Cái ý tưởng “đối thoại với Phật”
bị nhiều người chê là cao ngạo, bất kính. Phải vậy không? Làm gì có một ông Phật
hiển hiện trước mắt mình, để mình thưa chuyện. Vậy nên đối thoại với Phật chỉ
là mình thưa chuyện với chính mình. Nói chuyện với tâm mình, Phật tại tâm mà.
SINH LÃO BỆNH TỬ
Xuât
phát điểm của tư tưởng Phật là một chữ khổ,
nó quán xuyến toàn bộ hành trình của sinh mệnh. Rõ hơn, đây là sinh mệnh người,
vì chúng ta là người, nên quan tâm đến sinh mệnh người. Không biết các loại
chúng sinh khác (noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh..) có cảm nhận về
con đường sinh (lão bệnh) tử này không? Thêm nữa, nó là sinh mệnh của cá thể
người, của cá nhân. Bởi vì, khi sinh mệnh được ngắt ra làm bốn nhịp như thế,
Sinh/ Lão/Bệnh/Tử, thì không có một tập hợp sinh thể nào mà trong nó tất cả các
cá thể luôn cùng một nhịp. Ngay trong một cơ thể, trong từng giây phút, nhóm tế
bào này chết đi nhóm tế bào khác sinh ra, liên tục không dừng. Vậy trong cơ thể
lúc nào cũng có Sinh và có Tử, tổng hợp lại đó chính là hoạt động Sống. Cũng giống
như thế với một cộng đồng người. Khi xảy ra một đại họa, như thiên tai, dịch bệnh
hoặc chiến tranh, rất nhiều người chết trong khoảng thời gian ngắn, thì đó là tổng
số những cái chết cá nhân, nhiều người khác không chết, cộng đồng không chết. Và
nhiều người được liên tục sinh ra. Quán ta với người là một, không hai, không thể tác dụng trong trường
hợp xét, vì ta đang bệnh không thể cho rằng người khác cũng đang bệnh.
Theo
quan niệm luân hồi, thì mỗi hành trình này là một kiếp trong vòng luân hồi bất tận. Hình dung một trí tuệ đứng ngoài
vòng luân hồi, quan sát diễn biến của một sinh mệnh qua nhiều vòng luân hồi
sinh tử, thấy nó sao mà nhọc nhằn, vật vã! Hùng hục sinh ra, hùng hục lao vào đời
kiếm sống, tranh chấp, giành giật, rồi ngã bệnh, quằn quại đau đớn vật lộn với
bệnh tật, rồi già xọm teo tóp buồn tênh, cuối cùng cũng không thoát khỏi cái chết.
Sao mà thê thảm. Ước sao trong suốt cõi thời gian, chỉ cứ thong dong bước đi,
lâng lâng nhẹ nhàng thanh thoát. Không vui, không cảm thấy hạnh phúc, nhưng là
an lạc, nhất là không lo không buồn, như thế gọi là cực lạc. Cực lạc là một
khái niệm phi biện chứng. Nó phải là không vui không buồn, vì nếu có vui thì
chính là mượn khái niệm vui của cõi tabà này, mà có vui thì ắt có buồn. Không
vui không buồn, chỉ thanh thản thôi. Vậy cực lạc chỉ là một nghĩa khác của giải
thoát. Luân hồi và giải thoát là hai trạng thái của sinh mệnh (vì chưa nghe nói
một hòn đá có luân hồi, nó cứ trơ trơ ra đó đến muôn đời). Cả luân hồi và giải
thoát nếu tách riêng đều vô tận, vô thủy vô chung; luân hồi chỉ có ‘chung’ khi
nó chuyển sang giải thoát; giải thoát có ‘thủy’: bắt đầu từ khi chấm dứt luân hồi.
Điều đáng buồn trong cái quan niệm này là nó
chỉ nhìn thấy mặt đáng buồn của sinh mệnh, mặt tăm tối trong cuộc đời. Luôn nhớ
rằng có sáng thì mới có tối. Một con người bình thường, xứng đáng với danh
nghĩa làm người, phải thấy cuộc đời là đáng sống. Hãy sống trọn vẹn cuộc sống
này đi, trong từng giây phút. Hãy chấp nhận cả khổ đau, vì vượt trên khổ đau ta
tìm được niềm vui cao cả. Như thế sẽ không buồn khổ nhiều, khi đối mặt với cái
chết tất yếu sẽ đến, vì ta đã sống, sống thật sự cuộc sống của con người. Sinh
ra ở đời là một điều vinh diệu, một nhà văn đã nói, nói hộ suy nghĩ của nhiều
người[1].
Nếu không được thấy điều đó, không được rung động như thế thì cuộc sống có phần
thiếu hụt, thiệt thòi. Ca ngợi cuộc sống chính là ca ngợi con người, đó là nét
đáng yêu của chủ nghĩa nhân văn, một tư tưởng đặt con người cao hơn hết thẩy (tất
nhiên là cao hơn mọi ma quỉ thánh thần). Vậy nên một con người phải biết ơn việc
mình được sinh ra đời, biết ơn bà Mẹ của mình. Vậy nên tình Mẹ mới thiêng liêng
đến thế. Ừ thì Lão/Bệnh/Tử có thể coi là khổ. Khi sinh ra, mỗi sinh mệnh có một
lượng nào đó. Bệnh, Lão là sự khấu
trừ dần dần hay đột ngột mất đi cái lượng
ấy, khiến nó suy giảm đi. Chết là lượng
trở về không. Nhưng sao Sinh là khổ? Giáo lí nói rằng vì nó bắt đầu một
vòng mới của luân hồi, nó mở đầu một chuỗi những khổ đau của cuộc đời. Một tư
tưởng bi quan, yếm thế đến não nề. Nó không nhân văn. Suy về Lí thì nó không hợp
lí, nhưng nhà Phật khuyên ta đừng quá tin vào lí trí. Tôi không nghĩ nó là Vô
Lí, vì như thế phải chấp một ý tưởng ngược với nó là Có Lí, điều không lấy gì
làm chắc. Tôi không thoải mái với ý tưởng này, tôi gọi nó là Bất Thông.
Bệnh thì rõ ràng là khổ rồi. Nhưng
khổ đến đâu thì cũng còn tùy người. Tinh thần thể xác là không thể tách rời,
thân thể đau thì tinh thần thấy khổ. Nhưng con người không phải ai cũng giống
ai. Có những người tinh thần cứng cỏi, đau đớn thể xác không làm họ giảm phấn
chấn, áp lực của cái khổ bệnh tật lên tâm hồn họ không quá nặng nề. Có những
người tinh thần bạc nhược, chưa đau đã rên rỉ não nùng, họ chỉ muốn đắm chìm
trong cái khổ mà nhiều khi tâm trí họ khuếch đại lên. Nhà văn N. Dumbatze trong
Qui luật của muôn đời nói rằng mỗi
người trong đời nên có một trận ốm nặng. Để mà xem thế thái nhân tình. Lúc ấy,
anh bình tĩnh ngồi nhìn những thể hiện tình cảm của thiên hạ với mình, những
chân thành và xảo trá, để cảm kích hay ngẫm cười. Thật là một cái nhìn tiếu ngạo:
nhìn những người khác nhìn cái khổ của mình! Chỉ trừ bệnh nan y dẫn thẳng đến
cái chết, còn bệnh thì sẽ khỏi, và nếu bệnh là nỗi buồn thì khỏi bệnh sẽ là niềm
vui. Như vậy, khác với Lão và Tử không thể đảo ngược, Bệnh nói chung có đường
quay trở lại. Từ thời Hyppocrates và Hoa Đà đến nay, phép chữa bệnh (y khoa) đã
tiến bước khổng lồ, giúp loài người nhiều lắm. Nhiều tôn giáo cũng có phép chữa
bệnh của mình, mà nền tảng là niềm tin của bệnh nhân, dùng ám thị để nâng cao
thể trạng nhờ đó mà vượt thắng bệnh tật. Nhưng cũng có những giáo phái xui người
ta từ chối chữa bệnh, từ chối sự can thiệp của y học mà họ cho là xúc phạm thượng
đế. Cuồng tín ngu muội đến mức ấy là phản tiến bộ và phản nhân loại.
Lão là trạng thái, là giai đoạn suy tàn của sinh mệnh.
Ngày nay người ta nói và viết nhiều về niềm vui trong tuổi già, về những ưu thế
của tuổi già trong việc nâng cao chất lượng sống. Ở tuổi già, nếu sức suy nghĩ
và trí nhớ chưa bị suy kiệt, thì tri thức và kinh nghiệm, sự trải đời và trải
nghiệm suy tư tạo nên tầm cao trí tuệ của cuộc đời. Vậy bản thân cái già thì không
phải là khổ, nếu già mà được an nhàn, vẫn kết nối bạn bè và tìm được cái thú
trong suy tư và chiêm nghiệm thì còn khổ nỗi gì? Già mà cô đơn, nghèo đói, sống
trong nghịch cảnh vì con cái tranh giành xâu xé thì đúng là khổ thật, nhưng nếu
trẻ mà như vậy thì vẫn khổ như thường. Cái già chỉ khiến con người cảm thấy bất
lực hơn trước nghịch cảnh, và như vậy nó làm tăng thêm cái khổ, thế thôi. Nhưng
người ta có thể vẫn cảm thấy già mà không nhất thiết phải cảm thấy khổ: già
không đồng nhất với khổ!
Và
cuối cùng, Tử - cái Chết, chủ đề muôn thuở của thi văn và triết học. Phật coi
nó là khổ, tôi nghĩ trước hết nó là chấm dứt sự sống, một sự chuyển trạng thái
(đang sống chuyển sang từ trần, như thi sĩ Bút Tre đã nói) với người duy vật là
chuyển từ hữu sinh thành vô sinh, từ hữu cơ thành vô cơ; với phật tử là chuyển
từ thế giới tabà sang thế giới cực lạc (hi vọng thế). Trong luân hồi, chết là
chuyển kiếp, biết đâu kiếp vị lai lại chẳng tốt đẹp hơn, nhất là với người tự
thấy mình thành công trong tu đạo. Tôi chưa thấy nói vị sư nào đón nhận cái chết
vui vẻ hơn người thường. Chết, khổ cho
ai? Với người chết, hay người sống? Thấy rõ nhất, nó là nỗi khổ của những người
mà cuộc sống phụ thuộc vào người chết, rồi đến những người thân yêu thương tiếc.
Còn với người đang chết (lay dying)?
Từ
trẻ tôi đã thích cái ý này của Epicurus: cái chết không động đến ta, khi ta
đang sống thì cái chết chưa đến, sau khi ta chết rồi thì còn biết gì nữa mà buồn!
Nhưng cái khổ khi đối diện với cái chết thì có đấy, chủ yếu do người ta tham
luyến cuộc đời không muốn bỏ mà đi, và nỗi hốt hoảng hoang mang trước ý niệm về
Cái Chưa Biết. Nếu phật tử có niềm tin mãnh liệt vào Cõi Cực lạc, và họ tin rằng
họ hoàn toàn xứng đáng được đến đó, thì họ có sợ không? Tôi cho rằng vẫn sợ như
thường, cái sợ nằm trong gân trong máu của họ, cái sợ bản năng nó trùm lên suy
nghĩ cảm xúc của mỗi người trước ý nghĩ về cái chết. Vậy tóm gọn lại, cái khổ của
Sự Chết là cái khổ Sợ Chết, một thứ cảm xúc vô cùng khó chịu, có lẽ khó chịu nhất
trong cuộc đời. Tách khỏi cảm giác khó chịu ấy để mà bình thản triết lí về cái
Chết, không ai nói hay hơn Schopenhauer: Cuộc đời chỉ là một tồn tại ngắn ngủi
trong vũ trụ vô thủy vô chung, than tiếc về cái chết là than tiếc về thời gian
vô hạn mà ta không còn tồn tại sau khi chết, nhưng trước khi ta sinh, cũng có một
thời gian vô hạn như thế, sao không ai than tiếc? Như vậy nỗi khổ trước cái chết
chỉ là khổ về cái hữu hạn của cuộc đời mà người ta vừa sống, khổ vì không thể
kéo nó dài thêm. Đó là lòng tham luyến sự sống. Có những khi sự sống là đau khổ
(về vật chất và tinh thần) triền miên không lối thoát, thì cái chết là giải
thoát. Đạo Phật ‘giải thoát’ con người khỏi nỗi khổ sợ Chết, an ủi, xoa dịu nỗi
đau, bằng cách khiến con người tự mình làm mất đi lòng tham luyến sự sống của
mình, và hi vọng vào cõi Cực lạc.
Tôi
chia sẻ ý nghĩ của một người bạn, rằng nỗi khổ lớn nhất của người đã chết (nếu sau khi chết mà vẫn còn -
như miêu tả của các nhà “ngoại cảm”) là:
Sự bất lực! Vẫn thấy hết, biết hết những khổ đau của những người thân
yêu, vẫn sục sôi phẫn uất vì những điều ngang trái, nhưng hỡi ôi, có làm được
gì nữa đâu, để đau xót càng dồn thêm đau xót, uất hận càng thêm uất hận! Có lẽ
lìa bỏ Tham-Sân-Si chính là phương thuốc hiệu nghiệm của Phật để hóa giải nỗi
cay cực tận cùng này chăng, nỗi khổ đau của bất
lực và vô vọng! Có lẽ nó là nỗi khổ đau lớn nhất có thể có của kiếp người.
Những cái khổ (Sinh) – Lão – Bệnh – Tử có phải là cái khổ lớn nhất của
đời người chưa? Không, nó chỉ là cái khổ có tính ban sơ, nó gắn với loài người
và có ở tất cả mọi người, nhưng phải nhận rằng ở mỗi người nó có những mức độ
khác nhau. Người khổ nhất là người bị những ý tưởng về khổ do Lão – Bệnh – Tử
ám ảnh, dằn vặt nhiều nhất. Phật pháp nói ‘con đường thoát khổ’ chính là con đường
thoát khỏi cảnh dằn vặt này. Đối với nhiều người, trong trải nghiệm cuộc đời,
đã gặp những khổ đau còn lớn hơn những khổ đau căn bản này ngàn lần. Thất tình
của những kẻ si tình, phá sản của những kẻ kinh doanh ham hố, hay thậm chí –
tuy điều này hơi khó tin – bế tắc của người sáng tạo khoa học hay nghệ thuật,
thường đưa đến những khổ đau vượt quá sức chịu đựng của con người, bằng chứng
là họ tìm đến cái chết như một giải thoát!
NGHIỆP và NHÂN QUẢ
Có
hai đứa bé ba tuổi, gọi tên là A và B
Người
ta hỏi A
-
Tại sao cháu phải
ngoan?
-
Vì ngoan thì cháu
được mẹ cho kẹo này, cho bánh này, cho đi chơi này.
-
Tại sao cháu
không được hư?
-
Vì nếu hư cháu sẽ
bị đánh đòn, đau lắm.
Hỏi
B hai câu hỏi đó
-
Tại sao cháu phải
ngoan?
-
Vì ngoan thì cháu
vui mà mẹ cháu cũng vui. Cháu yêu mẹ cháu lắm nên cháu muốn cho mẹ cháu vui
-
Tại sao cháu
không được hư?
-
Vì hư là không tốt.
-
Tại sao?
-
Vì nếu cháu hư mẹ
cháu sẽ buồn, cháu thương mẹ cháu, cháu không muốn mẹ cháu buồn.
Bạn
là bậc cha mẹ, bạn muốn con bạn là A hay là B? Chắc không khó lựa chọn.
Hầu
như tất cả các tôn giáo đều muốn cho tín đồ của mình sống đời đạo đức, và
phương tiện để đạt điều đó đều giống nhau: thưởng và phạt. Có nghĩa là các tôn
giáo đều hình dung tín đồ của mình là đứa trẻ A. Có điều thưởng phạt trong tôn
giáo không đơn giản và không dễ thấy như những cái bánh và cái roi. Thiên đường
hay Địa ngục, Cực lạc hay Âm ty…, những hứa hẹn và đe nẹt đưa vào tâm trí người
ta những viễn tượng kinh khủng hơn nhiều.
Trong
các chùa chiền, các vị sư giảng kinh đều nói với chúng sinh như nói với đứa trẻ
A. Mặt khác, các nhà Khai Sáng đều giả định và đòi hỏi, khơi gợi và tạo dựng
trong mỗi con người một đứa trẻ B.
Tinh
hoa của Phật học nằm ở Giác Ngộ, tương đương với Khai Sáng. Phật dạy gì?
“Các người đừng bao giờ để cho ai dẫn dắt mình cả, sách vở cũng vậy, lý trí cũng vậy. Đừng tin theo những kẻ lý luận hay, biện bác giỏi, cũng đừng để cái hào nháng bên ngoài như hữu lý nó cám dỗ các người, hoặc người nói đó là bậc Thầy của mình. Chỉ khi nào các ngươi biết rằng việc gì thuận với mình (kusala) tốt với mình thì hãy nhận và theo” (Auguttara–nikaya [Tăng nhất tập], trích Nguyễn Duy Cần [Phật học tinh hoa]).
“Các người đừng bao giờ để cho ai dẫn dắt mình cả, sách vở cũng vậy, lý trí cũng vậy. Đừng tin theo những kẻ lý luận hay, biện bác giỏi, cũng đừng để cái hào nháng bên ngoài như hữu lý nó cám dỗ các người, hoặc người nói đó là bậc Thầy của mình. Chỉ khi nào các ngươi biết rằng việc gì thuận với mình (kusala) tốt với mình thì hãy nhận và theo” (Auguttara–nikaya [Tăng nhất tập], trích Nguyễn Duy Cần [Phật học tinh hoa]).
Phật nói: “Hãy kiểm tra sự đúng đắn của những lời giảng
giải của ta như các người kiểm tra sự thuần khiết của một khối vàng, bằng cách
đập nó vào đá, lấy búa rèn nó hoặc nung chảy nó. Đừng chấp nhận điều ta nói chỉ
đơn giản vì lòng kính trọng đối với ta” (J. F. Revel & Matthieu Ricard
- Đối thoại Triết học-Phật giáo).
“N’acceptez
pas mes enseignements par simple respect pour
moi, examinez-les comme on éprouve or en le frottant, en le martelant,
en le faissant fondre au creuset” (après Matthieu Ricard)
Tôi
theo những lời dạy này của Phật, và tôi tin vào tinh thần Khai Sáng của Phật.
Chính vì vậy, tôi không chịu để cho ai xem tôi như đứa trẻ A, và cả cuộc đời,
tôi cố gắng để sống và hành động như một đứa trẻ B.
Luật
Nhân-Quả không phải chỉ có trong đạo Phật, triết học của loài người từ thời cổ
đã biết đến qui luật Nhân Quả của Quyết định luận. Giữa thuyết Nhân-Quả của Phật
với qui luật Nhân Quả của Quyết định luận có hai khác biệt. Một là, Nhân Quả của
Phật chỉ nói về vận mệnh con người, Nhân Quả của Quyết định luận là qui luật phổ
quát của vũ trụ. Hai là, mối liên hệ nhân quả của Quyết định luận là có thể kiểm
chứng: (một vật nặng trong trạng thái tự do nhất định rơi xuống đất, nguyên
nhân của chuyển động “rơi” là lực hấp dẫn, phương của chuyển động nằm trên đường
thẳng nối tâm vật và tâm Trái Đất, tốc độ rơi có thể tính được), còn Nhân Quả
trong Phật đòi hỏi lòng tin tuyệt đối, không thể nghĩ bàn (kiếp này được giàu
sang, được làm quan là do kiếp trước tu nhân tích đức; kiếp này mặt mũi xinh đẹp
là do kiếp trước năng tô tượng Phật), ở đây không thể hỏi câu hỏi “tại sao”: luật
Nhân Quả bảo thế, tại Phật nói thế. Nhân quả theo QĐL đưa ta đến với khoa học,
đòi ta phải vận dụng trí tuệ của chính mình. Nhân quả ‘của Phật’ đưa ta vào tín ngưỡng, đòi ta có lòng tin vô
điều kiện vào những điều mà sư hay kinh sách nói là lời Phật dạy, mà không có
cách nào kiểm chứng có đúng là lời của Phật hay không? Tôi tin theo lời Phật dạy, rằng tôi có một trí
tuệ, nên tôi xin dựa vào trí tuệ của tôi. Và vì tôi vô cùng tôn kính Đức Phật,
tôi không dễ dàng tin vào những gì mà người ta khẳng định rằng đó là lời Phật sống
cách tôi hơn 2500 năm, nếu tôi chưa có cách gì kiểm chứng tính xác thực của những
lời khẳng định ấy.
Viết
trong những ngày nằm chờ ở Khoa Nội – Viện Tim
12-2013
[1] “Chức
vụ cao cả vẻ vang nhất của con người là được làm một con người ở trên đời, để mắt
thấy bao nhiêu điều kì diệu, để con tim được rung lên trong niềm xúc động ngọt
ngào trước cái Đẹp” - Maxim Gorki, Một
con người ra đời. Nhà thơ – bác sĩ –
thiền sinh Đỗ Hồng Ngọc có bài thơ rất hay về sự ra đời của một sinh linh: Thư gửi bé sơ sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét