Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

George Sand (1804-1876)


Chân dung George Sand năm 34 tuổi. Auguste Charpentier vẽ, 1838 
Vào thời kì tiểu thuyết lãng mạn (với Những Bí mật thành Paris của Eugène Sue và những chương đầu bản thảo Những người khốn khổ của V.Hugo) lấy cảm hứng từ những vấn đề xã hội và nhân đạo, George Sand chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các học thuyết của các nhà tư tưởng như Michel de Bourger, Lamennais, và nhất là của nhà xã hội chủ nghĩa Pierre Leroux (x. trg 328) bản thân George Sand, bắt đầu từ năm 1840 cũng chọn lối viết tiểu thuyết mơ mộng về những chủ đề sẽ củng cố sự dấn thân của bà như một nữ chiến sĩ: đoàn kết hữu ái giai cấp, sự công bằng trong phân chia đất đai, chủ nghĩa hòa bình. 
Nổi bật nhất về lựa chọn tư tưởng hệ trong những sách của bà là Bạn đồng hành Vòng quanh nước Pháp (Le compagnon de Tour de France - 1840), Người thợ xay bột ở Angibault (Le meunier d’Angibault - 1845), và cả Tội lỗi của ông Antoine (Le Péché de Monsieur Antoine- 1847). Theo lời Michel Raimond, “Giá trị của những tiểu thuyết này không phải ở những đoạn nghị luận nặng nề về vấn đề xã hội, mà ở những cảm nhận về thời đại của mình, là những bước mò mẫm ban đầu của một nền văn chương đại chúng. Những tiểu thuyết ấy nếu không thành công, cho dù được đăng nhiều kì trên báo, trong việc làm cho văn chương thấm vào dân chúng, thì cũng đã đánh dấu, thường là một cách màu mè, việc dân chúng tràn vào tiểu thuyết”.

Người thợ xay bột ở Angibault 

Ở đây George Sand kể một câu chuyện về nữ nam tước Marcelle de Blanchemont, một góa phụ Paris trẻ tuổi ngả sang tư tuởng xã hội chủ nghĩa, bằng cách từ chối cơ nghiệp riêng của mình nàng cứu giúp cô gái Rose Bricolin. Cô này là người yêu của chàng thợ xay bột nghèo Angibault, cha chàng, một nông dân keo kiệt và cố chấp, phản đối cuộc hôn nhân của hai người.

Bác ái, cộng đồng, bình đẳng

Người ta nói về một tôn giáo của tình anh em, tính cộng đồng và bình đẳng, trong đó tất cả mọi người sống hạnh phúc trong tình yêu thương nhau, và sẽ trở nên giàu có bằng cách trút bỏ của cải cho nhau. Người ta nói rằng những vị thánh vĩ đại nhất của đạo Cơ Đốc và những nhà hiền triết vĩ đại nhất thời cổ đại đã đi đến chỗ giải quyết được vấn đề này. Người ta còn nói rằng tôn giáo này đã sẵn có trong tim con người, mặc dù trong thực tế dường như mọi người đồng mưu chống lại nó, do những xung đột to lớn khủng khiếp của lợi ích cá nhân ích kỉ, làm nảy sinh ra sự cần thiết phải có thay đổi, sự chán ghét cái xấu cái ác, nhu cầu về tính chân thật và lòng yêu mến điều thiện. Tôi tin tưởng chắc chắn điều này, Rose[i] ạ. Nhưng, như tôi vừa nói với cô, tôi không quan tâm ngày nào Chúa đã định để thực hiện những ý đồ của ngài. Tôi không hiểu gì về chính trị, tôi không thấy trong đó có tia sáng lờ mờ nào đủ sinh động để phản ánh những lí tưởng của tôi, và, núp trong con thuyền Nô-ê như những con chim trong cơn đại hồng thủy, tôi chờ đợi, tôi cầu nguyện, tôi chịu đựng và tôi hi vọng, không bận tâm về những lời chế nhạo mà thế gian đổ lên đầu những người không muốn tán thành những bất công của nó, và nhởn nhơ vui chơi với những đau khổ của thời đại mà mình đang sống […]

Ôi! Thời đại của suy tàn thật khủng khiếp! Mọi người đoạn tuyệt với người thân yêu nhất của mình, và ruồng bỏ những người khác. (Chacun court à ce qui lui est le plus cher et abandonne les autres). Nhưng, Rose ơi, lại nói thêm lần nữa, chúng ta, những phụ nữ tội nghiệp còn biết làm gì khác ngoài việc khóc lóc cho tất cả những cái ấy?

Vậy đấy, những bổn phận mà gia đình đặt lên vai chúng ta mâu thuẫn với những bổn phận mà nhân loại đặt trước chúng ta. Nhưng trong khi chúng ta còn có thể làm cái gì đó cho gia đình, thì đối với nhân loại, trừ phi thật giàu có, chúng ta không thể làm được gì cả. Vì trong thời đại ngày nay, khi mà những tài sản kếch xù nhanh chóng nuốt chửng những tài sản nhỏ bé, thì cái tầm tầm bậc trung chỉ là túng bấn và bất lực mà thôi.

Đó là lí do tại sao, Marcelle vừa nói vừa lau nước mắt, tôi buộc phải sửa đổi những giấc mơ đẹp của mình bằng cách rời bỏ Paris chỉ trong hai ngày nữa. Nhưng Rose ạ, tôi còn muốn cố gắng từ bỏ những sự hưởng thụ nhỏ mọn vô ích nhờ vào những người khác. Tôi sẽ giảm thiểu những nhu cầu của mình, mua một ngôi nhà ở nông thôn, sống hết sức giản dị trong chừng mực không làm tổn hại đến sức khỏe của mình (vì tôi còn phải sống cho Édouard[ii]) chỉnh đốn lại chút vốn nhỏ để đến một ngày nào đó sẽ trao lại cho nó, sau khi đã chỉ cho nó cách dùng mà Chúa đã mặc khải cho chúng ta thấy sao cho ích lợi và thành kính vào thời gian ấy (apres lui avoir indiqué l’usage que Dieu nous aura révélé utile et pieux dans ce temps-là) và trong khi chờ đợi, dành phần nhỏ nhất có thể trong thu nhập của tôi cho những nhu cầu của cuộc sống và cho việc giáo dục tốt con trai tôi, để lúc nào cũng có cái gì đó giúp cho những người nghèo khổ đến gõ cửa nhà tôi. Tôi tin rằng đó là tất cả những gì mà tôi có thể làm được, nếu nó không sớm tạo thành một hội thánh thật sự, (s’il ne se forme pas une association vraiment sainte) một loại giáo hội mới, ở đó một số tín đồ hào hứng kêu gọi những người anh em của mình đến và làm cho họ sống chung dưới những luật lệ của một tôn giáo và một đạo đức đáp ứng được những nhu cầu cao quí của linh hồn và những luật lệ của sự bình đẳng chân chính.

Cái đầm ma (1846)

Trong những tiểu thuyết xã hội của George Sand, cái mà người ta gọi là những tiểu thuyết đồng quê: Cái đầm ma (La mare diable, 1846), Cô bé Fadette (La Petite Fadette, 1849), Françoise cậu bé bị bỏ hoang ngoài đồng ( Françoise le Champi, 1850) Các ông thày dạy kèn (Les Maitre sonneurs, 1853) không có sự gián đoạn tư tưởng hệ. Nếu hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa tỏ ra rời rạc, thiếu mạch lạc, thì những băn khoăn nhân đạo chủ nghĩa vẫn hiện diện trong những chuyện kể quê mùa thấm đẫm không khí nông thôn vùng Bari rất thân thiết với “quí bà tốt bụng ở Nohant”

Đáng chú ý nhất trong những câu chuyển kể này, mà đôi khi người ta liệt vào loại “lý tưởng chủ nghĩa”, là cách viết trái ngược với lối mô tả hiện thực chủ nghĩa đang bắt đầu chiếm lĩnh ở nửa thế kỉ này. So với lối mô tả cái xã hội xấu xa, thì George Sand thích gợi lên một lí tưởng không tưởng hơn, mà bà thể hiện trong những nhân vật nói năng bằng thứ ngôn ngữ chân chất, cảm động, nhưng thể hiện sống động những tình cảm thường quá đẹp để có thể coi là “thật”. Như trong đoạn mở đầu của Cái đầm ma.

Một khúc ca đồng quê 

Một đứa bé khoảng sáu bảy tuổi, đẹp như một thiên thần, với những đôi vai được phủ, bên trên áo blu, một mảnh da cừu trông giống thánh Jean-Baptiste tí hon trong bức những tranh thời Phục hưng, bước đi trong một rãnh song song với chiếc cày và dùng chiếc gậy dài và nhẹ có gai hơi nhọn chọc vào mạng sườn những con bò. Những con vật kiêu căng rùng mình dưới bàn tay nhỏ bé của đứa trẻ, làm cho những chiếc ách và những sợi dây thừng buộc vào trán chúng kêu lên kèn kẹt, truyền vào đòn ngang những rung động mãnh liệt. Mỗi khi lưỡi cày vấp phải một rễ cây, người thợ cày lại kêu lên bằng một giọng đầy uy lực, gọi tên những con vật, nhưng để vỗ về hơn là kích động, vì những con bò, tức giận vì sự cản trở bất ngờ ấy, nhảy lồng lên, đào sâu mặt đất bằng những đôi chân to móng chẻ của chúng, và sẽ lao nghiêng đi mang theo cái cày qua đám ruộng, nếu, bằng giọng nói hay bằng roi, người thợ cày trẻ không ghìm được bốn chân trước trong khi thằng bé lái bốn chân còn lại. Thằng bé tội nghiệp cũng kêu lên bằng cái giọng muốn làm cho thật kinh khủng nhưng vẫn dịu dàng như cái mặt thiên thần của nó: tất cả những cái này đều đẹp, một cách mạnh mẽ hay duyên dáng: phong cảnh, con người, đứa bé, những con bò mộng dưới ách, và, mặc dầu cuộc vật lộn mãnh liệt trong đó đất đã bị đánh bại, vẫn có một cảm giác êm ả và yên bình sâu xa trùm lên mọi vật. Khi chướng ngại đã bị vượt qua và đôi bò đã lấy lại những bước chân đều đặn và trang trọng, thì người thợ cày vừa mới làm ra vẻ thật dữ dằn kì thực chỉ là tập luyện tính cứng rắn, ngay lập tức đã lấy lại sự thanh thản của những tâm hồn giản dị và đưa mắt hiền từ nhìn đứa con của mình một cách hài lòng, thằng bé quay lại nhìn cha mỉm cười. Rồi người bố trẻ cất giọng đàn ông trang trọng và buồn buồn ca một bài ca cổ từ ngày xưa truyền lại, không phải cho bất cứ người thợ cày nào, mà chỉ cho những người giỏi nhất trong cái nghệ thuật khích lệ và cổ vũ tính hăng hái của những chú bò cày. Bài ca này ban đầu có lẽ được coi là rất thiêng liêng và ngày xưa người ta cho rằng nó có những ảnh hưởng thần bí, mà đến nay vẫn được tiếng là có hiệu năng giữ được tính nhẫn nại của những con vật này, xoa dịu những bất bình và làm bớt đi nỗi buồn chán của công việc lâu dài đằng đẵng của chúng. Biết điều khiển để chúng vạch những đường cày thẳng tắp, làm nhẹ bớt sự khó nhọc của chúng bằng cách tùy lúc nâng lưỡi cày lên hay ấn sâu xuống đất thì chưa đủ: anh không thể là một thợ cày tuyệt vời nếu không biết hát cho bò nghe, và đó là một khoa học đòi hỏi một cái gu và những phương cách đặc biệt.


[i] Rose de Bricolin, bạn của Marcelle de Blanchemont
[ii] Con trai nhỏ của Marcelle

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét