Kịch Jean-Paul Sartre :
“BÀN TAY BẨN” [1]
Triết
lý hiện sinh về Tự do và lựa chọn
Tóm lược:
Chuyện
xảy ra ở một nước Đông Âu giả
định, vào cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.
Hugo là
một thanh niên gốc tư sản, từ bỏ gia đình vì nhận thấy nó là giai
cấp bóc lột, tham gia một đảng cách mạng. Anh được Louis, một thủ
lĩnh của đảng, giao đi giết Hoederer, thủ lĩnh một phái khác trong
đảng, đang có chủ trương thỏa hiệp với kẻ thù (chính quyền thân phát
xít và một đảng dân tộc chủ nghĩa tư sản) để chia chác quyền lực
khi chiến tranh kết thúc. Khi xáp mặt kẻ mà anh sắp phải tiêu diệt,
anh gặp nhiều trở ngại, cả bên ngoài và (đặc biệt là) nội tâm, và
khi có cơ hội, anh đã không hành động vì thực ra đã bị chính Hoederer
thuyết phục ngược lại. Anh từ bỏ âm mưu và định sẽ suy nghĩ lại khi
Hoederer hứa giúp anh vượt qua những
khó khăn tâm lý của tuổi trưởng thành. Trớ trêu thay, Jessica cô vợ
trẻ phù phiếm của Hugo ve vãn Hoederer, và khi anh bắt gặp hai người
ôm nhau trong phòng làm việc, anh đã thẳng tay nã súng vào Hoederer vì
nghĩ là đã bị ông ta lừa.
Sau khi đi tù về, anh tìm gặp lại Olga,
người nữ đồng chí đã dìu dắt anh vào đảng và thuyết phục Louis giao
nhiệm vụ cho anh. Lúc này đảng đã coi anh là phản bội và bố trí để
‘thanh toán’ anh, nhưng Olga đã cản lại và hứa tìm hiểu thực tế con
người Hugo hiện giờ, để xem có thể thu nạp anh trở lại với Đảng
không (Màn 1). Từ Màn 2 đến Màn 6, trên sân khấu diễn ra câu chuyện mà
Hugo kể lại cho Olga như trên. Ở Màn 7, Olga đã rõ toàn bộ câu chuyện
và kết luận là có thể thu nạp được, với điều kiện là Hugo phải
hoàn toàn quên đi con người cũ của mình, để câu chuyện về Hoederer
tuyệt đối đi vào dĩ vãng, vì lúc này đảng đã lựa chọn thực hiện
chủ trương của chính Hoederer mà không có Hoederer, và việc tiêu diệt
Hoederer vẫn là cần thiết vì ông ta không phải là người thích hợp
với sách lược này, tuy rằng hiện nay tên tuổi ông ta được đảng đưa lên
như một anh hùng. Hugo hiểu rằng anh đã bị tất cả mọi người lừa
dối, và anh là người duy nhất tin vào đường lối mà anh vẫn trung
thành đến giờ phút này. Anh quyết định là mình “không thể thu dụng
được” và lao ra, nơi các họng súng của các đồng chí đang chờ anh.
Một
trong những quan niệm triết học quan trọng của JPS là tự do, với ý
nghĩa là sự lựa chọn có ý thức thái độ và hành động của cá nhân
trước cuộc đời, và tự mình chịu trách nhiệm về lựa chọn ấy. Trong
mỗi hoàn cảnh, con người buộc phải lựa chọn mà không được ai dẫn
dắt (con người bị buộc phải tự do)
và bằng lựa chọn ấy, con người tự
sáng tạo ra bản thân mình.
- . LỰA CHỌN CỦA HUGO
Việc
Hugo từ bỏ gia đình và giai cấp (tư
sản) để đến với cách mạng là lựa chọn đầu tiên của anh. Bước lựa
chọn ấy đã làm anh thành con người khác. Đó là lựa chọn từ bỏ
cuộc sống giàu sang mà anh thấy là nhàm chán và giả dối, để đi tim
một cái gì có ý nghiã hơn. Nhưng điều đáng buồn là anh chưa tìm ra
ý nghĩa ấy. Trong công tác, anh được giao viết báo, và thấy nó không
đáng giá bằng những hành động trực tiếp, hành động đích thực, chẳng hạn khủng bố và
phá hoại (như tiêu diệt kẻ thù và lật đổ những đoàn tàu..). Nhưng
muốn được hành động, anh phải chiếm được niềm tin của lãnh đạo, mà
anh chưa có
LOUIS
Chúng ta ở đây là vị trí thuận lợi: ta sẽ nghe
thấy tiếng nổ. ( Một lát. Quay về phía
Hugo) Xem chừng cậu thích hành động lắm nhỉ?
HUGO
Vâng.
LOUIS
Tại sao?
HUGO
Như thế đấy.
LOUIS
Tuyệt. Chỉ có điều cậu không biết làm gì ngoài gõ
mười ngón tay.
HUGO
Đúng thế. Tôi không biết làm gì cả.
LOUIS
Thế rồi sao?
HUGO
Ở nước Nga vào cuối thế kỷ trước có những thanh
niên nấp trên đường đi của Đại công tước, với một quả bom ở trong túi. Bom nổ,
Đại công tước tan thây, người thanh niên cũng thế. Tôi cũng có thể làm như thế.
LOUIS
Đó là bọn vô chính phủ. Cậu mơ tưởng đến điều đó
bởi vì cậu cũng giống bọn chúng: cậu là một thằng trí thức vô chính phủ. Nhưng
cậu đã muộn hơn bọn chúng năm mươi năm: chủ nghĩa khủng bố đã hết thời rồi.
HUGO
Vậy tôi là một thằng bất tài vô dụng.
LOUIS
Trong lĩnh vực này thì đúng.
HUGO
Vậy thôi ta không nói gì nữa.
LOUIS
Khoan đã. (Một
lát) Có thể tôi sẽ kiếm cho cậu một việc để làm.
HUGO
Một công việc thật
sự chứ?
LOUIS
Tại sao không?
HUGO
Và anh
sẽ thật sự tin tưởng tôi chứ?
LOUIS
Cái đó tuỳ thuộc vào cậu.
HUGO
Anh Louis, tôi sẽ làm bất cứ việc gì.
............
(BTB – Màn2, cảnh 4)
Anh
đã nhận việc đi giết Hoederer, một đồng chí trong đảng không cùng ý
kiến với phái Louis, như thế này:
HUGO
Anh với Olga đã dạy tôi tất cả, và tôi phải làm
tất cả vì anh. Với tôi, Đảng chính là anh.
LOUIS, với Olga
Cậu ấy có nghĩ như cậu ấy nói không nhỉ?
OLGA
Có đấy.
LOUIS
Tốt. (với
Hugo). Cậu đã rõ tình hình rồi đấy . Chúng ta không thể bỏ đi, cũng không
thể thắng được ở ban chấp hành. Nhưng vấn đề duy nhất là thủ đoạn của Hoederer.
Không có Hoederer, ta dễ dàng thao túng số còn lại (Một lát) Hoederer có yêu cầu đến thứ ba tới Đảng cung cấp cho anh
ta một thư ký. Một sinh viên. Có vợ.
HUGO
Tại sao phải có vợ?
LOUIS
Tôi không biết. Cậu có vợ rồi phải không?
HUGO
Phải
LOUIS
Vậy sao? Cậu đồng ý không?
Hai người nhìn nhau một lát
HUGO, dứt khoát
Đồng ý
LOUIS
Rất tốt. Ngày mai cậu sẽ cùng đi với vợ cậu. Hắn
sống cách đây hai mươi kilômét, trong một ngôi nhà nghỉ ở nông thôn mượn của
một người bạn. Hắn sống với ba cậu thanh niên lực lưỡng, luôn có mặt khi tình
hình nguy cấp. Cậu chỉ có nhiệm vụ theo dõi hắn, chúng tôi sẽ lập một đường dây
liên lạc ngay sau khi cậu đến. Không nên để hắn gặp đặc phái viên của Nhiếp
chính, dù gì chăng nữa, không thể để hắn gặp bọn kia đến lần thứ hai. Cậu hiểu tôi chứ?
HUGO
Vâng.
LOUIS
Vào buổi tối mà chúng tôi sẽ bảo cậu, cậu sẽ mở
cửa cho ba đồng chí của chúng ta vào làm nhiệm vụ, sẽ có một chiếc ôtô đậu
ngoài đường, lúc đó cậu với vợ cậu hãy chuồn nhanh ra.
HUGO
Ô! Anh Louis..
LOUIS
Sao?
HUGO
Vậy đấy à? Chỉ có vậy thôi à? Vậy ra anh đánh giá
khả năng tôi có bấy nhiêu thôi sao?
LOUIS
Cậu không đồng ý à?
HUGO
Không. Không một chút nào. Tôi không muốn làm một
kẻ nội gián thụ động. Người ta có cách của người ta, chúng tôi có cách của
chúng tôi. Một phần tử trí thức vô chính phủ không nhận bất cứ công việc nào.
LOUIS
Hugo!
HUGO
Nhưng đây là đề nghị của tôi: không cần liên lạc,
không cần gián điệp gì ráo trọi! Tôi sẽ làm việc đó, một mình!
LOUIS
Cậu?
HUGO
Tôi!
LOUIS
Đây là một công việc khá hóc với một tay mơ.
HUGO
Ba thằng sát thủ của anh có thể đấu với mấy thằng
hộ vệ của Hoederer, nhưng có nguy cơ bị chúng hạ. Tôi, nếu tôi là thư ký của
Hoederer, và nếu tôi tranh thủ được hắn tin cậy, sẽ có lúc tôi một mình với hắn
trong nhiều giờ.
LOUIS, ngần ngừ
Tôi không…
OLGA
Anh Louis!
LOUIS
Hử?
OLGA
Anh tin anh ấy đi. Đây là một chàng trai đang tìm
cơ hội. Anh ấy sẽ đi đến cùng.
LOUIS
Cô bảo lãnh cậu ấy nhé?
OLGA
Hoàn toàn!
LOUIS
Được. Vậy nghe đây…
Thế là
để tìm ra con người mới của mình Hugo đã lựa chọn hành động. Ta thấy qua
trích đoạn trên đây, anh thật nhiệt huyết và quyết liệt. Hãy lưu ý
đến cách nghĩ của Hugo: về việc giết Hoederer, anh hoàn toàn tán
thành và tin tưởng tuyệt đối ở Louis, nhưng về cách thực hiện, anh
hoàn toàn phản đối. Với Louis, là những toan tính trong cuộc đấu
tranh nội bộ, với Hugo: đó là việc tự khẳng định cá nhân mình. Chủ
quan, anh tưởng mình tự do trong lựa chọn, nhưng về khách quan, với mưu
toan của Louis, anh không biết mình đang là công cụ, anh không có ý
thức đầy đủ về công việc sắp làm. Nhưng việc thực hiện hành động ấy đâu có dễ dàng, khi
vào cuộc, anh gặp rất nhiều trắc trở. Trước hết là vợ anh, một cô
gái 19 tuổi luôn luôn coi cuộc sống là một trò chơi, nên khi anh nói
thật nhiệm vụ của anh là giết người, thì cô nghĩ đó là trò đùa.
Hugo phải khó khăn lắm mới làm cho cô tin là anh nghiêm túc.
HUGO
Jessica, em không tin những gì anh nói với em!
JESSICA
Rằng
anh yêu em ư?
HUGO
Rằng
anh sắp giết Hoederer
JESSICA
Tất
nhiên là em tin.
HUGO
Em
hãy thử cố gắng tỏ ra nghiêm túc xem nào.
JESSICA
Tại
sao em lại phải tỏ ra nghiêm túc?
HUGO
Bởi
vì người ta không thể lúc nào cũng đùa được.
JESSICA
Em
không thích nghiêm túc, nhưng chúng ta giao hẹn thế này nhé: em sẽ giả vờ tỏ ra
nghiêm túc.
HUGO
Em
hãy nhìn vào mắt anh đây. Không cười. Về việc Hoederer, chuyện đó là thật.
Chính Đảng đã cử anh đến đây.
JESSICA
Em
không nghi ngờ điều đó. Tại sao anh không nói với em sớm hơn?
HUGO
Sợ
rằng có thể em sẽ từ chối cùng đi với anh.
JESSICA
Tại
sao? Đó là công việc của đàn ông, em thì dính dáng gì tới đó?
HUGO
Đó
cái kỳ cục của công việc, em biết không. Thằng cha này có vẻ lì lắm.
JESSICA
Thế
thì được, chúng ta sẽ gây mê hắn rồi dí hắn vào miệng ca nông
HUGO
Jessica,
anh nói nghiêm túc.
JESSICA
Em
cũng vậy.
HUGO
Em.
Em đang giả vờ nghiêm túc. Em đã nói với anh như vậy
JESSICA
Không,
đó là anh nói.
HUGO
Em
hãy tin anh, anh năn nỉ em đấy.
JESSICA
Em
sẽ tin anh, nếu anh tin rằng em đang nghiêm túc.
HUGO
Tốt.
Vậy thì, anh tin em.
JESSICA
Không.
Anh giả vờ tin em
HUGO
Chúng
ta không bao giờ thoát khỏi cái trò này..
(BTB, Màn3, cảnh1)
Khi đã tin rằng anh được giao giết
Hoederer, chính Jessica lại thấy Hugo đang lưỡng lự, thiếu tự tin vào
bản thân như thế nào. Chính cô đã giúp anh thoát tay bọn vệ sĩ của
Hoederer khi chúng khám nhà, bằng cách giấu khẩu súng vào coocxê. Và
JESSICA
Khi em hiểu rằng chúng sẽ khám cả em. Đó là một
trò sấp ngửa. Georges thì em tin chắc hắn ngại đụng đến em, nhưng Slick đã làm
em thấy gợn. Em không sợ hắn tìm thấy súng đâu, nhưng em sợ bàn tay của hắn
HUGO
Đáng lẽ anh không nên lôi kéo em vào chuyện này.
JESSICA
Trái lại, em luôn luôn mơ được làm người phiêu
lưu.
HUGO
Jessica, đây không phải trò chơi. Tay này nguy
hiểm lắm.
JESSICA
Nguy hiểm ư? Cho ai?
HUGO
Cho Đảng.
JESSICA
Cho đảng ư? Em nghĩ rằng ông ta là lãnh đạo của
đảng?.
HUGO
Hắn là một
trong những lãnh đạo. Nhưng đúng ra, hắn…
JESSICA
Nhất là, chớ giải thích gì cho em, lời anh đủ đảm
bảo rồi .
HUGO
Em tin cái gì?
JESSICA, lặp lại
Em tin rằng con người này là nguy hiểm, rằng hắn
cần phải biến đi và rằng anh đến đây để hạ…
HUGO
Xuỵt (Một lát) Em nhìn anh đây này. Có lúc anh
tự nhủ rằng em giả vờ tin anh mà thật ra em không tin, lúc khác anh lại tự nhủ
rằng em thật ra trong lòng tin anh nhưng ngoài mặt giả vờ như không tin. Thật
sự thế nào là đúng?
JESSICA, cười
Chả cái nào đúng cả.
HUGO
Em sẽ làm gì nếu anh yêu cầu em giúp đỡ.
JESSICA
Chẳng lẽ vừa rồi em không giúp anh sao?
HUGO
Có, em yêu, nhưng đó không phải là việc mà anh cần
em giúp.
JESSICA
Bạc bẽo.
HUGO, nhìn nàng
Nếu anh có thể đọc trong đầu em..
JESSICA
Cứ hỏi em đi
HUGO, nhún vai
Chà! (Một
lát) Trời ơi, khi người ta sắp giết một người, người ta phải cảm thấy nặng
như đá. Trong đầu ta phải có sự im lặng ghê rợn (hét to). Im lặng. Em đã thấy sự im lặng đậm đặc như thế nào chưa?
Thấy nó sống động như thế nào chưa? (Một
lát) Đúng rồi! Đúng rồi! Đúng thật là anh sắp giết hắn rồi. Một tuần nữa
hắn sẽ ngã quỵ xuống đất, sẽ chết với năm lỗ thủng trên người.(Một lát) Thật khôi hài!
JESSICA, bật
cười
Con ong nhỏ bé tội nghiệp của em. Nếu anh muốn em
tin rằng anh sắp trở thành một sát thủ, trước hết chính anh, anh phải tự thuyết phục mình đã.
HUGO
Anh không có vẻ tin mình là sát thủ thật sao?
JESSICA
Hoàn toàn không, anh đóng vai của mình quá kém.
HUGO
Nhưng anh không đóng kịch đâu, Jessica!
JESSICA
Có, anh đang đóng đấy
(Màn 3, cảnh 5)
Cái lo âu, khắc khoải, băn khoăn của Hugo được mô tả
thật tài tình. Anh cần được cô vợ bé bỏng, lông bông kia giúp đỡ,
tất nhiên không phải giúp hành động, mà giúp anh vượt qua khó khăn
trong tâm lý. Anh chần chừ lần lữa, đến mức chính cô vợ lại thúc
giục anh hành động:
(Trong phòng làm việc của
Hoederer)
JESSICA
Khoan
đã (nàng lục lọi trong bộ váy) Em đến
để mang cho anh cái này.
HUGO
Cái gì?
JESSICA, lấy khẩu súng từ
trong túi ra, ấn vào gan bàn tay Hugo
Cái này! anh quên nó rồi.
HUGO
Anh không quên. Anh không bao giờ mang nó đi.
JESSICA
Đúng ra anh không được rời nó.
HUGO
Jessica, vì em có vẻ không hiểu, anh phải nói dứt
khoát với em rằng anh cấm em bước chân vào đây. Nếu em muốn chơi, đã có vườn và
căn nhà cho em.
JESSICA
Hugo, anh nói với em như thể em là con bé sáu
tuổi.
HUGO
Lỗi tại ai? Thế này thì không thể chịu nổi nữa
rồi. Em không thể nào nhịn cười khi nhìn anh. Điều này sẽ tốt khi chúng ta năm
mươi tuổi. Cần phải thôi đi. Đây chỉ là thói quen, em biết đấy. Một thói quen
xấu mà chúng ta cùng nhau nhiễm phải. Em có hiểu anh không?
JESSICA
Hiểu quá đi chứ.
HUGO
Em có muốn cố gắng nghe anh không?
JESSICA
Có
HUGO
Tốt. Vậy thì, hãy bắt đầu bằng việc trả khẩu súng lại chỗ cũ.
JESSICA
Em không thể.
HUGO
Jessica!
JESSICA
Cái này là của anh, anh phải cầm lấy.
HUGO
Nhưng anh đã bảo em rồi, anh không cần đến nó
JESSICA
Vậy anh bảo em phải làm gì với khẩu súng này?
HUGO
Em muốn làm gì thì làm, đâu có quan hệ gì đến anh.
JESSICA
Anh có muốn vợ anh phải đi lang thang suốt ngày
với con chó lửa này trong túi áo không?
HUGO
Em hãy về nhà và cất nó vào vali của anh.
JESSICA, nhìn ngó quanh
nàng
Nhưng em không muốn về, anh thật là quá đáng.
HUGO
Tốt hơn hết là em đừng mang nó đến.
JESSICA
Còn anh, chỉ cốt anh đừng quên nó.
HUGO
Anh đã bảo em rằng anh không có quên.
JESSICA
Không quên ư? Hugo, thế anh đã thay đổi ý định của
anh rồi phải không?
HUGO
Xuỵt!
JESSICA
Hugo, anh hãy nhìn vào mắt em đây. Có hay không,
anh có thay đổi ý định không?
HUGO
Không,
anh không thay đổi
JESSICA
Có
hay không? Anh có định…
HUGO
Có!
Có! Có! Nhưng không phải hôm nay
JESSICA
Ôi
, Hugo, Hugo bé bỏng của em, tại sao lại không phải hôm nay? Em chán quá đi, em đã đọc hết số tiểu thuyết
anh đưa cho em, em không thích suốt ngày cứ nằm ườn trên giường như một ả cung
phi, khiến em béo phì lên mất. Anh còn đợi chờ gì nữa?
HUGO
Jessica, em lại đùa rồi!
JESSICA
Chính anh đùa thì có. Đã mười ngày anh làm ra bộ
quan trọng để gây ấn tượng với em, rốt cuộc cha kia vẫn sống nhăn. Nếu đây là
một trò chơi thì nó đã kéo dài quá lâu: chúng ta lúc nào cũng thầm thầm thì thì
sợ người ta nghe thấy, mà em thì phải chịu đựng cái tính khí thất thường của
anh, như thể anh là một bà chửa ấy.
HUGO
Em thừa biết đây không phải là một trò đùa.
JESSICA, khô khan
Thế thì càng tệ! Em ghét cái người chỉ nói mà
không làm. Nếu anh muốn em tin anh, anh phải kết thúc chuyện đó ngay hôm nay
đi.
HUGO
Hôm nay chưa phải lúc.
JESSICA, lấy lại giọng bình thường
Đó, anh thấy chưa!
(Màn4, cảnh 1)
Vậy lựa chọn hành động của
Hugo không phải một lần là xong, trong quá trình thực hiện, nó diễn
ra qua nhiều giằng co, nó khiến nội tâm anh không lúc nào yên ổn. Ban
đầu, đơn giản chỉ là nhiệm vụ, sự cần thiết của việc giết người
là do lãnh đạo (Louis) xác định, không phải do anh, đúng sai anh không
cần suy nghĩ. Nhưng việc giết một mạng người không thể là đơn giản,
cái phi lý của việc giết người
nó làm người ta trằn trọc đến đau đớn:
JESSICA
Đó không phải là lỗi của em: em chỉ tin cái gì mà
em nhìn thấy. Ngay đến sáng nay, thậm chí em không thể tưởng tượng rằng ông ta
chết. Ban nãy em vào văn phòng, lúc đó có một gã bị chảy máu và tất cả bọn anh
như những xác chết. Hoederer, đó là một xác chết, em đã nhìn thấy thần chết
trên mặt ông ta. Nếu anh không giết ông ta, người ta sẽ cử người khác.
HUGO
Sẽ là anh. (Một
lát) Cái thằng cha bị chảy máu ấy, trông nó bẩn thỉu lắm phải không?
JESSICA
Vâng, bẩn lắm.
HUGO
Hoederer cũng sắp chảy máu.
JESSICA
Im đi.
HUGO
Hắn sẽ ngủ với giun trong một bộ dạng ngu ngốc và
hắn sẽ chảy máu trong quần áo hắn.
JESSICA, bằng giọng chậm và trầm.
Vậy thì anh im đi.
HUGO
Cô ấy đã ném thuốc nổ vào bức tường. Không có gì
để tự hào: cô ấy không nhìn thấy chúng tôi. Bất kì ai cũng có thể giết người
nếu không bị buộc phải nhìn điều mình làm. Chính anh, anh đã sắp sửa bắn. Lúc
đó anh đang ở trong văn phòng, anh đã nhìn thẳng vào mặt chúng và anh sắp bắn,
chính cô ta đã làm anh bị hụt cú ấy.
JESSICA
Lúc ấy anh đang sắp bắn thật à?
HUGO
Anh đã thò tay
trong túi và đặt ngón tay lên cò súng.
JESSICA
Và anh đã sẵn sàng bắn. Anh có chắc rằng anh có
thể bắn không?
HUGO
Anh.. lúc đó may mắn là anh đang nổi xung. Tất
nhiên, anh sắp sửa bắn. Bây giờ tất cả phải làm lại từ đầu. (Anh cười) Em đã nghe đấy: họ bảo rằng
anh là thằng phản bội. Bọn họ có lợi thế :
ở đằng kia, khi họ quyết định rằng một người nào đó sẽ chết thì cũng
giống như xoá đi một cái tên trong danh bạ: thật là sạch sẽ và thanh lịch. Ở
đây cái chết là chuyện khác. Đây là lò sát sinh. (Một lát) Hắn uống rượu hắn hút thuốc, hắn nói với anh về Đảng, hắn
lập những âm mưu, còn anh, anh nghĩ về
hắn sẽ là một cái xác chết, thật là nhảm nhí trơ trẽn. Em đã nhìn thấy
mắt hắn chưa?
JESSICA
Rồi.
HUGO
Em đã thấy đôi mắt hắn lấp lánh những ánh lạnh
lùng tàn bạo và khắc nghiệt như thế nào chưa?
JESSICA
Em thấy rồi.
HUGO
Có lẽ là anh sẽ bắn vào đúng mắt hắn. Ta sẽ ngắm
vào ngực, nhưng khẩu súng tự nó hếnh lên, em hiểu không?
JESSICA
Em yêu đôi mắt của ông ta.
HUGO, đột ngột
Thật là trừu tượng.
JESSICA
Sao cơ?
HUGO
Một cuộc giết người, anh bảo thật là trừu tượng.
Anh tì tay lên cò súng, và sau đó anh không còn hiểu điều gì đã xảy đến. (Một lát) Nếu người ta có thể quay đầu đi
mà bắn. (Một lát) Anh tự hỏi tại sao
anh lại đi nói với em tất cả những điều ấy nhỉ.
Anh không phải là một kẻ giết
người chuyên nghiệp, anh “không có thiên hướng giết người”- như Hoederer nói, anh là một trí thức, trong
óc đầy ý tưởng. Có lúc anh mong được như Slick, hộ vệ của Hoederer,
chỉ là một khối thịt vô tri giác.
“Tôi
muốn ngủ mê và mơ thấy tôi là Slick. Nhìn xem kìa: một trăm kí lô thịt và một
hòn sỏi trong hộp sọ, một con cá voi thật sự. Hòn sỏi ở trên kia, nó gửi đi
những tín hiệu sợ hãi và giận dữ, nhưng
chúng tan biến đi ngay trong cái khối thịt kia. Chỉ hơi nhồn nhột một chút, thế
thôi.”
(Màn 4, cảnh 6)
Anh phải
tự thuyết phục mình rằng hắn (Hoederer) là đáng ghét, bỉ ổi, xấu
xa, và phải chờ dịp ngẫu nhiên anh nổi xung, mới có thể bắn hắn.
Một cuộc giết người, nếu có thể xảy ra với anh, phải là một cuộc
giết người trừu tượng, hoặc là anh không biết hắn, hoặc anh ngắm bắn
từ xa, nhắm mắt lại mà bắn. Ở đây, cái trách nhiệm về vụ giết
người đè nặng lên lương tâm, hoàn toàn không giống việc ra lệnh giết người, chỉ là xóa đi
những cái tên trong sổ sách. Trong mọi lựa chọn luôn có những trách
nhiệm mà người lựa chọn phải đảm đương lấy, không ai khác.
Khi Olga, vì sốt ruột đã tự mình đi
ném bom vào cuộc họp trong đó cô Hugo, Hoederer và những kẻ thỏa hiệp
đang thương thuyết – nhưng không ai chết – thì tình thế đã đổi khác.
Anh phải lựa chọn hoặc hành động ngay, với tất cả nguy hiểm và hy
sinh có thể, hoặc không hành động, để bị coi là phản bội và bị
đảng xử lý: hai thân phận hoàn toàn khác nhau. Rõ ràng lúc này không
thể lựa chọn hoàn cảnh cho ta, mà phải lựa chọn ta cho hoàn cảnh.
Cái cớ
mạnh nhất để giết Hoederer là tin rằng hắn là một tên phản bội.
Đụng độ với thực tế, cái cớ ấy có đứng được hay không mới là điều
quyết định. Jessica đặt cho anh câu hỏi đáng suy nghĩ: chẳng lẽ nhất
thiết phải giết những ai không cùng tư tưởng với mình, và nếu anh tin
Louis và Olga, thì giả sử nếu gặp Hoederer trước, liệu anh có theo ông
ta mà chống Louis không? Càng thảo luận thì Hugo có vẻ càng bí, điều
này cho thấy “niềm tin” của anh chẳng có gì là chắc chắn.
HUGO
Cùng là mộtviệc cả thôi: giết, chết, cùng là một,
người ta cũng đều cô đơn như nhau. Hắn có may mắn, hắn chỉ phải chết một lần.
Còn anh, từ mười ngày nay cứ một phút anh giết hắn một lần. (Đột ngột) Em sẽ làm gì, Jessica?
JESSICA
Thế nào?
HUGO
Em nghe đây: nếu ngày mai anh chưa giết được hắn,
anh phải biến mất hoặc anh sẽ phải đi tìm họ và nói với họ rằng: các anh muốn
làm gì tôi thì làm. Nếu anh giết…(Anh đưa
tay ôm mặt trong giây lát) Anh cần phải làm gì? Em sẽ làm gì?
JESSICA
Em ấy à? Anh hỏi em câu đó nghĩa là em sẽ làm gì
nếu ở vào địa vị của anh phải không?
HUGO
Thế em muốn anh hỏi ai câu đó? Anh không có ai
ngoài em trong thế giới này.
JESSICA
Đúng đấy. Anh không có ai ngoài em. Ngoài em ra.
Hugo tội nghiệp (Một lát) Em sẽ đi
tìm Hoederer và nói với ông ta: đây này, người ta cử tôi đến đây để giết ông
nhưng tôi đã thay đổi ý kiến và tôi muốn làm việc với ông.
HUGO
Tội nghiệp
Jessica.
JESSICA
Điều ấy không thể được à?
HUGO
Đó chính là cái mà người ta gọi là phản bội.
JESSICA,buồn bã
Anh thấy không? Em không thể nói gì với anh được.
(Một lát)Tại sao đìều ấy lại không
thể được.Vì ông ấy không cùng tư tưởng với anh à?
HUGO
Nếu em muốn. Bởi vì hắn không cùng tư tưởng với
anh.
JESSICA
Và cần phải giết những người không cùng tư tưởng
với các anh?
HUGO
Đôi khi.
JESSICA
Nhưng tại sao anh đã chọn những tư tưởng của Louis
và Olga?
HUGO
Bới vì những tư tưởng ấy đúng.
JESSICA
Nhưng, Hugo, giả sử năm ngoái anh gặp Hoederer chứ
không phải Louis. Thế thì chính những tư tưởng của ông ấy anh thấy là đúng
HUGO
Em
điên à.
JESSICA
Tại
sao?
HUGO
Cứ
nghe em thì người ta phải tin rằng mọi ý kiến đều ngang bằng nhau và người ta
nhiễm phải chúng như nhiễm bệnh vậy.
JESSICA
Không
phải em nghĩ thế. Em..em không biết mình nghĩ gì. Hugo ạ, ông ấy mạnh lắm,chỉ
cần ông ấy mở miệng là người ta phải thấy ông ấy có lý. Và rồi em tin rằng ông
ấy chân thành và ông ấy muốn điều tốt cho Đảng.
HUGO
Cái
mà hắn muốn, cái mà hắn nghĩ, anh coi thường. Điều đáng kể là những cái mà hắn
làm.
JESSICA
Nhưng…
HUGO
Về mặt khách quan, hắn hành động như một kẻ phản bội.
JESSICA, không hiểu
Về
mặt khách quan ư?
HUGO
Ừ.
JESSICA
À (Một lát) Còn ông ấy, nếu ông ấy biết
việc mà anh chuẩn bị làm, ông ấy có nghĩ anh là một tên phản bội không?
HUGO
Anh
không biết gì về chyện ấy.
JESSICA
Nhưng
ông ấy có nghĩ như vậy không?
HUGO
Ừ, có lẽ.
JESSICA
Vậy ai có lý?
HUGO
Anh.
JESSICA
Tại sao anh biết đìều đó?
HUGO
Chính trị là một khoa học. Người ta có thể chứng
minh rằng họ có chân lý và rằng người khác là sai lầm.
JESSICA
Trong
trường hợp này tại sao anh do dự?
HUGO
Điều
này giải thích dài dòng lắm
JESSICA
Chúng
ta còn có cả đêm nay.
HUGO
Cần
phải nhiều tháng nhiều năm.
JESSICA
À,
(Nàng đến bên những quyển sách) Và
tất cả có viết trong này phải không?
HUGO
Về
một nghĩa nào đó thì đúng đấy. Chỉ cần bíết đọc.
JESSICA
Lạy
Chúa! (Nàng lấy một quyển, mở ra đọc mê
mải, rồi đặt vào chỗ cũ, thở dài). Lạy Chúa!
Jessica
đã đưa ra đề nghị sáng suốt: tại sao không thuyết phục ông ấy, trước
khi giết, nếu chỉ vì khác biệt tư tưởng. Qua thảo luận sẽ tìm ra
chân lý, ai đúng sẽ thuyết phục được người kia, và tránh được đổ
máu. Chính cô đã sắp đặt và tạo ra tình thế tranh luận giữa hai
người, và cô đã quan sát rất chính xác: chính Hugo đã bị thuyết
phục. Nhưng đây là con người Hugo, người đang cần tự khẳng định:
HUGO:
Nhưng
nếu hắn thuyết phục được anh thì đó lại thêm một lý do để anh hạ hắn, vì điều
đó chứng tỏ rằng hắn sẽ thuyết phục được những người khác. Sáng mai, anh sẽ kết
thúc công chuyện.
(Màn5, cảnh 5)
Lựa
chọn của Hugo đến lúc này vẫn không thay đổi. Lý lẽ không thuyết
phục được anh, thuyết phục anh phải là chính con người Hoederer, sau
khi ông ta để cho anh có cơ hội bắn mà anh đã không thể bắn, và quan
trọng hơn, lần đầu tiên, anh thấy chính ông ta là người duy nhất tin
anh.
- HOEDERER
Lúc đầu
Hugo mô tả ông ta như một con người tầm thường dung tục. Qua việc ông ta
dàn xếp cuộc cãi cọ giữa Hugo và các vệ sĩ, do Hugo quyết không cho
khám xét, (ông ta lúc đầu nói “Khám
xét không cần thiết đâu” nhưng sau một hồi trò chuyện loanh quanh,
khám xét lại vẫn được tiến hành), người ta thấy tài thuyết phục,
khả năng làm chủ và xoay chuyển tình thế của một tay lão luyện. Khi
ông ta thuyết rằng mọi người cần phải tin
nhau, và ông ta tin tất cả mọi người, thì ngay Jessica cũng cho ông ta
là một tay bịp bợm. (Màn3, Cảnh 4,5)
Cuộc
tranh luận giữa Hoederer và Hugo có thể coi là nội dung chính trị chủ
yếu của vở kịch, thể hiện hai lập trường đối lập trong đảng.
JESSICA
Hugo, anh đã hứa với em.(Với Hoederer) Anh ấy bảo ông là kẻ phản bội .
HOEDERER
Kẻ phản bội. Chỉ có thế thôi à!.
JESSICA
Về mặt khách quan. Anh ấy bảo: về mặt khách quan.
HOEDERER, đổi giọng và
đổi nét mặt
Thôi được. Nào, chàng trai, hãy nói cho tôi biết
điều gì khiến cậu ấm ức, ta không nên để nó hành ta mãi. Tôi cần giải quyết vụ
này trước khi đi ngủ. Tại sao tôi là một kẻ phản bội?
HUGO
Vì anh không có quyền lôi kéo Đảng vào các thủ
đoạn của anh.
HOEDERER
Tại sao không?
HUGO
Đảng là một tổ chức cách mạng mà anh định biến nó
thành một đảng tham chính.
HOEDERER
Các đảng cách mạng được lập ra để cướp chính quyền.
HUGO
Để giành chính quyền, đúng. Nhưng là cướp chính
quyền bằng vũ lực, chứ không phải mua nó bằng thủ đọan lừa lọc.
HOEDERER
Cậu không hề ân hận khi đổ máu ? Mình rất
buồn nhưng cậu phải hiểu rằng chúng ta không thể áp đặt bằng vũ lực. Nếu nội
chiến nổ ra, Đảng Ngũ giác có các đạo quân và các tướng lĩnh. Nó sẽ làm thành
bộ khung của quân đội phản cách mạng.
HUGO
Ai nói đến nội chiến? Hoederer, tôi không hiểu anh; chỉ cần kiên nhẫn một chút. Chính
anh đã nói: Hồng quân sẽ quét quân đội của Nhiếp chính, và chúng ta sẽ chiếm
chính quyền một mình.
HOEDERER
Rồi chúng ta sẽ làm thế nào để giữ chính quyền? (Một lát) Khi Hồng quân vượt qua biên
giới, mình đảm bảo với cậu sẽ đến một thời kỳ cực kỳ gay go.
HUGO
Hồng quân...
HOEDERER
Phải. Phải. Tôi biết. Cả tôi cũng chờ đợi. Và với
sự nóng lòng, thiếu kiên nhẫn. Nhưng cậu phải tự thuyết phục mình rằng: tất cả
các quân đội trong chiến tranh, giải phóng hay không giải phóng, đều giống
nhau: chúng sống trên những đất đai chiếm đóng. Nông dân của chúng ta sẽ ghét
người Nga, đó là điều không tránh khỏi, làm sao cậu có thể mong họ yêu chúng
ta, là những người sẽ do người Nga dựng lên? Họ sẽ gọi chúng ta là Đảng của bọn
ngoại quốc hoặc có khi còn tệ hơn thế nữa. Đảng Ngũ giác sẽ quay lại hoạt động
bí mật, thậm chí nó không cần thay đổi cả khẩu hiệu.
HUGO
Bọn Ngũ giác, tôi..
HOEDERER
Và sau đó , còn có chuyện khác nữa: đất nước sẽ
tan hoang, thậm chí có thể chỉ còn là bãi chiến trường. Dù chính phủ nào lên
thay chính phủ Nhiếp chính, nó cũng buộc phải áp dụng các biện pháp tàn bạo
khiến nó bị nhân dân căm ghét. Khi Hồng quân rút đi, thì ngay ngày hôm sau
chúng ta sẽ bị quét sạch bởi một cuộc nổi dậy.
HUGO
Có nổi dậy thì đập tan nó đi. Chúng ta sẽ thiết
lập một trật tự thép.
HOEDERER
Một trật tự thép ư? Bằng cái gì? Ngay cả sau Cách
mạng, giai cấp vô sản vẫn là kẻ yếu nhất, và trong một thời gian dài. Một trật
tự thép! Với một đảng tư sản phá hoại ngầm, và một quần chúng nông dân đốt bỏ
hoa màu để chúng ta chết đói chăng?
HUGO
Rồi sao? Năm 1917 Đảng Bolchevik đã thấy một tình
hình tệ hại hơn nhiều.
HOEDERER
Họ không bị áp đặt bởi người ngoại quốc. Bây giờ
nghe đây, cậu bé, và ráng mà hiểu; Chúng ta sẽ nắm chính quyền cùng với đảng tự
do của Karsky và bọn người bảo thủ của Nhiếp chính. Không lôi thôi, không gây
chuyện, một Liên minh Dân tộc. Không ai có thể trách chúng ta là do nước ngoài
dựng lên. Tôi đã đòi một nửa số phiếu trong Uỷ ban Kháng chiến nhưng tôi không
làm cái chuyện ngu ngốc là đi đòi một
nửa số ghế bộ trưởng. Chúng ta buộc phải chịu ở
thế thiểu số. Một thiểu số để cho các đảng khác phải gánh trách nhiệm về
các biện pháp mất lòng dân, nhưng mình lại được dân ủng hộ bằng cách làm phe
đối lập giữa lòng chính phủ. Họ sẽ bó tay: trong hai năm nữa cậu sẽ thấy sự phá
sản của chính sách tự do và cả nước sẽ yêu cầu chúng ta làm cuộc thí nghiệm của
chúng ta.
HUGO
Và đến lúc đó thì đảng sẽ nguy.
HOEDERER
Sẽ nguy? Tại sao.
HUGO
Đảng có một cương lĩnh: Thực hiện nền kinh tế xã
hội chủ nghĩa, và một phương tiện: sử dụng cuộc đấu tranh giai cấp. Anh sắp sửa
lợi dụng đảng để tiến hành chính sách
thoả hiệp giai cấp trong khuôn khổ nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong
nhiều năm anh sẽ dối trá, lươn lẹo, dùng mưu ma chước quỉ, anh đi từ thoả hiệp
này đến thoả hiệp khác, anh bảo vệ trước các đồng chí của chúng ta những biện
pháp phản động do cái chính phủ mà anh sắp tham gia quyết định. Sẽ không có ai
hiểu: những người cứng rắn xa rời chúng ta, những người khác đánh mất văn hoá
chính trị mà họ vừa mới hấp thụ. Chúng ta sẽ bị lây nhiễm, sẽ trở nên mềm yếu,
mất phương hướng, chúng ta sẽ trở thành bọn
cải lương và bọn dân tộc chủ nghĩa, nói tóm lại, các đảng tư sản sẽ
chẳng phải mất công để thanh toán chúng ta. Hoederer, Đảng này là đảng của anh,
anh không thể quên những gian khổ mà anh phải vượt qua để tôi rèn nó, những hy
sinh mà điều này đã phải đòi hỏi, những kỷ luật buộc phải áp đặt. Tôi van anh
đấy, đừng tự tay anh hy sinh Đảng của mình
HOEDERER
Thật là ba hoa. Nếu cậu không muốn mạo hiểm thì
đừng có mà làm chính trị.
HUGO
Tôi không muốn kiểu mạo hiểm này.
HOEDERER
Tuyệt lắm. Vậy lấy gì mà giữ chính quyền?
HUGO
Thế giành chính quyền để làm gì ?
HOEDERER
Cậu có điên không đấy? Một quân đội xã hội chủ
nghĩa sẽ chiếm đóng đất nước này và cậu sẽ để cho nó ra đi mà không có được tí
lợi lộc gì từ sự giúp đỡ của nó chăng? Tôi phải nói cho cậu biết: chúng ta vẫn
chưa đủ mạnh để một mình làm một cuộc cách mạng.
HUGO
Chúng ta không thể cướp chính quyền với cái giá
đó.
HOEDERER
Thế cậu muốn dùng đảng vào việc gì? Làm một đàn
ngựa đua chắc? Lúc nào cũng mài dao cho sáng để làm gì nếu không dùng nó để
chặt dứt điểm? Một đảng bao giờ cũng chỉ là một phương tiện. Nó chỉ có một mục
đích duy nhất: giành chính quyền.
HUGO
Nó chỉ có một mục đích duy nhất: đó là làm cho tư
tưởng của chúng ta thắng lợi, tất cả tư tưởng của chúng ta và không gì ngoài tư
tưởng ấy!
HOEDERER
Điều này đúng. Cậu, cậu là người có tư tưởng. Rồi
cậu sẽ qua cơn này thôi.
HUGO
Anh tưởng rằng chỉ mình tôi có tư tưởng? Các đồng
chí bị cảnh sát của Nhiếp chính giết, không phải họ đã chết vì tư tưởng đó sao?
Anh cho rằng chúng ta không phản bội họ, nếu chúng ta lợi dụng đảng để phục hồi
cho những kẻ đã sát hại họ?
HOEDERER
Tôi bất cần các xác chết. Họ chết cho đảng và đảng
có thể quyết định điều gì đảng muốn.Tôi làm thứ chính trị sống, vì những người sống.
HUGO
Và anh tin rằng những người sống chấp nhận những
thủ đoạn của anh?
HOEDERER
Từ từ rồi ta sẽ buộc họ nuốt cho trôi.
HUGO
Bằng cách nói dối họ?
HOEDERER
Cả bằng cách nói dối họ, đôi khi.
HUGO
Anh..anh có cái vẻ tỏ ra mình rất rất đúng, rất tự
tin. Không thể có chuyện anh chấp nhận nói dối các đồng chí.
HOEDERER
Tại sao? Chúng ta đang trong tình trạng chíến
tranh và đâu phải lúc nào cũng cần cho mọi người biết rõ mọi chuyện.
HUGO
Hoederer, tôi biết rõ hơn anh thế nào là dối trá,
ở chỗ cha tôi mọi người đều nói dối lẫn nhau, mọi người đều nói dối tôi.Tôi chỉ
thở được từ khi tôi vào Đảng. Lần đầu tiên tôi đã thấy những con người không
nói dối người khác. Mỗi người có thể tin tưởng ở tất cả và tất cả tin tưởng vào
từng người, người chiến sĩ tầm thường nhất cũng có cảm giác rằng mệnh lệnh của
các vị lãnh đạo thể hiện ý chí sâu xa của anh ta, và nếu có những trận chiến
đấu nguy hiểm, người ta hiểu rằng vì sao người ta chấp nhận cái chết. Anh
không…
HOEDERER
Nhưng cậu đang nói về cái gì?
HUGO
Về đảng của chúng ta.
HOEDERER
Về đảng của chúng ta? Nhưng trong đảng luôn luôn
có một chút dối trá. Giống như ở tất cả những nơi khác. Và cậu, Hugo, cậu có
dám tin chắc rằng không bao giờ cậu tự dối mình, rằng cậu chưa bao giờ nói dối,
rằng ngay phút này đây cậu không nói dối, hay không?
HUGO
Tôi chưa bao giờ nói dối các đồng chí. Tôi…Cuộc
đấu tranh giải phóng con người để làm gì, nếu ta khinh bỉ họ đến mức nhồi sọ
họ.
HOEDERER
Tôi sẽ nói dối khi cần và tôi không khinh bỉ ai
cả. Sự dối trá không phải là do tôi sáng tác ra, nó sinh ra trong một xã hội có
phân chia giai cấp và chúng ta đã kế thừa nó từ khi lọt lòng. Không phải cứ phủ
nhận dối trá là chúng ta bỏ được dối trá: mà bằng cách sử dụng mọi phương tiện
để thủ tiêu giai cấp.
HUGO
Không phải mọi phương tiện đều tốt.
HOEDERER
Mọi phương tiện đều tốt khi chúng hiệu quả.
HUGO
Vậy thì anh có quyền gì lên án chính sách của
Nhiếp chính? Hắn đã tuyên chiến với Liên xô vì đó là phương sách hiệu quả nhất
để bảo vệ độc lập dân tộc.
HOEDERER
Thế cậu tưởng rằng tôi lên án chính sách đó à? Hắn
đã làm một việc mà bất kỳ ai thuộc đẳng cấp hắn sẽ làm khi ở vào địa vị của
hắn. Chúng ta đấu tranh không phải chống những con người, cũng không chống một
chính sách, mà chống cái giai cấp đã sản sinh ra những con người ấy và cái
chính sách ấy.
HUGO
Và cái phương sách tốt nhất mà anh đã tìm thấy để
đấu tranh chống lại giai cấp ấy, là đề nghị nó chia sẻ chính quyền với anh?
HOEDERER
Hoàn toàn đúng. Đôi với hôm nay, nó là phương sách
tốt nhất. (Một lát) Cậu bé, cậu gữ
gìn sự trong sạch của mình ghê thật đấy. Cậu sợ làm bẩn đôi bàn tay của cậu.
Vậy thì, cứ trong sạch đi! Sự trong sạch ấy để phục vụ cho ai, và tại sao cậu
đi với chúng tôi? Trong sạch, đấy là ý tưởng của bọn thầy tu khổ hạnh. Các cậu
thì khác, những trí thức, những kẻ vô chính phủ tư sản, các cậu lấy nó làm cái
cớ để không hành động gì cả. Không làm gì hết, đứng khoanh tay, im lìm bất
động, đeo găng vào. Tôi, tôi có đôi bàn tay bẩn. Bẩn đến tận khuỷu. Tôi đã
nhúng tay vào trong cứt vào trong máu. Thế rồi sao? Cậu tưởng người ta có thể
cầm quyền mà vô tội được chăng?
HUGO
Có lẽ rồi một ngày người ta thừa nhận rằng tôi
không sợ máu.
HOEDERER
Tất nhiên: những đôi găng đỏ, đó là thanh lịch.
Nhưng những điều khác làm cho cậu sợ. Đó là cái mùi thối hoắc xông vào cái mũi
quý tộc thanh tú của cậu.
HUGO
Vậy là chúng ta đã quay trở lại đúng điểm đó: Tôi
là một thằng quý tộc, một đứa không bao giờ biết đói. Không may cho anh, tôi
không phải là người duy nhất có ý kiến này.
HOEDERER
Không phải duy nhất? Vậy là cậu đã biết một vài điều trong những
cuộc thương lượng của tôi trước khi cậu đến đây?
HUGO
Kh-không. Người ta đã nói chuyện đó công khai, ở
trong Đảng, và đa số không đồng ý, và tôi có thể cam đoan với anh họ không phải
là quý tộc.
HOEDERER
Anh bạn trẻ, ở đây có một sự hiểu lầm: tôi không
biết những ai ở trong đảng không đồng ý với chủ trương của tôi, và tôi có thể
nói với cậu rằng họ thuộc loại của tôi chứ không phải loại của cậu, và cậu sẽ
nhanh chóng nhận ra điều đó. Nếu họ không chấp nhận những cuộc thương lượng này
thì hoàn toàn đơn giản là vì họ cho rằng chưa đúng thời cơ, mà trong những hoàn
cảnh khác họ sẽ là những người đầu tiên nhập cuộc. Còn cậu, cậu cho đây là một
vấn đề nguyên tắc.
HUGO
Ai đã nói về nguyên tắc?
HOEDERER
Cậu không coi đó là một vấn đề nguyên tắc ư? Được
,vậy đây là điều sẽ thuyết phục cậu: Nếu chúng
ta phản bội đi với Nhiếp chính, hắn sẽ chấm dứt chiến tranh, binh lính ở
Illiry sẽ hiền lành đợi quân Nga đến giải giáp; nhưng nếu chúng ta bỏ đàm phán,
hắn biết rằng hắn thua cuộc và hắn sẽ hung hăng như một con chó dại, hàng trăm
nghìn người sẽ bỏ mạng. Cậu bảo sao? (một
thoáng im lặng) Hử? Cậu sẽ nói sao nào? Cậu có dám xoá sổ trăm ngàn mạng
người bằng một nét bút gạch ngang không?
HUGO, vẻ khó nhọc
Người ta không thể làm cách mạng với những đoá
hoa. Nếu bọn họ phải nằm lại…
HOEDERER
Sao?Thế nào?
HUGO
Thế nào ư? Thì cứ mặc họ!
HOEDERER
Cậu thấy chưa! Cậu thấy rõ rồi chứ! Hugo ạ, cậu
không yêu con người, cậu chỉ yêu những nguyên tắc.
HUGO
Những con người? Tại sao tôi yêu họ? Họ có yêu tôi
không?
HOEDERER
Vậy thì tại sao cậu đến với chúng tôi. Nếu người
ta không yêu con người, người ta không thể vì họ mà đấu tranh.
HUGO
Tôi vào Đảng vì sự nghiệp của Đảng là đúng đắn và
tôi sẽ ra khỏi Đảng khi nó không còn đúng đắn nữa. Còn về những con người, tôi
không quan tâm đến họ là ai, mà quan tâm đến họ có thể trở thành cái gì.
HOEDERER
Còn tôi, tôi yêu những con người vì chính bản thân
họ. Với tất cả những tội lỗi nhơ nhớp của họ. Tôi yêu tiếng nói của họ, những
bàn tay nóng ấm của họ, làn da của họ, thứ da thô tháp nhất trong mọi thứ da,
cái nhìn đầy lo lắng bồn chồn của họ, cuộc đấu tranh tuyệt vọng của họ chống
lại cái chết và chống lại nỗi sợ hãi. Đối với tôi, thêm hay bớt đi một người
trong thế giới này là điều quan trọng. Điều đó thật đáng quý. Còn cậu, tôi hiểu
cậu rất rõ, anh bạn trẻ ạ, cậu là một tay huỷ diệt. Cậu ghét những con người
bởi vì cậu ghét chính bản thân cậu, sự trong sạch của cậu giống như cái chết và
cuộc cách mạng mà cậu mơ tưởng không phải là cuộc cách mạng của chúng tôi: cậu
không muốn cải tạo thế giới, cậu chỉ muốn làm nó nổ tung.
HUGO, đứng dậy
Anh
Hoederer.
HOEDERER
Đó
không phải là lỗi của cậu: tất cả các cậu đều giống nhau tuốt. Một trí thức
không phải là một nhà cách mạng, chỉ đủ để làm một kẻ giết người.
HUGO
Một
kẻ giết người. Đúng quá.
JESSICA
Anh Hugo!
(Màn 5, cảnh 3)
Một
người ngây thơ và ảo tưởng, tin vào những nguyên lý chính trị như
những giáo lý tôn giáo cần phải trung thành đến cùng và vô điều
kiện, chẳng hạn, cần dùng bạo lực để đi đến đích mà không quan tâm
đến những mạng người, không cần biết những con người thực sự như thế
nào mà chỉ quan tâm họ sẽ trở nên như thế nào, tức là tin vào
“sứ mạng cải tạo xã hội”. Một người đầy từng trải, mưu cơ và quyền
biến với óc thực dụng và khả năng đánh giá đúng tình hình, nắm
chắc những yếu tố đưa đến thành công cho sự nghiệp của mình.
Hoerderer chấp nhận thỏa hiệp vì điều đó sẽ giúp giảm bớt thương
vong hàng chục ngàn nhân mạng, và vì bản thân đảng của ông ta không
đủ sức giành và giữ chính quyền một mình, nhưng nếu thỏa hiệp, sau
chiến tranh, đảng vẫn có chân trong chính phủ vì mục đích cuối cùng
của cách mạng là giành chính quyền. Ông ta thẳng thắn tuyên bố chính
sách của ông ta là chính sách “bàn tay bẩn”, vì không thể đeo găng mà
làm cách mạng, Hoederer là hiện thân của chủ nghĩa cơ hội, một hiện
tượng gắn liền với mọi phong trào cách mạng. Thực tiễn đã cho thấy
không có lý thuyết cách mạng nào là toàn năng và toàn chân, nghĩa
là lúc nào cũng đúng và trong hoàn cảnh nào cũng đưa đến thắng
lợi, cho nên chủ nghĩa cơ hội vẫn luôn luôn là bạn đồng hành của
cách mạng. Và sẽ đến lúc những con người trung thành nhất, kiên định
nhất áp dụng sách lược cơ hội của chính kẻ thù của họ, như Louis
và Olga, vì đó là điều không tránh khỏi.
Nhiều
nhà nghiên cứu bảo Hugo và Hoederer là chính Sartre ở những đoạn
đường tư tưởng khác nhau. Hoederer, con người từng trải, chín chắn so
với sự non nớt của Hugo. Ông ta biết con đường mình đi, công việc phải
làm, hy sinh phải chấp nhận, trong khi Hugo mơ hồ, hoang mang, lao vào hy
sinh manh động vì thôi thúc cảm tính, có niềm tin mãnh liệt trước khi biết tin vào cái gì. Hoederer có lý lẽ, lập luận của mình, còn
Hugo nói theo sách.
- LOUIS VÀ OLGA
Louis
lúc đầu chọn Hugo, sau khử Hugo coi anh là phản bội. Từ đây ta nhìn
lại lựa chọn hành động của Hugo: anh tưởng mình tự do vì được làm
theo đúng đề xuất của mình, nhưng trong việc này thật ra anh chỉ là
công cụ, không hơn.
Lúc đầu
Louis chống Hoedere, sau lại theo đúng đường lối của ông khi ông đã
chết, vì tình thế đã thay đổi. Tùy thời, cơ hội hay đây chính là
một quy luật? Cốt lõi của vấn đề: mục đích là nắm quyền, và anh ta
là người có quyền cười cuối cùng. Vấn đề cơ hội từ Hoederer –là ở
phạm vi cá nhân, với Louis và Olga cuối cùng đã mở rộng ra tất cả.
Từ thực tế cụ thể, đã mở ra nguyên lý phổ biến, tất yếu. Biết
rằng động cơ sâu xa của tất cả chỉ là quyền lực, ta sẽ thấy sự
nhất quán từ Hoederer đến Louis.
- LỰA CHỌN CUỐI CÙNG CỦA
HUGO
Cảnh duy
nhất của Màn bảy là một sự bùng nổ. Hugo đã hiểu ra tất cả: anh
đã giết Hoederer theo đúng kế hoạch của Louis và nay anh đang bị chính
Louis săn lùng để diệt, vì sợ anh nói ra sự thật. Vì hiện nay đảng
theo đường lối của Hoederer nên Hoederer phải là anh hùng, và tất cả
những gì liên quan đến cái chết của ông ta phải bị chôn vùi vĩnh
viễn. Điều trớ trêu là lúc này Olga lặp lại tất cả những lời mà
Hoederer đã nói với anh, anh nhận ra mình đã bị tất cả lừa dối, và
chỉ mình anh có quan điểm từ đầu và anh bảo vệ cho đến phút này.
Bên cạnh những mưu mô và sự quay quắt, tráo trở, còn một điểm anh
không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp: đó là dối trá và lừa lọc. Lựa
chọn cuối cùng của anh, điều làm nên chính con người anh, một con
người tự do: hy sinh cho niềm tin của mình, một cách “cổ điển”, tự
bước ra trước mũi súng của những người đồng chí.
Làm chính trị là phải "Lá mặt, lá trái", mục đích biện minh cho phương tiện. Có lẽ giới trí thức thường yêu chân lý, tôn trọng sự thật, vì thế trong cuộc cách mạng thời nào cũng thế,thường bị xem là phần tử do dự, thiếu trung kiên.
Trả lờiXóaRất cảm ơn dịch giả Hiếu Tân không ngại xông pha những đề tài gian nan, vừa tóm tắt vừa dịch các xen kịch mấu chốt thật thấu suốt, mạch lạc.