn Joseph Brodsky” (Yale; $35; do Jane Ann Miller dịch từ
tiếng Nga) người bạn cũ của Brodsky là Lev Loseff nhấn mạnh rất nhiều đến quyết
định chủ quan bỏ học của anh, với lẽ rằng nó tránh cho Brodsky khỏi bị hủy hoại
vì nhà trường nhồi nhét quá nhiều. Bản thân Brodsky cũng nghĩ thế. “Sau đó tôi
thường xuyên hối tiếc việc chuyển hướng đó, đặc biệt khi thấy các bạn học cũ
tiến bộ nhiều trong lòng hệ thống,” ông viết. “Và tuy nhiên tôi biết một cái gì
đó mà các bạn của tôi không biết. Thật ra, tôi cũng tiến bộ, nhưng theo chiều
ngược lại, và còn tiến xa hơn.” Chiều hướng mà ông đã đi có thể gọi bằng nhiều
cách khác nhau, là viết chui, hay tự xuất bản (samizdat), hay tự do, hay Phương
Tây.
Ông bồn chồn không yên. Ông bỏ công việc ở nhà máy sau sáu
tháng. Trong bẩy năm kế tiếp, cho đến khi ông bị bắt, ông làm việc tại một hải
đăng, một phòng thí nghiệm tinh thể học, và một nhà xác; ông cũng bỏ đi lang
thang, hút thuốc lá và đọc sách. Ông đi khắp Liên xô, tham gia các đoàn thăm dò
địa chất, giúp chính phủ Liên xô đang gấp rút công nghiệp hóa dò tìm rên đất
nước rộng lớn những tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ. Ban đêm, các nhà địa chất
tụ tập quanh những đống lửa trại chơi ghi ta va hát - thường là những bài thơ
phổ nhạc – và đọc thơ của chính họ. Năm 1958, đọc một tập thơ về đề tài địa
chất, Brodsky quyết định rằng bản thân anh có thể làm hay hơn. Một trong những
bài thơ đầu tay của anh, “Những người hành hương” sớm trở thành thơ hay nhất
trong lửa trại.
Cả nước bấy giờ đang điên lên vì thơ, vì thơ đã trở thành
trung tâm cho không khí “tan băng” thời Khruschev. Năm 1959, phần nào trở về
kiểu cách thời quá khứ Bolchevik, một bức tượng Maiakovsky được khánh thành tại
trung tâm Moxcow, và chẳng mấy chốc lớp trẻ bắt đầu tụ tập xung quanh nó để đọc
những bài thơ của chính họ. Đầu những năm 1960, một nhóm nhà thơ bắt đầu những
cuộc đọc thơ được chăm chú lắng nghe tại Bảo tàng Bách khoa ở Moscow, nằm chéo
góc với trụ sở KGB. Có một bộ phim nói về một trong những buổi tối như thế, và,
mặc dầu nó chỉ là một buổi đọc thơ (chứ không phải là một buổi trình diễn nhạc
Beatles, chẳng hạn) và mặc dầu những bài thơ bán chính thức này không phải là
hay lắm, nhưng không khí thì thật sôi động. Một đám đông tụ tập và trước mặt họ
một thanh niên đứng nói về những tình cảm của anh ta: cảnh này thật là mới.
2.
Những cuộc gặp ở Leningrad thì tầm thường hơn, nhưng Brodsky
và những bạn thơ thân nhất của anh - Bobyshev, Anatoly Naiman, và Evgeny Rein,
“ban nhạc thần kỳ” tận dụng chúng ở bất kỳ nơi nào có thể. Trong hồi ký của
mình Bobyshev nhớ lại Brodsky đã kéo ông đến mép thành phố để Brodsky có thể
đọc mấy bài thơ cho một nhóm sinh viên nghe. Bobyshev bỏ ra về sớm.
Về bản thân những bài thơ, Loseff có lý lẽ thuyết phục rằng
những tác phẩm ban đầu – trước khi Brodsky bị bắt - chất lượng không đều, đôi
khi vay mượn. Nhưng ngay từ đầu Brodsky là một trong những nhà thơ có thể viết
với một nội tâm thành khẩn và khiến họ có vẻ như đang mô tả một hiện tượng hoàn
toàn có tính xã hội. Các bài thơ ấy lãng mạn, châm biếm và hiện đại một cách
thoải mái. Có một sự nối dài đường lối thơ ca như của Eliot, và một cảm giác
gây ngạc nhiên khi nhịp điệu và tiết tấu được duy trì, và có cả ảnh hưởng rõ
rệt của các nhà thơ trừu tượng Anh, những người buộc tình yêu thơ của họ với
những suy tư triết học – trong trường hợp Brodsky, luôn luôn liên hệ với thời
gian và không gian. Đi tìm những sự tương đương trong Anh ngữ, Robert Hass đã
viết rằng Brodsky nghe có vẻ như “Robert Lowell khi Lowell nghe có vẻ như
Byron.” Tuy nhiên, là một gương mặt văn hóa Nga, Brodsky giống với Allem
Ginsberg hơn (sau này Brodsky còn được Allen dẫn đi mua quần áo cũ ở New York
“Allen mua chiếc vét tuxido có năm đô la!” ông kể với Loseff, ông này băn khoăn
tại sao một kẻ lập dị lại cần ăn mặc chững chạc). Với Ginsberg và các bạn ông,
tự do nằm trong việc phá vỡ những ranh giới của thi pháp truyền thống; đối với
Brodsky và các bạn bè ông, tự do đến từ việc tái lập các truyền thống mà Stalin
đã cố công tiêu hủy. Brodsky có khả năng tìm những cách đáng ngạc nhiên để làm
việc đó, dường như không phải cố gắng gì, và luôn luôn giữ được bình thản và
thờ ơ. Những bài thơ đầu tiên của ông mô tả người kể chuyện đi bộ từ ga xe lửa
về nhà; người kể chuyện lang thang qua những nơi chốn ở Lenngrad mà anh ta
thường lai vãng, người kể chuyện theo dõi một cặp vợ chồng mới cưới cãi nhau, tự
hỏi bản thân liệu có cô độc mãi không. Bài thơ cuối cùng này ngẫu nhiên có tên
“D.B. thân mến,” ý muốn nói đến Dmitri Bobyshev, người vào lúc đó đang có cuộc
hôn nhân không hạnh phúc.
Loseff mô tả lần đầu ông nghe Brodsky đọc thơ. Đó là vào năm
1961. Trước đó ít lâu, một người bạn đã đưa cho ông một chùm thơ của Brodsky,
nhưng đánh máy mờ quá (bản thảo samizdat thường được đánh máy mỗi tệp ba hay
bốn bản một lần), và Loseff không thích hình dạng những dòng thơ, đặc biệt
trong những bài thơ đầu của Brodsky, cứ kéo dài ra mãi. “Tôi đã cố gắng để đọc
to chúng lên cách nào đó,” Loseff nhớ lại. Nhưng lúc này một nhóm bạn đã tập
hợp trong căn hộ tập thể nơi Loseff và vợ sống, và không thể không có Brodsky.
Anh bắt đầu đọc bản ballad dài của mình “Những ngọn đồi” và Losell ngạc nhiên.
“Tôi nhận ra rằng rốt cuộc đây là những bài thơ mà tôi vẫn hằng mơ tưởng đến,
mà thậm chí không hề biết chúng…Nó giống như một cánh cửa đã mở ra một khoảng
trời rộng mở mà chúng tôi chưa bao giờ từng biết hay từng nghe nói đến. Chúng
tôi đơn giản không hề nghĩ rằng thơ ca Nga, rằng ngôn ngữ Nga, rằng ý thức Nga
có thể chứa đựng những khoảng trời như thế.”
Nhiều người cũng cảm thấy thế khi lần đầu bắt gặp những bài
thơ của Brodsky. Một người bạn nhớ lại trong một cuộc làm việc với KGB vào
khoảng thời gian đó, anh không thể kìm lòng nói với người đang thẩm vấn anh
rằng, trong tất cả những người mà anh biết, Brodsky là người có khả năng nhất
giành giải Nobel. Đó là một thời kỳ của hy vọng và nghị lực vô biên của thế hệ;
phải có ai làm hiện thân cho nó. Điều quan trọng là những bài thơ của Brodsky
có tính chất đương đại và địa phương. Cũng quan trọng là, trong việc chúng mang
nợ chủ nghĩa hiện đại Anglo-American, chúng đã kết nối nhóm nhỏ các nhà thơ
Leningrad với bạn đọc trong thế giới rộng lớn. Và quan trọng hơn cả là, trong
sự trung thành về sáng tạo với một truyền thống đã lỗi thời về hình thức, chúng
đã kết nối thế hệ của họ với những nhà thơ lớn của nước Nga trong quá khứ:
Nadezhda Mandelstam, vợ góa của nhà thơ, đã tuyên bố Brodsky là một Mandelstam
thứ hai.
Rồi đến tháng Mười năm 1962, Khruschev phải đối đầu với Tổng
thống Kennedy trong vụ chở những tên lửa Liên xô gửi cho Cuba. Sau một cuộc dàn
hòa căng thẳng, Liên xô phải bẽ bàng rút lui, và Khruschev bị trong nước chỉ
trích nặng nề. Chỉ vài tuần sau vụ khủng hoảng tên lửa Cuba, ông quật tơi bời
một nhóm họa sĩ trẻ tại một cuộc triển lãm ở Moscow, gọi họ là những kẻ
“faggot” (đồng dâm nam). Thời kỳ tan băng chấm dứt. Một năm sau, Brodsky bị
buộc tội sống ăn bám trên lưng nhân dân Liên xô vĩ đại.
Trong giới trí thức, sau này đã trở thành một niềm tin nếu
không phải chính xác là một niềm kiêu hãnh, rằng chế độ Xô viết đã có trực giác
về tầm vĩ đại của Brodsky sớm hơn về bất kỳ ai khác. Loseff đã làm xẹp hơi quan
niệm này; ông giải thích rằng sáng kiến bắt giữ đến từ người đứng đầu một bộ
máy theo dõi dân chúng; ông ta đã nghe tiếng tăm của Brodsky ở địa phương, và
tình cờ Brodsky lại sống trong phạm vi quyền hạn pháp lý của ông ta ở
Leningrad. Chỉ có thế thôi. Chế độ Xô viết vấp phải một trong những thần kỳ lớn
lao trong lịch sử ngôn ngữ Nga hầu như bằng một sự ngẫu nhiên.
Phiên tòa Brodsky diễn ra trong hai kỳ xử, cách nhau nhiều
tuần, vào tháng Hai và tháng Ba năm 1964; trong khoảng thời gian đó, Brodsky bị
giam giữ trong một bệnh viện tâm thần, trong đó người ta chứng nhận rằng anh có
đủ năng lực tâm thần để làm việc. Phiên tòa là một trò hề, các phán quyết của
nó đã được định đoạt từ trước. Bên ngoài phòng xử án có một tấm biển ghi “Phiên
tòa xử kẻ ăn bám Brodsky”, một phán quyết vội vã trước khi xét xử. Bên trong,
không có vị quan tòa nào mà cũng chẳng có nhân chứng chống lại Brodsky nào có
bất kỳ quan tâm nào đến thơ của anh. Brodsky, vẫn đang bị cấm xuất bản, kiếm
tiền hoàn toàn bằng dịch thuật, đôi khi dịch thơ từ những bản dịch xuôi theo
nguyên văn mà anh không biết ngôn ngữ gốc; những người kết tội anh muốn biết
làm sao có thể như thế được, và ở đây liệu Brodsky có bóc lột người cộng tác
với anh trong những công việc như thế không? Phần lớn phiên tòa xoay sang vấn
đề liệu viết lách có phải là một công việc thực sự không nếu nó không mang lại
hay mang lại rất ít thu nhập?
CÔNG TỐ NHÂN DÂN: Chúng tôi đã kiểm tra. Brodsky nói anh ta
đã kiếm được 150 rup từ một công việc, nhưng thật ra chỉ có 37.
BRODSKY: Đấy là tạm ứng! Đấy chỉ là tạm ứng! Nó chỉ là một
phần số tiền tôi sẽ nhận sau đó.
Brodsky lúc đó chưa đầy hai mươi bốn tuổi. Rein, bạn anh,
nhớ lại kỳ xử thứ hai rơi vào Maslenitsa,
hay Tuần lễ Bơ như thế nào, dịp lễ truyền thống ăn bánh kếp vào trước tuần
chay. Vì vậy, Rein và một số bạn đến tiệm ăn ở Khách sạn Châu Âu để ăn bánh
kếp. Sau đó, lúc bốn giờ, họ đến phòng xử án. Nói cách khác, không phải tất cả
mọi người đều có cảm giác về mức độ nghiêm trọng của vụ này.
Nhưng Brodsky biết. Trong suốt phiên tòa ngắn ngủi, anh
trông có vẻ nghiêm trang, lặng lẽ, lễ độ, và vững tin vào điều mà anh sinh ra
trên đời để làm:
QUAN TÒA: Nói cho Tòa biết tại sao giữa các công việc bị cáo
không làm việc và sống một lối sống ăn bám?
BRODSKY: Tôi đã làm việc giữa các công việc. Tôi làm những
việc mà hiện nay tôi đang làm: viết các bài thơ.
QUAN TÒA: Anh viết cái-gọi-là những bài thơ? Và việc anh cứ
thay đổi công việc luôn xoành xoạch ấy có lợi gì?
BRODSKY: Tôi bắt đầu làm việc khi tôi 15 tuổi. Mọi thứ đều
thú vị đối với tôi. Tôi thay đổi công việc là vì tôi muốn học hỏi nhiều về cuộc
sống, về nhân dân.
QUAN TÒA: Anh đã làm gì cho tổ quốc của anh?
BRODSKY: Tôi làm thơ. Đó là công việc của tôi. Và tôi tin
rằng, tôi xác quyết rằng những gì tôi đã viết sẽ có ích cho nhân dân không chỉ
hôm nay mà cả các thế hệ mai sau.
QUAN TÒA: Vậy anh nghĩ cái-gọi-là những bài thơ của anh có
ích cho nhân dân?
BRODSKY: Tại sao ông nói về những bài thơ rằng chúng là
“cái-gọi-là”
QUAN TÒA: Chúng tôi nói thế bởi vì chúng tôi không có bất cứ
ý niệm gì về chúng.
Cuối cùng, quan tòa khép án “cái-gọi-là” nhà thơ năm năm lưu
đày và lao động ở tận phương bắc, để uốn nắn anh ta.
Về chủ đề sự lưu đày của Brodsky, Loseff một lần nữa lại
buộc phải làm bạn đọc thất vọng, những người lớn lên quen nghĩ về nhà thơ
như một người tiêu phí thời gian của
mình ở Gulag[1]. Việc
giam giữ ông trong một bệnh viện tâm thần giữa hai lần xử án quả thật là khốn
khổ. Mười tám tháng sống trong làng Norenskaya là quãng thời gian đẹp nhất đời
ông.
Norenskaya cách Leningrad ba trăm năm mươi dặm (560 km) và
Brodsky có thể tiếp khách đến thăm. Mẹ anh đến thăm anh; các bạn Rein và Naiman
đến thăm; người yêu của anh Basmanova đến thăm. Ngay cả Bobyshev cũng đến thăm!
(Anh ta đi tìm Basmanova). Brodsky thuê một căn nhà lá nhỏ trong làng và mặc dù
nó không có lò sưởi trung tâm hay đường ống nước, nó là của riêng anh, như một
khách thăm đã ngạc nhiên nói. “Đối với thế hệ chúng tôi nó là một sự xa xỉ
không thể tưởng tượng được,” vị khách đó nhớ lại. “Iosif hãnh diện khoe lãnh
thổ của anh.” Brodsky có một chiếc máy chữ và đang đọc rất nhiều W.H. Auden.
Tóm lại, nó là một Yaddo[2]
hơn là Gulag.
Nhưng chẳng làm gì được với truyền thuyết một khi nó đã được
tạo ra. Một tiếu lâm đen nổi tiếng của Akhmatova vào thời gian anh bị bắt –
“Cái tiểu sử mà họ đang viết cho anh bạn tóc đỏ của chúng ta mới khủng khiếp
làm sao” chỉ là một nửa câu chuyện. Sau khi bị bắt, Brodsky gặp được cơ hội
này, anh viết tự truyện của bản thân. Bản ghi tốc ký phiên tòa, do một nhà báo
can đảm tên là Frida Vigrodova làm, nhanh chóng xuất hiện dưới dạng samizdat và
được gửi ra nước ngoài, tại đó nó được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng. (Ở Mỹ nó
xuất hiện trong The New Leader). Một
chiến dịch có phối hợp do Akhmatova dẫn đầu và có Jean-Paul Sartre tham gia dẫn
đến kết quả Brodsky được thả trước thời hạn. Vào thời gian anh trở lại
Leningrad cuối năm 1965, Brodsky đã nổi tiếng thế giới và đã phát triển thành
một nhà thơ sâu sắc. Bobyshev đã không còn cơ hội nào nữa.
Năm 1967, Basmanova sinh cho Brodsky một đứa con trai, rồi
lại chia tay với ông lần nữa. Akhmatova đã chết năm trước, để lại dàn nhạc thần
kỳ đã ly tán tự chống đõ lấy. (Bobyshev đặt tên lại cho nó là “những đứa con
côi của Akhmatova.”) Brodsky vẫn tiếp tục viết thơ và đi vòng quanh Liên xô.
Khi các học giả phương Tây đến Leningrad, họ đến thăm ông. Thơ ông đi vào giai
đoạn chín và hoàn tòan đạt đạo.
Brodsky tiếp tục mô tả cuộc đời ông. Một bài thơ nhắc đến
cuộc gặp gỡ bên bờ biển giữa hai người bạn, và tiếp tục như sau:
Bao cơn sóng
đã tràn qua từ thuở ấy,
Trên bờ, bạn tôi chết đuối
trong sự ngu tín nông cạn mà cay đắng của mình; và tôi bắt đầu
lên đường đi lang thang
Ông cũng tiếp tục mô tả và hồi tưởng về tình yêu của ông với
Basmanova. Trích từ “Sáu năm sau,” theo bản dịch của Richard Wilbur:
Những năm
tháng bên nhau dài lâu đến nỗi Mỗi khi tuyết bắt đầu rơi thì tưởng chừng nó không bao giờ ngừng lại;
đến nỗi sợ rằng những bông tuyết kia có thể làm cho đôi hàng mi nàng nhăn lại,
tôi đã lấy bàn tay che chắn, và chúng giả vờ như không biết rằng đôi hàng mi chở che đôi mắt ấy đang chớp chớp trong lòng bàn tay tôi như những cánh bướm.
Liên xô không đủ chỗ cho cả Brodsky và những người Cộng sản.
“Nhà cầm quyền không thể không cảm thấy bị xúc phạm bởi mỗi việc anh làm”
Andrei, bạn ông, viết. “Bởi việc làm của anh, bởi anh không làm việc, bởi anh
đi khắp nơi, anh đứng, ngồi bên một chiếc bàn, hay nằm xuống và ngủ.” Brodsky
vẫn liên tục cố gắng để các bài thơ của ông được xuất bản, nhưng không kết quả.
Có lúc, hai nhân viên KGB hứa xuất bản một tập thơ của ông trên giấy Phần Lan
thượng hạng, chỉ cần thỉnh thoảng ông viết báo cáo về những người bạn giáo sư
nước ngoài của ông. Trong phong trào nhân quyền bất đồng chính kiến đang lớn mạnh
mà vụ án của chính ông đã góp phần xúc tác, cũng không có chỗ nào dành cho ông.
Quan hệ của ông với những người bất đồng chính kiến gần giống với quan hệ của
Bob Dylan với phong trào sinh viên Mỹ thời đó: kính nhi viễn chi.
Đầu những năm 1970, bánh xe địa chính trị lại quay và kéo
Brodsky đi theo nó. Mong muốn dọn sạch nhà cửa của Brezhnev ăn khớp tuyệt hảo
với sức ép từ Phương Tây giải thoát những người Do thái ở Liên xô, và năm 1972
Brodsky được cho ba tuần sắp xếp đồ đạc để lên máy bay sang Viên. Không giống
như Norenskaya, lần này là lưu đày thật sự, và nó kéo dài đến hết đời ông.
Ở Viên, Brodsky gặp Carl Proffer, một giáo sư về văn học Nga
ở Đại học Michigan, ông này vừa mới cho hoạt động một nhà xuất bản nhỏ, Ardis.
Proffer tình cờ biết rằng thần tượng của Brodsky, Auden, đang nghỉ gần đâu đây,
và họ quyết định đến thăm ông. Mặc dầu không được báo trước, Auden vui mừng
tiếp đón nhà thơ lưu vong, và mấy tháng sau Brodsky viết thư về cho Loseff,
dùng những từ tiếng Anh mới học được vào mọi chỗ có thể:
W. H. uống martini dry
lúc 7:30 sáng, sau đó ông sắp xếp thư từ và đọc báo, đánh dấu dịp này bằng cách
trộn sherry với scotch. Sau đấy ông ăn sáng breakfast,
nó có thể gồm bất cứ thứ gì miễn là nó được dùng kèm với pink and white, tôi không nhớ theo thứ tự nào. Đến lúc ấy ông bắt
tay vào làm việc. Có lẽ vì ông dùng bút bi, nên trên bàn viết cạnh ông, thay vì
một lọ mực, ông đặt một bottle hay can Guinness,
đó là một thứ bia đen Irish sẽ biến
mất trong quá trình sáng tạo. Và khoảng một giờ thì ông ăn trưa. Tùy thuộc vào
thực đơn, bữa trưa này sẽ được trang trí bằng đuôi gà trống, hay cocktail. Sau bữa ăn trưa, chợp mắt một
chút, tôi nghĩ, đó là giờ khô khan duy nhất trong ngày.
Và thế là cuộc sống đầy mê hoặc của Brodsky ở Mỹ bắt đầu.
Brodsky xuất hiện rực rỡ trong hồi ký mới của nhà tiểu
thuyết Sigrid Nunez về Susan Sontag, “Sempre
Susan” Đó là vào năm 1976, lúc ấy Brodsky mới bắt đầu hẹn hò với Sontag. Ông là
người mơ mộng, trầm tư và đầu hói gần hết. “Chẳng có gì quan trọng cả,” có lần
ông tuyên bố. “Đau khổ, không. Hạnh phúc hay bất hạnh, không. Ốm đau, không. Tù
đày, không. Không gì quan trọng hết.”
(“Ồ, đó là kiểu châu Âu.” Nunez viết, một lời chỉ trích nhằm
vào Sontag.) Lần khác, ông đưa mọi người ra ngoài đi ăn cơm Tàu, món ăn khoái
khẩu của ông ở New York. Ngồi quanh bàn cùng với Sontag, con trai bà, Nunez trẻ
tuổi, và Brodsky vờ làm ra vẻ trưởng giả kiểu Bôhêmiêng. Nunez mô tả ông rủ rỉ
nói với phe bé nhỏ, không có ưu thế của mình “Chúng mình vui đấy chứ?”
Đó là một hình ảnh mà người ta có về Brodsky ở Mỹ: một cuộc
đào thoát thành công. Chỉ có từ phía những người Nga người ta mới thấy được nó
khó khăn đến thế nào, cũng như nó có ý nghĩa như thế nào. Đối với những người
thuộc thế hệ ấy của Liên xô, America là tất cả. Họ nghe nhạc của nó, đọc tiểu thuyết
của nó, dịch thơ của nó. Họ chộp lấy từng mẩu từng miếng của Mỹ bất cứ nơi nào
có thể, (kể cả trong những chuyến du lịch đến Ba Lan). “Mỹ như thể là một quê
hương dành cho chúng tôi.” Sergeev (người dịch – ngoài những người khác -
Robert Frost) sau này viết. Trong những
năm 1970, khi có cơ hội, nhiều người đã đi. Chỉ có khi đến đây, họ mới
phát hiện ra những gì họ mất.
Brodsky là một trong những người đầu tiên. Những năm sau
này, số người đến đã đủ để hình thành những cộng đồng người Nga ở Boston, New York,
Pittburgh, nhưng năm 1972 người Nga ở Mỹ cô độc như làng Norenskaya. Brodsky
phàn nàn trong một bức thư gửi về nhà, không có người Nga nào để nói chuyện,
và, về các giáo sư địa phương dạy văn học Nga, “Họ đã trở nên giống với các môn
học của họ như những ông chủ với các con chó,” Và chỉ có thế thôi.
Những bài thơ của Brodsky trong những năm đầu tiên trên đất
Mỹ đầy cảm giác cô đơn trơ trọi. “Một
buổi tối mùa thu trong một thị trấn nhỏ tầm thường/ tự hào về sự xuất hiện của
nó trên bản đồ,” một bài mở đầu như thế, và kết luận bằng hình ảnh một
người mà hình soi trong gương đang từ từ biến mất, giống như bóng đèn đường
chiếu trong một vũng nước đang khô cạn dần. Proffer mạnh dạn đề nghị Trường Đại
học Michigan nhận Brodsky làm một nhà thơ ngụ cư; Brodsky viết một bài thơ về
một ông thầy đại học. “Trong đất nước của
các nha sĩ,” bài thơ mở đầu “mà con
gái họ đặt mua váy áo/ từ những catalô London.../ Tôi, người mà mồm chứa đầy sự hoang phế /hơn cả những hoang phế của
Parthenon/ một tên gián điệp, một kẻ dính mũi vào chuyện người khác/ tay trong
phá hoại của một nền văn minh mục ruỗng” dạy văn chương. Người kể ban đêm
về nhà để nguyên cả quần áo ném mình lên giường rồi khóc đến khi ngủ thiếp đi.
Năm ấy, Brodsky viết một bài thơ cho biết, vì bị buộc phải rời khỏi nước Nga,
ông mất một đứa con trai, “Telemachus con
yêu của cha” bài thơ bắt đầu “Chiến
tranh thành Troy đã kết thúc,” và tiếp tục (theo bản dịch của George L.
Kline):
Có thể sẽ hiện ra một hòn đảo ô trọc, với những bụi cây, những tòa nhà
và những con lợn to ủn ỉn. Một khu vườn nghẹt thở với những bộ đồ tang;
mấy nữ hoàng hay những người khác. Cỏ và những tảng đá khổng lồ…
Telemachus, con trai ta! Đối vói một kẻ lang thang, những bộ mặt của mọi hòn đảo đều giống nhau.
Và thần trí nhẹ bước đi, đếm các con sóng; những đôi mắt nhức nhối nhìn ra những chân trời mặt biển, chạy; và nước nhồi đầy các lỗ tai.
Cha không nhớ chiến tranh kết thúc như thế nào; và thậm chí con bao nhiêu tuổi, cha cũng không nhớ.
Cuối cùng, Brodsky trốn thoát khỏi đất nước của những nha
sĩ, đến một căn hộ có vườn ở Phố Morton, trong Làng Tây, mà ông thuê từ một
giáo sư ở N.Y.U (Đại học New York), và
nhận một cương vị giảng dậy tại Mount Holyoke, ở phía tây Massachusetts. Ông
tìm được cương vị xứng đáng và có bạn bè, và những bức thư phàn nàn gửi về nhà
đã quay lại một vòng kỳ lạ. “Tuần trước, tôi có cuộc trò chuyện đầu tiên sau ba
năm về Dante,” một bức thư viết, “mà với Robert Lowell.”
Năm 1976, Brodsky có thêm bạn đến Hoa Kỳ với ông, đó là
Loseff, người đã trở thành độc giả tốt nhất của ông và người theo dõi chặt chẽ
cuộc sống của ông ở Hoa Kỳ. Ở Leningrad, con mọt sách Loseff làm biên tập viên
thể thao cho một tờ tạp chí thiếu nhi. Ở Hoa Kỳ, khi mới định cư, giống như
Brodsky, làm việc cho nhà xuất bản Ardis của Proffer ở Ann Arbor, trước khi
chuyển đến New England, trong trường hợp Loseff là Darmouth, nơi ông dạy tiếng
Nga cho đến khi ông chết năm 2009.
Là một nhà viết tiểu sử, Loseff danh giá, thông minh tột bậc
và hầu như am hiểu một cách siêu nhiên. Ông trình bày những trải nghiệm quan
trọng trong cuộc sống của Brodsky đã xuất hiện trong thơ của ông như thế nào –
thật ra, cuốn sách được viết như một dự án phụ trong khi Loseff đang chuẩn bị
xuất bản hai tập thơ của Brodsky có chú giải cặn kẽ, sẽ xuất hiện ở Nga cuối
mùa hè năm đó. Nếu không tuyệt đối cần thiết, ông không bao giờ đi lan man vào
đời sống riêng của Brodsky. “Cuốn sách này viết theo phong cách ‘mọi điều bạn muốn biết về Brodsky nhưng sợ
không dám hỏi’ nếu điều bạn sợ không dám hỏi là về siêu hình học của ông
chứ không phải là về vợ ông,” một bài điểm sách viết về cuốn này khi nó ra mắt
ở Nga.
Nhưng Loseff cũng để
lại một cuốn sách về những tiểu luận có tính tự thuật, “Meander,” xuất bản sau
khi ông mất, ở Nga, năm 2010, với sự biên tập của nhà thơ Sergei Gandlevsky.
Không kém trung thành và trìu mến đối với Brodsky, những bài tiểu luận ngắn trong
sách này có tính riêng tư và dễ thương hơn nhiều, và Brodsky xuất hiện trong đó
dưới một ánh sáng hơi khác. Loseff đến thăm ông ở New Yỏk để ăn cơm Tàu và đọc
thơ. Và cũng để nhận quần áo: theo Loseff, Brodsky luôn luôn mua một số lượng
lớn quần áo tại những cửa hàng bán quần áo cũ ở Manhattan, rồi đem cho Loseff,
người mặc cùng cỡ. Một tiểu luận mở đầu bằng cảnh Loseff đến thăm nhà Brodsky ở
Phố Morton, bỗng chuông điện thoại reo lúc nửa đêm, và một giọng phụ nữ ở đầu
dây bên kia nói tiếng Anh đã nhầm tưởng Loseff là Brodsky, hỏi ông đang làm gì.
“Tôi ngu ngốc trả lời, ‘ngủ’,” Loseff viết. “Sau đó điều xảy ra ở đầu bên kia
khiến tôi hơi bối rối, nên tôi đặt ống nghe vào chỗ cũ, với sự khéo léo không
cần thiết.” Bài tiểu luận tiếp tục bảo vệ Brodsky khỏi những lời buộc tội lăng
nhăng với phụ nữ.
Trong những tiểu luận này, Loseff có thể nói một vài chuyện
mà Brodsky không thể nói ra. Thậm chí sau khi chuyển đến New York, Botdsky tiếp
tục giữ bình thản, thờ ơ. Đối với những người đến phỏng vấn, hỏi, ông nói rằng
nước Mỹ chỉ là “một sự mở rộng không gian.” Hay trong “Bài hát ru con của Cape
Cod” (Theo bản dịch của Anthony Hetch):
Đã có hai đại dương và hai lục địa làm ví dụ,
Tôi cảm thấy tôi biết một điều mà bản thân địa cầu phải cảm thấy: không có nơi nào để đi.
Loseff không bao giờ có thể dửng dưng như thế. Ông đã bị
nước Mỹ thu phục. “Ngay cả bây giờ, khi đã sống ở đây ba mươi năm,” ông viết,
“Đôi khi tôi cảm thấy phấn chấn kỳ lạ: có thật là tôi đây không, tôi đang nhìn
mảnh đất nước người bằng chính mắt tôi, ngửi những mùi hương khác, nói với dân
địa phương bằng thứ tiếng của họ?”
Tiếng Anh của Brodsky tiến bộ nhanh chóng. Gần như ngay lập
tức khi đặt chân đến Hoa Kỳ, ông bắt đầu công bố những tiểu luận, do bạn bè ông
dịch từ tiếng Nga, trong báo chí trí thức của Mỹ. Năm 1977 ông mua một chiếc
máy chữ cũ ở Manhattan, và chẳng bao lâu sau đã viết những bài tiểu luận trực
tiếp bằng một thứ tiếng Anh mềm mại, hài hước và châm biếm, qua đó đôi khi bạn
có thể nghe được giọng nói thi vị của tiếng Nga của ông. Trong những tiểu luận
này, nhiều bài đăng trên The New York Review of Books, Brodsky viết hết sức nồng nhiệt về những
nhà thơ mà ông ngưỡng mộ nhất: Marina Tsvetaeva, Osip Mandelstam, Anna
Akhmatova, và, ở bờ bên kia, Robert
Frost và, đặc biệt là, Auden. Bằng cách này ông đã có thể trả được món nợ của
mình. Ông cũng đã có thể, trong nhiều tiểu luận có tính tự thuật, viết lại
những kinh nghiệm đau thương của ông dưới một hình thức mới. Như ông viết trong
một tiểu luận về cha mẹ ông, đã chết giữa những năm 1980, không được thấy con
trai của họ sau khi ông bị trục xuất khỏi Liên xô:
Viết về họ ở nước Nga chỉ làm tăng thêm tình
trạng câu thúc của họ, chỉ đẩy thêm họ xuống tình cảnh vô nghĩa, dẫn đến việc
vô tình hủy diệt họ. Tôi biết rằng người ta không thể đánh đồng nhà nước với
ngôn ngữ, nhưng hai ông bà già lê bước qua nhiều văn phòng đại sứ các nước và
các bộ với hy vọng được phép ra nước ngoài để thăm và để được nhìn thấy con
trai mình trước khi chết, đã được người ta lặp đi lặp lại, trong suốt mười hai
năm liền, bằng tiếng Nga, rằng nhà nước coi những cuộc đi thăm như thế là “vô
mục đích.” Nói cho nhẹ nhất, việc lặp lại những tuyên bố ấy chứng tỏ nhà nước
cũng khá thông thạo ngôn ngữ Nga. Ngoài ra, cho dù tôi có viết tất cả những
điều này bằng tiếng Nga, thì những lời này cũng sẽ không thể xuất hiện dưới bầu
trời nước Nga. Vậy thì ai sẽ đọc chúng? Một nhúm người lưu vong mà cha mẹ họ
hoặc đã chết hoặc sẽ chết trong những hoàn cảnh tương tự. Họ biết quá rõ chuyện
này.
Tiếng Anh của ông đã cho cha mẹ ông một phương tiện tự do.
Nhưng có một việc nó không thể làm được: dịch những bài thơ tiếng Nga của ông
thành thơ tiếng Anh. Chắc hẳn Brodsky đã thử, và ông không e thẹn về chuyện đó.
Hầu như ngay từ khi tiếng Anh của ông đủ chín, ông đã bắt đầu “cộng tác” với
những người dịch thơ ông, cuối cùng ông thay thế họ. Kết quả không đến nỗi quá
tệ như nó không đồng đều một cách tệ hại. Với mọi khổ thơ thành công, có ba hay
bốn lỗi – về ngữ pháp, hay thành ngữ, hay chỉ về âm luật nói chung. Tệ hơn cả,
với những bạn đọc đã quen với thơ Anglo-America sau chiến tranh, những bản dịch
của Brodsky đều có vần, bất chấp việc
đó có gây trở ngại gì khác.
Ngay từ đầu, Brodsky đã thể nghiệm mọi cuộc đấu tranh của
thế hệ ông trên làn da của mình, như người Nga nói. Cuộc lưu vong của ông cũng
không phải là ngoại lệ. Ông không phải mất địa vị xã hội, là điều dày vò nhiều
người di cư khác (thực tế, những hồi ký của những người di cư sau này, những
người vốn biết ông ở Leningrad đầy những câu chuyện về việc Brodsky đã không
giới thiệu họ với những người có ảnh hưởng khác như thế nào, hay giả vờ không
trông thấy họ trong khi đang đọc sách ở đâu đó). Mặc dầu sức khỏe của ông kém
(ông bị cơn đau tim lần đầu vào năm 1976), ông không có những mối lo vật chất
như nhiều người di cư khác. Ông không phải lo thay đổi chỗ ở, hay sợ bị hiểu
nhầm. Ông không thấy những biến động xã hội đã khiến thơ của ông vang dội ở Nga
đã làm triệt tiêu loại thơ này ở Mỹ. Viết về thế hệ những người Nga lý tưởng,
ông đề cao nhất: “Bị cắt đứt khỏi phần còn lại của thế giới một cách vô vọng,
họ nghĩ rằng ít nhất thế giới này là giống họ, bây giờ họ biết rằng nó giống
những người khác, chỉ có điều ăn mặc đẹp hơn.”
Trong thập niên cuối cùng của ông, Brodsky đạt được một mức
độ thành công chưa từng thấy. Ông được giải thưởng Nobel năm 1987. Sau đó, ông
dùng nhiều thời gian ở Italy, cưới một sinh viên trẻ, hậu duệ người Nga và
Italy, trở thành Thi sĩ đặc tuyển[3]
của Hoa Kỳ, chuyển đến Brooklyn. Năm 1993, vợ ông sinh con gái, họ đặt tên là
Anna.
Như thường xảy ra, trong những năm cuối của đời mình Brodsky
tỏ rõ là một nhà văn viết tiểu luận và nhà tuyên trruyền cho thơ hơn là một nhà
thơ thực sự. Những tư tưởng của ông về tầm quan trọng về mặt đạo đức của thơ ca
– kế thừa từ những nhà thơ của Thời đại Bạc, bao gồm Mandelstam, người đã chết
cho thơ của mình – cuối cùng đã tôi rèn thành tín điều; bài diễn văn nhận giải
Nobel của ông nhấn mạnh rằng “mỹ học là mẹ của đạo đức” vân vân. Thơ là bất tử,
ông lập luận; “những gì được sáng tạo ra ngày hôm nay bằng tiếng Nga hay tiếng
Anh, chẳng hạn, sẽ bảo đảm cho sự tồn tại của những ngôn ngữ này trong thiên
niên kỷ tới” Nhưng điều đó không đúng, như Brodsky cuối cùng đã thừa nhận trong
một bài thơ tuyệt hay và giận dữ “Về nền độc lập của Ukraina” trong đó ông mắng
những người Ukraina có đầu óc độc lập đã vứt bỏ tiếng Nga. “Cút đi, bọn cô dăc các người, bọn ataman,
bọn cai ngục các người” và kết luận:
Hãy nhớ, khi
giờ chết đến với các ngươi, hỡi những trái tim can đảm Khi
các ngươi quằn quại trong hấp hối các ngươi sẽ quên đi hơi thở của Taras và chỉ
còn thầm thì những câu thơ của Alexander.
Đó là Alexander Pushkin. Dù bản thân nó như thế, bài thơ là
lời thú nhận đau khổ rằng nhà nước Nga và những thần dân nói tiếng Nga vẫn còn
là cần thiết sống còn cho dự án của thơ ca Nga
Brodsky không bao giờ quay trở lại nước Nga. Ông cũng không gặp
lại Marina Basmanova, mặc dầu con trai ông, Andrei, có đến thăm New York một
lần, nhưng hai cha con không hợp nhau. Một người bạn nhớ lại, Brodsky gọi cho
bà ở Boston, ông hỏi có nên mua cho chàng trai một đầu máy video không, mặc
dầu, Brodsky phàn nàn, anh ta đã bỏ học khỏi trường đại học và từ chối làm
việc. Năm 1989, Brodsky viết bài thơ cuối cùng của ông cho “M.B”, nàng thơ xa
xưa của ông, mô tả ông ra ngoài đi dạo hít thở khí trời và nhớ Lenngrad. “Đừng hiểu nhầm tôi,” và tiếp tục:
Giọng nói của em, thân thể em, cái tên của
em bây giờ không có nghĩa gì với tôi
nữa. Không ai phá hủy chúng. Chỉ có điều là, để quên đi một cuộc đời, một người
cần phải sống it nhất thêm một cuộc đời khác. Và tôi đã nhận số phận ấy.
Ban nhạc thần kỳ đã tan rã. Ngay cả Rein và Naiman cuối cùng
cũng cãi nhau, và Naiman, trong một trong nhiều hồi ký của mình, kết tội Rein
đã mang một hộp mứt mơ đến bữa tiệc đêm và sau đó mình anh ta ăn hết sạch. Cuối
tháng Giêng 1996, Brodsky chết do cơn đau tim thứ ba của ông, sau một cuộc đời
không chăm sóc bản thân mình cẩn thận. Có lần ông nói “nếu bữa cà phê sáng mà
không có một điếu thuốc lá, thì thức dậy làm gì vô ích.”
Bobyshev cuối cùng cũng di cư đến Hoa Kỳ. Ông định cư ở
Iilinois, tại đó ông cũng dậy văn học. Sau khi Brodsky chết, ông xuất bản những
ý kiến của ông về những năm đầu đời của ông, kể cả cuộc tình với Basmanova. Có
một cảnh tuyệt vời khi ông đến thăm bà cô của ông ở Moscow. Akhmatova khi đó
cũng ở thành phố này và gọi điện cho ông khi ông ra ngoài. Khi ông quay lại, cô
ông có vẻ bàng hoàng sửng sốt “Có thể nào Anna Akhmatova gọi điện cho cháu
không” bà hỏi. “Vâng, tất nhiên,” chàng trai Bobyshev trả lời thoải mái. “Bà ấy
nói gì vậy?”
Cuốn sách kết thúc với việc Bobyshev lúc này đang ở Mỹ, gọi
điện cho Brodsky ở New York. Họ đã không nói chuyện với nhau trong hai thập kỷ,
nhưng Bobyshev có một việc quan trọng liên quan đến Akhmatova cần thảo luận với
ông, và họ tạm thời gạt chuyện bất đồng của họ sang một bên. Họ giải quyết xong
vấn đề, rồi Brodsky hỏi, “Vậy anh thích nước Mỹ ở chỗ nào?” Sống ở đây không dễ
dàng, Bobyshev nói, nhưng vẫn là một nơi thật thú vị, “Thú vị về cái gì?”
Brodsky hỏi. Bobyshev nói tất cả mọi thứ đều rất thú vị, những màu sắc, những
gương mặt, tất cả. “Hừm,” Brodsky nói. Và họ gác máy.
Hiếu Tân dịch
[1] Cơ quan
nhà nước quản lý hệ thống các trại cưỡng bức lao động cải tạo.
[2] Một điền
trang ở Sagatora Spring, New York, là nơi tạo điều kiện cho các nghệ
sĩ đến sáng tác.
[3] Poet
Laureate: Nhà thơ được chính phủ chỉ định để làm thơ trong những dịp long trọng
của quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét