CHÍNH TRỊ VÀ TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC
1. Kiểm duyệt của Nhà nước
Điều XI Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền nói rõ: Quyền tự do công bố tư tưởng và ý kiến là một trong những quyền quý nhất của con người: vì vậy mọi công dân đều có thể phát biểu, viết, in ấn một cách tự do, với điều kiện phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng quyền tự do ấy, trong những trường hợp do luật pháp qui định.
Cách mạng Pháp tôn trọng quyền tự do ấy cho đến tháng Tám năm 1792. Sau đó tình hình xấu đi dẫn đến việc đặt ra luật tội phạm báo chí vào tháng 3-1793, một chiếc mặt nạ mới của nền kiểm duyệt vĩnh viễn.
Nước Pháp, dưới thời Jacobins và sau đó dưới thời Napoleon, nhà nước không thích tự do tư tưởng và ghét cay ghét đắng những đầu óc độc lập. Một sự trớ trêu của lịch sử: chính trong sự đối lập với hai chế độ này đã xuất hiện những ngòi bút mạnh mẽ nhất.
Văn học của giới lưu vong: hay hơn nhiều so với văn học cách mạng. Văn hào Chateaubriand soạn Luận về các cuộc cách mạng trong cảnh lưu vong, nhà văn Senancour bị đày sang Thụy sĩ để ở đó mà mơ về Oberman .. có thể kể thêm các văn nhân như Joseph và Xavier de Maistre, Dampmartin, Bà Flahaut và Senac de Meilhan.
Văn học đế chế, sau nhiều biến cố, có lẽ không cần đến những đóng góp của Chateaubriand và Bà de Stael. Năm 1805 Fouché tái tổ chức Sở Báo chí. Năm 1810, Tổng Nha In và Xuất bản được thành lập để đưa đời sống văn chương vào qui củ. Nền kiểm duyệt của đế chế đã giết đi một phần lớn báo chí Pháp, và nó năng nổ đến mức thải loại cả những vần thơ, những vở bi kịch của Corneille! Các nhà tư tưởng bị truy bức. Chỉ còn lại vài kẻ xu phụ như Bonard, Fontanes, Dellile.
2. Cách tân trong tư tưởng Pháp
Những năm hỗn loạn rối ren ấy cũng là thời gian đổi mới ngoạn mục của tư tưởng Pháp. Sự sùng bái đối với Rousseau đã không ngừng tạo hứng khởi cho cả thời kì này. Mably, Raynal, Sébastien Mercier đã làm giàu truyền thống tư tưởng Rousseau cho đến đầu thế kỉ 20 bằng những tác phẩm triết học và văn chương của mình, tôn vinh sự khoan dung, bình đẳng, tự do và đoàn kết. Nhưng không phải những Saint Just, Hérault de Séchelles và Robespierre đã giữ lại bóng dáng thiên thần của Rousseau. Họ đã rút ra từ Khế ước Xã hội luận cứ để xây dựng một học thuyết quá khích. Saint Just viết: “Trong tình yêu thiêng liêng đối với tổ quốc có một cái gì đó thật kinh khủng. Nó độc đoán đến nỗi nó hi sinh hết thảy vì lợi ích công cộng, không thương xót, không ghê sợ, không tôn trọng con người”.
Đi xa hơn tư tưởng của Rousseau và những người kế tục ông, trong cùng thời kì này xuất hiện hai kiểu mẫu tư tưởng sau này có ảnh hưởng rất to lớn: chủ nghĩa xã hội và thuyết không tưởng.
Sylvain Maréchal và Gracchus Babeuf là hai lí thuyết gia đầu tiên của một học thuyết xã hội chủ nghĩa có bài bản. Năm 1817 Maréchal xuất bản Bộ luật của một xã hội những người không tin Chúa. Cùng năm đó Babeuf, linh hồn của “Âm mưu của những kẻ ngang tàng” chống lại nền Đốc chính, phải lên đoạn đầu đài.
Những nhà tư tưởng này là những nhà phân tích hơn là những kẻ chiến đấu. Họ muốn xác định những điều kiện thực tế cho việc hoàn thiện tinh thần con người: Condorcet biện hộ cho giáo dục, Destutt de Tracy quan tâm đến ngôn ngữ học, tâm lí học và logic của các khoa học. Cabanis và Bichat quan tâm đến y học và sinh lí học. Họ xây dựng nên một công trình tri thức đồ sộ, làm thành một gạch nối thật sự giữa các nhà Khai sáng của thế kỉ XVIII và các nhà triết học của thế kỉ XIX.
Đôi khi người ta trách các nhà tư tưởng về sự quay ngoắt của họ trong chính trị và triết học. Volney từng cố vấn cho Bonaparte rồi xa rời ông ta, Maine de Birane sau khi theo chủ nghĩa duy vật của Cabanis, lại khám phá ra linh hồn ông ta cùng Đức Chúa. Hành trình tư tưởng của họ phản ánh nỗi băn khoăn của thời đại, dao động giữa hai khuynh hướng tư tưởng chủ yếu nhanh chóng tự biểu lộ và tự nhận dạng: chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa thực chứng.
3. Những kẻ thần bí và cuồng tưởng
Trong thời kì cách mạng, Giáo hội lâm vào cảnh khó khăn. Bonaparte, nhờ cuốn Tinh thần của Đạo Cơ đốc của Chateaubriand, muốn hòa giải với tôn giáo bằng cách lập Thỏa ước (Concordat) vào năm 1801.
Cuốn Tinh thần ..có tiếng tăm lừng lẫy. Cách ông pha trộn cảm giác và tưởng tượng đáp ứng sự mong đợi của một thời đại bị tổn thương về tình cảm. Tuy nhiên nó vấp phải những kẻ biện hộ cho truyền thống, những người duy lí, những kẻ không tưởng và những kẻ sùng tín mới (đặc biệt là những kẻ cuồng tưởng).
Vấn đề đức tin bỗng sôi động trở lại vì sự kiện kép này - Tinh thần của Đạo Cơ đốc và Concordat ; nó đặt toàn bộ sức mạnh của nó lên buổi bình minh của thế kỉ XIX.
Chính trị và đức tin tôn giáo cùng tự vệ dưới ngọn cờ chung của phe “phản động” của Bonald và Maistre. Là những kẻ thù không đội trời chung của các nhà triết học Khai sáng, họ làm thành những tín sứ tuyên cáo sự trở lại của Chúa Trời (Providence).
Bên lề Thiên Chúa giáo, các môn phái Tân triết gia và Tân thần bí tiếp tục phát triển. Phương Đông và Ai Cập trở thành thời thượng. Biểu tượng tôn giáo của những tín ngưỡng cổ (trước tiên là Isis và Osiris) nuôi dưỡng một trào lưu thần bí mới; người ta mê mẩn với sức hấp dẫn tự nhiên của Mesmer, mộng du của Puységur. Louis-Claude Saint-Martin, tức “triết gia lạ mặt”, có một tư duy mạch lạc và tổng hợp. Chủ nghĩa duy tâm của ông báo hiệu một chủ nghĩa tượng trưng dưới hình thức tôn giáo và thẩm mĩ – thuyết Liên ứng sau này sẽ phát sinh từ chính Saint-Martin. Nhưng những người theo thuyết thần bí nói chung và thuyết Saint-Martin nói riêng đã vượt qua giới hạn hẹp hòi của một môn phái: Bà de Stael, Joseph de Maistre, Senancour không ngừng trò chuyện với ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét