Theo cuốn Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar
Hai tác giả cuốn Plato và con thú mỏ
vịt bước vào quán bar[1], Thomas Cathcast và Daniel Klein, có một sáng kiến
đem những chuyện vui cười đến cho người học triết, khiến triết học không còn
quá khô khan và “nghiêm trọng”; và cho chúng ta thấy những chuyện cười, tất
nhiên là rất cần trí tuệ, đôi khi cũng minh triết lắm chứ.
Sau đây là một số
thí dụ vui:
Chuyện
cười số 1:
Morty
về nhà thấy vợ gã cùng với Lou, người bạn chí thiết của gã, đang trần như nhộng
trên giường. Morty chưa kịp mở miệng thì Lou nhảy ra khỏi giường và bảo: “Trước
khi cậu nói bất cứ điều gì, nghe đây, ông bạn vàng ạ, cậu tin vào cái gì, tin tớ
hay tin vào mắt của cậu?”
Câu chuyện buồn cười, và nghe ngớ ngẩn, phải không các bạn?
Nhưng nó là một minh họa tuyệt vời cho bài học về chủ nghĩa kinh nghiệm, học thuyết cho rằng kinh nghiệm cảm giác là
nguồn gốc đáng tin cậy nhất của tri thức của tất cả chúng ta. Liệu anh chàng
Morty này có đủ lòng tin vào những lời giải thích của bạn đến mức nghĩ rằng đôi
mắt của mình đã lừa dối mình?
_____________________
Đây là
phép loại suy: hai kết quả tương tự ắt phải có nguyên nhân giống nhau:
Một ông già chín mươi tuổi đến gặp bác sĩ và
nói, “Bác sĩ ơi, cô vợ mười tám tuổi của tôi sắp sinh em bé.”
Bác sĩ bèn nói, “Để tôi kể cụ nghe một câu
chuyện. Một người đi săn, đáng lẽ mang súng thì anh ta cầm nhầm một cái ô. Khi
con gấu thình lình nhảy vồ thì anh ta dương ô lên, bắn tan xác con gấu.”
Ông già nói “Không thể có chuyện đó. Nhất định
phải có ai khác đã bắn con gấu.”
Bác sĩ nói “Thì ý tôi đúng là thế đấy”.
Lợi dụng phép loại suy, anh chàng bác sĩ láu
cá này đã gài để cái ý “phải có một ai khác” được chính ông cụ nói ra.
_____________________
Mọi sự vật đều có những thuộc tính bản chất, để nó là nó mà không là vật khác. Tôi ở đây
hay ở Mỹ, hôm nay tôi mặc bộ quần áo đẹp hay tháng trước tôi mới nhận một chức
to, thì tôi vẫn là tôi, những thứ kia được gán vào tôi, chúng chỉ là thuộc tính ngẫu nhiên, không phải bản chất.
Khi
Thompson tròn bảy mươi, ông ta quyết định thay đổi hoàn toàn lối sống để thọ được
lâu hơn. Ông duy trì một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, ông tập chạy bộ, bơi lội
và tắm nắng. Mới chỉ hết ba tháng, ông đã sút đi mười ba cân rưỡi, giảm vòng bụng
đi 15cm, và ngực nở thêm 13cm. Người thon gọn và rám nắng, ông quyết định hoàn
thành quá trình tân trang ấy bằng một đầu tóc mới cắt theo phong cách xì-po.
Sau đó, vừa bước ra khỏi tiệm cắt tóc, ông bị một chiếc xe buýt tông.
Nằm hấp hối, ông kêu lên “Ôi
Chúa, Người nỡ lòng nào làm chuyện này với con?”
Và một
giọng nói từ trên cao xanh vang xuống trả lời “Nói thật với con, Thompson ạ, quả
tình ta không nhận ra con.”
Điều tức
cười ở đây là Chúa, người đúng ra phải biết tất mọi sự, lại bị nhầm bởi một nét
rất ư là ngẫu nhiên.
_____________________
Logic
hình thức có qui tắc không mâu thuẫn:
không có cái gì vừa thế này lại vừa không phải thế này.
Một
giáo sĩ Do thái đang xử kiện trong làng. Smuel đứng lên cãi cho vụ kiện của anh
ta, nói rằng “Thưa giáo sĩ, hàng ngày Itzac chăn cừu của hắn qua ruộng nhà tôi
mà làm nát lúa của tôi. Đây là đất của tôi. Như vậy không công bằng.”
Giáo sĩ nói: “Ông nói đúng.”
Nhưng
Itzac đứng lên và nói: “Đi qua đất ấy là cách duy nhất để cừu của tôi đến uống
nước ở đầm. Nếu không thế, chúng sẽ chết. Trong nhiều thế kỷ, những người chăn
cừu có quyền lùa cừu qua những mảnh đất xung quanh đầm, và tôi cũng thế.”
Giáo sĩ nói: “Ông nói đúng.”
Bà quét dọn nghe lỏm được câu
chuyện, nói với giáo sĩ:
“Nhưng thưa giáo sĩ, không thể
cả hai người đều đúng được!”
Và giáo sĩ trả lời, “Bà nói
đúng.”
Ông
giáo sĩ này đúng là ông “ba đúng” (hay “ba phải”) nhưng chỉ câu trả lời thứ ba
của ông là đúng, và như thế ông phải thừa nhận ít nhất một (hoặc cả hai) câu
trên là sai.
_____________________
Và đây
là cái ‘logic’ có lợi cho người nghĩ ra nó, chính vì nó là phi-logic:
Một người Ireland bước vào một quán bar ở Dublin, gọi ba vại bia
Guinness, lần lượt uống mỗi vại một ngụm cho đến khi cả ba vại đều cạn sạch.
Ông ta gọi thêm ba vại nữa.
Chủ quán nói “Này ông, có lẽ ông nên gọi mỗi
lần một cốc thì nó sẽ đỡ nhạt đi.”
Người kia nói “Ồ tôi biết chứ, nhưng tôi có
hai người anh, một ở Mỹ một ở Úc. Khi chia tay nhau mỗi người đi một ngả, chúng
tôi cùng hứa sẽ uống theo cách này để nhớ lại cái ngày còn được ngồi uống với
nhau. Mỗi một cốc này là uống cho mỗi anh tôi, còn cốc thứ ba là uống cho tôi.”
Người chủ quán xúc động nói “Thật là một thói
quen tuyệt vời.”
Người Ireland ấy trở thành khách quen ở
quán và luôn luôn gọi bia theo cách đó.
Một hôm ông ta bước vào quán và gọi hai vại
bia. Các khách quen khác nhận ra điều này, và một bầu không khí im lặng bao
trùm trong quán. Khi ông ta đến quầy để gọi lượt hai, chủ quán nói “Ồng bạn,
tôi xin chia buồn cùng ông.”
Người Ireland nói “Ồ không, mọi người vẫn
khỏe cả. Chỉ là tôi vừa gia nhập Giáo hội Mormon, và tôi phải bỏ bia rượu.”
_____________________
Karl
Popper, triết gia nổi tiếng thế kỉ 20 lập luận rằng, để một lí thuyết có thể được coi là khoa học, nó phải có ít nhất
một điểm có thể sai. Nghĩa là, cái gì
luôn ‘tuyệt đối đúng’ không phải là khoa học. Còn lập luận như anh chàng trong
câu chuyện dưới đây thì chẳng bao giờ có thể sai:
Hai gã đang ăn sáng. Một gã phết
bơ vào miếng bánh mì và nói: “Cậu có bao giờ để ý thấy, nếu cậu đánh rơi một
lát bánh mì, mặt phết bơ luôn úp xuống dưới không?”
Gã thứ hai nói “Không, tớ dám
cá là chỉ có vẻ thế thôi, vì nếu mặt có bơ úp xuống thì phải lau dọn sàn nhà rất
khó chịu. Tớ cược là khi nó rơi mặt có bơ thường quay lên trên.”
Gã thứ nhất nói: “Thế hả? Nhìn
đây này.” Anh ta thả lát bánh xuống sàn nhà, mặt phết bơ quay lên trên.
Gã thứ hai nói: “Thấy chưa, tớ
đã bảo mà.”
Gã thứ nhất nói: “Ồ, tớ biết tại
sao rồi. Tại tớ phết bơ sai mặt!”
Lời
bàn của người dịch:
Câu chuyện hot
nhất gần đây là chuyện nhà ngoại cảm. Các bạn thấy không: nhà ngoại cảm là những
người không bao giờ sai!
-
VỢ LIỆT
SĨ:
Cô ơi, sao mấy nhà ông khoa học kia lại bảo xét nghiệm ADN, ra toàn
xương động vật là thế nào hở cô ơi?
-
NHÀ NGOẠI
CẢM:
Cháu biết đâu, đấy là hồn
bác trai nói chứ đâu phải cháu nói. Vậy bây giờ cháu hỏi bác, bác tin bác trai hay tin mấy cái AND vớ vẩn ấy?
Chúng
ta lại trở về câu chuyện số 1: Tin ai? (Lưu ý các bạn yêu [và tin] khoa học: những
dụng cụ thí nghiệm chính là sự nối dài các giác quan con người.)
_____________________
Một chàng cao bồi già bước vào quán rượu và gọi
rượu uống. Trong lúc anh ta ngồi nhấp wishkey thì có một cô gái trẻ ngồi xuống bên
cạnh. Cô ta quay sang hỏi: “Anh có phải là cao bồi chính hiệu không?”
Anh
ta đáp: “Ờ, tôi sống cả đời trong nông trại, chăn ngựa, chữa hàng rào, đóng dấu
gia súc, nên tôi nghĩ tôi là cao bồi.”
Cô gái nói, “Còn tôi là người đồng tính nữ,
suốt ngày tôi chỉ nghĩ về đàn bà. Buổi sáng vừa ngủ dậy tôi nghĩ ngay đến đàn
bà. Khi tôi tắm hay xem tivi dường như cái gì cũng khiến tôi nghĩ đến đàn bà cả.”
Lát sau, một đôi trai gái ngồi xuống bên cạnh
gã cao bồi và hỏi, “Anh có phải là cao bồi chính hiệu không?”
Anh ta đáp, “Trước tôi cứ luôn
luôn tưởng tôi là cao bồi, nhưng tôi vừa mới phát hiện ra tôi là một người đồng
tính nữ.”
Cô gái
cho anh cao bồi một kết luận theo diễn dịch “Đàn bà mà suốt ngày chỉ nghĩ về đàn bà, thì đúng
là đồng tính nữ.” Anh chàng này thấy mình cũng giống thế “suốt ngày chỉ nghĩ về
đàn bà” nên vận ngay câu ấy vào mình, biết đâu rằng để có kết luận “đồng tính nữ”
phải có tiền đề “tôi là đàn bà”, cô gái kia đã không nói ra vì cô đâu cần phải
nói.
________________________________
Một sai
lầm dễ mắc phải trong suy luận, là tưởng rằng sự việc theo sau là kết quả của sự
việc xảy ra trước. Cái này tiếng latin gọi là post hoc ego proster hoc:
Trong nhà dưỡng lão, một ông
lão ngoại bát tuần diện quần lửng màu hồng tươi đến gặp một bà sắp lên lão và
nói “Hôm nay là sinh nhật tôi!”
“Tuyệt,” bà kia đáp. “Tôi cá
tôi có thể nói chính xác ông bao nhiêu tuổi.”
“Thật ư? Bao nhiêu?”
Bà kia nói “Dễ lắm. Ông cởi quần
ra.”
Ông già cởi quần.
“Tốt lắm” bà ta nói “nào bây giờ
cởi tiếp quần đùi.”
Ông lão làm theo lệnh của bà
ta. Bà ta sờ mó ông một lúc rồi nói, “Ông tám mươi tư tuổi!”
Ông lão sửng sốt “Sao bà biết?”
Quí bà đáp “Ông nói với tôi hôm qua.”
Bà lão
đoán tuổi sau khi sờ mó, nên ông lão sửng sốt tưởng rằng do sờ mó mà bà ta biết
tuổi: post hoc ego proster hoc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét