Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Alfred de Musset - Lời thú tội của một đứa con thế kỉ


HIẾU TÂN dịch 
[Collection Henri Mitterand: LITTÉRATURE XIXe Siecle-TEXT ET DOCUMENT]

Chắc chắn không có ai miêu tả hay như Musset, trong hai chương đầu của cuốn tiểu thuyết tự thuật năm 1836 Lời thú tội của một đứa con thế kỉ, trạng thái tinh thần của thế hệ trẻ lãng mạn trong phần ba đầu thế kỉ. Với óc tỉnh táo, nhà văn đã nhận ra trong cái khủng khiếp của cách mạng và trong cảnh tan tác của đế chế hai chấn thương lớn nhất đánh dấu thế hệ trong đó có ông: “Tất cả mọi bệnh tật của xã hội đến từ hai nguyên nhân: nhân dân đã qua năm 1789 và 1814 mang trong tim hai vết thương. Tất cả những gì đã qua thì không còn nữa, tất cả những gì sẽ đến thì vẫn còn chưa đến. Đừng tim bí mật của những điều ác của chúng ta ở đâu khác”


Một tuổi thanh xuân trong cơn hỗn loạn

Vậy đấy, ở trong một thế giới đang suy tàn là một tuổi thanh xuân đầy băn khoăn lo lắng. Tất cả những đứa trẻ này là hậu duệ của một dòng máu nóng bỏng đã từng tràn ngập mặt đất: chúng sinh ra trong chiến tranh, vì chiến tranh. Trong mười lăm năm chúng đã mơ đến tuyết ở Moscou và nắng trên các kim tự tháp. Chúng chưa bao giờ ra khỏi thành phố của chúng, nhưng người ta đã nói với chúng rằng, vượt qua mỗi thanh chắn của các thành phố ấy, người ta đã đi đến các thủ đô châu Âu. Trong đầu chúng có cả thế giới, chúng nhìn mặt đất, bầu trời, những phố xá và những con đường: tất cả đều trống rỗng, và tiếng chuông của những giáo đường chỉ vẳng đến từ xa…

Ba yếu tố mà cuộc sống hiến cho những con người trẻ tuổi này là như thế này: sau lưng họ một quá khứ vĩnh viễn bị phá hủy, vẫn còn cựa quậy trên đống đổ nát, với tất cả những hóa thạch của chính thể chuyên chế; trước mặt họ bình minh của một chân trời rộng mở thênh thang, những tia sáng đầu tiên của tương lai; và giữa hai thế giới ấy, một cái gì giống như đại dương chia cách lục địa cũ và châu Mỹ trẻ trung, tôi không biết gì về cái lờ mờ và trôi nổi, một mặt biển dậy sóng và chìm đắm, lâu lâu lại có những cánh buồm trắng xa xăm vượt qua, hay những con tàu ngây ngô phì phò thở ra một làn hơi đặc quánh; thế kỉ hiện tại, nói ngắn gọn, ngăn cách quá khứ và tương lai, không phải cái này mà cũng chẳng phải cái kia nhưng cùng một lúc giống cả hai, và trong mỗi bước đi người ta không biết dẫm lên một hạt giống hay là một mảnh vỡ nữa.

Chính trong cảnh hỗn loạn đó phải lựa chọn. Đây hiện ra trước những đứa trẻ đầy sức mạnh và can đảm, những đứa con của Đế chế, những đứa cháu của Cách mạng. 

Thế là từ nay, chúng không muốn cái quá khứ đó nữa, vì niềm tin ấy không thỏa mãn về bất cứ mặt nào. Chúng yêu thích tương lai, nhưng sao! Giống như Pygmalion[i] Galatée: tương lai đối với chúng giống như một người tình bằng đá, và chúng chờ cho nàng có sinh khí, cho máu chảy rộn rã trong những mạch máu của nàng.

Vậy là với chúng chỉ còn lại có hiện tại: linh hồn của thế kỉ, thiên thần của buổi chạng vạng tranh tối tranh sáng, chúng thấy nó ngồi trên một cái bao đựng đầy hài cốt, bị bó chặt trong chiếc áo khoác của lòng vị kỉ, và run lẩy bẩy trong cái lạnh khủng khiếp. Nỗi kinh hoàng về cái chết len lỏi vào trong hồn chúng dưới cảnh tượng một bóng ma nửa xác ướp nửa bào thai; chúng mon men đến gần nó như một lữ khách đến Strasbourg được người ta chỉ cho cô tiểu thư con gái của vị bá tước già Sarverden, được ướp hương thơm nức trong bộ trang phục của vị hôn thê: bộ xương ấu thơ này khiến người ta run rẩy, vì những bàn tay của nàng gầy guộc và tái nhợt đeo nhẫn cưới của cô dâu, còn cái đầu nàng thì đang tan thành tro bụi giữa những bông hoa cam khô héo.

Người ta có thể gọi sự chối từ tất cả mọi thứ ở dưới đất cũng như trên trời này là sự tỉnh ngộ hay nếu muốn, sự tuyệt vọng như thể loài người đang ngủ lịm khiến người bắt mạch tưởng rằng đã chết. Giống như người lính ngày xưa khi được hỏi “Anh tin vào cái gì?” đã trả lời ngay “vào bản thân tôi”, cũng vậy, tuổi trẻ nước Pháp khi nghe hỏi cùng câu hỏi đó đã trả lời ngay “không vào gì cả”.

Bởi vậy, đã hình thành hai phe: một bên là những con người cuồng nhiệt và đau khổ tất cả những tâm hồn cởi mở cần cái vô hạn, và người ta chỉ thấy những cây sậy yếu ớt trên một đại dương cay đắng. Bên kia, những con người bằng xương bằng thịt vẫn còn đứng vững không hề lay chuyển, giữa những lạc thú thiết thực và không bận tâm đến điều gì khác ngoài việc đếm những đồng tiền mà họ có. Chỉ là những tiếng nức nở và những trận cười ròn rã, cái này đến từ linh hồn, cái kia từ thể xác.

Octave phát hiện ra người đàn bà mà chàng yêu đã phản bội chàng với một trong những người bạn của chàng. Để chống lại nỗi đau đớn của mình, và sau một cuộc đấu kiếm mà chàng đâm bị thương tình địch, chàng đắm chìm trong trụy lạc, đồng thời trong sự trong sạch và đức tin của chính mình. Khi cha chàng chết, chàng trấn tĩnh lại (se ressaisir) và về nghỉ ở nông thôn. Ở đó chàng gặp một người đàn bà lớn tuổi hơn chàng, Brigitte Pierson, nhưng mối diễm tình (idylle) kéo dài không lâu: trái tim “hư hỏng” (perverti) của chàng trai trẻ ngăn cấm chàng tin tưởng vào tình yêu.

Sau nhiều cảnh, đôi tình nhân hòa giải và đi ra nước ngoài, mong tìm thấy cuộc sống mới ở nơi khác. Nhưng Brigitte không chung tình với Octave, thú nhận với chàng rằng tính độc ác tuyệt vọng của chàng trai trẻ đã giết chết tình yêu của nàng đối với chàng. Chàng muốn giết nàng trong lúc đang ngủ; khiếp sợ (effrayer) với ý nghĩ đó, chàng từ bỏ (renoncer) nàng và chấp nhận cho nàng ra đi, để lại chàng gậm nhấm (ronger) nghi ngờ và đau khổ.

Nỗi đau khổ của tôi không có bạn

Một buổi tối tôi ngồi với Desgenais[ii] bên lò sưởi. Cửa sổ mở. Đó là những ngày đầu tháng Ba, tín sứ của mùa xuân. Một mùi hương dìu dịu từ vườn bay đến.

- Chúng mình làm gì bây giờ, khi mùa xuân đang đến? Tôi hỏi cậu ta

- Giống như năm ngoái, mình sẽ về nông thôn, Desgenais đáp

- Thế nào? Năm nào cậu cũng làm đúng một việc đó? Năm nay cậu bắt đầu lại cuộc sống của cậu như vậy đó sao?

- Vậy cậu muốn mình làm gì?

- Đúng thế! Tôi giật mình kêu lên, “Vậy cậu muốn mình làm gì?” Cậu đã nói rất hay. Này, Desgenais tất cả chuyện đó làm mình mệt. Có phải chưa bao giờ cậu thấy chán ngấy cuộc sống mà cậu đang sống?

- Không. Cậu ta nói

Tôi đứng trước một bức tranh khắc hình Madeleine ở sa mạc, bất giác chắp tay.

- Cậu làm gì thế? Desgenais hỏi

- Nếu tôi là một họa sĩ, và nếu tôi muốn diễn tả nỗi buồn, tôi sẽ không vẽ một thiếu nữ mơ mộng, với quyển sách trong tay.

- Tối nay cậu nghĩ đến ai vậy? Cậu ta vừa nói vừa cười.

- Không, nói thật. Tôi tiếp tục .. nàng Madeleine[iii] này với những giọt nước mắt, ngực phập phồng hi vọng, bàn tay kia đỡ lấy đầu nàng, trông nó xanh xao bệnh tật, và vẫn còn thoang thoảng mùi hương của dầu thơm mà nàng xức lên chân chúa Jesus. Cậu không thấy rằng trong sa mạc này có một đám người đang trầm ngâm cầu nguyện à? Đó không phải là nỗi buồn.

- Đó là một phụ nữ đang đọc sách, cậu ta trả lời khô khan.

- Và một phụ nữ hạnh phúc, tôi đáp lời cậu ta. Và một quyển sách hạnh phúc

Desgenais hiểu tôi muốn nói gì, cậu đã thấy một nỗi buồn sâu thẳm đang xâm chiếm tôi. Cậu hỏi tôi lí do nỗi buồn ấy. Tôi do dự không muốn trả lời cậu, và thấy tim mình thắt lại.

- Thế nào, cậu ta bảo tôi, Octave thân mến của tôi, nếu cậu có một nỗi khổ đau, đừng ngại ngần thổ lộ với mình, hãy nói thẳng ra, và cậu sẽ thấy ở mình một người bạn.

- Tôi biết, tôi trả lời. Tôi có một người bạn, nhưng nỗi đau khổ của tôi không có bạn.



[i] Nhà điêu khắc trong thần thoại Hy Lạp, say mê chính pho tượng mà mình tạo ra, Galatée, cưới nàng sau khi Venus ban cho nàng sự sống.
[ii] Bạn của Octave, người kể chuyện
[iii] Marie-Madeleine, người đàn bà tội lỗi trong Phúc âm

1 nhận xét:

  1. Dạ! cho E hỏi, mình có dịch nguyên cuốn tiểu thuyết này không ạ? Hoặc biết ai bán chỉ giúp E với ạ! E cảm ơn nhiều!

    Trả lờiXóa