H.H MUNRO (Saki)
Hiếu Tân dịch
Hector Hugh Munro
(1870 – 1916) nhà văn Anh, được biết nhiều nhất dưới bút danh Saki.
Tác phẩm
Những truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông là : Kẻ
nhiễu sự ("The
Interlopers"), Phương pháp Schartz-Metterklume;("The Schartz-Metterklume Method")
Trò chơi hòa bình (“The Toys of Peace”)
Người kể chuyện (“The Storyteller")
Trị bệnh lo âu (“The Unrest-Cure”) Cửa
sổ mở ( “The Open Window”)
Lady Carlota bước xuống một
sân ga xép, bước qua bước lại trên một quãng ngắn để giết thì giờ
chờ cho đoàn tàu tiếp tục chuyển bánh. Bỗng cô trông thấy ở bên kia
đường một con ngựa đang vật lộn với đống đồ quá tải chất trên lưng
nó, còn tên dắt ngựa thì hình như thuộc loại căm thù con vật mà hắn
nhờ để kiếm sống. Cô Carlota liền hăm hở bước sang đường và mau chóng
làm thay đổi cục diện của trận đấu. Nhiều người quen của cô đã
nhiều lần can ngăn cô đừng can thiệp vào những cuộc hành hạ những con
vật khốn khổ như thế, những việc ấy là “chuyện của người ta”, chẳng
ai muốn mình xía vào. Chỉ có một lần duy nhất cô đem thực hành cái
lý thuyết “không can thiệp” ấy, khi một trong những người thuyết giảng
hùng hồn nhất của nó bị một con lợn đực hung dữ hãm gần ba tiếng
đồng hồ trên một cây táo gai nhỏ và cực kỳ khó chịu, trong khi Cô
Carlota ở bên kia hàng rào vẫn mải mê với bức phác thảo màu nước
của mình và từ chối can thiệp vào chuyện giữa con lợn đực và tù
nhân của nó. Điều đáng sợ là cô đã đánh mất tình bạn với người
phụ nữ kia, bà ta cuối cùng cũng được cứu thoát. Lần này thì cô
chỉ bị trễ tàu thôi, con tàu đã nhượng bộ những hối thúc nôn nóng
và thét còi lao đi mà không có cô. Cô mang vẻ mặt tỉnh bơ một cách
đầy triết lý, những bạn bè và người thân của cô đã quá quen thuộc
với việc hành lý của cô đến mà chưa thấy cô đâu. Cô đánh một bức
điện với nội dung lờ mờ cho ga đến, chẳng ràng buộc gì cho ai, nói
cô sẽ đến “trên một chuyến tàu khác”. Trước khi cô có thì giờ ngẫm
nghĩ xem chuyến sau của cô có thể là chuyến nào, thì cô đã thấy
mình đối diện với một quý bà trang phục rất uy nghi, có vẻ là
người để quá nhiều thời giờ chăm chút cho áo quần và diện mạo của
mình.
“Cô chắc chắn phải là Miss
Hope, cô gia sư mà tôi ra đây để đón về”
Người vừa xuất hiện nói
bằng một giọng không cho phép cãi lại.
“Thật tuyệt, nếu tôi chắc
chắn phải là thế thì tôi phải là thế thôi”
Tiểu thư Carlota tự nói
bằng một giọng nhu mì đáng ngại.
“Tôi là phu nhân Quabarl” quý
bà kia tiếp tục “Thế hành lý của cô đâu?”
“Nó đi lạc rồi” Cô gia sư
ngẫu nhiên rơi vào một quy tắc vàng của cuộc sống, là bao nhiêu lỗi
lầm cứ dồn cho kẻ vắng mặt, thực ra hành lý của cô đã hành xử rất
đúng mực. “Tôi vừa mới đánh điện về việc này” Cô nói thêm một câu
gần với sự thật hơn.
“Thật bực mình” Bà Quabarl
nói “Những công ty hỏa xa này làm ăn quá cẩu thả. Tuy nhiên cô hầu
gái của tôi có thể cho cô mượn tạm đồ đêm nay” và bà ta dẫn cô ra ô
tô của bà.
Trong lúc xe chạy về khu
nhà Quabarl, Cô Carlota được giới thiệu một cách đầy ấn tượng về bản
chất của nhiệm vụ mà cô sắp phải làm, Cô biết rằng Claude và Wilfred
là những đứa trẻ tinh tế và nhạy cảm, rằng Iren có năng khiếu nghệ
thuật rất phát triển, và Viola thì hơi khác biệt, tính nết của nó
khá tầm thường so với những đứa trẻ khác thuộc về giai cấp này và
kiểu người của thế kỷ hai mươi này.
“Tôi muốn chúng nó không
chỉ được dạy” Bà Quabarl nói “Mà
còn phải tạo được hứng thú đối với tất cả những gì chúng được
học. Chẳng hạn trong những bài học
lịch sử, cô phải cố gắng làm sao cho chúng cảm thấy chúng đang được
giới thiệu với những chuyện đời thực của những người đàn ông và
phụ nữ đã thật sự sống, chứ không phải chỉ nêu ra một lô những tên người và ngày
tháng để nhớ. Về tiếng Pháp, tất nhiên tôi hy vọng cô sẽ nói vài
ngày trong mỗi tuần”
“Tôi sẽ nói tiếng Pháp bốn
ngày và ba ngày còn lại sẽ nói tiếng Nga”
“Tiếng Nga ư? Miss Hope thân
mến, không có ai trong nhà chúng tôi nói hoặc hiểu tiếng Nga cả”
“Điều đó sẽ không làm tôi
bối rối chút nào” Cô Carlote nói một cách lạnh lùng.
Bà Quabarl, nói một cách
dân dã là đã bị hạ gục hoàn toàn. Bà là một trong số người có
tính tự tin không hoàn hảo, tức là chỉ oai vệ và độc đoán trong
chừng mực không bị phản đối gay gắt thôi. Chỉ một biểu hiện nhỏ
nhất của sự chống đối bất ngờ cũng khiến họ trở nên e dè và cảm
thấy như có lỗi. Khi cô gia sư mới không hề biểu lộ sự thán phục
sửng sốt trước chiếc xe lớn mới mua choáng lộn của bà, và nhẹ
nhàng nói bóng gió đến những đặc tính ưu việt của một vài mác xe
khác vừa được đưa ra thị trường, thì bà chủ cảm thấy bối rối đến
khốn khổ. Cảm giác của bà là cảm giác của một viên tướng hừng hực
khí phách của những chiến trận ngày xưa, trông thấy con voi chiến
mạnh nhất cúa mình bị bọn người bắn ná lôi đi một cách thảm hại.
Vào bữa ăn tối, mặc dầu được ông chồng
động viên, ông này thường xuyên lặp lại những ý kiến của bà và nói
chung là một chỗ dựa tinh thần của bà, bà Quabarl vẫn không giành
lại được chút nào phần đất đã mất. Cô gia sư không chỉ tự rót cho
mình và thưởng thức rượu vang một cách rất thật tình, mà còn phô
diễn hàng loạt kiến thức sắc sảo về nghề trồng nho và làm rượu vang, về lĩnh
vực này vợ chồng Quabarl không đủ thẩm quyền để phát biểu. Những
người gia sư truớc chỉ giới hạn câu chuyện của họ về đề tài rượu
vang ở biểu hiện kính trọng đối với nó, và chân thành nói rằng họ
thích uống nước hơn. Khi cô gia sư này đưa câu chuyện đi xa đến mức
tiến cử một hãng rượu nho tuyệt hảo mà ta có thể hoàn toàn tin
cậy, bà Quabarl nghĩ đã đến lúc
nên lái câu chuyện về một số kênh thiết thực hơn.
“Chúng tôi nhận được chứng
chỉ rất tốt về cô từ Canon Teep” Bà nhận xét. “Một con người rất
đáng kính, tôi nghĩ thế”
“Uống rượu như trĩ và đánh
vợ, nếu không thì cũng là người đáng mến đấy” Cô gia sư điềm tĩnh
nói .
“Cô Hope thân mến, tôi chắc cô đang quá lời đấy” Cả hai vợ chồng
đồng thanh kêu lên.
“Cũng phải công bằng mà
thừa nhận rằng ông ta có lúc bị chọc giận” Cô gái ngoa ngoắt nói
tiếp. “Bà Teep là một tay chơi bài brit dễ làm người ta phát cáu
nhất mà tôi đã ngồi chơi cùng. Khi được quyền đi trước và xướng bài
lên, bà ấy thường bỏ qua những mánh
chơi xấu của nhà khác, nhưng ngâm mình bằng chai nước sôđa duy
nhất có trong nhà vào chiều chủ nhật, không quan tâm gì đến người
khác, là điều mà tôi không thể hoàn toàn bỏ qua. Ông bà có thể bảo
tôi khinh suất trong việc đánh giá, nhưng chính vì sự cố nước sô đa
mà tôi đã phải bỏ đi đấy”
“Chúng ta sẽ nói chuyện
này vào dịp khác” Bà Quabarl vội vã nói.
“Tôi sẽ không đả động đến
chuyện này một lần nào nữa” Cô gia sư nói quả quyết.
Ông Quabarl vui vẻ chuyển câu
chuyện bằng cách hỏi cô giáo mới sẽ đưa môn học nào để khai giảng
ngày mai.
“Mở đầu bằng môn lịch sử”
cô thông báo với ông ta.
“A, lịch sử”. Ông Quabarl
nói một cách thông thái “Không, khi giảng cho chúng về môn lịch sử cô
phải chú ý tạo hứng thú cho chúng đối với những gì chúng được
học. Cô phải cho chúng cảm thấy rằng chúng đang được giới thiệu
những câu chuyện đời của những đàn ông và phụ nữ đã thực sự sống…”
“Tôi đã nói với cô ấy tất
cả những cái đó” Bà Quabarl xen
vào
“Tôi dạy lịch sử theo phương
pháp Schartz-Metterklume.” Cô gia sư nói một cách kiêu căng.
“À,
vâng” Hai người nghe trả lời, nghĩ rằng thích hợp nhất là cứ coi
rằng ít ra thì mình cũng đã quen với cái tên này.
“Các con làm cái trò gì ở
đây?” Sáng hôm sau bà Quabarl hỏi, khi thấy Iren ngồi rầu rĩ trên đầu
cầu thang, trong khi đằng sau nó con em ngồi trên bậu cửa sổ trong bộ
dạng lo lắng chán nản trên mình khoác tấm chăn da sói gần như trùm
kín người.
“Chúng con đang học bài học
lịch sử” một câu trả lời ngoài mong đợi. Con giả vờ là Rome và Viola
kia là con sói cái, không phải là con sói thực, mà là một hình ảnh
của con sói mà anh em Roman rất kính trọng, con quên tại sao. Claude và
Wilfred thì đi bắt lôi về những người đàn bà hèn hạ”
“Những
người đàn bà hèn hạ?”
“Vâng, chúng nó phải lôi họ
về. Chúng nó không muốn đi, nhưng
Cô Hope có chiếc gậy bóng
chày của bố và nói cô ấy sẽ cho mỗi đứa chín gậy vào đít nếu
chúng nó không chịu đi, nên chúng nó đi làm việc ấy rồi”
Một tiếng gào lớn và giận
dữ từ hướng bãi cỏ vọng về kéo bà Quabarl về phía ấy, bà sợ trận
đòn trừng phạt có thể đang diễn ra ngay lúc này. Nhưng thật ra tiếng
kêu khóc ấy là từ hai đứa con gái nhỏ của người gác cổng, chúng nó
bị hai thằng Claude và Wilfred, tóc tai bù xù thở hổn hển, kéo và
đẩy về phía ngôi nhà, nhiệm vụ của hai thằng này còn được thằng em
nhỏ của hai con bé bị bắt cổ võ nhiệt
liệt không ngớt nếu không phải là rất hiệu quả. Cô gia sư, gậy bóng
chày trong tay, đang ngồi lơ đễnh trên lan can đá chỉ huy hoạt cảnh này
với sự vô tư lạnh lùng của Nữ thần Chinh chiến. Những tiếng kêu giận
dữ và lặp lại “Tao sẽ méc mẹ” bật lên từ những đứa con của người
gác cổng, nhưng bà mẹ, vốn nặng tai, lúc này đang ngập trong đống
quần áo trong chậu giặt. Sau khi lo sợ liếc về phía người gác cổng,
(người đàn bà tốt bụng này được trời phú cho tính chiến đấu khá
ngoan cường, đôi khi là đặc ân đối với người điếc), bà Quabarl phẫn
nộ lao vào giải cứu hai đứa bé bị bắt đang vùng vẫy hết sức.
“Wilfred! Claude! Thả ngay hai đứa bé ra! Cô Hope, cái
cảnh này là nghiã lý quái quỉ gì thế hở?”
“Lịch sử xa xưa của người La mã, những người đàn bà
Sabine, bà không biết à? Đó là phương pháp Schartz-Metterklume để làm
cho trẻ con hiểu lịch sử bằng cách cho chúng tự diễn , như thế sẽ in
sâu vào trí nhớ của chúng, bà biết không. Tất nhiên, nếu, do sự can
thiệp của bà, những đứa trẻ này suốt đời chúng sẽ nghĩ rằng những
người đàn bà Sabine cuối cùng đã được giải thoát, thì tôi thật sự
không chịu trách nhiệm”
“Có thể cô rất thông minh và hiện đại, cô Hope ạ” bà
Quabarl nói một cách cứng rắn “Nhưng tôi yêu cầu cô rời khỏi đây ngay
chuyến tàu sắp tới. Hành lý của cô sẽ được gửi theo cô ngay khi nó
đến”
“Tôi không biết chắc vài ngày tới tôi sẽ ở đâu” Nhà
giáo dục trẻ em bị thải hồi nói. “Bà có thể giữ hành lý của tôi
lại cho đến khi tôi đánh điện báo địa chỉ mới. Chỉ có hai chiếc hòm
với mấy chiếc gậy đánh gôn và một con báo non”
“Một con báo non” Bà Quabarl kinh ngạc há hốc mồm.
Ngay cả đến lúc ra đi con người kỳ lạ này cũng để lại đằng sau cô ta
hàng đống phiền nhiễu.
“À, nó cũng chẳng còn non lắm, cũng cỡ quá nửa
đời rồi. Mỗi ngày một con gà và mỗi thứ bảy một con thỏ là thức
ăn thường xuyên của nó. Thịt bò tươi thì quá thú đối với nó. Đừng
bận tâm lo xe cho tôi, tôi thích đi bộ hơn”
Và Cô Carlote sải bước ra khỏi tầm nhìn nhà Quabarl.
Việc cô Hope thật đến đã gây náo loạn trong nhà (cô
này đã nhớ nhầm ngày hẹn đến), cô gái tử tế này không quen khơi
động những chuyện như thế. Rõ ràng nhà Quabarl đã bị quả lừa thê
thảm, nhưng hiểu ra sự việc mọi người cũng thấy nhẹ nhõm đôi phần.
“Thật phiền hà cho cô quá, Cô Carlote thân mến” Bà
chủ của cô nói khi người khách quá hẹn cuối cùng cũng đến. “Đã nhỡ
tàu lại phải qua một đêm ở nơi xa lạ, thật phiền cho cô quá”
“Ồ không” Cô Carlote nói “Không phiền hà chút nào cho tôi cả” .
______________________________
Bản Tiếng Việt © 2009 Hiếu
Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét