Điểm cuốn sách “Sự thăng trầm của số phận: cuộc đấu giành dầu và quyền lực ở Nga”[i] của Thane Gustafson – giáo sư khoa học chính trị, ĐH Georgetown, Washington.
Tony Wood, London Review of Books
Hiếu Tân dịch (“LE TALON D’ACHILLE DE POUTINE” – Books, Mai 2014.)
Từ khi phát hiện ra những mỏ dầu Sibia, 1960s, nước Nga gắn bó với vàng đen. Chính sự sụt giá dầu vào năm 1986 đã kết liễu cơn hấp hối của LX. Chính sự bùng phát của nó, từ 1999, đã tài trợ cho sự trở lại quyền lực của Putin và thiết lập chủ nghĩa tư bản lai tạp và biến chất, biến nước Nga thành gần như một nhà nước dầu lửa. Ngày nay, hệ thống này đã suy yếu. Sự phụ thuộc xuất khẩu dầu khí rất nặng nề, các nguồn đang có xu hướng cạn kiệt và các công nghệ thì lỗi thời.
Lịch sử nước Nga thế kỉ XX không thiếu những bước ngoặt, từ CMT10 năm 1917, qua cuộc đánh bại Đức ở Stalingrad 1943, cho đến sự biến mất đột ngột LX cuối 1991. Nhưng mọi người đều biết, làm nên số phận nước Nga không phải chỉ có những thời điểm then chốt này. Những bước chuyển khác, khó thấy hơn, đã uốn cong quĩ đạo của đất nước này. Bắt đầu từ năm 1959. Hồi đó các nhà địa chất từ lâu đã ngờ vỉa quặng ngầm bên dưới đầm lầy L’Ob có dầu, một cuộc thăm dò khảo sát khi đó đã xác nhận điều này, khi phát hiện ra một vỉa dầu ở gần làng Chaim. Từ 1960, giếng R-6 được đào, sau 18 ngày khoan đến độ sâu 1.500 m nó bắt đầu phun dầu với tốc độ 400 đến 500 tấn / ngày đêm, và đây là ngành công nghiệp quan trọng đầu tiên được khai thác ở Sibir. Thành công này kích khởi cơn cuồng nhiệt thăm dò và trong thời gian bốn năm tiếp theo sau, hơn hai mươi vỉa dầu trong vùng này được phát hiện. Nhưng mãi đến tháng Ba năm 1965 khám phá quan trọng nhất trong lịch sử dầu khí nước Nga mới được thực hiện, với mỏ dầu khổng lồ Samotlor: đứng thứ hai thế giới ở đỉnh điểm của nó trong những năm 1980, đến nay vẫn nằm trong số năm nước hàng đầu, sản xuất hơn 35 triệu tấn dầu thô một năm.