Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Libya: Arabic Spring


Arabic Spring: Libya

 

 1. Tắm máu ở Libya: Sự Bất lực của Phương Tây                                                                                              SPIEGEL

  2. Trận đánh vì Al-Bayda: Cuộc chiến đấu vì Tự do chống lại Xe tăng, Lính đánh thuê và Bom. SPIEGEL

  3. Gaddafi và cái nhẹ nhõm không thể chịu nổi của khủng hoảng                                                         SPIEGEL

  4. Tại sao Gaddafi sống sót được qua cuộc nổi dậy Libya ?                                                                          TIME

   5. Hỗn loạn và mơ hồ trong hàng ngũ lãnh đạo cách mạng Libya
    SPIEGEL

  6.  SPIEGEL phỏng vấn người đứng đầu NATO Rasmussen: “Không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Libya”                                                                             SPIEGEL

7. Sự sụp đổ của Gadhafi - Kẻ độc tài không có tương lai                               SPIEGEL                                                                          

8. Đánh chiếm Tripoli - Cuộc tấn công vũ bão kết liễu ách thống trị của Gadhafi
SPIEGEL

9. Những tiếng nói Tripoli: một người hầu bàn, bác sĩ, kỹ sư, và chủ tiệm phản ứng với cuộc Cách mạng        WORLDCRUNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Tắm máu ở Libya

Sự Bất lực của Phương Tây

Carsten Volkery từ London

SPIEGEL, 22/02/2011

http://www.spiegel.de/international/


Ảnh: Reuteur
Lên án bạo lực ở Libya đang phổ biến ở các thủ đô Phương Tây. Nhưng tên độc tài Moammar Gadhafi không tỏ dấu hiệu gì có vẻ dừng cuộc đàn áp dã man những cuộc biểu tình trong nước này. Phương Tây đơn giản không có tác dụng gì ở Libya.

Các chính khách Phương Tây những ngày gần đây chắc chắn đã không bối rồi tìm lời. Họ đã lặp đi lặp lại những lời lên án sắc nhọn những cuộc tấn công man rợ do quân đội Libya và lính đánh thuê nước ngoài vào những người biểu tình ở Bengazi và Tripoli.
“Cuộc tắm máu không thể chấp nhận được” này phải chấm dứt, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton yêu cầu. Các quyền phổ biến về tự do ngôn luận và tự do hội họp cũng áp dụng cả ở Libya, bà nói. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle lặp lại những lời bình luận của bà, nói rằng “nếu Libya tiếp tục dùng bạo lực chống lại nhân dân của chính nó, các đòn trừng phạt sẽ trở nên không tránh khỏi.”
Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron, người trở thành người đứng đầu chính phủ đầu tiên ở Phương Tây đến thăm Cairo sau khi tổng thống Hosni Mubarak sụp đổ, cũng tố cáo như thế đối với bạo lực đang tiếp diễn, ông nói “Tôi cực lực lên án những gì tôi đã thấy ở Libya, nơi mà mức độ bạo lực do chế độ dùng đàn áp nhân dân là hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Nhưng Phương Tây thật sự có thể đạt được gì? Cho đến nay sự phẫn nộ tập thể bằng mọi cách của các quan chức chính phủ ở Châu Âu và Bắc Mỹ đã có tác dụng rất ít. Cuộc chiến tranh được phát động trên các đường phố Libya bởi Moammar Gadhafi chống lại chính nhân dân của hắn đang tiếp diễn. Một lần nữa bạo lực nổ ra trên khắp đất nước hôm thứ Ba.
Những ai quen với chế độ  Gadhafi không hề ngạc nhiên: Phương tây, nói cho cùng, có rất ít ảnh hưởng ở Libya. Nguồn dầu mỏ giầu có làm cho nước Bắc Phi này độc lập ở mức độ lớn và các quan hệ quốc tế từ lâu đã khó khăn, đặc biệt với Mỹ. Trong khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã có tác động nhất định với quân đội Ai Cập trong các cuộc biểu tình ở đó, thì Washington it có liên hệ với Tripoli. Quả thật nước này đã có nhiều năm nằm trong danh sách đen các nước trợ giúp khủng bố. Mãi đến 2008 quan hệ ngoại giao mới được tái lập.
Chưa bao giờ từng nói chuyện với Gadhafi
“Chúng tôi không có các quan hệ cá nhân ở mức độ cao. Theo chỗ tôi biết, Tổng thống Obama thậm chí chưa bao giờ từng nói chuyện với Đại tá Gadhafi,” David Mack, một cựu quan chức ngoại giao cao cấp phụ trách Libya nói với Washington Post. Hiện thời, Hoa Kỳ thậm chí không có đại sứ ở Libya. Vị đại sứ cuối cùng đã được triệu hồi tạm thời sau vụ rò rỉ WikLeaks.
Điều đó không chỉ làm cho việc đánh gá tình hình ở Libya thêm khó khăn, do thiếu những thông tin đánh tin cậy. Chính phủ Mỹ hiện nay còn buộc phải dựa vào các đồng minh châu Âu của nó để gây áp lực với Libya. Nhiều nước EU có những quan hệ tích cực với Gadhafi, đặc biệt như một phần cuộc hợp tác khu vực giữa các nước vùng Địa Trung Hải.
Nhưng EU một lần nữa, đang chia rẽ trong các quan điểm của nó. Vào hom thứ Hai, các bộ trưởng ngoại giao EU nhóm họp ở Brussels đã mạnh mẽ lên án cuộc đàn áp thẳng tay của chế độ đối với những người biểu tình. Nhưng họ không thể nhất trí về bất kỳ hinh phạt nào. Yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt do Phần lan và các nước Scandinavia khác đưa ra đã bị bác bỏ.
Italy bác bỏ các hình phạt.
Iialy nói riêng đã phản đối các hình phạt bởi vì chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi không muốn gây nguy hiểm cho các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với nước thuộc địa cũ của nó. Nó cũng lo lắng về làn sóng tị nạn mới từ Bắc Phi. Gadhafi đã đe dọa sẽ mở cửa các biên giới nếu EU ủng hộ những người biểu tình. Điều đó được thấy như một lời đe dọa rỗng tuếch ở Brussels, bởi vì Gadhafi đã mất kiểm soát đất nước, nhưng Italy vẫn cứng rắn trong việc phản đối trừng phạt.
EU đang nói về về áp đặt một lệnh cấm gia đình Gadhafi vào khối 27 nước, và đóng băng các tài sản của chính phủ Libya ở nước ngoài. Chính phủ Đức tin rằng những biện pháp như thế có thể được nhất trí mà không cần Italy ủng hộ. “Chúng ta phải thừa nhận rằng không phải mọi người đều muốn thể hiện mình theo cùng một cách vào lúc này,” Westerwelle nói. Điều quan trọng hơn đối với các đối tác của EU là nhất trí trên một ngôn ngữ rõ ràng,” ông nói thêm.
Tuy nhiên rât có thể là những hình phạt được đề nghị không gây ấn tượng với nhà độc tài. Trong tình rạng thiếu một lập trường chung của EU, nhiều chính phủ đang cố gắng gây áp lực qua những kênh song phương. Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague nói với người con trai thứ hai của Gadhafi là Saif al-Islam Gadhafi, yêu cầu chấm dứt đổ máu. Chính phủ Anh là một trong những quan hệ chủ yếu của Libya ở Phương Tây từ thời Tony Blaire, Thủ tướng Anh vào thời gian đó, đã đến thăm Gadhafi năm 2004 nâng một cách có hiệu quả thân phận hạ đẳng của lãnh đạo Libya và bảo đảm sự hợp tác của ông ta trong cuộc chiến chống Islamist khủng bố.
Trong những năm gần đây, con trai của Gadhafi là mối liên hệ quan trọng giữa hai chính phủ. Anh ta có một ngôi nhà ở London, vào khoảng giữa lứa tuổi 30 và đang học tiến sĩ ở Trường Kinh tế London (LSE) từ năm 2003 đến 2008. Anh ta được coi như một người bạn với Phương Tây và một nhà cải cách, và anh ta vận động trong các giới cao cấp ở London. Những mối quan hệ của anh ta gồm có Hoàng từ Andrew, Đại diện đặc biệt của Anh tại Thương mại và Đầu tư Quốc tế, và cựu Bộ trưởng Kinh tế Anh Peter Mandelson. Blair thậm chí còn gọi Gadhafi-con là một người “bạn của gia đình.”
Kêu gọi Liên Hiệp Quốc áp đặt vùng cấm bay trên không phận Libya.
Nhưng Saif al-Islam dường như đã quay ngoắt trong sự phản ứng với cuộc nổi dậy. Các nhà quan sát London khó có thể tin vào tai của mình khi anh ta tuyên bố trong một bài nói hôm chủ nhật rằng gia đình Gadhafi sẽ chiến đấu “đến viên đạn cuối cùng.” LSE phản ứng lại bằng cách nói rằng nó sẽ trả lại khoản hiến tặng chính từ Quỹ Gadhafi. Cựu cố vấn nghiên cứu của Saif, giáo sư chính trị học nổi tiếng David Held, nói ông “kinh hoàng” về bài phát biểu đó, và rằng sinh viên cũ của ông đã trở thành “kẻ thù của những lý tưởng mà anh ta đã từng tuyên bố.”
Những báo cáo gần đây từ Libya gợi cho thấy rằng chế độ này sẽ bám chặt lấy đường lối cứng rắn của nó. Ibrahim Dabbashi, phó đại sứ Libya tại Liên Hiệp Quốc yêu cấu những hình phạt quyết liệt hơn chống nước ông ta. Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt vùng cấm bay trên Libya để ngăn những cuộc không kích chống những người biểu tình và phá vỡ sự cung cấp cho quân đội. Dabbashi là một trong mười hai nhà ngoại giao đã hăng hái ủng hộ cuộc nổi dậy chống Gadhafi.
Hội đồng Bảo an sẽ họp hôm thứ Ba. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã có cuộc điện đàm 40 phút với Gadhafi hôm thứ Hai và yêu cầu ông ta ngừng các cuộc tấn công vào những người biểu tình - nhưng vô hiệu. Vấn đề bây giờ là Gadhafi có thể duy trì cuộc chiến tranh chống lại nhân dân của ông ta bao lâu nữa.




2. Trận đánh vì Al-Bayda
Cuộc chiến đấu vì Tự do chống lại Xe tăng, Lính đánh thuê và Bom.
Matthias Gebauer in Al-Bayda, Libya
SPIEGEL 26/02/2011
 http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,747909,00.html

Photo Gallery: The Battle for Libya
Ảnh: AFP
Nó đã trở thành một biểu tượng của cuộc chiến đấu chống nhà độc tài Libya Moammar Gadhafi: những người biểu tình ở thành phố miền bắc Al-Bayda đương đầu với bọn lính đánh thuê, xe tăng và bom, nhưng không chịu khuất phục. Hàng chục người chết, nhưng những người bị thương nói họ sẽ trở lại mặt trận nếu cần thiết.

Vào lúc 9 giờ 30 sáng thứ Sáu Abdel Aziz Abdallah biết rằng con trai ông đã chết. Người đàn ông 55 tuổi này nhận được một cú điện thoại từ một người quen có những một liên hệ với chế độ đang lung lay của nhà độc tài Moammar Gadhfi. Người quen đó cho biết con trai Abdallah là Farj, mới 23 tuổi, chết trong bệnh viện ở Tripoli. Thi thể anh sẽ sớm được đưa về thành phố quê hương Al-Bayda để chôn cất.
Abdallah đang cầm tấm ảnh con trai ông khi những người khách đầu tiên đến cái garage nhỏ của gia đình sau những buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu. “Nó còn trẻ,” ông nói về con mình, “nhưng nó đã chết cho sự nghiệp chính nghĩa. Nó là một người hy sinh vì tự do.”
Bayda là một thành phố nhỏ trên bờ biển Địa trung Hải, trong một khu vực của đất nước mà những người dân bắt đầu gọi là “phần tự do của Libya.” Chế độ Gadhafi đã mất toàn bộ kiểm soát phần đông-bắc đất nước và những người nổi loạn đã thắng thế.
Said, bạn thân nhất của Farj đang nằm bệnh viện ở Bayda, chân anh bị thương nặng do đạn từ một khẩu súng máy. Bác sĩ ngồi cạnh giường anh, một người Palestin, không có tin tốt nói ông không chắc có giữ được chân cho anh ấy không. Khi Said biết tin bạn anh đã chết, anh gận điên lên. “Chế độ này đã giết bạn tôi,” anh gào lên. “Chúng nó đã giết anh ấy trong bệnh viện.”
Farj và Said đã chiến đấu trên tuyến đầu chống chế độ Gadhafi khi họ bị bắn gục. Vào hôm thứ Sáu cách đây một tuần, hai anh đang tham gia vào một cuộc biểu tình ở Bayda với 23 người bạn khác thì họ nghe thấy một tin đồn gây lo âu. Một chiếc máy bay vận tải khổng lồ Ilyushin đã hạ cánh ở sân bay mang đến 400 lính đánh thuê người Phi. Những người biểu tình hiểu ngay nhiệm vụ của bọn lính đánh thuê này là gì. Như chúng đã làm ở nhiều thành phố khác, đơn vị lính đánh thuê được trả lương cao này đàn áp dã man những người biểu tình, nếu cần chúng bắn bừa vào đám đông. Farj và Said lao ngay ra sân  bay.
“Chắc chắn chúng tôi sẽ chiếm được Tripoli”
Ba ngày sau khi chiếc Ilyushin hạ cánh, là ba ngày đẫm máu ở Bayda; nó là một trận đánh đã trở thành biểu tượng cho cuộc nổi dậy của Lybia. Mặc dầu rõ ràng phải chọi với đối thủ mạnh hơn là bọn lính đánh thuê được trang bị nặng, sau đó được yểm trợ bằng xe tăng, những người biểu tình đã đánh hạ bọn chúng và chiếm lại sân bay có tầm quan trọng chiến lược vào hôm thứ Hai. Từ đó, trận chiến đấu giành Bayda đã trở thành chứng cớ cho nhiều người thấy rằng trên thực tế có thể đạt được các mục tiêu của các đối thủ của chế độ. “Nếu chúng tôi có thể bảo vệ được Bayda chống lại bọn tay sai của chế độ,” Said nói trên giường bệnh của anh, “thì chắc chắn chúng tôi có thể chiếm được Tripoli, cho dù có phải hy sinh nhiều sinh mạng.”
Những dấu vết của cuộc chiến đấu ác liệt ngổn ngang trên ga đi của sân bay địa phương. Trên sân ga đầy những vỏ đạn, những vỏ thùng vũ khí, và những bộ quân phục đẫm máu của bọn lính đánh thuê người Phi. Giữa hàng trăm vé lên máy bay và va li, người ta có thể thấy những vệt máu từ những người chết và bị thương. Áo vec tông, nón mũ và giầy từ bọn lính của Gadhafi nằm la liệt giữa những cuộc băng sơ cứu bị xé toang. Các bức tường lỗ chỗ những vết đạn - bên dưới cửa sổ là những thùng đạn rỗng, nhiều thùng chứa đạn pháo, mang những hàng chữ Nga.
Thế giới cám ơn Abdul Kadr vì đã phổ biến tin tức về trận đánh trên sân bay. Người sinh viên trẻ này sống trong một thị trấn nhỏ không xa sân bay - và anh đã quay phim trận đánh suốt ba ngày đêm. Từ những nóc nhà và trên những đường phố, anh quay những đoạn phim về chiếc máy bay Ilyushin đậu xuống sân bay để đưa bọn lính đánh thuê đến mặt trận. Mặc dầu bị rung, một đoạn phim ngày thứ Bẩy vừa qua thể hiện một máy bay phản lực chiến đấu Libya gầm rú trên bầu trời Bayda - và một đoạn khác cho thấy rõ chiếc phản lực thả một quả bom xuống gần sân bay. Một đoạn video khác quay một chiếc trực thăng bắn vào đám đông biểu tình.
Bằng chứng đáng tin cậy
Kadr không ngủ suốt ba ngày đêm của trận đánh. Ngồi trong phòng khách của cha mẹ anh, Kadr mô tả những chiếc xe tăng lao vào bắn phá các tòa nhà bên ngoài sân bay. Nhiều ngôi nhà trong làng anh bị bắn và bốn người bị giết. Kadr biết đoạn video của anh có tầm quan trọng thế nào. Khi phóng viên đầu tiên của đài BBC đến làm phim ở Bayda trong những ngày sau trận đánh, Kadr đã đưa những hình ảnh của anh và yêu cầu công bố chúng. Chỉ mấy giờ sau, đã có thể xem chúng từ các màn hình máy tính trên toàn thế giới. Nó là bằng chứng đáng tin cậy đầu tiên về sự dã man của Gadhafi giáng xuống nhân dân của hắn. Nó là bằng chứng đáng tin cậy đầu tiên rằng chế độ độc tài đã bỏ bom xuống đầu chính nhân dân của nó.
Said là người duy nhất trong số các bạn bè đã sống sót qua trận đánh trên sân bay. Khi họ là những người đầu tiên đến sân bay với hàng trăm những người nổi dậy khác, chỉ vũ trang bằng gậy gỗ và roi sắt, bọn lính đánh thuê xả súng máy bắn vào họ. Said ngã ngay còn những người khác thì cố gắng đột chiếm các cửa. Bị thương và bị sốc, Said trông thấy bạn mình là Farj bị bắt tại cổng sân bay. “Chúng bắn vào chân anh và kéo lê anh đến nhà ga,” anh nói. Từ lúc đó, Farj và những người bạn còn lại của Said đã mất tích. Said cho rằng họ bị đưa đến Tripoli bằng máy bay.
Ngày hôm sau, Said theo dõi sát cuộc chiến đấu trên sân bay qua điện thoại. Hết lần này đến lần khác, anh gọi những người quen hỏi về tin tức cuộc chiến đấu, có thể nghe thấy dễ dàng trong thành phố cách đó năm kilômet. Said nói rằng những tên lính đánh thuê tiếp tục bắn vào những người biểu tình từ tòa nhà của sân bay, thậm chí dùng vũ khí hạng nặng để chống lại những người nổi dậy vũ trang sơ sài. Hai lần chúng cố tiến đến thành phố bằng xe tăng. Nhưng những người biểu tình chặn chúng lại và chiếm những chiếc xe. Bây giờ họ đốt những  chiếc xe nặng nề đó trên con đường giữa sân bay và Bayda, lá cờ của những người nổi dậy đang bay trên những tòa nhà có tháp nhọn của chính phủ, từng là biểu tượng sức mạnh của chế độ cũ.
“Tôi không chết”
Hàng chục người chết trong trận đánh vì Bayda và hàng trăm người bị thương. Thậm chí các bác sĩ trong bệnh viện đa khoa không biết chắc số người chết là bao nhiêu, nhưng họ ước lượng có đến 70 người đã thiệt mạng. Said ở chung phòng bệnh với nhiều người bị thương nặng khác. Một người mất một con mắt sau khi bị một viên đạn sạt qua, một người khác bị bắn vào bụng.
Nasr Awad quấn băng dầy và đẫm máu ở tay và chân. Các bác sĩ muốn mổ lại vào buổi tối và chuẩn bị cắt bỏ những ngón tay một người khác 37 tuổi. Tuy nhiên Awad nói anh sẽ trở lại trận chiến đấu nếu cần thiết. “Nếu cuộc cách mạng này không thắng lợi,” anh nói, “chúng tôi chỉ có thể dấn tới và giết lẫn nhau.”
Cuộc điện thoại từ Tripoli gọi tới cuối cùng đã cung cấp cho Said tin tức chắc chắn về số phận của Farj bạn anh. Nhưng anh nung nấu một nghi ngờ mới. Các bác sĩ từ bệnh viện đa khoa ở thủ đô đã gọi những người nổi dậy ở Bayda những tin tức đáng lo ngại. Said nói, các bác sĩ cho biết những đơn vị trung thành với Gadhafi đang dồn những người chống Gadhafi bị thương lại một chỗ, để họ không thể báo cáo về hành động hung ác của chế độ. Said chắc chắn một trong những đơn vị đó đã giết bạn anh.
“Người ta không chết vì một viên đạn bắn vào chân,” anh nói, “rốt cuộc, tôi không chết.”


3. Gaddafi và cái nhẹ nhõm không thể chịu nổi của khủng hoảng
Một người ủng hộ Gaddafi cầm poster nhà lãnh đạo Libya tại một cuộc biểu tình ở Tripoli, 7/3/ 2011
Ảnh: Christopher Morris / VII gửi cho TIME


Tôi gọi điện cho một người cố vấn kinh doanh ở thủ đô Libya và mời anh ta đến gặp tôi tại một tiệm ăn mà năm ngoái chúng tôi đã có một bữa trưa thoải mái ở đó. Đáp lại tôi là một điều mà tôi chưa hề nghe trước đó: kinh hoảng. “Vivienne,” anh ta nói, đứt hơi và lắp bắp. “Tôi không thể nói chuyện với anh. Họ đang bắt những người nói chuyện với người nước ngoài. Cuộc nói chuyện của chúng ta đang bị nghe trộm. Các e-mail của chúng tôi không hoạt động,” ông nói, rồi thốt ra những lời xin lỗi, rồi tạm biệt.
Tình hình Tripoli là thế đấy. Khi cuộc nổi dậy ba tuần của quần chúng chuyển thành cuộc nội chiến toàn lực, thành phố 1,6 triệu người này dao động giữa nỗi sợ hãi điên cuồng và cái bình thường buồn tẻ. Không thể nào đoán được ngày mai, ngày kia hoặc cuối tuần sau cuộc sống của họ sẽ trở nên trầm trọng đến mức nào, chỉ có nỗi sợ và sự ghê tởm về thảm họa đang dâng cao, tuy nhiên có một cảm giác rằng bạo lực dữ dội ở phía tây và phía đông Tripoli đang mở ra cách nào đó ở một nước khác.
Theo một nghĩa, đó là một nước khác. Tripoli, trung tâm kinh tế và chính trị của Lybia, và thành lũy của Muammar Gaddafi từ khi ông ta tiếm quyền cách đây gần 42 năm, nay đang có cái yên tĩnh siêu thực của mắt bão trong một thảm kịch toàn cầu ngoại cỡ. Gaddafi đang trốn trong khu biệt điện của ông ta ở vùng ngoại ô phía Tây Tripoli, hằng ngày mạo hiểm ló đầu lên truyền hình, hoặc đứng trên đỉnh tường phòng hộ của Lâu đài Đỏ ở khu trung tâm thương mại, thề nghiền  nát các nước phương Tây và các chiến binh al-Qaeda mà ông ta khăng khăng gán cho là đang dẫn đầu cuộc nổi dậy.
Dọc theo bến cảng mát mẻ của Tripoli, những người đánh cá vẫn đang bán mẻ cá đánh được trong ngày. Ở khu vực tầng lớp trung lưu sinh sống, vẫn có những vụ kẹt xe, khi người ta đi mua sắm mọi thứ từ đôi giày chơi quần vợt đến điện thoại di động. Tuy nhiên công việc kinh doanh tiến triển chậm như rùa, hàng ngàn người không làm việc nhiều tuần liền, vì hầu như tất cả những người từ nước ngoài đến đều đã rời nước này. Điều đó khiến cho Tripoli có cái vẻ lừ đừ chậm chạp đánh lừa. Trong một khu một nhóm thanh niên đá bóng trên sân. Trong một khu khác, một người lính cho một thằng bé 3 tuổi toe toét cười nắm lấy nòng khẩu súng Kalashnikov của anh ta để chụp ảnh.
Tuy nhiên cách Tripoli về phía Tây khoảng một giờ xe chạy, binh lính Gaddafi nã súng tới tấp vào các vị trí của những người nổi dậy ở Zawiyah, một thành phố 200.000 dân gần một khu lọc hóa dầu quan trọng cách Tripoli khoảng 30 dặm. Nhiều người bị giết và hàng trăm người bị thương trong năm ngày nã pháo và bắn nhau trong thành phố này, khi các lực lượng của chính phủ đánh một trận ác liệt để chiếm lại thành phố từ tay những người nổi dậy. Trận đánh giành một thành phố gần như nằm trên ngưỡng cửa thủ đô của Gaddafi đã trở thành mảnh đất thử thách chủ yếu đối với khả năng chế độ này sống sót qua cuộc nổi dậy. Đài truyền hình nhà nước Libya đêm thứ Ba báo cáo rằng một chỉ huy quân đội ở Zawiyah, Thiếu tướng Khaled Shahma, đã chạy sang phía nổi dậy, khiến người ta nghĩ rằng chính phủ vẫn đang phải đối phó với cuộc kháng cự mạnh mẽ mặc dầu lực lượng chiến đấu của nó mạnh hơn.
Vào lúc 11 giờ 15 đêm, đoàn xe hộ tống Gaddafi gầm rú trên lối vào khách sạn trung tâm Tripoli trong đó có 120 nhà báo nước ngoài được chế độ đặc biệt mời đến. Gaddafi bước ra, nắm tay ông ta vung vít trong không khí vẻ đắc thắng khi ông xuất hiện qua cửa quay, mỉm cười sung sướng khi ông ta được các camera truyền hình và các phóng viên vây quanh. Đây là một màn kịch, tất nhiên: các đoàn phóng viên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp có lịch phỏng vấn ông ta sẽ đến bất kỳ địa điểm nào mà ông ta hẹn gặp. Ngược lại, Gaddafi, bận chiếc áo choàng đen mùa đông và chiếc turban màu vàng sa mạc, chọn cách xuất hiện lộ diện công khai, như thể muốn nói, “Tôi vẫn là chủ thành phố này.”
Hơn nữa, khi chiến tranh đến gần Tripoli trong gang tấc, thủ đô không lộ ra một cảm giác gì là đang bị bao vây - ít ra là ngoài mặt. Vào sáng thứ Ba có những đoàn người xếp hàng dài bên ngoài mấy lò bánh mì mới mở lại, một số lò đã đóng cửa khi những công nhân nước ngoài của chúng, phần lớn là người Phi, bắt đầu từng đoàn lũ lượt rời bỏ Libya khi bạo lực lên, và khi Tripoli bùng nổ trong mấy ngày qua trong những lẽ hội nổ trời - vâng, lẽ hội; vì Gaddafi tuyên bố trên truyền hình quốc doanh Chủ nhật trước rằng trận đánh đã thắng và những người nổi loạn đã thất  bại.
Rõ ràng không bị thuyết phục bởi cái nhìn lạc quan của lãnh đạo Brotherly, một số cư dân nói họ đang chuẩn bị tinh thần cho những chuyện tồi tệ nhất, ngay khi cái bề ngoài có vẻ vững. “Mỗi ngày qua cuộc khủng hoảng lại giảm đi” Rajab Yamani, một giáo sư phụ khoa tại đại học Y Tripoli, nói khi ông chờ mua  một túi bánh vòng tại một khu gần khu thương mại. “Lo lắng không phải về ngày mai, hay ngày kia, mà về lâu dài,” ông nói thêm rằng có nỗi lo sâu sắc về việc cuối cùng Libya sẽ ra khỏi khủng hoảng như thế  nào. “Vấn đề là tâm lý.”
Nhưng những người khinh thường chiến tranh có lẽ giống như huýt còi trong bóng tối. Ngay bên dưới bề mặt đó, có những dấu hiệu ở khắp nơi cho thấy đây là một thành phố biết đông cứng đúng lúc.
Về một việc, chính phủ cắt tất cả mọi kết nối Internet trên  toàn cõi Libya vào thứ Năm tuần trước khi nó phát động cuộc tấn công vào Zawiyah. Mạng tin nhắn văn bản Mobile-phone đã ngừng hoạt động trong nhiều tuần, khi chính phủ mưu mô cắt đứt liên lạc giữa những lực lượng chống chính phủ.
Trong hành lang tòa tháp Buji al-Fatah, nơi ở của Ban Quản lý Đầu tư. (Tài sản của cơ quan này bị Mỹ và các nước EU phong tỏa tuần trước) quầy báo, có lẽ là cái tốt nhất ở Tripoli, vẫn còn giữ được những bản Financial Times, the International Herald Tribune và tạp chí TIME. Nhưng nhìn kỹ hơn: tờ ra gần nhất ghi ngày 16 tháng Hai - một ngày cuộc nổi dậy nổ ra sau những cuộc biểu tình phản đối ở Benghazi. Sau đó, người Libya đã không thể mua được một tờ báo in liên quan đến cuộc nổi dậy trong nước họ. Số tạp chí Business Post gần nhất còn có ở Libya là số từ tháng Hai, những bài báo đặc biệt về dịch vụ hạng thương nhân mới trên các chuyến bay Air France từ Tripoli - đình chỉ cách đây ba tuần - và một nhà máy điện chạy bằng sức gió lớn ở thành phố phía đông Darna, nay nằm trong vùng do những người nổi dậy chiếm giữ.
Tờ tạp chí ấy lúc này trông như một di tích cổ - nhưng bởi vậy, cư dân đã quen với những di vật, sống trong một thành phố cách các thành phố cổ ngoạn mục của La Mã - Leptis Magna và Sabratha không xa. Trong bảo tàng cổ tích Red Castle Salah al-Agab, cục trưởng khảo cổ Tripoli nói các bộ sưu tập đồ tạo tác của cổ La Mã, có niên đại hàng ngàn năm trước, có những bài học chủ chốt cho cư dân thế kỷ 21, những người hằng ngày tấp nập kéo về bên ngoài những bức tường đá của Red Castle, để hô những khẩu hiệu sùng bái Gaddafi. “Từ pháo đài này bạn có thể thấy Libya đã đối mặt với nhiều âm mưu trong mọi thời,” al-Agab nói hôm thứ Ba khi đứng trước lối vào tòa nhà cũ . “Chúng tôi hy vọng tất cả mọi người có thể cùng làm việc để tìm ra một giải pháp cho vấn đề này.” Ngay cả trong lúc những người ở Tripoli vẫn tiếp tục tỏ ra không quan tâm, nín thở và hy vọng điều tốt nhất.



4.Tại sao Gaddafi sống sót được qua cuộc   nổi dậy Libya?
TIME.  16/3/ 2011

http://www.time.com/time/world/article/0,8599,2059233,00.html?xid=newsletter-weekly

Những người nổi dậy Libyan hướng đến mặt trận ở Ajdabiyah 14/3/ 2011
Ảnh: Patrick Baz / AFP / Getty Image


Khi các lãnh đạo G-8 còn đang tranh cãi về một vùng cấm bay trên Libya vào hôm thứ Ba, thì thủ đô nước này bùng ra những cuộc ăn mừng bão táp sau những báo cáo rằng các lực lượng của Muammar Gaddafi đã chiếm lại Ajdabiyah, thành phố then chốt do lực lượng nổi dậy chiếm giữ, trở ngại cuối cùng trên con đường đến thành phố nổi loạn Benghazi. Câu hỏi có thể sớm đặt ra trước cộng đồng quốc tế là: Nếu Gaddafi thành công trong việc dập tắt cuộc nổi loạn và vẫn nắm được chính quyền thì sao?
Cách đây hai tuần các nhà báo đổ bộ xuống Tripoli, mình mặc áo giáp, sẵn sàng chứng kiến các lực lượng nổi dậy đắc thắng tiến vào. Trong khoảng thời gian ấy, Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Nicolas Sarkozy đều đã tuyên bố đây là thời gian Gaddafi phải ra đi, tin tưởng rõ ràng rằng sự sụp đổ của ông ta sau 42 năm cầm quyền là sắp xảy ra. Những lời tuyên bố này nâng cao hy vọng của những người theo phương Tây trong số lãnh đạo cuộc nổi dậy và những chiến sĩ nghèo khổ của họ, nhưng không có gì trong những tuyên bố ấy xảy ra. Khi các lãnh đạo phương Tây vẫn còn kẹt trong những cuộc tranh luận chưa có hồi kết, về cách đáp trả thế nào, thì các lực lượng của Gaddafi đã đánh bật quân nổi loạn về đến tận Benghazi. Bây giờ, những người nổi dậy đối mặt với thảm họa đang rình rập.
 Vào hôm thứ Hai, khi các lãnh đạo nhóm G-8 đang họp ở Paris vẫn còn đang bế tắc về một vùng cấm bay, thì truyền hình nhà nước Libya đã nói các lực lương của Gaddafi tái chiếm Ajdabiyah một thành phố giao ở giao lộ miền đông Libya, một ngày sau khi pháo kích nạng nề và bắn tên lửa từ những tàu chiến, máy bay và bộ binh, theo phóng viên địa phương của al-Jazeera. Điều đó lôi kéo những người ủng hộ Gaddafi xuống đường trong nhiều giờ để chào mừng bằng bắn súng và bắn pháo hoa, trong khi các tài xế bấm còi inh ỏi hồi lâu sau khi bóng đêm đổ xuống. Trước đó các lực lượng của chính phủ cũng đã giành lại được Zawarah, hành phố cuối cùng phía tây Tripoli do quân nổi loạn chiếm giữ.
Lebanon, được Pháp và Anh hậu thuẫn, hôm thứ Ba đã trình ra Hội đồng Bảo an giải pháp áp đặt vùng cấm bay, nhưng nếu Ajdabiyah thất thủ, thì có thể giải pháp này đã là quá muộn để cứu vãn cuộc nổi dậy. Thành phố này nằm ở điểm xuất phát của hai con đường cao tốc, một con đường ngoằn ngoèo chạy lên phía Bắc đến Banghazi, con đường thứ hai cắt sang phía đông đến cảng dầu khí Tobruk gần Ai cập do quân nổi dậy chiếm giữ . Các lãnh đạo cuộc nổi dậy bác bỏ lời tuyên bố của chính phủ rằng các lượng của Gaddafi đã tái chiếm Ajdabiyah. Nhưng khi bóng ma thất bại đang lù lù hiện đến, những người nổi dậy đối mặt với một lựa chọn khắc nghiệt là nên chạy ra vùng biên giới Ai cập hay nên cố thủ chờ một trận đấu đẫm máu để kết thúc ở Benghazi.
Mặt khác, triển vọng của Gaddafi sống sót qua cuộc nổi dậy kéo dài hàng tháng trời dường như được củng cố vững chắc. Với thắng lợi trong tầm tay, một Gaddafi tự tin nói chuyện với một tập hợp những người đứng đầu bộ lạc và những người ủng hộ khác trong cung điện của ông ta đêm thứ Ba tuần trước, và nổi giận đối với “chủ nghĩa đế quốc” của các lãnh đạo phường Tây. “Các người bảo Gaddafi sắp sửa rời khỏi đất nước” ông ta gầm lên, đấm mạnh nắm tay xuống bàn chửi  Hoa Kỳ và Anh. “Chúng muốn thôn tính Libya, chúng muốn chiếm dầu mỏ của chúng ta. Ai cho chúng cái quyền đó?”
Nếu ông ta đánh bại những người nổi dậy,  ông ta có thể trả đũa một cách khốc liệt những thành phố phía đông, với việc bắt bớ tràn lan và có thể giết hại những người dẫn đầu cuộc nổi dậy. Ngoài ra vẫn chưa rõ phương tây sẽ xử lý Libya như thế nào, nơi mà Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và các công ty dầu phương Tây đã đầu tư nhiều tỷ đô la. Trong một cuộc phỏng vấn tại Tripoli hôm thứ Năm vừa qua, Saif al-Islam, con trai có thanh thế của Gaddafi nói với TIME rằng anh ta tin rằng các công ty đó sẽ nhanh chóng tìm cách quay trở lại Libya. “Chẳng bao lâu họ sẽ quay lại và tiếp tục những cuộc đàm phán, những hợp đồng dầu mỏ” anh ta nói. “Chúng tôi biết trò chơi này.” Nhưng cha anh ta hôm thứ Ba nói rằng dưới ánh sáng của những phản ứng của các chính phủ phương Tây đối với cuộc nổi dậy, chỉ có Đức - nước này kiên quyết phản đối áp đặt vùng cấm bay - sẽ được phép kinh doanh ở Libya.
Mặc dầu chiến tranh chưa kết thúc, người Libya đã sẵn sàng tranh luận tại sao các kẻ thù của Gaddafi đánh giá cao sức mạnh của những người nổi loạn đến thế. Một số người nói rằng các lãnh đạo cuộc nổi dậy và các chính phủ phương Tây đã xét đoán cực kỳ sai lầm khả năng sống sót của Gaddafi, một bài tập có lẽ trong lối suy nghĩ nặng về mơ tưởng. Nằm kẹp giữa Tunisia và Ai cập, nơi mà những cuộc nổi dậy hòa bình đã đánh đuổi các nhà độc tài của nước họ, Gaddafi là kẻ đã cai trị lâu hơn nhiều so với các láng giềng của ông ta, dường như đã rõ ràng là một mục tiêu kế tiếp. Saif và các nhân vật quan trọng khác đã thừa nhận rằng chế độ này được bảo vệ rất kém và cần có một thời gian để định ra chiến lược quân sự của nó. Tuy nhiên, một khi họ làm được điều đó, lòng can đảm trong chiến trận của họ sẽ áp đảo quân nổi loạn. “Cách hiểu của phương Tây là rất, rất ngu” Mustafa Fetouri, giám đốc chương trình M.B.A tại Học viện nghiên cứu ở Tripoli người đã có nhiều thập kỷ sống ở châu Âu nói. “Họ đã đánh bạc sai cửa và đã có một sai lầm không lồ, ngu xuẩn.”
Fetouri nói, một sai lầm quan trọng của các lãnh đạo phương Tây là đã không thấy được tầm qua trọng của mạng lưới chằng chịt những bộ lạc trung thành của Libya, đã giữ được quyền lực cho Gaddafi trong hơn bốn thập niên - một thành tựu ngoạn mục, nếu ta nhớ đến nhiều âm mưu ám sát và nhiều năm Libya bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi trong những cuộc cấm vận kinh tế khắc nghiệt. Nhiều liên minh bộ lạc có từ nhiều thập niên trước những cuộc nổi loạn đẫm máu chống các lực lượng thực dân Italia trước Thế Chiến II, và thậm chí một số lãnh tụ bộ lạc vốn hận thù Gaddafi vì đã không cung cấp hay cắt bỏ đặc quyền đặc lợi của họ vẫn lao vào bảo vệ ông ta một khi các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Benghazi trở thành một cuộc nổi loạn vũ trang. Fetouri nói về những người đó: “Họ sẽ chết cho Gaddafi, bởi vì ông ta thuộc về bộ lạc của họ.”
Gaddafi tăng cường các lực lượng của ông ta bằng cách thu hút những người tình nguyện sẵn sàng chiến đấu để giữ thống nhất Libya, một cảm giác được củng cố khi những người nổi dậy lấy lá cờ của Vua Idrid al-Sanousi, triều đại cũ của Libya, bị Gaddafi lật đổ trong cuộc đảo chính năm 1969. Lá cờ đó, Fetouri nói, biểu thị nỗi thống khổ mà nhân dân tôi đã sống như những con bù nhìn của Phương Tây” Ông nhắc đến một người bà con của ông - một người ủng hộ Gaddafi - đã đi 400 dặm (640 km) để gia nhập các lực lượng của chính phủ chống quân nổi loạn, anh ta đã lái xe từ vùng Bani Walid thủ phủ của bộ lạc Warfalli phía đông nam Tripoli, từ lâu đã là một cơ sở vững chắc ủng hộ Gaddafi. Fetouri, người nói rằng bản thân ông đã say sưa tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ trước khi chúng chuyển thành một cuộc nổi loạn vũ trang, đã hỏi người bà con của mình tại sao anh ta “chiến đấu cho Gaddafi.” Ông nói người kia trả lời “đây là cho Libya, không phải Gaddafi.”
Trên Quảng trường Xanh của Tripoli, nơi những người ủng hộ ngoan cố của Gaddafi tập hợp sôi nổi 24/24, với những chiếc loa oang oang các bài ca yêu nước suốt ngày đêm, một biểu ngữ chăng ngang qua hai cây trong tuần này, tuyên bố với lãnh đạo, bằng tiếng Anh. “Tất cả chúng tôi sẵn sàng hy sinh vì ngài.” Có vẻ như chẳng cần gì đến những hy sinh to lớn mới giữ được chính quyền cho Gaddafi.


5. Hỗn loạn và mơ hồ trong hàng ngũ lãnh    đạo cách mạng Libya
(Chaos and Uncertainty in Libya's Revolutionary Leadership)
http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,754035,00.html
Juliane von Mittelstaedt và Volkhard Windfuhr
SPIEGEL, 30/03/2011

Photo Gallery: Back and Forth in the Desert
Ảnh: REUTERS
Cộng đồng quốc tế đang dùng không kích và tên lửa để bảo vệ các lý tưởng tự do, nhân quyền và dân chủ ở Libya. Nhưng phải chăng bản thân những người nổi loạn cũng đang chiến đấu cho những giá trị đó.
Tổng tham mưu trưởng cách mạng Libya tiếp các vị khách trong một tòa biệt thự không xa sân bay Benghazi. Khi cuộc nổi dậy bắt đầu, Abdul Fattah Younis được hoan hô trên đường phố vì đã cho lính của ông cướp căn cứ quân sự của thành phố, nhờ đó tước quyền kiểm soát của Moammar Gadhafi đối với phần phía đông của đất nước.
Bây giờ, Younis đã tìm thấy nơi trú ngụ ấm êm trong một phòng khách với những tấm rèm thêu kim tuyến và thảm nhung lộng lẫy. Khi viên tướng này muốn biết điều gì đang xảy ra ngoài kia, ông xem kênh truyền hình tiếng A rập của đài BBC và gọi các phụ tá trên một điện thoại vệ tinh. Đó là mối liên kết của ông với thế giới bên ngoài, một mối liên kết ông sử dụng để giúp đỡ những cuộc không kích của Mỹ và Pháp, mà ông theo dõi đường đi trên một bản đồ với những vị trí tiền tiêu mới.
Ngày mai, Younis sẽ ngủ trong một ngôi nhà khác nữa với vợ của ông và đứa con gái, đang ngồi im lặng bên cạnh ông. Những ngày này, Benghazi là nơi trú ẩn của những đội quân của cả hai bên, cả quân nổi dậy lẫn những người trung thành với Gadhafi. Những phát súng chọc thủng màn đêm yên lặng. Khi mặt trời lên, các nhà xác vả các phòng cấp cứu đầy ngập người.
Vốn là bộ trưởng Nội vụ của Libya, Younis lãnh đạo cuộc chiến đấu chống Gadhafi từ ngày 22 tháng Hai. Cho tới thời điểm đó, người đàn ông 66 tuổi rắn chắc với mớ tóc bạc trằng đã dùng gần hết toàn bộ cuộc đời mình phục vụ cho nhà độc tài. Và vì lý do đó, sự đào ngũ của ông đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc cách mạng này. Lúc này, đóng bộ quân phục dã chiến màu xanh lá cây, ông tự xưng là tổng tham mưu trưởng. Đây không phải là cuộc cách mạng đầu tiên của ông, do đó ông biết rằng bây giờ mọi sự phụ thuộc vào các lãnh đạo quân sự hơn là các chính khách.
Tạo dáng để chụp ảnh
Các lực lượng đặc biệt của Younis đã biến mất, hoặc bỏ chạy hoặc lao ra mặt trận. Bây giờ, ông đang tập hợp một đạo quân để giải phóng Libya. Ông nói, các phụ tá của ông đã huấn luyện 15.000 người trong mấy tuần qua. Trong sân vận động Banghazi, họ tập bắn, phóng tên lửa và lái tăng. Họ được học để tránh những sai lầm trong những ngày đầu cách mạng, khi những chiến sĩ trẻ - được gọi là Shabab - vô tình giết lẫn nhau, phá tan những xe tăng bắt được, và bắn rơi máy bay của quân mình. Mặc dầu Younis đã nói nhiều về những người lính này trong nhiều tuần nhưng vẫn có rất ít khác biệt so với tình trạng hỗn loạn ban đầu. Ngay cả với sự yểm hộ của không kích, các tiến bộ đã dừng lại và tạm thời. Họ dường như thích thú với việc tạo dáng để chụp ảnh bên xác những chiếc xe tăng hơn.
Từ khi các cuộc không kích bắt đầu, cuộc cách mạng này đã trở thành một cuộc chiến tranh có sự trợ giúp của nước ngoài được hợp pháp hóa bằng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và, kể từ tuần lễ đó, lãnh đạo bởi NATO. Các máy bay phương tây, dù là của Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha hay Canada, đã bay hàng trăm chuyến, bỏ bom các đoàn xe vận tải các căn cứ quân sự, các đoàn xe tăng và những dinh thự quan trọng ở Tripoli của Gadhafi.
Đó là một quyết định đạo đức, có ý nghĩa giúp đỡ nhân dân vùng lên chống một trong những nền độc tài man rợ nhất trong thế giới A rập. Nhưng không có đường quay lui. Nếu phương Tây có ý định giải phóng đất nước này khỏi ách độc tài của nó, thì thật sự chỉ có ba lựa chọn: tiêu diệt các lực lượng của Gadhafi bằng những cuộc ném bom ồ ạt; gửi lực lượng mặt đất đến, hoặc trang bị cho quân nổi dậy vũ khi hạng nặng. Những người nổi dậy đã bác bỏ thương lượng hòa bình với Gadhafi.
Đối với cộng đồng quốc tế, can thiệp vào xung đột ở Libya là nhằm bảo vệ những giá trị cơ bản của tự do, nhân quyền và quyền tự quyết. Nhưng vấn đề là: Phải chăng tất cả những người có tiếng nói ở Benghazi cũng quan tâm đến tự do, nhân quyền và quyền tự quyết như thế?
Một kẻ cơ hội?
Lần đầu tiên Tướng Younis tham gia vào một cuộc cách mạng là năm 1969, trong một cuộc nổi dậy chống lại nhà vua. Lúc đó ông là một sĩ quan 24 tuổi, và ông đánh chiếm thành công đài phát thanh Benghazi. Cuộc cách mạng đó đã mở lối cho Đại tá Gadhafi lên nắm chính quyền, một người đã tự gọi mình là “vua của các vua truyền thống của châu Phi.”
Younis lên đến cấp tướng. Trong 41 năm, ông đã đứng đầu các lực lượng đặc biệt Libya, từ cuối một cuộc cách mạng đến đầu một cuộc cách mạng khác. Ông là một người trung kiên hiếm hoi trong một đất nước cai trị bởi một nhà lãnh đạo hoang tưởng, kẻ nhìn thấy kẻ thù ở khắp mọi nơi. Trong ba năm rưỡi qua, Younis còn là bộ trưởng nội vụ, và nhiều người coi ông là người mạnh thứ hai trong nước sau Gadhafi. Tuy nhiên, ông nói, ông không bao giờ là chính khách, và trong bốn tháng rưỡi, ông đã từ chối nhận cương vị ấy. Ông nói, ông chỉ chịu nhận với điều kiện rằng ông sẽ không bao giờ bắn vào nhân dân ông.
Tuy nhiên vẫn có nhiều người không tin Younis, đặc biệt là thanh niên Libya, những người coi ông như một kẻ cơ hội đã chờ sáu ngày trước khi trở cờ. Nhưng có lẽ Younis quả thật đã chán ngấy Gadhafi. Có lẽ ông thật sự muốn trở thành anh hùng trong cuộc chiến tranh giải phóng này chăng?
Younis nhắc lại việc ông đã gửi một bức thư cho Gadhafi trong tháng Giêng cảnh báo ông ta về tình trạng bất bình trong nước và về nỗi tức giận bị kích bởi sự tăng vọt gia thực phẩm. Ông nói Gadhafi gửi trả lại bức thư đó cho ông trong đó nội dung bị gạch chéo bằng bút đỏ. Một bức thư cảnh báo - đó là hình thức phản đối của Younis.
Bây giờ Younis là người cách mạng lần thứ hai - nhưng, lần này ông nói ông đấu tranh cho dân chủ. Khi được hỏi ông ủng hộ kiểu dân chủ nào, Younis nói: “Tôi mơ ước về một nền dân chủ chính hiệu trong đó người Libya chúng tôi có thể hưởng một cuộc sống năm-sao. Libya kiếm được 150 tỷ $ (106 tỷ €) từ dầu mỏ trong một ngày. Và thử nhìn xem tình trạng của Benghazi ra sao!”
Cuộc chiến đấu có thể kéo dài nhiều tháng
Younis tin rằng thiết lập một nền dân chủ ở Libya không khó khăn chút nào cả. “Chúng tôi không có đảng chính trị nào, không có những dân tộc thiểu số linh tinh và các tín ngưỡng tôn giáo khác,” ông  nói, “cho nên chuyện đó sẽ hoàn toàn không thành vấn đề.” Một khi ước mơ của ông đạt được, ông nói thêm, ông có ý định rút khỏi đời sống xã hội và dùng thời gian của mình để đọc sách.
Tuy nhiên, có lẽ sẽ còn lâu trước khi Younis có thể đặt dấu tay của mình lên danh mục các sách cần đọc. Tiền đặt cược của Gadhafi vô cùng cao. Ông ta không dễ dàng sớm từ bỏ và cuộc chiến đấu sẽ có thể kéo lê nhiều tháng.
Lúc này, có vẻ như binh lính của Gadhafi khó có khả năng chiếm Benghazi, thành trì của cuộc nổi dậy. Nhưng cũng giống như những người nổi dậy không có khả năng chiếm Tripoli. Thật ra, nếu nhân dân thủ đô không nổi dậy, cuộc chiến này sẽ kéo dài.
Nhưng Younis vẫn lạc quan. “Trong hai hay ba tuần nữa,” ông nói, “cán cân quyền lực sẽ nghiêng về phía chúng tôi” Ông nói về các đường tiếp viện, về các vị trí và những người bắn tỉa - tất cả trong khi cố làm toát ra cái vẻ điềm tĩnh của một nhà quân sự chuyên nghiệp. Ông không sợ gì hơn một sự ngừng đột ngột các cuộc không kích, bởi vì ông tin rằng nó sẽ khiến cho cuộc kháng chiến bị nghiền nát.
Nhưng, ông tuyên bố nếu như chúng vẫn tiếp tục, thì thành phố quê hương của Gadhafi sẽ bị chiếm trong nhiều nhất là 10 ngày, và Tripoli chẳng bao lâu sẽ theo sau. Younis chỉ tin cuộc chiến sẽ kết thúc một khi Gadhafi chết hoặc bỏ trốn, có lẽ đến Chad ở miền bắc. Ông đoán cơ hội cho điều sau xảy ra là 75 phần trăm.
Điều gì xảy ra sau đó thì tùy theo dự đoán của mọi người. Libya là mảnh đất không chính trị. Không có chính đảng hay công đoàn nào, và hình thức tổ chức chính trị cao nhất là các câu lạc bộ bóng đá. Cái duy nhất mà đất nước này có thể nhớ đến là tầng lớp lãnh đạo đặc quyền đặc lợi xung quanh Gadhafi và con cái ông ta.



Phần 2: Một không khí sợ hãi đang lớn lên ở Benghazi
Thật ra, sau sáu tuần cách mạng, tiếng nói không còn được cất lên bởi tuổi trẻ, các luật sư và giáo sư như từ lúc ban đầu nữa, mà còn cả một số lượng đang tăng lên những kẻ đào ngũ từ chế độ cũ. Phần lớn những người này, mặc sơ mi là phẳng và đeo ca vat, là những bộ trưởng, đại sứ, sĩ quan quân đội hay thương gia, và nhiều người trong số họ có quan hệ với Saif al-Islam, một trong những người con của Gadhafi. Tất cả bọn họ có cuộc sống tốt đẹp dưới chế độ Gadhafi, và bây giờ muốn tận dụng những gì còn sót lại. Từ khi các cuộc không kích bắt đầu, đã rõ rằng Gadhafi đang đến hồi kết thúc. Thế là họ quay sang tuyến đầu.
Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya được thành lập trong những ngày đầu cách mạng coi như sẽ được thay thế bằng một chính phủ. Ngay bây giờ có những người đã tự xưng là bộ trưởng mà không thể giải thích được ai đã bổ nhiệm họ. Cuộc nổi dậy có những phát ngôn viên báo chí, đến lượt những người này có người phó của mình. Tại trung tâm truyền thông ở Benghazi, một người đàn ông chạy lăng xăng, đeo huân chương quân công của cha trên ngực, người khác đưa ra những cạc vi dit điểm vàng. Cuộc cách mạng này bề ngoài có vẻ đã đẻ ra một mạng lưới vô tận các quan chức cả thực lẫn ảo, và it ai biết họ làm gì hoặc liệu họ có chút ảnh hưởng thực tế nào không.
“Các bộ trưởng mới nên nhận những nhiệm vụ phù hợp với năng lực của họ, nhưng lúc này tôi không có tư cách để nói chính xác điều đó nên như thế nào,” Ahmed Khalifa, một phát ngôn viên của quân nổi dậy có bộ tóc mầu sáng với chiếc áo cộc tay đính khuy vàng nói. Mỗi ngày ở trung tâm truyền thông Benghazi, Khalifa đọc con số người chết, bị thương và bị bắt, cùng với tên của các địa điểm diễn ra những sự kiện đó.
Khalifa nói, những bộ trưởng này, là những chuyên gia - giáo sư, luật sư và doanh nhân - từ khắp đất nước, nhưng cũng sẽ có cả những người từ nước ngoài đang trên đường về nước. Tuy nhiên. Tên của họ vẫn còn là bí mật. “Bây giờ mà công bố họ ra là coi như tự sát,” Khalifa giải thích. Tuy nhiên, khi được hỏi chính xác bí mật nào chính phủ nên giữ, thì anh không có câu trả lời. Về sự khác nhau về chất giữa hội đồng quốc gia tự phong và một chính phủ tự phong, anh nói, “Hội đồng Quốc gia có nhiều đặc tính chung hơn, trong khi chính phủ chuyên môn hơn.”
Thẳng từ các cuộc cách mạng xô viết.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, có tin rằng rốt cuộc sẽ không có một chính phủ. Thay vào đó, Hội đồng Quốc gia sẽ chuyển thành một “hội đồng xử lý khủng hoảng.”
Trong khi đó, một tổng thống tạm và một thủ tướng tạm đã yên vị, cả hai tranh đua vào chức vị đó. Thủ tướng mới là Mahmoud Jibril, công việc của ông là lãnh đạo cái chính phủ có thể tồn tại hay có thể không tồn tại. Jibril đã tốn nhiều thời gian đi công du nước ngoài, đã gặp Bernard-Henri Lévy và Nicolas Sarkozy ở Pháp, và Tổng thư ký Liên minh A rập Amr Moussa và các lãnh đạo quân sự Ai cập ở Cairo. Ông kia, người mà nhân dân gọi là “tổng thống mới của chúng tôi” là Mustafa Abdel-Jalil, chủ tịch của Hội đồng Quốc gia.
Một việc đoàn kết hai ông này lại là cả hai đều là những người đã phục vụ chế độ cũ một thời gian dài. Jiril là một quan chức kinh tế, còn Abdel-Jalil là bộ trưởng tư pháp.
Abdel-Jalil đội một chiếc mũ len đỏ và các ve của chiếc áo khoác bằng len của ông găm những màu sắc cách mạng. Những người lính gác cửa của ông mặc đồng phục may vội và đeo băng đạn ở thắt lưng. Một tấm thảm cầu nguyện được gấp để trên bàn và cái bướu do cầu nguyện trên trán Abdel-Jalil chứng tỏ ông là một tín đồ Hồi giáo sùng đạo. Ông không cạo râu, mắt ông khép hờ mệt mỏi, và đang trả lời phỏng vấn từng đợt mười phút một. Những câu ông nói có thể đã được lấy ra thẳng từ một quyển sổ tay hướng dẫn cách mạng xô viết. “Hội đồng Quốc gia được hợp pháp hóa bởi các ủy ban địa phương bao gồm những người cách mạng trong các thành phố và làng mạc được giải phóng,” ông tuyên bố.
Nghe Abdel-Jalil nói, cứ như thể việc những người nổi dậy giành quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước chỉ là vấn đề về các chi tiết kỹ thuật. Ông đã gặp đặc phái viên của Liên Hiệp Qưốc, và, Abdel-Jalil nói, gần như tất cả các nước trên thế giới đã thiết lập quan hệ với ông. Ông tin rằng các lực lượng của ông sẽ chiếm Tripoli trong vài tuần lễ, và nói các lãnh đạo đang trong quá trình đi đến một ý tưởng nơi nào cần phải thực hiện ngay việc gì - về y tế, cơ sở hạ tầng và tái thiết những công trình xây dựng bị hư hại. Cho đến nay họ mới đạt được rất it, và việc quản lý thành phố, các trường học, các đại học và sản xuất dầu đã phải đình đốn cả.
Được hỏi bao giờ sẽ tổ chức các cuộc bầu cử, vị tổng thống trả lời, “Chúng tôi không quan tâm đến những chi tiết đó.”
Những mối liên hệ tốt đẹp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Ngồi gần Abdel-Jalil là một người mặc bộ com lê màu sô cô la tên là Ali al- Essawi, 44 tuổi, cựu bộ trưởng kinh tế và gần đây là đại sứ ở Ấn Độ. Bây giờ ông ta tự nhận là bộ trưởng ngoại giao, mặc dầu hoàn toàn không rõ tại sao - có lẽ vì ông là người duy nhất ở đây biết nói tiếng Anh. Ông nói ông đã có mối liên hệ tuyệt vời với Tổ chức Y tế Thế giới.
Hầu hết những người chỉ huy ở đây đều là con của chế độ cũ, và điều đáng hỏi là họ muốn tạo ra một nhà nước loại nào. Có thể là nền dân chủ sẽ chiếm ưu thế sau 41 năm ở nơi mà chính trị bị cấm đoán? Hay cuối cùng cách mạng sẽ thất bại, ngay cả khi nó thắng lợi trong việc đánh đổ Gadhafi? Và có lẽ điều nguy hiểm nhất cho tất cả: Có thể đất nước này, lên kết vội vã bởi sức mạnh dưới thời Gadhafi, cuối cùng sẽ tan rã, trở lại thành những bộ phận hợp thành của nó, những bộ lạc, những băng nhóm tội ác, các tướng lĩnh và các nhóm Jihad, được vũ trang tốt bằng vũ khí phương Tây?
Ahmed Khalifa, phát ngôn viên tự nguyện, nói cả 30 bộ lạc của Libya đã thề ủng hộ Hội đồng Quốc gia, trừ bộ lạc của Gadhafi. “Nhân dân Libya đoàn kết,” anh nói. “Chúng tôi có nhiều người ủng hộ ở Tripoli khi chúng tôi  ở đây. Không có sự chia rẽ giữa đông và tây, chắc chắn không có!” Khi nói đến đoàn kết dân tộc, Khalifa nói rất chắc chắn. Và không thể tìm thấy một ai nhìn sự vật theo cách khác.
Trên khắp miền đông đã được giải phóng, các buổi phát thanh của quân nổi dậy phát đi cả những thắng lợi tưởng tượng và những câu chuyện khủng khiếp. Đầu tiên chúng nói Khamis al-Gadhafi đã bị giết bởi một phi công cảm tử, và Ras Lanuf và Misrata “80 phần trăm” bị bắt lại. Một buồi phát thanh khác nói 2.000 công nhân nước ngoài ở Ai Cập bị trói và bị ném xuống cảng, trong khi một phóng sự khác lại tường thuật rằng cũng chính những người ấy bị dùng làm bia đỡ đạn. Một video hiện tại đang lưu hành khẳng định những thành viên của lữ đoàn Khamis bắt những lính đánh thuê châu Phi ăn thịt chó chết. Chắng có tin nào có thể kiểm chứng.
Bên bờ vực sụp đổ
Sáu tuần sau khi cuộc cách mạng bắt đầu, Benghazi, thủ đô tự do của Libya đang rơi xuống ngờ vực và sợ hãi. Ngày càng nhiều cửa hiệu đóng cửa, và phần lớn người dân không còn dám cho số điện thoại của họ nữa. không ai muốn nói một điều gì ngoài những câu cách mạng cửa miệng - không nói điều gì chống lại những người nổi dậy và không điều gì chống chính phủ ở Tripoli. Một trong nhiều tin đồn nói Gadhafi có những gián điệp nằm trong Hội đồng Quốc gia - nếu không tại sao chính những người trẻ bây giờ lại đang bị giảm bớt?
Một nhà biếm họa và một diễn viên giễu nhại Gadhafi tại một cuộc biểu tình nay đã chết. Mohammed Nabbous, người điều hành đài truyền hình của quân nổi dậy bị một tên lính bắn tỉa giết chết hôm 19/3 ở giữa Benghazi khi anh quay phim cảnh một chiếc phản lực cơ chiến đấu của Gadhaafi bị bắn rơi. Fathi Turbel, viên luật sư mà việc ông bị bắt làm xúc động những người cách mạng khi thanh niên biểu tình đòi thả ông, đã biến mất.
Ban đêm không ai dám ra ngoài , vì những vòng súng máy bắn ầm ầm xuyên qua những đường phố trống rỗng. các thành viên Hội đồng Quốc gia không còn thấy xuất hiện trước công chúng nữa và rất khó tiếp cận họ để xin phỏng vấn. “Có những đội tử thần ở cả hai bên,” Nasser Buisier, trốn sang Mỹ khi mới 17 tuổi, nhưng đã trở về tham gia cách mạng, nói. Cha của Buisier là cựu bộ trưởng thông tin, nhưng cũng là một người phê phán Gadhafi, và con trai ông không có nhiều điều tích cực để nói về hàng ngũ lãnh đạo mới. “Phần lớn bọn họ không bao giờ phải hy sinh, họ là một phần của chế độ và tôi không tin họ muốn có những cuộc bầu cử,” Buisier nói. Anh tin Hội đồng Quốc gia đang trên bờ vực sụp đổ và một khi điều đó xảy ra, tốt hơn hết là anh không ở Benghazi.
Buisier sắp sửa trở lại Mỹ, nhưng không muốn nói chính xác khi nào. Anh sợ anh bị vào sổ đen. Gần đây anh đã dự bốn đám tang liền trong một ngày, cả của những người nổi dậy và những người ủng hộ chế độ. Bệnh viện trung tâm Benghazi nhận vào năm, đôi khi 10, bệnh nhân mỗi ngày với những vết thương do đạn bắn. Hai xe tải nhỏ không mui trang bị súng máy gác ở cửa vào bệnh viện và các bức ảnh người mất tích dán trên các bức tường.
“Chúng tôi biết bọn chúng ở đâu”
Nghe nói có 8.000 người ở Benghazi là gián điệp của chính phủ - những người nổi dậy thấy tên của họ trong những hồ sơ do công an chìm giữ. Những người trẻ tuổi có vũ trang đi lang thang trong thành phố ban đêm, bắt những người ủng hộ chế độ, nhưng cũng xảy ra cả những vụ trả thù cá nhân nữa.
Salah Sharif, một người gác tù cũ, vừa mới được tìm thấy bị chết với nửa đầu bị thổi bay đi. Chính thức, anh ta bị coi là tự sát. “Tất nhiên là hắn bị giết,” một người đàn ông ngồi bẩy năm trong tù và chịu khổ nhục dưới tay Sharif nói. “Hắn chuyên môn tra tấn và hỏi cung người ta. Đặc biệt là những người Islamist.”
Khoảng 100 người trung thành với chế độ gần đây đã bị ngồi tù. Những thanh niên vũ trang đang tìm nhà và cũng đang bắt những người Phi hạ Sahara, bắt kỳ ai bị họ coi là lính đánh thuê và bất kỳ người nào đơn giản bị họ gán cho là gián điệp, nhốt họ vào một nhà giam chung trước đây dùng để giam những người chống đối. Sau đó họ được đưa ra khoe với một xe những nhà báo. Những người tù ngồi trong các xà lim tối sặc sụa mùi phân và nước tiểu. Họ nói họ từ Mali, Chad, Sudan đến, rằng họ là những công nhân xây dựng và bị lôi ra khỏi nhà.
Tâm trạng của những người nổi dậy, hoan hỉ hả hê và vô tư lự những ngày đầu, nay đã thay đổi. Những tiếng nói hùng hồn của họ nay ngày càng trở nên căng thẳng, và họ gạt bỏ mọi lời chỉ trích như tuyên truyền. Một cựu chỉ huy không quân - bây giờ là người phát ngôn cho các lực lượng vũ trang cách mạng” - nói, “bất kỳ ai chiến đấu chống lại quân đội cách mạng của chúng tôi là đang chiến đấu chống lại nhân dân và sẽ bị xử lý thích đáng.”
Một người khác, cũng là thành viên Hội đồng Quốc gia, nói về “những kẻ thù của cách mạng” và tuyên bố rằng bất kỳ ai không tham gia vào phía những người nổi dậy sẽ được nếm luật pháp cách mạng: “Chúng tôi biết chúng ở đâu và chúng tôi sẽ tìm ra chúng.”
Đây cũng chính là những lời đe dọa, hết lời này đến lời khác, mà Gadhafi dùng để hăm dọa các kẻ thù của hắn.
Ella Ornstein và Josh Ward dịch từ tiếng Đức



 
6.  SPIEGEL phỏng vấn người đứng đầu NATO Rasmussen
“Không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Libya”
SPIEGEL, 13/04/2011

http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,756575,00.html
Photo Gallery: NATO's Libya Conundrum
Ảnh: AP
Ngay cả sau nhiều tuần không kích của NATO, cuộc xung đột ở Libya không có vẻ gần được giải quyết. SPIEGEL nói chuyện với Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen về liệu bom có thể dẫn đến nền dân chủ được không, khả năng Libya trở thành một nhà nước yếu và việc Đức không sẵn lòng can dự.

SPIEGEL: Thưa ngài Tổng thư ký, lãnh đạo quân sự của chính phủ nổi dậy Libya đã đưa ra những lời kết tội nghiệm trọng đối với NATO, họ nói rằng liên minh đã không đủ tích cực trong những đợt không kích đánh những đội quân trung thành với nhà độc tài Muammar Gadhafi và như vậy phần nào chịu trách nhiệm đối với cái chết của vô số dân thường. Vậy có phải NATO đang thất bại không?

Rasmussen: Tôi có thể bảo đảm với bạn rằng chúng tôi thực hiện đầy đủ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 1973 để bảo vệ thường dân Lybia. Quy mô và tốc độ của những hoạt động của chúng tôi vẫn cao. Chỉ riêng trong tuần đầu của chiến dịch của NATO chúng tôi đã bay hơn 1000 phi vụ. Chúng tôi đã phá hủy một phần ba bộ máy quân sự của Gadhafi. 

SPIEGEL: Bộ trưởng ngoại giao của hội đồng chuyển đổi Libya, Ali al-Issawi, nói rằng các vấn đề bắt đầu sau khi liên minh ban đầu - do Hoa Kỳ, Anh và Pháp dẫn đầu - chuyển quyền chỉ huy cho NATO. Theo Issawi, NATO đang cản trở thậm chí phản bội cuộc kháng chiến.

Rasmussen: Điều đó không đúng. Trong chừng mực nào đó, chúng tôi bị trở ngại vì thời tiết, điều đó đã tạo ra ấn tượng rằng chúng tôi đã thu hẹp quy mô chiến dịch của chúng tôi. Nhưng điều đó là không tránh được, và từ đó nó cũng đã thay đổi rồi. Bây giờ chúng tôi đang tiến hành số cuộc không kích  ít nhất cũng bằng trước đây.

SPIEGEL: Nhưng không nhất thiết với nhiều thắng lợi hơn. Và vẫn còn đó nguy cơ thường dân tử vong cao. Và phải chăng không có khả năng rằng Gadhafi có thể lợi dụng thường dân làm lá chắn?

Rasmussen: Vâng, bạn nói đúng. Ông ta đã thay đổi chiến thuật. Nhưng điều đó cũng chỉ cho thấy thắng lợi của chúng tôi. Bây giờ ông ta đã phải giấu xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác, ông ta không còn có thể sử dụng chúng để dễ dàng đánh lại dân thường nữa. Sự việc chế độ đang dùng người làm những lá chắn sống cũng cho thấy sự dã man không tưởng tượng nổi của nó. Gadhafi biết rằng chúng tôi phải làm mọi việc, và chúng tôi muốn làm mọi việc, để tránh thương vong cho dân thường, và ông ta lợi dụng điều đó.

SPIEGEL: Một số lãnh đạo cuộc bạo loạn đang khuyến khích các ngài chấp nhận cái “thiệt hại phụ” này và, nếu cần, đánh bom khu trung tâm của thành phố Misddurata đang giao tranh nếu bằng cách đó các ngài có thể làm cho các lực lượng của Gadhafi yếu đi một cách rõ rệt. Đó là một vấn đề chiến lược, hay đạo đức?

Rasmussen: Một số người trừng phạt chúng tôi vì cho rằng chúng tôi quá thận trọng, trong khi những người khác phê phán chúng tôi vì chúng tôi làm những gì chúng tôi đang làm. Đó thật là một tình huống khó xoay sở. Sứ mệnh của chúng tôi là bảo vệ thường dân. Dù sao, chúng tôi cũng không có người lính nào trên đất Libya.

SPIEGEL: Có thể thắng cuộc chiến tranh này mà không có lính đánh bộ không?

Rasmussen: Câu trả lời trung thực là không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này. Chúng ta cần một giải pháp chính trị, và nó tùy thuộc người dân Libya tìm đến một giải pháp như thế. Chúng tôi chỉ có thể kêu gọi giới lãnh đạo ở Tripoli chấm dứt những hành động bạo lực của họ, bảo đảm cho người dân của họ những quyền hợp pháp và tạo điều kiện cho một cuộc chuyển biến hòa bình đến dân chủ.

SPIEGEL: Điều gì xảy ra nếu Gadhafi không chịu làm theo những yêu cầu này? Có thể chăng ít nhất NATO tạo điều kiện cân bằng về vũ khí bằng cách  cung cấp xe tăng và tên lửa cho những người bạo loạn?

Rasmussen: Về chuyện đó thì tôi chỉ có thể nói được thế này: Chúng tôi có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc năm 1973. Nghị quyết này nêu rằng chúng tôi sẽ tham gia vào thực hiện lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya. Chúng tôi sẽ triệt để tôn trọng nghị quyết này. Đó là sứ mệnh của chúng tôi.

SPIEGEL: Tuy nhiên, mặc khác, Nghị quyết 1973 đã rõ ràng cho phép bảo về dân thường “với tất cả những phương tiện cần thiết.” Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox đã nói rằng trong thực tế Gadhafi có thể là một mục tiêu của các hoạt động. Một số chuyên gia luật quốc tế đồng ý.

Rasmussen:  Tôi sẽ không đi vào thảo luận về pháp lý. Chúng tôi đang tập trung vào việc thực hiện nghị quyết này.

SPIEGEL: Đây không phải chỉ là vấn đề cách hiểu pháp luật. Mối đe dọa lớn nhất đối với thường dân đến từ chế độ độc tài này, từ sự chuyên quyền của Gadhafi và bè lũ của ông ta. Làm thế nào có thể có một giải pháp ở Libya nếu Gadhafi và bè lũ của ông ta không rời khỏi đất nước hoặc bị bắt?

Rasmussen: Tất nhiên mối đe dọa chống lại thường dân đến từ chế độ Gadhafi. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng những hành động của chế độ này có thể là những tội ác chống nhân  loại. Và Gadhafi có thể bị xử về những tội ác như thế tại Tòa án Tội phạm Quốc tế.

SPIEGEL: Dựa trên tiêu chí nào mà ngài có thể gọi chiến dịch “Người bảo hộ hợp nhất” là một thắng lợi?

Rasmussen: Nếu chúng tôi thành công trong cố gắng chấm dứt bạo lực, thì sẽ không còn mối đe dọa đối với thường dân Libya nữa.

SPIEGEL: Chỉ thực hiện vùng cấm bay không thôi thì sẽ rất tốn kém. Những vùng như thế đã phải được duy trì nhiều năm ở các nước Balkan và Iraq.

Rasmussen: Tôi rất hy vọng chúng ta sẽ tìm được một giải pháp chính trị trong tương lai gần. Hậu quả xấu nhất có thể là một bế tắc về quân sự hay sự chia cắt xã hội Lybia trong thực tế, trong đó Libya sẽ trở thành một nhà nước yếu và mảnh đất tốt cho những nhóm khủng bố nảy nở, và nó lại rất gần với các biên giới Châu Âu.

SPIEGEL: Lúc này, có vẻ như một sự bế tắc về quân sự là một khả năng rất thực. Libya trên thực tế đã bị chia cắt. Liệu có thể có hoà bình trên một nước Libya bị chia cắt không?

Rasmussen: Rốt cuộc, nó phụ thuộc vào việc Liên Hiệp Quốc tìm được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này. Sự toàn vẹn lãnh thổ của Libya phải được duy trì.

SPIEGEL: Ông có hoan nghênh một cuộc ngừng bắn không? Liệu nó có phải gắn với những điều kiện?

Rasmussen: Nghị quyết Liên Hiệp Quốc kêu gọi một cuộc ngừng bắn. Nó phải là đáng tin cậy và có thể kiểm tra được. Việc bảo vệ thường dân phải được đảm bảo. Dù sao một cuộc ngừng bắn không thể hàn gắn được tình hình hiện tại. Trái lại nó phải tạo điều kiện cho một tiến trình chính trị có tính cách xây dựng.

SPIEGEL: Từ đâu các ngài có được những tọa độ cho các cuộc không kích - từ những người nổi loạn, là những người không phải luôn luôn đáng tin cậy, hay từ những điệp viên CIA trên mặt đất?

Rasmussen: Tôi không thể bình luận về những chi tiết của chiến dịch.

SPIEGEL:  Ngài có thể hình dung một tương lai cho Libya mà không phải toàn bộ phe nhóm của Gadhafi rời khỏi đất nước?

Rasmussen:  Thông điệp của Nghị quyết Liên Hiệp Quốc 1973 là rõ ràng: Bất kỳ giải pháp nào cũng phải tính đến nguyện vọng hợp pháp của nhân dân Libya.

SPIEGEL: Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rằng nếu người ta can thiệp vào Libya, thì những cuộc can thiệp vào những nơi rắc rối khác là không tránh khỏi. Phải chăng bà ấy sai?

Rasmussen: Bà Thủ tướng đã nêu lên một câu hỏi cần đến một câu trả lời thực tế. Cộng đồng quốc tế không thể giải quyết mọi vấn đề của thế giới. Chúng ta phải quyết định trên cơ sở từng trường hợp một. Một cuộc tàn sát đã có nguy cơ xảy ra ở Libya. Đó là lý do tại sao chúng ta, với tư cách cộng đồng quốc tế, phải hành động.

SPIEGEL: Không phải NATO mà một “liên minh của ý muốn” bao gồm Pháp, Anh và Hoa Kỳ, đã phát động những cuộc không kích đầu tiên đánh vào những vị trí của Gadhafi.

Rasmussen: Tôi rất ủng hộ sự vào cuộc nhanh chóng của liên minh đó. Đúng ra là các cuộc không kích đã bắt đầu vào phút cuối cùng.

SPIEGEL: NATO không thể đạt được sự đồng thuận nhanh chóng về cuộc can thiệp quân sự. Pháp đã phản đối NATO lãnh đạo sứ mệnh này và muốn bản thân họ đóng vai trò dẫn đầu, Đức từ chối dính líu về quân sự và Thổ Nhĩ Kỳ đã từ lâu cản trở một cuộc can thiệp.

Rasmussen:  Đã cần đến nhiều cuộc họp dài trước khi chúng tôi đi đến một quyết định chung. Nhưng so sánh với quá khứ, lần này chúng tôi đạt được thỏa thuận tương đối nhanh. Vào những năm 1990, khi NATO bắt đầu hành động ở vùng Balkan, liên minh đã phải mất nhiều tháng để chuẩn bị một chến dịch. Lần này chỉ mất một tuần.

SPIEGEL: Việc Đức bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 1973 đã phê phán rộng rãi. Các ngài gọi việc Đức chọn cách không để cho liên minh sẵn sàng sử dụng các khả năng quân sự của mình là “phi lý.”

Rasmussen: Tôi sẽ không bình luận về các cuộc thảo luận nội bộ trong Hội đồng NATO.

SPIEGEL:  Để đáp lại sự phê phán của các ngài, đại sứ Đức tại NATO đã ra khỏi phòng họp để phản đối.

Rasmussen:  Chúng tôi có nhiều cuộc họp dài trong Hội đồng NATO,  trong đó thường xuyên có nhiều người đến và đi. Điều quan trọng là cuối cùng chúng tôi đã nhất trí.

SPIEGEL:  Người Đức vẫn còn chờ đợi một lời xin lỗi.

Rasmussen:  Tôi không có bất kỳ vấn đề gì với người Đức.

SPIEGEL:  Ngài có thấy có một khuynh hướng hòa bình chủ nghĩa ở Đức không?

Rasmussen:  Tôi đánh giá rất cao đóng góp của Đức cho NATO. Khi tôi gặp các chính khách Berlin, dù họ ở cương vị chính trị nào, tôi cảm thấy một sự gắn bó mạnh mẽ với vai trò đối tác xuyên Đại Tây Dương. Đức đã rất tận tâm với các chiến dịch của NATO, đặc biệt ở Afghanistan, mà còn ở cả Kosovo nữa.

SPIEGEL: Bây giờ ngài đang vẽ nên một bức tranh toàn mầu hồng. Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã bỏ phiếu cho giải pháp Libya ở Hội đồng Bảo an, trong khi Đức cùng với Trung Quốc và Nga tránh. Làm sao điều đó nhất quán với sự gắn bó mạnh mẽ với liên minh xuyên Đại Tây Dương được?

Rasmussen: Cho dù Đức không bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an, là điều mà nhiều người thấy rất khó hiểu, vai trò của Đức trong việc theo đuổi các cuộc họp NATO là rất xây dựng. Berlin không phản đối sứ mệnh này. Trái lại, hiện nay nó vẫn phát lệnh cho phép Đức tham gia vào các chuyến bay do thám AWACS trên bầu trời Afghanistan.

SPIEGEL: Trong việc làm thế, Đức thực chất đã rút mình ra khỏi chiến dịch Libya. Mới chỉ hai tháng trước, Berlin còn từ chối tham gia vào một điệp vụ AWACS ở Afghanistan.

Rasmussen: Nhưng điều đó cũng làm nổi bật tính mềm dẻo của người Đức. Berlin làm ngơ ở Hội đồng Bảo an, nhưng ở NATO nó ủng hộ chiến dịch Libya và nhận nhiều trách nhiệm hơn ở Afghanistan.

SPIEGEL:  Đức hiện nay đồng ý cung cấp bảo hộ quân sự cho một sứ mệnh nhân đạo của châu Âu ở Libya. Đó có phải hơn là một cử chỉ thiện chí không?

Rasmussen:  Tôi hoan nghênh tất cả mọi đóng góp nhằm cải thiện tình hình ở Libya. Tôi rất lo ngại về tình hình nhân đạo ở đó, nhưng NATO không lĩnh một vai trò chủ đạo trong vấn đề này. Liên Hiệp Quốc nên điều phối các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Liên Hiệp châu Âu có thể đóng vai trò trợ giúp.

SPIEGEL: Về vấn đề Afghanistan, trong tất cả các nước thuộc khối NATO sự mệt mỏi chiến tranh đang tăng lên, và Tổng thống Hamid Karzai đã nói rõ rằng ông muốn sứ mệnh ISAF  mau chóng kết thúc. Ngài thấy NATO sẽ còn ở lại Afghanistan bao lâu nữa?

Rasmussen:   Trong cuộc họp cấp cao của NATO tại Lisbon mùa thu vừa rồi, chúng tôi đã nhất trí một thời biểu với người Afghanistan. Tôi hoàn toàn tin tưởng Tổng thống Karzai. Chúng tôi đặt kế hoạch bắt đầu một quá trình chuyển tiếp từ từ vào tháng Bẩy. Quyền kiểm soát bẩy vùng sẽ được chuyển giao cho người Afghanistan. Hy vọng quá trình ấy sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh của chúng tôi sau khi phần chiến đấu kết thúc, trợ giúp Afghanistan trong việc phát triển và huấn luyện quân đội của họ. Chúng tôi sẽ không bỏ lại sau lưng một khoảng trống.

SPIEGEL:  Tính đến tháng Tám này ngài đứng đầu liên minh này được hai năm. Trước đó ngài có nghĩ rằng nó lại có nhiều khó khăn như thế không? Do việc công bố của WikiLeaks, chúng ta ngày nay biết rằng một điệp viên hai mang của Mỹ đã gửi tiếp những tài liệu và biên bản các cuộc họp từ văn phòng của ngài đến Washington.

Rasmussen: Tôi đã ở trong chính trị lâu đến nỗi không còn cái gì có thể làm tôi ngạc nhiên được nữa.

SPIEGEL: Khi bắt đầu nhiệm kỳ của ngài, ngài có nói rằng ngài muốn làm một viên tướng hơn là làm thư ký. Một số người trong liên minh hơi ngỡ ngàng về cách phát biểu của ngài. Ngài có cần phải nhẹ nhàng và thỏa hiệp nhiều hơn, hay là giáng nắm đấm xuống bàn đơn giản là một phần công việc của người đứng đầu NATO?

Rasmussen: Bản chất tôi là người thiếu kiên nhẫn. Nhưng tôi là một người đứng đầu một chính phủ thiểu số ở Đan mạch, và đã dùng vô số thời gian để rèn dũa những đa số. Trong NATO có 28 thành viên, và tất cả các quyết định đều phải được nhất trí. Điều đó có nghĩa là tôi thường phải làm một người thư ký nhiều hơn và phải tập trung vào dàn xếp, hòa giải.

SPIEGEL: Cảm ơn ngài Tổng thư ký về cuộc phỏng vấn này.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Erich Follath Christoph Schult
Christopher Sultan dịch từ tiếng Đức.
Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 150411
Anders Fogh Rasmussen, 58 tuổi, là Tổng Thư ký NATO từ 2009. Trước khi nhận chức vụ cao nhất tại liên minh xuyên Đại Tây Dương, với tư cách Thủ tướng Đan mạch ông đã lãnh đạo một liên minh bảo thủ trong chính phủ. Năm 2003 ông hậu thuẫn cuộc xâm lược Iraq của Tổng thống Mỹ George W. Bush's. Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu ngăn cản việc bổ nhiệm ông lãnh đạo NATO bởi vì Ankara coi ông là người chống đạo Hồi. Trên cương vị của mình, ông tỏ ra là một nhà thương lượng mềm dẻo và gần đây lái liên minh này (NATO) theo hướng hợp tác nhiều hơn với Nga.





7. Sự sụp đổ của Gadhafi

Kẻ độc tài không có tương lai

Anna Reimann
Spiegel, 22/8/2011
Libyan leader Moammar Gadhafi. What fate awaits him?

Ảnh: AFP
Lãnh đạo Liby Moamma Gadhafi. Số phận nào chờ đợi ông ta?
More than half a year after the beginning of the Arab Revolution, pro-democracy...
Những người nổi loạn đã chiếm Tripoli và đang chiến đấu căng thẳng xung quanh lâu đài của Moammar Gadhafi. Nhưng nhà độc tài đâu rồi? Và số phận nào đang chờ dành cho nhà độc tài lập dị đã cai trị Libya suốt 42 năm? SPIEGEL khảo sát những vấn đề cấp bách nhất.
"Nhân dân tôi yêu tôi, Họ sẽ chết trong trật tự để bảo vệ tôi!" đó là điều nhà độc tài Libya Moammar Gadhafi nói với một nhà báo Mỹ cách đây sáu tháng. Ông ta đã sai. Cuộc cai trị 42 năm đang gần hồi kết. Những người nổi loạn đã chiếm được gần hết thủ đô của nước này.
Nhưng nhà độc tài mất hết quyền lực đã đi đâu? Ông ta chạy trốn rồi chăng? Hay ông ta vẫn còn ở Tripoli? Ông ta có kế hoạch tấn công trở lại vì tuyệt vọng không?
Tình hình vẫn còn chưa rõ ràng và dễ thay đổi. Các báo cáo cho thấy Khamis con của Gadhafi đang dẫn đầu những toán quân tiến về trung tâm Tripoli. Nhưng những người nổi loạn đã có những bộ phận lớn của thủ đô nằm dưới quyền kiểm soát của họ.
Vào sáng ngày thứ Hai, còn bắn nhau kịch liệt xung quanh dinh thự của Gadhafi nơi những người ủng hộ cuối cùng còn lại của ông ta ẩn nấp. Những người nổi loạn tuyên bố họ sẽ lật từng tảng đá lên "để tìm, bắt, và đưa Gadhafi ra tòa."
SPIEGEL cung cấp một cái nhìn khái quát về những câu hỏi và câu trả lời quan trọng nhất.
Phần 2: Gadhafi có thể đi lưu vong không?

Có những báo cáo trái ngược nhau về nơi ở của Gadhafi. Các nhà ngoại giao báo cáo rằng người ta cho là ông ta vẫn còn đang ở thủ đô Libya. Tuy nhiên, một người phát ngôn cho những người nổi loạn nói rằng ông "không tin rằng Gadhafi vẫn còn trong Tripoli"

Trong mấy ngày gần đây có nhiều tin đồn về điều gì sẽ xảy ra cho Gadhafi. Vào cuối tuần, tờ báo A Rập Saudi Asharq Alawasat  thuật rằng Gahdafi bị ốm, nêu nguồn tin thân cận với nhà độc tài. Một số người suy luận rằng Gadhafi có thể đã đi lưu vong ở Nam Phi. Kênh tin tức A Rập cho biết có hai máy bay Nam Phi đã đến Tripoli.
Nam Phi phủ nhận báo cáo này hôm thứ Hai. Trong thực tế, đối với nhiều nước, việc hiến nơi trú ngụ cho Gadhafi là điều không thể nghĩ đến. Khoảng 116 nước đã phê chuẩn các hiệp định thành lập Tòa án Tội phạm Quốc tế (ICC) ở The Hague, và một lệnh bắt giữ Gadhafi đã được phát hành trong tháng Sáu. Điều đó có nghĩa là nếu ông ta đến bất cứ nước nào đã ký ICC, họ bắt buộc phải bắt giữ và dẫn độ ông ta. Danh sách các nước đó có cả Nam Phi

Phần 3: Lệnh bắt

Nam Phi muốn có một cuộc thương lượng dàn xếp giữa chế độ Libya và những người nổi loạn – nhưng bây giờ nó không đạt được điều đó. Cuộc chiến tranh và nhiều thập kỷ độc tài sẽ là chủ đề của một phiên tòa. Gahdafi mới 27 tuổi khi ông ta cướp chính quyền trong một cuộc đảo chính, và ông ta đã thiết lập một cân bằng quyền lực trong số hơn 140 bộ lạc Libya bằng một hệ thống khích lệ và mua chuộc phức tạp . Ông ta để lại triết lý của mình trong cuốn "sách xanh" của ông ta, và tuyên bố Libya là một nước dân chủ trực tiếp.
Libya trở nên giầu có hơn dưới thời Gadhafi, nhưng ông ta cũng hút những nguồn thu nhập từ dầu mỏ để làm giầu cho bản thân và gia đình ông ta. Ông ta ủng hộ các tổ chức khủng bố quốc tế và đã cho săn lùng dã man những người đối lập trong chế độ của ông ta, ngay cả ở nước ngoài. Ông ta cho nổ tung một hộp đêm ở Berlin và bị cho là đã ra lệnh cá nhân đặt bom phá chiếc máy bay Lockerbie năm 1988. Bằng sức mạnh hung bạo, ông ta đã cố nghiền nát cuộc nổi loạn năm nay chống lại ông ta .

Phần 4: 70 trang cáo trạng

Luis Moreno-Ocampo, Công tố trưởng của Tòa án Tội phạm Quốc tế ở The Hague, kết tội Gadhafi hồi tháng Sáu về việc khuyến khích binh lính của ông ta phạm tội cưỡng hiếp tràn lan và khẳng định rằng chế độ đã mua những loại thuốc như Viagra để cổ vũ chúng cưỡng bức tình dục mạnh hơn.
Vào cuối tháng Sáu, Tòa án Tội phạm Quốc tế đã phát lệnh bắt Gadhafi, con trai ông ta là Saif al-Islam và em rể Gadhafi, chỉ huy tình báo Abdullah Sanussi. Ba người này đối diện với những cáo buộc tội ác chống loài người bao gồm tội giết hàng trăm dân thường, tra tấn và ngược đãi những người vô tội.
Gadhafi, con trai và em rể ông ta chịu trách nhiệm hình sự cá nhân về các tội ác này, Công tố Luis Moreno-Ocampo nói.

Phần 5: Khi nào Gadhafi phải trả lời The Hague?

Vẫn còn chưa rõ Liệu Gadhafi, miễn là ông ta sống sót qua sự sụp đổ này – sẽ bị đưa ra xử ở The Hague hay trong đất nước của ông, như cựu Tổng thống Hosni Mubarack, hay không. Theo đài phát thanh Al Arabiya, hôm thứ Hai những người nổi dậy đã thươmg lượng để dẫn độ ông ta đến Tòa án Tội phạm Quốc tế ở The Hague. Nhưng có những báo cáo trái ngược nhau về ý muốn của những người nổi dậy. Hôm thứ Hai, một người phát ngôn của Hội đồng chuyển đổi Quốc gia nói Gadhafi  và những người phò tá ông ta có thể bị đưa ra xét xử ở Libya. Đất nước có toàn quyền làm thế, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Libya, Ali Aujal nói với Al-Jazeera.
Các chính khách nước ngoài cũng đang đánh cược về điều gì sẽ xảy ra với Gadhafi. Thủ tướng Anh David Cameron nói việc đưa Gadhafi đi đâu là tùy thuộc vào quyết định của người Libya. Ở Đức, chủ tịch ủy ban đối ngoại nghị viện Ruprecht Polenz nói rằng nên đưa ông ta  ra trước vành móng ngựa ở The Hague. "Sau 40 năm dưới ách độc tài Libya không có hệ thống tư pháp có thể tin cậy để xử lý những tội ác của Gadhafi," Polenz nói

Phần 6: Công lý, chứ không phải trả thù

Về pháp lý, Libya không bắt buộc phải dẫn độ Gadhafi, con trai và em rể ông ta bởi vì Libya không phải là nước đã ký Đạo luật Rome của Tòa án Tội phạm Quốc tế. Kết quả là, trách nhiệm chủ yếu đưa Gadhafi ra xét xử là ở bản thân Libya.
"Nhưng vì Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã có lệnh bắt ở Tòa án The Hague, điều đó có thể đòi hỏi một nghĩa vụ dẫn độ - miễn là hệ thống tư pháp Libya không bày tỏ những dấu hiệu đưa Gadhafi ra xét xử ở trong nước, hay nó không có khả năng làm thế,"Abin Eser, giáo sư về luật tội phạm quôc tế và cựu chánh án ở ICC về Nam tư cũ, nói. Vì Libya là thành viên Liên Hiệp Quốc, nó buộc phải tuân thủ những quy tắc này, ông nói.

Phần 7:  Hình phạt nào Gadhafi có thể đối mặt?

Có những lý lẽ ủng hộ và chống việc xét xử Gadhafi tại Libya. Một tòa án trong nước, giống như đã tiến hành ở Tunisia hay Ai Cập, có thể coi như bị làm hỏng vì ý muốn trả thù. Nhưng nó cũng có thể làm nguôi và ổn định đất nước.
Chưa rõ bản án nào Gadhafi sẽ phải đối mặt ở Libya. Đất nước này không có một hệ thống tư pháp hữu hiệu. Ở The Hague, Gadhafi có thể phải đối mặt với một án tù chung thân, ông có thể thụ án không phải ở Hà Lan hay ở Libya, nhưng ở một nước thứ ba.

Con trai của Gadhafi Saif al-Islam và sếp tình báo Sanussi cũng có thể phải đối mặt với án tù chung thân. "Nhưng nếu tòa xét thấy họ chỉ trợ giúp ông ta, mức án của họ có thể nhẹ hơn" Eser nói.





 8. Đánh chiếm Tripoli
Cuộc tấn công vũ bão kết liễu ách thống trị của Gadhafi

Clemens Höges

Spiegel, 29/08/2011
http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,783053,00.html
Libyan rebels atop a vehicle celebrate at the Bab Al-Aziziya compound last...
Andre Liohn/ DER SPIEGEL
Cuối cùng thì sự sụp đổ của chế độ Moammar Gadhafi đã đến nhanh chóng sau một cuộc tấn công sấm sét của những người nổi dậy vào Tripoli để cuối cùng quật đổ nhà độc tài bị căm ghét đã thống trị Libya suốt 42 năm ròng. SPIEGEL đi theo đoàn hộ tống rách rưới của những chiến sĩ nhiệt thành dữ dội tiến vào thủ đô.
Người đàn ông cuối cùng ngồi xuống trên bãi cát min của Tripoli. Biển êm và nước màu xanh lam sâu thẳm. Anh nói anh là một tay thiện xạ, và có một khẩu súng trường đen nhánh đặt trên đầu gối. Bây giờ, sau tất cả những sự việc đã xảy ra, việc anh bắn trả những người Phi da đen mà anh cho là những tên lính đánh thuê không còn làm anh băn khoăn nữa. Nhưng bắn vào người Libya thì, đối với anh,  Abu Bakr Uraibi nói, vẫn còn khó. Và lần đầu tiên anh giết một con người là khó khăn nhất.
Điều ấy xảy ra trong mấy tuần đầu của chiến tranh, ở Jabal Nafusa, một dãy núi lởm chởm phía tây nam Tripoli. Các tướng của lãnh đạo Libya đã đã gửi 150 lính đến để đóng cửa biên giới Dahiba ở Tunisia. Những người nổi dậy lúc đó đang vận chuyển hàng tiếp tế của họ qua những con đường nhỏ vượt qua biên giới, và một dãy núi kế bên tạo ra một cao điểm tốt để khống chế con đường bên dưới.
Bọn lính đến lúc 4 giờ sáng. Chúng trèo lên núi, không biết rằng Uraibi và 30  người khác trong quân nỏi dậy, một nhóm người không có kinh nghiệm, đang đợi chúng. Nhưng những người nổi dậy đã quá thân thuộc với địa hình ở đây, không giống quân lính của Gadhafi. Bọn lính kiệt sức vì leo núi, trong khi kẻ thù của chúng đang tỉnh táo và cảnh giác.
Rồi những người nổi dậy khai hỏa. "Tôi sợ phải giết người" Uraibi nói. "Anh nhìn thấy một người đang di động, và anh bóp cò. Rồi anh làm cho kẻ kia nằm bất động, hoàn toàn bất động. Thật khủng khiếp."
Chỉ trong vòng mấy ngày tuần trước, những người nổi dậy từ vùng núi cằn cỗi này đã quét chế độ của Gadhafi, kết liễu ách thống trị của một kẻ chuyên quyền đã kiểm soát đất nước trong 42 năm, một con người đã đè nén áp bức nhân dân của hắn hung bạo hơn hầu hết những tay độc tài khác trong thế giới A Rập. Đó là một cuộc tấn công điên cuồng được thôi thúc bằng lòng căm thù phẫn nộ và Uraibi đứng ngay ở hàng đầu của lực lượng nổi dậy khi nó đột chiếm Tripoli và cuối cùng đã kiểm soát được nơi ở của Gadhafi, Bab al-Aziziya.
Uraibi là một con người nghiêm túc từ thành phố nhỏ Jadu ở vùng núi Nafusa. Anh ít khi cười và chỉ thấy được nụ cười của anh khi sáng rõ. "Sáu tháng chiến tranh đã mang đến thiệt hại cho một con người" anh nói. Anh năm nay 44 tuổi, một ông chủ bậc trung của một công ty xây dựng ở Tripoli. Thắng lợi này, và cuộc nổi dậy nói chung, đã giải thich tại sao những người như Uraibi đã chiến đấu với lòng quyết tâm sắt đá đến thế.
Người nổi dậy kể anh đã rời bỏ Đức để tham gia chiến đấu như thế nào.
Cuộc tiến công vào Tripoli bắt đầu hôm Chủ Nhật, 21 tháng Tám, tại Zawiya, một thành phố 250 000 dân nằm trên con đường ven biển, cách Tripoli khoảng 40 kilômet (25 dặm). Một đoàn xe quân sự của những người nổi dậy kéo dài hàng cây số trên con đường, hướng về phía đông. Trong một lực lượng gồm những chiếc xe chở đầy những chiến sĩ và những xe vận tải quân sự của quân nổi dậy: những xe tải nhỏ chở súng máy, những súng phóng tên lửa, và súng liên thanh lắp trên giá. Phần lớn những người nổi dậy đến từ vùng núi Nafusa, và họ đi thành từng đơn vị được phân biệt bằng phù hiệu, các đơn vị như Lữ đoàn Zintan và Lữ đoàn Zintan. Đơn vị của Uraibi có 2000 người là một trong những đơn vị lớn nhất.
Mỗi khi đoàn hộ tống dừng lại trong cái nóng như thiêu như đốt, những chiếc xe tải nhỏ lại tỏa ra từ đường cái, bắn vào những ngôi nhà đơn lẻ hay các toán lính. Sau đó nó tiếp tục lên đường trong đám bụi mù và khói dầu, để lại không khí nồng nặc mùi thuốc súng. Một người đàn ông gày gò có bộ râu muối tiêu trong bộ quân phục màu xanh, ngồi xổm xuống bên đường. Ali A., một doanh nhân từ thành phố Giessen bên Tây Đức sang, đang ngồi nghỉ ngơi một chút giữa cuộc chiến.
Với anh chiến tranh bắt đầu cách nay 22 năm, anh nói, khi anh chạy trốn qua sa mạc. Nỗi căm giận của anh vớ chế độ này lớn lên ở Đức, khi anh cố gắng để được chấp nhận, đầu tiên là một người xin tị nạn và sau đó là một công dân Đức. Nhưng anh cảm thấy bị tách rời khỏi cuộc sống mà anh đang sống ở đó, đi lượm từng mẩu nhỏ tin tức về cuộc sống thật sự ở Libya nhờ những bạn bè ở nước ấy. Anh không muốn lộ tên họ ra trên mặt báo, đặc biệt trên SPIEGEL, sợ nhà cầm quyền Đức có thể truy tố anh về tội giết người ở Libya. Người đàn ông này, sử dụng một súng phóng tên lửa, anh không biết anh đã giết bao nhiêu người rồi.
Khi còn là một thanh niên sống ở Jansur, một khu ngoại ô Tripoli, anh cùng với một nhóm bạn in truyền đơn. Ban đêm họ rải truyền đơn bên  ngoài cac trường học, kêu gọi nhiều dân chủ hơn và phản đối cuộc chiến tranh vô nghĩa của Gadhafi ở Chad, tại đó tính đến thời điểm kết thúc chiến tranh năm 1987 hơn 7.500 người Libya đã bị giết.
Bọn công an mật của Gadhafi lần theo dấu vết nhóm này, và một hôm chúng đến nhà của bố mẹ anh để bắt anh. Anh không có ở nhà, nhưng lúc đó anh tình cờ gọi về trong khi bọn người kia đang ở đó. Anh trai của anh nói với anh về bọn công an, và Ali sợ rằng anh có thể bị bỏ tù nhiều năm, hôm ấy anh đã không về nhà nữa, để lại người vợ và đứa con ba tháng tuổi.
"Tôi đã không biết rằng nó có thể kéo đến 22 năm," anh nói bằng tiếng Đức với giọng địa phương lơ lớ của bang Hesse miền tây nước Đức.
Chỉ ba ngày sau khi cuộc nổi dậy bắt đầu ở Benghazi, Ali đóng cửa công ty của anh ở Giessen. Anh bay sang Tunisia và vượt biên giới vào vùng núi, tại đó anh gia nhập nhóm người nổi dậy từ Nafusa và sau đó vào một nhóm khác từ Jansur. Nhóm này hiện nay đã thành lập lữ đoàn riêng của mình, Lữ đoàn Jansur, có lẽ là lữ đoàn nhỏ nhất, chỉ có 40 người.
Anh biết rằng vợ anh nay đã có con riêng. Nhưng cả vợ lẫn con gái anh đều không biết rằng anh đã về đây, rằng anh là một người lính trong cuộc chiến tranh này, và anh đang giết những người khác để anh có thể trở về cuộc sống ở Jansur.
Bỗng các bạn anh gọi anh, đã đến giờ tiếp tục lên đường. Họ đang đến gần chiếc cầu tại đó bọn lính Gadhafi với xe tăng đang đợi. Anh leo lên ngồi sau tay lái của chiếc Ford F-150 màu đen. Chiếc xe tải được trát bùn ngụy trang, và những người nổi dậy khác lúc này đang vào vị trí bên giá súng phóng tên lửa, mà họ quay cho hoạt động. "Tôi không nhìn thấy họ," anh nói. Nhưng những người này nhanh chóng ra khỏi tầm mắt nhau trong cuộc chiến tranh hỗn loạn này, và trong trường hợp của anh đó là bởi vì phương tiện thông tin duy nhất của anh là chiếc điện thoại di động Đức mà ở Libya này nó không làm việc. Anh tăng tốc và nhóm bắt đầu lao về phía những tiếng súng nổ đùng đùng gần bên cầu, nơi chỉ có những chiến binh mới dám đến.
Như Abu Bakr Uraibi sau này kể lại, nhóm của anh với Lữ đoàn Jadu ở bên cạnh nhau– và không rời khỏi vị trí. Uraibi đã học được nhiều trong mấy tháng qua.
Gadhafi đã phá nát đất nước chúng tôi.
Một thời gian ngắn sau khi cuộc nổi dậy bắt đầu, anh đưa vợ và năm con chạy về quê nhà ở Jadu. Anh sợ rằng lính của Gadhafi có thể sẽ tấn công thành phố ở vùng núi Nafusa, và ngay lập tức anh biết anh sẽ đứng về bên nào. Những người sống ở vùng núi này không phải là người A Rập mà là người Berbers, người dân thường Libya, có ngôn ngữ và chữ viết riêng trông gống như những hình vẽ trên đá nguyên thủy. "Gadhafi luôn luôn phân biệt đối xử với người Berbers," Uraibi nói. "Ông ta không tin chúng tôi."
Uraibi đang sống tương đối khá, nhưng họ chiến đấu cho tương lai. "Gadhafi đã phá nát đất nước chúng tôi, hệ thống y tế, các trường học. Dầu mỏ làm cho chúng tôi giàu như những tù trưởng vùng Vịnh. Nhưng tiền đi đâu cả? Và tại sao chúng tôi phải tự cô lập mình? Chúng tôi có thể có khách du lịch. Chúng tôi có thể đi du lịch và chúng tôi có thể mở cửa."
Ở Jadu, anh thấy 1.000 người chống đối tấn công văn phòng địa phương của cục tình báo. Bọn lính gác bỏ trốn và những người khởi nghĩa đạp đổ các cánh cửa và chuyển vũ khí ra khỏi tòa nhà đó. Khoảng 20 sĩ quan quân đội đã nhập bọn với những người biểu tình và biến những người phản đối thành những chiến sĩ. Sau đó, một người nổi dậy nói với Lữ đoàn Jadu, những người ngoại quốc cũng ủng hộ họ, nhưng anh không biết họ từ đâu tới. Uraibi nói lúc đầu họ được tiếp tế từ Tunisia, nhưng sau đó những máy bay cánh quạt nhỏ bắt đầu chở vũ khí đến cho họ từ Benghazi. Những người Jadu dựng lên những cánh chắn gió dọc theo một số đoạn đường thẳng qua núi để tạo ra một đường băng tạm thời. Sau đó máy bay Pháp bắt đầu thả những kiện hàng vũ khí và vật liệu. Chẳng bao lâu những người nổi dậy thậm chí đã có cả tên lửa có điều khiển Milan hiện đại để chống lại xe tăng của Gadhafi.
Những người nổi dậy bây giờ có hai "phòng Điều phối" một ở Banghazi và một ở Nafusa. Những người điều khiển các trung tâm chỉ huy nói tiếng Anh giỏi và có những điện thoại di động địa phương và điện thoại vệ tinh. Những điện thoại này cho phép những người nổi dậy và NATO phối hợp những cố gắng với nhau, đó là lý do vì sao Lữ đoàn Jadu đang chờ trên đường tới Tripoli.
Một tòa nhà doanh trại chứa đơn vị tinh nhuệ do con trai của Gadhafi là Khamis đứng đầu đang đóng bên kia cầu. Lúc đầu nhóm của Uraibi cố gắng chiếm các cứ điểm của Khamis, nhưng sau đó họ quyết định gọi Phòng Điều phối và cung cấp tọa độ cho bộ tham mưu.
Đôi khi sự việc diễn ra theo cách khác, Uraibi nói. NATO vạch những đường đỏ và chỉ thị cho những người nổi dậy không vượt qua đường vạch đỏ đó, sao cho không đi vào đường của các phi công. Theo Uraibi, Lữ đoàn của anh mất 10 người trong 4 chiếc xe vì đã đi sai vào bên kia lằn ranh gần Jadu đó.
Cuối cùng Uraibi thấy năm máy bay phản lực bay vào để tấn công vị trí đó của quân đội. Sau đó đoàn xe của Lữ đoàn Jadu mở cuộc tấn công vào các trại lính.
Một thời gian ngắn sau đó, hai thiết bị quân sự lớn, không biết là cái gì nằm trước cổng những trại lính lớn. Mùi thịt cháy khét lẹt trong không khí. Có những vũng máu đọng xung quanh những chiếc nệm chằng chịt vết đạn trong một căn phòng tại đó lính gác rõ ràng đã ngủ. Một chiếc gương vỡ và một chiếc thắt lưng trên sàn nhà. Hàng trăm quân nổi dậy kéo vũ khí và những sọt đạn ra khỏi cổng. Vài chiến sĩ trẻ cố gắng khởi động một chiếc xe tăng mà rõ ràng những người lái đã bỏ qua. Đường tới Tripoli đã quang. Nhưng phần lớn binh lính có vẻ cũng đang chạy trốn theo hướng đó.
Vào hôm thứ Tư, những hàng quân đầu tiên của quân nổi dậy đã tiến vào Quảng trường Xanh ở trung tâm thương mại Tripoli. Phần còn lại của đoàn hộ tống tiến theo sau. Tripoli là một thành phố hai triệu dân, cả một biển nhà với hàng trăm con đường có trồng cây là nơi bọn lính có thể chờ để phục kích những người nổi dậy. Giữa tất cả những thứ đó là một pháo đài độc nhất trong đó tọa lạc dinh thự của Gadhafi, các doanh trại Bab al-Aziziya, cả một quận ở trong đó và là nơi trú ẩn cho những tên lính cuối cùng của Gadhafi. Những điều kiện ấy cho thấy rất có thể sẽ diễn ra một trận đánh đẫm máu và kéo dài nhiều tuần.
Bài ca cầu hồn làm hoảng hồn binh lính của Gadhafi
Nhưng những người nổi dậy vấp phải rất ít kháng cự khi họ tiến qua vùng ngoại ô, đỗ xe ở khu nghỉ dưỡng xa xỉ Rigata. Khu vực này gồm những ngôi nhà phụ dành cho những người giàu nằm rải rác dưới những bóng cây, và Uraibi và đồng đội của anh đi từ bãi biển vào thẳng một ngôi nhà. Một nhóm khác đã đột nhập vào một biệt thự do con trai của Gadhafi là Hannibal sở hữu, ít nhất theo những album ảnh họ tìm thấy ở đây, trong đó có những hình chụp nhanh Hannibal, một tay chơi khét tiếng, nhiều tấm ảnh y chụp chung với một phụ nữ. Trong một bức ảnh người đàn bà này ăn mặc hở hang nằm ườn trên một chiếc đi văng, tay ôm một con chó cảnh mặc áo thun màu hồng. Những người nổi dậy phá ra cười khi họ lật giở qua các tấm ảnh, giành nhau cuốn album.
Một giọng ca buồn tẻ từ ồ ồ vọng ra từ những chiếc loa ban đêm, hát bài  "Allahu akbar " – chúa vĩ đại – nghe như từ một đĩa CD bị trượt. Lời kêu gọi được biết như Takbir. Rất dễ thuộc nó, và một số người còn cho là nó hấp dẫn. Nhưng khúc hát Takbir đặc biệt này là một bài ca cầu hồn dành cho những binh lính đã ngã xuống. Những người nổi dậy dùng nó để làm hoảng sợ người của Gadhafi.
Ngày hôm sau những người của Lữ đoàn Jadu lái xe vào trung tâm thương mại Tripoli. Uraibi cho mấy người bạn ngồi trên chiếc xe Ford của anh trong khí thế bừng bừng, anh rất ít nói.
Những người nổi dậy dừng lại một lúc  tại một điểm kiểm soát cuối cùng, nghe tiếng pháo ầm ầm từ mặt trận dội về. Một số xạ thủ đã đứng sau vũ khí của họ, khao khát lao vào trận đánh. Sau mấy trăm mét, đường phố uốn lượn sang phải, đi qua dưới một chiếc cầu và vươn lên dọc theo một bờ đê. Đằng sau con đê là một trung tâm buôn bán, và đằng sau nó là Bab al-Aziziya.
Bây giờ chúng được bao quanh bởi những bức tường thành cao, và những tay bắn tỉa lấy tầm ngắm hướng vào những người nổi dậy đơn lẻ, kể cả những người đang đi dưới cầu, tất nhiên là hở cả hai đầu. Uraibi trông thấy những người nổi dậy đang đi dưới cầu, trong đó có một số người đến từ Mizrata, nơi đã bị giành giật trong nhiều tháng. Đó là một dấu hiệu tốt, vì những người đến từ Mizrata có nhiều kinh nghiệm chiến tranh trên đường phố hơn những người của Uraibi đến từ vùng núi. Tuy nhiên, Uraibi lái xe ra tận mặt trận, tới sát con đê, và tiếp tục đi. Anh ước lượng có 600 đang chiến đấu để giữ lấy mạng sống của họ trong khu nhà đó. Những người nổi dậy có khoảng 2000 người nhưng vũ khí của họ quá nhẹ không đột phá nổi qua bức tường thành.
Uraibi có một công trường xây dựng ở khu vực này, tại đó có những máy móc xây dựng nặng, kể cả những xe ủi và những xe bốc xếp tự hành. Một trong những người bạn của anh nhảy từ xe tải xuống và chạy đi mất.
Rất lâu anh mới trở lại, trong cabin của một chiếc xe ủi. Bọn lính nổ súng vào anh tức khắc, nhưng bạn của Uraibi đã nâng chiếc gàu xúc bằng thép khổng lồ lên như một lá chắn. Những người nổi dậy bắn một loạt đạn yểm hộ, bao bọc lấy chiếc xe ủi cho đến lúc nó đột phá qua bức tường thành, cho phép những người còn lại xông ào lên qua cửa mở.
Vào đêm hôm thứ Năm, nhiều SUV bao vây một lối vào trại của người nổi dậy, trong một cảnh gợi nhớ đến những phim gangster. Đàn ông giữ vũ khí đứng sát lại với nhau thành những nhóm nhỏ, được những đèn pha và đèn đuôi ô tô rọi sáng. Một số người đứng quanh một người đàn ông thanh tú với đôi mắt to, một miếng vải đen bọc quanh đầu ông và một miếng khác quấn quanh cánh tay phải, một vết thương từ một trận đánh trước đó.
Nhiều chiến sĩ tôn thờ Ibrahim al-Madani, 26 tuổi, bởi vì cha anh Mohammet là lãnh tụ đầu tiên của 1000 người nổi loạn Nafusa. Một bức chân dung của cả hai cha con treo trong hầu hết các ngôi nhà trong những làng nổi dậy.
Chúng tôi muốn có một chính phủ thế giới chủ nghĩa
Người cha chết trong một trận đánh hôm mồng 7 tháng Năm. Người ta đồn rằng ông đã đưa lời xin lỗi lính của chính phủ nếu họ từ bỏ chiến đấu, nhưng sau đó ông đã chết một cách đau đớn trong tay người của Gadhafi.
Con trai của ông, vị chỉ huy mới, nói: "Chúng tôi muốn hòa bình. Chúng tôi muốn một chính phủ thế giới chủ nghĩa, và chúng tôi phải thu lại tất cả vũ khí trong nước. Chúng tôi tin tưởng các lãnh đạo mới của chúng tôi." 
Những lãnh đạo mới này vào thủ đô trong một đoàn xe hộ tống sáng hôm thứ Năm. Họ là những người trong Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia, những người lãnh đạo chính phủ nổi dậy ở Benghazi trong năm tháng gần đây, những chính khách của một Libya mới.
Ban đầu chính những luật sư nhân quyền đã phát động cuộc chống đối đầu tiên ở thành phố lớn thứ hai của Libya. Rồi các chính khách bắt đầu rời bỏ chính phủ Gadhafi và gia nhập hàng ngũ những người nổi dậy, những người như cựu Bộ trưởng Tư pháp Mustafa Abdul Jalil, người lúc đó đã cố gắng phối hợp một cách khôn ngoan  những lãnh đạo có ảnh hưởng và những già làng từ những bộ lạc Libya vào phong trào khởi nghĩa.
Bây giờ tất cả bọn họ đều hứa hẹn với những người ủng hộ họ ở phương Tây rằng họ dự tính thiết lập nền dân chủ, và họ đang thảo luận khả năng tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong vòng tám tháng nữa. Họ cũng khẩn nài những người nổi dậy của họ chế ngự những hành động trả thù. Thậm chí họ còn muốn hội nhập cả những người trung thành với Gadhafi vào bộ máy chính quyền mới, ít nhất là những người mà bàn tay không vấy máu. "Chúng ta học được từ kinh nghiệm ở Iraq và sau sự sụp đổ của Liên Xô," Fatih Baja, trưởng ban kế hoạch của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia.
Nhưng vụ giết một viên tướng cũ của Gadhafi Abdul Fattah Younes, người đã trở thành một trong những lãnh đạo tối cao của cuộc nổi dậy, đã tạo ra một tiền lệ đáng ngại. Cuộc giết người rõ ràng bởi những chiến binh từ hàng ngũ của chính Younes, có khả năng quen biết với chính nạn nhân của chúng. Có thể Libya đối mặt với một cuộc nội chiến giữa các bộ lạc. Nước Libya mới sẽ phải đối mặt với gánh nặng nào?
Những người nổi dậy vẫn đang ăn mừng chiến thắng của họ trên Quảng trường Xanh của Gadhafi, trung tâm của Tripoli và trung tâm của đất nước.
Sau nửa năm kháng chiến vũ trang, những người này chắc đã quen với vũ khí của họ, nhưng nhiều người vẫn còn trổ một điệu bộ yêng hùng, nắm súng máy bằng một tay. Khi họ bắn, nòng súng giật lại. Một trong những người ấy bắn những viên đạn cuối cùng từ cửa hiệu của anh ta vào những cây cọ trên quảng trường. Tán lá cọ từ từ đổ xuống đường, và những chiếc xe cán qua nó.
Christopher Sultan dịch từ tiếng Đức



9. Những tiếng nói Tripoli: một người hầu bàn, bác sĩ, kỹ sư, và chủ tiệm phản ứng với cuộc Cách mạng

Ở giữa - và bên ngoài – những tiếng bom nổ của quân nổi dậy và những boongke của Gadhafi, nhân dân thủ đô Libya cuối cùng đã tìm thấy tự do phát biểu, nói lên cuộc biến động này có ý nghĩa gì đối với họ

Lemine Ould Salem
TAGES-ANZEIGER/Worldcrunch
http://www.worldcrunch.com/tripoli-voices-waiter-doctor-engineer-and-shopkeeper-react-revolution/3644

Joy is mixed with trepidation in Tripoli (MAHERTHABET)
Vui mừng pha lẫn lo lắng ở Tripoli (Ảnh: MAHERTHABET)

TRIPOLI - Cho đến sáng sớm hôm Thứ Tư chúng tôi mới vào đến thủ đô. Chúng tôi đáp xuống hòn đảo resort Djerba của Tunisia từ hôm trước, rồi di chuyển bằng xe hơi qua những dãy núi miền tây. Tại biên giới Libya, các thành viên của quân đội nổi dậy đưa chúng tôi an toàn đến Tripoli
Điểm dừng thứ nhất: Quảng trường Xanh. Đây là một nơi nguy hiểm nhưng nó là một địa điểm biểu tượng quan trọng ở Tripoli đối với những người cách mạng, những người đang bắn những phát súng vui mừng lên không trung khi chúng tôi đến. Nhưng mục tiêu của chúng tôi là khác: gặp những người công dân trên khắp thủ đô Libya để tìm ra cách mạng, đặc biệt trong những ngày cuối cùng này, đối với họ có ý nghĩa gì. Họ mong đợi gì ở tương lai? Với chế độ kéo dài bốn thập niên của Moammar Gadhafi đang nát vụn, đây là những tiếng nói của bốn người Libya ở thủ đô.
Abdelnasser Trabulsi, 54, kỹ sư
Trabulsi làm việc trong ngành hóa dầu, ông luôn luôn là một người chống đối Gadhafi. "Kể từ khi ông ta bắt đầu chiếm giữ chính quyền, rõ ràng là không có gì tốt đẹp – và tôi bắt đầu căm ghét ông ta từ sớm," Trabulsi nói. Trong suốt 42 năm cầm quyền của Gadhafi, ông ta không bao giờ ngờ rằng một ngày nào đó ông ta sẽ nhìn thấy sự sụp đổ của mình." Tôi tin chắc tôi sẽ thấy ngày sụp đổ của ông ta, trước khi tôi chết. Một chế độ thống trị bằng khủng bố không thể nào kéo dài vĩnh viễn. Điều đó đúng với Libya và cả các nơi khác nữa. Khi tôi thấy những kẻ cầm quyền bị lật đổ ở Tunisia và Ai Cập, ngay lập tức tôi nhận ra rằng điều này cũng có nghĩa là sự kết liễu của Gadhafi," ông nói. "Tôi không tìm được lời lẽ nào để biểu lộ cảm giác của tôi trong những ngày này. Vui mừng và hạnh phúc, những từ này còn xa mới diễn tả đầy đủ điều tôi cảm thấy. Nó lớn hơn thế nhiều."
Naji Sbai, 28 tuổi, hầu bàn
Đối với Sbai, khó mà nắm được rằng đại tá Gadhafi không còn cai trị nữa ở Tripoli và Libya. "Từ khi tôi sinh ra, đã không có người cai trị nào ngoài ông ta. Tôi nghĩ, tôi sẽ chết và ông ấy sẽ tiếp tục nắm quyền, " chàng trai trẻ nói. "Ông không thể hình dung nổi tôi hạnh phúc thế nào đâu." Bây giờ anh mơ đến tự do và dân chủ, và cả phân phối của cải công bằng ở đất nước này. "Ở đây, không có cái gì hoạt động đúng. Không có luật pháp không có nhà nước. Chỉ có Gadhafi và gia đình ông ta. Họ coi mọi thứ là của họ, và đã giết hại và bỏ tù quá nhiều người mà không ai chặn tay họ lại."
Khaled El Maadi, 25 tuổi, bác sĩ
El Maadi, người đã đồng tình với những người nổi dậy ngay từ đầu, hôm nay chỉ thỏa mãn một phần. Anh biết rằng Gadhafi đổ không giải quyết mọi vấn đề của Libya. "Gadhafi không phải là mọi vấn đề ở đây. Đất nước này đã 42 năm bị cai trị trên cơ sở một nền độc tài và một đám đông hỗn tạp. chừng nào mà chế độ này còn chưa bị phá hủy tận gốc, tôi vẫn còn chưa thỏa mãn," anh nói. Tuy nhiên người bác sĩ trẻ vẫn lạc quan:      "Chúng tôi đã chịu đau khổ quá nhiều đến nỗi không một ai muốn chế độ độc tài quay trở lại. Tôi tin rằng tương lai của đất nước này sẽ được ghi dấu bằng dân chủ và tự do. Tuy nhiên, nó cần một thời gian dài để đi đến đó, bởi vì chúng tôi đã sống dưới ách áp bức và khủng bố nhiều thập niên rồi."
Mặc dầu anh thấy một tương lai tươi sáng cho đất nước của anh ở phía trước, chàng trai 25 tuổi này vẫn e sợ. Anh lo rằng hàng nghìn vũ khí đang còn ở Libya. "Gadhafi phân phối vũ khí cho tất cả những người chiến đấu cho ông ta. Bây giờ những người nổi dậy có rất nhiều vũ khí, nhưng điều đó tạo ra tình hình cực kỳ nguy hiểm cho đất nước," anh nói. "Hiếm có một người lớn nào – thậm chí cả thiếu niên – không có một vũ khí. Chính quyền mới cần tìm giải pháp cho vấn đề này càng nhanh càng tốt, nếu không chúng tôi sẽ có nguy cơ rơi vào một cuộc nội chiến khác."
Yassine Charafeddine, 36 tuổi, chủ tiệm
"Tôi la người hạnh phúc nhất thế giới. Trong đời tôi chưa bao giờ tôi cảm thấy một cảm xúc mạnh mẽ như thế này. Lần đầu tiên, tôi ngửi thấy mùi tự do thật sự," Charafeddine một chủ tiệm trẻ tuổi nói. "Đất nước này sẽ không bao giờ còn trở lại giống như trước nữa. Chúng tôi đã chịu đựng ách độc tài suốt 42 năm, và bây giờ chúng tôi thấy rằng nó chưa bao giờ tử tế đối với chúng tôi. Tin tôi đi, Libya sẽ là một nền dân chủ vĩ đại, một đất nước hiện đại và một nhà nước có hiến pháp." Vẫn còn những lo lắng: "Tôi lo rằng một số kẻ trung thành với Gadhafi sẽ mưu mô phá hoại cuộc cách mạng của chúng tôi. Các lãnh đạo mới của chúng tôi phải hết sức để tâm đến chuyện đó, và phải dùng mọi cố gắng để hóa giải mối đe dọa này."