Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Tôi chưa bao giờ gặp Khổng Tử

HIẾU TÂN

Bạn sẽ cười khi nghe tôi nói câu này; thì đã có ai gặp đâu, người sống cách chúng ta 25 thế kỷ. Nhưng có một sự thật là Khổng Tử vẫn sống, tuy chỉ mờ mờ bàng bạc trong dân gian. Với tôi điều này là quan trọng nhất: tôi chưa bao giờ muốn gặp ngài.


Trong đời mình, tôi đã gặp và muốn gặp nhiều hơn nữa, rất nhiều người. Những người đã đi qua lịch sử nhân loại. Socrates, Plato, Epicure, đến Shakespeare, Dickens, Spinoza; Pascal, Immanuel Kant, Rabelais Voltaire, Moliere, Hugo, Balzac đến Mark Twain, Cervantes, Lý Bạch, Tô Đông Pha, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Einstein, Pushkine, Tchekhov, Dostoiesky, Pasternack rồi Mikenlangelo, Rafael, Da Vinci, Mozart, Beethoven, Debussy.. Còn nữa, nhiều lắm và nhiều lắm. Với những người ấy, tôi đã gặp, đã yêu thích và say mê, và cũng nhận rằng, có những chỗ tôi không thích hay chưa thích. Những người ấy kích thich ở tôi hứng thú hiểu biết và khêu gợi sáng tạo.

Khổng Tử, với tôi, không có gì như thế cả.

Tôi thấy Khổng Tử có ba nhân cách:

Một người thày, học giả.

Một ông quan.

Một vị thánh.

Tôi đã thấy những hình ảnh các trai thanh gái lịch Hà Nội, ít hay nhiều cũng được biết về thuyết tương đối và bản đồ gene, trước các kỳ thi đại học, chen chúc nhau trong Văn Miếu để dâng hương cầu ngài phù hộ cho thi đỗ. Tôi muốn dùng bức snap-shot này làm một điểm nhấn đánh dấu trình độ văn minh của dân ta lúc này, gửi cho ai đó sau này muốn viết lịch sử văn minh Việt.

Hình ảnh này khiến tôi nhớ đến một chuyện. Năm 1994 tôi có dịp sang Anh, đến London. Trong đoàn tôi có hai đảng viên, họ rủ tôi đi thăm mộ Karl Marx. Tôi biết hai anh chưa bao giờ đọc một chữ nào của Marx cả. Còn tôi, tôi đã đọc khá nhiều, thậm chí còn tự tay dịch lại Luận cương về Feuerbach nữa, (dịch để chơi) dù người ta đã dịch rồi. (Thời trẻ tôi cũng đặt Marx trong số các vị kia. Tôi không chú ý lắm đến tư tưởng, nhưng tôi rất thích văn phong của Marx). Tôi từ chối không đi nhưng hứa tìm hộ đường. Tôi nói với Nick de Sarrandy bạn tôi, trong đoàn tôi có hai người cộng sản, họ muốn đến thăm mộ vị lãnh đạo của giai cấp vô sản thế giới. Nick cười, tận tình hỏi giúp. Hai ông bạn tôi cuối cùng cũng tìm được đến nghĩa trang Highgate, đứng trước nấm mộ có tấm bia ghi bằng tiếng Anh “The philosophers have only interpreted the world, in various ways; the point is to change it” (Các nhà triết học từ trước đến giờ chỉ lo giải thích thế giới bằng mọi cách khác nhau, nhưng vấn đề là cải tạo nó). Hai anh bạn cho tôi xem những tấm ảnh đang cúi lạy trước nhà lãnh tụ vĩ đại, lại tiếc rằng ở đó họ chỉ bán hoa, không có hương (nhang). Một anh nói, “Thôi, bây giờ cả thế giới chỉ còn nước mình với mấy nước khác, nay mình cầu để Cụ phù hộ cho…may ra..” Tôi cho rằng tôi (lúc đó) yêu Marx hơn hai ông bạn tôi nhiều lắm, ít ra là yêu văn của ông ta, nhưng tôi không cúi lạy. Tôi chưa, và không bao giờ coi Marx là thánh.

Nếu tôi nói tôi không coi Khổng là thánh, thì tôi sẽ bị rất nhiều người già (không kể tuổi) trong nước tôi bây giờ mắng cho là ngỗ nghịch.

Ai cũng biết rằng Trung Hoa, nơi sinh Khổng Tử, có một chế độ phong kiến quân quyền dài nhất trong lịch sử loài người (người ta còn sợ không biết nó còn dài đến bao giờ). Không ai phủ nhận rằng công lao ấy phần lớn ở họ Khổng. Người ta bảo Khổng Tử không phải nhà nho, nhưng tôi thấy ông là nhà Nho tiêu biểu nhất. Ít ra nhà Tây Hán (Đổng Trọng Thư và Hán Vũ Đế) đã biết rút ra từ học thuyết của ông những gì làm nền móng cho sự trường tồn của các triều đại. Và họ tôn ông lên làm thánh.

Không ai phủ nhận rằng Khổng là một nhà học giả lớn. Dù ông có trước tác hay không, ông đã mó tay vào san định rất nhiều kinh sách. Phùng Hữu Lan thì bảo rằng “Khổng Tử không phải là người chỉ thuật lại; khi thuật lại, ông đã sáng tạo điều gì mới.”[1] Trần Trọng Kim thì bảo rằng “Chủ ý của Ngài là muốn phát huy cái đạo của thánh hiền đời trước ra và đem mà dạy người, chứ không phải là tạo tác ra cái đạo mới. Ngài nói rằng ‘Thụât nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ..’ thuật lại cái đạo của thánh hiền mà tự mình không tạo tác ra cái gì, tin mà thích đạo đời xưa..”[2]. Theo tôi, dù tạo ra cái gì mới hay không, tinh thần của Khổng giáo là tinh thần không-sáng-tạo; tinh thần nệ cổ bao trùm lên toàn bộ học thuật của ông. HIẾU CỔ, đó chính là Khổng Tử. Phải nhận rằng ông đã thâu tóm, đã giữ lại được những tinh hoa của nền văn hoá Trung Hoa từ nhà Chu trở về trước, những phong tục, những luân lý và lễ giáo của nó. Nhưng cái đạo lý của ông mà các triều đại hoan hỉ lấy làm vũ khí và thành quách của chúng, thì chỉ làm vĩnh cửu hoá nền thống trị kiểu phong kiến và thân phận bầy tôi (của quan lại) và thân phận thần dân (của dân đen), không có gì hơn.

Khi đọc sách Đại học (do đệ tử của Khổng làm ra) tôi thấy nghĩa lý của nó rất sáng, rất khúc chiết; tôi không quan tâm đến nội dung trị quốc bình thiên hạ, chỉ thích thú thấy nó có cái logic riêng của nó. Tôi hiểu cái mong muốn của tác giả mang một trật tự vào cõi hỗn mang không có trật tự, nó có tác dụng khi xã hội vừa ra khỏi hỗn mang. Mỗi xã hội đạt đến một trật tự của mình, và đạt đến bằng con đường tiến hóa, nhưng đạo Khổng lại muốn trật tự mà nó đặt ra thành mẫu mực bất di bất dịch và vĩnh viễn. Và tôi lại nghĩ đến Kant. Có người gọi Kant là ông tổ của triết học khai sáng. Giống như Khổng Tử là ông tổ của đạo Nho. Lại nghĩ về những con đường của lịch sử, và thân phận của các dân tộc. Người ta có Kant thì người ta như thế còn ta có Khổng thì ta thế này. Chẳng phải định mệnh lịch sử ru?

Pascal, Descartes, Kant, tôi không biết các ông có thông thái hay không, nhưng các ông khơi bật dậy sức mạnh trong con người chúng ta: sức mạnh của tư duy. Chính sức mạnh tư duy ấy làm thay đổi mọi cái trong trần thế, và thay đổi cách con người sống với nhau. Khổng Tử là một nhà thông thái, hay ta cứ coi như thế, cái gì cũng biết, và điều quan trọng nhất là: cái gì ông nghĩ, thì ông đem dạy người ta. Tôi rất sợ những chân lý bất di bất dịch. Tiếp thu chân lý ấy, ta không còn là con người tư duy, ta là những phỗng sành. Người ta học ông, người thông minh thì vanh vách, người ngu thì nhai nhải, mà mục tiêu cao nhất là phải đọc lại được như con vẹt, tôi hỏi bạn: còn cần gì hơn nữa? Bao nhiêu ông tiến sĩ ở ta, bia đá bia miệng đầy ra đấy, có ông nào thêm bớt được chữ nào vào đạo nghĩa thánh hiền chưa? Cái uyên bác, tài giỏi của các nhà nho quá lắm chỉ là giảng ra, tán ra những chữ nghĩa của thánh hiền một cái thông minh hay thú vị mà thôi. Đi trật lề là điều cấm kỵ. Chính vì thế ở thời điểm này nếu ta học Khổng là ta đang đứng ở đỉnh cao trí tuệ của văn hoá Trung Hoa thế kỷ 5 trước Công nguyên. Nên lưu ý: cũng khoảng thời gian ấy có Socrates, Plato, Thích Ca. Khác ở chỗ nào, là điều đáng suy ngẫm.

Thời nào cũng vậy, để làm quan thì học như thế là đủ. Bản thân Khổng Tử là một ông quan. Nhưng phải nói thế này cho công bằng: ông là một ông quan đáng trọng, mục đích làm quan của ông là thi hành cái đạo của ông, chứ không phải vinh thân phì gia. Không mấy ai được như vậy. Bao nhiêu thế kỷ, đạo của ông chỉ là để dạy cho người ta làm quan. Những người học mà không làm quan được, như Tú Xương, chỉ là những người thất bại.

Người ta còn thấy ở Khổng Tử một nhà luân lý, tức là đạo của ông có thể dạy luân lý cho nhân dân. Kết tinh đạo của ông có một câu này, mà ông cũng tâm đắc nhất “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Đó là chữ Thứ. Hay lắm, một nguyên lý phổ quát, không có chỗ nào để chê. Nhưng nó chỉ là một điều răn dạy, cũng như mọi lời răn dạy hay ho khác, một lời răn như thế có được bao nhiêu tác dụng trong cuộc sống? Những kẻ có quyền tha hồ đàn áp ức hiếp những người dưới quyền chỉ vì những người này có muốn cũng chẳng làm được ngược lại như thế với họ. Mà học thuyết của ngài thì đã định hình các thân phận như mệnh trời rồi. Vậy lời răn kia tốt nhất hãy dùng cho những người thấp cổ bé miệng thì hợp lý hơn chăng? 

Về chính trị, ngài có thuyết Chính danh. Hay lắm: vua ra vua, tôi ra tôi. Vua chư hầu mà dùng lễ của Thiên tử là “tiếm”, là bất đạo (hay là mầm phản nghịch?) Kỹ đến như thế, nhưng cũng không tránh được cái sự thực là, từ khi có thuyết của ngài, người ta mạo danh nhan nhản, mạo danh trên tất cả các phương diện của đời sống, và với không ít trường hợp, mạo danh là con đường thắng lợi, là lẽ sống còn. 

Thưa Khổng Phu tử, tôi rất kính trọng ngài. Tôi chưa bao giờ gặp ngài cả.

Vũng Tàu, 09/8/2012
HIẾU TÂN
____________________________________

Chú thích ảnh (từ trên xuống dưới, trái qua phải): 

1. Hình tượng Khổng Tử của Trung Quốc thời Minh. 
2. Hình tượng Khổng Tử của Việt Nam thời Lê. 
3. Hình tượng Khổng Tử của Hàn Quốc thời Joseon. 
4. Hình tượng Khổng Tử của Nhật Bản thời Edo.
5. Hình tượng Khổng Tử của Việt Nam cộng hòa đặt tại Miếu Khổng Thánh (chụp năm 1969), nay là đền Hùng trong Thảo cầm viên, Sài gòn. Pho tượng đã bị di dời. 
6. Tượng Khổng Tử tại Khổng Miếu Sơn Đông bị dán lên dòng chữ Thằng khốn nạn hàng đầu, trong thời Cách mạng Văn hóa (1966 – 1976). 
7. Tượng Khổng Tử đặt tại Thiên An môn năm 2011, bị di dời chỉ sau 100 ngày. 
8. Biếm họa chân dung Khổng Tử sau khi bị chính quyền Trung Cộng lợi dụng để dựng lên Học viện Khổng Tử.
_________________________________________________________________________

Một số bình luận:

Thanh Huy 
Toi chua bao gio gap Khong Tu nhung toi van kinh trong ngai

Tháng Tám 13, 2012 lúc 10:55 chiều 
Ngô Đình Hải
“Thưa Khổng Phu tử, tôi rất kính trọng ngài. Tôi chưa bao giờ gặp ngài cả.” “chưa” hay “không” hả quynh Hiếu Tân? Có khi cũng hay!
“Giang hồ liệt truyện” kể rằng:
Sinh vốn dân “chợ trời” chánh gốc, buôn bán chụp giật nhanh nhẹn. Một đêm nằm mơ thấy ngồi trong lớp học Khổng phu tử, lại tưởng mình là Tử Cống hỏi thầy: “Có một chữ nào có thể dẫn dắt hành xử trọn đời không?”
Thầy đáp: “Có lẽ là chữ Thứ (恕)chăng? Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác)”(Luận Ngữ)
Sinh dốt chữ, nhất là mù tịt Hán văn nên hỏi lại: phải thầy vừa nói có lẽ là chữ Thực chăng? Kỷ sở “đắc” dục “bất đãi” ư nhân (Cái gì của mình có thì chớ nên cho không ai hết!!!), phải vậy không?
Thầy đáp: tâm đã muốn, đã nghĩ vậy, nên nghe ra vậy, thôi thì đành như vậy…
Tỉnh giấc, lấy làm đắc ý, đem áp dụng liền. Mua bán sinh lợi . Sinh vẫn cho là nhờ thầy! Đi đâu cũng khoe câu thầy dạy! Thiên hạ gọi Sinh là “Độc cô cầu …tự” !
Lần khác nằm mơ, gặp thầy lại hỏi : “ trót “đa mang” một “ẻn” phải làm sao?
Thầy cười: trai năm thê bẩy thiếp!………….thời ta thì như vậy!…còn….
Sinh nghe mới được nửa câu vội vàng đem nói với vợ, vợ tống ra đường, sự nghiệp tiêu tán, lại oán. Từ đó qua lại giang hồ đổi tên là “ Âm dương cầu… bại” cho hả giận!….kakaka

Tháng Tám 14, 2012 lúc 9:52 sáng 
Hiếu Tân: 
Chưa gặp, NĐH ạ. Rồi sẽ đến lúc phải gặp, nhưng tôi muốn nó muồn muộn hơn một chút. Tức là tôi không muốn hối hả đi đến đó làm gì. Ha ha!

Tháng Tám 13, 2012 lúc 10:02 chiều 
Chip: 
“Nếu tôi nói tôi không coi Khổng là thánh, thì tôi sẽ bị rất nhiều người già (không kể tuối) trong nước tôi bây giờ mắng cho là ngỗ nghịch.”
Đúng là ngỗ nghịch thật. Bài viết khô khan nhưng có cái để đọc để bàn và để ngẩm nghĩ

Tháng Tám 13, 2012 lúc 11:43 sáng 
Alibaba:
Tôi nghĩ rằng những đề tài như thế này rất lí thú và cần thiết anh Hiếu Tân ạ !

Tháng Tám 12, 2012 lúc 12:09 chiều 
Cao Quảng Văn
Càng đọc càng thấm thía ra nhiều điều, anh Hiếu Tân ạ! Còn có khối điều để bàn cho ra lẽ chung quanh những gì anh nói, nhưng mà thôi, cứ để thong thả, từ từ thôi. Hãy chờ một ngày nào khác, đẹp trời hơn rồi hãy bàn… 

Tháng Tám 13, 2012 lúc 11:32 sáng 
Chờ một ngày đẹp trời, không loại trừ ly trong tay và ý say trong đầu, bạn hỉ? 

Tháng Tám 11, 2012 lúc 8:05 chiều 
Hồ Ngạc Ngữ
Bài viết của anh Hiếu Tân mới chỉ bàn phần hình nhi hạ của đạo Khổng.Nhưng đạo Khổng lại còn phần hình nhi thượng nữa.
Nếu có bài 2, rất mong anh cho biết ý kiến thêm.
Đa tạ!

Tháng Tám 13, 2012 lúc 11:29 sáng 
Hiếu Tân: 
Đề tài Khổng-Nho này vốn khô khan; với không khí Xứ Nẫu, nó xa lạ và cõ phần lạc lõng. Hơn nữa lúc này tôi chưa có hứng cảm nói về địa hạt uyên áo đó, đành chờ lúc khác chăng? 

Tháng Tám 13, 2012 lúc 11:32 sáng 
Nguyễn Thức: 
Ai cũng có chút khổng giáo trong máu cả anh Hiếu Tân ơi,chỉ chưa có dịp …tám thôi.

Tháng Tám 13, 2012 lúc 11:34 sáng
NTLoan:
Máu khổng giáo đối với quí vị phụ nam thì bắt vợ chính chuyên còn mình thì trai tài năm thê bảy thiếp hở ? 

Tháng Tám 13, 2012 lúc 12:37 chiều 
Hiếu Tân: 
Bạn đã điểm trúng huyệt nhà nho rồi đấy! Cách đối xử, cách nhìn phụ nữ của đạo Nho là điều gây phẫn uất nhiều nhất trong giới nữ quyền. Về mặt này, Nhất Linh Khái Hưng đi trước chúng ta gần thế kỷ. Riêng Khổng Tử, trong cả LUẬN NGỮ, tôi thấy chỉ có một câu này nhắc đến NỮ, mà nhắc như thế này:
“Tử víêt: Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng giã. Cận chi, tắc bất tốn; viễn chi, tắc oán.” (Riêng đàn bà và tiểu nhân là loại khó nuôi dạy, gần chúng chúng sinh lờn, xa chúng chúng oán”) Nhìêu người dịch cố bóp cho chữ “nữ tử” “tiểu nhân” thành tớ gái, tôi trai. Tôi nghĩ trong tiếng Hán chúng có nghĩa rộng hơn thế. Vì dụ: ngày trước ở miền Bắc có chiếu bộ phim TQ “Người con gái của Đảng” (Đảng đích nữ tử)

Tháng Tám 13, 2012 lúc 2:06 chiều 
Rong Biển 
Hay.. rất hay! Cảm ơn nhà văn Hiểu Tân. Rong tin tưởng những gì huynh viết… Chúc huynh có nhiều niềm vui và sức khỏe, có những sáng tác hay.
Mong được đọc những bài viết hay kế tiếp. 

Tháng Tám 13, 2012 lúc 2:38 chiều 
Hiếu Tân: 
Cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của Rong Biển. Cứ tươi mãi trong Biển xanh, Rong nhé!

Tháng Tám 13, 2012 lúc 2:36 chiều 
Hiếu Tân: 
Tôi cho rằng Nguyễn Thức nói chữ “máu” đây chỉ có nghĩa là trong học vấn các anh ít nhiều có phần Khổng học, chị Loan ạ. Đó là điều bình thường. Có điều cũng nên nhìn lại cho rõ cái phần ấy, ngẫm kỹ hơn một chút, nó hay dở chỗ nào, dưới ánh sáng của ngày hôm nay. 

Tháng Tám 11, 2012 lúc 5:17 chiều 
Alibaba:
Tôi lại thích cách viết của Hiếu Tân dù không hiểu lắm về khổng giáo ! Hơi ba phải hử ? 

Tháng Tám 10, 2012 lúc 7:53 chiều 
Thuận Nghĩa:
Nhân ông HT và bà con xunau bàn rôm rả về Khổng Tử, có một vấn đề thời sự của ngành giáo dục liên quan đến cụ Khổng. Được biết trong cộng đồng xunau có nhiều nhà giáo, vậy xin thử nêu vấn đề sau đây:
“TIÊN HỌC LỄ-HẬU HỌC VĂN” là phương châm của nho sỹ ngày xưa, được dùng làm khẩu hiệu trong nhà trường hiện nay, nghe nói người ta thấy không ổn sao đó, đang muốn loại bỏ. Từ lâu tôi vẫn thắc mắc:
(1) LỄ trong Nho giáo thì có nói nhiều trong sách, còn LỄ trong nhà trường của ta là gì? có quy định chính thức hay không? Nếu không thì biết Lễ thế nào để dạy, để học cho thống nhất, cho có bài bản hệ thống.
(2) Thay khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” bằng cái gì hay bỏ luôn.
Còn khẩu hiệu “THẦY RA THẦY- TRÒ RA TRÒ…” chẳng qua là thuyết chính danh của Nho giáo, tôn ti trật tự Nho giáo trong mối quan hệ Thầy-Trò. Nhưng mối quan hệ ấy cũng có nội dung mới phù hợp với thời đại, chắc chắn không thể lấy giáo huấn của cụ Khổng Mạnh áp dụng nguyên xi được. Ngay cả quan hệ cha-con ngày nay cũng khác nhiều…
Thái độ bài xích, phủ nhận Khổng-Mạnh hay mù quáng “hiếu cổ” đều không đúng. “Hiếu tân”, cách tân bao hàm sự kế thừa có chọn lọc. Sau thời kỳ thô bạo xóa sạch của “cách mạng văn hóa”, nay lại quay ngoắt xiển dương, xây dựng học viện Khổng Tử khắp nơi trên thế giới để quảng bá “sức mạnh mềm”, thực chất là trò chính trị đảo điên mà thôi.
Ta hãy bàn về Khổng như một đề tài văn hóa thuần túy chứ không phải ý thức hệ chính trị nhứt thời.
Xin lỗi bác Hiếu Tân và bà con, nếu tôi lạc đề.

Tháng Tám 10, 2012 lúc 11:13 chiều
Thanh Trúc:
Trời ơi nhà giáo tụi này suốt ngày bàn tới bàn lui rầu anh ơi,mà vẫn vũ như cẩn thôi…chuyện này nhức cái đầu lắm. 

Tháng Tám 11, 2012 lúc 7:57 sáng 
Thuận Nghĩa 
Tôi vừa đọc trên RFA dề tài nầy. Quả thật người ta đã bàn đến gãy chân…ghề rồi, cuối cùng chưa ngã ngũ. Thành ra no table, no chair.
Ông TS Lê Nguyễn Quốc Khang và TS Nguyễn Nhã bảo cứ giữ nhưng phải cho rượu mới vào bình cũ cho hợp thời. Lễ là văn hóa, văn là kiến thức. Đức và tài,…
Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân thì bảo bỏ đi, kiếm câu khẩu hiệu nào “thuần Việt” thế vào, chẳng hạn “có chì thì nên” mà ông Ân nêu xem ra cũng không thuần Việt vì “chí” là Hán Việt, chỉ có chí rận mới là từ Việt trong nhóm từ cơ bản vài trăm từ. Ông còn đề nghị mỗi trường có khẩu hiệu riêng cho phù hợp với”yêu cầu tại chỗ”, hoặc lấy khẩu hiệu của UNESCO để phù hợp với thời đại toàn cầu hóa. Rối thật.
Sở dĩ tôi nêu chuyện nầy nhân đọc bài của Hiếu Tân vì theo tôi nghĩ nói chung chung thì dễ nhưng thử đi vào cụ thể thì không giản đơn chút nào; phủ định thì dễ nhưng thay cái bị-phủ-định rất khó. Hiếu cổ không phải là tồn cổ, bảo thủ mà là học cái hay, cái dở của tiền nhân. Hiếu tân, cách tân phải trên cơ sở hiểu rõ kế thừa vốn cổ sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của xã hội đương đại. Phủ nhận tuốt tuồn tuột như cái gọi là “cách mạng văn hóa” là sai, là “cách cái mạng” của mình và cộng đồng. Điều nầy đã được lịch sử xác minh. Dầu ai không thích Khổng Tử thì cũng nên học sự khiêm tốn trí thức của ông.
No more table no more chair. 

Tháng Tám 13, 2012 lúc 11:17 sáng 
Hiếu Tân: 
Anh không hề lạc đề. Về câu khẩu hiệu kia, xin nói thật ý tôi nhé: nó là minh chứng tuyệt hảo cho sự trì trệ trong tư duy. Nó kéo dài gần nửa thế kỷ rồi, Thánh ơi! 

Tháng Tám 14, 2012 lúc 10:08 sáng 
Hiếu Tân: 
Hôm nay đi qua một trung tâm y tế rất hiện đại, rất sang trọng ở VT, tình cờ nhìn lên thấy dòng chữ đăp nổi màu vàng “Lương y như từ mẫu” Nội dung thì hay: biến phẩm chất mẹ hiền (từ mẫu) thành một phần của sự nghiệp chữa bệnh (Y) là việc nên làm, vì nếu đúng thế thì nó có tác dụng chữa bệnh thật sự. Nhưng tôi vẫn lăn tăn: mình có tiếng mẹ đẻ mà. Nghe câu “thày thuốc như mẹ hiền” tôi thấy ấm lòng, còn câu “lương y như từ mẫu” chưa bao giò cho tôi cái cảm giác đó.
Lại nhớ cái thời bao cấp, anh bạn tôi, chữ Hán đầy mình, có giải nghĩa cho tôi thế này: Lương y ( lương vẫn y nguyên) từ (bỏ, tạm biệt). Lương y như từ mẫu = nguyên lương thì bỏ mẹ. Nhớ lại cái thời lương + tiền bồi dưỡng một ca mổ vá ruột không bằng thu nhập của người vá xe đầu đường, ngẫm câu ấy cũng hay! 

Tháng Tám 10, 2012 lúc 7:26 chiều 
Lạc An:
Mình chỉ biết dựa cột mà nghe cũng học hỏi được bao điều hay. Cám ơn tác giả Hiếu Tân và hiền giả Thuận Nghĩa.

Tháng Tám 10, 2012 lúc 4:50 chiều
Yến Du:
Những tư tưởng đạo đức của Khổng Tử được thể hiện trong mối quan hệ Luân thường mà Khổng Tử đã nêu ra vẫn là những điều tốt đẹp .
Chưa gặp ngài nhưng :”Thưa Khổng Phu tử, tôi rất kính trọng ngài. ” vì những triết lý sống có phần khe khắt nhưng có ít nhiều giá trị thực tế .!
Bài viết của anh HIẾU TÂN rất thú vị .

Tháng Tám 10, 2012 lúc 4:48 chiều 
Nguyễn Văn Hinh:
Pascal, Descartes, Kant, tôi không biết các ông có thông thái hay không, nhưng các ông khơi bật dậy sức mạnh trong con người chúng ta: sức mạnh của tư duy. Chính sức mạnh tư duy ấy làm thay đổi mọi cái trong trần thế, và thay đổi cách con người sống với nhau.
Hay quá nhưng liệu chỉ sức mạnh của tư duy có thể làm thay đổi mọi thứ không ? 

Tháng Tám 14, 2012 lúc 10:26 sáng 
Hiếu Tân 
Cmt của bạn là một câu hỏi hoài nghi, tức là bạn đã suy nghĩ theo hướng những người mà bạn vừa nêu tên rồi đấy. Chỉ tư duy thôi thì không làm nên trò trống gì cả, nhưng tư duy là khởi điềm của mọi thay đổi. Triết học, dù cao sâu đến mấy, đối với tôi chỉ là thế này: nó là tiếp tục suy ngẫm. Tặng bạn thêm một câu nữa “Hãy tin vào trí tuệ của bạn, dù nó nhỏ bé thế nào”" (Kant)

Tháng Tám 10, 2012 lúc 4:01 chiều 
Vân Hạc:
Đọc Hiếu Tân rất mệt vì phải suy nghĩ,nhưng theo tôi ít ra cũng có phần nào bổ ích . 

Tháng Tám 10, 2012 lúc 3:29 chiều 
Thanh Nguyên:
- Bất cứ cái gì và ở hệ qui chiếu nào, cũng có thể tìm thấy mặt trái của nó.
- Dùng nguyên một mặt trái hay một mặt phải của sự vật sự việc để chỉ chính nó thì tối đa là chỉ ra được một nửa nó mà thôi. Tất nhiên, được như thế là tốt lắm so với tỷ lệ giữa nguyên một con voi với cái vòi, với cái chân, với cái đuôi… của nó.
- Tôi ủng hộ và cổ vũ sự đa chiều, sự tự do trong tư tưởng. Vì vậy, cảm ơn bài viết đã gợi được một phía nào đó cho sự suy tư và xúc cảm của độc giả.

Tháng Tám 10, 2012 lúc 8:06 chiều 
Thiên Bồng:
Bravooooooo…, Theo TB tính đến giờ đây là comment hay nhất của bài này. 

Tháng Tám 10, 2012 lúc 1:36 chiều 
TôTi Châu
Những ý kiến khác nhau là bình thường,vấn đề phải có lí lẽ để bảo vệ quan điểm của mình,tránh áp đặt trong tranh luận. 

Tháng Tám 13, 2012 lúc 2:43 chiều | 
Hiếu Tân: 
Rất đúng. Áp đặt thì không phải là tranh luận

Tháng Tám 10, 2012 lúc 1:04 chiều 
Công Khanh:
Tôi chưa bao giờ gặp Khổng Tử,nhưng tôi thích những ý kiến phản biện của anh Hiếu Tân 

Tháng Tám 10, 2012 lúc 12:31 chiều 
WHWH:
Bài viết hay lắm anh Hiếu Tân.
Tôi cũng nghĩ như anh Thuận Nghĩa: Khổng Tử là một trong số những nhà hiền triết thuộc về nhân loại. 

Tháng Tám 10, 2012 lúc 11:59 sáng 
Thuận Minh:
Những ý kiến đa chiều như vậy trên xunau.org làm cho trang web sinh động hẳn lên. Bài này sẽ rất nóng đây !

Tháng Tám 10, 2012 lúc 11:01 sáng 
Tú Gàn:
“HIẾU CỔ, đó chính là Khổng Tử”…(HT)
————————————————-
Tôi đọc và thích thú vì cụm từ này rồi hiểu được vì sao tác giả bài viết có tên là HIẾU TÂN, vì sao tác giả bảo : Tôi chưa bao giờ muốn gặp ngài …haha…
Đúng vậy ! Nếu không có sáng tạo thì học giả, triết gia…cũng chỉ là những “con vẹt” mà thôi. Còn sáng tạo như thế nào là vấn đề khác ! Có những thứ mà thiên hạ đã vứt bỏ vô sọt rác thì ngược lại cũng có kẻ coi đó như “kinh điển” , âu cũng là lẻ thường… 

Tháng Tám 10, 2012 lúc 11:48 sáng 
Hiếu Tân: 
Tú Gàn mà có gàn tí nào đâu. Mạo danh! đổi tên đi thôi

Tháng Tám 10, 2012 lúc 10:39 sáng
Thuận Nghĩa:

Thấy Hiếu Tân là tôi thấy mệt. Mệt mà vẫn ráng đọc, ghi những ý cần nhớ. Mệt và choáng nữa như lỡ đi vào thư viện, chậm rãi lướt qua những kệ dài để đấầy sách bìa da, với những tựa và tên tác giả mạ vàng. Khổ thân tôi, đến tên tác giả có khi không đánh vần được như ông Feuerbach (người Đức), ông Pasternak (người Nga), ông Cerventes ( người…) – ngay cả ông Karl Marx (người Đức) mà người ta quen đọc theo tiếng Pháp là Các Mác người Đức pó tay chẳng hiểu ông nào…
Chắc chắn không chỉ Hiếu Tân mà những người đương đại trong chúng ta không ai có thể “gặp” Khổng Tử người sinh ra 25 thế kỷ trước. Nhưng đọc hết bài thấy tuy không gặp nhưng HT khá rành nhà hiền triết cổ đại nầy. Đâu nhất thiết phải gặp mà cũng chẳng cần rành như HT những người bình thương “chữ nhứt bẻ đôi” không có vẫn có thể chọt chẹt về Không Tử vì dầu muốn hay không học thuyết của ông cũng đã “thấm” vào đời sống văn hóa, cách xứ thế,…của chúng ta.
Cho nên không chấp làm gì câu chữ.Tượng Phật cũng có thể chẻ ra làm củi sưởi ấm. Cụ Quách Tấn có ba di vật quý: một chiếc lá mận khô của cây mận ở nhà cụ đã chết, một chút sâm Cao Ly do Nguyễn Hiến Lê tặng chưa dùng hết và một quyển trong bộ Tô Đông Pha 20 quyển do một người bạn tặng năm 1947. 19 quyển kia cụ đã bán cho người ta làm giấy quấn thuốc lá năm 1952 để lấy tiền mua gạo nuôi vợ đẻ. Ăn thua ở tấm lòng.
Chấp làm gì người muốn thắp hương mộ Karl Marx ở London. Năm 2006 tôi ghé thăm mộ Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương (Quảng Châu), 72 ngôi mộ hương tàn khói lạnh dưới chân đài nữ thần tự do (thu nhỏ), duy chỉ mộ Phạm Hồng Thái nghi ngút khói – khói từ những điếu thuốc lá thay nén hương, những điếu thuốc đã tàn tự bao giờ và những điếu còn cháy,. Người ta lấy que nhỏ cắm vào đầu lọc điếu thuốc làm chân “nhang”. Tỏ lòng kính trọng bao giờ cũng tốt, một thái độ nhân văn của người Việt.
Năm 2002 tôi cũng có dịp thăm nhà K.Marx trong khu ghetto ở thành Trier bên Tây Đức. Tôi chỉ đọc a,b, c (sơ cấp) về những tác phẩm kinh điển của ông mặc dầu là người CS. Tôi lỡ miệng nói đừa với một người bạn Đức: ” Tại người Đức mà nước tôi nghèo…”. Ông ta ngạc nhiên hỏi:” Tại sao? Người Đức đâu có xâm lược nước mầy”. Tôi chỉ ảnh ông Marx: “Ông nầy là người Đức phải không?”. Ông bạn hiểu ý tôi, phản pháo: ” …chỉ có học trò dốt, chứ không phải tại thầy. Học trò phải có cái đầu để suy nghĩ về những gợi ý của thầy…”. Anh bạn người Đức của tôi là dân cánh hữu, chứ không phải tín đồ của Marx.
Quê tôi trước kia có một văn chỉ thờ Khổng Tử ở trên núi Hương Sơn (núi Thơm) nhìn ra sông Côn thuộc thôn Kiên Thạnh (Tây Sơn), trước 1945 các nhà nho đã quyết đình dời xuống An Nhơn. Trên cái nền cũ ấy, một thánh thất Cao Đài được dựng lên từ bao giờ tôi chẳng rõ. Thế cũng tốt hơn thay văn chỉ bằng một quán thịt chó hoặc bỏ hoang. 
Các nhà thông thái thường “chẻ sợi tóc làm tư” để tìm “chân lý”. HT viết:” tôi sợ những chân lý bất di bất dịch…”. đúng rồi. Tôi xin thêm: “tôi sợ sự sự phủ nhận chân lý…”. 

Tháng Tám 10, 2012 lúc 11:46 sáng
Hiếu Tân: 
Cũng đợt ấy, có hôm chúng tôi đến trước Thánh đường Westminster. Tôi bảo các bạn đây là nơi chôn cất Newton và Darwin. Không ai có ý kiến gì cả. Họ rất ngại vào nhà thờ. 

Tháng Tám 10, 2012 lúc 12:53 chiều
Thuận Nghĩa: 
Tại sao? Sao anh biết họ không viếng mộ của hai nhà khoa học đó vì “ngại vào nhà thờ”? Họ nói với anh như vậy hay anh đoán? Mà ngại vào nhà thờ đã sao nào? Tôi từng học trường đạo nhưng cũng không thích vào nhà thờ đấy.
Tôi không binh hai người đó nhưng họ có tự do lựa chọn viếng ai. Có khi chỉ giản đơn vì họ thích ông K.M. hơn hai ông kia, thế thôi. Ông K.M không là vỹ nhân sao?

Tháng Tám 10, 2012 lúc 11:50 sáng 
Hiếu Tân:
Karl Marx ông bạn người Anh của tôi (Nick) gọi là “Cao Mác” bạn ạ. 

Tháng Tám 10, 2012 lúc 12:46 chiều 
Thuận Nghĩa 
Tiếng Anh và Đức đều phát âm cuối (L) nhưng giọng thì khác. Ngoài ra, tiếng Anh âm AR ( trong Karl), âm mũi ( nasal) =>nghe gần gióng “ao” (cao) thôi. Dầu sao, đây chỉ là tiểu tiết. 

Tháng Tám 10, 2012 lúc 9:59 sáng
Văn Huy:
“Bao nhiêu ông tiến sĩ ở ta, bia đá bia miệng đầy ra đấy, có ông nào thêm bớt được chữ nào vào đạo nghĩa thánh hiền chưa? Cái uyên bác, tài giỏi của các nhà nho quá lắm chỉ là giảng ra, tán ra những chữ nghĩa của thánh hiền một cách thông minh hay thú vị mà thôi.”
Viết như vậy thì có nặng quá hay không ?

Tháng Tám 10, 2012 lúc 10:25 sáng
Người Nhơn Lý: 
Đôi khi cần phải viết mạnh mẽ như vậy để dân tộc mình bớt lệ thuộc vào ông bạn vàng TQ

Tháng Tám 10, 2012 lúc 10:42 sáng
Thuận Nghĩa:
Đừng nên đánh đồng Khổng Tử với Mã Viện, Mao, Đặng cũng như không thể đánh đồng Rousseau, Montesquieu,…với thực dân Pháp. Những nhà hiền triết thuộc về nhân loại. 

Tháng Tám 13, 2012 lúc 11:39 sáng | 
Hiếu Tân: 
Nặng nhẹ tuỳ người đánh giá, bạn ạ. Tôi không nghĩ các ông “nhiều bồ chữ” ấy kém, vì chẳng gì họ cũng đã đỗ TS, Vấn đề là trong cái vòng đó, (gần như) không có ai muốn và dám đi xa hơn ông thày của mình. Đạo học không bao giờ khuyến khích chuyện đó.

Tháng Tám 10, 2012 lúc 9:49 sáng 
Đức Sơn:
Thưa Khổng Phu tử, tôi rất kính trọng ngài. Tôi chưa bao giờ gặp ngài cả.
Viết như vậy cũng có lí !



[1] Đại cương Triết học sử Trung quốc, Nxb Thanh niên, 1999, trang 57
[2] Nho giáo, Nxb Văn hoá Thông tin, trang 91

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét