Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

TUNISIA: Arabic Spring


Tunisia: (T) Arabic Spring

1. Tunisia đã trở thành một Belarus Bắc Phi                                                                            

Spiegel

2. Hiệu ứng Tunisia: Liệu cuộc “Cách mạng Đói” có lan rộng không?                                                                                                    
Time
                                                                                                                             
3. Tunisia báo động những kẻ chuyên quyền       
                                                                                                                      
Spiegel

4. Tunisia: không phải hiệu ứng Domino, mà là một thế lưỡng nan của Hoa Kỳ                                                         
Time

5. Những người Islamists từng bị đàn áp đang nổi lên lại như thế nào?                                     
 
Time

6. Tự do bừng nở trên đất nước Tunisia                                                                                  
           
The Washington Post

7. Say sưa với Tự do                                                                                                             

Spiegel

    T1:
    “Tunisia đã trở thành một Belarus Bắc Phi”

    SPIEGEL, 14/01/2011
    Nguồn: http://www.spiegel.de/international/germany/0,1518,739534,00.html

    Ảnh: AFP
    Một bài diễn văn hòa giải bất ngờ của tổng thống Tunisia thu hút sự chú ý đến những cuộc biểu tình phản đối chết người đang diễn ra trên đường phố trong một nước Bắc Phi đàn áp. Các nhà bình luận Đức tranh cãi về sự thận trọng, nhưng nói cần phải lắng nghe những người phản kháng.
    Hàng ngàn người dân biểu tình tuần hành qua thủ đô Tunis hôm thứ Sáu, một ngày sau khi tổng thống độc tài của đất nước, Zine El Abidine Ben Ali, đưa ra một nhượng bộ bất ngờ trong một bài diễn văn trên truyền hình để vỗ yên tình trạng náo loạn bạo lực đã làm ít nhất 23 người chết.
    Một số người biểu tình hô vang “Ben Ali, cút đi!” hãng tin Anh Press Association tường thuật hôm thứ Sáu, và ít nhất có một áp phich viết “Chúng tôi sẽ không quên” - muốn nói đến những người biểu tình bị giết từ giữa tháng 12, nhiều người bởi cảnh sát nhà nước. Các nhóm đối lập nói con số người chết từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào cuối tháng trước có thể lên đến 70, nhiều hơn gấp đôi con số chính thức.
    Công đoàn hợp pháp duy nhất của đất nước đã phát động một cuộc đình công hiếm hoi kéo dài hai giờ vào sáng thứ Sáu, nhưng những người biểu tình cũng phản ứng lại bài diễn văn đáng ngạc nhiên của tổng thống Ben Ali. Tối thứ Năm ông ta hứa “không có tổng thống suốt đời” và nói ông sẽ không tranh cử năm 2014 - đánh dấu một tiềm năng kết thúc hơn hai thập kỷ cai trị chuyên quyền. Press Association tường thuật “những đám đông sôi nổi” trên các đường phố sau khi ông ta nói.
    Người dân Tunisia đã phản kháng từ Tháng Mười Hai đối với sự tăng vọt giá thực phẩm, những sự ngăn cấm truyền thông và thiếu việc làm. Trong diễn văn của mình Ben Ali còn hứa giảm giá đường, sữa và bánh mì. “Tôi đã hiểu những đòi hỏi về thất nghiệp, những đòi hỏi về nhu yếu phẩm, và những đòi hỏi chính trị có nhiều tự do hơn,” ông nói. Vào ngày thứ Tư ông sa thải bộ trưởng nội vụ để đối phó với cuộc bạo loạn này.
    Bạo loạn dù có nhượng bộ chính thức.
    Nhưng theo Press Association, cảnh sát đã giết ba người dân vào đêm thứ Năm trong khu Kram ngoại ô Tunis của dân lao động, và Bộ trưởng Ngoại giao Thụy sĩ đã xác nhận rằng một phụ nữ Thụy sĩ đã chết vì những vết thương  do súng nổ trong một cuộc biểu tình hôm thứ Tư trong thành phố Dar Chaabane.
    Website swissinfo.ch nói nạn nhân 67 tuổi này có cả quốc tịch Tunisia, bà chết tức khắc vì một viên đạn lạc trúng cổ. Được biết lúc đó bà đang đứng xem biểu tình trên một sân thượng gần đó cùng với nhiều người khác.
    Trong khi đó, hướng dẫn viên du lịch người Anh Thomas Cook nói hiện đang sơ tán 1800 du khách khỏi Tunisia.
    Phản ứng quốc tế về vụ náo động này còn chậm. “Lúc này chúng tôi chưa đứng về bên nào,” ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói hôm thứ Ba trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình al-Arabiya. “Chúng tôi nói chúng tôi hy vọng có thể có một giải pháp hòa bình. Và tôi hy vọng rằng chính phủ Tunisia có thể đem nó đến.”
    Các báo Đức hôm thứ Sáu nhấn mạnh rằng những người phản kháng không phải là những người Hồi giáo cực đoan, mặc dầu chính phủ của Ben Ali đang cố gán họ là khủng bố. Một nhà bình luận người Đức kêu gọi một cuộc chuyển biến theo phong cách Tây Ban Nha, transición, từ độc tài sang dân chủ.
    Tờ nhật báo khuynh tả Die Tageszeitung viết:
    “Bình thường các tờ báo ở Tunisia đưa tin giống như các tờ báo ở Đông Đức cũ. Nhưng hôm qua tờ nhật báo Le Temps đăng một bức ảnh hai ngôi nhà đang cháy ở thành phố Sfax, với đầu đề: “Tổng bãi công ở Sfax: xung đột dữ dội và bắn nhau, một người chết, nhiều người bị thương do trúng đạn.” Trên trang năm có một danh sách chi tiết những sự kiện theo kiểu báo cáo thời tiết: “Cướp bóc tại các cửa hàng và nhà riêng; tất cả các cửa hàng đóng cửa và cả thành phố lại một lần nữa ngừng hoạt động.”
    “Các tờ báo Tunisia khác cũng dành cho mấy tuần lễ bạo động một khoảng rộng. Nhưng chớ bị lừa. Truyền thông vẫn bị kiểm soát ngặt nghèo bởi chính phủ, và thông điệp đầu tiên vẫn là: “Tổng thống Ben Ali đang kiểm soát tất cả.”
    Để có được sự sống động thật sự, người Tunisia cần phải quay sang các tờ báo của nước láng giềng Algeria, nơi bất ổn cũng đã trở thành những sự kiện hàng ngày. ..(một tờ báo Algeria ) so sánh tập đoàn Ben Ali với các gia đình Somoza và Pinochet. Giống như các chế độ Nam Mỹ này, chính phủ Ben Ali đã khích động giai cấp trung lưu của nó nổi loạn. Tất nhiên một sự phân tích như thế là một cách tuyên bố về các lãnh đạo Algeria, nếu không thì khó mà được tha thứ.”

    Tờ báo trung hữu Frankfurter Allgemeine Zeitung viết:
    “Tunisia dưới chế độ Ben Ali đã trở thành một Belarus Bắc Phi. Các tổ chức nhân quyền báo cáo đều đặn về nhiều tù nhân chính trị của nước này, và sự đàn áp của chính phủ, mặc dầu những báo cáo ấy bị hòa tan đi trong nỗi lo lắng về nạn khủng bố xuyên quốc gia. Báo chí Tunisia chịu kiểm soát của chính phủ nhiều hơn bất kỳ phần nào khác của Maghreb[1].
    “Ben Ali muốn tố cáo những người biểu tình như những kẻ khủng bố và Hồi giáo cuồng tín. Ông ta dựa vào hy vọng rằng phần còn lại của thế giới sẽ ôn hòa chấp nhận điều ấy. Nhưng những bộ râu dài và những chiếc áo chòang lụng thụng hiếm thấy trong số những người biểu tình, chủ yếu gồm thanh niên, sinh viên và công nhân đang cố biểu thị sự thất vọng của họ đối với tình trạng đói nghèo, thiếu việc làm, thiếu nhà ở, nạn tham nhũng, thói cậy thân cậy thế và sự cai trị độc tài … không thể hy vọng (Ben Ali) đem đến cải cách dân chủ”

    Tờ báo bảo thủ Die Welt viết:
    “Quan sát vấn đề kỹ lưỡng hơn: những người biểu tinh không biểu thị ảnh hưởng đang lên của chính trị Hồi giáo. Sự phẫn nộ của quần chúng đã được châm ngòi từ những vấn đề xã hội cụ thể hơn: sự tăng vọt giá thực phẩm, và thiếu việc làm. Với tất cả bạo động đường phố của họ, tuổi trẻ Tunisia cho thấy họ không ham thích một chế độ theo kiểu Hamas hay Hezbollah. Điều này đúng cho tất cả các nước Maghreb từ Tunisia đến Morocco.”
    “Mặc dầu các vấn đề của Tunisia nghiêm trong như thế, có thể sẽ có nhiều tổn thất trong một cuộc đối đầu lớn (phương Tây) với chính phủ. Đã có những lời lớn tiếng kêu gọi tổng thống Ben Ali từ chức. Châu Âu nên tự kiềm chế không nên đứng về bên nào.”
    “Nên nhớ lại trường hợp nền độc tài của Franco của Tây Ban Nha. (Châu Âu ) từng bước bỏ rơi Franco lại đằng sau, và xã hội Tây Ban Nha - với một cuộc nội chiến trong quá khứ gần đây - thận trọng tiến lên. Cho dù chịu sức ép của đói nghèo trầm trọng và đàn áp, dân tộc ấy cũng chưa bao giờ làm một cuộc bạo loạn cháy rực. Ngày nay thành công của sự chuyển biến ('transición') Tây Ban Nha không còn phải bàn cãi. Những phương pháp này ngày nay cần được phát hiện lại vào lúc mà thời gian đã hết cho các chế độ độc tài nằm trên bờ đông và nam Địa Trung Hải. Tunisia có thể là kiểu mẫu của một cuộc 'transición' A rập.”
    Michael Scott Moore


    T2:
    Hiệu ứng Tunisia: Liệu cuộc “Cách mạng Đói” có lan rộng không?
    Angela Shah, Dubai
    TIME 16/01/11

    Nguồn: http://www.time.com/time/world/article/0,8599,2042736,00.html


    Người dân đổ xô vào mua bánh mì tại một cửa hàng ở Medina, Tunis hôm 16, tháng giêng 2011. Hàng chục người chen chúc tại một vài quầy hàng mở cửa ở chợ chính ở Tunis trong khi binh lính đi tuần trên đường phố nhưng tinh thần chung là phấn khởi sau khi lật đổ được nhà độc tài Zine El Abidine Ben Ali.
     Fethi Belaid / AFP / Getty Images
    Không có nhóm dân nào nhìn những sự kiện đang bộc lộ dần ra ở Tunisia gần hơn những sắc dân A rập, phần lớn họ sống dưới những chính phủ độc tài và đều đang cảm thấy cùng một cơn túng quẫn kinh tế của viễn cảnh ảm đạm về việc làm, và giá cả thực phẩm tăng cao. Ali Dahmash một nhà hoạt động đang điều hành một hãng truyền thông xã hội ở Amman, gọi nó là một “cuộc cách mạng đói.” Dahmash nói, “Cái này không phải chỉ là về chính trị và về việc có một loại tự do ngôn luận hay tôn giáo. Cái này xuất phát từ nỗi thất vọng. Nguyên nhân của nó là kinh tế.”
    Mishaal Al Gergawi, một bình luận viên của tờ Emirati và là một doanh nhân, đồng ý: “Người Tunisia và người Algeria đang đói. Người Ai cập và ngời Yemen theo sát sau chân họ.” ông viết hôm chủ nhật trong một bài bình luận trên một tờ báo Dubai. Ông nói đến người thanh niên Tunsia bán rau rong tự thiêu ở thành phố Sidi Bouzid cách đây mấy tuần để phản đối cảnh sát ngăn cản anh bán hàng, và từ đấy làm dấy lên cuộc bạo loạn. "Mohamed Bouazizi không tự thiêu vì không được viết blog hay không được đi bầu. Người ta tự thiêu vì họ không thể chịu nổi khi nhìn gia đình họ cứ từ từ lả đi không phải vì buồn mà vì đói lạnh.”
    Vào dịp cuối tuần, mạng xã hội Twitter bùng nổ vì những bài post từ thế giới A rập và những cộng đồng di cư của họ bằng tiếng Anh, Pháp và A rập. Họ hoan hô những người Tunisia phản kháng và đoán lãnh tụ A rập nào sẽ tiếp theo sau. Những bài post công khai kêu gọi trục xuất tổng thống Ai cập Hosni Mubarak hay lãnh tụ Libya Muammar Gaddafi. “Algeria thậm chí còn tệ hại hơn ở Tunis. Cảnh sát sẽ thật sự…ờ, hết sức độc ác” Dahmash nói. “Ở Ai cập, tổng thống đã tại vị 27 năm trong một tình trạng khẩn cấp [liên miên]. Với điều đó, họ có thể làm mọi chuyện trong nước.”
    Giống như Tunisia, Algeria và Ai cập có những nền kinh tế bệnh hoạn vì giá cả  thực phẩm cao và thiếu việc làm. Hôm chủ nhật, biểu tình phản đối nổ ra ở Libya mặc dầu có bài diễn văn của Gadhafi trách những người Tunisia biểu tình rằng họ thiếu kiên nhẫn, lẽ ra họ nên đợi tổng thống Zine El Abidine Ben Ali từ chức trong ba năm nữa, ông ấy đã hứa như thế. Trong đại sứ quán Tunisia tại Amman và Cairo, những người phản đối tập hợp để biểu thị sự thất vọng của họ trong khi ủng hộ phong trào ở Tunisia. Một bài post trên Twitter thậm chí còn khuyên hoàng hậu Rania của Jordan rằng bà nên đi kiếm lâu đài ở Jeddah - thành phố A rập Saudi bên bờ biển này là nơi tổng thống Ben Ali hôm thứ Sáu đã đến ở sau khi chạy trốn khỏi đất nước.
    Tuy nhiên, theo tất cả những gì đang diễn ra ở các thủ đô A rập và được nói toạc trên các trang mạng xã hội, một số người A rập vẫn còn ngại nói công khai về thay đổi chế độ trong thế giới A rập. “Các lãnh tụ đang thật sự tập trung chú ý vào vấn đề này,” một nhà quản trị Syri sống ở Dubai nói. “Họ đang suy nghĩ. Trời đất, làm sao mà chúng ta xoay sở được chuyện này?”
    Dahmash đồng ý. Ben Ali trốn khỏi Tunis hôm thứ Sáu, và sáng thứ Bảy, Dahmash nói, giá thực phẩm ở thủ đô Jordania đã giảm khoảng 5%. - có lẽ theo lệnh của chính phủ. Theo ý kiến tôi, sự giảm giá này nó nói nhiều hơn con số, nó là “một dấu hiệu của sợ hãi” ông nói.
    Những người Tunisia ngoài nước như Walid Cherif đang nhìn những sự kiện mở ra trong nước vừa phấn khởi lại vừa thiếu tin tưởng. “Nếu anh hỏi tôi trước đây mấy tuần, không một ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng điều này xảy ra.” Ông nói. “Tôi rất tự hào về nó.” Tuy nhiên ông không chắc rằng những sự kiện ở Tunisia có dẫn đến cuộc nổi dậy trong phần còn lại của thế giới A rập hay không. Tunisia vẫn luôn khác với các nước anh em A rập của mình, ông nói. “Tunisia được coi như một nước A rập tiến bộ nhất trên thế giới,” Chúng tôi là nước duy nhất trong thế giới Hồi giáo mà chế độ đa thê là bất hợp pháp. Điều ấy có xảy ra trong nước A rập nào khác không? Không.”
    Lúc này Tuniisa vẫn đang tìm một nhân vật mới để lãnh đạo nó. Từ khi giành được độc lập năm 1962 đến nay, nước này chỉ có hai lãnh tụ. Vào cuối tuần trước, nó có ba. Quân đội đã ban bố lệnh giới nghiêm từ chập tối đến sáng, và đã có báo cáo bạo lực xảy ra. Những cuộc nổ súng trong hai nhà tù đã giết chết hàng chục người. Mặc dù bây giờ đang hỗn loạn, Dahmash nói ông nghĩ cuộc bạo động sẽ dẫn đến một chính phủ ổn định, hợp pháp. Không giống như nhiều nước trong thế giới A rập, Tunisia có những thiết chế phát triển tốt. Nhân dân đã trưởng thành và được thông tin tốt”.
    Điều đó có thể sẽ giúp cho cái được gọi là “cuộc cách mạng hoa nhài” thành công, so với bất ổn và bạo lực đã lan tràn Iraq kể từ khi quân Mỹ buộc Saddam Hussein rời khỏi quyền lực. Cherif, lớn lên ở Tunis và rời Bắc Phi năm 1996 để đi học thạc sĩ ở đại học George Washington tại thủ đô Washington nói anh tin những sự kiện cuối tuần rồi là khởi đầu của một tương lai hòa bình, bao dung hơn trên đất nước anh. “Chúng tôi chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ có một tên độc tài trong tương lai, bởi vì dù ai lên làm tổng thống đều biết sức mạnh của nhân dân,” anh nói. “Nếu họ muốn là một chế độ kiểm soát toàn diện như trước, họ sẽ phải nghĩ về nó hai lần.”
    Dahmash, người đã sống ở Miami và Tampa và đã nhận được bằng thạc sĩ từ đại học Liên lục địa ở Ft. Lauderdale nói thế giới A rập muốn thay đổi. “Nhưng chúng tôi không muốn những thay đổi đến từ nước ngoài,” ông nói thêm. “Chúng tôi muốn những thay đổi đến từ trong nước.” Nhà quản trị người Syri, yêu cầu không nêu tên, đồng ý. “Cá nhân tôi có cảm giác rằng những sự kiện này là bắt đầu của nhiều cái khác sẽ đến.” Không may, ông nói thêm, “Nó sắp trở nên xấu hơn. Tôi đơn giản không tin những thay đổi đến như một sản phẩm phụ của hòa bình.”

                               ____________________________________________________
    T3:
    Tunisia báo động những kẻ chuyên quyền.
    Bài điểm báo của tờ SPIEGEL
    17/01/2011
    Nguồn:  http://www.spiegel.de/international/europe/0,1518,739915,00.html

    Ảnh: AFP
    Sự sụp đổ của Tổng thống Tunisia Ben Ali có lẽ đã vang dội khắp một khu vực ngự trị bởi các chế độ độc tài. Báo chí Đức ngày thứ Hai cho một cái nhìn về hàm ý của các sự kiện ở Tunisia và những đánh giá thất bại của phương Tây trong việc xử lý các chế độc chuyên quyền trong thế giới A rập.
    Điều bắt đầu như hành động tuyệt vọng của một người đàn ông  nản chí hồi giữa tháng 12 đã có tác động dội lại và gây ra những làn sóng chấn động xuyên suốt thế giới A rập.
    Tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali buộc phải chạy trốn khỏi đất nước hôm thứ Sáu vừa rồi dưới ánh chớp của cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại chế độ ông ta. Sự ra đi hối hả của con người đã thống  trị đất nước Bắc Phi này 23 năm qua sau những tuần lễ phản đối trên khắp đất nước, được châm ngòi từ cuộc tự sát của Mohamed Bouazizi ở thành phố Sidi Bouzid. Chàng sinh viên đã tốt nghiệp 26 tuổi bán rau quả đã tự thiêu ngày 17 tháng 12 vừa rồi sau khi cảnh sát tịch thu xe rau của anh. Anh đã chết ngày 4 tháng 1 và trở thành một người tử vì đạo, biểu tượng của nỗi thất vọng của thanh niên Tunisia với nạn thất nghiệp và nhà nước hà khắc.
    Khi những người phản đối kéo đến thủ đô, tổng thống dường như bỏ cuộc và đưa ra đề nghị từ chức sau cuộc bầu cử năm 2014. Điều ấy không đủ cho những người biểu tình và hôm thứ Sáu Ban Ali, biết rằng cuộc chơi đã tàn, đã cùng với vợ chạy trốn khỏi đất nước.
    Trong khi người dân Tunisia vui mừng vì tổng thống mất lòng dân đã ra đi, thì tương lai chưa thấy có gì chắc chắn. Cuối tuần rồi thấy có cướp bóc và đụng độ giữa các lực lượng đặc biệt của Tunnisia và đội cận vệ của vị tổng thống lưu vong. Hôm chủ nhật tình hình tương đối êm, nhưng không chắc liệu chính phủ lâm thời, gồm những thành viên của một chế độ đã quá mất lòng dân, có được chấp nhận hay không.
    Chiến lợi phẩm
    Thủ tướng Mohamed Ghannouchi  được chờ đợi loan báo một chính phủ đoàn kết dân tộc mới vào Thứ Hai, sẽ bao gồm một số nhân vật đối lập. Tuy nhiên, sáng Thứ Hai khoảng 1.000 người tập hợp ở thủ đô Tunis để đòi đảng cầm quyền RCD hoàn toàn rời bỏ chính quyền, họ hô to những khẩu hiệu như “Đả đảo đảng RCD!” và “Đả đảo đảng của chế độ độc tài!”
    Trong khi đó có những báo cáo rằng Ben Ali và vợ là Leila, hiện nay đang ở Saudi Arabia, mang theo một số lượng chiến lợi phẩm khi rời Tunisia hôm Thứ Sáu. Tờ nhật báo Le Monde của Pháp nói rằng theo tình báo Pháp, vợ tổng thống đã rút 1,5 tấn vàng trị giá 45 triệu €, từ nhà băng trung ương của nước này trước khi chạy trốn.
    Các nhà quan sát đang chờ xem liệu những sự kiện ở Tunisia có dẫn đến những cuộc nổi dậy khác của dân chúng trong khu vực này không. Ít nhất có bốn người Algeria đã tự thiêu trong năm ngày qua và vào hôm thứ Hai, một người đàn ông Ai cập cũng tự thiêu bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Cairo. Truyền thông đối lập và độc lập ở Ai cập đã vạch ra sự giống nhau giữa tổng thống Hosnai Mubarak, người đã cai trị nước này trong gần 30 năm, và Ben Ali.
    Báo chí Đức hôm thứ hai nhìn qua những sự kiện ở Tunisia và những hàm ý đối với khu vực này, trong khi nhiều bài xã luận đánh giá những thất bại của Phương tây trong việc xử lý tình trạng chuyên chế trong thế giới A rập.
    Từ báo trung hữu Süddeutsche Zeitung viết:
    “Các nhà cầm quyền trong khu vực này coi bản thân họ là những kẻ bất khả xâm phạm… Đó là lý do sự sụp đổ của tổng thống Tunisia là một hòn đá tảng trong lịch sử của thế giới A rập. Nó chứng tỏ cơn giận của quần chúng có thể làm rung chuyển những chế độ kiên cố nhất trong khu vực. Ben Ali, một người mà sự nắm chắc quyền lực dường như được bảo đảm, và gia đình ông ta đã vét kiệt đất nước một cách vô liêm sỉ, đã buộc phải chạy trốn. Người ta có thể  nghĩ tiêu cực đúng như thế về các tổng thống, các quốc vương và tiểu vương A rập khác: ngay cả nếu bản thân họ không tham nhũng cá nhân, thì các bộ trưởng của họ hay tùy tùng gia đình họ cũng tham nhũng.”
    “Những nước này còn có chung những vấn đề kinh tế. Có sự tăng nhanh dân số, với một nửa dân số từ tuổi 30 trở xuống. có sự thiếu việc làm và không gian sống, và số người đã tốt nghiệp đại học đang thất nghiệp đặc biệt cao. Các nước này chỉ biết dựa vào xuất khẩu dầu mỏ hoặc du lịch. Không có những nền kinh tế thật sự đa dạng.”
    Sau sự chấm dứt ô nhục của nền thống trị của Ben Ali, các chế độ độc tài A rập đã bị báo động. Chúng khó lòng có thể đợi cho đến khi những cuộc khủng hoảng kinh tế kéo nhân dân xuống đường. Tuy nhiên thay vì đối phó với những cải cách, chúng đang tăng cường đàn áp và đánh phủ đầu trước khi các công dân đang kinh tởm chế độ có thể tự tổ chức lại.”
    Tờ báo bảo thủ Die Welt viết:
    “Khi một chế độ sụp đổ, nó hiếm khi mang lại một ngày thật sự mới mẻ. Quá trình chuyển hóa từ một nhà nước độc tài thành một nhà nước dân chủ thường được thực hiện bởi những con người đã phục vụ chủ cũ. Trường hợp tốt nhất họ nắm được cơ hội lịch sử để trở thành những anh hùng… và sáng tạo ra những cấu trúc chính trị cho phép một thế hệ chính trị mới nổi lên. Hiện giờ vẫn chưa rõ Tunisia có đi con đường ấy không.”
    “Tuy vậy kinh nghiệm Tunisia vẫn có giá trị cho toàn khu vực. Nó là bằng chứng thực tế đầu tiên rằng một dân tộc có thể lật đổ một nhà độc tài bằng chính sức mình, hơn là, như ở Iraq năm 2003, nhờ người khác lật đổ hộ. Những tin tức này sẽ kích thích mạnh những người trẻ trong tất cả các nước của khu vực này.”
    Tờ nhật báo kinh doanh Handelsblatt viết:
    “Tin tốt từ Tunnisia là ở chỗ không phải những lực lượng chính thống Hồi giáo  đã đuổi Ben Ali khỏi quyền lực. Nhân dân Tunisia muốn tự do và dân chủ. Tin xấu là có quá ít các lãnh tụ chính trị có thể dễ dàng lấp khoảng trống mà chế độ sụp đổ để lại. Nguy hiểm chưa qua: Tunisia có thể hoặc rơi xuống tình trạng vô chính phủ và hỗn loạn hoặc đi lên một con đường gay go gian khổ để thành một nền dân chủ A rập.”
    “Đất nước này cần sự trợ giúp để đi lên con đường đó - đặc biệt từ những nước như Pháp, là nước nhiều năm đã nhắm mắt trước tình hình trong các nhà nước Maghreb. Họ có thể cung cấp viện trợ kinh tế và giúp đỡ chính trị cho một xã hội sẽ không còn tự trình bày ra thế giới bên ngoài như là một nhà nước ổn định nhưng trong nước thì thi hành đàn áp.”
    “Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói thẳng: các nhà nước A rập sẽ chỉ có một tương lai nếu chúng tự dưạ vào sức mình loại bỏ tham nhũng và đàn áp. Không phải tất cả các nước này đều giầu có của cải như các nước vùng Vịnh. Tuy nhiên, tất cả các nước ấy có khả năng đưa vào các cải cách.  Nếu họ không làm thế, thì nỗi thất vọng của thế hệ trẻ sẽ lớn lên, và các tổ chức Hồi giáo và khủng bố sẽ thấy ngày càng dễ dàng tuyển mộ ở đó. Phương Tây không được để cho điều ấy xảy ra. Và Tunisia có thể chứng tỏ cho một khu vực không ổn định thấy thay đổi có thể thành công như thế nào.”
    Tờ Financial Times Deutschland viết:
    “Những sự kiện ở Tunisia sẽ cho những người ở Phương tây đã từng hậu thuẫn các chế độ độc tài A rập thời gian nghỉ để suy nghĩ. Các nhà ngoại giao nhận thức đầy đủ về sự sụp đổ của Ben Ali - các nhà ngoại giao Hoa Kỳ thậm chí còn cảnh báo về sự bất mãn của xã hội đang lớn lên. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu quá vội cho rằng kẻ thay thế duy nhất các nền thống trị độc tài sẽ là những nền chính trị thần quyền Hồi giáo.
    “Ben Ali chẳng hạn, được hưởng lợi từ cuộc nội chiến trong nước Algeria láng giềng vào những năm 1990. Chừng nào tổng thống Tunisia ngăn ngừa được sự bành trướng của các phần tử Hồi giáo trong nước của ông ta thì ông ta còn có thể muốn làm gì thì làm. Phần còn lại của thế giới để yên cho ông ta bởi vì họ nhầm tưởng đàn áp là ổn định.”
    “Tuy nhiên sẽ không có nguy hiểm trong việc cho phép Tunisia thử nghiệm dân chủ. Ở đó hầu như không có phong trào Hồi giáo nào, nền kinh tế liên kết chặt chẽ với châu Âu, và xã hội có mức độ bao dung cao, như được biểu hiện ở trình độ bình đẳng cao đối với phụ nữ. Nước này lẽ ra đã  có thể làm thành một tấm gương  cho phần còn lại của thể giới A rập”
    Tờ báo trung hữu Frankfurter Allgemeine Zeitung  viết:
    “Từ quan điểm của người Tunisia, Paris là thủ đô của châu Âu. Tuy nhiên lãnh đạo Pháp chỉ khuyến khích những người biểu tình trong yêu sách của họ đòi dân chủ sau khi Ben Ali đã bỏ trốn. Mặc dầu việc can thiệp vào các thuộc địa cũ có thể có kết quả ngược với mong đợi, Paris có thể đã tìm thấy các biện pháp để củng cố xã hội công dân Tunisia và đối lập chính trị vào thời gian thích hợp. Những người cũ của cái chế độ tàn tạ này càng nhanh chóng tổ chức một cuộc bầu cử trình diễn trông giống như một nền dân chủ thì các lực lượng tự do sẽ càng khó hình thành đúng lúc. Người Tunisia có thể tự hào về bản thân rằng đã đạt được những điều mà châu Âu khó có thể mong ước. Hy vọng rằng sự trợ giúp của châu Âu đang đến trong giai đoạn quyết định này không phải là quá muộn.”
    Tờ báo thiên tả Die Tageszeitung viết:
    “Các nền độc tài và quân chủ A rập có lý do để lo lắng rằng cuộc nổi dậy ở Tunisia có thể tạo hứng bắt chước. Dù sao đối tượng của họ phải chịu cùng những vấn đề như người Tunisia: thất nghiệp, giá cả tăng, tham nhũng, chuyên quyền chính trị và thiếu tự do ngôn luận.”
    “Phần lớn các chính khách châu Âu bị bất ngờ về cuộc nổi dậy Tunisia. Họ phải mất một thời gian mới cố gắng động viên những người phản đối. Đã quá lâu châu Âu và Mỹ coi những nhà độc tài thế tục của A rập như.. ít xấu xa hơn. Chừng nào mà họ còn hứa kiểm soát được những người Hồi giáo trong nước họ hay ngăn được làn sóng di dân tị nạn đến châu Âu, thì chừng đó họ còn được giúp đỡ. Có rất it mong muốn biết chính xác những phương pháp nào được dùng để đảm bảo điều đó.”


                                                      *********************************

    T4:

    Tunisia: không phải hiệu ứng Domino, mà là một thế lưỡng nan của Hoa Kỳ

    Tunisia: No Domino Effect, but a U.S. Dilemma over Arab Democracy

    Tony Karon

    TIME. 18/01/ 2011

    Nguồn:

    http://www.time.com/time/world/article/0,8599,2042936,00.html?xid=newsletter-daily

    Một người Tunisi thất nghiệp hạ một bức ảnh cựu tổng thống Zine el Abidine Ben Ali ngày  1701/2011
    Ảnh: Fethi Belaid / AFP / Getty Images


     “Vâng, chúng tôi có thể!” một áp phích do một người phản kháng mang tuần trước nói thế, nhiều giờ trước khi anh và những người bạn dành được một thắng lợi tưởng chừng không thể có, buộc tổng thống độc tài Zine el Abidine Ben Ali chạy trốn khỏi đất nước. Niềm tin của những người phản kháng rằng đứng lên chống lại nhà cầm quyền xơ cứng có thể đem lại những thay đổi chính trị đã gửi một thông điệp ớn lạnh đến các lãnh đạo của Ai cập, Libya, Jordan, Syria và các chính phủ A rập khác thống trị bởi các nền độc tài kéo dài nhiều thập kỷ. Giống như tất cả các chế độ này, Tunisia từ lâu đã dựa vào lực lượng an ninh của nó để làm khiếp sợ những ai có khả năng thách thức nó, nhằm bắt họ khuất phục, và sự sụp đổ của nó đã cho thế giới một thí dụ giật nảy người đầu tiên về một cuộc nổi dậy A rập thành công trong thời hiện đại, khiến ta suy đoán một hiệu ứng đôminô trong khắp khu vực này.

    Ngay cả trước sự sụp đổ nhanh như chớp của Ben Ali - mặc dầu không nhất thiết là cả chế độ của ông ta - đã có những cuộc biểu tình về giá thực phẩm tăng ở Ai cập, Jordan và Algeria. Những sự kiện Tunisia đã được kích thích bởi những cuộc biểu tình nhỏ nhưng sôi động ở Ai cập. Và thậm chí đã có những báo cáo về những người tự thiêu ở Algeria, Mauritania và Ai cập để phản đối các chính phủ của họ, theo gương hành động của một người Tunisia thất nghiệp mà sự hy sinh của anh tháng trước đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy trong nước anh. Tuy vậy, cho dù nhiều công dân ở những nơi khác nữa có thể làm theo, thì một sự sụp đổ đôminô của các nền độc tài A rập vẫn có vẻ sẽ không xảy ra.
    Sự sụp đổ của các chế độ chuyên quyền có xu hướng đến như một sự ngạc nhiên - một tính toán sai của những kẻ trong chính quyền về quy mô cơn giận dữ của dân chúng; việc toàn thể công dân sẵn lòng chống lại các phương pháp kiểm soát từ trước đến giờ; và, quan trọng hơn cả, việc các lực lượng an ninh sẵn lòng giết đồng bào mình để bảo vệ chế độ. Tunisia, nếu có  đặt những chế độ như Ai cập, Jordan và Syria trong tình trạng báo động tăng cao về những nguy cơ do những bất bình về kinh tế lan rộng, làm cho chúng sớm hành động để tháo ngòi nổ tình trạng căng thẳng ấy. Các quan chức Ai cập trong cuối tuần qua đã nói về tăng tiền trợ giá thực phẩm để giảm nhẹ gánh nặng cho người nghèo. Và các lực lượng an ninh Ai cập, Jordan và Syria có lẽ ý thức hơn đồng nghiệp của họ ở Tunisia về chuyện họ đang ngồi trên thùng thuốc nổ.
    Quả thật tuần này đúng là một thời điểm cơ hội cho những yếu nhân trong các lực lượng an ninh của các chế độ độc tài A rập tìm kiếm tăng lương thăng cấp. Thành phần chủ chốt trong bước ngoặt tuần qua ở Tunisia là các lực lượng an ninh, hay phần lớn họ, đã từ chối bắn vào đồng bào để bảo vệ chế độ gia đình trị. Các chế độ độc tài vốn yếu một khi những thất vọng về kinh tế khiến các công dân của nó vượt qua nỗi sợ đối mặt chính quyền. Khi các binh lính được đưa đến các đường phố để bắn vào dân chúng, họ nhận ra những hàng xóm láng giềng của họ, thì lòng trung thành còn đâu chắc chắn nữa. Và điều đáng sợ là ở Tunisia, tầng lớp sĩ quan đã sẵn sàng tìm một chỗ đứng trong chính phủ mới một khi chủ nghĩa cánh hẩu của kẻ thống trị đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy của quần chúng. Kịch bản ấy nên dành cho tổng thống Ai cập một khoảng lặng để suy nghĩ, nếu, như nhiều người đoán, nhà độc tài 82 tuổi này đang mưu mô đặt Gamal con trai ông ta làm người kế vị - một động thái sẽ phá vỡ truyền thống của chế độ độc tài này thường chọn các lãnh đạo của nó từ hàng ngũ những sĩ quan cao cấp trong quân đội.
    Mặc dù vậy, Tunisia không có vẻ kéo theo những cuộc nổi dậy bắt chước, vì nhiều lý do khác nhau có thể phân nhóm theo nguyên tắc là tình hình chính trị ở mỗi nước, cho dù có nhiều chỗ giống nhau, vẫn có những điều kiện đặc thù tạo dễ dàng hay ngăn cản một cuộc nổi dậy thành công. Nhưng ngay cả trước cuộc nổi dậy Tunisia, các điềm báo là khắc nghiệt cho sự tồn tại của trật tự chính trị độc tài trong thế giới A rập  - cả những chế độ có liên hệ mật thiết với Mỹ, như Ai cập và Jordan, cũng như những chế độ trước nay vẫn thù địch, như Syria và Libya.
    Cảnh báo rằng sẽ là qúa sớm nếu nhìn Tunisia như một thời điểm của bức tường Berlin đối với thế giới A rập, nhà phân tích Rami Khouri gốc Beirut so sánh nó với sự nổi dậy chống chế độ cộng sản Ba lan do phong trào công đoàn Đoàn kết lãnh đạo năm 1980. Trong khi chế độ Ba lan sống sót, rung chuyển, trong chín năm nữa, cuộc khởi nghĩa Đoàn kết bắt đầu đếm ngược thời gian cho những năm cuối cùng của các chế độ vệ tinh của Liên xô ở Đông Âu. “Như đã xảy ra với một công đoàn thợ điện không ai biết đến ở một nhà máy đóng tàu ở Gdansk năm 1980, một thập kỷ sau đó vẫn còn cần nhiều năm nữa để chuyển hóa hoàn toàn một hệ thống chính trị hoàn chỉnh.” Khouri viết trên tờ Financial Times hôm thứ Hai, “Tôi ngờ tác động của Tunisia lên thế giới A rập cử nhạc tiễn đưa chính nó một cách tương tự …Sự chuyển đổi của phần lớn trong những nước A rập còn lại rất có thể theo sau, một cách ít kịch tính hơn - nhưng nhất định sẽ xảy ra.”

    Và điều đó chắc chắn biểu hiện một cuộc khủng hoảng chính sách của Hoa Kỳ đối với thế giới A rập. Trong khi tổng thống Obama chào mừng sự can đảm của nhân dân Tunisia, chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ ở Trung Đông tiếp tục dựa vào các nền độc tài thiếu tính hợp pháp phổ cập. Mặc dù thúc đẩy cải cách, Washington đã bộc lộ một thái độ do dự rất dễ thấy đối với vấn đề dân chủ của A rập, nền dân chủ trong phần lớn các nước A rập tạo ra các chính phủ ít liên hệ mật thiết với Washington hơn nhiều nước độc tài. Năm 2006 chính quyền Bush đã ép nhà cầm quyền Palestin tổ chức những cuộc bầu cử dân chủ, nhưng khi lực lượng Hamas thắng một cách thuyết phục, thì bản thân Washington trái ngược với chính mình, vẫn khăng khăng rằng tổng thống Mahmoud Abbas không đếm xỉa đến phán quyết của cử tri và áp dụng nhiều thủ đoạn độc tài mà Hoa Kỳ lấy đó để trừng phạt Yasser Arafat.
     Nhiều nhà phân tích cho rằng sự thiếu vắng một phần tử Hồi giáo công khai trong các sự kiện ở Tunisia đã làm cho chúng có vẻ ít đe dọa hơn với Hoa Kỳ. Có thể, nhưng cái ý tưởng cho rằng nền dân chủ Tunisia có thể thoát khỏi dòng Hồi giáo cực đoan cũng là quá sớm, vẫn còn cần chờ xem điều gì sẽ xảy ra khi một chế độ mới cởi mở hơn dành cho các phần tử Hồi giáo cực đoan một không gian chính trị mà Ben Ali đã từ chối họ. Nhưng ở những nước như Ai cập và Jordan, được coi là chủ chốt đối với các mối quan tâm về an ninh của Hoa Kỳ ở khu vực này, bất kỳ cuộc nổi dậy nào của dân chúng - hay những thách thức bầu cử dân chủ thực sự - sẽ có thể bị dẫn dắt bởi các phần tử Hồi giáo cực đoan, và  Hoa Kỳ có thể sẽ đóng một vai trò tiên phong hơn trong việc tìm cách đảm bảo cho những chế độ đó làm những gì cần thiết để sống còn.
    Ngoại trưởng Hillary Clinton tuần trước đã trách các đồng minh độc tài của Hoa Kỳ về yêu cầu cải cách khẩn cấp, cảnh báo rằng “Ở quá nhiều nơi, bằng quá nhiều cách, các tổ chức khu vực đang rúc đầu vào cát.” Nhưng những nhà lãnh đạo này đang trông mong ở việc Hoa Kỳ tiếp tục hậu thuẫn họ dựa trên sự ủng hộ của họ đối với chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trong khu vực này. Dù sao, ngay cả ở Iraq, nơi hàng nghìn mạng sống và hàng trăm tỉ đô la đã được đầu tư vào việc thay đổi chế độ, dẫn đến chính phủ được bầu ra một cách dân chủ gần gũi với Iran hơn với Washington. Điều mà Tunisia nhấn mạnh hơn hết mọi thứ, là tình trạng yếu kém nghiêm trọng về cấu trúc của một trật tự A rập độc tài đã tỏ ra tin cậy về chính trị vào chiến lược khu vực của Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ, đang để cho Washington rơi vào thế kẹt giữa sức đẩy tới dân chủ và nỗi sợ những hậu quả của nó.


    Bài liên quan: Hiệu ứng Tunisia: Liệu cuộc “Cách mạng Đói” có lan rộng không?
    http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=14832&LOAIID=34&LOAIFID=5&TGID=1303


    T5: 
    Những người Islamists từng bị đàn áp đang nổi lên lại như thế nào
    Rania Abouzeid / Tunis
    TIME. 21/01/ 2011
    Nguồn: http://www.time.com/time/world/article/0,8599,2043839,00.html?xid=newsletter-daily


    Tín đồ Hồi giáo đang cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Masra, Bắc Tunisia
    Ảnh: FETHI BELAID / AFP / Getty Images

    Seif al-Aam, với cặp kính không gọng, bộ áo quần lính thủy sọc nhỏ, cà vạt đen và áo choàng len dài đến đầu gối, trông giống một ông chủ nhà băng hơn là một người Islamist[2] tự nhận khi anh bước ra khỏi nhà thờ [Hồi giáo] Al-Quds sau buổi cầu nguyện tối trong vùng LaFayette Belvedere lân cận Tunis. Những người Islamist Tunisia, từ lâu đã bị đánh đến phải qui thuận hoặc bị đẩy đi khỏi quê hương bởi nhà độc tài nay đã bị hạ bệ Zine El Abidine Ben Ali, không thuộc mẫu râu dài, mặc dishdasha [áo dài của người Hồi giáo A rập] thường thấy khắp vùng Trung Đông. Nhưng anh là một tín đồ đích thực.
    “Tôi là một người Islamist. Tôi sinh ra đã là Islamist và bây giờ vẫn là Islamist. Nhưng tôi không phải là kẻ khủng bố,” Aam nói, bên ngoài thềm nhà thờ khi một nhóm đàn ông tụ tập quanh anh và xô đẩy nhau để được nói. Aam là một kỹ sư xây dựng, bị tù từ năm 1995 đến 2001 vì là thành viên của Ennahdha, đảng Islamist bị cấm bởi Ben Ali với cáo buộc cố gắng thành lập nhà nước Hồi giáo chính thống trong nước Tunisia hoàn toàn thế tục. Aam nói hôm nay là lần đầu tiên anh được cầu nguyện tự do ở nhà thờ địa phương của anh, mà không sợ bọn công an mặc thường phục có mặt khắp nơi, tai mắt của chế độ chuyên quyền bạo ngược.

    Khi người Tunisia đang say sưa trong tự do mới tìm được, những người Islamist bị đàn áp từ lâu, giống như mọi người khác, đang cố gắng hình dung xem họ có thể và muốn có vai trò gì trong nước Tunisia mới. Các lãnh tụ của Ennahdha - kể cả người sáng lập đảng này là Rachid Ghannouchi, lưu vong và đang đợi trở về từ London -  đã nhanh chóng vứt bỏ những nỗi sợ hãi đeo đẳng, nói chi đến áp đặt một quan điểm Islamist cực đoan.
    Nhiều người Tunisia được TIME phỏng vấn trong tuần lễ sau sự sụp đổ ngoạn mục của Ben Ali, nói rằng có chỗ cho tất cả mọi người, miễn là chương trình nghị sự chính trị của họ rõ ràng.
    “Chúng tôi không muốn sống dưới một chế độ độc tài mới cho dù nó tuyên bố được tín nhiệm như trời,” Amene một sinh viên đại học 22 tuổi nói, cô đã đi biểu tình phản đối trên đại lộ Habib Bourguiba hàng ngày trong nhiều tuần. Chiếc khăn keffiyeh xọc đen trắng, biểu tượng của người kháng chiến Palestin, quấn quanh cổ, cô sinh viên chuyên ngành Hoa ngữ này nói cô không muốn những người Islamist đứng bên lề. “Trái lại, tôi nghĩ mọi người có thể được đại diện, nhưng chúng tôi muốn có những cuộc bầu cử thật và công bằng.” (Ý tưởng mới bắt đầu và không có gì ràng buộc, được củng cố ngày Thứ Sáu khi Thủ tướng Mohamed Ghannouchi nói ông sẽ ra khỏi chức vụ và rời bỏ chính trị ngay khi những cuộc bầu cử mới được tổ chức.)
    Trong một bài thuyết giáo 30 phút, thầy tế của nhà thờ [Hồi giáo] Al-Quds hối thúc các tín đồ hãy tận dụng “thay đổi đang diễn ra này” và đi bầu cử. Ông không nói ông sẽ bầu cho ai, những nhắc nhở rằng cơ hội này không nên phí phạm. “Tương lai của chúng ta nằm trong tay chúng ta,” ông nói. Các chế độ [A rập] không muốn chúng ta thắng lợi, họ muốn chúng ta thất bại để họ có thể nói với nhân dân họ rằng “hãy nhìn xem Tunis thất bại như thế nào.” Chúng ta phải chấp nhận nhau và đoàn kết, vì trong đoàn kết có sức mạnh. Đây là đất nước của chúng ta.”
    Hàng trăm người từ Nhà thờ Al-Quds tràn ra hôm thứ Sáu, nhiều người mày râu nhẵn nhụi trong những bộ com lê là thẳng cứng, những người khác với những bộ râu cằm dài và không ria mép, tất cả đều hăm hở nhấn mạnh đoàn kết dân tộc, và cảnh báo chống những âm mưu gây chia rẽ. “Tunisia cần mọi người con của nó, ngay cả những người ở RCD,” Rida, 32 tuổi, gọi tên đảng cầm quyền Tập hợp Dân chủ Hợp hiến (Constitutional Democratic Rally) bằng những chữ tắt. “Chúng ta không có chủ nghĩa cực đoan, người ta cứ thích chụp mũ làm người khác sợ” Shawki, 34 tuổi nói. Tuy nhiên, anh nói tiếp với một quan điểm có thể khiến một số người Tunisia phải suy nghĩ. “Thượng đế đã cho chúng ta hiến pháp của chúng ta, kinh Koran. Hãy cho tôi Koran và Sunna [những lời dạy của đấng Tiên tri],” anh nói.
    Những người thờ cúng kêu rằng trong một mưu toan kiềm chế ảnh hưởng của các nhà thờ Hồi giáo, Ben Ali đã hạn chế thời gian hoạt động của các nhà thờ này xuống 30 phút mỗi ngày, năm lần trong một ngày trong những thời gian cầu nguyện. Abdel Kouki, 57, nói ông muốn “giải phóng các nhà thờ Hồi giáo.” Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush chịu trách nhiệm về việc gieo rắc nỗi sợ đối với đạo Hồi, ông nói, một quan điểm mà Ben Ali đã nhiệt tình quảng bá để kìm các đối thủ của ông ta. “Chúng tôi không phải là những kẻ khủng bố lạc hậu.” Kouki nói. Những người Hồi giáo không cần phải có đôi mắt xanh để là hiện đại.”
    Chính phủ lâm thời đã công bố lệnh đại xá cho các tù chính trị, lệnh này sẽ cho phép những người lưu vong chính trị trở về. Aam, kỹ sư xây dựng, nói những người Isalmist cũng phải tha thứ cho những kẻ đã hành hạ họ. “Tôi đã bị tra tấn và phải ngồi tù, nhưng tôi xin nói với anh là có rất nhiều người tốt trong lực lượng cảnh sát,” anh nói, nhắc đến bộ máy an ninh được coi như một cánh tay của chế độ. Những kẻ phạm tội thì cần bị xử lý, nhưng cũng có những người tốt. Chúng ta không được quên điều đó.”


             
                                _________________________________________________________






     T6



    Tự do bừng nở trên đất nước Tunisia
    Ban nước ngoài - Washington Post -
    24/01/ 2011; 12:36 AM

    Nguồn:  http://www.washingtonpost.com/wpdyn/content/article/2011/01/23/AR2011012304126_3.html?wpisrc=nl_headline


    Bạo loạn ở Tunisian:Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali bị truất khỏi quyền lực và chạy trốn khỏi đất nước ngày 14 tháng Giêng, sau 23 năm thống trị bằng bàn tay sắt, khi nhân dân phẫn nộ về nạn thất nghiệp và tham nhũng tràn ra đường phố.



    TUNIS- Hôm kia công nhân đột chiếm nhà máy đóng tàu quốc doanh. Trong nhiều thập kỷ, họ sống lặng lẽ trong nghèo khổ trong khi những ông chủ của họ, tất cả đều là đảng viên của đảng cầm quyền, lái những chiếc xe hơi đắt tiền và sở hữu những biệt thự.
    Nếu chỉ cách đây mười ngày, cảnh sát chắc sẽ dập tắt cuộc nổi dậy mini này và bắt giam họ. Bây giờ là một trật tự mới. Vung cao những nắm đấm, công nhân buộc tội chủ tịch công ty tham ô và đòi ông ta từ chức.
    Khắp cả nước, người Tunisia đang trải qua một thời kỳ tự do nở hoa sau một cuộc nổi dậy của nhân dân đuổi cổ tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali khỏi quyền lực ngày 14, tháng Giêng, kết thúc ách thống trị độc tài của ông ta. Nhiều người đang nói lên những tư tưởng những suy nghĩ của mình sau gần một phần từ thế kỷ sống trong sợ hãi. Những người khác, lần đầu tiên trong đời họ, đang đòi công bằng cho những người bà con của họ bị giết bởi chế độ.
    Niềm hạnh phúc lớn bị giảm đi do những băn khoăn lo lắng vì tương lai của họ vẫn chưa chắc chắn. Những cuộc biểu tình vẫn diễn ra hàng ngày ở thủ đô để đòi chính phủ lâm thời thanh trừng tất cả các đảng viên của đảng của Ben Ali. Phe đối lập còn yếu và chia rẽ, một số người sợ các lực lượng vũ trang đã từng ủng hộ tổng thống có thể gây rắc rối.
    Trong cuộc trừng trị những đồng minh chủ chốt của Ben Ali, cảnh sát hôm Chủ nhật đã bắt quản thúc hai quan chức cao cấp và bắt giữ người đứng đầu một đài truyền hình tư nhân nổi tiếng bị buộc tội đã làm chậm bước tiến của đất nước đến dân chủ.
    Nhưng bây giờ, it nhất thì nhiều người ở đây đang có cái tự do mà họ từng nghĩ họ sẽ chẳng bao giờ có được.
    “Chúng đã ăn cắp tiền của đất nước. Chúng nó là mafia. Công ty tôi giống như một ví dụ nhỏ về những gì tồi tệ xảy ra với Tunisia.” Sofiyan Abu Sami, một trong những công nhân đã bỏ việc ngày hôm kia, nói. Một số người mang áp phích ghi “Nói không với tham nhũng.”
    “Bây giờ, cuối cùng chúng tôi đã có thể nói điều chúng tôi nghĩ,” anh nói.
    Dưới thời Ben Ali, Tunisia được phương Tây coi là một đất nước kiểu mẫu trong thế giới A rập, ôn hòa, tương đối giàu, và thế tục. Lãnh tụ độc tài, kẻ chiếm chính quyền năm 1987, đã dập tắt phong trào Hồi giáo cực đoan; ông ta là đồng minh của Mỹ trong chiến tranh chống khủng bố trong khu vực, nơi bị bọn al-Qaeda xâm nhập.
    Ben Ali ngự trị trên một quang cảnh đàn áp và tham nhũng. Các nhà báo bị kiểm duyệt, bị tấn công và theo dõi bởi cơ quan tình báo của ông ta. Những tiếng nói phê phán bị chặn họng.
    Gia đình ông ta sở hữu hơn một nửa số công ty ở Tunisia, bao gồm các ngân hàng, khách sạn, và các công ty bất động sản. Hối lộ và các mối quan hệ tốt với chính phủ là con đường dẫn đến công việc béo bở và thăng quan tiến chức.
    Trên đường phố, các cửa hiệu, và  các công sở, ảnh Ben Ali treo khắp nơi, và khắp nơi là công an mật vụ.


    Trong nhiều năm, Mohamed Nasrallah, người đã từng bị tù vì ủng hộ một nhóm đối lập, bị buộc phải treo một tấm ảnh lớn của Ben Ali trong tiệm ăn của ông gần đại lộ Habib Bourghiba, trung tâm bão tố của các cuộc biểu tình, đại lộ này chạy vòng qua khu thương mại sầm uất của thành phố Tunis. Dỡ tấm ảnh xuống có nghĩa là các thanh tra của thành phố sẽ ghé thăm, sẽ có các khoản phạt nặng, thậm chí bị cảnh sát mật đánh đập.
    Nhưng sau khi Ben Ali chạy trốn sang Saudi Arabia, Nasrallah lấy tấm ảnh ra khỏi khung và quẳng nó vào lửa. “Giống như tôi được sinh ra một lần nữa,” anh nói.

    Cách đó một khối nhà, Radhiya Mishirsi trước đây lo sợ rằng cảnh sát sẽ mắng chửi cô khi cô đội một chiếc khăn trùm đầu. Hôm thứ Sáu, cô đứng gần một nhóm cảnh sát và tuyên bố rằng cô sẽ trùm kín mặt, chỉ để lộ ra hai con mắt. Những người cảnh sát gật đầu và mỉm cười.

    Trong khắp thủ đô, những mẩu chuyện tiếu lâm về Ben Ali trước đây bị cấm thì bây giờ lan truyền công khai. Có một chuyện thế này: Ben Ali trở về Tunisia và ghé vào một tiệm giày. Người bán hàng đem cho ông ta một đôi: “Sao ông biết cỡ của tôi?” Ben Ali hỏi.
    “Chúng tôi đã nằm dưới gót giày của ông 23 năm rồi” người bán giày trả lời. “Nên tất nhiên tôi biết cỡ chân ông.”

    Trên Đại lộ Bourghiba, Mohamed Dhakar mang một biểu ngữ nêu một khẩu hiệu mới cho dân tộc: “Trước hết là nhân dân. Tự do. Các quyền con người. Công bằng.”
    “Tôi không theo đảng nào cả” Dhakar hét lên. “Tôi vì Tunisia.”
    Sự xuất hiện của anh thu hút một đám đông người và gây ra một cuộc tranh luận ngẫu hứng.
    “Chúng tôi phản đối công an mật. Tất cả chúng tôi muốn họ mặc đồng phục vào,” một người gào lên.
    “Nếu chính phủ đang đóng trò, nhân dân sẽ tống họ đi như đã làm với chính phủ cũ.” Một người khác hét.
    Những người cộng sản, những người xã hội chủ nghĩa và những người vô thần đang dàn dựng những cuộc biểu tình ở khu thương mại trong ngày hôm nay. Các nhóm đối lập trước đây bị cấm và bị chính phủ cũ quấy nhiễu. Hôm thứ Sáu, hơn 1000 người Islamist đã biểu tình tuần hành qua đại lộ, kêu gọi thành lập một chính phủ đại nghị. Một nhóm người từ một vùng nông thôn nghèo nàn cằn cỗi ở nam Tunisia đi phân phát những cuốn sách mỏng đòi có nhiều công việc hơn và phát triển ở địa phương họ.
    Một số người tung những lời chửi bới vào mặt cảnh sát mà trước đây họ vẫn sợ hãi.
    “Đúng là có Trời,” một người đàn ông quát vào mặt mấy người cảnh sát. “Đúng là có Trời để bảo vệ sự thật. Làm sao các người có thể giết chính nhân dân của mình?”

    Sueda Guesmi cũng đang hỏi câu hỏi đó. Bà nói con trai bà bị kết tội bán rượu lậu và bị bỏ tù mà không xét xử. Mấy tuần sau, người ta bảo bà rằng anh ấy đã chết trong trại giam.
    “Tôi muốn biết vì sao con tôi bị giết,” Guesmi nói, “Tôi đòi công bằng cho nó.”


    Viết không sợ hãi

    Tại bộ Thanh nên và Thể thao, khoảng hơn 300 nhân viên yêu cầu bộ trưởng, một tay chân của Ben Ali, phải cuốn gói cùng với bộ sậu của ông ta. Ông ta chấp hành. Khi người đứng đầu bộ máy điều hành của ông ta rời khỏi tòa nhà, các nhân viên vỗ tay rầm trời.
    “Cách mạng muôn năm! Tunisia muôn năm!” họ hô.

    “Chúng tôi đang bác bỏ chính phủ mới này,” Rauda Assel, một nhân viên đứng bên ngoài tòa nhà nói. “Đây không phải là lúc anh ngồi lên chiếc xe bộ trưởng của anh và thi hành trách nhiệm của anh, mà là lúc sát cánh với nhân dân vì sự nghiệp chính nghĩa.”

    Các nhân viên chỉ định một ủy ban ba người từ trong hàng ngũ của họ để điều hành bộ cho đến khi, họ nói, hình thành một chính phủ mới thỏa mãn họ.

    Tại tòa báo La Presse, tổng biên tập của nó, người được chính phủ cũ bổ nhiệm, cũng phải từ chức. Một ủy ban biên tập tiếp quản. Cách đây mười ngày, họ đăng những tuyên truyền chính thức do hãng thông tấn của nhà nước phát. Trên trang nhất, họ luôn luôn đăng một bức ảnh Ben Ali. Họ viết những bài báo xu nịnh về Besma -Nụ cười - một quỹ từ thiện do vợ ông ta, Leila Trabesi, điều hành.

    “Nó là một màn khói che đậy tham nhũng của đệ nhất gia đình này,” Hmida Ben Romdhane, một biên tập viên nằm trong ủy ban hiện đang điều hành tờ báo, nói. Trước cách mạng, chúng tôi không đăng tin tức. Chúng tôi chỉ đăng những tin giả. Chế độ ngăn cấm mọi mưu toan viết sự thật.”

     Bây giờ, lần đầu tiên trong đời họ, 50 nhà báo của tờ La Press đang viết mà không sợ hãi.
    Ảnh của Ben Ali không còn đăng trên trang nhất nữa - trừ khi nó đi kèm một bài báo chỉ trích về những quá quắt của chế độ. Tuần trước, la Press đăng một câu chuyện về việc Thụy sĩ đóng băng các tài sản của Ben Ali.

    Ben Romdhane nói các phóng viên của ông sẽ sớm lập kế hoạch điều tra về tham nhũng và đàn áp của chế độ cũ. “Chúng tôi đã biết thế nào là tự do và làm việc trong không khí tự do này,” ông nói.

    Giọng nói của ông đầy cảm xúc khi ông nói về thay đổi sâu xa trong phòng tin tức và trong cuộc đời ông.

    “Tôi năm nay 59 tuổi, và tôi đã thấy chỉ một tổng thống duy nhất. Tôi đã trải qua hai nền độc tài,” ông nói. “Tự do mà chúng tôi giành được là một thứ tự do mà nhân dân áp đặt lên hệ thống chính trị. Tự do này, tôi nghĩ, sẽ lâu dài.””
    “Đây là một kỷ nguyên mới.”



    T7 

    Say sưa với Tự do: Tái phát hiện Tunisia với tốc độ kỷ lục

    Mathieu von Rohr và Volkhard Windfuhr /Tunis

    SPIEGEL
    Nguồn: http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,741278,00.html
    24/01/2011


    Người Tunisia đang say sưa với tự do mới tìm thấy của mình. Các phương tiện thông tin đại chúng đang đưa những tình cảm bị đè nén từ lâu, trong khi các nhà hoạt động đang thành lập các đảng mới, thanh niên lao vào các cuộc tranh luận sôi nổi trên các góc phố. Nhưng đất nước đang gặp thách thức lơn trong cố gắng trở thành một nền dân chủ hiện đại. 

    Mười tám người cả nam lẫn nữ làm thành một nhóm, kẻ đứng người ngồi. Họ đang tổ chức một trong những cuộc họp ban biên tập đầu tiên từng được tổ chức tại La Presse, một tờ nhật báo ở Tunis thủ đô Tunisia. Họ thảo luận về những sự kiện to lớn đang diễn ra trong nước, và nên đưa gì lên số báo ngày mai.
    Họ đang say sưa với nghị lực mới tìm được. Lúc này họ muốn làm mọi việc mà trước đây họ chưa từng làm. Họ muốn kể những câu chuyện làm xôn xao cả nước, những câu chuyện về một hiệu sách nhỏ nằm ở một góc phố bày bán những cuốn sách trước đây bị cấm, về những tiệm thực phẩm dần dần mở cửa lại nhưng thực phẩm thì vẫn thiếu, và về nhân dân trên đường phố đang phê phán chính phủ mới như thế nào. Tất cả những gì có thể cho xuất hiện trên số báo ngày mai.
    Họ cũng muốn viết về mạng xã hội diễn đàn trên internet Facebook, đã trở thành một nguồn tin thay thế cho tuổi trẻ trong nước. Thậm chí họ còn đang xem xét việc tải xuống những hình ảnh đang lưu hành trên mạng về những vụ bạo lực và phá hoại của cảnh sát từ khắp nơi trong nước.
    Tuy nhiên họ chưa dám chắc họ có thể tự cho phép mình đi xa đến mức nào. Họ tranh luận và cãi cọ về việc liệu có nên phê phán các cá nhân bộ trưởng đặc biệt bất tài hay không, và có nên đưa tên tác giả của tất cả các ý kiến lên không.
    Phởn phơ và hiểu biết
    Faouzia Mezzi đang điều khiển cuộc họp. Khi tổng thống độc tài vẫn còn thống trị đất nước, đã có nhiều lần chị bị cấm viết báo. Hôm nay chị đang cố sức làm nguội bớt những thành viên ban biên tập thích thay đổi mọi thứ ngay tức khắc. “Trước hết chúng ta cần phải xem chúng ta có thể ngay cả xuất bản một tờ báo không đã,” chị nói. “Hãy kiên nhẫn.”
    Lúc này mới chỉ năm ngày sau khi Ben Ali, nhà độc tài suốt 23 năm của Tunisia, trốn khỏi đất nước, và mới chỉ năm ngày đấy nước được hưởng tự do báo chí. Không có ai mang nó đến cho các nhà báo, họ chỉ đơn giản nhận lấy nó. Trong khi đất nước đứng lên chống chế độ, họ cũng phát động cuộc cách mạng của riêng họ.
    Nhưng đã xuất hiện những hạn chế đối với tự do báo chí. Chính phủ lâm thời đã đóng cửa đài truyền hình tư nhân nổi tiếng nhất, Hannibal TV, vào đêm Chủ nhật. Tờ The New York Times, dẫn lời hãng thông tấn nhà nước Tunisia, nói rằng chính phủ đã bắt chủ nhân đài truyền hình này, buộc tội ông ta mưu phản do đã phát “những thông tin sai có khả năng tạo ra khoảng trống hiến pháp và gây bất ổn cho đất nước.” Một người phát ngôn của đài truyền hình, đã từng chỉ trích chính phủ Ben Ali trong quá khứ, nói rằng nó đã bị đóng cửa mà không báo trước, và gọi hành động này là vi phạm tự do báo chí.
    Tuy nhiên, sáng thứ Hai, đài truyền hình này lại tiếp tục phát, rõ ràng là sau khi một thành viên phe đối lập trong chính phủ lâm thời can thiệp. Các nhà quan sát ở Tuinisia nói với The New York Times rằng việc đóng cửa này làm hại uy tín của chính phủ lâm thời và nói rằng số phận của đài này có thể coi như một phép thử đối với cam kết của nhà nước về tự do báo chí.
    Thực hành tự kiểm duyệt
    Tờ La Presse, xuất bản bằng hai thứ tiếng Pháp và A rập, là một trong những tờ báo lâu đời nhất của đất nước. Giống như phần lớn nguồn tin ở Tunisia, nó là sở hữu nhà nước, có nghĩa là nhà nước chỉ định các biên tập viên cao cấp. Dưới chế độ độc tài, những biên tập viên này ban ra những vấn đề sẽ được đề cập, cũng như cắt bỏ bất cứ cái gì có thể làm cho chế độ cảm thấy khó chịu. Tất nhiên các nhà báo cũng tự kiểm duyệt mình. Quả thật, cho đến khi cách mạng nổ ra, La Presse chỉ là chiếc loa nhạt nhẽo cho những tuyên bố của chính phủ.
    Ngày Thứ Sáu, 14 tháng Giêng 2011, thậm chí trước cả khi Ben Ali và gia đình ông ta bị tống khỏi đất nước, ban biên tập tờ báo này đã tự cho phép nó nhiễm một chút lòng thèm khát tự do đã lôi cuốn cả nước. Nó tước quyền của tổng biên tập và chỉ định một nhóm 10 người chịu trách nhiệm điều hành tờ báo.
    Tổng biên tập cũ vẫn còn trong văn phòng của ông ta với chiếc ghế bành bọc da, và người ta có thể bắt gặp ông ta lẩn lút trong hành lang, nhưng ông ta không có tiếng nói nào. Các nhà báo trước đây dưới quyền ông ta đang còn bận rộn khám phá xem sống trong một xã hội tự do có ý nghĩa như thế nào - đúng như mọi người trên khắp đất nước Tunisia những ngày này.
    Trở lại cuộc họp, Olfa Belhassine thuộc ban văn hóa của tờ báo đề nghị một bài xã luận nhan đề “Ai sợ Tự do Báo chí?” Chị bổ sung rằng, trong 20 năm làm việc trong ngành truyền thông, chị đã luôn luôn mơ về việc viết đúng một bài như thế. Ngày hôm sau, nó xuất hiện trên báo.

    Một cuộc cách mạng có trật tự
    Tại tòa soạn báo trên Phố Ali Bach Hamba ở Tunis, bạn có thể cảm nhận mọi cảm xúc mà người dân Tunisia trải nghiệm kể từ khi quét nhà chuyên chế ra khỏi đất nước. Có một tâm trạng phởn phơ vỡ òa ra khi người ta nhìn ra phía trước mong chờ một kỷ nguyên mới. Nhưng cũng có những lo sợ rằng tất cả rồi chẳng bao lâu sẽ chấm dứt. Mỗi ngày trôi qua, nỗi lo sợ ấy lại bớt đi một chút.
    Trong tuần lễ Ben Ali đổ, người Tunisia đã trải qua một biến chuyển xã hội với tốc độ khủng khiếp. Mỗi ngày, những người trong chính quyền lại có thêm những nhân nhượng mới cho những người biểu tình trên đường phố. Vào thứ Ba, 18 tháng Giêng, Mohamed Ghannouchi vị thủ tướng tạm thời thay quyền tổng thống, rời bỏ đảng cầm quyền RCD. Hôm thứ Năm, các bộ trưởng còn lại theo chân ông. Sau đó, ban chấp hành trung ương đảng bị giải tán, và một bộ trưởng của chế độ cũ từ chức. Trong cuộc họp đầu tiên, nội các mới quyết định đại xá toàn bộ tù chính trị và công nhận thế hợp pháp của tất cả các chính đảng, kể cả đảng của những người Islamist.
    Đây là một cuộc cách mạng trong trật tự. Các đường phố vẫn được quét, những chuyến xe điện vẫn chạy theo lịch trình của chúng, trong khi rẽ qua các đám đông. Ga xe lửa chính của thủ đô qua các cuộc biểu tình chỉ bị hư hại đôi chút. Một người soát vé tự hào nói không có chuyến tàu đường dài nào phải hủy bỏ.
    Được cứu bởi quân đội.
    Ít nhất trong tâm trí nhiều người dân Tunisia, quân đội đã cứu đất nước. Chỉ trong vài ngày, họ đã thành công trong việc đánh bại các lực lượng giết người trung thành với nhà độc tài đã bỏ trốn, và đặt cảnh sát về lại vị trí của họ. Tuần trước, khi có vẻ như chính phủ chuyển tiếp có thể đột ngột sụp đổ lần nữa, nhiều người thậm chí đã hy vọng rằng quân đội sẽ can thiệp. Nhưng nó vẫn đứng sau hậu trường.
    Vào cuối tuần trước, tình hình tỏ ra đã ổn định, mặc dầu vẫn còn xe tăng trên đường phố, và binh lính đứng gác dọc theo những con đường đi bộ chính và trước những tòa nhà chính phủ.
    Nhưng tình hình ở thủ đô Tunis vẫn căng thẳng. Hôm thứ Hai, cảnh sát dùng hơi cay phun vào đám biểu tình không tuân theo lệnh giới nghiêm tụ tập trước văn phòng phủ thủ tướng, tại đó họ hô những khẩu hiệu chống chính phủ. Những người biểu tình lấy làm buồn rằng nhiều bạn thân của Ben Ali vẫn còn trong chính quyền. Các trường học đã đến lúc mở cửa trở lại sau khi phải đóng cửa trong thời kỳ náo loạn, nhưng được biết các thầy giáo tiếp tục bãi công để phản đối chính phủ lâm thời. Một số học sinh tham gia biểu tình thay vì đến trường.
    Phần 2:


    ‘Trả thù chỉ là chuyện nhỏ’

    Trong phòng đợi bên ngoài văn phòng của Almed Ibrahim, bộ trưởng mới được bổ nhiệm phụ trách giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, vẫn còn những chiếc đinh trên bức tường nơi cách đây mấy ngày treo ảnh Ben Ali. Bộ mặt thỏa mãn của ông ta, thường thấy khắp nơi trong thành phố này, nay đã biến mất.

    Ibrahim, một người đàn ông đường bệ 64 tuổi với cái đầu tròn, đã bị Ben Ali bỏ tù nhiều lần. Nhưng bây giờ ông là một thành viên của chính phủ. Trong những cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất, năm 2009, ông được phép ra tranh cử. Chế độ của Ali muốn dùng ông để tạo vẻ hợp pháp trang trí cho các nghi thức. Chính thức, ông đã nhận được 1,57 phần trăm số phiếu bầu.

    “Trả thù bây giờ chỉ là chuyện nhỏ,” Ibrahim nói trong văn phòng tối tăm của ông trong Bộ Giáo dục Đại học. Ông không muốn nhìn thấy những gì đã xảy ra ở Iraq xảy ra ở đây; ông không muốn có một cuộc tìm-diệt những đảng viên cũ của RCD. Khoảng một phần mười dân số 10 triệu người của Tunisia thuộc về đảng cầm quyền cũ, nhưng phần lớn họ làm thế là vì lợi ích vật chất chứ không phải là những kẻ bảo thủ đến cùng.
    Theo ý kiến Ibrahim, chỉ những tên tội phạm thật sự mới nên bị trừng trị. Điều quan trọng hơn nhiều, ông nói, là tập trung vào chuẩn bị cho những cuộc bầu cử tự do. Hiến pháp của đất nước quy định rằng phải tổ chức [những cuộc bầu cử ấy] trong 60 ngày, nhưng ở Tunisia hiện nay có ít chính đảng có tổ chức. Đất nước cần nhiều thời gian hơn, Ibrahim nói. Ông nghĩ sẽ cần đến sáu hay bẩy tháng.


    Dân chủ đường phố

    Ít nhất thì dân chủ đã đến trên các đường phố. Đại lộ Habib Bourguiba, một đại lộ lớn ở khu thương mại Tunis, đã phát triển thành một diễn đàn chính trị nơi mọi người có thể tổ chức những cuộc tranh luận say sưa. Tất cả họ ghét giới thượng lưu cũ. Nhưng, khi đề cập đến tương lai, họ có những ý kiến rất khác nhau.

    Buổi chiều thứ Năm, khoảng hơn chục thanh niên râu ngắn đeo kính mát đứng trên đại lộ. “Thượng đế đã làm tất cả những việc này” một người nói trước khi tiếp tục biện hộ cho một chính phủ tôn giáo. Một người khác đang tranh cãi với một thiếu phụ có trang điểm. Chị nói chị sợ những người ấy, rằng chị lo ngại về khả năng những người Islamist trở thành một lực lượng chính trị lớn. Hiện nay, không có nơi nào trong thế giới A rập mà người phụ nữ có nhiều quyền như ở Tunisia, không đâu khác bạn có thể thấy nhiều phụ nữ không đội mũ trùm đầu như vậy.

    Vào lúc này, những người Islamist chỉ là một thiểu số rải rác, và những chuyên gia được SPIEGEL phỏng vấn tin rằng giỏi lắm họ chỉ có thể đạt được 20 phần trăm số phiếu bầu. Nhưng tuần lễ trôi đi, họ cho thấy sự có mặt của họ ngày càng nhiều trên các đường phố, với một cố gắng tập hợp những cảm nghĩ chống lại “những ý tưởng ngoại nhập.”

    Hơn hết mọi điều, những người biểu tình muốn thấy một sự chấm dứt tham nhũng. Và những người biểu tình thì không phải chỉ là lớp thanh niên có học tập hợp nhau trên Facebook. Trong hàng ngũ của họ có cả những người như Khaled Gasmi, một người đàn ông gầy gò 57 tuổi, có bộ ria mép, người đã chơi cho đội tuyển quốc gia Tunisia trong giải World Cup 1978. Gasmi nói rằng Fouad Mebazaa, tổng thống lâm thời, là một người của chế độ cũ và cũng tham nhũng như Ben Ali.



    Rạng đông của một kỷ nguyên mới.


    Chỉ cách đó mấy bước, một người đàn ông đi bộ dọc phố đầu đội một chiếc mũ fez màu xanh cây. Tên ông là Maatoug Mohsen, và ông đang trên đường đi đến một cuộc họp để thành lập một Đảng Xanh mới cho Tunisia. Trong nhiều năm, Mohsen làm hướng dẫn viên du lịch, và bây giờ ông muốn hiến mình cho hai vấn đề mà ông quan tâm nhiều nhất: đấu tranh vì phát triển bền vững và đấu tranh chống thuốc trừ sâu trong nông nghiệp.

    Còn thời gian để thành lập các đảng mới và lao vào các cuộc tranh luận nghiêm túc. Tunisia đang sống qua những ngày đầu tiên của nó trên đường trở thành một nền dân chủ.

    Những biểu tượng của kỷ nguyên mới là những lâu đài dinh thự của phe cánh tổng thống bị phá hủy, nó mang ngọn lửa giận dữ của dân chúng. Cơn giận này trước hết hướng vào các biệt thự của Trabelsis, gia đình của vợ hai của tổng thống, những kẻ khét tiếng về sự vơ vét làm giàu vô sỉ. Những ngôi nhà của các thành viên gia đình này, tọa lạc trong vùng ngoại vi giàu có của Tunis, nay nằm trong cảnh hoang tàn sau khi bị cướp phá. Hàng ngàn người đã hành hương đến đó - có nhiều gia đình đưa cả những đứa trẻ đang cần trông nom theo - để được tò mò nhìn tận mắt cảnh đổ nát của nền độc tài.

    Một tòa nhà đặc biệt nhạt nhẽo và lòe loẹt là dinh cơ của Belhassen Trabelsi, em vợ của Ben Ali. Hiện giờ những gì còn sót lại của cái cơ ngơi hai tầng, có công viên riêng, chỉ còn là cái xác nhà bằng gạch trơ trụi. Nội thất đã bị đốt cháy khô và bị moi hết ruột, thậm chí các khung cửa sổ cũng biến mất. các sàn nhà ngập rác rưởi, như một tuýp thuốc nhuộm tóc gửi từ Dolce & Gabbana bên Paris sang, và một mảnh giấy xé từ một quyển giáo trình công dân giáo dục, với dòng chữ “Hiến pháp: Nền tảng của Nhà nước” viết bằng nét chữ trẻ con.

    Khi họ chứng kiến cảnh phá hoại đó, nhiều vị khách trở nên bối rối. Như họ thấy, ngôi nhà đáng lẽ nên được giữ lại và chuyển giao cho nhân dân. Dù vậy, tất cả họ đều có chung một nỗi căm giận đối với gia đình đã cuốn xéo này. “Chúng là lũ ăn cắp,” Dorra Kallel Chtourou nói - chị là một thiếu phụ trong trang phục công sở đến đây nghỉ trưa cùng với một đồng nghiệp. Chị làm cho LG Electronics, một công ty điện tử khổng lồ của Hàn quốc. chị giải thích Belhassen đã thường buôn lậu các hệ thống stereo và máy giặt vào nước này như thế nào, và cho người của hắn đi bán trên các góc phố với nửa giá tiền.

    Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện được kể về bè lũ mà sự thân cận với kẻ thống trị tối cao của đất nước cho phép chúng làm giầu một cách tàn bạo. Những thành viên của bè lũ này thậm chí có một loại giấy phép riêng nhờ đó cảnh sát để chúng yên.

    Đúc nên nước Tunisia mới

    Người đàn ông chịu trách nhiệm về diện mạo tương lai của nước Tunisia mới là Yadh Ben Achour. Ông ta bước vào thư viện riêng trong bộ quần áo chạy đua màu đen và ngồi xuống bên dưới một bức chân dung của người ông của ông, là một nhà học giả quan trọng về tôn giáo.

    Hiếm có nơi nào cách xa các cuộc biểu tình và các cuộc tranh cãi huyên náo của tuần qua như căn phòng này, nằm trên tầng cao nhất của biệt thự đồ sộ ở La Marsa, một thành phố giầu có ven biển gần Tunsis. Những mẫu mực ngàn năm tuổi của thư pháp Hồi giáo treo trên tưòng, trong khi các căn phòng trưng bày những chiếc đồng hồ bỏ túi từ thời đại Ottoman.

    Ben Achour là một nhà văn và luật gia. Một con người thạo đời và cũng là một học giả về kinh Koran ông thuộc về một gia đình quý tộc xa xưa của Tunisia được nhiều người kính trọng. Ông là một trí thức đeo kính gọng kim loại đen mỏng, nói tiếng Pháp bằng giọng Paris hoàn hảo. Tháng Năm năm 1968, khi ông đang học luật tại Paris, cảnh sát đã dùng dùi cui nện vào đầu ông.
    Ben Achour nói không phải những nhu cầu kinh tế đã thúc đẩy tuổi trẻ của đất nước nổi loạn. Đúng hơn, đó là không khí áp bức bên trong hệ thống, trong đó việc có một loại giấy phép đặc biệt như thế chỉ là một ví dụ.

    Ông đã được giao một công việc đứng đầu một ủy ban cải cách chính trị. Trong vai trò đó, ông sẽ góp một tay vào việc sáng tạo và làm hình thành nước Tunisa mới. Ngay cả nếu ông không ra quyết định một mình, ông nói việc cá nhân ông muốn Tunisia trở thành một nước như thế nào là rõ ràng: một nước có quốc hội được bầu ra một cách dân chủ, được dẫn dắt bởi một chính phủ và một thủ tướng. Ông cũng thừa nhận rằng đất nước cần một tổng thống, nhưng ông nói vị trí ấy nên được trao quyền lực hạn chế.

    “Đó là thực chất của dân chủ,” Ben Achour nói. “Bất cứ ai thắng cũng không thể hoàn toàn tận hưởng thắng lợi của mình. Tất cả vấn đề là ở đấy.”

    Vào lúc này, ông không biết ông sẽ đi đến mục tiêu ấy như thế nào. Các thành viên khác của ủy ban thậm chí vẫn chưa được chỉ định. Dù sao, ông nghĩ rằng đất nước cần nhiều hơn hai tháng trước khi nó có thể tổ chức các cuộc bầu cử.

    Nhưng Ben Achour cũng nói rằng nếu Ấn độ với dân số khổng lồ và rất nhiều ngôn ngữ, có thể trở thành một nước dân chủ, thì Tunisia với dân chúng được giáo dục tốt, cũng có thể cố gắng để trở thành một nước tiến bộ nhất và hiện đại trong thế giới A rập.

    Josh Ward dịch từ tiếng Đức.

    HT 260111

    Phần 2:


    ‘Trả thù chỉ là chuyện nhỏ’

    Trong phòng đợi bên ngoài văn phòng của Almed Ibrahim, bộ trưởng mới được bổ nhiệm phụ trách giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, vẫn còn những chiếc đinh trên bức tường nơi cách đây mấy ngày treo ảnh Ben Ali. Bộ mặt thỏa mãn của ông ta, thường thấy khắp nơi trong thành phố này, nay đã biến mất.

    Ibrahim, một người đàn ông đường bệ 64 tuổi với cái đầu tròn, đã bị Ben Ali bỏ tù nhiều lần. Nhưng bây giờ ông là một thành viên của chính phủ. Trong những cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất, năm 2009, ông được phép ra tranh cử. Chế độ của Ali muốn dùng ông để tạo vẻ hợp pháp trang trí cho các nghi thức. Chính thức, ông đã nhận được 1,57 phần trăm số phiếu bầu.

    “Trả thù bây giờ chỉ là chuyện nhỏ,” Ibrahim nói trong văn phòng tối tăm của ông trong Bộ Giáo dục Đại học. Ông không muốn nhìn thấy những gì đã xảy ra ở Iraq xảy ra ở đây; ông không muốn có một cuộc tìm-diệt những đảng viên cũ của RCD. Khoảng một phần mười dân số 10 triệu người của Tunisia thuộc về đảng cầm quyền cũ, nhưng phần lớn họ làm thế là vì lợi ích vật chất chứ không phải là những kẻ bảo thủ đến cùng.
    Theo ý kiến Ibrahim, chỉ những tên tội phạm thật sự mới nên bị trừng trị. Điều quan trọng hơn nhiều, ông nói, là tập trung vào chuẩn bị cho những cuộc bầu cử tự do. Hiến pháp của đất nước quy định rằng phải tổ chức [những cuộc bầu cử ấy] trong 60 ngày, nhưng ở Tunisia hiện nay có ít chính đảng có tổ chức. Đất nước cần nhiều thời gian hơn, Ibrahim nói. Ông nghĩ sẽ cần đến sáu hay bẩy tháng.


    Dân chủ đường phố

    Ít nhất thì dân chủ đã đến trên các đường phố. Đại lộ Habib Bourguiba, một đại lộ lớn ở khu thương mại Tunis, đã phát triển thành một diễn đàn chính trị nơi mọi người có thể tổ chức những cuộc tranh luận say sưa. Tất cả họ ghét giới thượng lưu cũ. Nhưng, khi đề cập đến tương lai, họ có những ý kiến rất khác nhau.

    Buổi chiều thứ Năm, khoảng hơn chục thanh niên râu ngắn đeo kính mát đứng trên đại lộ. “Thượng đế đã làm tất cả những việc này” một người nói trước khi tiếp tục biện hộ cho một chính phủ tôn giáo. Một người khác đang tranh cãi với một thiếu phụ có trang điểm. Chị nói chị sợ những người ấy, rằng chị lo ngại về khả năng những người Islamist trở thành một lực lượng chính trị lớn. Hiện nay, không có nơi nào trong thế giới A rập mà người phụ nữ có nhiều quyền như ở Tunisia, không đâu khác bạn có thể thấy nhiều phụ nữ không đội mũ trùm đầu như vậy.

    Vào lúc này, những người Islamist chỉ là một thiểu số rải rác, và những chuyên gia được SPIEGEL phỏng vấn tin rằng giỏi lắm họ chỉ có thể đạt được 20 phần trăm số phiếu bầu. Nhưng tuần lễ trôi đi, họ cho thấy sự có mặt của họ ngày càng nhiều trên các đường phố, với một cố gắng tập hợp những cảm nghĩ chống lại “những ý tưởng ngoại nhập.”

    Hơn hết mọi điều, những người biểu tình muốn thấy một sự chấm dứt tham nhũng. Và những người biểu tình thì không phải chỉ là lớp thanh niên có học tập hợp nhau trên Facebook. Trong hàng ngũ của họ có cả những người như Khaled Gasmi, một người đàn ông gầy gò 57 tuổi, có bộ ria mép, người đã chơi cho đội tuyển quốc gia Tunisia trong giải World Cup 1978. Gasmi nói rằng Fouad Mebazaa, tổng thống lâm thời, là một người của chế độ cũ và cũng tham nhũng như Ben Ali.



    Rạng đông của một kỷ nguyên mới.


    Chỉ cách đó mấy bước, một người đàn ông đi bộ dọc phố đầu đội một chiếc mũ fez màu xanh cây. Tên ông là Maatoug Mohsen, và ông đang trên đường đi đến một cuộc họp để thành lập một Đảng Xanh mới cho Tunisia. Trong nhiều năm, Mohsen làm hướng dẫn viên du lịch, và bây giờ ông muốn hiến mình cho hai vấn đề mà ông quan tâm nhiều nhất: đấu tranh vì phát triển bền vững và đấu tranh chống thuốc trừ sâu trong nông nghiệp.

    Còn thời gian để thành lập các đảng mới và lao vào các cuộc tranh luận nghiêm túc. Tunisia đang sống qua những ngày đầu tiên của nó trên đường trở thành một nền dân chủ.

    Những biểu tượng của kỷ nguyên mới là những lâu đài dinh thự của phe cánh tổng thống bị phá hủy, nó mang ngọn lửa giận dữ của dân chúng. Cơn giận này trước hết hướng vào các biệt thự của Trabelsis, gia đình của vợ hai của tổng thống, những kẻ khét tiếng về sự vơ vét làm giàu vô sỉ. Những ngôi nhà của các thành viên gia đình này, tọa lạc trong vùng ngoại vi giàu có của Tunis, nay nằm trong cảnh hoang tàn sau khi bị cướp phá. Hàng ngàn người đã hành hương đến đó - có nhiều gia đình đưa cả những đứa trẻ đang cần trông nom theo - để được tò mò nhìn tận mắt cảnh đổ nát của nền độc tài.

    Một tòa nhà đặc biệt nhạt nhẽo và lòe loẹt là dinh cơ của Belhassen Trabelsi, em vợ của Ben Ali. Hiện giờ những gì còn sót lại của cái cơ ngơi hai tầng, có công viên riêng, chỉ còn là cái xác nhà bằng gạch trơ trụi. Nội thất đã bị đốt cháy khô và bị moi hết ruột, thậm chí các khung cửa sổ cũng biến mất. các sàn nhà ngập rác rưởi, như một tuýp thuốc nhuộm tóc gửi từ Dolce & Gabbana bên Paris sang, và một mảnh giấy xé từ một quyển giáo trình công dân giáo dục, với dòng chữ “Hiến pháp: Nền tảng của Nhà nước” viết bằng nét chữ trẻ con.

    Khi họ chứng kiến cảnh phá hoại đó, nhiều vị khách trở nên bối rối. Như họ thấy, ngôi nhà đáng lẽ nên được giữ lại và chuyển giao cho nhân dân. Dù vậy, tất cả họ đều có chung một nỗi căm giận đối với gia đình đã cuốn xéo này. “Chúng là lũ ăn cắp,” Dorra Kallel Chtourou nói - chị là một thiếu phụ trong trang phục công sở đến đây nghỉ trưa cùng với một đồng nghiệp. Chị làm cho LG Electronics, một công ty điện tử khổng lồ của Hàn quốc. chị giải thích Belhassen đã thường buôn lậu các hệ thống stereo và máy giặt vào nước này như thế nào, và cho người của hắn đi bán trên các góc phố với nửa giá tiền.

    Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện được kể về bè lũ mà sự thân cận với kẻ thống trị tối cao của đất nước cho phép chúng làm giầu một cách tàn bạo. Những thành viên của bè lũ này thậm chí có một loại giấy phép riêng nhờ đó cảnh sát để chúng yên.

    Đúc nên nước Tunisia mới

    Người đàn ông chịu trách nhiệm về diện mạo tương lai của nước Tunisia mới là Yadh Ben Achour. Ông ta bước vào thư viện riêng trong bộ quần áo chạy đua màu đen và ngồi xuống bên dưới một bức chân dung của người ông của ông, là một nhà học giả quan trọng về tôn giáo.

    Hiếm có nơi nào cách xa các cuộc biểu tình và các cuộc tranh cãi huyên náo của tuần qua như căn phòng này, nằm trên tầng cao nhất của biệt thự đồ sộ ở La Marsa, một thành phố giầu có ven biển gần Tunsis. Những mẫu mực ngàn năm tuổi của thư pháp Hồi giáo treo trên tưòng, trong khi các căn phòng trưng bày những chiếc đồng hồ bỏ túi từ thời đại Ottoman.

    Ben Achour là một nhà văn và luật gia. Một con người thạo đời và cũng là một học giả về kinh Koran ông thuộc về một gia đình quý tộc xa xưa của Tunisia được nhiều người kính trọng. Ông là một trí thức đeo kính gọng kim loại đen mỏng, nói tiếng Pháp bằng giọng Paris hoàn hảo. Tháng Năm năm 1968, khi ông đang học luật tại Paris, cảnh sát đã dùng dùi cui nện vào đầu ông.
    Ben Achour nói không phải những nhu cầu kinh tế đã thúc đẩy tuổi trẻ của đất nước nổi loạn. Đúng hơn, đó là không khí áp bức bên trong hệ thống, trong đó việc có một loại giấy phép đặc biệt như thế chỉ là một ví dụ.

    Ông đã được giao một công việc đứng đầu một ủy ban cải cách chính trị. Trong vai trò đó, ông sẽ góp một tay vào việc sáng tạo và làm hình thành nước Tunisa mới. Ngay cả nếu ông không ra quyết định một mình, ông nói việc cá nhân ông muốn Tunisia trở thành một nước như thế nào là rõ ràng: một nước có quốc hội được bầu ra một cách dân chủ, được dẫn dắt bởi một chính phủ và một thủ tướng. Ông cũng thừa nhận rằng đất nước cần một tổng thống, nhưng ông nói vị trí ấy nên được trao quyền lực hạn chế.

    “Đó là thực chất của dân chủ,” Ben Achour nói. “Bất cứ ai thắng cũng không thể hoàn toàn tận hưởng thắng lợi của mình. Tất cả vấn đề là ở đấy.”

    Vào lúc này, ông không biết ông sẽ đi đến mục tiêu ấy như thế nào. Các thành viên khác của ủy ban thậm chí vẫn chưa được chỉ định. Dù sao, ông nghĩ rằng đất nước cần nhiều hơn hai tháng trước khi nó có thể tổ chức các cuộc bầu cử.

    Nhưng Ben Achour cũng nói rằng nếu Ấn độ với dân số khổng lồ và rất nhiều ngôn ngữ, có thể trở thành một nước dân chủ, thì Tunisia với dân chúng được giáo dục tốt, cũng có thể cố gắng để trở thành một nước tiến bộ nhất và hiện đại trong thế giới A rập.

    Josh Ward dịch từ tiếng Đức.

    HT 260111







    [1] Maghreb (hay Maghrib): Một khu vực ở bắc Phi gồm 5 nước Morocco, Algeria, Tunisia, Libya, Mauritania, nhưng thường được dùng nhiều hơn để chỉ 3 nước bắc Phi thuộc Pháp (cũ) (Algeria, Morocco và Tunisia). Maghreb, tiếng A rập, có nghĩa là “phía mặt trời lặn” hay “phía Tây”, từ điểm nhìn của người A rập.
    [2] Islamism: Phong trào chính trị Hồi giáo chủ trương rằng đạo Hồi không nên chỉ tác động đến đời sống riêng tư của các tín đồ, mà phải kiểm soát cả các hệ thống chính trị ở những nơi có cộng đồng dân cư Hồi giáo.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét