Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

GIAO THỪA THIÊN NIÊN KỶ


(Hay là Vãn bối vấn đạo ư Trang Tử) 
HIẾU TÂN
Truyện ngắn
      








 8:35pm , Dec 31, 2000.
       Anh liếc nhìn góc dưới bên phải màn hình (Date and Time). Còn ba giờ hăm bốn phút năm tư giây nữa. Cửa sổ căn phòng vẫn mở rộng, gió hồ Tây thổi vào mát rượi. Nhưng anh thấy thấm mệt. Ngả người ra lưng ghế, mắt khép hờ, anh hít vào thật sâu. Ngón tay trỏ di một nét bâng quơ trên tấm bảng con màu hổ phách đặt ngay tầm tay nghiêng ba mươi độ trên mặt bàn. Đó là một loại con chuột do anh nghĩ ra, chưa công bố. Dĩ nhiên không thể gọi nó là con chuột (mouse) chỉ vì nó có chức năng ấy; anh định gọi nó là field. Tiếng lao xao trong máy khiến anh chú ý. Anh mở to mắt nhìn màn hình. Anh dụi mắt: Một ông già cổ quái. Áo thụng xanh tơi tả, tóc râu trắng phất phơ. Zoom in. Cận cảnh: da mồi lốm đốm. Sao có thể có gương mặt già đến thế,
già như từng trải nghìn thu. Trông sờ sợ, nhưng có nét quen quen.
       Thưa ngài, xin cho biết quý danh? 
       Ta họ Trang, tên Chu, người đất Mông, thời Tề Cảnh Công.
       Anh giật nảy như có luồng điện chạy qua người. Là ông ấy ư? Làm sao có thể?
       Hình ảnh ông cụ lúc tỏ lúc nhòa như hư  như thực, phảng phảng phất phất.
       Ha ha, nhìn sắc diện anh, ta biết anh nghĩ gì.  “Có thể” và “không thể”. Nào nói đi, anh biết gì về “có thể” và “không thể”? 
       Niềm hưng phấn tột độ choáng ngợp anh trong khoảnh khắc. Một chớp lóe Côpecnich, Anhxtanh, một cảm giác  ơrêca thực sự. Ta thắng rồi! Internet là điều kỳ diệu của thế kỷ, nhưng internet chỉ là sự vượt thắng không gian tạo ra khả năng giao tiếp giữa những người cùng thời. Internet là công trình của nhiều người, còn đây là phát minh của riêng anh, kết quả của năm năm miệt mài trong bí mật tìm tòi sáng chế. Vượt thắng cả không gian và thời gian, kết nối và tiếp cận các nhân vật trong chiều sâu lịch sử. Và giờ đây anh đang được tiếp kiến Trang Chu! 
       Chà, xưng hô thưa gửi với vị này khó đây.
       Kính thưa Trang Chu tiên sinh, Thưa Phu tử, bậc đại hiền thời cổ đại, Nhà văn hóa, triết gia vĩ đại… Vãn bối xin.. 
       Thôi thôi. Ta là người già, và anh còn trẻ, cứ vậy mà xưng hô.
       Vâng, vậy thưa cụ, xin cụ cho phép. Sở dĩ như  vậy là vì cháu muốn học hỏi ở cụ đôi điều, và vì “Tiên học Lễ hậu học văn” nên...
       Hậu học ăn chứ!
       Dạ? 
       “Học ăn, học nói, học gói, học mở” Đó là trí tuệ của dân tộc anh. Anh tự thấy đã học đủ chưa?
       Dạ, cụ dạy chí phải. 
       Chẳng có cái gì là “chí phải” cả. Người ngu không phải là người không học hành gì, mà là người thấy quá nhiều cái “chí phải”. 
       Thưa cụ, cháu biết mình còn ngu. Nhưng ở thời đại bây giờ, học sinh sinh viên chúng cháu phải học quá nhiều, vâng, xin thú thực với cụ, chẳng còn thời gian để mà suy nghĩ nữa. 
       Con người không phải những cái bao. Dù là học sinh sinh viên thì vẫn là con người. Vậy phải học làm người, đừng làm những cái bao. Cái bao thì cần gì phải biết nó được nhồi gì? 
       Thưa cụ nói thế e có quá không. Tuổi trẻ  chúng cháu đứng trước một đại dương kiến thức.. 
       Một sự ví von hay. Vậy trước cái đại dương ấy, các anh định làm gì? Kiếm lấy một mái chèo, một la bàn, hay là định húp nước biển? 
       Anh khẽ cười. Ông cụ hay thật. Một trí tuệ siêu việt đến thế mà nói chuyện với anh giản dị lạ lùng. Có phần như ngây thơ  nữa.. 
       Thưa cụ, nghe nói cụ rất ghét máy móc, có phải  không ạ? 
       Anh lại định cho ta vào tròng bằng cái trí cơ  xảo của anh đây. Phải, ta rất ghét trí cơ  xảo. 
       Nhưng thưa cụ, chính cái trí cơ xảo ấy đã  đưa nhân loại đến nền văn minh ngày nay, từ máy hơi nước đến tàu vũ trụ và nay là internet và bản đồ gene. Xin lưu ý cụ là cụ đến đây không phải trên xe sáu ngựa mà trên sóng điện từ siêu thời gian – một khái niệm còn chưa có mấy ai biết. Cụ không nói là cụ ghét cả nền văn minh đấy chứ ạ? 
       Sao lại không, nếu nó là cái văn minh thuần vật chất nó chẳng nâng cao mấy tý cái phần người trong các anh. Ta ghét những gì đi ngược bản tính con người. Nền văn minh của các anh có quá nhiều tiện nghi vật chất nó khiến các anh ngày càng thích nghi với tiện nghi, càng phụ thuộc tiện nghi, mà làm mất đi sự hòa hợp với tự nhiên bên ngoài các anh và xa rời cái tự nhiên bên trong các anh. Ta biết bây giờ các anh tùy ý biến trai thành gái, và thời của ta thì không có dưỡng khi đóng chai bán cho những kẻ có tiền. Khi mấy ông trùm có quyền phá cả rừng đại ngàn, thì lụt lội trút xuống đầu dân đâu phải do trời giáng họa? Anh cứ việc tự hào là sắp có thuốc trị ung thư hay siđa gì đó, nhưng thử hỏi thời xưa làm gì có những căn bệnh quái quỷ ấy, chúng xứng danh là những căn bệnh văn minh. Ngày xưa để có sừng tê, ngọc trai cung hiến cho các ông hoàng hống hách các bà chúa đành hanh đã hao tổn biết bao mạng dân đen, bây giờ các quan tham xơi tay gấu, dái cọp, còn người nghèo bán đi một con mắt, một quả thận để có cái bỏ vào mồm. Bom nguyên tử, thuốc phát quang, vũ khí vi trùng, nền văn minh của các anh mạnh lắm, nhưng hãy đem so những phương tiện cứu người, nâng đỡ con người, với những thứ tàn diệt con người cả phần xác lẫn phần hồn, cái nào mạnh hơn? 
       Cháu vốn biết cụ là một văn nhân uyên thâm bậc nhất Trung hoa cổ, nhưng không ngờ kiến văn của cụ lại rộng rãi và cập nhật được đến vậy. Xin cụ cho một lời lý giải. 
       Ta không hiện hữu, nhưng ta còn đây, như anh thấy đó. 
           Cụ đã vượt qua cả giới hạn sinh tồn 
       Với cá nhân ta thì không, cá nhân ta chẳng là gì cả. Ta là một hạt bụi trong trời đất, ta ngao du trong cõi không đầu không cuối, không sớm không muộn. Tiêu diêu, với Đạo. Hai mươi lăm thế kỷ với một tích tắc đối với ta đâu có khác nhau nhiều. 
       Anh lẩm bẩm “Có họa là Anhxatnh mới hiểu nổi” 
           Vâng, đạo của cụ là đạo thánh nhân, người thường chúng cháu mấy ai theo nổi. 
       Không phải. Chứng cớ là ta đang nói với anh đây. Nếu không ai cần đến ta, hoặc giả không ai đến được đạo của ta, thì ta chết hẳn từ lâu rồi.
        Thưa cụ, ngày xưa cụ đã có những cuộc tranh biện sôi nổi với Khổng Mặc Dương Chu, những  nhà tư tưởng khổng lồ thời ấy. 
       Ta không tranh biện, ta chỉ nói đạo của ta, xiển dương Lão Tử. Khổng Khâu thời ấy đem giáo lý nhân nghĩa của ông ta làm thành khuôn vàng thước ngọc áp chế người đời, ta đập tan khuôn vàng thước ngọc, trả lại cho trí óc cái tự do sáng suốt, trả lại cho con người cái bản tính thuần hậu, thế thôi. Ta cho rằng nói chuyện với ta, Khổng Khâu cũng dần dần sáng ra, vì ông ta là người cầu thị. 
            Thưa cụ, làm sao thế được, khi Khổng Tử sống trước cụ cả trăm năm? 
       Là  bởi anh chưa thấu hiểu lẽ huyền nhiệm của cái có thể và không thể. Khổng Tử đâu phải chỉ là một ông già trán gồ thạo lễ bái, mà rộng rãi hơn thế nhiều. Cũng như Trang tử đâu phải chỉ là Ta. 
       Thưa cụ, cám ơn cụ đã vui lòng trò chuyện với cháu, kẻ hậu bối nông cạn này. Sắp bước sang một nghìn năm mới, Cụ có lời nào nhắn nhủ thế hệ chúng cháu không? 
       Ta biết nói gì đây. Với người hiểu ta, ta nói bằng vô ngôn, còn bây giờ các anh thích nhiều lời. Tất nhiên các anh có lối sống của các anh, cứ việc rủ nhau vào sống trong hộp, hay thưởng thức giọng của người yêu từ kim khí phát ra, tùy thích. Có điều, ta biết, chúng nhân như các anh thoát vòng lợi danh là điều bất khả. Các anh còn có thể bảo nó là động lực của phát triển gì gì.  Được thôi, nhưng hãy tìm và giữ lấy cái phần người trong anh, dù là tổng thống, tỷ phú, tiến sĩ hay kẻ ăn xin. Phải tự mình tìm lấy, không phải bắt đầu bằng những cái bao rỗng để ai muốn nhồi gì thì nhồi. Đủ rồi, ta có thể gặp anh lần khác.
       Tin cuối ngày. Tổng thống Yelsin từ chức. Tin về Y2K. /.
        




Vũng tàu, tháng 12, 2000

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét