Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Dickens làm nên những kiệt tác từ cái Ác của thời hiện đại


 Bình luận văn chương


                                             


Simon Schama

HIẾU TÂN dịch
 
   Hai trăm năm kể từ ngày sinh của ông, Dickens gần gũi thế nào với bạn? Những Pip và Peggotty, Carton và Copperfield, Pumblechook, những Squeer và Creakle có chỗ trong lòng bạn không? Bạn có cần Dickens như bạn cần thức ăn nước uống hay không?
Tôi hy vọng thế. Có Trời biết, những sự bất công tàn ác mà Dickens đã lên án với sự phẫn nộ đầy nhiệt tâm và chỉ trích không thương tiếc vẫn còn nóng hổi trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, chứ không phải bị ướp xác đằng sau những tủ kính trưng bày văn học thời Victoria. Nỗi đau khổ của cảnh nghèo túng vẫn là nỗi nhục cho sự tự thỏa mãn của chúng ta. Ta vẫn bắt gặp Jo, người quét đường trong mọi trạm xe bus nhếch nhác vào lúc nửa đêm. Những Tite Barnacle vẫn tràn ngập những Văn phòng Vòng vo Tam quốc, sẵn sàng ngồi ngửa cổ ngáp dài trước những tình huống khó khăn tuyệt vọng. Những kẻ giàu sang hợm hĩnh vẫn chẳng hề biết xấu hổ phô phang những trò bịp ghê tởm của chúng trước Trách nhiệm với sự Bần cùng. Những Bounderby với những bài thuyết giáo đạo đức của chúng về Tự Lập vẫn còn nhan nhản. Chúng ta có những cuộc bầu cử Eatanswill của chúng ta làm trò cười lố bịch với trận mưa tiền. Sương mù dày đặc như trong mở đầu kỳ bí của Ngôi nhà hoang, vẫn còn che phủ các tòa án nơi những luật sư vì lợi nhắm mắt bất cần đạo lý lao vào cơn nghiền kiện tụng.
Hơn nữa, bao nhiêu người trong chúng ta đã đọc ông hết quyển này đến quyển khác, từ Đường Bồ câu đến máy chém? Hay chúng ta chỉ xài Dickens như những bánh kẹo ngọt ngào vào dịp Giáng sinh? Tất nhiên Dickens một nhà quảng cáo tuyệt chiêu và người tiên phong trong tiếp thị đại chúng (ông đã mơ đến những nguyệt báo thu hút 100.000 độc giả mỗi tháng cho các cuốn đăng nhiều kỳ Chuyện hai thành phố Quanh năm ngày tháng của ông) chắc sẽ không có vấn đề gì với khía cạnh giải trí. Nhưng không, tôi cho rằng phải trả giá bằng việc thấy cơn mê say cuồng dại mất hút vào trong thứ văn chương tầm tầm giống như những chiếc bánh ngọt lễ Giáng sinh.
   Khẩn cấp nhất là, con em chúng ta có còn đọc Dickens nữa không? Liệu các trường học có đưa Những hy vọng lớn lao hay Dorrit bé bỏng vào hành trình của học sinh và khai tâm cho chúng bằng niềm mê thích? Con em chúng ta có nhận Dickens như chúng nhận Chạng vạng hay Harry Potter không? Trong số những người đương thời vĩ đại của Dickens—Tolstoy hay Flaubert—không có ai đã khám phá tâm hồn sôi động của trẻ em một cách sâu xa như ông đã làm. Nhưng rồi không có ai trong số họ phải chịu nỗi thống khổ như sự bất an của Dickens khi người cha Micawber đi tù vì nợ, và bản thân cậu là một đứa trẻ chôn vùi tuổi thơ trong nhà máy sản xuất xi đánh giày ở Strand.
Chính cha đẻ tôi là một kiểu Micawber. Hoàn toàn tự học, ông đã dùng toàn bộ số tiền để dành cho chuyến đi nghỉ hè ở bờ biển để mua trọn bộ Người bán hàng rong và Đại sảnh (Chapman and Hall) của Dickens từ một người bán hàng trên xe ngựa trên con đường đến Ga Waterloo. Mỗi tối thứ Bẩy  ông đọc to cho cả nhà nghe, đóng tất cả các vai. Thỉnh thoảng, khi tôi đã lớn lên một chút, ông cho tôi đóng vai Davy, hay Oliver, hay Jo. Tuy nhiên chính Pip là nhân vật luôn luôn chiếm được cảm tình của tôi còn Magwitch thì hiện ra từ những đầm lầy Kentish và đe dọa cào rách tim gan tôi nếu tôi không đưa đồ ăn cho gã, và hồn ma Cô Havisham cũng ghê rợn như vậy dẫn Pip đến chiếc bánh cưới đầy nhện của cô.
Chúng ta đã chê trách nhiều Twitter và những thứ văn bản cộc lốc trên mạng làm hư hỏng tiếng Anh. Đọc Dickens, bây giờ hơn bao giờ hết, là trải nghiệm điều ngược lại: bị cuốn hút vào cái thừa mứa bề bộn của ngôn từ, vào cái ngôn ngữ tràn trề ào ạt của đời sống. Đôi khi thứ ngôn ngữ ấy lôi chúng ta đến những nơi mà lẽ ra ta không nên đến. Người bạn chung của chúng tôi mở đầu với cảnh những người nhặt rác bên sông Thams đi kiếm những xác người chết trôi để xoay ít tiền lẻ. Mặc dầu các nhà chính trị có thể lên án lòng trắc ẩn đầy tính nhân văn của Dickens là có tính cách xã hội chủ nghĩa, thật ra ông không có chương trình nào để cải tạo cái ác của thời đại ông ngoài niềm khao khát mãnh liệt sự tử tế lương thiện. Từ cái bản năng đơn giản ấy ông đã làm nên những kiệt tác bất hủ.
  


Simon Schama là giáo sư lịch sử và lịch sử nghệ thuật tại Đại học Columbia. Ông là nhà viết tiểu luận và phê bình cho The New York Times từ năm 1994; những tác phẩm phê bình nghệ thuật của ông đã đoạt Giải thưởng Quốc gia về Tạp chí năm 1996



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét