Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

KẺ LANG THANG, Leonid Leonov (Nga)

Truyện ngắn
Leonid Maximovich Leonov
HIẾU TÂN dịch



Leonid Maximovich Leonov Sinh ngày 31 tháng năm 1899 mất 8 tháng 8 1994, là nhà văn Nga nổi tiếng,  tác giả Trộm cắp (1927), Rừng Nga (1953) Kim tự tháp (1994)…Được coi là kế tục Dostoievsky ở thế kỷ 20 với chất vắn xuôi đầy suy tư trăn trở



 
Trà giống như mùi cỏ mục, đường có vị dầu hỏa. Sađaép dằn mạnh chén trà uống dở xuống bàn, và lơ đãng nghe tiếng ồn ào huyên náo trong quán trọ. Thường trong những phiên chợ ngày chủ nhật cứ vào khoảng giữa trưa là sự sôi động lại tăng lên nhưng Sađaep được vây bọc bởi im lặng hoàn toàn. Anh đột ngột đứng dậy, giơ hai tay ra phía trước, bước về phía cửa sau quán rượu. Coi trọng danh tiếng không chê vào đâu được của quán mình còn hơn con mắt độc nhất của lão, lão chủ quán vội bước theo Sađaep nhưng lão đã nghi ngờ vô ích.
Trong bóng tối mờ mờ màu lục của sân sau, với những vệt sáng lọt qua những kẽ nứt, người khách trọ đang đóng yên con lừa cái của anh ta. Con lừa cái có bộ lông thẳng mượt cố níu lại khi bị kéo ra khỏi máng ăn đầy tú hụ, nhưng người khách trọ không tức giận, thậm chí không hề để ý. Tuy vậy, anh ta cúi xuống nhặt một mẩu vỏ bánh mì bị ai đó ném trên rơm bẩn. Anh ta chăm chú nhìn nó một hồi lâu rồi mới bỏ nó và túi du lịch. Thấy lạ vì hành vi bí ẩn của Sađaep, người chủ quán bước ra khỏi chỗ nấp. Sađaep trở nên luống cuống.
“Mấy con chó sẽ sung sướng thấy cái này” anh ta khẽ nói về mẩu bánh mì.
“Thế ai sẽ sung sướng được thấy anh?” lão chủ quán trả lời nheo nheo đôi mắt tinh quái cười đểu và bước vào trong quán.
Sađaep đánh lừa ra khỏi sân.
Trưa tháng Tư tràn ngập tiếng chiền chiện líu lo. Những vũng nước nhỏ lấp lánh ánh nắng, khắp nơi rầm rì những âm thanh vô nghĩa. Một cảm giác nhẹ nhõm êm dịu gần như say sưa thấm vào lòng người; nhưng với Sađaep mùa muân này, mùa xuân thứ bốn lăm của đời anh, có cái vẻ quá quắt của một thiên nhiên đang phát điên. Lấy từ trong ngực áo ra lá thư của vợ, một lá thư mà vì nó anh đã rời bỏ huyện lỵ sớm cưỡng lại mọi tiếng nói của lương tri, một lần nữa anh cố lần dò theo những dòng chữ nguệch ngoạc chất đầy lo âu của nó. “Chồng yêu quý của em” anh đọc chủ yếu bằng trí nhớ, “Em héo hon gầy mòn xơ xác vì buồn khổ… Chồng yêu quý của em, ngày nào em cũng khóc… Chồng yêu quý của em, em không biết phải làm sao cho qua ngày giờ… Chồng yêu quý của em, chúng ta…”  Những từ ngữ khôn khéo lao xao trong gió và quất vào Sađaep bằng tiếng cười vui vẻ độc ác. Với một sức mạnh như thế anh quất con lừa bằng ngọn roi và con vật thở phì phì một cách khốn khổ trên con đường mòn chán ngắt. 
Cả đời anh, anh toàn gặp vận may khiến người đời phải ganh tỵ. Trong cái năm trước khi anh được gọi nhập ngũ, anh đã cưới Katêrinka, một cô gái lúc nào cũng vui cười; cái vui vẻ trẻ trung của Katêrinka không hề giảm đi khi về ngôi nhà cổ lỗ kẽo kẹt của anh, nơi mà mỗi mùa xuân chim sáo không ngừng hót líu lo bên cửa sổ. Mặc dầu có mọi thứ để chinh phục cuộc sống, Sađaep chỉ thiếu mỗi khả năng cười; nhưng ngay cả sự bất công ấy của tạo hóa cũng mang đến thuận lợi cho anh: người ta sợ anh. Chiến tranh đã chừa cái thân anh, một thân thể cao ráo đỏ đắn trông như một cây thông đứng thẳng trên nền trời hoàng hôn, anh trở về nguyên lành, chỉ bị xây xát nhỏ. Nhưng bỗng nhiên những bất hạnh vụn vặt tầm thường như những con chuột nhắt, bắt đầu gậm nhấm anh. Anh vật lộn với nó suốt năm, tức điên lên, nhưng lũ nó cứ xông vào gặm cái gia tài có tiếng của anh. Vào những ngày tạm hưu chiến, anh cay đắng nhìn lại bản thân mà không sao tìm ra đâu là nguyên nhân khiến anh khánh kiệt. Chỉ đến lúc này, rơi vào sự trừng phạt cuối cùng của số phận, anh mới nhớ lại một cuộc phiêu lưu ở ngoài mặt trận ..và mặc dầu một người mujich thì không xấu hổ về bất kỳ tội lỗi nào được bọc trong áo lính, hồi tưởng này thiêu đốt và cắn rứt anh tận tâm can, không cách nào dứt bỏ được nó.
Vào lúc chiến tranh tạm lắng trung đoàn vô danh của anh kiệt quệ dưới ánh mặt trời phương nam. Ở đó Sađaep lấy một phụ nữ Mônđavi, một người nông dân giống như anh. Cô ấy cũng dịu dàng như Katêrinka của anh, và thật lạ, cô cũng mang cái tên ấy. Cô ta ốm o héo hắt vì mong nhớ chồng đang mòn mỏi trong tù. Cô ta là món hấp dẫn đối với sức lực miền Bắc tràn trề không ngơi nghỉ của Sađaep. Suốt ngày đêm anh ở trong ngôi nhà nhỏ dưới rặng keo của cô, anh ăn gà của cô uống rượu của cô và thường xuyên tán về cái duyên ngầm của cô gái Mônđavi bé nhỏ này với đám bạn. Tình yêu Mônđavi của cô mang lại cho anh niềm vui tạm bợ. Sađaep rời bỏ cô mà không hề tiếc nuối, và những dòng nước mắt của người thiếu phụ đã che không cho cô thấy rằng, cùng với hạnh phúc ngắn ngủi của cô, anh ta mang theo về phương bắc chiếc máy khâu của cô mà anh mê thích trong những giờ phút âu yếm của hai người. Sađaep vẫn không thể nào quên trong mười bảy ngày khắc nghiệt ấy anh đã di chuyển trên tàu hỏa như thế nào, trong giấc ngủ lơ mơ của người bệnh thương hàn, vẫn kẹp chặt lấy vật báu ăn trộm được giữa hai đầu gối. Đối với anh, nó trở nên thân thiết hơn bánh mì hay cuộc sống, bởi vì anh đang mang nó về làm quà cho Katêrinka miền bắc của anh, người mà anh quyết định coi là nền tảng của cái hạnh phúc đẹp như mơ của anh. Nhưng vào một buổi tối, lúc trâu bò về chuồng, anh bước vào đến cổng nhà anh, đói khát và nhễ nhại mồ hôi, lắc lư dưới sức nặng của món quà yêu dấu, thì Katêrinka bắt đầu khóc. Sađaep dừng lại, bằng đôi mắt mờ đục anh nhìn người đàn bà đang khóc, và bộ râu của anh biến thành lửa, như thể anh đang mang trong người dòng máu của ai khác từ chiến tranh về.
Bệnh tật và sự thức tỉnh trước cuộc sống đã mang lại cho anh những kho báu lạ lùng, mà từ trước đến nay vẫn ở bên ngoài lối sống nhạt nhẽo của anh. Anh nhìn với đôi mắt phù thủy mọi thứ xung quanh anh, và, bằng một cách không-mujich, anh mê thích ngắm nhìn mọi thứ, từ  con muỗi đang bay đến cái cây đang mọc; tuy nhiên, người mujich trong anh đã chiến thắng con người. Suốt mùa đông anh làm việc cật lực để khôi phục lại cái trại đã đổ nát, dọn dẹp vườn tược và dựng nhiều tổ sáo đá trước nhà, như cố tìm cách nhử hạnh phúc vào trong ngôi nhà tường đã mọc rêu. Nhưng lũ sáo đá không bao giờ đến ở, những cây táo bị sâu, và tính vui cười của Katêrinka bay đi cùng với tuyết. Rồi anh lo lắng chờ đợi những đứa con, nhưng cho dù đã có lần anh mơ thấy có đàn con lúc nhúc, rốt cuộc vẫn không có đứa con nào. Katêrinka thường chạy sang chơi các nhà hàng xóm, trông nàng có lẽ còn già hơn cả bà mẹ nàng. Nhưng một hôm nàng từ nơi đánh đống cỏ khô trở về trông rạng rỡ và trẻ trung; nàng lặng im buồn bã ngồi bên cửa sổ cả buổi tối. Ban đêm khi trâu bò gia súc trong nhà ngủ cả, Katêrinka bắt đầu cười trong mơ. Từ trên nóc lò sưởi bước xuống, Sađaep sa sầm mặt đứng quan sát nàng; được chiếu sáng bởi ánh trăng rọi qua khe cửa, nàng đang quằn quại lật mình trên giường. Dù cho Sađaep săm soi đến đâu qua khe hở nhìn vào bí mật của Katêrinka, đêm ấy anh cũng không tìm thấy điều gì. Xung quanh tất cả đều vắng lặng, thậm chí không có lấy một cơn gió nhẹ bên ngoài cửa sổ.
Hết mưa thì đến nắng, và nụ cười đã mất trở lại ngôi nhà. Một mình với những ý nghĩ riêng tư, Katêrinka hát những bài hát cũ của các cô gái trẻ, và mặc dầu nàng không giữ được giọng ca đến cuối bài, chồng nàng cũng hứng chí ở mỗi chỗ nàng chuyển tông. Niềm vui lại tràn ngập căn nhà kẽo kẹt này, chim véo von hót trên cây, như thể chúng được mua về để hót. Sađaep ngủ ngon lành như ngọn núi, được gió ru, và chỉ với bức thư cuối cùng này của vợ, dấu vết của một hạnh phúc khác mới đánh thức anh khỏi trạng thái lờ đờ nặng nề. Bỏ dở công việc trên thị trấn huyện lỵ liên quan đến một món nợ, anh quay về nhà, giống như về một nấm mồ không tránh khỏi.
Người chủ quán đã báo trước sự thật, ngay cả những con chó cũng chạy biến đi hết. Không có ai chào hỏi người chủ. Buộc lừa vào hàng rào, Sađaep chăm chú nhìn vào các lỗ cửa sổ gọi mãi không thấy ai trả lời. Một trụ băng dưới mái hiên nhỏ những giọt buồn bã, Sađaep giận dữ quất nó bằng roi da, và tiếp tục đợi, nhưng vợ anh không có đó. Rồi một thằng bé đang bơi thuyền trên mặt ao tan băng kêu lên với anh rằng Katêrinka đang ở khu định cư mới với Seryogia. Sađaep đóng cửa chớp lại và nhìn quanh: con lừa cái nhà hàng xóm đi tìm đực, đang cọ mình vào một thân cây, và hai bà già bên giếng nước trân trân nhìn anh với nỗi bối rối của anh.
Thế rồi, mình mặc chiếc caftan và cầm theo chiếc roi, Sađaep lên đường đến khu định cư mới, và một lần nữa hai bàn tay anh lại giơ ra phía trước, như thể sẵn sàng làm điều gì thật độc ác.
Khi đi qua khu đất nhà thờ, anh cố tìm trong Seryogia đức tính gì đã cám dỗ được Katêrinka phản bội anh. Hắn là một kẻ chơi bời phóng đãng, mơ tái cơ cấu nền kinh tế mujich để cho những quả táo bằng vàng có thể mọc ra từ một mảnh vườn chung. Vì sự phi lý đó hắn đã bị trừng phạt bằng lao động trong ủy ban hành chính huyện. Hắn sống cùng với người anh góa vợ, hai anh em chăng dây đồng lên các cột khắp xung quanh nhà. Những buổi tối mùa đông, bọn thanh niên thường tụ tập ở đó dán mắt nhìn và gật gù kính nể chiếc máy thu thanh tự tạo khi Seryogia lắng nghe những chuyện chưa ai từng nghe…Gần đến nơi, Sađaep nhếch mép cười khẩy và nghiêng nghiêng đầu nhìn ráng chiều tà đang nhuộm đỏ các lùm cây. Các bà già chen chúc trước cổng. Khi đi qua trước mặt Sađaep, ánh nhìn thù hằn trong con mắt họ còn đe dọa dữ dằn hơn cả chiếc roi da Sađaep cầm trong tay. Không có ai trong số họ dám theo chân anh vào trong bóng tối dày đặc phía trong cổng.
Đầu tiên trong tầm mắt của Sađaep chỉ có những vành tím tròn xoay nhún nhảy, nhưng trái tim anh đã đánh hơi thấy sự có mặt tội lỗi của Katerrinka. Sự im lặng không báo trước điều gì tốt lành, và anh nghi ngờ đổi từ chân nọ sang chân kia, không hoàn toàn cả quyết đi ngay vào bất hạnh của người khác. Nhưng điềm báo của anh quả không sai: từ sáng sớm, Seriogia bị một thân cây đổ rơi trúng, và bây giờ nằm trên một chiếc ghế dài giữa túp lều, hắn đang hấp hối. Gương mặt vàng khè của hắn trên chiếc gối bóng lên trong suốt, như có một ánh nến rọi vào. Hắn nằm bất động nhưng trong cơ thể vẫn có những dòng chảy li ti hối hả, và môi hắn hé ra thành một nụ cười khát khao đau đớn. Để làm dịu đi cơn đau của hắn, người ta đã đặt dưới tai hắn chiếc máy thu thanh nhỏ, và chỉ mình nó là còn vẻ sống động với một lóe sáng lạnh lẽo trong bóng tối của căn lều. Sađaep trông thấy vợ. Quỳ sát bên hắn, Katêrinka thương xót nhìn đăm đắm khuôn mặt người yêu và lặp lại từng cử động của hắn như thể chính nàng đang nghe thấy điều đã làm cho Seryogia  nở nụ cười cuối cùng.
Cuộc gặp gỡ lạ thường này đã tiếp diễn từ sáng sớm, và ngay cả Sađaep cũng không dám làm cho nó gián đoạn. Anh ho, và Katêrinka ngẩng lên nhìn quanh. Một làn gió lướt qua trên khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nàng, nàng hình như không nhận thấy chiếc roi da trong tay chồng. Nóng rực lên vì hơi ấm bàn tay nắm chặt của Sađaep, ngọn roi quằn quại cựa quậy, và phải cố gắng Sađaep mới kìm lại được chuyển động tàn độc của nó. Đôi mắt cụp xuống, Sađaep bước đến đầu giường kẻ tình địch của mình không bị gì cản lại.
“Thế nào, tao thấy mày không còn chạy rông như chó dái được nữa rồi thì phải?” Anh hỏi một cách cay đắng, mở lượng tha thứ cho kẻ không còn cần đến nó nữa. Seryogia cựa quậy, và với cánh tay run rẩy, bị cào tướp, hắn kéo mảnh chăn da cừu lên che đôi chân bị dập nát.
“Lạnh hả? Trong khi mày còn sống thì mọi thứ đều lạnh giá; nó sẽ trở nên ấm áp khi mày qua thế giới bên kia” Sađaep nói thêm một cách lạnh lùng và trịnh trọng, và – ngạc nhiên bởi cái sức mạnh nó khiến anh điềm tĩnh đến thế – anh giúp Seryogia kéo tấm chăn lên.
“Xin anh đừng nói chết chóc làm anh ấy sợ, anh ấy đã khốn khổ lắm rồi” Katêrinka thốt lên, một luồng hơi ớn lạnh phả ra từ mặt nàng khiến Sađaep im tiếng, rồi không hề sợ hãi, nàng đau đớn ép chặt thân nàng vào cái xác còn chưa được khóc thương đúng mức, như thể chỉ có nàng ở đó một mình với hắn.
Seryogia thì hình như đang ngủ, chiếc radio rơi khỏi má hắn. Sađaep lén nhặt nó lên và áp nó vào tai mình. Một âm thanh trống rỗng ngèn nghẹt vang lên, và phải gắng hết sức tập trung toàn bộ tâm trí anh mới có thể phân biệt được tiếng kèn co than thở, nó lượn vòng, kéo dài và  uyển chuyển giống như những tiếng thở dài. Tiếng nhạc đến với anh từ nơi xa xăm và bí mật, như thể vượt qua hàng trăm cánh cửa đóng kín; nhưng trong đó vẫn lộ rõ bí mật của Katêrinka, rõ ràng hơn trong cái đêm bão tố ấy nhiều. Như một phản xạ mê tín, anh giật tay ra và liếc vội xung quanh: không có ai đang nhìn anh, và một lần nữa, toát cả mồ hôi và đỏ bừng cả người, anh lại lén lút nghe cái thế giới đầy quyến rũ và kinh khủng của Seryogia. Bản nhạc thay đổi, và một giọng người rì rầm bóng gió, tra tấn Sađaep về chuyện những đứa con mà dù cầu nguyện bao nhiêu đi nữa, số phận vẫn không chịu ban cho anh. Nó tra tấn anh về chuyện những con ngưạ, niềm đam mê xưa cũ và không thể  nào bỏ được của anh, chỉ nghĩ đến nó là mặt anh lạnh buốt. Nó tra tấn anh về mọi thứ thân thiết nhất với một người đàn ông sống trên đời. Lắc đầu như thể né tránh cảnh hạnh phúc gần gũi mê hồn, anh lao ra khỏi căn lều. Ra đến cổng, anh va phải ông bác sĩ mà người anh của Seryogia mời đến. Đến tận khuya, các bà già mới đưa Katerrinka về nhà và để nàng đứng lại trước cửa. Từ trên bếp lò Sađaep trông thấy hai tay nàng quờ quạng trong đau đớn, nàng nặng nề lần vào đến giường. Lòng đầy u uất vì yêu và hận thù, Sađaep trèo xuống khỏi lò sưởi và đến ngồi bên nàng.
Trong nỗi sợ đã chai lỳ, nàng sửa soạn để sẵn sàng chịu trận, Katêrinka nhìn chằm chằm vào gương mặt méo xẹo vì giận dữ của chồng. Lúc này, gần như không dám thở, anh nghiêng xuống và ôm lấy vai nàng.
“Em bé bỏng, tội nghiệp của tôi” anh thầm thì, hết sức khổ sở vì không tìm được lời nào âu yếm dịu dàng hơn.
Nàng chậm rãi lết vào góc, nhưng khi mớ râu dài đỏ quạch của anh vừa quết vào má nàng, nàng giật phắt ra khỏi anh và gào to lên như thể bị bỏng. Bị giáng đòn bất ngờ vì tiếng thét của Katêrinka, Sađaep bối rối đi đi lại lại ở khoảng giữa căn nhà, và, thêm một lần nữa hòn than hồng của lòng khoan dung vẫn ủ lâu trong lòng chưa dùng đến lại rực lên  trong anh. Anh run rẩy bước tới lò sưởi. Vì suốt ngày qua nó chưa được đốt lên, nên lúc này nó lạnh giá và cái giá lạnh thấm vào những hình ảnh tưởng tượng thưa thớt và hoang dại của anh trong giấc ngủ mơ màng. Trong những giâc mơ khủng khiếp ấy có hình ảnh cô gái Mônđavi. Nàng đang vẫy tay ra hiệu chào biệt Sađaep và từ những bàn tay của nàng  thoát ra những âm thanh quyến rũ. Vào lúc trời sắp sắng, trong căn nhà nhỏ không khí rất ẩm ướt. Những bông tuyết tệ hại bắt đầu rơi bên ngoài cửa sổ. Katêrinka đã đi rồi. Sađaep ngồi trên ghế dài, nghe tiếng gì đó rền rĩ dưới lòng đất, rồi anh bước ra vườn, nhưng ở ngoài đó còn khó chịu hơn, nên anh lại vào nhà. Đúng lúc đó, ông chủ tịch Sôrôkin bước vào, mang theo tờ thông báo xử phạt về khoản nợ mà anh chưa chịu trả.
Lùn tịt và huênh hoang như một con chồn hôi, lão mujich này chưa bao giờ được Sađaep ưa. Lúc nào cũng thấy lão hối hả đi đâu đó và hổn hà hổn hển, như thể đang thi hành một nhiệm vụ độc ác nào đó. Lão đặt bản thông báo lên bàn trước mặt Sađaep và ra lệnh cho anh ký vào.
“Tôi chỉ biết đọc chữ in, nhưng không biết viết” Sađaep nói đơn giản.
“Cứ đánh dấu X vào đây coi như anh đã đọc, rồi ngày mai chúng tôi sẽ điền vào” Sôrôkin nói bằng giọng cáu kỉnh.
Hai đôi mắt gặp nhau, và cả hai quay đi như thể người này bắt gặp người kia đang nói dối.
“Tôi đang gặp rắc rối, ông Sôrôkin ạ” chủ nhà thú nhận giọng mờ đục “Thằng Seryogia đã mò vào giường nhà tôi”
“Thế thì có gì lạ?” ông khách lạnh lùng trả lời, thậm chí chẳng thèm đưa đẩy câu chuyện nóng bỏng này bằng một lời bịa đặt tầm phào nhất.
“Katêrinka là vợ tôi… tôi đã  ăn ở với cô ấy mười một năm nay!” Sađaep hét lên, không hiểu sao tự đập vào cổ mình; khi làm thế, bộ râu của anh bắt đầu phừng phừng lên như một bụi cây khô bén lửa.
“Vậy thì sao?” vị khách trả lời, thậm chí còn thờ ơ hơn khi gã vuốt lại cho thẳng các mép quăn của tờ thông báo.
“Tôi yêu cô ấy…” Sađaep cẩn thận nhả ra từng chữ, bằng đủ cách cố làm mủi lòng tay quan liêu này.
Sôrôkin đứng dậy.
“Anh đang nói gì thế, bất hạnh à! Anh gặp vận may thì có. Tay Seryogia chết sáng nay rồi. Bây giờ mọi việc đều ổn” Lão nói với nét mặt độc ác và chán ngấy. Vừa quay đi lão vừa dùng mấy đầu ngón tay gõ lên bậu cửa sổ như gõ trống.
Sađaep ngồi cúi gằm xuống tờ thông báo; tờ giấy sột soạt nhè nhẹ theo hơi thở của anh. Vào cái lúc anh biết tin Seriogia chết, một niềm hân hoan mãnh liệt bùng nổ trong anh, nhưng ngay lập tức anh hình dung ra điều gì sẽ đến – trước hết Katêrinka bị nỗi đau đớn hạ gục, và điều ấy phần nào làm giảm bớt nỗi căm ghét và ghen tuông của anh. Trong trí tưởng tượng bấn loạn của anh, bản thông báo to dần lên, to bằng cả mặt bàn, và cứ to lên mãi; nó giận dữ dựng đứng lên, nó xông vào đánh và bóp cổ anh…Tuân theo một sức mạnh cưỡng bức kỳ lạ, Sađaep vội vã vò nhàu tờ giấy, và bất ngờ bỏ tọt nó vào mồm và chậm rãi nhai cái món ăn bắt buộc và phát ớn này ngay trước mặt ông chủ tích mặt tái nhợt. Rồi sau khi đã nuốt, anh đưa cặp mắt trống rỗng ngó nhìn Sôrôkin, lão ta lúc này trông cực kỳ bé nhỏ.
“Anh sẽ phải trả lời chuyện này” ông khách nói sau một lúc bối rối. Lão lúng túng một lúc lâu cài các cúc áo khoác và đội mũ lên đầu, như thể nấn ná chờ sự hối lỗi cho sự nhục mạ vừa rồi.
“Ông tưởng ông ghê gớm, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn” anh nói với theo lão ta.
Sau khi Sôrôkin đi khỏi, Sađaep lôi chiếc túi ra và bắt đầu chuẩn bị để lên đường. Trong khi chuẩn bị, anh làm vỡ một chiếc đĩa sứ, và mặc dầu không hề vội vàng, anh cũng không thu dọn các mảnh vỡ. Mặc quần áo xong, anh bước qua mảnh sân ra ngoài đường. Chẳng có gì níu giữ anh ở lại cái ngôi mồ của tình thương bị phản bội này. Hơi ấm của mặt trời bao bọc lấy con người buồn nản ra đi, nhưng dù không có nó thì anh cũng không cảm thấy lạnh lẽo, vì cơn điên giận vẫn còn đang ngùn ngụt trong người anh. Anh dừng lại trước cổng vườn huýt gió gọi mấy con chó đang ngồi bên giếng nước. Chúng vẫy đuôi và vặn vẹo mình một cách khó chịu, nhưng vẫn ngồi. Anh gọi tên chúng, bực bội vỗ mạnh đầu gối, nhưng một con chó quay lưng lại phía anh, còn con kia làm bộ như đang chăm chú nhìn một con rệp bò trên một thân cây mới đốn. Sađaep bỏ đi thẳng.
Đầu tiên anh hướng tới nhà bà chị góa chồng ở huyện bên và xin vào ở nhờ như một người làm công. Chị anh, tóc cũng đỏ quạch như tất cả dòng họ Sađaep, tóc đỏ và dáng vóc cóc cáy vì nghèo túng, gắt ầm ĩ một hồi, nhưng gắt mắng xong lại mang đến cho anh một bát xúp và chỉ cho anh một chỗ nằm chung với bầy con gày guộc của chị. Anh qua một tháng vô gia cư đầu tiên ở đây, cày đất và cầu nguyện ông Chúa mujich của anh giải thoát cho anh khỏi vô vàn những âu lo vô ích. Nhưng rồi một tờ trát đến, gọi anh ra tòa, và Sađaep biến đi phương nào không rõ.
Bây giờ những con đường mở ra trước mặt anh, và anh đến Parôsyatnhikavơ đúng vào mùa cắt cỏ. Siêng năng cần mẫn trong cương vị mới, anh hoàn toàn vừa lòng với đồng tiền công còm cõi mà chủ thí cho. Nhưng rồi một hôm anh vừa ra đến đồng cỏ đang phát cỏ như những người khác thì một người thư ký lù lù hiện ra với một tờ giấy đòi Sađaep. Công việc đang bộn bề giữa mùa thời tiết tuyệt đẹp, nên không có ai để áp giải kẻ tội phạm. Do đó người ta cho con bé Aksiusha mười tuổi đi hộ tống anh năm dặm lên hầu tòa. Lần đầu tiên trong đời, Sađaep bắt đầu cười, anh nắm lấy tay con bé và thẳng hướng lên đường.
Họ ra đi lúc trời còn sương. Gần trưa, một đám mây hồng rực rỡ bồng bềnh trên bầu trời xanh thẳm bỗng chuyển thành cơn giận dữ không sao tả nổi ầm oàng và trải dài mãi ra. Sađaep và Aksiusha  chỉ còn kịp chạy vội đến trú dưới một cây thông trong một cái trảng trước khi cơn mưa như trút đổ xuống những cánh đồng khô bụi. Con bé sợ sấm chớp, nó ép chặt người vào thân cây và run rẩy, nhưng nó không lúc nào buông tay Sađaep ra.  Rồi, lấy thân người che cho Aksiusha  khỏi làn nước, anh bắt đầu kể cho nó nghe những câu chuyện mà mẹ anh đã từng kể cho anh để quãng đời thơ ấu buồn thảm của anh sáng sủa lên đôi chút. Anh kể về những con quỷ lông lá và ngu ngốc gây ra những mối bất hòa, những mụ phù thủy và những nhà thông thái chột mắt, và trong số những con  ma vô hại mà người ta đã nhẵn mặt, chính Ilya là kẻ nắm giữ sấm sét trong tay như nắm giữ những con chim ưng. Sađaep chưa bao giờ kể như thế này cho ai, giọng anh đan xen với tiếng răng rắc trong rừng, và ý nghĩa của câu chuyện anh kể khớp với tiếng sấm và câu chuyện kể hung dữ của cơn dông tố. Aksiusha chăm chú nghe câu chuyện hoang dại của Sađaep hơn là những tiếng gầm khủng khiếp từ những đám mây dông. 
Rồi mặt trời lại bắt đầu trải lên cánh đồng một dải lụa rộng màu xanh biếc, chạm đến cả đôi chân trần của Aksiusha. Mưa ngừng rơi, những giọt còn đọng trên các cành và bay trong không khí long lanh; trong đám cỏ dưới chân họ một con châu chấu không sợ bị người ta dẫm lên, bắt đầu vui vẻ cất tiếng…và chỉ còn ở nơi rất xa, dưới cầu vồng, một cái bụng tối tăm và chưa được thỏa mãn vẫn còn sôi ùng ục.
“Thế nào, chúng ta đi chứ?” Con bé ranh mãnh liếc nhìn anh từ một bên và, nhớ lại lời khuyên răn vui đùa của những người lớn, với đầy tinh thần trách nhiệm, nó kéo tay Sađaep lên đường. Suốt quãng đường lên đến huyện lỵ, anh không trao đổi với con bé - kẻ áp giải không thể mua chuộc của anh - thêm một lời nào nữa, như thể mối nguy hiểm của cơn dông vừa qua không hề làm hai người xích lại gần nhau chút nào.


Trước rạng đông anh trốn khỏi nhà giam huyện, và một tuần sau anh làm việc như một người gác rừng.
Các vùng miền nam đang trở thành đồi trọc cả, vì trong lãnh thổ của Sađaep dưới mỗi cây đều có một tên lâm tặc. Bọn lâm tặc này hung dữ ghê gớm trong việc bảo vệ cái quyền cướp rừng của chúng. Chúng tóm cổ người tiền nhiệm của Sađaep, thọc một cái sào qua các ống tay áo của anh ta, và tống anh ta đi lang thang ngang dọc khắp khu rừng. Khu rừng này vốn là một khu rừng rậm, hoang, từ thời xưa đã mang tiếng dữ vì những lời đồn đại rằng đến mùa thu, những hòn đá trong rừng thì ca hát, và những cây thông thì chạy từ chỗ này sang chỗ khác. Không có ai sống trong rừng, nên Sađaep nhận lấy chỗ trống. Sađaep đã làm cho người ta sợ vì bộ dạng quái đản của anh. Những kẻ ăn cắp vặt chắc sẽ không có việc làm và con cái chúng không có gì để ăn nếu không có chuyện xảy ra là một buổi tối khi anh đang ngồi chân trần bên một con mương ngắm nhìn lũ cung quăng bơi lượn trong nước, thì một bụi rậm rẽ ra và từ đó bước ra một anh dân quân mặc đồng phục mang theo một tờ lệnh bắt Sađaep. Sađaep cười và đi vào trong trạm gác để đi giày. Khi người dân quân nóng ruột đi theo anh vào, thì thấy trong trạm gác không có ai ngoài một con cú mà Sađaep đã thương hại mang từ trong rừng về hôm trước. Con cú đứng trên bàn và nhìn trừng trừng vị đại diện nhà nước, anh ta chùn lại choáng váng vì sự xúc phạm này. Sađaep đã tan biến trong bóng tối của rừng sâu.

Đây, đêm đầu tiên của cuộc đời lang thang của anh trôi qua trên một chồng gỗ. Đánh thức anh dậy là một con gián chui vào lỗ mũi nở rộng của anh. Một con chim lao như tên bắn trong không trung, và một loại chim gõ kiến đầu đỏ đã chán gõ vào thân cây, đang chăm chú quan sát vị khách mới đến. Sađaep nhớ lại sự việc ngày hôm trước và phá ra cười những con người kỳ cục cứ viết mãi về tội lỗi của anh mà không biết chán. Nhưng tội lỗi vốn thích kéo bè kéo cánh. Ngoài cái tội liên quan đến món nợ chưa trả, và ăn một cách trái phép tờ thông báo, nay lại thêm tội không chịu trình diện trước tòa án; và khi đã bỏ chạy và lẩn trốn như thế này, thì rõ ràng anh đã vĩnh viễn tự tách mình ra khỏi thế giới. Thế là kẻ lang thang ra đời.
Anh ta không còn  ở nơi nào nhất định, mà liên tục di chuyển. Anh cứ đi, và người ta cứ viết. Không ai quan tâm đến bản thân Sađaep, người ta chỉ quan tâm đến những tội lỗi của anh. Lâu lâu, chán với cảnh trơ trọi một mình một bóng vô cồng rồi nghề, anh kiếm một công việc; mùa hè thì chăn cừu, mùa đông thì làm một chân bưu tá trong huyện, mùa xuân anh đóng bè gỗ, và mùa thu tôi gặp anh trên sông nơi tôi đi tìm thứ cỏ diệu kỳ của tuổi thơ mà tôi không biết tên. Có lẽ tôi cũng bị cám dỗ bởi tiếng đập nước kỳ thú. Từ ngọn đồi nhỏ đi xuống, tôi gặp Sađaep; khi anh ta gắng sức làm điều gì trông anh ta như một người phù thủy. Anh đang nằm trên bè gỗ một tay giữ một khúc gỗ và tay kia cầm chiếc môi gỗ hình thù kỳ dị, lâu lâu lại đập chúng xuống nước. Nửa giờ sau khi chúng tôi đã thăm dò đủ về nhau và anh đã tin rằng tôi không có ý định thi hành pháp luật đối với anh, trong lúc mổ mẻ cá mới câu được, anh cười giải thích với tôi cách anh tìm bắt cá trê. Trong những ngày yên lặng, tiếng đập nước của anh vang đi rất xa. Lũ cá trê tò mò về loại tiếng động này kéo nhau đến gần, và giống như chịu một hình phạt về tội tò mò, chúng kéo nhau vào nằm trong nồi xúp của Sađaep.
Chúng tôi ngồi bên đống lửa. Trên bờ sông dốc đứng che phủ bởi những cây anh đào, cây dương tươi tốt, mùa hè đỏ ối buồn bã đang ở vào đoạn cuối cùng tàn tạ của nó. Khói làm  cay mắt tôi, và chả biết cái gì cứ bắt tôi phải liên tục ném cành cây khô vào lửa. Trong cuộc trò chuyện cực kỳ kiệm lời, Sađaep không nói một lời nào về người đàn bà Mônđavi của anh, nhưng tôi thấy dường như anh luôn nghĩ về chị ta, và một ngày nào đó, trang trọng và hiền lành, anh bước vào sân nhà chị trong khi chồng chị đang điên cuồng chửi bới một con lợn. Anh đứng đó một lúc, khiến người chồng cảnh giác chú ý, rồi anh bỏ đi mãi mãi. Tuy nhiên Sađaep không hề xác nhận những hình ảnh phỏng đoán ấy của tôi.
“Một năm nữa, tôi sẽ thành quỷ hoàn toàn, một con quỷ thật sự!” người lang thang nói một cách nặng nhọc, và tôi có cảm tưởng anh đã là thế rồi – hiện thân của một thành kiến mọc sừng. “Một con quỷ, thật đấy! Cậu có thể bước đi xuyên qua người nó, còn nó chỉ cười…”
Nồi cá đã chín, nhưng chỉ có một chiếc thìa. Tôi lên đường, tuy chưa tìm thấy lá cỏ của mình. Ngày trở nên mờ tối, cây cối trông buồn bã, con đường tím ngát màu hoa tử đinh hương, và các cánh đồng đầm đìa ướt. Tôi thấy dường như tôi không nghi ngờ gì về chuyện tôi sẽ gặp một người cưỡi ngựa phóng ngang qua tôi, tay giơ cao tờ giấy về Sađaep, trong đó chỉ thị khâu bó anh ta vào một chiếc chiếu và gửi anh về huyện để thẩm vấn. Lúc đó, tôi hầu như tin vào cái truyền thuyết của người mujich về một con gấu, rằng trước mắt kẻ chứng kiến, gần mép rừng, nó đi ra, cúi chào cái cây mà nó đã sống trong đó cả đời, rồi cứ thế đi mãi vào rừng sâu âm u không bao giờ quay trở lại.






 Bản Tiếng Việt ©: 2009 Hiếu Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét