Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

NHỮNG CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ ĐÔNG KYSÔT

HIẾU TÂN

Phần 1: Cuộc trò chuyện chưa từng có
giữa chàng hiệp sĩ Mặt buồn với một kẻ xa lạ


  Đông Kysôt (Don Quichotte / hay Đôn Kihôtê - Don Quijote) ngồi bên bờ suối vắng. Dưới ánh sao mờ. Trong rừng cây xào xạc. Thân thể kiệt quệ và rớm máu.Giáp tả tơi, giáo gãy mẻ, mũ trụ bẹp rúm. Cạnh đó, con Rôtxinăngtê run rẩy và ủ rũ.

-          Kính chào hiđangô, ngài suy nghĩ gì vậy, trong cảnh trời đêm kỳ ảo như đêm nay, một mình giữa rừng khuya tịch mịch này? Phải chăng ngài đang ôn lại những chiến công hiển hách của đời hiệp sĩ giang hồ, hay đang để tâm tưởng bay bổng theo hình bóng ý trung nhân Đuynxinê đuy Tôbôdô kiêu bạc, mà sắc đẹp có một không hai dưới gầm trời từng khiến mọi con tim biết yêu phải thổn thức  ước ao ?

-      Không một ai có quyền diễu cợt ta, diễu cợt Đông Kysôt này, kể cả anh, kẻ hậu sinh đáng mến ạ. Trang phục và phong thái của anh cho ta biết anh đến từ phương trời xa lạ, giữa ta và anh có khoảng cách nhiều thế kỉ. Cho dù ta luôn cho rằng phán xét của các thế hệ đến sau là đáng trọng,vì trí tuệ của họ đã được thời gian bồi đắp cho dày thêm bằng những khôn ngoan của nhân loại, cho dù tất cả điều đó, anh cũng không có quyền diễu cợt ta.

-     Thưa ngài, dùng chữ “diễu cợt” như thế có thoả đáng không, bởi theo tôi biết , trong suôt cuộc đời ngài, trong lời nói cũng như trong ý nghĩ, chưa bao giờ Đông Kysôt tự  cảm thấy bị diễu cợt, nếu không như thế thì đâu còn là Đông Kysôt ?

-          Nhưng chính điều này là anh nói đúng, vì từ một lúc nào đó, ta  bắt đầu ngẫm nghĩ về bản thân và nhìn kỹ các vật quanh ta, ta bỗng thấy như ta không còn hoàn toàn là Đông Kysôt nữa.

-          Vậy là khi nhìn rõ những tương quan giữa mình và thế giới, ngài bị ám ảnh bởi nỗi lo có thể bị diễu cợt, bởi cái ý ngh ĩ rằng cuộc đời lừng lẫy của  Đông Kysôt có th ể bị thiên hạ nhìn bằng ánh mắt diễu cợt,  hoặc tệ hơn nữa , có kẻ còn coi nó như một trò để cười. Nếu nỗi lo sợ đó xuất hiện trong trí Đông Kysôt, dù chỉ mơ hồ, thì từ đó Đông Kysôt không còn là nguyên khối nữa .


          Đông Kysôt trầm ngâm hồi lâu, như cân nhắc điều gì. Rồi nói :
-          Ta muốn hé với anh một đôi điều tâm sự, anh bạn trẻ ạ. Thiên hạ gọi ta là Hiệp sĩ Mặt buồn, ta thấy ta quá thành thực và nghiêm trang, thành thực trong sự nghiêm trang đến mức gần như không dễ cất tiếng cười- và nhất là không biết tự cười mình.
        Ta thấy ta quá thiệt thòi, và lấy làm buồn về điều đó.

-          Tôi hoàn toàn có thể chia sẻ cảm xúc ấy của ngài, thưa Ðông Kysôt. Con người chìm đắm trong ảo ảnh về sự vĩ đại của bản thân đến mức không còn khả năng tự cười mình, thì không chỉ đáng cười , mà còn đáng thương nữa.
Thưa Đông Kysốt đáng kính, tôi cũng phần nào hiểu được rằng không ai có quyền cười nhạo Đông Kysôt, dù cho Đông Kysôt có đôi chỗ đáng cười.

-          Không phải chỉ đôi chỗ, mà cả cuộc đời ta là một trò cười lớn, bởi vì ta đã không biết sống như người thường, như thói thường- theo cách mà mọi người đều nghĩ và chấp nhận.

-          Tuy vậy, trong con mắt chúng tôi - nhiều thế hệ đến sau- ở ngài có nhiều cái kỳ vĩ. Trước hết, từ khi rời khỏi căn gác xép bụi bặm cho đến khi được đưa trở lại đấy trong hơi thở tàn, ngài là một khách lữ hành vĩ đại.
                             
-          Đó chính là một trong những điều khinh khoái nhất của ta mà mấy ai hiểu được. Ta đánh đổi căn gác hẹp lấy núi cao đồng rộng sông dài, đổi cuộc sống quẩn quanh với những kẻ trán thấp như mụ quản gia và cô cháu gái của ta quanh năm suốt tháng đầy những lo toan tủn mủn lấy những chân trời xa lạ, những cuộc gặp gỡ với cả thế gian để được tham dự vào vô vàn cảnh ngộ kỳ thú.
             Ấy thế mà sau này có lúc ta đau xót nhận ra rằng khi ta từ chối cuộc sống mốc meo kia ra đi tìm cái gì mới lạ làm thoả mãn đôi tai đôi mắt, đôi chân hiếu động đôi tay ngứa ngáy của ta, ta đã bị coi là điên rồ đấy.

-          Thưa ngài đúng thế. Những kẻ suốt đời thoả mãn với cuộc sống tù túng mốc meo tủn mủn kia có khi nào điên. Nhưng cũng không tỉnh.
       Điều làm chúng tôi lạ lùng và thích thú nhất là: rất nhiều khi thấy ngài nằm giữa rừng sâu hay đồng không mông quạnh, đầu gối lên những tảng đá nhọn, lưng nằm trên lớp rêu ẩm ướt, có khi bụng rỗng không thân thể đau nhừ, mà hình như trong lòng vẫn rất thanh thản, sảng khoái.

-          Anh bạn Săngxô (Sancho Panza) tận tuỵ của ta, nhiều khi rất phiền lòng vì ta từ chối những bữa tiệc thịnh soạn và gối ấm nệm êm trong lâu đài của các nhà quí tộc hiếu khách, để tiếp tục dấn bước lên đường tiến về nơi vô định, hắn đã rầy rà ta không ít, cái thằng quỉ láu cá đó. Nhưng thật ra niềm vui đâu chỉ có ở dạ dày, và khi trong lòng không còn niềm khát khao mới lạ, thì du ngoạn còn lý thú gì nữa ?

-          Và với niềm khao khát ấy hoặc với cả những niềm khao khát khác nữa, thì đôi khi quán rượu cũng  là lâu đài, cô hầu phòng cũng có thể là quí phu nhân kiều diễm. Điểm thứ hai mà hậu thế ngưỡng mộ ở ngài là trí tưởng tượng siêu việt của một nghệ sĩ. Ngài đã tự mình sáng tạo ra cả một thế giới, và chỉ chịu sống trong chính cái thế giới mà mình tạo ra, mặc ai muốn nói gì thì nói. Đó là bản lĩnh của một nghệ sĩ chân chính..

-          Ta đánh cuộc với anh rằng: cả  Pablo Picasso lẫn Salvador Dali, hai người đồng hương của ta, khi cầm cây cọ đứng trước tấm toan chỉ bị dẫn dăt bởi cái bản năng mù, mê cuồng và phóng túng bên trong mà không để tâm đến chuyện thiên hạ sẽ nói sao về mình và tác phẩm. Mặc dầu cả hai đều biết rõ cái ảnh hưởng đầy ma lực của mình đến lớp người có   học, nhưng lúc vẽ, họ phải quên điều đó.

-          Thế ra ngài cũng quen cả Picasso v à Dali ?

-          Có, có quen. Chúng ta không cùng một thời gian, nhưng cùng một không gian. Điều này đặc biệt lắm. Những thành tựu huy hoàng trong nghệ thuật có thể sánh ngang những chiến tích lừng lẫy nhất,chúng cũng bất hủ như thế. Có những thiên tài rọi sáng không chỉ tới tương lai, mà cả những quãng tối trong quá khứ lịch sử.

-          Còn một người đồng hương khác của Ngài, cũng không kém nổi tiếng , Don Juan ?

-          Don Juan lại là chuyện khác. Hắn lấy mục tiêu những chiếc váy đàn bà làm chiến công. Ta phóng túng nhưng không phóng đãng.

-          Vậy Ngài có biết ở phương Đông có một người tên là Confucius [Khổng tử ], sống trước Ngài hàng chục thế kỷ, cũng nghiêm cẩn như ngài  và ...

-          Ta có nghe tên ông ta,  nhưng không thể nói chuyện gì với ông ta đựợc . Chúng tôi vẫn vĩnh viễn là những người không quen biết. Anh nhầm đấy nếu nghĩ rằng giữa ta và ông ta có nhiều điểm chung .

-          Tôi hiểu. Một người như ngài không dễ gì chịu câu thúc. Trong thâm tâm ngài có cảm thấy tự do không ?

-          Về khoản điên rồ ta không dám có ý kiến nhiều, nhưng đích thực ta là người của tự do. Con người nhìn và nghe – nhưng họ thường bị những cái nhìn-nghe thấy cầm tù. Trí tưởng tượng của họ không bung ra, mà co rúm lại. Họ không dám đi xa hơn, tới bản chất thật của mình. Đứng trước cái mà họ cảm nhận là thế lực thù địch đầy đe doạ, họ nghĩ ngay đến an nguy của bản thân, và chính ý nghĩ ấy cản trở họ, bắt họ lùi bước hoặc lẩn trốn. Ta làm ngược lại; ta luôn hành động mà không băn khoăn đến hậu quả . Cái dễ và cái khó ở ta hoàn toàn ngược với người đời. Ta can đảm ở đấy mà điên rồ cũng ở đấy.

-          Từ nhiều đời nay, hình ảnh phổ biến của Đông Kysôt là hình ảnh cuộc chiến với cối xay gió. Cái dũng khí của ngài khi chiến đấu với kẻ thù ảo là dũng khí thật; trong trận chiến ấy khi ngài bại thì kẻ chiến thắng không phải là kẻ mà ngài tưởng là kẻ thù, mà là cái thực tế phũ phàng nó buộc ngài phải tỉnh ngộ. Có khi nào ngài nghĩ tự mình đã đánh lừa mình không.

-          Không, không bao giờ! Trong ta không có sự phân thân mà sau này ta thường thấy ở người đời các anh: lương tri thì mách bảo thế này, nhưng bên ngoài laị làm ra vẻ tin tưởng thế nọ, đấy mới là tự lừa dối. Kẻ tự dối mình không bao giờ dám sống thật.

-          Chính vì thế mà Đông Kysôt mới còn là nguyên khối. Quả thật chúng tôi đã có một Đông Kysôt sống đến cùng niềm tin của mình, cả khi niềm tin ấy đưa người lạc đường vào cõi ảo. Có lẽ tình yêu với nàng Đuynxinê đuy Tôbôdô cũng không phải ngoại lệ.

-          Bây giờ ảo ảnh đã tan rồi, tình yêu cũng tan theo. Ở chỗ này ta khác chi phần lớn các anh , không yêu người con gái thực, mà yêu cái hình ảnh ta tự vẽ ra trong tâm tưởng. Bản thân đối tượng là tưởng tượng , mà tình cảm cũng là tưởng tượng nốt.


-          Một tưởng tượng mãnh liệt xiết bao.Tình yêu của ngài quá thuần khiết nên nó không thể là thật. Người đời còn dị nghị về phẩm chất đàn ông của ngài, vì trong tình yêu của ngài không có bóng dáng của những khát khao xác thịt…

-          Trong suy nghĩ thì ta là người đàn ông đich thực. Nhưng khi tình yêu là một cái gì tuyệt đối thì nó không cần đến một đối tượng thực ngoài đời. Phải chăng ta đã lẫn lộn tình yêu với những ý niệm về tình yêu ?

-          Đuynxinê đuy Tôbôdô có thể là một sáng tạo bất hủ của ngài để thoả mãn những ý niệm về tình yêu, bởi vì hình như ngài đâu có nhu cầu yêu đương trong đời thực? Và như thế trong cuộc đời Ngài chưa bao giờ chạm đến tình yêu thật sự. Cũng như tự do và công lý, ngài luôn luôn suy nghĩ và hành động  tự do chừng nào còn trong ảo tưởng, nhưng khi đụng với thực tế ngài lúng túng và vấp ngã. Ngài thực thi công lý theo cách của ngài, nhưng nó không dính dáng gì đến những diễn biến thực ngoài đời. Ngài lý giải thế nào về đều đó?

-          Quả là còn có một khoảng cách lớn, rất lớn giữa tự do, công lý mà con người cần phải có , với cái thực tại đần độn bao quanh nó. Loài người phải lấp đầy cái hố ngăn cách ấy bằng hành trình cực nhọc vĩ đại của mình.
Anh bạn Săngxô của ta gần loài người hơn ta nhiều lắm. Tuy nhiên ta cho rằng chỉ như thế thì thật là thiển cận và tẻ nhạt.

-          Thưa Đông Kysôt, người vẫn rất thực, rất người trong sự trộn lẫn cái cao cả với cái lẩn thẩn, cái hoang tưởng với bao ái ố hỉ nộ rất trần tục của con người . Khi con người vỡ mộng là lúc con người đã lớn lên một chút..

-          Với ta , tất cả đã tan tành, như anh thấy đấy. Trở về cõi thực, tỉnh khỏi cơn điên, ta chẳng còn lại chút gì ngoài niềm nhớ tiếc khôn nguôi về một cõi huy hoàng mà lẽ ra ta đã sống.

-          Ngài có biết gì về Cervantes, người khổng lồ với trí tuệ cực kỳ chói sáng vào cái thời còn khá mông muội, chính là cái thời ngài đã sống ?.

-          Anh lại thật ngây thơ khi không biết rằng, dưới một góc nhìn nào đó, Cervantes chính là Ta!



Cuộc trò chuyện làm tôi vô cùng phấn khích. Bởi vậy, tôi lại vô cùng hoang mang khi nghe anh bạn kể cho câu chuyện dưới đây:

[Mời xem tiếp phần sau: “Bà Quả phụ Don Quijote”]


Phần 2: Dulciné du Tobozo – Bà Quả phụ Don Quichotte
 




Trời sập tối rất nhanh. Người-ngựa thày- trò đều đã mệt nhoài sau một ngày dưới nắng lửa. Bỗng Săngxô Păngxa reo lên, xa xa có ánh đèn. Y phóng lừa lên trước, một lát quay lại: thưa ngài hình như một toà lâu đài. Lâu đài? Đông Kysôt hỏi khi đến khá gần. Ta thấy hình như là quán rượu.
Quán rượu ư? Sao ngài lại đùa tôi thế, ngài có nhìn thấy cái chóp nhọn cao vút kia không. Để tôi lại gần xem.
    Lát sau y quay lại: Xin mời ngài đến thử xem, có một tấm  biển đồng nhưng tôi đọc mãi không được vì tôi không biết chữ.
   Tấm biển không lớn, một ngọn đèn soi rõ các hàng chữ và cả cái gia huy phía trên vẽ ba cây thông, một ngọn giáo và một cái khiên, nhưng Đông Kysôt đứng rất lâu, đổi chân nọ sang chân kia. Vì dòng chữ ông ta đọc được ghi rõ :


Phu Nhân Dulcinéa del Toboso
Bà Quả phụ nhà Đại Hiệp sĩ danh tiếng
Don Quijote de la Mancha


  Sau khi truyền sự kinh ngạc sang chàng giám mã, Đông Kysôt nghe theo lời khuyên của chàng ta (được nói với một nụ cười cố giấu) là cứ vào thử xem, vì cũng chẳng còn cách nào khác .
Ba tiếng búa gõ lên cổng gỗ, một thằng nhóc cỡ 11,12 ra mở cửa, mặt mũi nó rất láu lỉnh, ăn mặc như thằng hề. Săngxô Păngxa tiến lên trước:
-          Chào anh bạn, nhờ anh vào báo với phu nhân có một hiệp sĩ giang hồ muốn bái kiến.
Chàng giám mã vừa nói vừa nháy mắt với chủ một cách đầy ý nghĩa.

   Phòng khách của phu nhân – nếu  có thể gọi thế – không rộng và bài trí buồn cười. Tiêu điểm của căn phòng, chắc phải là chủ nhân của nó, là một người đàn bà mặt bự phấn phục sức diêm dúa. Đông Kysốt đứng như tượng, đầu óc chàng đóng băng. Người đàn bà có vóc dáng một gã đấu bò đã về vườn, thân hình của một cô đào từng bốc lửa vài chục năm về trước, cặp mắt của con bạc đã sát phạt suốt đêm đen đỏ và đôi bàn tay, đôi bàn tay này có lẽ thích hợp cầm roi hơn là cầm mùi xoa. Nỗi phân vân của chàng không biết sẽ kéo dài bao lâu nếu không có một tiếng rú vút lên làm chàng sởn tóc gáy, một hiệu quả ngược với ý của chủ nhân muốn biểu lộ niềm hoan lạc dị thường man dại
-          Ôi , chúa ơi, ta có nằm mơ không đây ? – “phu nhân” rên rỉ – đây chẳng phải là chàng sao? chàng đấy ư  Sao chàng không lên tiếng. Lẽ nào …
   Phu nhân uốn lượn thân mình quằn quại, một tay đặt lên ngực, tay kia giơ ra, bước nhào về phía  trước ba bước, khựng lại trong tư thế vừa muốn nhao lên vừa muốn sụp xuống. Cử chỉ của bà ta có  nét điêu luyện mà các tài danh cải lương phải ao ước. Một giọng khàn khàn não nuột nức nở kể lể những nỗi nhớ mong vô bờ bến, trách móc đấng phu quân sao khéo hững hờ sớm quên lời thề thốt keo sơn năm nào trong khi em vẫn một lòng vò võ khép cánh cửa phòng xuân để tâm hồn bay bổng theo cánh chim hồng đi muôn nơi và chỉ bừng sáng mỗi khi nghe được tiếng vang của những chiến công hiển hách của chàng, chàng hiệp sĩ vĩ đại của mọi thời đại và của lòng em.

  Đông Kysôt lúc đó cư xử như thế nào? thật không thể nào kém lịch lãm hơn đối với một trang phong lưu như chàng. Lẽ ra phải bước đến đỡ lấy bàn tay đang giơ ra mà hôn, trong tư thế quì một chân, một tay đặt trên phía trái tim và đầu cúi xuống, thì chàng cứ đứng trơ ra đấy mồm lầm bầm: “Xin quí phu nhân thứ lỗi, bà có phải là … ?”
  Quí phu nhân thét lên một tiếng ngất lịm đi. Lại đến giám mã Săngxô thét vào mặt chàng kỵ sĩ : “Ngài làm sao thế ? bao nhiêu mĩ nữ gặp trên đường thổ lộ tình yêu với ngài đều bị ngài gạt phắt chỉ vì lòng trung thành với quí phu nhân đây, riêng tôi tự chịu đòn roi nát đít để đến bây giờ thấy ngài tỏ ra thiếu lịch sự đến mức phũ phàng với phu nhân kiều diễm của ngài như thế này sao?” Đông Kysôt cố kìm bớt nhiệt tình của chàng giám mã bằng cách ghé tai hỏi khẽ: “Săngxô, có thật ngươi nghĩ đây chính là nàng Đuynxinê kiều diễm của ta không, hay là lại một trò chơi khăm của lũ pháp sư đểu cáng?” Săngxô gãi tai: “Cái này thì ngài phải tự hiểu lấy”. “Ta băn khoăn quá đỗi: cái tên Đuynxinê là do ta tự nghĩ ra, sao lại có sự trùng hợp lạ lùng thế này?” “Trời ơi, ngài đi khắp giang hồ, có biết bao điều  kỳ lạ từ ngàì mà ra và đến với ngài, mà còn phải ngạc nhiên thì kẻ ngu đần như tôi còn biết thế nào?”

   Bỗng từ phía phu nhân vọng tới tiếng nức nở ai oán: Trời cao đất dày ơi, đến nước này thì ta chỉ còn một chết mà thôi. Gia nhân đâu, đưa cho ta sợi dây thừng, mau dẫn ta ra chỗ  giếng nước thật  sâu, ta còn sống làm gì nữa một khi đấng phu quân hào kiệt đã chối bỏ ta, ta còn mặt mũi nào sống ở trên đời , thuốc độc đâu, dao đâu? lũ gia nhân lười biếng chết tiệt này…
  Quá xúc động, giám mã Săng xô nước mắt nước mũi dầm dề đẩy vào lưng chủ: ngài làm cái gì đi chứ. Mau ra tạ lỗi đi, cứu vãn tình hình đi.
   “Thưa công nương bà có thể vui lòng cho tôi biết..Vì rằng, tôi còn đang sống đây và chưa hề sang thế giới bên kia và.. và .. theo tôi biết, hình như .. có lẽ.. chúng ta chưa làm lễ thành thân ..” Đông Kysôt chưa bao giờ nói năng lúng búng đến vậy, trong khi phu nhân tươi tỉnh khoát hoạt hẳn lên.
À cuối cùng thì chàng cũng đã lên tiếng. Xin chàng hãy ngồi xuống đây, bình tĩnh dùng trà để em có đủ thời gian thưa chàng mọi chuyện giải toả mọi nỗi ngờ vực nơi chàng.

Cha em là một lãnh chúa nổi tiếng hiển hách ở vùng đất Tôbôzô tuơi đẹp, ông có đến 9 vạn bò cừu. Thời nhỏ em sống trong nhung lụa. Năm em 9 tuổi có một pháp sư đoán cho em một số phận kỳ lạ, định mệnh đã gắn em với một trang hiệp sĩ oai hùng nhất trong giới hiệp sĩ, tình yêu của em sẽ bảo trợ cho mọi chiến công của chàng. Từ đó em nằm liệt giường vì sầu não nhớ mong,  ròng rã suôt 9 năm trời không cách gì giải thoát cho đến khi một mục sư ở Tôbôzô nhận làm phép cưới cho em với Hiệp sĩ Mặt Buồn, chàng không biết điều này vì đám cưới vắng chú rể, nhưng lễ vật thì  nhiều vô kể, đó  là những chiến công vang lừng cuả chàng mà các kị sĩ tới tấp mang về từ mọi phương trời. Thế là từ đó em khép cửa phòng khuê quyết chờ đến ngày gặp được chàng. Chàng có biết được lòng em đau đớn nhường nào khi, năm ngoái em bỗng nghe tin chàng bị mạng vong dưới ngọn giáo của Hiệp sĩ Vầng trăng bạc….
  Các sắc thái trên nét mặt chàng kỵ sĩ phiêu du biến đổi liên hồi, chàng bước đến đỡ bàn tay người đẹp đưa lên môi với tiếng lầm bầm sau chòm râu không ai hiểu là gì.
  Chỉ có thằng lỏi con đứng nấp sau váy bà chủ lanh tai nghe được mấy từ này mà nó cũng không hiểu nốt :
  • Ôi! sự thật, chào mi !

ĐÀO THOÁT
  • “Hô hô! Đông Kysôt mà lại cưới vợ! Đây quả là chuyện phiêu lưu kỳ lạ nhất mà tôi đã từng nghe”.
Một người  trẻ tuổi cười nói bô bô.
Họ 3 người trong một quán rượu: cậu Tú, bác Phó Cạo, và một người mắt sâu trán cao râu thưa cằm nhọn: chính là Chàng!  Người trẻ vừa nói là cậu Tú.
Gương mặt chàng lúc này càng trở nên xa vắng
Làm gì có chuyện cưới xin. Nhảm nhí. Dung tục. Họ làm điều đó lúc vắng ta. Ta đâu được hỏi ý kiến.  Đông Kysôt cãi thầm trong bụng.
 -     Bác Đông Kysôt ạ, bác Phó ân cần nói. Ở làng, người ta đồn đại đủ chuyện trái ngược về cuộc hôn nhân này, về tình cảnh của bác…
  Tin đồn là cái quái gì. Chính ta cũng chẳng hiểu nổi ta nữa là. Ý nghĩ cứ hiện trong đầu Chàng  như hồi âm cho những lời hai người bạn nói ra.
-           …Cha xứ già yếu rồi, cụ muốn chúng tôi đến tận nơi xem thực hư thế nào, và ý bác ra sao. Nếu quả là bác đã tìm được bến neo tâm hồn lãng du , một tổ ấm sau bao nhiêu bão táp, chúng tôi chỉ còn biết chúc cho bác mọi sự tốt lành.
Đông Kysốt ngồi lặng. Một tiếng thở dài rất sâu về quá khứ. Than ôi thời oanh liệt nay còn đâu !

  Đã mất hết kiên nhẫn sau bao cố gắng khiến người đối thoại mở miệng, hai người bạn đồng hương đành chấp nhận tiếp tục cuộc chuyện trò bằng cách đọc- hiểu cái ngôn ngữ không lời trên gương mặt không lấy gì làm tươi tỉnh của nhân vật chính.
Cậu Tú hạ  giọng nói vừa đủ nghe :
-          Tôi xin được vào việc ngay một cách nghiêm túc, thời gian không có nhiều. Ba ngày nay chúng  tôi đã có dịp kiểm chứng những gì mà tôi suy đoán từ trước. Thưa Đông Kysôt, ngài đang ở trong tay một nữ quái cực kỳ hiểm độc. Bổn phận của chúng tôi là đánh tháo – để đưa ngài trở về cuộc sống bình thường. Khó khăn lắm mới mời được ngài ra đây mà không ai biết.
Gương mặt Đông Kysôt thoáng có nét thảng thốt, nhưng trấn tĩnh nhanh.
  Buổi sáng hôm ấy, khi thức dậy sau một đêm nhọc nhằn mộng mị, ta tưởng mình vẫn còn mơ! Cái nhan sắc, dưới  ánh nến chập chờn tối hôm trước, dù có hơi quái dị, nhưng cũng vẫn là nhan sắc, lúc này đã biến đổi kinh hoàng . Một thoáng rợn lạnh chạy suốt xương sống ta. Và từ phút ấy, câu hỏi cứ bám riết đầu óc ta không lúc nào nguôi: đây có thật  là ..   nàng ?
-          Thưa bác phó – cậu Tú quay sang bác Phó Cạo: Không phải là tôi đọc trong sách, mà chính  tôi đã thu thập được từ người dân quanh đây: Ngài hiệp sĩ lừng danh của chúng ta đã bị ngược đãi, bị hành hạ vô cùng tàn tệ..
-           Thế kia ư? Thật không thể nào tưởng tượng nổi.
Lòng tự trọng của ta không cho phép ta nói lên điều đó, nhưng dù sao phải công nhận nó là sự thực. Nét ngậm ngùi trên mặt chàng cựu kỹ sĩ lập tức được các bạn thấu hiểu và thông  cảm
-           Thậm chí, ngàì còn thường xuyên bị đánh đập dã man…
-           Có lẽ nào ?.. Bác phó cạo ngẩn ngơ.
Cũng may mà ta mình đồng da sắt đã được tôi rèn qua bao chiến trận, chứ da thịt thư sinh như   chú em thì ..
-          .. tàn tệ đến nối người dân bất bình không chịu nổi đã kiện lên quan sở tại. Hồ sơ mà tôi được đọc sáng nay còn ghi rõ.
-           Thế kết quả toà xử ra sao ?
-            Không có xét xử . Ngài đây bãi nại !
Hai người bạn đồng hương im lặng nhìn chàng.
  Một hành vi cần thiết của đấng trượng phu. Có lẽ nào ta  theo kiện một người phái yếu, cần đến cánh tay cường tráng này che chở. Đâu là danh dự Hiệp sĩ của ta? Ta chỉ có thể trông cậy vào  lương tâm ta là toà án  tối cao. Phải công nhận rằng nàng cũng hơi nặng tay. Những vết bầm dập không dấu được người ngoài. Nhưng đau đớn cũng chưa bằng  nhục nhã. Ôi, con người hiền dịu nhất trong những người hiền dịu mà chỉ ánh mắt nụ cười hiện ra trong tâm tưởng của ta đã nâng ta lên qua muôn ngàn gian lao khổ ải, thế mà giờ đây con người ấy bằng xương bằng thịt có lúc lồng lên như sư tử sổng chuồng, trút lên đầu ta dòng thác lũ những lời chửi rủa bẩn thỉu đến lợn cái cũng phải đỏ mặt. Bằng ánh mắt khoan dung, đã bao lần ta thầm van nàng hãy trở về bản tính tuyệt vời của mình đi, hãy lấy lại dáng vẻ đoan trang như trong mộng đẹp của Ta thủơ nào..
Cậu Tú đi vào kế hoạch chi tiết. Phải ra đi ngay khi trời vừa tối. Họ đã mua thêm một con ngựa   tốt. Không có lý do gì để chàng luyến tiếc một cuộc sống vừa bất công vừa giả dối, bởi vậy cũng chẳng cần lý luận dài dòng. Chỉ sáng hôm sau là về đến quê hương yêu dấu.
   Bác phó cạo sôi nổi hẳn lên. Chắc chắn về đến nơi, chàng sẽ lấy lại niềm vui sống và khả năng giao tiếp với đời. Những đồng cỏ mênh mang, làn không khí trong lành mát dịu, những đàn bò  cừu hiền lành gặm cỏ, cả những cánh quạt cối xay gió quay êm ả thanh bình, ôi tươi đẹp biết bao cuộc sống của con người.
Ba người cưỡi ngựa nối nhau lặng lẽ đi trong đ êm vắng. Lặng lẽ, vì Đông Kysôt đi giữa.
Họ đã quá tin vào kế hoạch chu đáo của mình. Vì chỉ nhãng đi một chút, hai người nhìn kỹ thì không thấy chàng đâu.
-          “Thôi, chúng ta chẳng nên tìm kiếm làm gì, cứ để đó cho. ..”  Cuối cùng, bác Phó Cạo trầm ngâm.
-          “…Ông ta tự tìm kiếm mình.”  Cậu Tú đỡ lời. “Bác có thấy chúng ta đã lao vào cối xay gió khi muốn giải thoát cho ông ta không?”
-          “Quả thật ta đã vô duyên đi làm cái việc vô công rồi nghề ấy. Giải thoát sao được khi ông ta còn không biết tự thoát khỏi bản thân mình.”
____________



Hiếu Tân -2005  (nhân 400 năm Don Quijote ra đời)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét