Truyện ngắn
VASILY SHUKSIN
Hiếu Tân dịch
Mặt đất hơi dốc lên một chút, cây cối mở ra một khoảng trống,
trong khoảng trống ấy có một ngôi nhà bằng gỗ ghép nguyên cây. Không có gì đặc
biệt, chỉ là một căn nhà nhỏ thô sơ tường ghép bằng mười ba hoặc mười bốn khúc
gỗ, không có hiên, trước đây còn không có cả mái che. Từ xưa những ngôi nhà tạm
như thế đã được dựng lên giữa rừng taiga.Vào một ngày xuân nào đó một tốp người
không biết từ đâu hiện ra, đốn hạ một số cây thông thẳng, róc hết vỏ, rồi sau
đó, vào khoảng đầu thu đẹp trời, không tốn đến một tuần lễ, với ba bốn chiếc
rìu họ chặt cây thành khúc và ghép chúng lại với nhau. Họ kiếm đất sét và đá ở
quanh đâu đây, xây thành cái bếp lò, có cả ống khói, rồi làm một chiếc giường
thô sơ để ngủ. Và thế là đã có một chỗ để sống bao lâu tuỳ thích.
Vào mùa đông thì nó
không có vẻ ấm cúng thoải mái lắm đâu. Băng giá đóng trên tường dày như bàn
tay, và từ những kẽ nứt toả ra mùi ẩm ướt, nhớp nháp dai dẳng.
Nhưng nếu lúc đó bạn
có trong lò mhững khúc cây đang cháy nổ răng rắc, tuyết tan trên mặt đất bắt đầu
bốc hơi ngùn ngụt và các bức tường bắt đầu nhỏ giọt. Không khí trở nên ngột ngạt
đến mức tốt nhất là nhóm lò xong bạn nên
bước ra ngoài kiếm thêm ít củi. Chỉ độ nửa giờ sau căn nhà nhỏ đã trở
nên ấm áp hơn và không khí cũng bớt ngột ngạt. Bạn có thể cởi áo khoác ra và
cho thêm củi vào lò. Các bức tường vẫn còn bốc hơi nhưng bếp lò đã cháy rực
lên. Và đó là lúc một cảm giác thật thanh bình đến với bạn. “A-aaa” Bạn muốn
kêu to lên “Mùi vị cuộc sống là thế đấy” Chẳng bao lâu cả căn nhà gần khô hẳn,
nhưng ván giường vẫn còn lạnh. Không sao, bạn không phải đợi lâu. Bạn có thể trải
lên đó tấm da cừu, đặt balô dưới đầu, duỗi đôi chân về phía lò sưởi, và bạn rơi
vào giấc ngủ mơ mơ màng màng. Lúc này mà dậy bỏ thêm củi vào lò thì ngại lắm,
nhưng đó là việc mà bạn nên làm.
Than trong lò đang đỏ
rực, các khúc gỗ bắt lửa ngay như những vỏ cây bạch dương. Ngay trước lò có một
gốc cây còn lại sau khi đốn. Bạn ngồi trên đó, hút thuốc và suy nghĩ. Bạn sẽ có
những ý nghĩ rất hay khi ở một mình. Trời tối, chỉ có ánh lửa bếp lò chiếu trên
nền nhà, trên tường và mái. Và những điều bạn đang nhớ lại, có trời mà biết! Có
thể bạn đang nhớ đến cô gái đầu tiên bạn dẫn về nhà. Bạn đi bên nàng không nói
năng gì, như một chàng ngốc. Nhớ lại cảnh ấy, bạn bất giác toét miệng cười. Cuộc
sống thật tuyệt!
Bây giờ thì ấm áp thật rồi. Đây là lúc bạn pha ấm trà, những
thỏi trà xanh toả mùi hương thảo mộc gợi bạn nhớ đến mùa hè.
Ông già Nikitich đã ngồi như thế vào một buổi chạng vạng tối,
phì phèo tẩu thuốc trước lò.
Trong nhà thì nóng, nhưng ngoài kia giá băng rét buốt.
Nikitich cảm thấy phấn chấn. Ngay từ
thời trẻ ông đã lang thang lặn lội khắp rừng taiga, săn bắn để kiếm sống. Ông
chủ yếu kiếm sóc, nhưng có bận mang về cả một con gấu mùa đông đi lạc. Trong những
trường hợp đụng độ như thế ông luôn luôn có trong túi bên trái áo khoác năm hay
sáu viên đạn chì để bắn thú lớn. Ông yêu rừng taiga. Đặc biệt là về mùa đông.
Cái yên tĩnh hoàn toàn của nó nhiều khi khiến ông lịm đi. Nhưng ông không cảm
thấy cô độc, mà lại có cảm giác tự do. Nikitich đảo mắt nhìn quanh, biết rằng
ông và chỉ mình ông là bá chủ cái giang san trắng xoá này.
Và bây giờ ông ngồi
đây, hút thuốc
Có tiếng trượt tuyết
ken két bên ngoài, rồi tất cả lại yên tĩnh. Ông có cảm giác có kẻ nào đó đang
nhìn qua cửa sổ. Tiếng trượt tuyết lại vang lên sắc gọn, đến gần cửa, ai đó gõ
cửa hai lần bằng gậy trượt tuyết
“Có ai đó không?”
Giọng nói trẻ, nhưng
khàn vì giá lạnh và vì im lặng lâu ngày. Không phải giọng của một người biết tự
nói chuyện với mình.
Không phải là thợ
săn. Một thợ săn sẽ không hỏi, mà sẽ đi thẳng vào.
“Ầy, có đây”
Người ngoài cửa tháo
các thanh trượt tuyết và gác chúng lên tường. Tiếng bước chân răng rắc, cửa mở
ra, và Nikitich chỉ kịp nhận ra qua màn hơi nước trắng xoá một dáng người trẻ
cao ráo trong chiếc quần bông và áo veston, đeo thắt lưng và đội chiếc mũ lính
trùm tai đã cũ.
“Ai đấy?”
“Một người” Nikitich châm một thanh củi và giơ nó ngang đầu.
Hai người quan sát nhau một lát trong imlặng.
“Một mình à?”
“Ầy, tôi có một mình”
Chàng trai bước lại bên lò sưởi, tháo găng ra kẹp dưới nách
và giơ tay ra trước lò sưởi.
“Ngoài kia băng giá khiếp thật”
“Ấy, băng giá mà” Chỉ đến lúc này Nikitich mới nhận ra chàng
trai không mang súng. Chắc chắn anh ta không phải là thợ săn. Cả vẻ mặt, cả áo
quần chẳng có gì giống cả.
“Và sẽ còn băng giá trước khi qua hết tháng Ba”
“Tháng Ba? Ông định nói tháng Tư phải không?”
“Theo lịch cũ thì không. Vẫn còn là tháng Ba. ‘Giữ mình cho ấm
khi còn tháng Ba’, ngạn ngữ của chúng tôi nói thế. Anh ăn mặc mong manh quá”
Nikitich không nói gì đến chuyện anh ta không có súng.
“Đừng lo” người trẻ tuổi đáp. “Ông sống ở đây có một mình
thôi à?”
“Thì đúng thế. Ban nãy anh đã hỏi rồi”
Người trẻ tuổi không biết nói gì về việc đó.
“Ngồi xuống. Tôi pha ấm trà”
“Tôi phải sưởi một chút đã” Không, hắn không phải là người địa
phương. Hắn không nói như người vùng này. Nikitich ngứa ngáy muốn biết thêm về
anh ta, nhưng cái thói quen đã ăn sâu trong người ông là không đường đột hỏi
khách tỏ ra mạnh hơn sự tò mò.
Người trẻ hơ ấm tay và châm một điếu thuốc.
“Ông có chỗ ở này tốt quá”
Trong khi anh ta châm thuốc, Nikitich có thể nhìn rõ hơn vào
khuôn mặt điển trai tái mét với hàng lông mi dày. Anh chàng kéo một hơi thuốc một
cách thèm thuồng và há mồm nhả khói, hai hàm răng cửa lấp loé ánh vàng. Chắc
anh ta từ lâu không cạo mặt. Nhưng bộ râu khá gọn ghẽ, hơi loăn xoăn hai bên
má. Anh ta rất gày. Người trẻ tuổi nhận ra cái nhìn chằm chằm của ông già, anh
ta giơ một que diêm đang cháy dở lên nhìn ông một cách chăm chú, rồi ném que
diêm đi. Cái nhìn của anh ta gây một ấn tượng đối với Nikitich. Nó chọc thẳng,
không nao núng, lạnh lùng, hay “ớn lạnh” theo cách nói của ông già. Cái kiểu
này làm nhiều cô gái chết đây, ông
nghĩ hơi lạc đề một chút.
“Anh nên ngồi xuống”
Cậu trai mỉm cười.
“Người ta không nói thế, bố già ạ. Phải nói là: sao anh
không ngồi xuống”
“Ừ, thì: sao anh không ngồi xuống. Có gì khác không?”
“Dù sao cũng có khác chứ. Bố không chờ ai đấy chứ, bố già?”
“Không, lúc này thì không. Nhưng có khối chỗ nếu có thêm người
đến.” Nikitich trả lời nước đôi. Chàng trai ngồi xuống cạnh ông trên gốc cây và
lại hơ tay ra trước lửa. Không phải bàn tay của người lao động, nhưng dù sao
anh này trông cũng khá cường tráng. Và Nikitich ưa nụ cười của cậu ta, trong đó
không có vẻ ngạo mạn, mà dè dặt thân thiện. Và những chiếc răng vàng .. Một anh
chàng bảnh trai. Nếu anh ta cạo râu đi và bận một bộ comlê, anh ta sẽ trở thành
một thày giáo thực sự. Nikitich vốn rất kính nể các thày giáo.
“Anh là ai, một nhà địa chất phải không?” Ông hỏi.
“Một nhà gì?”
“À, những người đi tìm mỏ ấy mà?”
“À, vâng vâng”
“Tại sao anh đi mà không mang theo súng? Thế là liều lĩnh”
“Tôi bị đội của tôi bỏ rớt lại.”Anh chàng trả lời không có vẻ
chắc chắn lắm. “Làng của ông có xa đây không”
“Khoảng một trăm dặm”
Chàng trai gật đầu, nhắm mắt tận hưởng hơi ấm một lát, rồi lắc
mình và thở dài.
“Tôi bị kiệt sức”
“Đi một mình đã lâu chưa?”
“Lâu lắm rồi. Ông có gì uống không?”
“Có lẽ có đâu đây”
Chàng trai sáng mắt lên.
“Tốt. Lạnh thấm vào đến ruột gan tôi rồi. Đủ để ướp xác đấy.Tháng
Tư, người ta gọi thế”
Nikitich ra ngoài và trở lại với một balô trong đó có một miếng
thịt mỡ muối. Ông châm chiếc đèn treo trên trần.
“Lẽ ra người ta phải dạy cho những người trẻ các anh cách sống
một mình trong rừng taiga. Cử anh đi ra ngoài như thế này.. Anh thì biết gì về
rừng. Chính tôi đây này, chỉ mới năm ngoái, vào mùa xuân sau khi tan băng, đã
thấy một người. Còn trẻ. Cũng có râu. Tôi chỉ còn biết quấn anh ta vào chiếc mền
bông, và đó là kết cục của anh ta đấy.” Nikitich thái lát miếng mỡ muối trên
mép giường. “Nhưng nếu anh bỏ tôi lại giữa rừng taiga, tôi có thể sống một mình
qua hết mùa đông mà không phải than phiền gì cả. Có đủ đạn chì, đó, tôi chỉ cần
có thế. Và diêm nữa”
“Dù sao ông còn có căn nhà này”
“Tại sao tôi phải nằm trên tuyết khi tôi có một chỗ như thế
này? Tôi đâu phải là kẻ thù của chính mình"
Chàng trai nới lỏng dây lưng, cởi áo len dài tay và bước dạo
trong nhà. Anh ta đã ấm lên, và trong mắt đã có một ánh sáng lấp lánh. Anh ta
phải cảm ơn vận may đã run rủi anh ta đến nơi ấm áp như thế này, và gặp được một
người sống để ở cùng. Lúc này anh ta châm thêm một điếu thuốc khác. Mùi thuốc
lá thơm lừng. Nikitich thích trò chuyện với người thành phố, mặc dù ông khinh
thường cái vô tích sự ở họ. Đôi khi ông hướng dẫn những đoàn thăm dò địa chất.
Trong bụng ông cười thầm họ, nhưng ông khoái nghe họ nói chuyện và bản thân ông
cũng hào hứng tham gia. Ông cảm động cái cách họ nói chuyện thân tình với ông,
cái cách họ cười đùa thân mật. Nhưng nếu ông bỏ mặc để họ tự xoay sở lấy, thì họ
sẽ lúng túng ngay như lũ chó con mù. Nếu trong đoàn có một vài cô gái thì thú vị
hơn. Các cô thường kiên nhẫn chịu đựng mọi thứ mà không kêu ca. Các cô luôn muốn
được đối xử như với những chàng trai và không muốn nhờ người khác giúp đỡ. Ừ,
có khi họ nằm ngủ chồng đống cả với nhau mà chẳng xảy ra chuyện gì - không có
những trò bậy bạ. Giá bọn trai gái địa phương này mà nằm như thế thì đã xảy ra
đủ điều rắc rối. Nhưng họ thì không. Trông họ đẹp như tranh trong những chiếc
quần ống bó và áo chui đầu, và đầu thì trùm kín chống muỗi. Trông họ thật duyên
dáng và linh lợi. Nhưng bọn con trai thường không để ý gì đến điều đó, như thể
nó quá bình thường.
“Anh tìm ai?”
“Đâu?”
“Ý tôi muốn hỏi, anh đến đây để làm gì?”
Người trai trẻ phát ra một tiếng cười ngắn
“Thời vận của tôi”
“Thời vận…thời vận, cậu ạ, nó trơn tuột như con lươn ấy. Anh
cứ tưởng anh tóm được nó, rồi nó tuột đi lúc nào không biết.” Nikitich đang có
hứng nói, như ông thường nói với dân thành phố, khi ông được họ lắng nghe, đưa
mắt ra hiệu cho nhau, vài người còn lấy sổ tay ra ghi chép. Nikitich có thể nói
như vậy suốt đêm, chừng nào ông còn được họ dỏng tai lắng nghe. Dân làng mà như
vậy thì đã bỏ đi từ lâu, họ coi như kẻ ba hoa, nhưng những người này lại thích
nghe. Điều đó thú biết bao. Và đôi khi ông tự nhủ mình, mẹ kiếp, mình nói mới cừ
chứ. Ông có thể thêu dệt ra một câu chuyện bịa hoàn toàn, như những cha cố ngày
xưa. Chẳng hạn, cái cách ông mô tả rừng. Nó có một linh hồn, anh không được làm
hại nó hay vô cớ phá nó bằng một cái rìu, nếu không, nó sẽ khô héo, mà nếu nó
khô héo thì anh cũng sẽ khô héo. Anh vừa mới cảm thấy thoát cảnh nghèo khổ, thì
bỗng nhiên mọi thứ bên trong anh khô héo hết cả, thậm chí anh cũng không biết tại
sao. “Có những ngưòi ra khỏi thành phố mang theo cây súng là cứ bắn loạn cả
lên. Chẳng cần biết bắn vào ai, con đực hay con cái. Lẽ ra người ta phải biết
chùn tay trước những chuyện như thế. Tôi biết có khi họ bắn hạ một con gấu mẹ
có hai con gấu con. Hai con thú bé nhỏ ấy sẽ chết. Thế là anh chỉ được một bộ
da, trong khi nếu biết đợi một chút, anh sẽ có ba. Giết thú chỉ để tiêu khiển
thì thật là ngớ ngẩn. Đó là vận may cho anh đấy” Nikitich tiếp tục, trở về với
hiện tại.
Nhưng người trẻ tuổi không muốn nghe. Anh ta bước lại gần cửa
sổ và nhìn chằm chằm ra bên ngoài, rồi nói như vừa tỉnh ngủ. “Dù sao cũng sắp
sang xuân rồi”
“Ầy, mùa xuân nhất định sẽ đến, làm sao khác được. Ngồi xuống,
cậu, ta sẽ ăn những thứ Chúa ban cho chúng ta”
Họ lấy một ít tuyết, hoà tan vào cồn nguyên chất cho loãng
ra và uống, nhắm với mỡ muối. Nikitich cảm thấy khoan khoái. Ông ném thêm mấy
cành củi vào lò. Nhưng người trẻ tuổi không thể rời khỏi cửa sổ. Anh ta hà hơi
cho tan giá tạo ra một lỗ trống trên cửa kính và nhìn vào bóng đêm bên ngoài.
“Anh đợi thấy ai ở ngoài đó?” Nikitich ngạc nhiên hỏi. Ông
đang muốn nói chuyện.
“Tự do” Người kia trả lời. Anh ta thở dài. Nhưng không phải
cái thở dài buồn bã. Có một giọng rắn đanh, dữ dội trong cái từ ‘Tự do’ mà anh
ta thốt ra. Anh ta lảo đảo bước ra khỏi cửa sổ.
“Cho con xin một hớp nữa, bố” Anh ta mở cúc cổ áo sơmi đen bằng
sợi bông, dùng bàn tay rộng, nặng nề vỗ vỗ và xoa ngực.
“Anh nên ăn một chút. Nếu không, để bụng rỗng là nó vật anh
đấy ”
“Không đâu, nó không vật nổi con đâu” Anh ta trìu mến vòng
cánh tay rắn chắc quanh cổ ông già , và bắt đầu hát.
Trong
xà lim tử tội nơi tôi nằm
Tối
tăm ảm đạm thê lương
Không
có ánh mặt trời
Một
ông già tóc hoa râm bước đến
Anh ta phá ra cười hồn hậu, đôi mắt trong sáng rực niềm vui.
“Nào uống đi, bố già tốt bụng”
“Anh cảm thấy cô đơn phải không?” Nikitich cũng mỉm cười.
Càng nhìn anh chàng này ông càng thấy ưa thích. Trẻ, khoẻ, đẹp trai. Và có lẽ
anh ta đã bị lạc. “Ầy, chàng trai, anh có thể cũng đi đến một kết cục tệ hại
như thế. Thật là tệ nếu ở trong rừng taiga mà không có súng”
“Sẽ không có gì xảy đến với chúng ta đâu, chúng ta sẽ sống
mà, bố ạ”
Một lần nữa anh ta lại nói giọng cứng rắn, trong chốc lát
đôi mắt anh ta có một cái gì xa xăm, và lại lần nữa cái nhìn “ớn lạnh”…Khó mà
biết có cái gì đang chạy ngang qua đầu anh ta, hình như anh ta đã nhớ lại điều
gì đó. Một điều gì đó mà anh ta không muốn nhớ. Anh ta nâng ly lên và dốc tuột
vào cổ họng, gừ gừ thoả mãn và nhắm một miếng thịt mỡ. Sau đó anh ta châm điếu
thuốc khác và đứng lên - anh ta không thể ngồi yên. Anh ta sải những bước dài
trong nhà, dừng lại ở giữa, hai tay đặt bên hông và bắt đầu nhìn chăm chăm ra
khoảng không với vẻ xa xăm trong mắt.
“Tôi muốn sống, bố ạ”
“Ai chả muốn sống. Anh tưởngtôi không muốn à. Và tôi sắp..”
“Tôi muốn sống” Gã trai trẻ đẹp lặp lại với giọng vui vẻ dữ
dội, không nghe ông già nói. “Ông không biết cuộc sống như thế nào đâu. Nó..”
Anh ta suy nghĩ một lát rồi nghiến chặt hàm răng. “Ôi cuộc sống đáng yêu, cuộc
sống là như thế đấy”
Hơi men bốc lên đầu làm ông già cười khục khục:
“Cậu nói về cuộc đời cứ như nó là một người đàn bà ấy”
“Đàn bà là thứ cặn bã, rác rưởi.” Gã trai dường như đang
tràn ngập một niềm kiêu hãnh phấn chấn. Anh ta cứ tiếp tục nói chẳng để ý gì đến
ông già, và lúc này ông lại muốn nghe. Cái mạnh mẽ sôi nổi của chàng trẻ tuổi
hình như cũng tác động cả đến ông nữa.
“Ầy, đàn bà, tất nhiên là thế. Nhưng không có họ cũng phiền”
“Ta sẽ có nàng, nàng yêu dấu của ta” Chàng trai vươn người
lên phía trước và nắm chặt bàn tay thành nắm đấm. “Ta sẽ tóm lấy cổ họng nàng.
Còn nhớ ta không, nàng yêu dấu—nhớ Kolya Giáo sư này không? Nàng quên ta rồi
chăng?” Cứ như thể người con trai đang nói với một người phụ nữ nào đó và ngạc
nhiên vì sự quên lãng của cô ta. “ Tên chàng ta là Kolya, tên chàng thế đấy.
Nhưng Kolya nhớ em, Kolya chưa quên em.” Hoặc là anh ta đang vui cuồng lên vì một
việc nào đó, hoặc anh ta đang mưu mô một cuộc trả thù ghê rợn. “Ta đây. Đi lối
này, Madam. Chúng ta sẽ có cuộc chuyện trò thú vị. Ta không làm em đau đâu.
Nhưng em phải mang lại cho ta mọi thứ. Mọi thứ! Bởi vì, ta sẽ chiếm lấy”
“Có một cô em nào đã làm cho cậu kích động đến thế cơ à?”
Người con trai lắc đầu.
“Tên người đàn bà đó là Tự do. Ông
không biết nàng đâu. Bởi vì ông là một động vật, bố già ạ. Ông thích cuộc sống ở
đây, bởi vì ông chưa được nhìn thấy những ánh sáng ở một thành phố lớn - vẻ lộng
lẫy, đầy quyến rũ của chúng. Con người ở đó lịch lãm. Không khí ở đó ấm áp,
tràn ngập tiếng nhạc dịu êm. Người ta tận hưởng cuộc sống và rất sợ chết. Và
khi tôi ở thành phố, thì cả thành phố thuộc về tôi. Vậy sao tôi phải ở đây. Bố
già hiểu không? ”
“Nhưng cậu đâu có ở đây suốt đời”
“Bố không hiểu” Người trẻ tuổi bây giờ trở nên nghiêm khắc cứng
rắn và lạnh lùng. Tôi nên ở đó bởi vì tôi không sợ một ai. Tôi không sợ chết.
Và như thế có nghĩa là cuộc sống thuộc về tôi.”
Nikitich lắc đầu.
‘Tôi không hiểu cậu định dẫn câu chuyện đến đâu.”
Người trai trẻ bước đến bên giường, rót rượu ra hai cốc. Tự
nhiên trông anh ta mệt mỏi hẳn.
“Tôi đang chạy trốn, bố ạ”
Ông già chạm cốc một cách máy móc. Gã trai uống rồi nhìn ông
già. Ông vẫn giữ nguyên ly rượu trên tay, chằm chằm nhìn người trai trẻ.
“Sao thế?”
“Tôi không hiểu cậu”
“Uống” Gã trai ra lệnh.
Gã thò tay định rút một điếu thuốc lá, nhưng bao thuốc rỗng không.
“Bố cho tôi một điếu”
“Nhưng tôi hút thuốc lá rời”
“Thuốc gì cũng được”
Họ cùng châm thuốc. Gã trai ngồi xuống gốc cây, gần bếp lò.
Một khỏang im lặng dài giữa hai người,
“Họ sẽ bắt được cậu, nhất định thế”. Ông không hẳn tiếc cho
chàng trai, nhưng ông tưởng tượng con người to lớn đẹp trai này bị giải đi giữa
những người lính. Ông tiếc cho tuổi trẻ, sức mạnh và vẻ đẹp của người thanh
niên. Người ta sẽ nhốt cậu ta lại và thế là hết, tất cả đều uổng phí. Ở đó thì
vẻ đẹp trai chẳng được tích sự gì. Thật đáng tiếc. “Cậu lẽ ra không nên làm thế”
Ông già điềm tĩnh nói.
“Cái gì?”
“Bỏ trốn. Thời buổi bây giờ khác trước rồi. Nhất định họ sẽ
bắt được cậu”
Gã trai không trả lời. Anh ta ngồi đăm chiêu nhìn chằm chằm
ngọn lửa, rồi nhoài người ra bỏ thêm củi vào lò.
“Lẽ ra cậu nên chịu đựng đến cùng. Thế này không tốt”
“Thôi đi” Gã trai ngắt lời một cách xấc xược. Gã cũng đã trở
nên điềm tĩnh lạ lùng. “Tôi có đầu óc của tôi”
“Tất nhiên” Nikitich tán thành. “Cậu có phải đi xa không?”
“Ông có im đi một tí được không”
“Anh ta chắc phải có mẹ và cha” Nikitich tự nhủ, nhìn chằm
chằm vào gáy người thanh niên. Anh ta sẽ mang tin mừng về cho họ
Cả hai im lặng khoảng năm phút. Ông già gõ tàn thuốc ra khỏi
tẩu và nhồi điếu khác. Gã trai chăm chăm nhìn bếp lửa.
“Làng của ông có phải ở trung tâm huyện không?” Gã trai hỏi
mà không quay đầu.
“Không. Cách chúng tôi sáu mươi dặm nữa. Anh không bao giờ đến
được đâu. Phải đi xuyên qua rừng taiga vào mùa đông..”
“Tôi ở với ông độ ba bốn ngày, lấy lại sức khỏe một chút..”
Anh ta không yêu cầu mà chỉ như tuyên bố sự việc.
“Cứ ở lại nếu anh muốn, tôi không ngại. Tôi đoán anh còn phải
đi một chặng đường dài nữa. Liệu anh có chịu đựng nổi không?”
“Một chặng rất dài”
“Anh đến đó để làm gì?
“Đừng bao giờ hỏi ai câu đó, bố già ạ”
“Đừng bao giờ hỏi ai câu đó, bố già ạ”
Ông già bập tẩu thuốc cho
cháy rực lên. Ông ho vì khói thuốc xộc vào họng, và giữa hai tiếng ho, ông nói
“Không phải việc của tôi. Dù sao cũng thật đáng tiếc. Anh sẽ bị bắt”
“Biết đâu được. Có thể tôi gặp may. Họ không thể tóm tôi mà
không mất cái gì. Thôi ta đi ngủ đi”
“Anh nằm trước đi. Tôi ngồi đây
thêm một lúc chờ cho lửa tắt hết để còn đóng ống khói lại. Nếu không chúng ta sẽ
bị chết cóng vào sáng mai”
Người lạ trải áo nịt len của anh ta xuống giường và nhìn
quanh để tìm thứ gì gối đầu. Nhìn thấy cây súng của Nikitich treo trên tường,
anh ta lại gần, lấy nó xuống xem xét rồi treo lại vào chỗ cũ.
“Súng này cũ rồi”
“Tôi còn phải ngồi một lúc nữa. Có
chiếc chăn ở góc kia kìa, anh lấy trải xuống mà nằm, còn áo len để gối đầu. Và
để chân gần lò sưởi. Sáng ra lạnh lắm đấy”
Người trẻ tuổi trải chăn, nằm duỗi ra và thở dài mạnh.
Người trẻ tuổi trải chăn, nằm duỗi ra và thở dài mạnh.
“Cậu bé Tashkent” Anh ta nói vì một
lý do gì đấy “Ông không sợ tôi sao, bố già?”
“Sợ anh à” Giọng nói của ông già biểu
lộ ngạc nhiên. “Tại sao tôi lại phải sợ anh?”
“À, vì tôi là một tội phạm...không
đúng sao? Tôi có thể đến để giết người”
“Vì tội giết người thì Chúa sẽ trừng
phạt, không phải con người. Anh có thể trốn tránh con người, nhưng
anh không thể thoát khỏi Chúa.”
“Ông theo đạo phải không. Tôi dám
cá ông là một tín đồ Cựu giáo.”
“Tín đồ Cựu giáo? Một tín đồ Cựu giáo có ngồi uống rượu với anh không?”
“Tín đồ Cựu giáo? Một tín đồ Cựu giáo có ngồi uống rượu với anh không?”
‘Đúng thế. Nhưng đừng có làm rối óc
tôi lên về những lời dạy của Chúa của ông. Nó làm tôi phát ốm” Người trẻ tuổi
thản nhiên nói bằng giọng vô cảm. “Nếu bây giờ tôi đụng phải Chúa Giê xu của
ông, tôi sẽ đâm ông ta một nhát dao ngay”
“Để làm gì?”
“Để làm gì?...Bởi vì ông ta đã dạy
tất cả những truyện thánh thần bịa đặt ấy, bởi vì ông ấy đã nói dối. Trong thế
gian này không có ai tử tế với ai. Thế mà cái ông Giê xu quý hóa của ông đã dạy
mọi người ta phải tỏ ra nhu mì, dễ bảo và ôn hòa. Khốn kiếp ” Giọng người thanh
niên trở lại vẻ khô khốc và hung hăng, nhưng không có cái hãnh diện như lúc trước
. “Ai là người tốt trên đời này? Tôi chăng? Hay ông? Hả?”
“Tôi chưa bao giờ làm điều gì hại cho một ai”
“Thế ông có giết thú vật không? Chúa có dạy thế không?”
“Không thể so sánh thế được. Một người không giống một con vật”
“Nó cũng sống, đúng không? Đó là điều mà ông vẫn lảm nhảm đấy,
ông đúng là một con lợn hai mặt”
Nikitich không nhìn thấy mặt gã trai, nhưng ông có một hình ảnh
tưởng tượng về khuôn mặt ấy: xanh tái và râu ria. Trong cái tĩnh lặng ấm áp của
căn nhà gỗ nhỏ, giọng nói điên cuồng của người thanh niên này, người có gương mặt
đẹp trai và dễ thương như thế nhưng đang cơn vận đen tuyệt vọng, vang lên nghe
hoang dại và phi lý.
“Anh công kích tôi dữ dội thế để làm gì?”
“Đừng có nói dối. Đừng có lừa bịp mọi người. Ông luồn cúi xu
nịnh Giê xu. Nếu người ta bảo ông nhẫn nại thì hãy nhẫn nại. Nhưng thật ra ông
là cái giống gì? Cầu nguyện chưa dứt lời ông đã bò lên bụng mấy mụ đàn bà, đồ
con lợn bẩn thỉu. Nếu tôi phịa ra một ông Giê xu mới cho ngày nay, tôi sẽ có một
Giê xu biết cách đấm vỡ quai hàm bọn họ. Xem còn lừa dối nữa không? Nhớ lấy, đồ
xu nịnh”
“Đừng có chửi bậy!” Nikitich nói một cách nghiêm khắc. “Tôi
cho anh vào đây vì thiện ý, mà bây giờ anh quay ra cắn tôi. Anh nổi cáu vì người
ta cho anh vào tù. Nhưng không phải vô cớ mà người ta tống anh vào đấy. Vậy
trách cứ ai?”
“Hừ” Gã trai nghiến răng nhưng không nói gì.
“Tôi không phải là cha cố, đây không phải nhà thờ để anh
trút cơn điên giận của anh. Đây là rừng taiga, nơi mọi người đều bình đẳng. Hãy
nhớ lấy điều ấy. Nếu không, anh sẽ không bao giờ với tới được cái tự do quý báu
của anh, anh sẽ đứt cổ trước. Anh biết câu chuyện sư tử đánh đàn cừu và một con
cừu chống lại cả đàn sư tử đấy. Anh sẽ gặp đối thủ có ngày. Nếu anh vô cớ nhục
mạ người ta, người ta sẽ chỉ cho anh tìm tự do của anh ở đâu”
“Đừng tức giận, bố!” Gã trẻ tuổi dàn hòa. “Tôi ghét nghe
thuyết giáo! Nó làm máu tôi sôi lên! Họ đung đưa một búi giun sán trước mũi anh
và bảo anh rằng chúng thơm tho lắm, tốt lành lắm. Đó là cách sống của họ đấy.
Tôi tởm cái trò ấy lắm.” Anh ta gần như hét lên “Tôi sẽ không sống như thế. Họ
nói dối! Nó bốc mùi xác chết! Tất cả chúng ta có thể khóc thương trên một xác
chết đã tắm rửa sạch sẽ, nhưng cố mà yêu những người sống với tất cả những bẩn
thỉu của họ. Không có những ông thánh trên mặt đất. Tôi chưa bao giờ thấy một
ông thánh nào cả. Tại sao lại bịa đặt ra những ông thánh?!” Gã trai trẻ chống
người trên khuỷu tay, mắt gã lóe lên một ánh sáng hung dữ từ cái hình màu trắng
trong bóng tối là cái mặt gã.
“Khi anh nguội đi một chút, anh sẽ hiểu. Nếu không có những
người tốt trên thế giới, toàn bộ cuộc sống đã kết thúc từ lâu rồi. Chúng ta đã
ăn thịt nhau, tàn sát lẫn nhau. Không có Chúa Giê xu nào dạy thế, đó là niềm
tin của riêng tôi. Còn về những vị thánh, chỗ này anh nói đúng. Tôi không phải
là người xấu, không ai có thể bảo tôi là người xấu hay ác. Nhưng khi tôi còn trẻ...Có
một nhà thờ nhỏ của dân Cựu giáo ở bên kia đồi. Có một gia đình sống ở đó, một
đôi vợ chồng già với cô con gái khoảng độ hăm lăm. Có lẽ họ chưa già lắm, nhưng
lúc bấy giờ tôi có cảm tưởng họ rất già. Sau đó họ đã bỏ đi đâu không biết. ..Ờ,
tôi đã nói họ có một cô con gái. Cả gia đình đều hết sức sùng đạo, đó là lý do
họ sống khép kín, không cởi mở với mọi người, anh hiểu không, để tránh xa tội lỗi.
Thế rồi một hôm tôi đã dỗ được cô con gái của họ vào một khu rừng bạch dương nhỏ,
làm chuyện gì với cô ấy thì anh thừa hiểu. Một cô gái thật tuyệt vời, to lớn khỏe
mạnh. Kết cục là cô gái có con. Mà tôi thì lúc ấy đã có vợ...”
“Thế mà ông bảo ông chưa làm điều gì hại ai”
“Ờ, chuyện thế này. Tức là tôi cũng chẳng phải ông thánh.
Tôi không hề ép buộc cô ta, nói cho anh biết. Chỉ là tại hai người thích nhau,
nhưng dù sao.... Tôi đã cho ra đời một đứa con không cha. Tôi rất ân hận khi
nghĩ đến chuyện này. Bây giờ chắc nó phải là một chàng trai cao lớn lắm rồi,
tôi thật đáng nguyền rủa.”
“Ông không giết ai, ông còn tạo ra sự sống. Có thể ông đã cứu
cô ấy. Có thể cô ấy đã phải ra khỏi nhà sau chuyện ấy. Có thể họ làm cho cô ấy
phát điên bằng cái cách họ quỳ gối và cầu nguyện, khiến cô phải tự treo cổ. Có
thể cô ấy chưa hề biết việc nằm với một người đàn ông mang lại những hệ lụy gì.
Ông đã làm một việc tốt, tại sao lại ân hận?”
“Tốt hay xấu, thì sự thể là như thế. Tất nhiên chẳng có mấy
điều tốt”
“Trong chai còn gì không?”
“Rượu nặng? Còn có vài giọt. Cậu uống đi, tôi không cần nữa”
Người trai trẻ uống, rồi thở một hơi dài khoan khoái. Anh ta
không ăn gì cả.
“Anh uống nhiều lắm nhỉ”
“Không, chỉ vì tôi quá lạnh thôi. Đây không phải là cách uống
rượu, bố ạ. Uống rượu là phải có không khí. Âm nhạc. Thuốc lá thơm, sâm
banh...Đàn bà. Tất cả phải thanh lịch và tân tiến”
Người trai trẻ lại chìm vào suy tưởng đăm chiêu và ngả người
nằm xuống hai tay gối sau gáy. “Tôi ghét đĩ điếm. Chúng bẩn thỉu như cái chuồng
heo. Cuộc sống cần phải đẹp. Nếu tôi chơi với Thần Chết bảy lần trong một đêm –
ông hiểu không? Nếu tôi cảm thấy bàn tay xương xẩu của nó đặt trên vai tôi, và
đôi môi băng giá cố hôn lên trán tôi, thì tôi kiệt lực. Nhưng sau đó tôi nghỉ
ngơi. Tôi yêu và hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn tất cả bọn công tố viên cộng lại.
Ông bảo là nguy hiểm? Ừ thì đúng là nguy hiểm. Nhưng tôi không cần biết: nếu
trong lòng tôi sợ hãi, nếu tim tôi run rẩy như cầy sấy thì tôi cứ lao thẳng vào
nguy hiểm, và tôi sẽ không vấp ngã cũng không quay đầu lại.”
“Trước đó anh làm nghề gì?”
“Tôi là một đại lý cung cấp. Quan hệ văn hóa với các nước...Tôi
thường giảng những bài như “Loài bọ cánh cứng Colorado là gì và làm thế nào diệt
chúng...” Giọng người trẻ tuổi trở nên rời rạc trong một hai phút, rồi anh ta
nói giọng buồn ngủ “Thế đấy, bố già...Tôi ngủ đây”
“Ngủ ngon”
Nikitich dùng que cời lửa, nhồi tẩu và bắt đầu suy nghĩ về
người trẻ tuổi. Đối với anh ta cuộc sống là như thế. Đây là một người có đủ mọi
thứ: vẻ đẹp, sức khỏe và một bộ óc khá thông minh. Thế nhưng nó đã dẫn đến đâu?
Và còn có gì để dành cho anh ta? Cố gắng tìm cách chạy trốn qua rừng taiga?
Không, không còn phải nghi ngờ gì nữa. Đời sống thành phố đã làm người ta phát
điên. Ở chỗ như thế đầu óc họ lệch lạc hết. Những đứa cháu của Nikitich, ba đứa
tất cả, sống ở một thành phố lớn. Hai đứa còn đi học, một đứa đã đi làm và có
gia đình. Chúng không bao giờ khoe khoang khoác lác như anh chàng này, nhưng
thành phố có ảnh hưởng sâu đậm đối với chúng. Khi chúng phải xa rời thành phố
vào mùa hè, chúng buồn chán. Nikitich đưa súng cho chúng và hướng dẫn chúng đi
qua rừng taiga hy vọng chúng vui vẻ lên và rũ bỏ đi những lo lắng về học tập để tươi trẻ trở lại.
Chúng đã giả vờ vui thích và Nikitich bối rối vì ông không có gì khác cho những
đứa cháu tiêu khiển. Ông có cảm giác như ông đã lừa chúng. Mọi ý nghĩ của chúng
đều quay về thành phố. Và anh chàng đang nằm trên giường kia cũng đang điên đầu muốn về thành phố. Ở địa vị anh ta hẳn ông đã tìm
nơi ẩn náu sâu trong rừng và nấp kỹ dăm năm nếu đã không chịu nổi tù tội. Nhưng
anh ta lại muốn xông thẳng vào cái nơi anh ta có thể bị tóm trên từng bước đi. Và anh ta biết điều
đó, biết mà vẫn muốn.
Thành phố có hấp lực gì với chúng thế không biết? Mình già rồi,
và cả đời mới chỉ tới đó có ba lần, có thể mình không hiểu. Rõ ràng là ở đó có
đèn điện sáng, có nhiều trò vui. Thực tình tôi không hiểu lắm về mấy thứ đó, bởi
vậy tôi không muốn tỏ ra chê bai. Nếu ai thích ở đó, xin mời. Còn tôi, tôi
thích ở đây. Bọn họ thì mới đến đây đã hếch mũi lên bảo là chán với khổ. Sao họ
không nhìn kỹ hơn một tí. Vừa nhìn thấy cái gì họ đã lại phét lác về thành phố
của họ. Nhưng chỉ cần nhìn xem con kiến nó sống thế nào chẳng hạn. Hay là con
chuột chũi. Hay bất kỳ con vật nào khác. Chỉ cần nhìn một cái cho thú thôi. Rồi
tự hỏi mình xem đã biết được những gì về đời sống. Định kể với tôi những chuyện
thần tiên về thành phố ấy à? Thế nếu tôi kể ra tất cả những gì tôi biết thì sao
nào? Người ta không nghe tôi. Người ta chỉ trợn tròn mắt ra nhìn các người vì
các người là dân thành phố. Nhưng chẳng ăn thua gì với tôi đâu. Tôi chẳng ấn tượng
gì cái cách các người nghênh ngáo bước đi trên hè phố trong những đôi giày bóng
lộn của các người. Gã trai này đã làm đủ trò ngược ngạo và đánh mất đi mười lăm
năm tươi đẹp của cuộc đời. Shopbeaking, Mổ
cửa hàng, tôi đoán thế. Ăn chơi lu bù rồi đến lúc quỵ ngã. Thế mà bây giờ lại
muốn nữa. Đơn giản là anh chàng không thể sống mà không có thành phố. Về đến đó
là anh chàng sẽ sà vào hết nhà hàng này đến cửa hiệu khác. Sâm banh, nhưng anh
ta sẽ kiếm sâm banh bằng cách nào? Thật
ngu ngốc. Thành phố sẽ ăn thịt anh, nhai cả xương. Tôi thật thương hại
cái ngu ngốc của anh, nhưng tôi không làm gì được. Không thể cãi nhau với anh.
Củi đã cháy hết. Nikitich đợi cho
ngọn lửa tắt rồi đóng nắp ống khói, tắt đèn và chui vào nằm cạnh chàng trai,
lúc này đang thở đều đều trong giấc ngủ, cánh tay co quắp khó coi. Anh ta hầu
như không động đậy khi Nikitich kéo nó ra cho thoải mái.
“Mệt nhoài rồi phải không, thằng
ranh con hỗn láo.” Nikitich lầm rầm “Nhưng ai bảo mày? Giá chỉ cần mày nhìn lại
mày một cái!”
Quá nửa đêm một chút có tiếng động
giọng người ở bên ngoài. Hai hay ba người đang nói chuyện.
Người thanh niên ngồi bật thẳng dậy,
như thể anh ta chưa hề ngủ. Nikitich cũng ngóc đầu lên.
“Ai đấy?”
“Có trời mà biết”
Người trai trẻ trườn xuống khỏi giường
vừa lóng tai nghe phía cửa, vừa mò mẫm dọc tường tìm khẩu súng. Nikitich nhận
ra hắn định làm gì.
“Đừng có ngu ngốc” Ông khẽ bật ra
“Cậu chỉ làm mọi việc rắc rối thêm”
“Ai đấy?” người trẻ tuổi hỏi lần nữa.
“Đã bảo là tôi không biết”
“Đừng cho họ vào. Chặn cửa lại”
“Ai lại làm thế, ngu! Không có gì
mà chặn. Leo lên giường và đừng động đậy”
“Tôi bảo bố...”
Người trẻ không đủ thời gian nói hết
câu. Có người bước lên bậc cửa và lần tìm tay nắm cửa. Gã trai phóng nhanh lên
giường như con thằn lằn và từ trên đó gã cố thì thào “Bố, tôi thề với Chúa và
quỷ, nếu ông giúp tôi thoát... Làm ơn, bố già. Tôi sẽ không bao giờ quên...”
“Thấp đầu xuống” Nikitich ra lệnh.
Cửa bật mở.
“A ha!” Một giọng trầm đục kêu lên vui sướng. “Tôi đã nói có
người ở đây mà. Chà ấm quá. Vào đi!”
“Đóng cửa lại.” Nikitich vừa gắt gỏng vừa leo xuống giường.
“Thấy ấm sướng quá phải không? Sao không mở toang cửa ra cho nó nóng một thể ”
“Tốt cả rồi” giọng trầm âm vang lên. “Ở đây ấm và chúng mình
được tiếp đón tử tế”
Nikitich châm đèn.
Hai người khác bước vào, Nilkitich nhận ra một người trong số
họ là trưởng dân quân huyện. Tất cả mọi thợ săn đều biết ông ta bởi vì ông luôn
làm phiền họ bằng những yêu cầu dai dẳng về giấy phép săn bắn, và bắt họ đóng
thuế. Đó là một người đàn ông cao lớn vạm vỡ tuổi độ năm mươi.
“Tên ông là Yemelyanov, đúng không?”ông ta hỏi Nikitich.
“Đúng , đồng chí Protokin”
“Thế thì tốt, tiếp khách của ông đi”
Cả ba người cởi áo khoác ngoài.
“Đi kiếm chỗ săn bắn chút chơi, hả?” Nikitich hỏi không phải
không có ý châm chọc. Ông không thích mấy ông thợ săn nửa mùa này, họ chỉ làm ồn
ĩ lên một lúc rồi lại đi ngay.
“Chúng tôi phải nghỉ ngơi một chút. Ai nằm kia?”
“Địa chất” Nikitich thông báo ngắn gọn. “Anh ấy bị tụt lại
sau đoàn”
“Bị lạc à?”
“Ầy”
“Chúng tôi chưa nghe nói gì cả. Bọn họ sẽ đến đâu? Cậu ta có
nói không?”
“Làm sao cậu ta nói được? Đến mở miệng ra đã khó rồi. Cậu ta
bị tê cóng thế đấy. Cậu ta đã uống vài cốc cho nóng lên và bây giờ đang ngủ như
chết”.
Người chỉ huy đánh một que diêm soi lên mặt chàng trai.
Không một thớ thịt nào động đậy. Anh ta vẫn thở đều.
“Ông đã cho cậu ta uống khá đấy.” Que diêm của người chỉ huy
cháy hết “Sao chúng tôi không nghe nói gì nhỉ?”
“Có lẽ họ không có thời gian để báo cáo.” Một trong hai người
kia nói.
“Không. Trông cậu ta có vẻ như đã lang thang khá lâu trong rừng.
Cậu ta có nói đã đi một mình bao lâu không?
“Không” Nikitich trả lời. “Chỉ nói là bị tụt lại sau, thế
thôi”
“Thôi cứ để cậu ấy ngủ. Sáng ra ta sẽ làm rõ chuyện này. Thế
nào, các ông sẵn sàng đi ngủ chưa?”
“Rồi, nhưng có đủ chỗ không?” Hai người kia trả lời.
“Đủ” Người chỉ huy nói dứt khoát. “Lần trước chúng tôi cũng
năm người. Sáng dậy chúng tôi bị cóng như đá. Chúng tôi đã sưởi ấm chỗ nằm thế
mà vẫn không đủ. Đêm ấy ngoài trời dễ phải xuống đến âm năm muơi độ”
Họ cởi bỏ áo ngoài
và trèo lên giường. Nikitich nằm vào chỗ cũ bên cạnh chàng trai. Những người mới đên tiếp tục nói chuyện một
lúc về tình hình trong huyện, rồi dần dần im lặng. Chẳng mấy chốc mọi người đều
ngủ yên.
Nikitich thức dậy
ngay khi cửa sổ lờ mờ sáng. Người trai trẻ không còn nằm bên nữa. Nikitich cẩn
thận tụt xuống khỏi giường và thò tay vào túi tìm diêm. Ông chưa cảm thấy có gì
không ổn. Ông bật diêm. Chẳng còn dấu vết gì của người trai trẻ, của chiếc áo
len dài tay của anh ta, hay khẩu súng của ông. Trái tim ông thắt nghẹt lại.
Gã đã đi và mang
theo khẩu súng của ông.
Nikitich lặng lẽ mặc quần áo, lấy một trong những khẩu súng
đang dựa vào tường, và sờ vào túi xem đạn. Ông khẽ mở cửa và tuồn ra ngoài.
Ngày đang rạng. Nhiệt
độ đã tăng lên trong đêm và một màn sương mù mịt phủ những sắc màu nhợt nhạt của
rạng đông. Cách năm bước chân không trông thấy vật gì. Trong không khí phảng phất
mùi của mùa xuân.
Nikitich cột các
thanh trượt tuyết và bắt đầu trượt đi theo vết trượt còn mới vạch rõ ràng trong
tuyết xám.
“Thằng chó đẻ, đồ đểu
giả” ông lầm bầm chửi. “Cứ cút mẹ mày đi, nhưng sao lại lấy khẩu súng của ông.
Tao xoay sở thế nào được ở đây nếu không có súng? Mày có bao giờ nghĩ điều đó
không? Bộ mày tưởng tao có bạc nghìn chắc để cung cấp đủ súng cho tất cả chúng
mày? Mày biết trước rằng mày sẽ quẳng nó đi ở đâu đó, thằng phá hoại. Mày chỉ
muốn có một điều, là ra khỏi rừng taiga thôi, đúng không? Còn tao thì ngồi lại
đây gặm ngón tay vì không có súng. Mày cũng là người, sao mày không có lấy một
mẩu lương tâm, một tí liêm sỉ gì thế thằng chó.”
Tuyết đã dần dần trắng ra. Có vẻ ngày hôm nay sẽ nhiều mây
và ấm.
Vệt trượt tuyết không hướng về phía làng.
“Vậy là mày sợ người rồi, hử? Mày và “cuộc sống tươi đẹp” của
mày. Mày có thể lấy đi khẩu súng duy nhất của một ông già, cái đó không sao.
Nhưng mày đừng hòng thoát khỏi tay tao, thằng nhóc. Tao chấp bảy thằng trẻ như
mày đấy”
Nhưng cơn giận của ông già không ghê gớm lắm. Ông cảm thấy
đau hơn là giận. Ông đã làm mọi thứ có thể cho thằng trai trẻ này, thế mà nó lấy
đi khẩu súng của ông. Đốn mạt đến thế.
Nikitich đã đi được ba kilomet. Lúc này trời đã sáng rõ và
nhìn rõ đường trượt dài hút phía xa.
Gã trẻ tuổi chắc đã dậy rất sớm. Và nó đi mới nhẹ nhàng làm
sao.
Có chỗ gã dừng lại hút thuốc, bên cạnh
đường trượt có dấu vết chiếc gậy gã cắm trong tuyết, một ít vụn thuốc lá rời và
que diêm đã cháy.
“Vậy là nó lấy cả túi thuốc của
mình” Nikitich tức tối. “Thật quá lắm”
..Ông phát hiện ra gã trai từ xa, trong một khe núi phía dưới.
Gã đu đưa thành những bước trượt dài nhưng không vội vã. Khẩu súng đeo chéo
trên lưng gã. Gã biết cách trượt đấy,
Nikitich thừa nhận. Ông ra khỏi đường trượt và bắt đầu bọc sườn để tiếp cận con
mồi, chú ý ẩn mình dưới những nếp lượn mấp mô phía trên khe núi để khỏi bị nó
trông thấy. Ông biết chính xác điểm mà ông sẽ gặp hắn. Ông biết chẳng bao lâu hắn
sẽ đến một con đường nhỏ trong rừng. Hắn sẽ phải băng qua đó rồi lại đi sâu vào
rừng rậm. Và đó là nơi Nikitich sẽ đón hắn.
“ Bây giờ tao sẽ nhìn đúng mày” Nikitich lầm rầm, đè mạnh
tay lên các gậy trượt tuyết. Thực lạ là ông cảm thấy cực kỳ lo âu phải nhìn thấy
lại khuôn mặt điển trai ấy. Trên khuôn mặt ấy có một cái gì đó thật hấp dẫn. Có lẽ đó là lý do để hắn mê say cuộc sống
tươi đẹp của hắn đến thế. Ở đây thì có gì cho hắn, thử nghĩ xem? Hắn chỉ là đồ
bỏ đi. Ôi, cuộc sống thật là oái oăm. Chết tiệt!
Khi đến cuối con đường, nấp trong các bụi cây Nikitich căng
mắt nhìn ra. Không có vết trượt trên mặt tuyết, hắn đã đi lên trước rồi. Ông đã
chọn chỗ này, nơi thằng thanh niên kia có thể từ trong rừng nhô ra, ông ẩn mình
kín dưới bụi cây, chắc chắn khẩu súng đã có đạn, và đợi. Con mắt thợ săn của
ông ngắm nghía khẩu súng ông đang cầm trong tay. Đó là một khẩu súng mới toanh
làm ở Tula, bóng loáng và nồng nặc mùi dầu. Bọn họ đi săn mà để khẩu súng bốc
mùi như thế này đây. Khi anh đi săn, anh phải quên thuốc lá đi, phải súc miệng
cho sạch bằng nước trà, nếu không anh sẽ bay mùi hàng dặm, quần áo mặc thì phải
phơi ngoài trời mấy ngày, sao cho không còn hơi người nữa. Thế mà cũng gọi là
thợ săn.
Thằng trẻ tuổi ra khỏi con đường nhỏ và dừng lại. Hắn ngó
ngược ngó xuôi, đứng lặng một chút rồi nhanh chóng băng qua đường. Nikitich đứng
bật dậy để gặp hắn.
“Đứng lại! Giơ tay lên” ông quát lên ra lệnh, để khiến hắn
giật mình. Thằng trai trẻ ngẩng đầu lên, vẻ hốt hoảng trong mắt. Hắn đang chuẩn
bị giơ tay lên thì nhận ra Nikitich.
“Mày bảo mày không sợ ai” Nikitich
nói “ Thế mà đã vãi ra quần rồi”
Thằng thanh niên lấy lại bình tĩnh
rất nhanh, và cố tạo ra một nụ cười dễ mến.
“Ồ, bố…Nhất định là bố biết thế nào
mà. Đúng như trong phim, mẹ kiếp. Xuýt nữa bố làm tôi vỡ tim”
“Này, nghe đây.” Nikitich tiếp tục giọng nghiêm trọng.
“Không được lấy súng xuống, đưa tay ra sau lưng tháo đạn ra. Bỏ tất cả các thứ
trong túi ra. Tao còn mười sáu viên trong đó. Ném tất cả xuống tuyết và bước
sang một bên. Nếu mày giở trò, tao bắn. Tao nói là tao làm đấy”
“Tôi hiểu, bố ạ. Tôi biết lúc này
không phải đùa”
“Mày là thằng ăn cắp vô liêm sỉ”
“Chính bố đã nói rằng không thể đi
rừng mà không có súng”
“Thế còn tao làm gì ở đây nếu không
có súng?”
“Bố đang ở trên đất của bố mà”
“Đúng. Rồi sao nữa?
Tao ở nhà, đúng không? Và tao có cái gì ở nhà, một xưởng làm súng, phải
không?”
Tên thanh niên hất những
viên đạn ra khỏi các túi; Nikitích đếm được mười bốn viên. Rồi hắn với ra sau
lưng, hắn cắn môi và nheo mắt, đôi mắt vẫn gắn vào ông già. Nikitich theo dõi
sát từng động thái của hắn, giữ khẩu súng ngang ngực thằng thanh niên.
“Sao thế?”
“Tôi không thể lấy ra được…”
“Dùng móng tay cậy ra. Hay lấy nắm
tay gõ vào báng”
Một viên đạn rơi ra, rồi viên nữa.
“Được. Bây giờ bước sang đây”
Thằng thanh niên tuân lệnh.
Nikitich nhặt đủ đạn bỏ vào túi áo
khoác.
“Ném súng sang đây, nhưng ngoài ra,
không được nhúc nhích”
Thanh niên lấy súng khỏi lưng và
ném sang cho Nikitich.
“Bây giờ ngồi xuống nguyên chỗ ấy, chúng ta sẽ hút thuốc.
Ném bao thuốc của tao mà mày đã ăn cắp sang đây”
“Đôi lúc tôi muốn hút thuốc”
“Lúc nào cũng là cái mày muốn, phải không? Mày không bao giờ
nghĩ đến tao, đồ quỷ ích kỷ. Tao sẽ hút bằng gì?”
Thằng thanh niên quấn một điếu thuốc
cho mình và châm lửa.
“Tôi có thể giữ lại một ít thuốc được
không?”
“Lấy đi. Có diêm chưa?”
“Có”
Thằng thanh niên lấy một nắm thuốc lá cho mình rồi ném cái
bao cho ông già. Nikitich cũng châm thuốc
Hai người ngồi cách nhau khoảng năm
bước chân.
“Họ đã đi chưa? Đám người đến đêm
qua ấy?”
“Họ còn ngủ. Họ ngủ khoẻ lắm. Chỉ là che mắt thôi, săn bắn
gì họ. Họ chỉ muốn tiêu khiển, nhưng ở ngay trong huyện thì khó - lắm kẻ dòm
ngó. Bởi vậy họ thích đi xa khỏi tầm mắt mọi người”
“Họ là ai vậy?”
“Cán bộ cấp cao… Chỉ tốn đạn thôi”
“Hừm…”
“Mày nghĩ rằng tao không thể đuổi kịp mày phải không?”
“Tôi chẳng nghĩ gì cả. Ông biết một
người trong bọn đó, phải không? Ông gọi tên nó… Protokin, đúng không?”
“Anh ta công tác trong ngành bảo hiểm xã hội. Anh ta xét xem
bà nhà tôi có được nhận tiền hưu không. Tôi đã gặp anh ta ở cơ quan”
Người trẻ tuổi nhìn Nikitich một
cách dò xét.
“Có phải đó là nơi cấp giấy phép đi
nghỉ dưỡng?”
“Phải đấy”
“Ông là một con người kỳ quặc, bố già ạ. Chắc chắn là bố
không muốn đẩy tôi vào lại nhà tù chứ? Chỉ vì chuyện khẩu súng.”
“Việc quái gì mà tôi lại muốn đẩy cậu
vào đó?” Nikitich nói chân thành.
“Bố bán cho con khẩu súng nhé. Con
có tiền đây”
“Không” Nikitich trả lời dứt khoát. “Nếu hôm qua mày hỏi một
cách tử tế, có thể tao đã bán. Nhưng sau cái cách chó má mày đã làm, thì không”
“Nhưng làm sao con đợi được đến lúc
bọn họ thức dậy, bố nghĩ xem?”
“Lẽ ra mày có thể gọi tao ra ngoài
lúc nửa đêm. Mày có thể nói với tao ‘Tôi không muốn nói chuyện với những người
đó, bố ạ. Bố bán cho tôi khẩu súng, rồi tôi sẽ chuồn êm’. Nhưng mày lại ăn cắp.
Ở đây mà ăn cắp là người ta chặt tay, biết không.”
Người thanh niên ngồi chống khuỷu
tay lên đầu gối và úp mặt vào lòng bàn tay.
Hắn nói giọng khàn khàn: “Cám ơn bố
đêm qua đã không tống cổ con ra ngoài”
“Dù thế nào, mày sẽ không tới được
cái tự do của mày đâu”
Gã thanh niên hất đầu lên: “Sao lại
không?”
“Xuyên qua Siberi – đó không phải
chuyện đùa”
“Con chỉ cần làm sao đến được đường sắt, tàu sẽ đưa con đi. Con có giấy tờ. Nhưng gay nhất
ở đây là không có súng. Bố bán cho con đi, bố nhá”
“Không. Đừng nài nỉ vô ích”
“Con sẽ bắt đầu một cuộc đời mới,
chỉ cần bố giúp con thoát, bố ạ’
“Mày lấy giấy tờ ở đâu ra? Khử một
ai đó, tao đoán thế?”
“Giấy tờ do con người làm ra”
“Như vậy là giấy tờ giả mạo. Mày
không sợ người ta sẽ tóm cổ mày vì giấy tờ giả mạo à?”
“Bố lo lắng cho con cứ như mẹ con ấy.
‘Người ta sẽ tóm mày, người ta sẽ tóm mày…’ Bố giống như con vẹt. Con đảm bảo với
bố rằng họ sẽ không bắt được con”
“Nếu mày có ý định làm việc lương thiện, thì lấy đâu ra tiền
cho những sâm banh của mày?”
“Đêm qua con khoác lác một chút
thôi mà bố. Bố đừng để ý làm gì. Rượu nói đấy bố ạ”
“Mày là một thằng..” Ông già nhổ toẹt một bụm nước dãi màu
vàng lên mặt tuyết. “Những người trẻ tuổi như mày lẽ ra đã có thể có cuộc sống
tuyệt đẹp. Nhưng mày như con chó dại, chạy rông khắp nơi mà không tìm thấy chỗ
cho mình. Có phải mày đói khát khổ sở đến nỗi phải đi ăn cắp? Chứng điên rồ này
là tại no cơm ấm cật nên rửng mỡ đấy thôi. Mày đã bao giờ lâm vào cảnh nghèo khổ
túng đói đâu”
“Con có nói thế đâu, bố…”
“Ừ , thế thì trách ai?”
“Thôi, bỏ đi” gã trai trẻ đề nghị. “Bố có biết không”. Gã lo
lắng nhìn ông già “Mấy người kia lát nữa sẽ dậy, và họ thấy mất một khẩu súng,
rồi không thấy con và bố đâu. Liệu họ có đi tìm chúng ta không?”
“Họ sẽ không nhúc nhích cho đến lúc
mặt trời lên”
“Sao bố biết?”
“Tao biết. Hôm qua họ đã say tuý
luý. Căn nhà thì ấm áp dễ chịu, họ sẽ nằm cho đến bữa tối. Họ không có gì phải
vội vã”
“Hừm..” Có một vẻ buồn bã trong giọng nói của người trai trẻ.
“Tôi rơi vào thế kẹt thật rồi”
Bỗng nhiên tuyết bắt đầu rơi thành từng bông lớn trắng xốp.
Trời ấm và không khí nặng nề.
“Mày gặp may đấy” Ông già nhìn lên
trời.
“Tại sao?” Người thanh niên nhìn
theo ông.
“Tuyết này..Nó sẽ xoá sạch dấu vết”
Người thanh niên xoè bàn tay ra hứng lấy những bông tuyết. Chúng tan chảy
trên tay.
“Sắp sang xuân rồi” Hắn lầm bầm với
một tiếng thở dài.
Nikitich nhìn hắn như thể muốn in hằn vĩnh viễn cái hình ảnh của con người
không bình thường này vào trí nhớ. Ông
hình dung hắn lê bước suốt đêm – không mang súng.
“Mày qua đêm thế nào?”
“ Chợp mắt một chút bên đống lửa…
Đâu có được ngủ nhiều”
“Sao không tính đi vào mùa hè? Lúc
đó dễ dàng hơn nhiều”
“Đâu có thể chọn được thời gian dễ
dàng. Thiếu thức ăn mới là điều tồi tệ nhất. Trong khi lê chân từ làng này sang
làng khác, có cảm giác ruột dính vào xương sống. Thôi, cóc cần. Cảm ơn bố đã tiếp
đãi” Gã trai đứng dậy. “Bố nên về đi, kẻo mấy người kia dậy bây giờ”
Ông già lưỡng lự.
“Có một cách này để gỡ bí” ông nói chậm rãi. “Tao sẽ đưa cho
mày khẩu súng của tao. Sáng mai khoảng hai hay ba giờ sáng mày sẽ đến làng của
tao…”
“Rồi sao ạ?”
“Đừng hối tao. Khi mày đến đó, mày sẽ gõ cửa nhà một người ở
rìa làng, và bảo họ rằng mày nhặt được khẩu súng này – không, làmthế nào tốt nhất
nhỉ? Như vậy mày có thể gửi lại khẩu súng cho tao. Từ làng tao đến thẳng ga xe
lửa chỉ có hai mươi dặm. Đến đấy thì không lo gì nữa. Mày sẽ đến ga lúc tảng
sáng. Có nhiều toa chở hàng. Nhớ này, có một chỗ rẽ ba ngả. Đừng rẽ trái vì đường
ấy dẫn đến trung tâm huyện. Cứ đường thẳng mà đi.”
“Bố…”
“Gượm đã. Còn khẩu súng thì sao nhỉ. Nếu mày bảo mày nhặt được,
họ sẽ lo lắng đến chết và cử một đội đi tìm kiếm. Nhưng tao không muốn đưa nó hẳn
cho mày. Khẩu súng này thì ba khẩu như thế này tao cũng không đổi.” Ông chỉ vào
khẩu súng mới toanh trên đầu gối.
Người trai trẻ nhìn ông vẻ biết
ơn, và có lẽ đang cố tạo ra trong mắt gã có một vẻ biết ơn ấn tượng
nhất có thể được.
“Cảm ơn bố”
“Cảm ơn cái gì? Làm thế nào tao lấy
lại được khẩu súng?”
Người trai trẻ bước lại gần ông già và ngồi xuống
bên cạnh ông.
“Chúng ta hãy nghĩ cách gì đó… Con sẽ giấu nó ở một nơi nào
đó, rồi sau đó bố sẽ tìm lại”
“Ở đâu?”
“Trong một đống rơm, không xa làng”
Ông già suy xét cẩn thận điều này.
“Tìm vào ban đêm thì khó lắm. Không, tao nghĩ ra rồi. Mày gõ
cửa ngôi nhà ở cuối làng và hỏi thăm Yefim Mazayev sống ở đâu. Họ sẽ chỉ. Ông ấy
là một người bà con của tao. Mày đến gặp và nói với Yefim rằng mày gặp tao ở
trong rừng taiga, và tao đang hướng dẫn một đoàn địa chất đi Snake Marsh. Mày
nói với ông ấy là tao hết đạn rồi, nên nhờ mày mang súng về hộ. Ông ấy có thể đợi
tao ngày kia đến lấy. Nhưng tốt nhất là ông ấy đừng để ai biết tao đang dẫn
đoàn địa chất. Bảo ông ấy là tao đang muốn kiếm thêm một chút, hôm nào về sẽ nhậu
với ông ấy, đừng để bà xã nhà tao biết, bà ấy sẽ móc hết tiền của tao. Hiểu
chưa? Bây giờ để lại tiền đủ mua một chai rượu– Lão Yefim ấy nhất định đòi – và
chúng ta chia tay. Tao để cho mày sáu viên đạn. Và hai viên bắn nai, ở trong ổ
đạn ấy. Nếu không dùng đến, thì ném xuống tuyết ở chỗ nào xa làng. Đừng đưa nó
cho Yefim. Lão ấy khôn ranh lắm, lão sẽ đoán ra hết. Nào, bây giờ đã rõ cả
chưa?”
“Dạ, con rõ rồi. Con sẽ không bao
giờ quên bố”
“Thế thì được rồi… Đường đến làng đi như thế này. Khi mặt trời
lên – dù sao mày cũng biết nó ở hướng nào – lúc đầu đi thế nào để nó luôn ở bên
trái mày. Khi mặt trời lên cao hơn, vẫn cứ bên trái. Nhưng đến lúc mặt trời lặn,
thì hãy rẽ để nó đằng sau mày, ngay phía sau tai phải của mày. Rồi cứ thế đi thẳng.
Nào bây giờ hút điếu thuốc trước khi lên đường”
Họ châm thuốc.
Rồi bỗng tự nhiên hình như không
còn gì để nói. Họ ngồi thêm một lát, rồi đứng lên.
“Tạm biệt, bố. Và cám ơn bố nhiều”
“Đi đi”
Họ rời nhau mỗi người đi một ngả,
nhưng Nikitich dừng lại và gọi to người con trai.
“Mày có nghe tao nói không? Đêm qua xuýt nữa thì mày nguy to
đấy. Cái lão Protokin ấy, là huyện đội trưởng dân quân đấy. May mà đêm qua lão ấy
không đánh thức mày dậy. Mày không cách gì thoát khỏi được đâu. Lão ấy sắc như
dao cạo ấy”
Người trẻ tuôi không nói gì, chỉ đứng
nhìn Nikitich.
“Lão ấy muốn biết mày từ đâu đến,
và sẽ đi đâu. Giấy tờ không giúp được mày đâu”
Gã trai không trả lời.
“Thôi, giờ ta đi” Nikitich khoác khẩu súng của người lạ trên
vai và bước đi trên con đường dẫn về ngôi nhà gỗ nhỏ. Ông đi đến gần cuối đường
thì nghe thấy một âm thanh chát chúa như tiếng cành cây gẫy răng rắc ngay bên
tai. Cùng lúc ấy dường như có nhiều nắm đấm nện vào gáy, vào vai ông đẩy ông
nhao lên phía trước. Ông ngã sấp mặt xuống tuyết, không nghe, không cảm thấy gì
nữa. Ông cũng không nghe thấy tuyết đang được vun lấp lên người ông, và một giọng
nói “Như thế này tốt hơn, bố già ạ. An toàn hơn”
… Vào lúc mặt trời lặn gã trai đã đi xa khỏi con đường nhỏ ấy.
Hắn không để ý gì đến mặt trời đang ở phía sau. Hắn chỉ hướng thẳng tới phía
trước.
Tuyết nhẹ nhàng rơi.
Dần dần rừng taiga thức dậy. Hương
thơm hăng hắc của những cánh rừng xuân lan toả ngập tràn làm cho hắn ngất ngây
đến chóng mặt./.
Bản tiếng Việt © 2009 Hiếu Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét