Một cú chạm nhẹ
của cái chết đã dạy David Eagleman những gì về những bí mật của thời gian và bộ
não
Burkhard
Bilger
Hiếu Tân dịch
David Eagleman, 39 tuổi,
là một nhà thần kinh học và một nhà văn. Bằng nghiên cứu khoa học say mê, anh
đã đi đến tiếp cận những câu hỏi lớn của triết học. Các lập trường triết học
xưa nay nói chung đều mang tính chia cắt và bất dung. Người hữu thần tin vào
Thượng Đế của mình không bao giờ dung
tha kẻ vô thần và ngay cả những người ngoại đạo. Người vô thần tin như đinh
đóng cột vào quan niệm của mình và đấu tranh không khoan nhượng chống tôn giáo.
Thuyết bất khả tri bác bỏ cả hai lập trường trên và tự cho là không ai có thể
biết gì về những chuyện đó. Eagleman đưa ra một lập trường mới. Anh nói: Trí óc
của tôi để mở cho các tư tưởng mà ta không có cách nào thử bây giờ. “..với thuyết Khả Dung, tôi hy vọng định nghĩa
một lập trường mới - lập trường nhấn mạnh sự khám phá cái mới, những khả năng
chưa được xem xét đến. Thuyết Khả Dung là sự nắm giữ một cách thoải mái nhiều
tư tưởng trong đầu óc thuận lợi, nó không quan tâm đến việc gắn kết vào bất kỳ
chuyện đặc biệt nào.” (Eagleman
trả lời phỏng vấn của New York Times)
Tôi dùng chữ Khả Dung để dịch thuật ngữ
Possibilianism/ Possibilian do Eagleman
sáng tạo ra. H.T
“Người chỉ có một
ý tưởng duy nhất là người nguy hiểm, bởi vì anh ta sẽ chiến đấu và chết cho nó.
Cách làm khoa học thật sự là hãy đến với thật nhiều ý tưởng, và phần lớn chúng
sẽ là sai.”
– Francis
Crick –
Khi David Eagleman lên tám tuổi, anh bị rơi từ một mái nhà
xuống và cứ thế rơi mãi. Hay nó có vẻ như thế vào lúc ấy. Gia đình anh sống ở
ngoại ô Albuquerque, dưới chân dãy núi Sandia.
Quanh đó chỉ có vài ngôi nhà, rải rác giữa những bụi cây và những khóm
xương rồng, và một công trường xây dựng mới trong ý nghĩ của cậu bé Eagleman là
sân chơi tốt nhất. David và anh của cậu, Joel, đã đạp những chiếc xe cà tàng
đến một ngôi nhà xây dở dang bằng gạch mộc, cách đó khoảng bốn trăm mét. Sau
khi đã thám hiểm các phòng bên dưới, David trèo một cái thang gỗ lên mái nhà.
Cậu đứng đó vài phút ngắm phong cảnh - phóng tầm mắt qua sa mạc và những cụm
dân cư nhỏ, đến tận thành phố vươn cao xa xa - rồi bước lên một mảng giấy dầu
mới lợp, ra một cái gờ bên trên phòng khách. “Trông nó có vẻ cứng, cho nên tôi
bước ra tận mép.” Anh kể với tôi gần
đây.
Từ bấy đến nay, trong nhiều năm Eagleman thu thập những câu
chuyện giống như chuyện của anh, và hầu hết chúng có cùng bản chất: trong những
tình huống đe dọa đến tính mạng, thời gian dường như chậm lại. Anh nhớ lại cái
cảm giác ấy một cách rõ ràng. Thân thể anh
nhao ra phía trước khi tấm giấy dầu rách toạc dưới chân anh. Hai bàn tay
anh nhoài ra phía gờ, nhưng không với tới nó. Nền gạch trôi lên phía trên -
trên nền rải rác những chiếc đinh sáng loáng - khi thân thể anh xoay tròn không
trọng lượng bên trên. Đó là một khoảnh khắc im lặng tuyệt đối và nỗi sợ sắc
nhọn. Nhưng điều anh nhớ nhất là những ý nghĩ đến với anh giữa không trung: đây
là cái mà Alice cảm thấy khi cô rơi xuống hang thỏ.
Eagleman năm nay ba mươi chín tuổi và là phó giáo sư thần
kinh học tại Đại học Y Baylor, Houston. Về mặt vật lý, cú rơi thật tệ hại. Anh
đã rơi sấp, gần như nằm ngang, xuống những viên gạch, anh nói, và mũi anh chịu
va chạm nặng nhất. “Nó chạm đất bằng một điểm,” cha anh diễn tả. Sụn vỡ vụn đến
nỗi bác sĩ phẫu thuật trong phòng cấp cứu đã phải lấy hết nó ra, và lắp cho
Eagleman một chiếc vòi cao su mà anh có thể uốn theo mọi hướng. Nhưng cái mũi
cuối cùng cũng cứng lại, và bây giờ khó mà nói rằng nó đã từng bị thương. Gương
mặt Eagleman có những đường nét gãy gọn tinh nghịch, quai hàm thon nhỏ, tóc mai dài hợp mốt. Trong những
hành lang của phòng thí nghiệm Baylor, anh mặc quần jeans và đi giày mũi vuông
cao đến mắt cá chân bước đi những bước nhún nhảy trông chẳng khác nào dáng đi
khệnh khạng của Pinocchio bước đến Hòn đảo Vui.
Nếu thân thể Eagleman không mang dấu vết gì của tai nạn thời
bé, thì tâm trí anh hằn sâu ấn tượng về nó. Anh là người bị ám ảnh bởi thời
gian. Là trưởng một phòng thí nghiệm ở Baylor, Eagleman đã để cả chục năm lần
theo những mạch thần kinh và tâm lý của những chiếc đồng hồ sinh học của bộ
não. Anh thật may mắn đã bước vào lĩnh vực này cùng thời với sự ra đời của các máy scan fMRI, cho phép các nhà thần kinh
học quan sát bộ não đang làm việc, đang suy nghĩ. Nhưng những kết quả tốt nhất
của anh thường đến qua những phương tiện sáng tạo hơn: video games, ảo ảnh thị
giác, những thách đố vật lý. Eagleman có biệt tài thử những điều không thể thử
được, để lấy những khái niệm thô sơ và dùng chúng để đóng đinh những thứ trơn
tuột của ý thức. “Trong khoa học có vô số những việc buồn chán buộc phải làm,”
anh nói với tôi, “Mà quỹ thời gian của chúng ta lại quá ngắn ngủi, vậy sao
không làm những công việc tuyệt vời nhất trên thế giới?”
Phòng thí nghiệm của Eagleman nằm ở tầng trệt của Bệnh viện
Ben Taub của Baylor có thể là chiếc nôi của những cô cậu tuổi
teen thông minh không đợi tuổi nhưng cực
kỳ ham chơi và ham nghịch. Các cánh cửa được ghim những bức hí họa, các quầy
gắn những tay điều khiển và những dụng cụ điện tử khác. Bên cạnh bàn hội nghị
là một quả cầu cao su đỏ to tướng, được dùng như một cái ghế hay cho một
điệu nhảy hip hop. Khi lần đầu tiên
Eagleman chuyển đến, anh cho sơn lại các bức tường màu xanh em bé, với một lớp
lót ngoài dễ xóa. Bây giờ, chúng đã được phủ kín từ sàn lên trần bằng những
phương trình, những đồ thị, những trục thời gian, những danh mục việc cần làm,
những cách ngôn và những phác họa về sóng não – một bản dấu tích kiểu Pollock
với những chữ viết tháu đủ mầu đỏ xanh hồng đen. “Những cái cũ cực kỳ khó xóa.
Nó cũng giống như trí nhớ vậy,” Eagleman nói với tôi.
Mặc dù Eaglman và các sinh viên của anh nghiên cứu tác động
của thời gian trong bộ não, cảm giác của chính họ về thời gian lại có xu hướng
không chắc thực thế nào ấy. Mỗi buổi sáng, Eagleman dùng một chiếc đồng hồ đeo
tay của Nga để làm việc, mặc dù nó đã bị vỡ cách đây mấy tháng. “Có một hôm,
tôi đang ở trong phòng thí nghiệm,” anh kể với tôi, “và tôi nói với Daisy,
người ngồi trong góc phòng, “Này, mấy giờ rồi?” Và cô nói: “Tôi không biết.
Đồng hồ của tôi bị hỏng rồi.” Té ra cả hai chúng tôi đeo những chiếc đồng hồ
hỏng. Các nhà khoa học thường bị lôi kéo vào những chuyện nó hành hạ mình, anh
nói. Tôi biết có một phòng thí nghiệm nghiên cứu các cơ quan nhận cảm nicôtin
và tất cả các nhà khoa học ở đó đều hút thuốc, và một phòng thí nghiệm khác
nghiên cứu kiểm soát béo phì thì tất cả
bọn họ đều thừa cân. Nhưng mâu thuẫn của anh sâu sắc hơn nhiều. Các đồng hồ cho
ta một hư cấu thuận tiện, anh nói. Chúng hàm ý rằng thời gian tiến về phía
trước một cách đều đặn, có thể đoán trước, trong khi kinh nghiệm của chúng ta
cho thấy nó luôn luôn làm điều ngược lại: nó co dãn, nhảy vọt lên một cái và
quay trở lại gấp đôi.
Bộ não là một máy đếm nhịp có khả năng tuyệt vời cho nhiều
mục đích. Nó có thể theo dõi những giây, phút, ngày tuần, đặt chuông báo thức
vào buổi sáng, báo giờ đi ngủ, báo ngày sinh nhật và các dịp lễ. Sự sắp xếp
thời gian ấy quá thiết yếu đối với sự sống còn của chúng ta đến nỗi nó có thể
được tinh chỉnh tinh tế nhất cho các cảm giác của chúng ta, trong các trắc
nghiệm của phòng thí nghiệm, người ta có thể phân biệt các âm thanh cách nhau
chỉ năm phần nghìn giây, và việc xử lý thời gian một cách tự phát của chúng ta
còn nhanh hơn. Nếu anh đang xuyên qua rừng già, và một con hổ gầm lên trong một
bụi cây, bộ não của anh ngay lập tức thu nhận lấy tiếng gầm ấy bằng cách so
sánh khi nó đến mỗi bên tai, và lập thành một tam giác giữa ba điểm. Chênh lệch
có thể nhỏ đến mức chín phần triệu
giây đồng hồ.
Tuy nhiên “thời gian não” như Eagleman gọi, về thực chất là
chủ quan. “Hãy thử làm bài tập này,” trong một tiểu luận gần đây anh đề nghị.
“Bỏ cuốn sách này xuống và đến nhìn vào một tấm gương. Đừng cử động mắt qua
lại, sao cho khi bạn đang nhìn vào mắt trái của bạn, rồi nhìn vào mắt phải, rồi
nhìn lại mắt trái. Khi mắt bạn chuyển từ vị trí này sang vị trí kia, chúng cần
thời gian để di chuyển và đặt vào vị trí khác. Nhưng đây mới là chuyện đáng
nói: bạn không bao giờ thấy mắt bạn chuyển động.” Không có chứng cứ nào về bất
kỳ quãng cách nào trong cảm nhận của bạn - không có khoảng tối đen bị kéo dài liên
tục giống những mẩu phim đen không có hình – mà phần lớn những gì bạn nhìn đã
bị chỉnh sửa đi. Bộ não của bạn đã lấy một cảnh phức tạp của đôi mắt liếc qua
liếc lại và cắt lại nó thành một cảnh đơn giản: đôi mắt của bạn nhìn thẳng phía
trước. Vậy những khoảnh khắc ấy mất đi đâu?
Câu hỏi này đặt ra một vấn đề cơ bản của ý thức: bao nhiêu
phần của những gì chúng ta nhận thức tồn tại bên ngoài chúng ta, và bao nhiêu
phần nó là sản phẩm của trí óc chúng ta? Thời gian là một đại lượng như những
đại lượng khác, được cố định và xác định đến những phân lượng nhỏ nhất: từ
nghìn năm đến phần triệu giây, từ một
kỷ
đến một dao động của tinh thể thạch anh
.
Thế nhưng những dữ liệu ấy hiếm khi trùng hợp với thực tại của chúng ta. Những
chuyển động nhanh của mắt trong gương, gọi là những
saccade,
không phải là những cái duy nhất bị chỉnh lý đi. Sự rung nhòa camera của cái
nhìn hằng ngày được làm mịn đi theo cách tương tự, và những ký ức của chúng ta
được sửa lại triệt để. Vậy chúng ta còn mất cái gì khác nữa? Khi Eagleman còn
là một cậu bé, trò chơi ưa thích của cậu ta là giả làm một con rùa đi vào một
văn phòng cảnh sát trưởng. “Tôi vừa bị bọn ốc sên tấn công!” cậu gào lên. “Nói
cho tôi biết chuyện xảy ra như thế nào?” Viên cảnh sát trưởng trả lời. Con rùa
lắc đầu: “Tôi không biết, nó xảy ra quá nhanh.”
Cách đây ít năm. Eagleman nghĩ lại chuyện hồi bé anh bị ngã
từ mái nhà xuống và quyết định là nó đặt ra một vấn đề thú vị để nghiên cứu.
Tại sao thời gian chậm lại khi chúng ta sợ hãi cho mạng sống của chúng ta? Phải
chăng bộ não chuyển mạch trong một vài giây lơ lửng và nhận thức thế giới với
một nửa tốc độ, hay có một cơ chế nào khác đang tác động? Cách duy nhất để biết
chắc chắn là tái tạo tình huống trong một sự sắp đặt có kiểm soát. Eagleman và
một trong những sinh viên của anh, Chess Stetson, hiện giờ ở Caltech, bắt đầu
bằng thiết kế và lập trình một “máy đếm thời gian tri giác” có kích cỡ vào
khoảng một cỗ bài, nó có một đèn L.E.D hiển thị nối với một mạch và chạy bằng
một bộ pin 9 von. Chiếc máy nhỏ này có thể buộc vào cổ tay đối tượng, tại đó nó
nhấp nháy một con số với một tốc độ vừa vượt qua ngưỡng của tri giác. Nếu thời
gian chậm lại, con số sẽ trở nên thấy được. Bây giờ anh cần đến một tình huống
thật giống sự đe dọa tính mạng.
Một buổi chiều muộn vào tháng Mười, Eagleman và tôi chạy xe
đến một bãi đậu xe nền đá sỏi ở tây bắc Dallas. Một phòng bán vé xám xịt xây
bằng bê tông xỉ than đứng một bên, trên cửa có bảng hiệu ghi “Không Trọng lực.”
Bên trong, qua một hàng rào thấp có xích khóa lại, cả một tập hợp những cấu
trúc thép khổng lồ nhiều tầng vươn cao trên bầu trời. Bên trái là một cái bục
trông ọp ẹp với những dây cao su lủng lẳng; bên phải, một cối xay gió màu cam
quái dị với những chiếc ghế gắn vào các đầu cánh. “Chúng tôi phải cho nó ngưng
hoạt động,” một trong những nhân viên của bãi giữ xe chỉ vào nó nói với tôi.
“Nó đang đợi phụ tùng từ Đức.”
Không Trọng lực được quảng cáo như một công viên trò chơi
cảm giác mạnh, nhưng nó giống với một công trường bị bỏ hoang hơn – hay một đấu
trường cho những trận giác đấu trong một phim hậu tận thế. Khi Eaglema đến đó
lần đầu, cách đây năm năm, anh biết đây chính là chỗ cho anh. Anh đã thử chiếc
máy đếm nhịp trên các sinh viên tốt nghiệp của anh, trong một chuyến đi dã
ngoại đến Six Flags AstroWorld, ở Houston, nhưng ngay cả những đoàn tầu rồng
rắn
lớn nhất cũng tỏ ra chưa đủ khủng khiếp. Anh cần một cái gì đó tuyệt đối an
toàn nhưng thật sự giống như chết. “Tôi nghiền ngẫm vấn đề này một hồi,” anh
nói với tôi. “Tôi không thể đưa người ta vào một vụ tai nạn xe cộ được.” Sau đó
anh nghe nói về SCAD.
Nó đứng giữa bãi Không Trọng lực giống như một giàn khoan
dầu xây dở dang. Một giỏ khí cầu treo giữa bốn chân của nó và có thể được nâng
lên đỉnh bằng những sợi dây cáp to khỏe. SCAD là những chữ đầu của tên một dụng
cụ không khí lơ lửng (suspended catch air device) – một cụm từ còn khó hiểu hơn cả mấy chữ viết tắt
ấy. Nhưng ý tưởng thì đơn giản: khi người chơi đi lên đỉnh của tháp, anh ta sẽ
được móc vào đầu một sợi cáp và được thả xuống qua một cái lỗ trong sàn của giỏ
khí cầu. Lưng anh ta hướng xuống đất, mắt anh ta nhìn thẳng lên trên. Khi sợi
cáp được thả, anh ta bị lao thẳng xuống hơn ba mươi mét, một cú rơi hoàn toàn
tự do, cho đến khi đụng một tấm lưới căng gần mặt đất. “Tôi đã lên cái đó ba
lần, và lần nào cũng thấy rùng rợn,” Eagleman nói. “Lần thứ hai anh rơi, mọi bộ
phận trong người anh bị khóa chặt. Người anh cứng như đá, và anh không thở
được. Anh bị rơi ngửa, lưng xuống trước, với tốc độ tám mươi cây số một giờ khi
anh chạm vào tấm lưới.”
Chúng tôi lục tìm trong khắp bãi xem có kiếm được người nào
tình nguyện không, nhưng bãi hoàn toàn vắng vẻ. Trong cả nước chỉ có hai SCAD
mà cả hai, cho mãi đến gần đây, có những kỷ lục nguyên vẹn về an toàn. Thế rồi
vào tháng Bẩy một nhân viên vận hành SCAD giật khởi động một cú rơi trước khi
tấm lưới được nâng lên đến vị trí của nó. Khi người chơi - một em gái mười hai tuổi tên là Teagan Marti
– rơi xuống tấm lưới, động lượng của em đẩy nó dãn xuống tận đất. Cú va chạm ấy
làm nứt xương sọ và làm gẫy xương em ở mười vị trí. Sau đó, người vận hành ấy
được cho đi nghỉ vì lý do sức khỏe tâm thần. “Đây là lỗi của con người,” người
phục vụ ở Dallas nói chắc chắn với chúng tôi như vậy. Trước đây không có gì như
thế xảy ra ở đây.
Đúng lúc đó, một cặp trẻ lững thững đi vào bãi. Cả hai
khoảng ngoài hai mươi tuổi, mặt tròn vành vạnh và hơi bồn chồn. April có cặp
kính tròn và tóc đuôi ngựa; T.J. có chiếc áo thun mầu đen rộng lùng thùng với
một thanh kiếm vẽ trên đó, và một mớ tóc rất mốt chải ngược trên đỉnh. Hai
người gặp nhau tại Walmart ở Weatherford cách đây một giờ, họ nói với tôi. April tìm thấy chỗ này trên mạng, nhưng dường như đã lấy làm tiếc: cô nắm chặt
tay T.J. và nhìn chằm chằm vào SCAD, vai cô nhô lên đến tận tai. Anh nhìn theo
hướng cô nhìn. “Trước đây tôi đã nhẩy từ vách đá cao xuống hồ,” anh nói. “Nhưng
cái này gần như thế.”
Khi Eagleman cho họ xem chiếc máy đếm nhịp, họ có vẻ hơi
nghi ngờ. Cái phấn khích của Eagleman về nghiên cứu của anh thường dễ lây. Anh
là người nói giỏi, với cái tài vay mượn những câu chuyện tương tự và anh có
khuynh hướng nhảy cóc từ ý tưởng này sang ý tưởng khác cho đến khi giọng anh
khàn đi và trí óc anh phóng đến những kích thước xa rộng. (Có lần anh hỏi tôi
“chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đáp xuống một
hành tinh có những sinh vật xa lạ sống bằng một thang thời gian khác với
chúng ta? Liệu chúng ta có giống như những bức tượng đối với họ như những cái
cây đối vơi chúng ta?” Tuy nhiên, trong khung cảnh này, quả là khó mà coi anh
là nghiêm túc. Anh càng cố tỏ ra nghiêm trang và khoa học, thì April và T.J.
dường như càng coi anh như một tay khoái du hành vũ trụ đến mê mụ đang nói liên
hồi về chiếc máy thời gian của mình.
Tuy nhiên, họ đồng ý thử. Người phục vụ lắp ráp các dây rợ
khóa móc, chốt họ vào giỏ khí cầu đẩy họ chòng chành lao vào bầu trời Texas.
Tôi thấy lọn tóc đuôi ngựa của April quất trên đầu cô giống như một nhát quất
của gió. “Hôm nay là ngày mấy, Thứ Ba à?” Eagleman nói. “Làm thế nào một người,
vào ngày thứ Ba, sáng ngủ dậy quyết định “Hôm nay là ngày mà mình sẽ làm cho
mình sợ đến chết?” Rồi anh rút từ trong túi ra một chiếc đồng hồ bấm giây và
đợi hai thân thể kia rơi xuống.
Eagleman cho rằng nghiên cứu của anh bắt nguồn từ các nhà
tâm-sinh lý học Đức cuối thế kỷ mười tám, nhưng ông tổ thật sự của anh có lẽ là
nhà sinh lý học Mỹ Hudson Hoagland. Vào đầu những năm một nghìn chín trăm ba
mươi, Hoagland đề xuất một trong những mô hình đầu tiên của ông về cách bộ não
lưu giữ thời gian, một phần dựa trên hành vi của vợ ông khi bà bị bệnh cúm. Sau
này ông nhớ lại, bà than rằng bà bị rơi ra khỏi mép giường quá chậm, khi ông ra
ngoài chỉ một khoảng thời gian rất ngắn. Do đó Hoagland đề xuất một thí nghiệm:
bà sẽ đếm đến sáu mươi giây trong khi ông dùng đồng hồ bấm. Không khó tưởng
tượng sự bực bội của bà khi nghe lời đề nghị ấy, và sự tự mãn của ông sau đó:
sau khi thời gian của bà đã hết, đồng hồ của ông chỉ ba mươi bẩy giây. Hoagland
tiếp tục lặp lại thí nghiệm đó nhiều lần, chắc
hẳn phải vượt qua sự phản đối dữ dội của bà vợ, (bà sốt tới 39,4 độ).
Kết quả là một trong những đồ thị kinh điển của tài liệu khoa học về nhận thức
thời gian: Hoagland nhận thấy nhiệt độ của vợ càng lên cao thì ước lượng thời
gian của bà càng ngắn. Giống như động cơ của một chiéc xe đua: đồng hồ tâm thần
của bà càng chạy nhanh bao nhiêu thì nó càng nóng lên bấy nhiêu.
Các nhà tâm lý học đã bỏ ra nhiều thập kỷ sau đó để cố lý
giải cơ chế này. Họ làm thí nghiệm với chuột, cá, rùa, mèo, và bồ câu, rồi
chuyển sang khỉ, trẻ em và những người lớn có não bị tổn thương. Họ quay điện
các đối tượng với các điện cực, nhốt chúng trong những cái chụp được nung nóng,
nhấn chúng vào những thùng nước, và làm cho chúng tức điên lên vì những cú chọc
phá liên tục, hy vọng làm cho những chiếc đồng hồ nội tại của chúng chạy nhanh
lên hay chậm lại. Hoagland tin rằng việc đo thời gian là một “quá trình hóa học
đồng nhất” gắn với trao đổi chất. Nhưng những nghiên cứu sau đó gợi lên một hỗn
hợp các hệ thống, mỗi hệ thống theo một thang thời gian khác nhau – não tương
đương với đồng hồ mặt trời, một đồng hồ cát, và một đồng hồ nguyên tử. “Mẹ Thiên
nhiên là một người thợ hàn chứ không phải một kỹ sư,” Eagleman nói. “Bà không
chỉ sáng chế ra một cái gì đó, và kiểm nó theo một danh sách. Mọi vật là lớp
này xếp chồng lên lớp khác, và điều đó tạo ra thật nhiều sức khỏe.” Bệnh
Parkingson có thể tác động đến khả năng nhận biết các khoảng thời gian đến vài
giây chẳng hạn, nhưng để những phần nhỏ
của giây nguyên vẹn.
Vấn đề chúng ta chứa bao nhiêu đồng hồ vẫn còn chưa rõ. Luận
văn về khoa thần kinh học gần đây nhất mô tả bộ não như là một mái hắt kiểu Victoria
đầy những đồ vật được dán nhãn lờ mờ và kỳ cục, trôi về mọi góc. Chiếc đồng hồ
xuất hiện mỗi ngày một lần theo dõi chu kỳ của ngày và đêm, ẩn núp vào trung
tâm suprachiasmatic, vào hypothalamus
.
Tiểu não, vùng điều khiển các vận động cơ bắp, có thể kiểm soát xử lý thời gian
theo trật tự một vài giây hoặc vài phút. Những hạch cơ bản và các bộ phận khác
của vỏ não tất cả đã được giao chức năng như những máy bấm giờ, mặc dầu có
những chỗ không thích hợp về chi tiết. Hình mẫu chuẩn do nhà tâm lý học Columbia John Gibbon (đã
quá cố) đề xuất trong những năm một chín bảy mươi, cho rằng bộ não có những nơ
ron “máy điều hòa nhịp” thả ra những mạch đập đều đặn của những dẫn truyền thần
kinh. Gần đây hơn, ở Duke, nhà thần kinh học Warren Meck đã gợi ý rằng cảm nhận
thời gian được điều khiển bằng các nhóm nơ ron dao động với nhiều tần số khác
nhau. Ở U.C.L.A. Dean Buonomano tin rằng các miền trên khắp bộ não hoạt động
như những chiếc đồng hồ, các mô của chúng tích tắc với những mạng lưới thần
kinh, thay đổi trong những mẫu hình có thể đoán trước. “Hãy tưởng tượng một tòa
nhà chọc trời trong đêm,” anh bảo tôi. “Một số người trên tầng cao nhất làm
việc đến tận nửa đêm, trong khi một số khác trên những tầng thấp hơn đi ngủ
sớm. Nếu anh nghiên cứu các mẫu hình này đủ lâu, anh sẽ có thể biết giờ chỉ
bằng cách nhìn lên những đèn nào còn sáng.
Thời gian không giống như những cảm giác khác, Eagleman nói.
Nhìn, ngửi, sờ, nếm và nghe là tương đối dễ cô lập trong não. Chúng có những
chức năng riêng biệt rất hiếm khi chồng lấn nhau: khó mà mô tả cái vị của một
âm thanh, mầu của một mùi, hay mùi của một xúc giác. (Trừ khi, tất nhiên, bạn
có cảm giác kèm (synesthesia) – một
trong những nỗi ám ảnh khác của Eagleman.) Nhưng một cảm giác về thời gian len
lỏi qua mọi thứ mà chúng ta cảm nhận. Nó có đó trong độ dài của một bài hát,
trong cái dai dẳng của một mùi hương,
trong sự lóe sáng của một bóng đèn. “Trong khoa thần kinh học luôn luôn
có một sức đẩy tới não tướng học – tới chỗ nói rằng ‘đây là nơi xảy ra chuyện
đó,’ Eagleman nói với tôi. “Nhưng điều thú vị về thời gian là không có nơi chốn
nào hết. Nó có một đặc tính tản mác. Nó là siêu cảm giác; nó vọt lên đỉnh của
tất cả các cảm giác khác.”
Điều bí ẩn thật sự là tất cả những cái đó phối hợp với nhau
như thế nào. Khi bạn xem một trận bóng
hay cắn một miếng hotdog, các giác quan của bạn có một sự đồng bộ hoàn
hảo: chúng xem và nghe, nếm và ngửi cùng một thứ tại cùng một thời điểm. Tuy
nhiên chúng hoạt động ở những tốc độ khác nhau về cơ bản, với những dữ liệu vào
khác nhau. Âm thanh chuyển động chậm hơn nhiều so với ánh sáng, mùi và vị còn
chậm hơn nữa. Ngay cả nếu những tín hiệu đó vào đến não của bạn cùng một lúc,
chúng cũng được xử lý với những tốc độ khác nhau. Eagleman vạch rõ: lý do mà
những cuộc chạy đua100-m xuất phát bằng một phát súng lệnh chứ không phải bằng
một ánh sáng lóe lên, là cơ thể phản ứng với âm thanh nhanh hơn nhiều. Những lỗ
tai của chúng ta và khu vực thính giác
của vỏ não có thể xử lý một tín hiệu nhanh hơn mắt và khu vực thị giác của vỏ
não bốn mươi mili giây – hơn là bắt kịp với tốc độ ánh sáng. Có lẽ đây là dấu
vết còn sót lại của cái thời chúng ta sống trong rừng già, tai nghe tiếng hổ
gầm trước khi nhìn thấy nó.
Trong tiểu luận của Eagleman “Thời gian của não” in trong tuyển tập “Điều gì tiếp theo? Những thông điệp về tương lai của khoa học” anh
mượn hình tượng của “Những thành phố vô hình” của Italo Calvino. Bộ não, anh
viết, giống như Kubai Khan, vị Đại đế Mông Cổ thế kỷ mười ba. Nó được đăng
quang trong hộp sọ “được bao bọc trong bóng tối và trong im lặng,” ở một khoảng
cách cao vời so với thực tại thô thiển trần trụi. Các sứ giả từ mọi nơi trong
vương quốc cảm giác tuôn về, mang theo lời của những hình ảnh âm thanh và mùi
vị từ xa xăm. Những lời trình báo của họ đến với tốc độ khác nhau, thường quá
hạn từ lâu, nhưng tất cả các chi tiết vẫn được khâu đính lại với nhau thành một
kỷ yếu liền mảnh. Cái khác là Kubai Khan ráp lại quá khứ. Bộ não mô tả hiện tại
– xử lý những tập dữ liệu rời rạc trên đường bay, chỉnh sửa mọi thứ vào một
khoảnh khắc tức thời của hiện tại. Làm thế nào nó làm được việc đó?
Vấn đề thân-tâm đã khiến Eagleman trăn trở nhiều hơn hết. Mẹ
anh kể với tôi, khi anh còn bé, anh đã có khuynh hướng “phân tách bản thân” để
đánh giá hoạt động nội tâm của anh từ một khoảng cách bình thản, có tính phê
phán. “Bộ não của tôi có thể làm được điều này,” anh nói. Mẹ anh là một giáo
viên sinh học, cha anh là một chuyên gia tâm thần thường được mời đánh giá
những lời khẩn cầu điên rồ, nhưng con trai của họ là một tạo vật vượt ra ngoài
kinh nghiệm thông thường của họ. “Có nhiều chuyện về David khá ngộ nghĩnh,” mẹ
anh nói. Anh viết những chữ đầu tiên vào tuổi lên hai, trên một máy đánh chữ
hiệu Underwood. Năm mười hai tuổi, anh bắt đầu giảng giải thuyết tương đối cho
họ. Một trong những trò chơi ưa thích của anh là đòi một danh sách những đồ vật
ngẫu nhiên, rồi nhắc lại theo trí nhớ - theo thứ tự ngược lại, nếu người ta
muốn. Kỷ lục của anh là bốn trăm thứ đồ vật.
Khi còn là một sinh
viên chưa tốt nghiệp ở Rice, Eagleman đã muốn làm nhà văn, nhưng cha mẹ anh
thuyết phục anh chọn môn kỹ thuật điện tử. “Nó giống như là nhai những chiếc là
mùa thu,” anh nói. Sau đó là một kỳ nghỉ phép kéo dài. Sau năm học thứ hai,
Eagleman tình nguyện sung vào quân đội Israel, rồi dự một học kỳ tại Đại học
Oxford nghiên cứu khoa học chính trị và văn học, cuối cùng chuyển đến Los
Angeles để trở thành người viết kịch bản phim và diễn viên tấu hài. Chẳng cái
nào trụ được lâu. “Tôi biết tôi có một số năng lượng trí tuệ” anh nói. Nhưng
tôi không biết những món đồ trang sức của tôi có thể bán được ở đâu.” Trở lại
Rice, anh bắt đầu đọc các sách về về bộ não trong những thời gian rảnh rỗi và
quyết định theo một khóa về khoa ngôn ngữ thần kinh. “Ngay lập tức tôi mê say
với ý tưởng về nó,” Eagleman nói. “Đây là một cơ quan nặng hơn một ký trong đó
chứa đựng tất cả những gì là chúng ta – những hy vọng và những ước muốn và
những tình yêu của chúng ta. Ngay trang đầu nó đã chiếm được tôi rồi.”
Các nhà toán học,
giống như các nhạc sĩ rock, thường hoàn thành các công trình tuyệt tác của họ
vào độ tuổi hai mươi và ba mươi. Câc nhà thần kinh học thì không thế. Các giải
Nobel trong lĩnh vực này thường giành được vào khoảng giữa sự nghiệp, sau vài
lần khởi hành sai và lạc đường. không mang lại kết quả gì. “Sinh hoc đặc biệt
theo cách này,” Eagleman nói. “Người ta phải mất nhiều năm mới đạt đến một cảm
giác về cơ thể - về cách hoạt động thật sự của tự nhiên. Những người trẻ bước
vào môn này bao giờ cũng biết một mớ những bài toán làm say mê nhất thời. Họ
nói, “Nếu nó giống mô hình điện toán này, bài toán vật lý này, thì sao nhỉ?” Đó
là những ý tưởng rất hay, nhưng chúng sai. Không có cái gì hoạt động theo cách
người ta mong chúng hoạt động.
Eagleman nói từ kinh
nghiệm. Khi là một sinh viên tốt nghiệm ở Baylor, anh đầu tiên nghiên cứu toán
học cực kỳ say mê, trong khi chưa được đào tạo gì nhiều về sinh học. (“Tôi đã
hỏi các giáo sư rằng họ đang làm gì, và họ nói, ‘vâng vâng… Hy lạp, Hy lạp,
Latin, Latin,’ anh nói về cuộc phỏng vấn thi tuyển của anh.) Để làm luận án
tiến sĩ, anh lập trình một mẩu mô thần kinh thật, phức tạp đến nỗi nó chiếm
dụng siêu máy tính của Trung tâm Y khoa Texas trong nhiều ngày, khiến khắp cả
trường Đại học nổi những lên lời phàn nàn.
“Tôi nhớ khi anh ấy viết luận văn, anh ấy có một bao khoai tây sống ở
dưới gầm bàn,” giáo sư hướng dẫn của anh, Read Montague, nói với tôi. “Anh ấy
nướng một củ khoai tây trong lò viba, đặt nó trong một cái chén, rồi nhoài
người ra cắn một miếng trong khi đánh máy. Dường như đây là lối sống của phòng
thí nghiệm chúng tôi trong nhiều thập kỷ liên tiếp. Nó xua đi những mệt mỏi uể
oải của tâm hồn.”
Chương trình cura Eagleman là một kỳ công cả về mặt lý
thuyết lẫn thực tiễn: nó chứng tỏ rằng các tế bào não có thể trao đổi thông tin
không chỉ thông qua các dẫn truyền thần kinh mà còn qua cả sự dao động của các
nguyên tử can xi nữa. Anh tiếp tục nhận được học vị sau tiến sĩ ở viện Salt
danh tiếng, gần San Diego. Tuy nhiên, một khi đã ở đó rồi, anh rơi vào tầm ảnh
hưởng của Francis Crick, một nhà sinh học quan tâm nhiều hơn đến những mô phỏng
thông minh. Crick tám mươi ba tuổi khi Eagleman gặp ông, năm 1999. Ông đã nhận
giải Nobel cùng với James Watson gần bốn mươi năm trước, về giải mã cấu trúc
DNA, nhưng từ đó nghiên cứu của ông đã rẽ ngoặt sang tả, từ di truyền học sang
nghiên cứu về ý thức. “Chúng tôi làm những seminar này, và ông ngồi đó, đầu gật
gù, còn tôi thì suy nghĩ, Ôi, ông già tội nghiệp, sự trả giá của tuổi tác,”
Eagleman nhớ lại. “Rồi trên khuôn mặt
ông nở một nụ cười và ông giơ một bàn tay lên – và thế cũng đủ đi vào gan ruột
người nói. Tôi chưa bao giờ thấy một cái gì như thế.”
Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu về não đi theo sự
dẫn dắt của những người theo chủ nghĩa hành vi, như B.F. Skinner. Họ xử lý đối
tượng của họ như một cái máy giống bất kỳ cái máy nào khác, với những đầu vào,
đầu ra và những cơ cấu mờ mịt ở giữa. Nhưng Crick và một nhóm những nhà nghiên
cứu khác tin rằng bây giờ là lúc cậy bật nắp chiếc hộp đen của Skinner – để ít
ra bắt đầu nhận dạng các cơ cấu của ý thức cá nhân. “Khi tôi bắt đầu tiến hành, về cơ bản người
ta không được phép nói về nó,” Eagleman nói. “Tại sao nó cảm thấy giống như một
cái gì đang sống? tại sao khi anh tập hợp lại một triệu bộ phận, một cái gì đó
bỗng nhiên có cảm giác về bản thân nó? Tất cả những điều này bay qua cửa sổ
theo Skinner. Và cần có một người mang dáng vẻ trang trọng của Crick bước vào
và nói: “Các anh biết gì không? Đây là một vấn đề khoa học – lý thú nhất trong
thời đại chúng ta.” Crick gọi nó là cuộc tìm kiếm linh hồn bằng khoa học.
Eagleman phải đợi mất mấy tuần mới được vào yết kiến Crick.
(“Tôi gần như đã trở thành bạn thân với thư ký của ông” anh bảo tôi.) Nhưng sau
đó hai người mau chóng tâm đầu ý hợp và gặp nhau thường xuyên. Giống như Crick,
Eagleman mê mẩn với ý thức. Anh nghĩ về thời gian không chỉ như phép tính thần kinh
– một thứ dành cho các đồng hồ sinh học – mà như một cửa sổ trong những vận
động của trí tuệ. Chẳng hạn, trong một luận văn đăng trên Sience năm 2000, Eagleman xem xét một ảo ảnh thị giác được gọi là
hiệu ứng lóe-trễ. Ảo ảnh này có thể có nhiều dạng, nhưng dưới dạng của Eagleman
nó bao gồm một đốm trắng lóe lên trên một màn hình khi một vòng tròn màu xanh
đi qua nó. Để xác định đốm trắng gặp vòng tròn ở chỗ nào, Eagleman thấy rằng
sức chú ý của những người tham gia thí nghiệm của ông phải di chuyển tới lui
đúng lúc. Họ thấy đốm sáng lóe lên, rồi quan sát vòng tròn di chuyển và tính
toán quỹ đạo của nó, rồi quay trở lại và đặt đốm sáng trên vòng tròn. Đây không
phải vấn đề đoán trước, mà là đoán sau.
Điều tương tự như thế luôn luôn diễn ra trong ngôn ngữ, Trưởng
khoa Buonomano nói với tôi. Nếu ai đó nói, Con chuột trên bàn bị vỡ rồi” thì
trí óc của bạn nghĩ đến một hình ảnh khác hơn nếu bạn nghe, “Con chuột trên bàn
đang ăn pho mat.” Não bạn ghi nhận từ “chuột”, đợi bối cảnh của nó, và chỉ sau
đó mới quay trở lại để hình dung ra nó. Nhưng ngôn ngữ vẫn để dành thời gian
cho những ý nghĩ khác. Hiệu ứng lóe-trễ dường như ngay tức khắc. Cứ như thể từ
“con chuột” được biến thành từ “track pad”
trước khi bạn nghe thấy nó.
Giải thích điều này vừa đơn giản vừa lạ lùng một cách sâu
sắc. Eagleman lần đầu tiên mô tả nó cho tôi trên đường từ Houston đến công viên
trò chơi cảm giác mạnh Không Trọng lực ở Dallas. “Hãy tưởng tượng có một tai
nạn xảy ra trên đường cao tốc phía trước,” anh mở đầu. “Một trong những chiếc
xe này lao vào chiếc cầu kia.” Nếu sự va
chạm cách xa một trăm mét, chúng ta thấy chiếc xe tông vào cầu trong im lặng.
Âm thanh, như một hồi sấm, phải mất thời gian để đến chúng ta. Cuộc va chạm
càng gần, sự trễ càng ngắn, nhưng chỉ đến một điểm: ở khoảng cách ba mươi ba
mét, âm thanh và hình ảnh bỗng nhiên khóa chặt với nhau. Eagleman giải thích
rằng dưới ngưỡng này các tín hiệu đến với não cách nhau một trăm mi li giây, và
mọi sự khác biệt đều bị xóa đi trong quá trình xử lý. Trong thời kỳ đầu của vô
tuyến truyền hình, Eagleman bảo tôi, những người phát chương trình nhận ra một
hiện tượng tương tự. Các kỹ sư của họ gặp rất nhiều rắc rối khi làm đồng bộ âm
thanh với hình ảnh, nhưng chẳng bao lâu mới rõ rằng cầu toàn ở đây là vô ích.
Chừng nào mà sự trễ nhỏ hơn một trăm mi li giây, thì không ai để ý đến nó.
Cái lề của sai lầm rộng một cách đáng ngạc nhiên. Nếu bộ não
có thể phân biệt được các âm thanh cách nhau đến năm mili giây, tại sao chúng
ta không nhận thấy một sự trễ dài hơn hai mươi lần? Một câu trả lời khả dĩ hình
thành vào cuối những năm một chín năm mươi, trong tác phẩm của Benjamin Libet,
một nhà sinh lý học ở Đại học California, San Francisco. Libet làm việc với các
bệnh nhân tại một bệnh viện địa phương nơi nhận những ca giải phẫu thần kinh và
đã khoan lỗ trong hộp sọ của họ để lộ vỏ não ra. Trong một thí nghiệm, ông dùng
một điện cực để kích thích mô não bằng những xung điện. Vỏ não được đấu nối
trực tiếp với da và nhiều bộ phận khác của cơ thể, do đó những người làm thí
nghiệm có thể cảm thấy ngứa ran ở vùng tương ứng. Nhưng không phải ngay tức
khắc. Cú sốc điện chưa được ghi nhận trong khoảng nửa giây – một khoảng vô tận
trong thời gian của não. “Những điều được gợi ý ở đây là hoàn toàn kinh hoảng”
Liber sau đó viết. “Chúng ta không ý thức được về khoảnh khắc thực của hiện
tại. Chúng ta luôn luôn bị muộn đi một chút.”
Những phát hiện của Liber rất khó lặp lại (vào thời ấy việc
mở phanh bộ não của bệnh nhân ra gây phản ứng rất khó chịu), và đến bây giờ vẫn
gây nhiều tranh cãi. Nhưng với Eagleman chúng có rất nhiều ý nghĩa. Anh nói,
giống như Kuban Khan, bộ não cần có thời gian để làm cho câu chuyện của nó
thành rõ ràng. Nó thu thập mọi chứng cứ của các giác quan của chúng ta, và chỉ
sau đó mới bộc lộ ra cho ta. Cách nào đó, nó là một ý tưởng phản trực giác một
cách sâu sắc. Chạm ngón tay anh vào than hồng hay châm một đầu kim nhọn vào nó,
cái đau đến ngay tức khắc. Anh cảm thấy nó ngay
bây giờ, không phải sau nửa giây. Nhưng nhận thức và thực tại thường lệch
ra ngoài ghi nhận một chút, như thí nghiệm về di chuyển mắt đột ngột cho thấy.
Nếu tất cả các cảm giác của chúng ta đề trễ đi một tí, chúng ta sẽ không có bối
cảnh nhờ đó mà ta đo lường được sự trễ nào đó. Thực tại là một buổi phát hình
quay chậm (ghi trễ) được kiểm duyệt cẩn thận trước khi đến với chúng ta.
“Sống trong quá khứ có thể giống như một thế bất lợi, nhưng đó là cái giá mà
bộ não sẵn sàng trả,” Eagleman nói. “Đó là cố gắng tập hợp những câu chuyện hay
nhất có thể có về những gì đang diễn ra trên thế giới, và điều đó cần thời
gian.” Xúc giác là chậm nhất trong tất cả các cảm giác, vì tín hiệu phải đi lên
tận tủy sống từ những nơi xa xôi như những ngón chân cái. Điều ấy có thể có
nghĩa rằng sự chậm trễ nói chung là một chức năng của kích thước cơ thể: những
con voi có thể sống xa hơn trong quá khứ hơn những con chim ruồi, còn con người
ở đâu đó vào khoảng giữa. Anh càng nhỏ thì càng sống nhiều trong khoảnh khắc
này. (Eagleman nghi ngờ rằng tốc độ của tiếng gọi bạn tình của loài vật – từ
tiếng hót của một con chim chickadee đến giọng đồng ca nhà thờ của một thằng gù
– là cái được ủy quyền vì cảm giác thời gian của nó). “Tôi đã có lần nhắc đến
điều này trong một cuộc phỏng vấn của đài phát thanh quốc gia (NPR) và bị ngập
lụt bới những e-mail từ những người lùn,” Eagleman nói. “Họ rất hài lòng. Trong
khoảng một ngày, tôi là anh hùng của những người lùn.”
Rất nhiều điều có thể xảy ra trong vòng nửa giây. Với tốc độ
tám mươi km một giờ, chẳng hạn, một cơ thể có thể rơi tới mười hai mét (trong
nửa giây đó). April, cô gái trẻ từ Weatherford, Texas, dường như biết rõ điều
đó khi cô lao mình trên SCAD vào cuối buổi chiều hôm đó. Tôi nghe thấy tiếng cô
cố nén Ayiiiiiiiiiiiiii! khi cô lao
thẳng đứng từ trên đỉnh tháp xuống. Eagleman quan sát vệt của cô vụt qua, rồi
bấm chiếc đồng hồ bấm giây của anh. “Thật lạ lùng,” anh nói, họ không hề kêu.”
April mất một lúc gỡ mình ra khỏi chiếc lưới an toàn, và bước vững vàng đến bên
chiếc ghế dài gần đó. Khi chúng tôi đến với cô, cô chớp chớp mắt và lơ đãng
liếc quanh – cô đã tháo cặp kính ra trước khi lao xuống – đôi mắt cô mở to vì
chấn động.
“Có đáng công không?” Eagleman hỏi.
“Không,” cô nói.
“Cô không thấy rợn người khi tiếp đất à?”
“Không. Đau thôi.”
Ít phút sau, bạn trai của cô, T.J., đến ngồi với cô trên ghế
dài. Anh đã chụp lên đầu một chiếc mũ Budweiser hất ngược, và vẻ mặt anh rạng
ngời, tóc bay ngược gió. Khi Eagleman hỏi anh cú rơi thấy thế nào, anh giơ hai
cẳng tay ra phía trước: các ngón tay anh đang run rẩy không sao cưỡng nổi.
Eagleman và Chess Stetson, sinh viên đã tốt nghiệp của anh,
chạy vòng đầu của những thí nghiệm SCAD vào năm 2007, với hai mươi người tham
gia thí nghiệm. Họ lập trình cho máy đếm nhịp tri giác nhấp nháy những con số
của nó nhanh hơn một chút so với tốc độ đọc được chúng. Rồi họ bố trí một người
quan sát trên đỉnh tháp, để chắc chắn những người chơi có nhìn vào máy đếm nhịp
khi họ rơi, và một người khác ở dưới mặt đất. Sau đó những người chơi sẽ báo
lại những con số họ đọc được trên máy đếm nhịp, rồi lấy một đồng hồ bấm giây và
trở lại thí nghiệm trong tâm trí họ, đếm thời gian từ khởi đầu đến kết thúc.
Eagleman đã biết sự rơi kéo dài bao lâu trong thời gian thực; bây giờ anh muốn
biết nó được cảm thấy bao lâu. April lúc đầu quá bồn chồn nên không làm được,
nhưng sau đó cô hít một hơi thở sâu và thử lại lần nữa. Khi cô mở mắt ra, chiếc
đồng hồ bấm giây chỉ quá ba giây rưỡi – khoảng ba mươi phần trăm dài hơn thời
gian rơi thực tế.
Việc cảm nhận thời gian của April là điển hình: trung bình
những người tham gia thí nghiệm của Eagleman ước lượng thời gian rơi của họ lâu
hơn thực tế ba mươi sáu phần trăm. Tuy nhiên, anh ngạc nhiên thấy tốc độ cảm
nhận của họ không thay đổi khi họ rơi: cho dù họ nhìn chằm chằm vào máy đếm
nhịp căng thẳng như thế nào, họ cũng không thể đọc nổi những con số. “Theo một
nghĩa nào đó, điều này thú vị hơn cái mà ta nghĩ là đang diễn ra.” Eagleman nói
với tôi. “Nó gợi ý rằng thời gian và trí nhớ quyện chặt với nhau đến mức không
thể tách chúng ra.”
Một trong những chỗ
dành cho xúc cảm và trí nhớ trong não là hạch hạnh (amygdala), anh giải thích.
Khi có điều gì đó đe dọa cuộc sống của bạn, vùng này dường như bị kích thích
quá độ, ghi nhận mọi chi tiết cuối cùng của kinh nghiệm. Trí nhớ càng chi tiết,
thì khoảnh khắc đó dường như càng dài. “Điều này giải thích tại sao chúng ta
nghĩ thời gian chạy nhanh hơn khi chúng ta già đi,” Eagleman nói – tại sao
những mùa hè của tuổi thơ dường như kéo dài vô tận, còn tuổi già thì trôi tuột
đi khi chúng ta ngủ lơ mơ. Thế giới càng trở nên thân thiết gần gũi, thì bộ não
của bạn càng ghi lại ít thông tin, và thời gian càng có vẻ trôi nhanh hơn.
Giống như những bình luận của Eagleman về những người lùn,
nghiên cứu SCAD làm trào lên một cơn lũ ào ạt những thư từ khi nó được công bố,
bởi Thư viện Khoa học Công cộng, cách đây bốn năm. “Nó giống như một cơn sóng
chấn động tự sinh sôi nảy nở,” anh nói với tôi. “Tôi nhận được những e-mail từ
những người lính nhảy dù, cảnh sát, và những tay lái xe đua, những người bị tai
nạn xe máy và tai nạn ô tô.” Một bức thư từ một người trước đây phụ trách nhà
bảo tàng, ông này chẳng may bị một chiếc bình đời Minh rơi trúng người. “Ông ấy
nói vật ấy rơi với thời gian vô tận.” Eagleman nói. Trong vòng vài năm sau đó,
anh có kế hoạch nghiên cứu những câu chuyện – cho đến nay có đến khoảng hai
trăm – bằng cách trở về với các tác giả với một bảng câu hỏi. Trong khi đó,
thật dễ dàng lần ra những đầu mối chung – không chỉ cảm giác thời gian chậm
lại, mà cả sự bình thản kỳ lạ và một thoáng siêu thực mà anh nhớ từ cú rơi hồi
nhỏ. Trong một câu chuyện, một người đàn ông bị ném ra khỏi chiếc xe mô tô của
anh ta sau khi tông phải một chiếc ô tô. Khi anh bị trượt trên đường, có lẽ vào
cõi chết, anh ta nghe thấy chiếc mũ bảo hiểm của anh ta nện mạnh xuống nền
đường nhựa. Âm thanh ấy có một nhịp điệu quyến rũ, anh ta nghĩ, và anh cảm thấy
bản thân mình đang soạn một khúc ca ngắn cho nó trong đầu anh ta.
“Thời gian là một thứ cao su” Eagleman nói. “Nó dãn ra khi
anh thật sự bật sáng các nguồn của bộ não, và khi anh nói, ‘Ô, ta nắm được rồi,
mọi sự đúng như mong đợi,’ thì nó co lại.” Thí dụ hay nhất cho điều này là cái
gọi là hiệu ứng người lập dị - một ảo ảnh thị giác mà Eagleman đã cho tôi xem
trong phòng thí nghiệm. Nó bao gồm một loạt những hình ảnh đơn giản lóe lên
trên một màn hình máy tính. Phần lớn thời gian, cùng một hình ảnh được lặp đi
lặp lại nhiều lần: một chiếc giầy thô mầu nâu. Nhưng thỉnh thoảng lại có một
bông hoa hiện lên thay thế. Đối với tôi, sự thay đổi này là cả về thời gian lẫn
nội dung: bông hoa lưu lại trên màn hình lâu hơn chiếc giầy. Nhưng Eagleman cam
đoan với tôi rằng các hình ảnh xuất hiện với cùng độ dài thời gian. Chỉ có điều
khác là mức độ chú ý của tôi đối với chúng. Chiến giầy, trong lần xuất hiện thứ
ba và thứ tư của nó, chỉ vừa đủ gây nên một ấn tượng. Bông hoa, hiếm hơn, nấn
ná và tươi nở, giống như những mùa hè tuổi thơ.
Trước khi Francis Crick chết năm 2004, ông cho Eagleman một
lời khuyên: “Nghe này” ông nói. “Người nguy hiểm là người chỉ có một ý tưởng
duy nhất, bởi vì anh ta sẽ chiến đấu và chết cho nó. Cách làm khoa học thật sự
là hãy đến với thật nhiều ý tưởng, và phần lớn chúng sẽ là sai.”
Eagleman có lẽ đã ôm ấp những lời lẽ ấy hơi quá tha thiết
trong trái tim anh. Khi tôi ở Houston, anh có hơn một chục công trình nghiên
cứu tiến hành đồng thời, và dùng thời gian của mình chạy như đua từ phòng thí
nghiệm đến giảng đường đến máy MRI đến khu mổ sọ não và quay trở lại. “Chúng
tôi đang dùng trang thiết bị toàn bộ của khoa thần kinh hiện đại,” anh nói với
tôi. Một trong chín thành viên phòng thí nghiệm của anh đang nghiên cúu các rễ
thần kinh của sự thấu cảm; người khác đang tập trung vào tự do ý chí. Hai người
đang nghiên cứu những rối loạn trong cảm nhận thời gian của bệnh tâm thần phân
liệt; một người đã giúp tạo ra cơ sở dữ liệu về synesthete
tốt nhất thế giới. Eagleman có những dự án nghiên cứu về chứng động kinh, sự
giả mạo, việc ra quyết định tại tòa án, và những khiếm khuyết trong cảm nhận
thời gian của những cựu chiến binh ở Iraq và Afghanítan mà não bị tổn thương,
cùng với bốn cuốn sách có mức độ hoàn thành khác nhau. Đầu tháng Tư, Eagleman
được nhận khoản trợ cấp nghiên cứu Guggenhiem cho công trình của anh về cảm
giác kèm (synesthesia). Tháng Năm, Pantheon sẽ xuất bản “Incognito,”
(kẻ giấu mặt), luận điểm nổi tiếng của anh về tiềm thức.
“Tôi đã nhắc đến luận văn của tôi về loài sâu độc cateppilar
chưa nhỉ?” một hôm anh hỏi tôi. Anh lôi ra một hình ảnh từ máy tính của anh về
một cái gì trông như con giòi trong bộ áo da lông thú trông rất kiểng. Nó là
một loài sâu độc, anh cam đoan với tôi. Anh biết điều đó vì có một con loại này
đã bò lên chân anh cách đây bẩy năm. “Có cảm giác như ai đó đã rót một cốc axit
lên cẳng chân tôi,” anh nói. Đêm ấy ở bệnh viện, một bác sĩ trực cấp cứu đã gọi
anh là kẻ nhát gan. “Anh đã bị rệp cắn bao giờ chưa?” anh ta nói. Bởi vậy
Eagleman để trả lời, đã dùng mấy năm sau đó lật giở tất cả những báo cáo về
những trường hợp đã biết về độc tính của loài sâu độc này. Anh đã lập ra bản đồ
đầu tiên về sự phân bố loài sâu độc ở Bắc Mỹ và đồ thị của một trăm tám mươi
tám cuộc tấn công, chia theo từng tháng và theo triệu chứng. Rồi anh xuất bản
báo cáo của mình, chú giải cực kỳ kỹ lưỡng, trong tạp chí chuyên khoa Điều trị Độc. “Hóa ra tôi là chuyên gia
thế giới về lĩnh vực này” anh cười toác nói với tôi.
Các đồng nghiệp của Eagleman đôi khi cằn nhằn rằng anh hay
đi quá xa, hay tìm cách nổi tiếng. Nhưng anh có một kỷ lục ấn tượng về những ấn
phẩm được bạn bè xem xét lại, và ngay cả những dự án kỳ quặc nhất của anh cũng
chịu sự khảo sát cực kỳ kỹ lưỡng. “Dữ liệu là cứng nhắc” Trưởng khoa Buônmano
nói với tôi. “Các cách lý giải đôi khi có thể hơi mơ màng một tí.” Vấn đề lớn
nhất của Eagleman là thời gian, theo nghĩa lý thuyết cũng như thực tiễn. Anh
ngủ mỗi đêm bẩy tiếng, nhưng làm việc mỗi tuần bẩy ngày, hầu như không có giờ
nghỉ. (Kỳ nghỉ gần đây nhất của anh là cách đây ba năm, một kỳ nghỉ cuối tuần ở
Hawaii sau lễ cưới) Trong nhiều năm Eagleman là người độc thân kỳ cựu và một kẻ
hẹn hò hàng loạt
như một người bạn của anh mô tả, với một căn nhà gỗ bé xíu mà anh thích gọi là
Tổ Đại bàng (
Eagle là đại bàng). Sau
đó, tháng Mười vừa qua, anh làm mọi người ngạc nhiên bằng việc cưới Sarah
Alwin, một nghiên cứu sinh tiến sĩ đang nghiên cứu về điện sinh lý học của thị
giác tại Đại học Tổng hợp Texas ở Houston. “Chúng tôi hợp với nhau tuyệt vời,”
anh nói với tôi. “Cô ấy cũng nghiền công việc như tôi.” Họ mong có con sớm, trước khi DNA trong tinh
trùng của anh bị sa sút quá nhiều vì tuổi tác. “Trước kia tôi là một kẻ hay
báng bổ hôn nhân,” anh nói. “Bây giờ tôi thậm chí cũng muốn đẻ!”
Eagleman không bao
giờ mất đi cái khuynh hướng tuổi thơ tự quan sát mình từ một khoảng cách, cư xử
với bộ não của chính mình như một đối tượng nghiên cứu. Khi chúng tôi cùng nhau
bước đi quanh qua quanh lại trong những hành lang mê cung của Baylor, anh tin
cậy giao phó cảm giác về phương hướng của mình cho một con cá ngựa xinh xắn. Và
khi chúng tôi ngồi vào bàn ăn trong một tiệm ăn, anh phàn nàn rằng anh thích ăn
“một thanh chất dinh dưỡng nén lại” hơn. Về những nghiên cứu khác biệt nhau một
cách lạ lùng: nó chỉ là một dạng khác của hiệu ứng người lập dị, anh nói với
tôi. Bằng cách nhảy cóc từ đề tài này sang đề tài khác, anh buộc bộ não của anh
phải tập trung chú ý vào mỗi vấn đề hơn nhiều so với sự thân thuộc cho phép anh
chú ý. “Emerson đã làm đúng như thế” anh nói. “Ông ấy có một chiếc mâm xoay
với nhiều dự án trên đó. Khi ông bắt đầu chán, ông chỉ việc quay nó và bắt đầu
làm một cái gì khác.”
Đầu mùa đông này, tôi tham gia với Eagleman ở London trong
dự án gần đây nhất của anh: nghiên cứu cảm nhận thời gian ở những người đánh
trống. Nghiên cứu cảm nhận thời gian có xu hướng được thực hiện trong những
nhóm người tham gia thí nghiệm lựa chọn ngẫu nhiên hay những bệnh nhân có não
bị tổn thương hay rối loạn. Họ cho chúng tôi một cảm giác tốt về những khả năng
của con người trung bình mà không phải là những cực đoan: chỉ là vấn đề cảm
nhận thời gian của một người có thể chính xác đến mức nào? Trong khoa thần kinh
học, người ta thường kiếm những con vật giỏi nhất về một thứ gì đó,” Eagleman
nói với tôi, trong một bữa tối tại một tiệm ăn Ý ở Notting Hill. “Nếu là trí
nhớ, hãy chọn loài chim biết nói, nếu là tài đánh hơi, hãy chọn chuột hay chó.
Nếu tôi nghiên cứu về thể dục, tôi muốn tìm một anh chàng có thể chạy một dặm
trong bốn phút. Tôi sẽ không muốn một lũ học sinh mũm mĩm.”
Ý tưởng nghiên cứu những người đánh trống đến từ Brian Eno,
nhà soạn nhạc, người lập kỷ lục và cựu thành viên ban nhạc Roxy Music. Qua
nhiều năm, Eno đã làm việc với U2, David Byrne, David Bowie, và vài người trong
số những nhạc công tài năng nhất thế giới về nhịp điệu. Anh có một studio
(phòng thu âm) cách đó vài khối nhà, trong một chuồng ngựa đua được cải tạo
trong một ngõ cụt trải sỏi, và đã gửi một e-mail mời một số tay trống đến tham
gia vào nghiên cứu của Eagleman. “Vấn đề là: những tay trống có các bộ não khác
với người thường chúng ta không?” Eno nói. “Bất kỳ ai đã từng làm việc trong
một ban nhạc đều chắc rằng họ có (những bộ não đặc biệt)”.
Eno gặp Eagleman lần đầu cách đây hai năm, sau khi một nhà
xuất bản quen anh đưa cho anh một cuốn truyện ngắn của Eagleman, có tên là
“Sum.” Bắt chước những truyện giả tưởng của Borges và Calvino, “Sum” là sản phẩm tự nhiên của các mối quan tâm
khoa học của Eagleman – một vòng xoay khác của chiếc mâm xoay đã đưa trở lại chủ đề thời gian. Mỗi chương trong
bốn mươi chương của nó là một loại thí nghiệm tư duy, mô tả một dạng khác nhau
của thế giới bên kia. Eagleman thiết lập một loạt những điều kiện ban đầu, sau
đó để cho các hàm ý mở ra một cách logic. Trong một chương, người chết chịu số
phận phải tiêu cái vĩnh cửu bằng cách chơi từng mẩu nhỏ trong những giấc mơ lúc
còn sống. Trong một chương khác, họ sống chung trong cõi âm với tất cả các
phiên bản có thể có của họ - từ những
thất bại nản lòng nhất đến những thành công vui cuồng nhất. “Tôi là người thực
lòng chỉ muốn cái tối thiểu. Tôi thích những tư tưởng lớn, ngắn gọn,” Eno nói.
“Tôi hỏi bạn tôi đã xuất bản nó khi nào, và anh ấy nói ‘Tháng Hai tới.’ Chúng
tôi cãi nhau to. Tôi nói ‘vậy thì mang cái của nợ của cậu đi!’”
“Sum” đã phải mất nhiều năm mới tìm được nhà xuất bản –
Eagleman bắt đầu viết nó khi còn đang học đại học – nhưng nó đã nhanh chóng tìm
được độc giả
. Ở Anh,
nó được các nhà xuất bản rất khác xa nhau ca ngợi, như
Nature (“nghiêm ngặt và giàu tưởng tượng”) và Obsever, nơi tác giả
Geoff Dyer gọi nó là “độc đáo một cách đáng ngạc nhiên” và thấy trong nó “phẩm
chất gây sững sờ, không thể giải thích nổi của thiên tài.” Eagleman đã xem xét
việc xuất bản nó dưới một bút danh, nghĩ rằng anh sẽ bị lăng mạ bởi cả các nhà
khoa học lẫn những người đọc tôn giáo. Ngược lại, cả hai nhóm này nhận quyển
sách về nhóm mình. Các nhà vô thần như Philip Pullman viết những lời giới thiệu
nhiệt tình, trong khi các biên tập viên của một trang mạng có nhiều tín ngưỡng
khác nhau vinh danh nó như là một trong những sách tâm linh hay nhất của năm
2009. Tại một nhà thờ ở Massachusetts, các thành viên của giáo đoàn lần lượt
thay nhau đọc các chương của nó từ trên bục giảng kinh.
Eno và Eagleman bắt đầu trao đổi e-mail từ đó, và Eno đã đề
nghị rằng họ cộng tác với nhau trên một sân khấu đọc cuốn sách này. Buổi ra mắt
đầu tiên ở Nhà hát Opera Sydney vào tháng Sáu năm 2009, với ambient score do Eno làm (một phiên bản
opera đầy đủ, với âm nhạc của Max Richter, sản xuất bởi Nhà hát Opera Hoàng
gia, dự kiến sẽ ra mắt ở London năm 2012.) chính trong khi ở đó Eno đã kể với
Eagleman câu chuyện gây cảm hứng cho nghiên cứu về những người đánh trống.
“Lúc đó tôi đang làm việc với Larry Mullen, Jr., về một
trong những album của U2,” Eno nói vói tôi. “Gọi nó là ‘All That You Don’t Leave Behind,’ hay là gì cũng được.” Mullen đang
chơi trống cho ghi âm của một ban nhạc, và một click track – một tiếng động do
máy tính tạo ra nhằm giữ cho tất cả những phần overdubbed (lồng tiếng lệch)
được đồng bộ. Mullen nghĩ rằng click track bị tắt mất một chút: nó là một phần
của cú đập đằng sau phần còn lại của dàn nhạc. “Tôi nói, ‘Không, không thể như
thế được Larry ạ,’” Eno nhớ lại. “Tất cả chúng tôi làm việc cho track đó, bởi
vậy, nó phải đúng.” Nhưng anh ta nói, “Xin lỗi, đơn giản là tôi không thể chơi
theo nó.’”
Cuối cùng Eno đã điều chỉnh click thỏa mãn được Mullen, nhưng chẳng qua cũng chỉ là để chiều
lòng anh ta. Chỉ sau khi người đánh trống đã đi khỏi, Eno mới kiểm tra lại track ban đầu và nhận ra Mullen đã đúng:
tiếng click tắt khoảng sáu mili giây. “Chuyện là,” Eno nói với tôi, “khi chúng
tôi đang điều chỉnh nó có lúc tôi đã đưa nó đi quá tiếng đập hai mili giây, và
anh nói, ‘không, anh phải quay lại một
chút,’ Điều ấy làm tôi vô cùng sửng sốt.”
Cuối buổi sáng hôm ấy Eagleman đến studio của Eno, mang theo
một đôi laptop và monitor EEG (máy đo điện não đồ) không dây. “Cái này tuyệt
lắm” anh vừa nói vừa lấy bộ monitor ra khỏi hộp xốp. “Ở sân bay họ kiểm tra an
ninh đã rà soát toàn bộ người tôi.” Anh kẹp EEG lên đầu – trông nó gống như một
con nhện khổng lồ đang quặp chặt ở đó – rồi theo dõi khi mười sáu đường sóng
xuất hiện trên màn hình thành những dải màu. Mỗi đường biểu thị hoạt động điện
tại những điểm khác nhau trong não của anh. Những người đánh trống sẽ đeo cái
này trong khi thực hiện một loạt bốn phép thử, Eagleman giải thích. Các phép
thử giống như những game video đơn giản, do phòng thí nghiệm của anh thiết kế
để đo các dạng khác nhau của cảm nhận thời gian: giữ một tiếng đập đều, so với
hai giọng, đồng bộ một tiếng đập với một hình ảnh, và so sánh nhịp độ thính
giác và thị giác với nhau. “EEG có thể bắt được một phần hai mươi ngàn giây,”
anh nói. “Thậm chí hoạt động của não không nhanh đến thế, bởi vậy chúng tôi đã
lấy mẫu quá dư. Nhưng tại sao không?”
Trong khi Eagleman lập các khu vực thí nghiệm trong hai
phòng, Eno hối hả đi quanh studio dọn dẹp cho gọn ghẽ, nói chuyện với những con
mèo của anh, và pha trà. Chuồng ngựa đã được cải tạo thành một không gian rộng
rãi thoáng mát sáng sủa, với những cầu thang uốn lượn dẫn lên vựa cỏ khô trước
đây, bây giờ chất đầy những máy tính nối mạng. Góc trong cùng đặt một cặp độc
huyền cầm to tướng: nhạc cụ điện một dây do Eno thiết kế, làm bằng những dây
buộc đường sắt. Eno cạo râu nhẵn nhụi và vận toàn đồ đen. Anh có khuôn mặt
tròn, tinh quái .
“Những người đánh trống rất khó kiểm soát,” anh nói, nhét
mấy tấm thiệp Giáng Sinh vào các phong bì. “Trong nhiều ngày tôi không nghe
thấy chuyện gì cả. Rồi bỗng nhiên mọi người quyết định kéo đến, và mang theo
bạn bè của họ. Bởi vậy chúng ta có thể có một trận lụt những tay trống. Hay sẽ
chẳng có một ai hết.” Anh hơi lo lắng rằng họ có thể cảm thấy đói, hoặc chán.
(“Họ có nhiều khả năng kéo đến nếu có một cảnh nào đó đang diễn ra,” anh viết cho Eagleman
cách đây mấy tuần.) Bởi vậy anh cử một người trợ lý đi mua bánh kẹo các loại,
và đưa ra “các trò giải trí” để những người đánh trống chơi, kể cả một cái
trống điện tử.
“Họ càng cảm thấy trong chuyện này có sự đua tranh, càng
tốt,” Eagleman nói. “Điều quan trọng trong đó là bảo đảm họ tập trung chú ý.”
“Cái đó khó đấy,” Eno trả lời.
Người chơi đầu tiên lững thững bước vào lúc giữa trưa, một
anh chàng lôi thôi lếch thếch, mặt đỏ, ngoáy hông, tên là Daniel Maiden-Wood,
người chơi trống cho ca sĩ Anna Calvi. Khoảng giữa buổi chiều, chỗ ấy đầy ắp
người. Larry Mullen, Jr., đang đi du lịch Australia, nhưng thành phần làm nên
phần nhịp điệu xuất sắc đang nằm ườn ra các sofa và ghế dài của Eno. Trong số
đó có các nhạc công jazz, những người chơi bộ gõ Cuba-Phichâu, và tay trống cho
Razolight, một ban nhạc Anh với một cặp album đã bán được trên hai triệu bản
(album đa bạch kim). Will Champion, của Coldplay, bước vào trông như một anh
thợ rừng đến không đúng lượt. (Khi anh ta bỏ chiếc mũ sợi ra để lộ cái đầu lớn
hình viên đạn, Eagleman nói nó dùng EEG thì thật tuyệt.) Champion đã làm việc
với Eno trong “Viva la Vida,” album nằm trên đỉnh bảng xếp hạng năm 2008 cả ở
Anh và Mỹ, củng cố địa vị của Coldplay như nhóm nhạc rock ăn khách nhất thế giới. “Anh ấy giống như một chiếc
máy đánh nhịp sống vậy,” Eno nói. “Nếu anh hỏi anh ấy: ‘Bảy mươi tám phách một
phút là thế nào?’ anh ấy sẽ đi tap, tap, tap. Và anh ấy dứt khoát làm được.”
Sự ganh đua thân ái mà Eagleman đã tưởng tượng giữa các tay
chơi không bao giờ hoàn toàn thực hiện được. (Anh có thể đã gặp may mắn hơn nếu
có một phòng đầy các ca sĩ hàng đầu.) Ngược lại, họ nói những chuyện đùa của
người đánh trống. Anh làm thế nào biết khi có một tay trống đến trước cửa nhà
anh? Tiếng gõ cửa càng lúc càng nhanh càng dồn dập hơn. Chúng ta đã ai nghe nói
một tay trống định tự tử chưa nhỉ? Hắn ta lao mình đằng sau một đoàn tàu. Eno
cả đời ghi âm phần trống, nhưng anh kêu rằng anh bị nghi ngờ về nhịp điệu. “Tôi
bị cái chứng mà bạn tôi là Leo Abrahams gọi là sự lệch của bọn da trắng – cái
khuynh hướng đánh sớm của những tay
chơi da trắng,” anh nói. “Nó là mười một mili giây. Nếu anh ghi âm trễ đi chừng
ấy, thì nghe nó hay hơn.”
Tuy nhiên, khi hai tay trống lượn lờ qua các điểm thử, đã
thấy rõ một chút tổn thương đến lòng tự hào nghề nghiệp. Các tay trống không
gặp trở ngại gì trong việc so sánh một tone hay giữ tiếng gõ đều, nhưng các
phép thử thị giác về cảm nhận thời gian xúc phạm đến họ. Eagleman đã hứa rằng
các kết quả sẽ không gắn với tên người, nhưng anh đã lập trình cho mỗi đợt thử
kết thúc bằng một câu đánh giá vui “Anh là ngôi sao rock,” cho những ai đạt
điểm trong hai mươi lăm phần trăm cao nhất; “Sẵn sàng cho lần sau,” cho một
phần tư tiếp theo, “Sẵn sàng cho đêm
open-mike”
cho nhóm thứ ba, và “Quay về trại hè
” cho phần tư thấp nhất. Không ai muốn về trại hè cả.
Cảm nhận thời gian của người đánh trống là sự kiện vật lý,
họ nhất trí, giống như khiêu vũ vậy. Gõ một nhịp trên một trackpad lấy đi mất của nó tất cả mọi vận động hoặc trí nhớ cơ bắp.
Tuy nhiên nhiều người trong bọn họ chơi những click track này ngay cả trên sân khấu, và cảm giác của họ về nhịp
đã bị điều kiện hóa thành hệ thống bởi những năm trong studio. Hip-hop là tám
mươi đến chín mươi phách trong một phút, họ nói. Afrobeat vào khoảng một trăm
mười. Disco bị mắc vào một trăm hai mươi dai dẳng đến mức anh có thể chạy hết
bài hát này sang bài hát khác mà không hề lỡ mất một phách. “Không hề có một
chút lầm lạc,” Eno nói. Trong cơn cuồng nhiệt biểu diễn, các tay trống đôi khi
đánh dồn dập gấp gáp hay ngưng một chút để cho hợp với tâm trạng. Nhưng khi click- track trở thành phổ biến thì
những sự đi lạc như thế phải được tái tạo một cách nhân tạo. Champion thích thú
với việc Coldplay gần đây đã lập trình tỉ mỉ những “bản đồ nhịp độ” cho năm
live show của nó, với những click track được thiết kế để tăng tốc hay cho chậm
lại trong một bài hát. “Nó tái tạo sự kích động cho một track không quá cứng
nhắc.” Champion nói.
Khi đến lượt anh làm thử nghiệm của Eagleman, Champion phải
dùng máy tính nhiều gần gấp đôi người khác, cuối cùng tinh thần đua tranh đã
nổi lên trong anh. Anh không cần phải lo lắng. Các kết quả của Eagleman sau đó
cho thấy “một sự khác biệt khổng lồ về mặt thống kê,” như anh diễn tả, giữa cảm
nhận thời gian của những người đánh trống và những người tham gia thí nghiệm
khác được anh chọn một cách ngẫu nhiên ở Houston để đối chứng. Khi được yêu cầu
giữ một tiếng đập đều, chẳng hạn, những người đối chứng dao động trung bình ba
mươi lăm mili giây; những tay trống giỏi nhất chỉ lệch đi dưới mười. Eno nói
đúng: các tay trống có những bộ não khác người thường. “Họ vượt trội trên những người đối chứng,” Eagleman
nói. Nhiệm vụ sau đó của anh là dùng những dữ liệu EEG để tìm ra khu vực hoạt
động nhất của bộ não những người đánh trống, rồi cho kích thích từ đột ngột vào
chúng để xem anh có thể phá vỡ sự cảm nhận thời gian của họ không. “Bây giờ khi
chúng tôi đã biết rằng có một cái gì đó ở họ khác biệt về phương diện giải
phẫu, chúng tôi muốn thử xem chúng tôi có thể làm nó rối lên không,” anh nói.
Việc họ có muốn tham gia lại hay không là một vấn đề khác.
Champion trông có vẻ như người hơi bị no đòn sau khi thử. “Không thể không cảm
thấy giống như một kiểu đánh giá cá nhân,” anh nói trong khi mặc áo choàng vào.
“Hy vọng rằng nó sẽ có ích cho một mục đích lớn hơn. Nhưng anh vẫn muốn cảm
thấy như anh không còn bé bỏng gì nữa.” Anh nhún vai. “May sao, nó bảo tôi rằng
tôi nên làm một ngôi sao nhạc rock. Thật tuyệt khi biết rằng điều ấy không bị bỏ phí.”
Đã gần nửa đêm khi tôi cùng với Eagleman cuối cùng rời khỏi
studio của Eno, các laptop và EEG kẹp dưới cánh tay. Các đường phố có cảm gác
ngột ngạt và gần ngay bên dưới bầu trời không sao; các vỉa hè lạo xạo tuyết.
Cuốc bộ về khách sạn của chúng tôi, tôi nghĩ đến vô số tín hiệu cảm giác đang
lao nhanh quanh tôi, ánh le lói của những ngọn đèn đường xa cửa sổ các quán
rượu, tiếng rầm rầm của xe điện ngầm dưới đất, mùi khói của củi cháy và mùi bia
tràn, và dạng cong của đã cuội dưới chân tôi. Từ hàng tỷ những mẩu vụn như thế
não của tôi đã chắp lại thành câu chuyện đơn giản này – một đêm mùa đông ở
Notting-Hill, và tôi hạnh phúc vì có nó.
Có sự cảm nhận thời gian của một người đánh trống sẽ như thế
nào nhỉ? Tôi tự hỏi. Ta sẽ nghe được nhịp điệu ẩn tàng của cuộc sống hàng ngày,
những nhấn lệch (syncope) của đường phố ư? Khi tôi hỏi những tay trống ở studio
của Eno điều này, họ dường như thấy khả năng của họ phiền nhiễu như một năng
khiếu. Giống như một giọng hát tuyệt hảo, nó làm tình làm tội người sở hữu nó
khi phải nghe những nốt nhạc hát sai và tiếng còi ô tô nhạt nhẽo, sự cảm nhận
hoàn hảo về thời gian cũng có thể khiến cho một người đánh trống nhạy hơn với
chứng loạn nhịp của thế giới, và những mẫu lặp lại nhàm chán, Eagleman nói –
với sự rung rinh của màn hình máy tính và ánh đèn huỳnh quang. Thực tại, bị
tước mất một tiếng đập thừa trong đó bộ não phối âm các tín hiệu của nó, không
nhất thiết là một nơi sống động hơn. Nó chỉ đầy rẫy những sô truyền hình được
lồng tiếng tồi tệ.
“Chúng ta bị kẹt trong thời gian như cá ở trong nước,”
Eagleman nói, quên lãng các luồng của nó cho đến khi một chiếc bong bóng trôi
qua. Cách đó thường là tốt nhất. Anh đã dùng mười năm qua chăm chú nhìn thế
giới thông qua những kẽ hở như thế trong nhận thức của chúng ta, anh nói.
“Nhưng đôi khi anh đi quá sâu vào thực tại đến nỗi anh muốn lui lại. Đôi khi,
trong những giây phút thoải mái, tôi nghĩ nếu tôi phát hiện ra rằng tất cả chỉ
là một ảo ảnh, thì sao nhỉ?” Anh cảm thấy điều này sâu sắc nhất với những bệnh
nhân tâm thần phân liệt của anh, những người thường có xu hướng thực hành tồi
tệ trong những thí nghiệm về cảm nhận thời gian. Anh ngờ rằng, những tiếng nói
trong đầu họ không khác với những độc thoại nội tâm ở những người khác; bộ não
của họ chỉ xử lý chúng không đúng trình tự, do đó những ý nghĩ có vẻ như của
một người nào khác. “Chỉ cần một cái véo nhỏ vào trong não, sự thay đổi nhỏ xíu
trong nhận thức,” anh nói, “thì những gì anh thấy là thực sẽ không thực đối với
người khác.”
Eagleman được nuôi dạy như một đứa trẻ Do thái thế tục và
trở thành một người vô thần trong lứa tuổi thiếu niên. Tuy nhiên gần đây anh đã
bắt đầu thích gọi mình là một kẻ Khả Dung “Possibilian” – một tên gọi do anh tự
nghĩ ra. Khoa học đã dạy anh biết nghi ngờ những cái chắc chắn của vũ trụ, anh
nói với tôi. Từ sự phức tạp khôn lường của mô não – “về thực chất là một chất
liệu điện toán xa lạ” đến bí mật của vật
chất tối (dark matter), chúng ta biết quá ít về trí tuệ của chúng ta và cái thế
giới xung quanh ta để khăng khăng làm một nhà vô thần không khoan nhượng, anh
nói. “Và chúng ta biết quá nhiều để đắm mình vào một câu chuyện tôn giáo nhất
định.” Tại sao không đặt ham mê vào
những lựa chọn khác? Tại sao chúng ta không tự tưởng tượng, như anh đã làm
trong tác phẩm “Sum” của mình, chúng ta là những mẩu nhỏ của một phần cứng được
làm thành mạng lưới, trong một chương trình vũ trụ, hay những mảnh nhỏ của một
cơ thể siêu phàm, hay như một khả năng bất kỳ trong một nghìn khả năng khác, và
sau đó nghiệm lại những ý tưởng ấy với những chứng cứ sẵn có? “Khí chất khoa
học có phần là sự bao dung này, cùng một lúc giữ nhiều giả thuyết trong trí
óc,” anh nói. “Như Voltaire đã nói, cái không chắc chắn là một lập trường khó
chịu. Nhưng cái chắc chắn là một lập trường phi lý.”
Một người theo thuyết bất khả tri tầm thường có thể đã để
mọi chuyện dừng ở đó. Nhưng Eagleman, như thường lệ, đã đưa sự vật đi một bước
xa hơn. Cách đây hai năm, trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền thanh, anh
đã tuyên bố bản thân anh là người sáng lập của một phong trào mới. Thuyết Khả
dung mới chỉ có một thành viên, anh nói, nhưng anh hy vọng nó sẽ hấp dẫn nhiều
người. “Tôi không nói đây là câu trả lời,” anh nói với tôi. Tôi chỉ đang tán
dương tính rộng lớn của sự ngu dốt của chúng ta.” Lời tuyên ngôn chỉ có một nửa
nghiêm túc, bởi vậy Eagleman bị sốc khi anh từ phòng thí nghiệm về nhà vào một
buổi khuya, anh thấy hộp điện thư của anh đầy những e-mail, một lần nữa, với
những lời nhắn từ các thính giả. “Anh biết không?” một bức thư viết. “Tôi cũng
là một người Khả Dung đây!” Phong trào này từ đó đã lôi cuốn báo chí từ những
nơi xa xôi như Ấn Độ và Uganda. Theo thống kê cuối cùng, gần một nghìn thành
viên Facebook đã chuyển những niềm tin tôn giáo của họ sang Thuyết Khả Dung.
Francis Crick, vị thần bảo trợ cho những thử nghiệm không
chắc thành công, có lẽ đã tán thành
Paul Jackson
Pollock
(28 tháng 1, 1912 – 11 tháng 8, 1956) là một họa sĩ nổi tiếng người Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét