Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Loạt bài về Nga (N)




  1. Nhà bất đồng chính kiến Nga bị cầm tù cần sự giúp đỡ của Obama.
  2. Nền chuyên chính của Luật pháp của nước Nga
  3. Các vụ án sẽ xác định tương lai của nước Nga với phương Tây
  4. WikiLeaks: trị nước bằng pháp luật trong vụ án Mkhail Khodorkovsky chỉ là cái vỏ hào nhoáng.
  5. “Công lý” Nga
  6. Lạc  hậu lắm, nước Nga ơi!
  7. Ở nước Nga, tự do ngôn luận là một vấn đề kiểm soát của nhà nước.
  8. Làn sóng phi Stalin hóa thứ ba ở Nga
  9. Khi giá dầu lên, nước Nga đẩy tự do vào trinh trạng khó khăn.
  10. Kremlin đã “thắng cương” Internet như thế nào?
  11. Nguy cơ của quá trình dân chủ hóa nước Nga
  12. Liệu Putin có lo ngại về việc "những kẻ thổi còi" đang lớn mạnh lên ở Nga? 
  13. Tốt cho Putin, xấu cho nước Nga 
  14. Nhân dân đấu với Putin
  15. Sai lầm ưa thích của tôi
  16. Nước Nga sợ gì ở châu Á 
  17. Chấm dứt sự bảo bọc của Phương Tây cho những kẻ cai trị Nga



N1:

Nhà bất đồng chính kiến Nga bị cầm tù cần sự giúp đỡ của Obama.

Jackson Diehl-
Hiếu Tân dịch.
The Washington Post -
Thứ hai 8 tháng 11, 2010

Truyền thống chuyên quyền Nga luôn luôn song hành với truyền thống các nhà bất đồng chính kiến khổ đau và khổ hạnh, những người nói lên sự thật với chính quyền. Trong thời hiện đại có Solzhenitsyn. Trước đây có Sharansky và Sakharov. Và bây giờ, điều không thể tin được, lại đến Mikhail Khodorkovsky.

Không giống những người đi trước trong thời kỳ gần đây, Khodorkovsky không phải là một nhà văn lớn hay nhà hoạt động nhân quyền. Ông là một doanh nhân đã bị chơi bởi nền cai trị thô bạo của nước Nga thời kỳ hậu sô viết. Ông nói “Tôi không phải là một người lý tưởng”. Thế nhưng, nhờ Vladimir Putin và Dmitry Medvedev, ông đã trở thành kiện tướng tinh thần mới nhất của đất nước này.

Ông thực hiện điều đó hôm thứ Ba vừa qua trong hộp kính bên trong một phòng xử án ở Moscow, nơi ông cùng với một bị cáo liên đới, Platon Lebedev, ra tòa từ tháng Tư. Việc truy tố họ rõ ràng là một vụ sắp đặt, và một vở tuồng chính trị lớn, được bày ra để phô diễn sức mạnh của chế độ chà đạp các đối thủ của nó. Các kết cục của nó đã được định đoạt trước. Khoảng 15 tháng 12 này, quan tòa sẽ khép án Khodorkovsky và Platon Lebedev đến 14 năm tù, mức án cao nhất trong khung mà họ đang thụ án.

Nhưng trước hết, Khodorkovsky đã bày tỏ ý kiến của mình về việc một bản cáo trạng lịch sử của chế độ Putin-Medvedev như thế có thể có ý nghĩa như thế nào. Ông nói: Nước Nga đã trở thành một nơi mà những kết luận rõ ràng của con người có suy nghĩ đáng sợ vì tính đơn giản của nó: bộ máy quan liêu có thể làm bất cứ cái gì mà nó muốn làm. Không có quyền sở hữu tài sản cá nhân. Một người có va chạm với chế độ không có một quyền nào hết. “Không có các quyền sở hữu tư nhân. Không có bất cứ quyền gì cho một con người đối đầu với chế độ này”.

Vụ kiện chống lại ông đưa ra một bằng chứng sáng rõ về lý lẽ trên. Khodorkovsky đứng đầu Yukos, một công ty dầu đã trở thành công ty tư nhân lớn nhất và năng động nhất nước Nga thậm chí người sáng lập ra nó đi tìm đầu tư của Phương Tây và tay mơ nhảy vào nền chính trị nước Nga. Vì sự thách thức “đỉnh cao quyền lực” ấy của Putin, ông bị bắt năm 2003 và bị xử một tội mù mờ là Yukos đã “trốn thuế”. Công ty bị tịch thu và giao cho một công ty dầu quốc doanh đứng đầu là một ông bạn hẩu của Putin.

Bản án của Khodorkovsky sẽ hết hạn trong vòng một năm nữa, đúng ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga 2012. Bởi vậy lại có những cáo buộc mới chống lại ông, mâu thuẫn với cáo buộc lần trước. Bây giờ người ta nói rằng ông đã ăn cắp từ chính công ty của ông đúng cái số dầu mà trước đây ông bị kết tội là không đóng thuế. Cựu Thủ tướng của chính Putin bày tỏ rằng một sự viện lẽ như vậy là rất trái lẽ. Không sao. Những người khởi tố đã hăm dọa công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers, bắt phải rút lại một bản kiểm toán có tính chất bào chữa. Họ tra tấn và đe dọa những người có thể ra làm nhân chứng, họ ra giá sẽ điều trị bệnh AIDS cho một ủy viên hội đồng quản trị của Yukos đang ngồi tù để đổi lấy những lời chứng dối trá.

“Đó là bởi vì họ muốn chứng tỏ rằng họ đứng trên pháp luật, rằng họ luôn luôn đạt được điều mà họ định làm” Khodorkovsky nói. “Bây giờ họ đang đạt được điều ngược lại: Họ đã biến chúng tôi, những con người bình thường, thành biểu tượng của cuộc đấu tranh chống lại nền cai trị độc đoán.”

Nhiều người Nga nghĩ rằng Khodorkovsky sẽ làm một thỏa thuận để tự cứu mình. Nhưng ông đã không làm. Ông nói “Những người khởi xướng ra vụ án nhục nhã này gọi chúng tôi một cách khinh bỉ là ‘bọn con buôn’, coi chúng tôi là đồ cặn bã có thể làm bất cứ điều gì để cứu lấy tài sản của mình và tránh phải ngồi tù.”


“Nhiều năm đã trôi qua. Ai là đồ cặn bã? Ai đã dối trá, tra tấn, bắt cóc con tin vì tiền và hèn nhát trước những ông chủ của mình?”

Lý lẽ lớn hơn của nhà bất đồng chính kiến này là một chế độ như thế có thể dẫn nước Nga đến một bước suy tàn khác. “Ai sẽ hiện đại hóa nền kinh tế?” ông hỏi. Những vị công tố ư? Cảnh sát ư? Chekist (công an mật) ư? Mô hình hiện đại hóa ấy đã được thử, nhưng vô dụng.”

Vì ông là một nhà doanh nghiệp chứ không phải một nhà thơ, nên Khodorkovsky bị những người thường bênh vực các nhà bất đồng chính kiến Nga nhìn bằng con mắt nghi ngờ. Điều đó không còn đúng nữa: Elie Wiesel đang vận động cho ông; nhà tiểu thuyết vừa nhận giải Nobel Mario Vargas Llosa và nhà triết học Pháp Andre Glucksmann đã lên tiếng về vụ này. Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Maryland Ben Cardin và Cộng hòa bang Mississippi Roger Wicker, đã thông qua một nghị quyết nêu rõ Khodorkovsky và Lebedev “là những người tù đã bị từ chối những quyền con người cơ bản và chính đáng theo luật pháp quốc tế vì những lý do chính trị”.

Còn về Barack Obama thì sao? Các tổng thống Hoa Kỳ trước đây, dù sao, đã biến các nhà bất đồng chính kiến Nga thành các sự nghiệp cá nhân. Jimmy Carter và Ronald Reagan đã bênh vực Sakharov; Reagan thậm chí còn đề xướng một ngày Sakharov.

Obama, người đã dùng hai năm qua để tích cực ve vãn Putin và Medvedev, chỉ có một lần phát biểu công khai về Khodorkovsky, để trả lời một câu hỏi phỏng vấn vào năm ngoái. Ông nói rằng ông thấy các cáo buộc mới là “kỳ quặc” nhưng “Tôi không biết những chi tiết ẩn khuất đằng sau” và “Tôi nghĩ người ngoài can thiệp vào các quá trình pháp lý của nước Nga là không đúng.”

Trong tủ kính, Khodorkovsky kết luận bằng cách nói rằng “mọi người đều hiểu” rằng vụ của ông “sẽ trở thành một phần của lịch sử nước Nga. Tất cả các tên tuổi sẽ còn lại trong lịch sử - tên tuổi của những người truy tố và các quan tòa - như chúng còn lại trong lịch sử sau những vụ án Sô viết đầy tai tiếng”

Điều đó cũng đúng với Obama: hồ sơ của ông về Khodorkovsky sẽ trở thành một phần của lịch sử của ông. Cho đến thời điểm này, nó là một chương kém cỏi.


Bản tiếng Việt: Hiếu Tân

                     _____________________________

N2
Nền chuyên chính của Luật pháp của nước Nga




Xã luận tờ The New York Times,
ngày 20 tháng 11, 2010.
 Hiếu Tân dịch

Vụ xử kỳ quặc của nước Nga mới đây đối với Mikhail Khodorkovsky, cựu chủ nhân công ty dầu lửa lớn nhất nước, là một lời nhắc nhở rằng nước Nga vẫn chưa nắm được tư tưởng về quyền bình đẳng trước pháp luật, đặc biệt là khi Kremlin quyết định một ai đó cần bị xét xử.

Năm 2005 Khodorkovsky bị kết tội vu cáo ông về tội gian lận và không tuân lệnh tòa án, và công ty của ông mất vào tay những kẻ trung thành với Kremlin. Người Nga gọi kiểu vụ án này là “luật điện thoại,” áp đặt bới quyền lực chính trị qua một cú điện thoại đến phòng xử án. Bản án của ông sắp hết hiệu lực, thì ông vừa mới bị xử lại với những cáo buộc nghi ngờ là thụt két và rửa tiền. Hội đồng xử án đang được chờ đợi đi đến một quyết định vào tháng 12.

Cách đây hai thập niên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thuyết phục nước Nga mới phục hồi lại hệ thống tư pháp, như The Times mô tả tuần này, để đưa luật pháp về tay nhân dân Nga. Các hội thẩm đoàn đã bị xóa bỏ sau cách mạng Xô viết, cùng với tòa án và luật sư. Chúng đã được tái sinh năm 1993.

Chỉ trong một số rất ít tội danh, như giết người và bắt cóc, thì bị cáo mới có quyền có hội đồng xét xử. So sánh với những vụ xử không có hội đồng xử án trong thời kỳ Xô viết, trong đó tỉ lệ trắng án là dưới một phần trăm, tỉ lệ này ở các phiên tòa có hội đồng xét xử lên đến 15 đến 20 phần trăm. Do thắng lợi hiển nhiên này, người ta ngày càng khao khát đi tìm cảm giác công bằng quen thuộc. Nhưng cuộc tìm kiếm kết thúc bằng vỡ mộng.

Hệ thống [tư pháp] Xô viết dựa vào các công tố để tìm ra điều gì được coi là sự thật trong các phiên tòa hình sự, như vậy cơ sở để cải cách xung đột với hệ thống mới trong đó các hội đồng xử án là một bộ phận, khi đó sự thật coi như được hiện lên qua tranh biện giữa bên công tố và bên luật sư biện hộ.

Tuy nhiên hệ thống cũ không chết. Học giả Jeffrey Kahn nói nước Nga có “nhiều thói quen pháp lý xấu.”  Một trong số đó là “hồ sơ vụ án” của công tố, nó quyết định tội trạng của vô số công dân Xô viết và giữ lại sức mạnh khủng khiếp của nó. Trong số 791.802 vụ án hình sự được xử lý trong chín tháng đầu năm nay, chỉ có 465 vụ được quyết định bởi hội đồng xử án. Ông Khodorkovsky không được phép có một hội thẩm đoàn trong cả hai phiên tòa xử ông. Công tố cố ý chỉ khép ông vào những tội không cho ông quyền đó. Có vẻ như người ta không thể tin một hội đồng bồi thẩm sẽ bảo vệ cho những quyền lợi của nhà nước.

Khi Vladimir Putin báo trước sự khởi đầu một kỷ nguyên của pháp luật và dân chủ, ông nhắc đi nhắc lại mô tả nó như một nền “chuyên chính của luật pháp.” Khi vụ Khodorkovsky kịch hóa, mô tả ấy tỏ ra chính xác đến ớn lạnh.

Bản tiếng Việt: Hiếu Tân

N3

Các vụ án sẽ xác định tương lai của nước Nga với phương Tây.


By Kathy Lally
Ban ngoại vụ Washington Post
Thứ Tư 15 tháng 12, 2010

MOSCOW - Hai vụ kiện đang diễn ra tuần này chất đầy ý nghĩa đối với nước Nga, giúp xác định liệu nước này có xích lại gần phương Tây hay vẫn giữ nguyên là một người quen xa cách, nhìn nhau bằng con mắt đầy nghi ngờ.
Phiên tòa thứ hai xử nhà tỷ phú dầu mỏ Mikhail Khodorkovsky được ấn định mở lại vào thứ Tư, người ta trông chờ quan tòa đưa ra phán quyết, một quá trình phải mất nhiều ngày. Tuy nhiên hôm thứ Tư quan tòa loan báo hoãn đến 27 tháng 12. Và thứ Năm, Nghị viện châu Âu theo lịch trình sẽ bỏ phiếu đề nghị cấm thị thực và tịch thu tài sản các quan chức Nga dính líu đến cái chết trong lúc giam giữ của Sergei Magnitsky, một luật sư bị bắt sau khi bóc trần một âm mưu gian lận 230. 000$.
Vào hôm thứ Ba, một liên danh các lãnh đạo và các nhà trí thức thế giới đã gửi tổng thống Dmitry Medvedev một bức thư ngỏ trong đó họ đề nghị rằng nếu Khodorkovsky lại bị tuyên bố có tội và vụ Magnitsky bị chìm xuồng, thì thế giới sẽ mất lòng tin của vào sự cam kết với công lý của nước Nga.
“Chúng tôi không thể dửng dưng khi các quy tắc luật pháp và các giá trị nhân đạo bị lạm dụng và bị hủy hoại công khai như vậy,” bức thư viết, với 50 chữ ký trong đó có cựu bộ trưởng ngoại giao Pháp Bernard Kouchner và thống đốc bang New Mexico, Bill Richardson (đ.Dân chủ).  “Sự cộng tác ổn định và tin cậy với nước Nga chỉ có thể tồn tại khi mà các giá trị nền tảng chung của chúng ta được chia sẻ và được áp dụng.”
Khodorkovsky người có lúc từng là người giầu nhất nước Nga bị kết án trốn thuế và bị phạt tù tám năm sau khi sau khi gặp rắc rối với cựu tổng thống và đương kim thủ tướng Vladimir Putin. Với bản án của ông hết hạn vào tháng 10 năm 2011, lại thêm một cáo buộc mới chống lại ông, rõ ràng để giữ ông sau song sắt trong thời gian bầu cử tổng thống 2012.
“Những lời buộc tội này thật lố bịch vì nếu Khodorkovsky [và đối tác của ông, Platon] Lebedev bị kết án, thì về thực chất nhà nước đang sở hữu các tòa án,” Leon Aron một người ký bức thư ngỏ và là giám đốc nghiên cứu nước Nga của viện Kinh doanh Hoa Kỳ nói.
Chính quyền Moscow có lẽ đã nhanh chóng quên Magnitsky nếu không có những cố gắng của William Browder. Magnitsky, 37 tuổi khi ông chết trong tù ngày 16 tháng 11, 2009, là một luật sư thuê ngoài của công ty Quản lý Vốn Di sản của Browder, quản lý những khoản đầu tư lớn của nước ngoài vào nước Nga, cho đến khi nó va chạm với các nhà đương cục Nga.
Browder vận động hành lang ở Nghị viện châu Âu để xem xét lệnh trừng phạt các quan chức Nga có dính với vụ Magnitsky sau khi thuyết phục được một tiểu ban nghị viện Canada thông qua một nghị quyết tương tự và thượng nghị sĩ Benjamin L. Cardin (Dân chủ - bang Maryland.) đưa một dự luật như vậy ra quốc hội.
“Pháp luật không tồn tại ở nước Nga,” Browder nói hôm thứ Ba từ London. “Những sự việc như thế này xảy ra càng nhiều, người ta càng gạt bỏ nước Nga như một đất nước què quặt vì tội phạm, và điều đó tác động tiêu cực lên thương mại, ngoại giao và du lịch.”
Nga đã lên tiếng ngày càng giận dữ về thị thực và những đe dọa tài sản, đang điên khùng về khả năng bị trừng phạt, cử một đoàn đại biểu sang Strasbourg, Pháp, để lôp-bi các nhà làm luật của Liên hiệp Châu Âu chống lại các quyết định nói trên. Khi Canada hành động, Bộ Ngoại giao Nga gọi đó là “không có gì khác hơn một âm mưu gây sức ép với các nhà điều tra và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.”
Katrina Lantos Swett, một người khác ký bức thư ngỏ gửi Medvedev nói cả hai vụ Khodorkovsky và Magnitsky có ý nghĩa quan trọng đối với Hoa Kỳ. Bà đang ở Moscow để quan sát vụ xử Khodorkovsky nhân danh quỹ Lantos vì Nhân quyền và Công lý.
“Ông ấy đã trở thành người tù chính trị kiệt xuất nhất của nước Nga,” bà nói về Khodorkovsky.
Bức thư ngỏ gửi tới Medvedev không chỉ vì với tư cách một tổng thống, ông là người bảo đảm cho hiến pháp, mà còn vì ông đã nhận lãnh sứ mệnh hiện đại hóa và mở cửa nước Nga. Tuy nhiên nhiều thứ ở đây cho thấy trước Khodorkovsky sẽ bị kết án, chỉ có điều không biết ông sẽ bị 14 năm tù như các công tố muốn, hay là một bản án nhẹ hơn.
“Bản án đủ 14 năm tù sẽ cho tôi thấy kết cục của công cuộc hiện đại hóa của Medvedev,” Aron nói. “Anh không thể nói về mở rộng tự do khi mà các quy tắc luật pháp bị phản bội một cách đáng hổ thẹn như vậy.”
Sự tha bổng, ông nói, sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ trong nước. “Nước Nga đã luôn luôn là một nước nơi mà các quan chức thấp nhất trông thẳng lên Kremlin. Không có gì ở giữa. Điều đó sẽ gửi một thông điệp rằng từ nay những vụ hăm dọa tống tiền và cướp bóc cưỡng đoạt không còn là an toàn nữa,” ông nói.
Một bản án mềm hơn sẽ cho tín hiệu rằng Medvedev đang lưỡng lự, Aron nói, nhưng bất cứ điều gì khác cũng có nghĩa là Putin không thích các xu hướng tự do đã thắng thế.
Swett người đã nói rằng quan tòa đang chịu một sức ép quá lớn, nói bà hy vọng ông sẽ tỏ ra là một cá nhân hiếm hoi kẻ thấy lịch sử đang đến với mình và đứng lên để đón nó.
“Tôi chúc cho quan tòa can đảm” bà nói, dẫn lời tuyên bố gần đây của Khodorkovsky.



Bản tiếng Việt: Hiếu Tân
 



N4:
WikiLeaks: trị nước bằng pháp luật trong vụ án Mikhail Khodorkovsky chỉ là cái vỏ hào nhoáng



Vụ án của thủ lĩnh chính trị Nga Mikhail Khodorkovsky chứng tỏ Kremlin duy trì “một hệ thống bất chấp đạo lý, trong đó những kẻ thù chính trị bị khử vô tội vạ,” các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói trong những bức mật điện được WikiLeaks tiết lộ ngày hôm nay.

Những mưu toan của Nga nhằm chứng minh quy tắc pháp lý đang được tôn trọng trong vụ truy tố Khodorkovsky là “”lớp son môi trên một con heo chính trị”, đó là lời một thông cáo gửi từ tòa đại sứ Mỹ ở Moscow đến Washington tháng 12, 2009. 

Khodorkovsky, 47 tuổi, một ông vua dầu mỏ bị bắt năm 2003 và hai năm sau bị kết án tám năm tù vì tội gian lận, hôm nay sẽ xuất hiện tại phiên toà ở Moscow để nghe phán quyết trong vụ án thứ hai về cáo buộc tham ô. Những người ủng hộ người đàn ông một thời giàu nhất nước Nga này nói Kremlin đã ra lệnh truy tố ông để trả thù việc ông tài trợ cho những đảng đối lập.

Khi hết hạn án tù hiện nay - vào tháng 10 năm 2011- Khodorkovsky có thể phải chịu sáu năm nữa trong tù nếu bị kết án. Đối tác kinh doanh của ông Plaon Lebedev cũng đối mặt với một hình phạt như thế.

Trong khi các quan chức Hoa Kỳ đã công khai chỉ trích vụ án này, bắt đầu hồi tháng ba năm ngoái, thì ngôn ngữ trần trụi của các bức mật điện gây ấn tượng mạnh.

Viết cho Washington hồi tháng mười hai năm ngoái, một viên chức chính trị trong sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow nhận xét rằng một chuyên gia luật quốc tế tin rằng quan tòa xử vụ án này đang cố gắng cho luật sư biện hộ cho Khodorkovsky một cơ hội. Tuy nhiên, trong một đánh giá coi thường, người sĩ quan đó nói: “Sự kiện các thủ tục pháp lý bề ngoài đang được theo dõi tỉ mỉ trong một vụ mà động cơ rõ ràng là chính trị, có thể là nghịch lý.

“Nó cho thấy những cố gắng mà GOR (chính phủ Nga) đang sẵn sàng sử dụng để cứu lấy thể diện, trong vụ này bằng cách áp dụng một lớp vỏ ngoài pháp trị che đậy một hệ thống bất cần đạo lý, nơi mà các kẻ thù chính trị bị khử vô tội vạ”

Lời đánh giá của nhà ngoại giao khẳng định lại những điều đã nói trong các bức mật điện bị tiết lộ trước đó bởi WikiLeaks, trong đó nước Nga được mô tả như một “nhà nước mafia” trộm cắp. trong đó các quan chức đầu sỏ chính trị và tội phạm có tổ chức câu kết chặt chẽ với nhau.

Nó tham chiếu đến một cuộc mít tinh năm 2000 khi Putin, lúc đó đang còn là tổng thống, gặp Khodorkovski và hai mươi thủ lĩnh chính trị khác và nghe nói đã cảnh báo họ hãy đứng ngoài chính trị nếu muốn công việc kinh doanh được để cho yên lành.

“Có một điều mà nhiều người biết” nhà ngoại giao đó viết, “rằng Khodokovski đã vi phạm các quy tắc ngầm của cuộc chơi; nếu anh tránh xa chính trị, thì anh có thể ních đầy túi anh bao nhiêu cũng được.”

Viên chức đó viết thêm: “Không phải thua thiệt cho giới tinh hoa hay dòng chủ đạo việc GOR đã áp dụng một tiêu chuẩn kép cho các hoạt động bất hợp pháp của giới thủ lĩnh chính trị những năm 1990; nếu nó không thế, thì gần như mọi thủ lĩnh chính trị khác cũng đã vào nhà lao cùng với Khodorkovsky và Lebedev.” Trong tiết mục hỏi-và-trả lời trên truyền hình đầu tháng này, Putin, bây giờ là thủ tướng, gạt phăng những lời phê phán đối với vụ án này. Nước Nga có “một trong những hệ thống tòa án nhân đạo nhất trên thế giới.” Ông nói thêm, “tôi tin rằng một tên kẻ trộm thì phải ngồi tù.”

Công ty dầu Yukos của Khodorkovsky bị tịch thu và bị bán cho các hãng quốc doanh sau niềm tin ấy của ông ta. Ông [Khodorkovsky] đã giáng trả trong một bức thư gửi cho Putin, được công bố trên một tờ báo Nga. Ông tỏ lòng thương hại Putin, một “con người không còn trẻ nữa, quá lạc quan và quá cô đơn trong một đất nước mênh mông và tàn nhẫn” Ông Khodorkovsky nói thủ tướng là một người cầm lái một con thuyền galê[1] chạy ngay trên số phận của nhân dân” và “trên đó ngày càng nhiều những công dân Nga dường như nhìn thấy lá cờ đen của bọn cướp biển bay phấp phới.”

Khodorkovsky còn chế giễu sự xuất hiện của Putin trên truyền hình với con chó mới của ông ta, con Buffy. “Tình yêu chó là tình cảm chân thành, tốt đẹp duy nhất xuyên qua lớp vỏ thép của biểu tượng của dân tộc” những năm 2000,” ông viết. “Một tình yêu chó đã trở thành vật thay thế cho tình yêu con người.”

Phán quyết của vụ án Khodorkovsky lẽ ra vào ngày 15 tháng 12 nhưng sáng hôm ấy có một thư tay găm vào cửa nhà quan tòa Moscow Khodorkovsky's nói nó đã được hoãn đến hôm nay. Một số nhà phân tích cho rằng sự chậm trễ là có tính toán, để làm chệch hướng chú ý của truyền thông qua những ngày nghỉ lễ.

Khodorkovky và Lebedev bị kết tội tham ô toàn bộ sản lượng dầu thô của công ty Yukos trong thời gian sáu năm.

Theo bức mật điện tiết lộ hôm nay, một nguồn tin gấn gũi với Khodorkovsky tiên đoán ông “có thể phải ngồi trong tù chừng nào chính quyền Putin còn nắm quyền lực.” người ta trông đợi Putin trở lại ngôi tổng thống vào năm 2011, và có thể phục vụ thêm hai nhiệm kỳ nữa, cho đến năm 2024.

Quan tòa sẽ mất vài ngày để đọc phán quyết.


Bản tiếng Việt: Hiếu Tân
 


[1] Thuyền do tù nhân hay nô lệ chèo

N5

“Công lý” Nga

Ariel Cohen
11/1/2011
The National Interest
Nguồn:
http://nationalinterest.org/commentary/russian-justice-4692

Quốc hội mới với đảng Cộng hòa chiếm đa số đang bắt đầu nhiệm vụ của nó với con mắt hằn học nhìn về những gì đang diễn ra ở nước Nga. Mới cách đây một tuần Moscow kết án Mikhail Khodorkovsky về những tội mà hầu hết các chuyên gia luật tin rằng ông không phạm. Cựu Thủ tướng Boris Nemtsov mới vào tù hai tuần nay, vì biểu tình ủng hộ tự do hội họp. Nhưng chính bản án mười bốn năm tù đưa ra chống Mikhail Khodorkovsky mới đặc biệt đáng nói. Nó không phản ánh tội của cựu chủ tịch công ty dầu Yukos của Nga, mà phản ánh sự thù địch của giới cầm quyền Nga. Cho dù các công ty Mỹ có muốn vào kinh doanh ở Nga thì bản phán quyết và vụ bắt giữ ấy cũng không giúp đỡ gì được.
Cứ cho là những năm 1990 là những năm của “chủ nghĩa tư bản Tây phương hoang dã” ở Nga, mà Khodorkovsky cùng với nhiều nhà kinh doanh khác đã tham gia vào, nhưng tội” thật sự của ông là cố gắng “giải phóng” công ty của ông và bản thân ông ra khỏi hệ thống tham nhũng và cánh hẩu chính trị đang nuôi béo những kẻ môi giới quyền lực ở Moscow. Bằng cách buộc Yukos hành động một cách minh bạch sau khi cổ phần hóa nó, trong đó có việc đóng thuế, ông cố gắng thúc đẩy công ty của ông - và đất nước ông - chuyển sang cách điều hánh tập thể kiểu phương Tây.
Tuy nhiên quan tòa Viktor Danilkin tuyên bố cần “cải tạo [Khodorkovsky] bằng cách cách ly ông ra khỏi xã hội”. Với những lời lẽ như thế, Danilkin vô tình đã kết tội chính cái chế độ chuyên chế, tham nhũng và bất công mà ông phục vụ. Bản phán quyết chứng tỏ rằng chế độ không có khả năng tự sửa đổi và cải cách, bất chấp những lời kêu gọi hùng hồn về cả hai, của vị tổng thống trên danh nghĩa của nó, Dmirti Medvedev.
Thủ tướng Vladimir Putin đang đánh giá lại quyền lực của ông ta trong khi nước Nga đối mặt với sự bế tắc về chính trị. Lần này, Putin đã thật sự bảo quan tòa phải xử như thế nào trong chương trình Hỏi và Trả lời trên đài Truyền hình Quốc gia. “Một tên trộm thì phải ngồi trong tù,” Putin nói. Và Khodorkovsky sẽ phải ngồi thêm sáu năm rưỡi nữa. Hai mươi năm sau sự sụp đổ của Liên xô, nước Nga vẫn còn nằm dưới “luật điện thoại” - một chế độ trong đó những án phạt được giật dây từ một cú điện thoại của cấp trên.
Sự vô tội của Khodorkovsky là rõ ràng, các chuyên gia luật như các giáo sư Mary Holland và Ethan Burger ở Hoa Kỳ và Bill Bowring ở Anh, cũng như Tamara Morshchakova, cựu chánh án Tòa Hiến pháp Nga, đều nhất trí. Tuyên bố của công tố nhà nước rằng ông đã “ăn cắp” 300 triệu tấn dầu là điều không thể xảy ra về mặt vật lý. Dầu được bơm qua hệ thống đường ống Transneft do nhà nước quản lý, ghi chép và kế toán.
Đáng buồn là những vụ án lặp đi lặp lại của Khodorkovsky nhắc nhớ đến vô số những bi kịch do những kẻ thống trị nước Nga và các tòa án ngoan ngoãn vâng lời gây ra. Trong ba thế kỷ nay, nước Nga đã bỏ tù, giết hại, bức tử hoặc đầy ải các nhà phê bình chính trị xã hội, nhà văn, nhà kinh tế, triết gia và nhà thơ kiệt xuất nhất của nó, như Aleksandr Radishchev, Aleksandr Gertzen, Fyodor Dostoyevsky, Nikolai Gumilev, Osip Mandelstam, và ba người được giải Nobeltrong thế kỷ hai mươi: Aleksandr Solzhenitsyn, Andrey Sakharov và Joseph Brodsky. Người sáng lập nhà nước Xô viết, Vladimir Lenin, đã trục xuất hai chuyến tàu những nhà trí thức và đưa những người khác đi trại tập trung Solovki, trong khi người kế tục ông, Joseph Stalin đã giết hàng chục nghìn người trong gulag, phá hủy vĩnh viễn toàn bộ các ngành khoa học và nhân văn của nước Nga.
Cựu thủ lĩnh chính trị đeo kính Khodorkovsky không phải là nhà triết học cũng không phải nhà thơ. Ông cũng không phải là mối đe dọa về chính trị đối với chế độ hiện thời. Những cuộc điều tra ý kiến cho thấy ông không được nhiều cử tri biết đến, và ông chưa biểu lộ quan tâm gì đến việc kiếm một địa vị trong chính quyền.
Vậy lý do thật sự của bản án thứ hai này là gì? Một sự pha trộn giữa mong muốn giữ tài sản của Yukos trong tay những kẻ chiếm đoạt nó mà không bồi thường, và một tín hiệu mạnh cho bất kỳ ai - đặc biệt là những trùm kinh doanh - rằng chớ có thách thức hiện trạng quyền lực, đặc biệt vào trước kỳ bầu cử tổng thống năm 2012.
Tuy nhiên nhiều nhà dân chủ Nga cho rằng chưa bao giờ hiện trạng quyền lực mục nát hơn bây giờ. Một báo cáo bị rò rỉ gần đây của Cơ quan Kiểm toán chính phủ Nga tiết lộ 4,5 tỉ $ hối lộ xung quanh việc xây dựng đường ống dẫn dầu xuyên Xiberi. Một vụ khác tiết lộ nhiều tỉ đô la gắn với các đơn hàng mua bán của nhà nước, từ những họp đồng Olympics Sochi đến những mua sắm quân sự.
Cơ hội cải cách đã bị bỏ lỡ. Cơ hội thay đổi quan hệ Nga-Mỹ cũng vậy. Tổng thống Barrack Obama đã xin cho vụ Khodorkovsky. Bản án khắc nghiệt đưa ra ngay sau khi Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn hiệp ước START mới, dường như là một sự lăng mạ cố ý. Nó cũng xúc phạm Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã đòi công lý cho Khodorkovsky.
Đã có những báo cáo rằng chính quyền Obama có thể xem xét lại tư cách thành viên của Nga trong WTO. Ngoài ra, Quốc Hội cũng đang cân nhắc kêu gọi trừng phạt pháp lý đối với những kẻ dính líu vào cái chết của Sergei Magnitsky. Luật sư người Nga này chết trong khi bị giam giữ sau khi vạch trần những tội ác tập thể và thuế cho phép các quan chức bảo vệ pháp luật Nga bỏ túi 230 triệu $. Yêu cầu nêu tên các quan chức dính dáng đến những sự ngược đãi ghê tởm trong vụ Khodorkovsky, và hạn chế họ vào các nước phương Tây có thể là cách khác để gửi một tín hiệu đến Kremlin. Không có những tín hiệu mạnh từ Washington, việc đòi tự do cho Khodorkovsky bị bỏ rơi và tính mạng của ông sẽ bị nguy hiểm. Và tất cả những điều này sẽ đe dọa sự tiến triển của mối quan hệ đối tác Nga-Mỹ. 


Bản tiếng Việt: Hiếu Tân
 
                                 _________________________________________

N6:

Lạc hậu lắm, nước Nga ơi!

Bản án thứ hai với ông vua dầu hỏa chứng tỏ “chủ nghĩa hư vô pháp lý” vẫn sống và sống khỏe ở Kremlin.

Owen Matthews

NEWSWEEK

27/12/10

(Page 1 of 2)

Giống như nhiều sự việc ở nước Nga hiện đại, bản án ngày hôm nay kết  án tù Mikhail Khodorkovsky với những cáo buộc mới về tội biển thủ có cái gì đó vừa gây sốc lại vừa không làm ai ngạc nhiên. Không ngạc nhiên bởi vì ít người ở Nga tin rằng Khodorkovsky có thể được tuyên bố vô tội. Gây sốc bởi vì mặc dầu chỉ có 13% người Nga tin vào những cáo buộc đối với người thủ lĩnh bị cầm tù là đúng, thế nhưng hầu hết không chú ý gì đến phiên tòa hay đồng ý với Thủ tướng Vladimir Putin rằng “kẻ trộm thì đáng bị tù” - rõ ràng không đếm xỉa đến độ chân thật của những cáo buộc chống lại họ.
Tuy nhiên, mặc dầu không ai thật sự chờ đợi một kết cục khác, bản án thứ hai của Khodorkovsky đánh dấu một bước ngoặt của nước Nga. Hay chính xác hơn, những ai tin rằng nước Nga đang ở trong một bước ngoặt dưới thời Dmitry Medvedev đã sai một cách thảm hại. Trong một bản tuyên ngôn kích động hồi đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, nhan đề là “Tiến lên, hỡi nước Nga” Medvedev kêu gọi chấm dứt “một nền kinh tế nguyên thủy dựa trên nguyên liệu và nạn tham những đặc hữu.”  Ông nhận xét rằng “đây là lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta, chúng ta đã có một cơ hội để chứng tỏ cho bản thân mình và thế giới rằng nước Nga có thể phát triển theo một con đường dân chủ.” Và hứa hẹn rằng “một cuộc chuyển biến sang một giai đoạn tiếp theo, cao hơn của nền văn minh là điều có thể” Trong một bài diễn văn nói trước quốc dân năm 2009, Medvedev cũng nhận dạng đúng “chủ nghĩa hư vô pháp quyền” - sự lạm dụng luật pháp của kẻ có quyền - như một trở ngại cơ bản đối với việc người Nga đạt được “một cuộc sống bình thường trong một xã hội hiện đại, dân chủ và phồn vinh.”                      
Những lời lẽ hay ho, thậm chí gây hứng khởi. Nhưng bản án thứ hai của Khodorkovsky, bắt đầu năm 2006, là một quả bom hẹn giờ cứ tích tắc bên dưới uy tín của Medvedev. Bây giờ, nó nổ bùng. Bản án đầu tiên của Khodorkovsky, năm 2003, rõ ràng có tính chất chính trị - người thủ lĩnh này đến lúc đó đang tài trợ cho phe đối lập chính trị vào thời điểm mà ưu tiên của Putin là đưa các doanh nghiệp chủ đạo của nước Nga vào dưới sự kiểm soát của Kremlin. Tuy nhiên cùng lúc đó, nhiều chuyên gia pháp luật độc lập nói vụ án trốn thuế ban đầu có một số cơ sở (cho dù việc tước đoạt công ty dầu lửa Yukos sau đó bởi giới quan liêu có liên hệ với Kremlin đã đi quá giới hạn). Nói cách khác, Khodorkovsky có lẽ có tội ngang với những thủ lĩnh tỷ phú khác về việc sử dụng những mối quan hệ chính trị để chiếm đoạt tài sản nhà nước, và sau đó trốn thuế trên lợi nhuận của mình bằng cách sử dụng một mạng lưới các công ty [dầu khí] biển. Những người ủng hộ Putin làm một chính sách thực dụng mà các đầu sỏ chính trị quá mạnh, và Khodorkovsky được dùng để làm gương. Cứ hư vô pháp quyền, nếu anh thích, nhưng để phục vụ cho lợi ích lớn hơn của đất nước.
Tuy vậy, tập hợp những cáo buộc lần thứ hai là một vấn đề hoàn toàn khác. Theo lời cựu thủ tướng Mikhail Kasyanov, hiện nay là một lãnh tụ đối lập, trong năm 2006 giới quan liêu Kremlin, những kẻ đã được hưởng lợi từ việc chia xẻ Yukos trở nên bối rối lo sợ về việc Khodorkovsky sẽ hết hạn tù vào năm 2012, và ra lệnh đưa ra những cáo buộc mới để giữ ông trong tù lâu hơn. Những tội mới mà các công tố giới  đưa ra gần như là siêu thực. Khodorkovsky và đối tác của ông, Platon Lebedev bây giờ bị quy tội ăn cắp lượng dầu trị giá 25 triệu đô - hầu như toàn bộ số dầu Yukos sản xuất ra trong những năm từ 1998 đến 2003 - và sau đó tiến hành rửa tiền. Không chỉ việc cáo buộc mới mâu thuẫn với cáo buộc cũ (làm thế nào anh trốn thuế trên số dầu mà anh đã ăn cắp?) mà mặt khác chúng còn được soạn ra một cách vụng về đến nỗi mỗi ngày trong vụ án kéo dài hàng năm trời cả Khodorkovsky lẫn Lebedev đã tốn nhiều giờ chậm rãi ngồi moi ra những lỗ hổng kỹ thuật của vụ truy tố này.
Như chúng ta thấy từ bản luận tội mà quan tòa Victor Danikin lầm bầm đọc hôm nay, sự biện hộ quá kỹ càng của họ it tác dụng. Bản án tù bổ sung thêm chưa rõ là bao nhiêu, mặc dầu đã có những báo cáo chưa được xác nhận ở Moscow nhấn mạnh rằng Danikin đã nhận được tại nhà của ông hôm thứ bảy từ các nhân viên an ninh nhà nước một lời răn đe cứng rắn để đảm bảo một bản án nặng hơn 14 năm tù của công tố. Rõ ràng là “chủ nghĩa hư vô pháp quyền” vấn đang sống và sống khỏe, và thay vì đấu tranh với nó, Kremlin vẫn tích cực sử dụng nó, ở những mức độ cao nhất.
Nhưng ý nghĩa thật sự của vụ Khodorkovsky là nhà cầm quyền đang yếu, và sợ hãi. Nếu bản án đầu tiên của Khodorkovsky là một loại thắng lợi vô lý của Putin trước một thủ lĩnh đã có hồi cực mạnh,  thì bản án thứ hai chứng tỏ rằng Kremlin đang sợ bộc lộ những gì nó coi là yếu kém. Hơn nữa, sự vụng về của bản thân những lời buộc tội, và sự có mặt dày đặc của cảnh sát và những cuộc bắt giữ tràn lan ngày hôm nay, hé lộ một sự non tay nguy hiểm. Chế độ độc tài toàn trị đã là kinh khủng. Chế độ độc tài toàn trị bất tài kém cỏi mới thật sự kinh khủng hơn.
Về chứng cứ cho thấy các nhà cầm quyền Nga là độc tài  toàn trị  - và nay là độc tài  toàn trị  vụng về thô thiển - như thế nào chỉ cần nhìn vào cái cảnh hùng biện liều lĩnh trong phòng xử án trong suốt phiên tòa. Một bên ngồi những viên công tố trong bộ đồng phục kiểu những năm 1980, vây quanh bởi hàng chồng giấy tờ thò cả ra ngoài chiếc bục kiểu thời Victoria. Họ lầm bầm đọc bản luận tội của họ bằng giọng đều đều. Tại nhiều điểm trong phiên tòa những lời buộc tội của họ nghe phi lý đến mức ngay cả quan tòa cũng phá ra cười (nhà công tố ưa thích của tôi nói chữ  - “Bị cáo đang gây một ấn tượng xuất sắc về việc là một con người bình thường.”) Bên kia ngồi tốp biện hộ cho Khodorkovsky, ăn mặc trang nhã, mỗi người một chiếc laptop. Trong buồng kính phía sau họ, Khodorkovsky và Lebedev ngồi, trông họ thoải mái hơn và tự do hơn một cách kỳ lạ so với bất kỳ ai khác trong phòng, lần lượt thay nhau khi người này theo dõi những tài liệu bằng chứng trên một màn hình Mac rộng đặt trước hộp kính của họ thì người kia ghi chép. Cứ như thể có hai nước Nga đang đấu khẩu với nhau trong phòng xử án, một bên thì bối rối và hăm dọa, bên kia thì thanh lịch, hiện đại và ung dung thư thái lạ lùng. Như chính Khodorkovsky đã nói năm ngoái, một nước mà cướp đoạt các công ty tốt nhất của chính nó và bỏ tù những doanh nhân sáng giá nhất, trái lại đặt tin cậy vào lũ công an chìm và bọn quan liêu thì những ưu tiên của nó đã sai lầm nghiêm trọng.
Những đầu sỏ chính trị, không cần phải bàn cãi gì nữa, là xấu cho nước Nga. Họ dùng tiền của họ để mua quyền lực chính trị và như vậy làm thối nát viện Duma, báo chí và chính phủ. Nhưng bọn quan liêu - trộm cướp kế tục chúng còn tồi tệ hơn nhiều. Khodorkovsky, trong những năm bị giam cầm ở trại cải tạo ở Siberia đã tự biến cải mình từ biểu tượng một đầu sỏ chính trị bị căm ghét thành kẻ dự báo[1] cho một loại thối nát khác của Nga. Các đầu sỏ lạm dụng tiền của mình, còn Kremlin nay đang lạm dụng quyền lực để bịt miệng phe đối lập và che đậy những vụ trộm cắp khổng lồ của giai cấp quan liêu với khối lượng ước tính tới một phần ba GDP của Nga, hàng năm. Medvedev đúng khi nói rằng nước Nga đang mục ruỗng từ bên trong, thậm chí ông còn chỉ thẳng ra nó như thế nào. Nhưng bản án thứ hai của Khodorkovsky cho thấy rằng Medvedev, với tất cả trí thông minh và những lời nói tốt đẹp về cải cách của ông, chưa làm khác đi được tí nào.


Bản tiếng Việt: Hiếu Tân

N7:

Ở nước Nga, tự do ngôn luận là một vấn đề kiểm soát của nhà nước.


Kathy Lally
The Washington Post
Thứ 6 , 10 tháng 12, 2010

MOSCOW - Đây là hình ảnh của xã hội trong một nước mà chính phủ kiểm soát các phương tiện thông tin đại chúng:
Một buổi tối, kênh truyền hình chính dùng thời gian chủ yếu để phát một buổi hòa nhạc trên khắp nước Nga mênh mông, nói lời tôn kính với các nhà thu thuế đáng sợ. Hôm khác, các nhà giám sát truyền thông kết tội một tờ báo khả kính là cực đoan, vì đã đưa tin về các nhóm Tân Quốc xã.
Buổi hòa nhạc tháng 11 vừa rồi để kỷ niệm lần thứ 20 ngành thanh tra thuế vụ là một buổi vui nhộn. Các hoạt náo viên nổi tiếng hát và chọc cười. Một dàn hợp xướng của các nhà thu thuế nhảy vào góp vui, rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu, những giải kim tuyến vàng óng tuôn chảy từ trên vai áo những bộ đồng phục kiểu quân đội, một bài hát về tiền trên môi họ - vừa mới đây các nhân viên đáng sợ này đã có thể hạ bệ một nhà tỷ phú bỗng dưng trở nên khó chịu, hay hủy hoại một doanh nghiệp nhỏ không có những người bạn đáng nể.   
Xem thêm: nhà bất đồng chính kiến Nga bị cầm tù cần sự giúp đỡ của Obama                                                                                                                                                                                                                                                                                   
Nhà nước không tặng một cử tọa ngưỡng mộ như thế cho các nhà báo chiến đấu như Dmitri Muratov, biên tập viên của tờ Novaya Gazeta (Báo Mới). Ông đã nhận được lời cảnh cáo vì đã khuyến khích các quan điểm cực đoan. Chỉ cần thêm một cảnh cáo như vậy là tờ báo có thể sẽ bị đóng cửa.
Bài báo chọc giận kia tiếp theo sau vụ giết hai người một cách hung bạo hồi tháng Giêng 2009. Anastasia Baburova, một nữ phóng viên tập sự 25 tuổi của tờ báo, người viết bài về phong trào phát xít trẻ, đã bị bắn vào gáy sau khi cô ra khỏi một cuộc họp báo trên đường đi đến một ga xe điện ngầm tấp nập, cùng với một luật sư và nhà báo về nhân quyền, Stanislav Markelov. Cả hai đều chết.
Đầu năm nay, tờ Novaya Gazeta khảo cứu tổ chức, thành viên và những tuyên bố của các nhóm tân Quốc xã, phần lớn được đưa lên các website của họ. Muratov nghĩ bài báo đó - theo tiêu chuẩn phương Tây thì là bình thường - sẽ khởi động một cuộc điều tra của chính phủ về các nhóm phát xít. “Ngược lại, chúng tôi bị cảnh cáo về thái độ cực đoan,” ông nói.
Gần đây tòa báo này đã thất bại trong kháng cáo về vụ cảnh cáo hồi tháng Ba. Muratov đang chuẩn bị một kháng cáo mới, gửi lên Tòa án Hiến pháp, và thậm chí Tòa án Nhân quyền Châu Âu.
“Nếu chúng tôi không viết về bọn tân Quốc xã và nạn tham nhũng, thì chúng  tôi viết về cái gì?” ông hỏi. “về một ngôi sao mới căng lại da mặt chăng?”
Ý nghĩ ấy rõ ràng là lố bịch đối với Muratov, một biên tập viên lực lưỡng xắn-ống-tay-áo-chiếc-áo-len-dài-tay-đã-sờn, người quản lý hơn 60 nhà báo nôn nóng rọi sáng những góc tối, mặc dầu nguy cơ của cái chết treo trên đầu họ. Sáu nhà báo của tờ Novaya đã bị giết hoặc chết trong những hoàn cảnh bí ẩn. Người nổi tiếng nhất, Anna Politkovskaya, một phóng viên chiến tranh và nhà bảo vệ nhân quyền, bị bắn chết trong căn hộ của bà năm 2006.
Không khí đe dọa ấy đã tạo nên một sự thiếu hụt tự do ngôn luận, nhà tỷ phú Alexander Lebedev một cựu nhân viên KGB sở hữu 49% cổ phần của Novaya Gazeta cùng với Mikhail Gorbachev nói.
 Novaya Gazeta thay thế cho ý kiến công luận, Lebedev nói. Và tờ báo mỗi tuần phát hành ba ngày ấy nổi trội lên là nhờ Muratov. “Ông ấy là một người tuyệt vời, rất trung thực, rất can đảm, và là một biên tập viên rất có tài.”
Lebedev là một chủ ngân hàng, ông muốn được coi là một nhà xuất bản và phóng viên điều tra - ông sở hữu cả hai tờ the Evening Standardthe Independent ở London. Mặc dầu quá khứ của ông, ông không hề muốn có sự hạn chế nào đối với việc đi lại và nói năng của ông.

2.

Ngân hàng Quốc gia chính[3] (NRB) của ông đã bị cướp hồi đầu tháng trước bởi khoảng 100 biệt kích trang bị vũ khí bán tự động và đeo mặt nạ đen. Vụ cướp đến ngay sau khi tờ Novaya Gazeta đăng một bài phỏng vấn dài, riêng với Mikhail Khodorkovsky, một ông trùm dầu hỏa, kẻ đã húc đầu phải chính phủ và đã bị tù vì bản án trốn thuế và gian lận từ năm 2003.
Xem thêm: nhà bất đồng chính kiến Nga bị cầm tù cần sự giúp đỡ của Obama

“Đó chỉ là sự dọa dẫm, chứ không có gì khác” Lebedev nói, ông nói rằng vụ cướp có vẻ như liên hệ đến Ngân hàng Vốn nước Nga (Russian Capital Bank) mà NRB tiếp quản năm 2008 sau khi nó phá sản và đã trao lại cho chính phủ sau khi phát hiện ra nó thiếu 200 triệu đô la. Hồ sơ tài liệu bị tịch thu, mặc dầu ông đã cho họ tự do tiếp cận. Vụ cướp khiến khách hàng của ông hoảng sợ, ông nói, và ông bị giảm mất 100 triệu đô la tiền gửi.
“Đây chắc chắn là một lời nhắn nhủ” ông nói “nhưng từ ai? Có thể là từ những quan chức tham nhũng tự mình hành động, hay ai khác?” 
Muratov cũng tự hỏi như thế. Các quan chức của cục quản lý tài sản Kremli mới đây đã thắng một vụ kiện về phỉ báng, sau khi tờ báo này đăng những cáo buộc về tham nhũng trong những dự án xây dựng do Kremli tài trợ. Vụ kiện tỏ ra xung đột với những lời ca thán thường xuyên của tổng thống về căn bệnh tham nhũng cố hữu - tổng thống Dmitry Medvedev thậm chí đã nhắc đến hàng triệu vụ trộm cắp trong các cuộc giao dịch mua bán của nhà nước trong bài diễn văn toàn quốc vào tuần trước.
Andrei Richter, giám đốc Viện Chính sách và Luật Truyền thông, nói chính phủ không thích nhưng cần nó, cũng như đài phát thanh hay nói thẳng Tiếng vọng Maskva (Echo Moskvư) như bằng chứng của tự do ngôn luận cho các vị khác quan trọng đang đến thăm.
“Đóng cửa nó chắc chắn sẽ là một xì căng đan” ông nói, “nhưng chính phủ không ngại cảnh cáo nó. Đó là một trận mưa lạnh.”

Những người ủng hộ trung thành

Muratov nói về những trận chiến đấu của báo ông với tính kiên nhẫn mà người Nga đạt được qua nhiều thế kỷ trong vòng tay những nhà cầm quyền thơ ơ nếu không nói là thù địch. Ông bắt đầu mất đi sự kiên nhẫn đó khi ông nói về truyền hình, là nguồn tin tức của hầu hết dân Nga, và là nơi mà nhà nước giám sát với sự cảnh giác đặc biệt

Trong tuần này Novaya Gazeta đăng phần hai của loạt bài về vụ giết hại tàn bạo bốn trẻ em và tám người lớn ở một làng trong vùng miền Nam Krasnodar, lên án các quan chức cấp cao nhiều năm dung túng cho băng đảng khủng bố. Tối hôm đó, bản tin trên truyền hình nêu những giả thuyết về vụ tai nạn máy bay hai ngày trước làm chết hai người, tường thuật về cuộc đi thăm của Tổng thống Medvedev sang Balan và thủ tướng Vladimir Putin thăm Trung Đông, trách các quan chức về giá vé máy bay cao.

Novaya Gazeta quá nhỏ so với lượng khán giả truyền hình. Nó nói nó có 350,000 người đặt báo dài hạn và 1,5 triệu độc giả. Nhưng nó thu hút một lượng người ủng hộ trung thành và lý tưởng.

Nikita Girin, 20 tuổi, một phóng viên tập sự và sắp được thuê toàn thời gian, nhớ rằng đã thấy Novaya Gazeta lúc anh 16 tuổi ở thành phố quê hương Ryazan.
“Khi tôi mở nó ra và bắt đầu đọc,” anh nói “Tôi nhận ra tôi chưa biết gì về đất nước tôi. Sau đó tôi biết tôi muốn thay đổi mọi việc, dù chỉ ở trong đầu của nhân dân tôi.”

Nguy hiểm chưa bao giờ làm ông sợ hãi. “Tôi biết tôi có thể bị đánh, nhưng tôi không thể lấy chuyện đó làm cớ để tôi trở nên thụ động. Nếu anh định làm việc một cách trung thực, anh phải sẵn sàng chờ bị đánh.”
Muratov tiếp tục làm việc. Sau lưng ông một bức ảnh Anna Politkovskaya nhìn qua vai ông, mỉm cười cương nghị.


Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 111210

                                 ________________________________                 

N8:

Làn sóng phi Stalin hóa thứ ba ở Nga
Phải chăng Kremlin cuối cùng đã thừa nhận lịch sử đen tối của nó?
MASHA LIPMAN
Foreign Policy
 16, tháng Mười Hai, 2010

 “Tội ác Katyn[4] phạm theo lệnh trực tiếp của Stalin và những nhà lãnh đạo khác của Liên xô"
Dòng trên đây, từ một tuyên bố chính thức phát đi từ Nghị viện Nga ngày 26 tháng 11, đánh dấu một bước đột phá quan trọng. Cuộc hành hình khoảng 22.000 người Ba lan năm 1940 bởi an ninh Liên xô có thể là một sự kiện lịch sử được ghi lại đầy đủ và biết đến rộng rãi, nhưng đây là lần đầu tiên viện Duma chính thức thừa nhận rằng Stalin và chính phủ của ông ta phạm tội tàn sát này. Và Tổng thống Nga Medvedev nay cũng vào cuộc, nói với truyền thông Ba lan trước một cuộc viếng thăm Warsaw tháng này rằng “Stalin và tay sai của ông ta phải chịu trách nhiệm về tội ác này.”
Hai tuyên bố chính thức trên đây là những ví dụ gần đây nhất về chuyển biến đáng ngạc nhiên của chính phủ Nga: Dưới thời Vladimir Putin, lập trường của điện Kremlin về Stalin khá lắm là lẩn tránh, dẫn đến việc từ từ khôi phục lại tiếng tăm của Stalin vào đầu những năm 2000. Nhưng trong năm qua chính phủ Nga đã bắt tay vào một vòng mới những lời lẽ hùng hồn và những sáng kiến chống Stalin, công khai thừa nhận một số tội ác của Liên xô “bị lãng quên” mà trước đây được tiết lộ vào thời Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin.
Cái dường như là động cơ thúc đẩy chiến dịch phi Stalin hóa hiện nay trước hết là sự xích lại gần với Phương Tây, là nơi đang thôi thúc Nga thừa nhận một số tội ác của chế độ toàn trị Xô viết. Nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là sự thay đổi trong chính sách ngoại giao sẽ đi kèm với quá trình tự do hóa chính trị trong nước; cách nào đó, trật tự chính trị hiện hành ở bên trong nước Nga không khác mấy với thời dưới chế độ Stalin. Nước Nga, dù có tệ sùng bái Stalin hay không, vẫn nằm trong truyền thống lâu dài hàng thế kỷ cho phép những lãnh đạo chóp bu của nó độc quyền quyết định, coi sự thống trị của nhà nước trên xã hội là điều thiêng liêng, và dựa vào cảnh sát an ninh nhà nước như một công cụ chủ yếu để cai trị.
Tuy nhiên, chiến dịch chống Stalin mới này là thật, và đã phát triển lên từ cuối năm 2009, khi vào ngày 30 tháng Mười - ngày truyền thống của Nga kỷ niệm những nạn nhân của sự đàn áp Xô viết - Medvedev đưa lên một videoblog lên án “những tội ác của Stalin” bằng những thuật ngữ khá xác đáng và than rằng công chúng ít được biết về điều khủng khiếp mà ông nhắc đến như “một trong những thảm kịch lớn nhất trong lịch sử nước Nga.”
Rồi đến tháng Hai 2010, Putin mời người đồng cấp của ông là Donald Tusk sang thăm Katyn đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 70 cuộc thảm sát đó. Trong diễn văn ở Katyn ngày 7 tháng Tư, Putin nói: “những cuộc đàn áp chà nát nhân dân bất kể quốc tịch nào, tôn giáo nào, hay tín ngưỡng nào..Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng những gì chúng ta có thể làm là giữ gìn hay khôi phục lại sự thật và điều này có nghĩa là khôi phục lại sự công bằng lịch sử.”
Chỉ ba ngày sau, tổng thống Ba lan Lech Kaczynski và gần 100 quan chức Ba lan khác bị chết trong một vụ tai nạn máy bay thảm khốc trên đường bay đến lễ kỷ niệm Katyn. Lãnh đạo Nga bày tỏ đồng cảm sâu sắc với Ba lan và làm hết sức để giúp đỡ các gia đình nạn nhân. Katyn, một bộ phim Ba lan về vụ thảm sát đó về cơ bản đã bị chặn không cho phân phối ở Nga, và được chiếu hai lần trong khoảng một tuần, kể cả trên hai kênh truyền hình lớn nhất do nhà nước quản lý. Cơ quan lưu trữ quốc gia Nga đưa lên website của họ những hồ sơ lưu về vụ thảm sát. Sau đó, vào tháng Năm và tháng Mười, Nga trao cho các quan chức Ba lan một phần những hồ sơ Katyn từ một cuộc điều tra của công tố quân đội; cuộc điều tra đã hoàn thành vào năm 2004, nhưng việc chuyển giao bị hoãn lại với những cái cớ gượng gạo.
Tháng Năm, Kremlin hủy bỏ một kế hoạch của chính quyền thành phố Moscow định trang hoàng Moscow bằng những hình ảnh của Stalin nhân dịp kỷ niệm lần thứ 65 chiến thắng phát xít Đức. Medvedev đã giải thích tại sao trong cuộc trả lời phỏng vấn của Izvestia, trong đó ông nói rằng “đánh giá của nhà nước” về Stalin là ông ta đã “phạm nhiều tội ác chống nhân dân mình. Và mặc dầu đất nước giành được thắng lợi dưới sự lãnh đạo của ông, những gì ông ta đã làm chống lại nhân dân là không thể tha thứ.”
Mùa thu này, một phiên bản phỏng theo Quần đảo ngục tù (Gulag Archipelago) của Aleksandr Solzhenitsyn được xuất bản theo điều được báo cáo là sáng kiến cá nhân của Putin; sau cuộc tiếp kiến của ông với bà quả phụ Solzhenitsyn vào năm ngoái để thảo luận làm cách nào tốt nhất để giảng dạy thiên sử thi bốn tập của chồng bà về sự đàn áp cộng sản.
Và mới chỉ gần đây thôi, Mikhail Fedotov, chủ tịch hội đồng của tổng thống về nhân quyền và xã hội công dân đã tuyên bố rằng hội đồng đã chọn phi Stalin hóa là một trong những chủ đề hàng đầu của nó. Đầu năm ngoái các thành viên hội đồng này mong muốn trình lên tổng thống những đề nghị của họ về một chương trình của chính phủ nhằm giải thoát cho nước Nga khỏi di sản Stalin. Chương trình bao gồm những đánh giá về mặt luật pháp và chính trị chủ nghĩa Stalin, và tưởng nhớ những nạn nhân của chế độ toàn trị. Thậm chí họ đã hợp sức trên dự án Hiệp hội Tưởng niệm, một tổ chức phi chính phủ kỳ cựu nghiên cứu chủ nghĩa Stalin và tưởng niệm các nạn nhân của nó.

2
Sau cái chết của Stalin, năm 1956 Nikita Khrushchev tìm cách tháo gỡ ách thống trị kinh hoàng khiến cho mọi người, từ người dân thường đến giới chính khách tinh hoa, sống trong nỗi lo sợ thường trực bị bắt và bị khép vào các tội chính trị. Chiến dịch của ông tập trung vào việc lên án Stalin (một số trong những tên đao phủ ghê tởm nhất của ông ta đã bị truy tố) tố cáo việc đàn áp vô pháp luật và phục hồi cho những nạn nhân vô tội. Mặc dầu ông không động đến cội rễ của chủ nghĩa toàn trị cộng sản, các thành viên khác của bộ máy lãnh đạo ngày càng lo ngại rằng sự sốt sắng chống Stalin của ông đe dọa phá hủy chế độ chính trị Xô viết. Chẳng bao lâu Khrushchev bị lật đổ, và chiến dịch chống Stalin của ông nhanh chóng bị che đậy. Giới lãnh đạo Liên xô hậu-Khruschev ngừng việc lên án Stalin nhưng cũng không giải tội cho ông ta. Tên của Stalin chỉ đơn giản bị xóa khỏi diễn ngôn chính thức. Một chút ít đóng góp quý báu của xã hội cho chiến dịch phi Stalin hóa dù trong nghệ thuật, văn chương hay tư tưởng xã hội, bị bịt miệng hoặc phải rút vào bí mật.
Chiến dịch phi Stalin hóa lần thứ hai là một phần của công cuộc cải tổ (perestroika) của Mikhail Gorbachev nhằm tái cấu trúc nhà nước Xô viết. Vào cuối những năm 1980, perestroika phát triển sâu rộng, lôi cuốn một khối cử tri lớn và cuối cùng dẫn đến sự suy sụp của chủ nghĩa cộng sản và tan rã Liên Xô. Dưới thời tổng thống Nga Boris Yeltsin, người dần dần trở nên ghét cay ghét đắng đảng cộng sản, diễn ngôn chính trị và lịch sử tràn ngập hùng biện chống cộng, việc lên án Stalin và những kẻ chủ chốt của chế độ cộng sản bạo ngược diễn ra như một sự đương nhiên. Nước Nga hậu-Sô viêt hoàn toàn vứt bỏ hệ thống toàn trị và áp dụng một cách hình thức mô hình Phương Tây về điều hành xã hội bằng một tập hợp hoàn chỉnh các thiết chế dân chủ.
Nhưng mô hình này không duy trì được lâu. Trong thời kỳ làm tổng thống của mình, Putin thực tế đã đưa trở lại và củng cố lại mô hình cai trị tập quyền và độc quyền truyền thống, về thực chất hầu như tước mất sự tham gia của công chúng vào chính trị và lập chính sách. Sự trở lại của quyền lực nhà nước vô hạn độ này và việc dựa vào cơ quan an ninh trong nước như một cây cột trụ của nhà nước, tuyên truyền mập mờ ủng hộ Stalin, là những gì một lần nữa đưa Stalin trở lại vị trí nổi bật trong nước Nga của Putin - lần này, hình ảnh Stalin như là hiện thân của nhà nước đứng ở đỉnh cao quyền lực của nó, cũng quan trọng như là lãnh tụ Liên xô đã đánh bại phát xít Đức. Với nước Nga không còn là một siêu cường nữa, Stalin nhất thời có ích như một biểu tượng bù trừ cho một đất nước đang phải chịu hội chứng thất thế. Dưới thời Putin, bộ máy quan liêu ngày càng lẩn tránh và mơ hồ về những vấn đề khủng bố của Stalin, và những cuộc thảo luận công khai về di sản Stalin bị đẩy ra bên lề.
Nhưng nếu diễn ngôn chống Stalin bị đẩy ra ngoài lề, thì nó vẫn chưa bị cấm đoán. Không giống như Liên xô, nước Nga ngày nay là một mảnh đất rộng lớn của tự do phát biểu. Quần đảo ngục tù và những tác phẩm văn chương khác, hư cấu và không hư cấu, về nạn khủng bố Stalin dễ dàng tìm thấy trong các hiệu sách và các thư viện, những nghiên cứu chuyên sâu không bị hạn chế. Môi trường dưới thời Putin có thể là xấu cho những tổ chức như Hiệp hội Tưởng niệm, nhưng hiệp hội này cũng như nhiều chi nhánh của nó ở các địa phương đã tiếp tục những cố gắng để kỷ niệm và nghiên cứu. Truyền thông phi chính phủ đã công bố và quảng bá một số lớn tài liệu, có cả những loạt bài kéo dài cả năm về gulag (hệ thống các trại tập trung thời Stalin). Ngay cả các kênh truyền hình do nhà nước quản lý cũng đã chiếu những tác phẩm dựa trên tiểu thuyết của Solzhenitsyn, Varlam Shalamov, và các phóng viên thời sự khác về sự khủng khiếp của nạn đàn áp của Stalin.
Đồng thời vẫn không thiếu các ấn phẩm và các tiết mục truyền hình ca ngợi Stalin và thời đại ông ta; rõ ràng là, những dự án như thế được khuyến khích bởi lập trường nước đôi của nhà nước, và tính nước đôi này được khuyến khích bởi chính Putin.
Ngày 30 tháng Mười, 2007, Putin đến thăm Butovo, địa điểm xảy ra cuộc hành hình tập thể hơn 20.000 người bị giết trong cao trào khủng bố của Stalin trong các năm 1937, 1938.
“Điên rồ” ông nói, người ta thấy ông run lên. “Thật không thể tin được. Tại sao [họ đã giết]?...Chúng ta cần làm mọi việc để những thảm kịch như thế này không bao giờ rơi vào quên lãng. Hàng trăm ngàn, hàng triệu người đã bị tiêu diệt, bị đẩy đến các trại tập trung, bị bắn chết, bị tra tấn.”
Nhưng không đầy hai tháng sau, Putin chào mừng kỷ niệm lần thứ 90 của FSB, cục an ninh liên bang Nga. Các sĩ quan và các cựu binh FSB ngày nay không một chút rụt rè e ngại tự gọi bản thân họ là những chekisty, những kẻ kế tục của CheKa xưa, lực lượng trừng phạt tàn nhẫn được nhà nước Bolchevik thời kỳ đầu giao phó tiêu diệt các kẻ thù giai cấp. Trong dịp lễ kỉ niệm lớn tại điện Kremlin do Putin chủ trì, tất nhiên sẽ là không đúng chỗ nếu nhớ đến “những thảm kịch không bao giờ nên quên lãng” mà Putin đã nói trong bài diễn văn xúc động tại Butovo. Và tất nhiên ông ta cũng không hề nhắc đến những thập kỷ khi công an mật Liên xô đích thị là những thủ phạm của những cuộc khủng bố quy mô lớn, như những cuộc hành hình ở Butovo hay cuộc thảm sát ở Katyn. Ông cũng không hề nhớ đến những thập kỷ sau đó khi kẻ kế tục nó, KGB, khủng bố những nhà bất đồng chính kiến và nhốt họ trong những trại tập trung và các bệnh viện tâm thần - chính những năm mà bản thân Putin là một sĩ quan KGB.
3
Điều mà Putin chọn để nhớ thay vào đó, là cái mà ông mô tả là “những trang anh hùng trong lịch sử của lực lượng đặc biệt của chúng ta.” Trụ sở của FSB ngày nay vẫn đặt tại tòa nhà Lubyanka nơi các tiền nhiệm thời Liên xô sử dụng và tầng hầm của nó là nơi tra tấn và hành hình.
Tính nước đôi ở thượng đỉnh trùng hợp với sự chia rẽ trong nhận thức của công chúng về Stalin. Nhân dân Nga nói chung biết tương đối rõ về nạn khủng bố Stalin và quy mô của nó, đa số người Nga ước lượng đúng số lượng những nạn nhân vô tội lên đến hàng triệu. Trong một cuộc điều tra ý kiến năm 2007, khi được yêu cầu đánh giá những sự kiện năm 1937, 1938, 72 phần trăm người Nga mô tả chúng như “những tội ác chính trị không thể bào chữa được.” Trong ngôn ngữ thông thường con số “37” ám chỉ sự bức hại man rợ và vô pháp luật.
Vẫn còn một thiểu số đáng kể ngưỡng mộ Stalin. Khoảng một phần ba số người được hỏi có xu hướng nghĩ về ông ta như “một lãnh tụ khôn ngoan đã dẫn dắt Liên xô thành một cường quốc giàu mạnh.” Trong một cuộc điều tra ý kiến tiến hành đầu năm nay, 32 phần trăm số người Nga được hỏi đã nhất trí với đánh giá Stalin như một tội phạm, nhưng khoảng một nửa từ chối coi ông ta như thế.
Tại sao lại có những hoài niệm dai dẳng, hay ít nhất là thông cảm, đối với một người có thể được coi là một trong những quái vật lớn nhất trong lịch sử? Nhận thức về Stalin có liên hệ nhiều với bản chất nhà nước Nga hơn là với kẻ bạo chúa thực. Ông ta được coi là một mẫu mực của quyền lực nhà nước, một biểu tượng hơn là một nhân vật lịch sử. Và do thiếu những biểu tượng mới, hậu - cộng sản, của nhà nước Nga, Stalin vẫn còn quan trọng đối với các lãnh đạo, cho dù có đôi lúc họ lên án ông về những cuộc đàn áp trong quá khứ.
Cả hai cố gắng phi Stalin hóa trước đây được nói cho nhân dân nói chung, nhằm lay động họ và động viên họ thông qua một diễn ngôn cải cách. Cả hai báo hiệu những chuyển biến chính trị lớn. Chiến dịch phi Stalin hóa hiện nay của chính phủ mở ra một môi trường tự do hơn về cơ bản. Giàn lãnh đạo ngày nay không tìm cách áp đặt một cách nghĩ “đúng đắn”: diễn ngôn chống Stalin không bị buộc phải bí mật, và người ta cũng được tự do như thế khi bày tỏ các quan điểm ủng hộ Stalin. Và những vận động và hùng biện chống Stalin không tìm cách kích động hay lôi kéo nhân dân. Đúng hơn, chúng có thể được coi như một phần của chính sách đối ngoại thực tế và xích lại gần hơn với phương Tây, nó bao hàm ở một mức độ nhất định sự phù hợp với quan điểm của phương Tây về chế độ toàn trị Xô viết và các chính sách đối nội và đối ngoại của nó.
Tuy nhiên, dù chiến dịch phi Stalin hóa hiện nay có động cơ gì, thì sự chính thức công nhận những tội ác của Stalin chắc chắn là một bước tiến tích cực. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho những cố gắng của các tổ chức xã hội và các nhà hoạt động như Hội Tưởng niệm và nhiều hội khác, đã nhiều năm theo đuổi sự nghiệp phi Stalin hóa. Nó có thể định hướng cho những người Nga, đặc biệt là giới trẻ, những người chưa đủ dứt khoát đứng về bên này hay bên kia. Quả thật, những cuộc điều tra ý kiến cho thấy sự thờ ơ đối với vấn đề Stalin ngày càng tăng trong mấy năm gần đây.
Nhưng sự quan tâm của chính phủ trong cuộc phi Stalin hóa hiện nay là không đủ. Khi những lãnh đạo cao nhất của nước Nga quỳ ở Katyn để tưởng nhớ những người bị chế độ Stalin sát hại, hay khi họ gọi ông ta là tội phạm, họ vẫn còn lo lắng để đừng phá hỏng đi chức năng biểu tượng của Stalin, và, với ý nghĩa đó, đừng làm hại đến sự độc chiếm quyền lực của chính họ. Họ cũng không muốn sự phi Stalin hóa làm tổn hại đến các cơ quan an ninh nhà nước, vốn được hưởng sự miễn tội tuyệt đối ở Nga và đã là nguồn chủ yếu cung cấp các quan chức cao cấp nhất của chính phủ trong những năm Putin nắm quyền. Ngay cả Medvedev (mặc dầu ông không giống Putin, không có nền tảng cá nhân trong KGB) chúc mừng theo nghĩa vụ FSB trong dịp lễ đặc biệt vào những ngày 20 tháng Mười Hai, cả năm 2008 và 2009. Và có vẻ chắc chắn năm nay ông sẽ làm lại như thế.
Đối với nước Nga để cắt đứt thật sự với di sản Stalin, giải phóng cho nghị lực của công chúng, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và hiện đại hóa, cần nhiều hơn là nhận thức về các tội ác của Stalin. Công cuộc phi Stalin hóa thật sự không cần gì hơn là vứt bỏ cái khái niệm truyền thống của Nga về nhà nước, và chấm dứt sự miễn trừ chính trị và lịch sử của an ninh nhà nước, sáng tạo lại tính cách quốc gia Nga. Cho đến nay, trong chương trình chưa có điều này.


Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 2011
 
                       __________________________
N9:

Khi giá dầu lên, nước Nga đẩy tự do vào tình trạng khó khăn.

(When oil prices rise, Russia has freedom over a barrel)[5]


WASHINGTON POST 

4/1/ 2011

Nguồn: http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2011/01/03/AR2011010304070.html

Quan tòa đã hoãn phán quyết mà không một lời giải thích (“Tòa án không tự giải thích,” một phát ngôn viên nói). Trước khi đọc nó, ông cho các nhà báo và gia đình các bị cáo ra khỏi phòng xử án. Do đó không ai ngạc nhiên khi Mikhail Khodorkovsky, ông trùm dầu mỏ, người có lần đã chống lại Kremlin - nhận thêm sáu năm tù vào tuần trước, cộng thêm vào với tám năm ông đã chịu. Lần này, ông bị buộc tội “ăn cắp” một số lượng dầu không thể tin được, đúng cái số lượng mà ông đã bị kết tội bán đi mà không đóng thuế.
Thật ra, không có ai giả vờ rằng phán quyết của Khodorkovsky là cái gì khác chứ không phải một tuyên bố chính trị, một trong hàng loạt động thái mà chính phủ Nga đã làm cho công chúng của riêng nó, và cho phần còn lại của thế giới trong mấy tuần gần đây. Việc ngăn chặn điều tra tham nhũng và biểu lộ sự ủng hộ những “cuộc bầu cử” dã man và bạo lực ở nước láng giềng Belarus; cái chết của các nhà báo; tất cả những cái này dường như được trù liệu để mâu thuẫn với ngôn ngữ thân thiện, cải cách mà tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã dùng thời gian gần đây. Mới cách đây hai năm, Medvedev đã lên án thứ văn hóa “hư vô về pháp luật”  của Nga, một câu nói mà nhiều người hiểu là nhắc đến vụ Khodorkovsky.
Tại sao có sự đổi giọng này? Tại sao vào lúc này? Nhiều lý thuyết phức tạp đã nảy nở ra để giải thích cho nó. Đây là nước Nga, không ai có thể chứng minh. Nhưng có lẽ việc giải thích lại vô cùng đơn giản: Dầu lại lên trên 90$ một thùng - và giá dầu vẫn đang lên. Và nếu đó là lý do, thì không có gì mới. Thật ra, nếu người ta vẽ biểu đồ sự lên xuống của những cải cách nội bộ và đối ngoại của Liên xô và nước Nga trong bốn mươi năm qua, nó sẽ tương ứng với sự lên xuống của giá dầu quốc tế (giá dầu thô trong nước cũng xấp xỉ) với độ chính xác đáng ngạc nhiên.
Để thấy điều tôi muốn nói, ta hãy bắt đầu từ đầu: Năm 1970, giá dầu bắt đầu tăng mạnh, ứng với Liên xô hồi đó chống lại cải cách. Thập kỷ trước đó, (với giá dầu 2$ hay 3$ một thùng, không điều chỉnh theo lạm phát) là một thập kỷ thay đổi liên tục và thí nghiệm. Nhưng sau khi OPEC đẩy giá dầu lên trong những năm 1970, thu nhập về dầu tuôn chảy vào, và Liên xô bước vào một thời kỳ “đình trệ” và xâm lược nước ngoài. Lãnh tụ Liên xô Leonid Brezhnev đầu tư mạnh vào quân sự, ngừng các cải cách trong nước và năm 1979 (khi giá dầu là 25$ một thùng) - xâm lược Afghanistan.
Brezhnev cuối cùng được kế tục bởi Yuri Andropov, ông này có cái may là lãnh đạo Liên xô khi giá dầu vẫn còn cao (khi ông ta chết, năm 1984, trung bình 28$ một thùng). Nhờ vậy Andropov có thể thẳng tay đàn áp bất đồng chính kiến trong nước và duy trì quan hệ căng thẳng với phương Tây. Nhưng Andropov được kế tục bởi Mikhail Gorbachev, ông này tiếp quản đúng lúc giá dầu tụt xuống. Năm 1986 (với giá dầu còn có 14$ một thùng) ông mở màn chương trình cải cách, perestroika (cải tổ) và glasnost (công khai). Năm 1989 (khi giá dầu vẫn chỉ 18$) ông cho phép Bức Tường Berlin sụp đổ, giải thoát cho Trung Âu và kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Giá dầu dao động, nhưng nó không thật sự lên lại trong những năm 1990 (tụt xuống đến 11$ trong năm 1998), năm Boris Yeltsin vẫn còn cố làm bạn tốt của Bill Clinton, truyền thông nước Nga tương đối tự do, và vẫn còn nói, ít nhất là về những cải cách kinh tế lớn. Nhưng năm 1999 (khi giá dầu lên 16$ một thùng), thủ tướng của Yeltsin, Vladimir Putin, phát động cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai, phương Tây ném bom Belgrade, và tâm trạng nước Nga một lần nữa quay sang chống phương Tây một cách rõ rệt.
Putin may mắn tiếp quản ngôi tổng thống năm 2000, vào lúc bắt đầu một đợt tăng giá dầu lâu dài và dường như bền vững. Thực tế, những lời kêu gọi cải cách trong nước của Gorbachev bị  quên từ lâu vào năm 2003 (khi giá dầu tăng dần lên 27$ một thùng). Những ngày Yeltsin thúc đẩy nước Nga tham gia vào các thiết chế phương Tây đã thành một kỷ niệm xa xưa vào năm 2008, khi Nga xâm lược Georgia (và giá dầu là 91$ một thùng).
Tổng thống mới của Nga Dmitry Medvedev, thật sự có cố gắng để tỏ ra dễ thương hơn vào năm 2009 (khi giá dầu trung bình khoảng 53$ một thùng), để cho Putin, nay lại là thủ tướng, càu nhàu sau hậu trường. Medvedev chặn một đạo luật hà khắc về tội mưu phản, mời các nhà hoạt động dân chủ đến Kremlin, lên án nhà độc tài Belarus và thậm chí dường như đã nới cho truyền hình Nga tự do đôi chút.
Nhưng bây giờ là năm 2011, Putin đang ở vị trí rất nổi bật, và Khodorkovsky vừa mới bị kết án bởi một phiên tòa kangaroo[6]. Khi tôi viết những dòng này, giá dầu là 92,25$ một thùng.
Phân tích này có quá đơn giản không? Chắc chắn là thế. Nhưng tôi chưa được nghe một giải thích tốt hơn
HT 060111


N10
Kremlin đã ‘thắng cương’ Internet như thế nào?
(How the Kremlin Harnesses the Internet)
I.H.T. Op-Ed Contributor, EVGENY MOROZOV,
THE NEW YORK TIMES, 4/1/2011

WASHINGTON — Nhiều giờ trước khi quan tòa trong phiên gần đây xử Mikhail Khodorkovsky tuyên đọc bản phán quyết mới vào tuần trước, người tù chính trị kiệt xuất nhất nước Nga đã bị tấn công trên không gian ảo.

Không, website của Khodorkovsky, nguồn tin chính về vụ án cho nhiều người Nga không bị kiểm duyệt. Đúng hơn, nó đã bị tấn công bởi cái gọi là những cuộc tấn-công từ-chối dịch-vụ, với đa số người viếng thăm nhận được thông báo “page cannot be found” (không tìm thấy trang này).

Những cuộc tấn công như thế là một công cụ ngày càng phổ biến để trừng phạt đối thủ, như được chứng tỏ bởi chiến dịch trên mạng chống các công ty như Amazon và PayPal vì đã cư xử tồi đối với WikiLeaks. Gần như không thể nào lần ra dấu vết thủ phạm, những cuộc tấn-công từ-chối dịch-vụ tiến hành thường ít bị báo cáo, vì khó phân biệt chúng với những trường hợp trong đó website bị tràn ngập bởi một số lượng không lồ người vào. Mặc dầu cuối cùng phần lớn các site này vẫn trở lại được, những cuộc tấn-công từ-chối dịch-vụ hiếm khi gây ra công phẫn nhiều như những mưu mô chính thức của chính quyền nhằm lọc thông tin trên internet.

Trong quá khứ, các chế độ áp bức dựa vào tường lửa internet để ngăn chặn những người bất đồng chính kiến phổ biến những tư tưởng bị cấm của họ; Trung Hoa đặc biệt sáng tạo, trong khi các nước khác như Tunisia và Saudi Arabia luôn theo sát gót. Nhưng những kẻ tấn công trên mạng phục vụ cho Kremlin đã đánh website của Khodorkovsky có thể làm bộc lộ nhiều về tương lai của việc kiểm soát Internet hơn việc Bắc Kinh thực hành áp dụng kiểm duyệt truyền thống vào công nghệ mới.

Theo kiểu của Nga - cái mà tôi gọi là “kiểm soát xã hội” - không cần đến kiểm duyệt chính thức, trực tiếp nữa. Đội quân công dân mạng thân-chính phủ - thường bao gồm những tay nghiệp dư làm nghề tự do, những thành viên của các phong trào thanh niên thân Kremlin, nhận lấy các vấn đề vào trong tay mình và tấn công những website mà họ không thích, làm cho những người sử dụng không thể truy cập được, ngay cả ở những nước không hề có kiểm duyệt Internet.

Những cuộc tấn công trên mạng chỉ là một trong những cách ngày càng nhiều trong đó Kremlin chỉ đạo những người ủng hộ nó kiểm soát nội dung trên mạng. Phần lớn những nguồn Internet chủ yếu của nước này đều là sở hữu của những đầu sỏ chính trị thân Kremlin và những công ty do nhà nước kiểm soát. Những site này không ngần ngại làm treo máy những người sử dụng và xóa đi những nội dung post lên blog nếu chúng vượt qua lằn ranh do chính phủ vạch ra.

Kremlin cũng ráo riết khai thác Internet để tuyên truyền và lôi kéo ủng hộ chính phủ, đôi khi với một sự sốt sắng khôi hài. Mùa hè mới rồi Vladimir Putin đã ra lệnh lắp đặt những camera mạng - phát lên internet trong thời gian thực - để theo dõi tiến độ của các dự án nhà ở mới cho các nạn nhân của những cuộc cháy rừng tàn phá nặng nề. Đây là một kiểu tự quảng cáo quá cỡ, nhưng một số nhà báo hỏi rằng liệu các nạn nhân có máy tính để chứng kiến hành vi cao quý này không (họ không có). Cục an ninh và Cảnh sát Nga cũng được lợi từ việc theo dõi qua mạng, bằng cách dùng các site mạng xã hội ở địa phương để thu thập tin tức tình báo và đo lường tâm trạng của quần chúng.

Trên thực tế Kremlin thực hiện rất ít kiểm duyệt chính thức Internet, nó thích kiểm soát xã hội hơn là kiềm chế bằng công nghệ. Có một logic nhất định trong việc nó làm thế. Kiểm duyệt thẳng thừng thì làm hỏng hình ảnh của nó với nước ngoài: Những cuộc tấn công ảo là rất mơ hồ nên khó rơi vào báo cáo của các nhà báo nước ngoài về tình hình khí hậu truyền thông đang xấu đi của nước Nga. Bằng cách cho phép những công ty thân Kremlin và các “tổ chức dân phòng” kiểm soát cư dân mạng, chính phủ không phải lo đến những nội dung chỉ trích được post lên blog.
Một lý do khiến nhiều người quan sát nước ngoài bỏ qua việc Kremlin giật dây những cuộc tấn công từ chối dịch vụ là chúng được dùng cho những biện pháp rõ ràng hơn của kiểm soát Internet. Những âm mưu khắc nghiệt của Trung Hoa thanh lọc Internet - đặc tả bởi tạp chí Wired trong một bài báo năm 1997 với cái tên “Hỏa Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa” đã quay lại sự kiểm duyệt ngặt nghèo đường hàng không bởi chính phủ cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Vào thời kỳ đó có thể chặn lại hay thậm chí cắt đứt ảnh hưởng của các tư tưởng ngoại lai bằng cách làm nghẽn các chương trình phát thanh của phương Tây. Thế nhưng Internet đã chứng tỏ nó không có hình dạng nhất định để có thể chế ngự được nó. Vậy tốt nhất là bấu vào nó càng nhiều càng tốt bằng cách cho phép các công ty tư nhân và các blogger ủng hộ chính phủ lao vào “cuộc chiến còm” (comment warfare) với các kẻ thù của Bộ chính trị.

Trong khi đó bản thân Trung Hoa lặng lẽ áp dụng nhiều biện pháp đã được thực hành ở Nga. Website của Ủy ban Nobel Na uy chịu tấn công liên tục của sau khi tặng giải thưởng 2010 cho Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến Trung Hoa bị cầm tù. Nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc bây giờ được yêu cầu tham gia các khóa huấn luyện truyền thông và sử dụng các kỹ năng của họ để tạo dư luận trên mạng hơn là kiểm duyệt nó.

Trong đánh giá chính sách tự do Internet của chính phủ Hoa Kỳ - được Hillary Clinton công bố cách đây một năm - người ta thấy ít có dấu hiệu cho thấy các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nhận biết những cố gắng ngày càng lớn của các chính phủ độc tài giật dây các lực lượng xã hội để kiểm soát  Internet. Cho đến nay, phần lớn những cố gắng của Washington là nhằm vào hạn chế những tác hại gây ra bởi việc kiểm soát công nghệ cao. Nhưng ngay ở đây, tại Washington này việc ấy cũng được làm lỗ chỗ không đều: chỉ mới mấy tuần gần đây Bộ Ngoại giao đã tặng giải thưởng sáng tạo cho Cisco, công ty đã đóng một vai trò chủ yếu trong việc giúp Trung Hoa xây dựng tường lửa của nó.

Việc lọc Internet cuối cùng đã biến mất trên phần lớn thế giới được coi như một thành tựu mơ hồ nếu như nó được thay thế bởi một sự bùng nổ các cuộc tấn công ảo, sự tăng nhanh lực lượng giám sát của nhà nước và sự tuôn ra ào ạt tuyên truyền thâm độc của chính phủ. Các nhà hoạch định chính sách cần thôi đừng nhìn việc kiểm soát Internet chỉ như sự lớn nhanh của việc làm nghẽn các chương trình phát thanh thời Chiến tranh Lạnh, và hãy bắt đầu chú ý vào những đe dọa không-công nghệ đối với tự do trên mạng.

Nói đến tầm cỡ xã hội của việc kiểm soát Internet cần đến những giải pháp chính trị hơn là những giải pháp công nghệ, nhưng đây không phải là lý do tốt để bám lấy cái ẩn dụ cũ mèm về “Vạn Lý Trường Thành Lửa”

Evgeny Morozov là học giả thỉnh giảng tại Đại học Stanford và là tác giả của “Ảo giác Mạng: Mặt Tối của Tự do Internet.” 

 Nguồn: http://www.nytimes.com/2011/01/05/opinion/05iht-edmorozov04.html?_r=4
Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 2011
 


                    ________________________________________________


N11
Nguy cơ của quá trình dân chủ hóa nước Nga

MOSCOW BLOG: The risk of democratisation in Russia
BNE: Business New Europe

Nguồn:  http://www.bne.eu/story2470
20/01/2011

Tháng giêng, những cuộc biểu tình phản đối ở Tunisia đã buộc tổng thống độc tài bất ngờ bỏ trốn khỏi đất nước, chạy sang Saudi Arabia. Đó là một trong hàng loạt cuộc nổi dậy chống các lãnh tụ độc tài trong thời gian gần đây, những cuộc nổi dậy mà ở Liên xô cũ đã được gán cho cái tên “những cuộc cách mạng màu” và chúng ám những cơn ác mộng cho các nhà lãnh đạo từ Minsk đến Tashkent. Câu hỏi lớn cho Tunisia bây giờ là loại chế độ nào sẽ tiếp quản: một nền dân chủ thì chưa có sẵn, nhưng đó là cái mà mọi người hy vọng.
Renaissance Capital (Rencap) phát hành một bản báo cáo thú vị ngay sau khi xảy ra những sự kiện ở Tunisia: nhìn vào những cơ chế đã thúc đẩy các cuộc cách mạng và các cuộc nổi dậy, trong đó nó cố gắng nhận dạng những dấu hiệu mách cho ta biết về các nhà độc tài. Trong khi bản báo cáo tập trung vào các nước châu Phi, những sự tương đồng với các khu vực thuộc Liên xô cũ được thấy rõ ràng.
Nó nhận dạng ba quy tắc cơ bản của các cuộc dân chủ hóa:
  1. Nhân dân càng giầu có thì càng có vẻ dễ nổi dậy, nhưng một khi đã là chế độ dân chủ, thì một nước không bao giờ từ bỏ chế độ.
  2. Các nước xuất khẩu năng lượng thô lớn không phải là các nền dân chủ.
  3. Tỉ lệ người trẻ trong dân chúng càng lớn, càng có khả năng xảy ra nổi loạn.

Các phép đo cách mạng
Sự thịnh vượng rõ ràng là một nhân tố cơ bản. Những dân chúng nghèo chỉ nghĩ kiếm đâu ra bữa sau. Một giai cấp trung lưu khá giả quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống, đến dịch vụ công và các quyền tự do cá nhân. Viện dẫn một nghiên cứu được tiến hành đầu tiên từ năm 1959 và được cập nhật trong một luận văn nhan đề “Hiện đại hóa: Lý thuyết và thực tế”, của Adam Przeworski, Fernando Limongi năm 1997, bản báo cáo của Rencap phác thảo những phương pháp đo lường về cách mạng.
Dùng tỉ suất sức mua tính bằng đô la làm cơ sở, thì trong một nước với thu nhập tính theo đầu người dưới 2.000$, khả năng xảy ra một cuộc cách mạng là rất thấp. Tuy nhiên, khi thu nhập nâng lên đến 2000-8000$, thì cơ hội một cuộc nổi dậy trở nên vừa phải, 1-2% trong một năm nào đó. Sự việc sẽ nhiều may rủi hơn nếu tiền lương tăng giảm thất thường. Nếu lương tăng, thì cơ hội nổi dậy là 4-5%, (bởi vì người ta tập trung hơn vào những thiếu thốn về chất lượng cuộc sống); và nếu lương giàm, thì nguy cơ có cuộc nổi dậy tăng lên có khi đến 6-11% (bởi vì nhân dân muốn quyền lực chính trị để thay đổi một tình hình rõ ràng quá tồi tệ)
Tunisia năm 2009 có thu nhập theo đầu người 8.300$, nó đặt nước này lên trên đỉnh nguy hiểm của giải thu nhập. Và trong khắp các nước thuộc Liên xô cũ, nguy cơ nổi dậy chống các chế độ độc tài cũng cao, vì tất cả các nước này đều đã lên đến đỉnh của giải thu nhập 2000-8000$. Hơn nữa, trong hai năm qua khả năng xảy ra nổi loạn đã tăng lên, khi thu nhập giảm do khủng hoảng: Kyrgyzstan và Moldova cả hai nước đều đã tống cổ các tổng thống tham nhũng vì bị khủng hoảng toàn cầu nện trúng.
Nước Nga đứng ngoài bảng kê giàu có này, vì các công dân của nó có thu nhập cao nhất trong khu vực, khoảng 14.000$. Là một nước có thu nhập trung bình, Nga lẽ ra từ lâu đã tham gia vào các nền dân chủ “bất hủ” giống như các nước phương Tây - không nước nào có mức thu nhập cao hơn 14.000$ mà lại đánh mất nền dân chủ đã từng được thiết lập. Nhưng ở đây lại có quy luật thứ hai của dân chủ hóa: - các nước xuất khẩu năng lượng lớn không phải là nước dân chủ. “Trong số 20 nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất năm 2008, theo số liệu chúng tôi có từ BP, chỉ có ba nước là có nền dân chủ tự do đầy đủ theo Freedom House. Trong đó, hai nước là dân chủ trước khi họ trở thành nước xuất khẩu năng lượng thô lớn (Canada và Na uy), bởi vậy tuân theo quy tắc thứ nhất, chỉ có nước thứ ba (Mexico) là ngoại lệ thú vị của quy tắc này,” bản báo cáo viết.
Tuy nhiên, dân chúng Nga rõ ràng là đang trở nên bất yên hơn - một hậu quả tự nhiên của sự tăng thu nhập trong thập kỷ qua. Khủng hoảng chỉ khiến họ càng thêm bị khích động hơn, vì nó là cho thu nhập tụt xuống. Vào tháng Mười, trung tâm Moscow trở thành hiện trường của các cuộc ẩu đả trên đường phố khi các cổ động viên bóng đá đụng độ trong cuộc bạo lực giữa các chủng tộc trong nhiều ngày sau khi một cổ dộng viên bị giết. Khu vực xung quanh Kievskya bị phong tỏa và các nhóm của lực lượng đặc biệt Omon đi tuần các đường phố lần đầu tiên sau một thập kỷ rưỡi. Các cuộc náo loạn này là biểu thị đầy ấn tượng về nỗi bất an rõ ràng đang tăng lên trong dân chúng.
Và điều này có thể trở nên tồi tệ hơn trong năm nay, vì lý do tại sao quy luật thứ hai của dân chủ hóa lại là các nước giàu năng lượng kiếm được nhiều tiền đến mức họ họ không đánh thuế nhân dân của họ. Nếu nhân dân không phải đóng thuế, thì người dân bình thường không quá chú ý đến phản kháng chính trị. “Với thuế trưc tiếp thấp, có ít hơn yêu cầu về đối kháng trực tiếp. Giống như nước Anh phát hiện ra điều mà nó phải trả giá năm 1776: khi anh đánh thuế nhân dân anh, họ có thể sẽ phản kháng.” Charles Robertson chuyên viên kinh tế trưởng ở Renaissance Capital nói.  
Người Nga đóng thuế thấp nhất trong khu vực, nhưng cả điều đó nữa cũng sẽ thay đổi trong năm nay, khi một loạt thuế mới sẽ được đưa ra để giúp trang trải khoản nợ đầu tiên của nhà nước trong một thập kỷ.
Con người nổi dậy
Nước Nga cũng dễ bị nguy vì mối nguy thứ ba: quá nhiều người trẻ. Tuổi trẻ thất vọng trong những nước nghèo dễ tụ tập với nhau và tràn ra đường phố. “Lý thuyết “tuổi trẻ bùng ra” cho rằng khi tuổi trẻ trong một nước chiếm đến 30% dân số, thì nguy cơ xảy ra cách mạng hay chiến tranh đặc biệt cao,” Robertson nói, ông lấy 15% làm con số khởi điểm của “giải nguy cơ” khi các độc tài nên bắt đầu lo âu về một cuộc nổi dậy của tuổi trẻ.
Ở Tunisia những người thuộc lứa tuổi 15-34 chiếm 17,3 % và thật ra hầu hết các nước Trung Đông và Phi châu đã vượt ngưỡng này rồi. Một dân số lớn, trẻ, sẽ thành vấn đề hơn với Trung Đông, và Trung Á - Kazakhstan là nước duy nhất thuộc Liên xô cũ đã đạt mức 15% - nhưng liếc qua biểu đò phân bố lứa tuổi ở Nga dưới đây từ Rosstat cho năm 2007 ta thấy có sự bùng nổ lớn lớp người trẻ dễ gây rắc rối với tuổi trung bình hiện nay là 20, mặc dầu tuổi trung bình nói chung ở Nga đã vào khoảng cuối lứa 40 và đang tăng lên.
Điểm cuối cùng là trong khi các nhân tố giàu có, thuế, và tuổi trẻ có thể kết hợp lại thành một cuộc bạo động làm thay đổi chế độ, thì nó không nhất thiết dẫn đến sự hình thành các nền dân chủ. Cuộc cách mạng “tulip” của Kyrgyzstan đã đẩy cựu tổng thống Askar Akayev ra nhưng rồi chỉ thay thế ông bằng nhà độc tài Kurmanbek Bakiyev, ông này đến lượt mình cũng bị bật ra vào năm ngoái.
Những căng thẳng tăng lên, thu nhập giảm xuống và các thứ thuế mới đến vào thời điểm tồi tệ nhất đối với Kremlin. Như những sự kiện xảy ra ở Minsk trong Tháng Chạp cho thấy, không có thời gian nào có thể cho nhiều xúc tác vào các cuộc bất ổn xã hội hơn những cuộc bầu cử, và nước Nga có hai cuộc bầu cử lớn diễn ra trong năm tới - các cuộc bầu cử Duma vào tháng Chạp và các cuộc bầu cử tổng thống vào 2012. Rắc rối là ở chỗ nếu cỗ xe Putin-Medveded bị đổ, thì không có ứng viên đối lập nào đang đợi bên cánh gà để tiếp thu. Tuy nhiên, bên trong Kremlin có nhiều người có quan hệ lớn có lẽ đã sẵn sàng chiếm chỗ của họ, không ai trong số đó có thể là một hứa hẹn cho tình hình sáng sủa hơn.  


Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 2011









[1] Nguyên văn: bellwether con cừu thiến đầu đàn có đeo chuông ở cổ để người chăn cừu biết vị trí của đàn cừu khi chưa trông thấy chúng. Nghĩa rộng chỉ sự vật dự báo những diễn biến sắp xảy ra.
[2] [3]Ngân hàng chính: ngân hàng giữ số tiền dự trữ của các ngân hàng khác.
[4] Cuộc tàn sát 21 768 người gốc Ba lan do công an mật Liên xô (NKVD) thực hiện, tháng Tư - tháng Năm 1940, dựa trên đề nghị của Lavrentiy Beria, hành hình tất cả những sĩ quan của Quân đoàn Ba lan tại khu rừng Katyn ở Nga, các nhà tù Kalinin và Kharkov và nhiều nơi khác.
[5] Nguyên văn: “has freedom over a barrel” có nghĩa là “nhét tự do vào thùng”. Barrel là thùng, là đơn vị đo dầu thô thương phẩm (Chơi chữ)
[6] Phiên tòa kangaroo là một phiên tòa xử giả vờ, bản án đã được quyết định từ trước.



 N12
Liệu Putin có lo ngại về việc ‘những kẻ  thổi còi’ đang lớn mạnh lên ở nước Nga?
 
Simon Shuster / Moscow

TIME 19/02/2011

 
Nước Nga có khá nhiều những kẻ huýt còi[1]. Trong vài năm gần đây, ít nhất hàng chục - quan chức địa phương, cảnh sát, doanh nhân - đã áp dụng để tố giác sự rửa tiền bẩn thỉu của chủ họ. Phần lớn những lời ca thán của họ đều gửi thẳng tới Thủ tướng Vladimir Putin, con người ưa bạo lực của đất nước này, lúc đó đang có phương án nâng uy tín của ông ta lên bằng cách uốn nắn mọi sự. Nhưng trong mấy tuần gần đây, hiện tượng này bắt đầu quay lại chống cái đầu của nó. Một loạt những người thổi còi đang làm cho người ta hiểu Putin là một kẻ xấu, và điều đó đã khiến cho nhiều người Nga phải tự hỏi: động cơ của họ là gì? Và tại sao lại lúc này?

Điều đó khiến người ta nghĩ rằng, trong cuộc tấn công của Nga vào nạn tham nhũng lưu cữu, một số lằn ranh đạo đức đã đơn giản - cuối cùng - bị vượt qua.  “Đó là câu chuyện điển hình về người huýt còi, có người đã giận dữ về việc họ ở trong một tổ chức tham nhũng. Họ không còn sống yên ổn với bản thân cho đến khi họ làm được việc gì đó về chuyện này,” một người có thẩm quyền về hiện tượng huýt còi thuộc đại học Maryland nói. 

Mô tả này có vẻ như hợp với người thổi còi gần đây nhất, một trợ lý chánh án  42 tuổi tên là Natalia Vasilieva. Hôm 14 tháng Hai, bà tố cáo với báo chí rằng cấp trên của bà, viên chánh án là người hồi tháng Chạp đã kết tội thủ lĩnh bị tù Mikhail Khodorkovsky thêm 6 năm tù cộng vào với 8 năm ông đã chịu, đã bị đặt dưới sự “kiểm soát thường xuyên” của các quan tòa của một tòa án cấp trên và gần như bị một cơn đau tim khi họ đẩy cho ông đọc một bản phán quyết có tội mà ông chưa từng viết. (Viên quan tòa này, Viktor Danilkin, đã phủ nhận báo cáo của Vaxilieva trong khi từ chối sa thải bà hay áp đặt những lời buộc tội bà vu cáo) 

Mặc dầu những chi tiết của câu chuyện của Vasilieva rất hấp dẫn, điểm chính của nó không có gì đáng ngạc nhiên. Nhiều nhà quan sát đã từ lâu khẳng định rằng vụ án Khodokovsky là vụ án chính trị, có phần là sự trả thù của Putin chống lại nhà tỉ phú dầu mỏ là người đã thách thức ông hồi đầu những năm 2000. Nhưng Vaxilieva là người trong nội bộ đầu tiên xác nhận rằng bản án đã được bố trí trước. Điều này đặt Putin vào một tình huống lúng túng khó xử. Vụ Khodokovsky là một phần trung tâm trong di sản chính trị của ông, và ông đã khẳng định trong nhiều năm rằng nó được làm có chứng cớ. Ông không có phản ứng gì về tuyên bố của bà Vasilieva, được gửi cho một kênh điện-tin nhỏ và không được các mạng lưới lớn của nhà nước đăng tải. 

Trong khi đó phản ứng của công chúng là nghi ngờ. Trên thực tế không ai tin rằng Vasilieva, trước đây từng là một người nấu ăn trong một tiệm ăn ở ga xa lửa, đã đứng ra tố cáo xuất phát từ một ý thức về mục đích đạo đức. “Ở Nga, một người chống chế độ may lắm thì được đối xử như một Đông Ky sốt ngu ngốc, hay thường thấy hơn, bị nghi ngờ là có một động cơ đê tiện nào đó, thường là tham lam,” Masha Lipman, một nhà phân tích chính trị của think-tank Carnegie Center ở Moscow, nói.
Có thuyết cho rằng Vasilieva có thỏa thuận ngầm với Khodokovsky, nhưng thuyết này bị đuối lý bởi sự việc là các luật sư của Khodokovsky cũng nghi ngờ sâu sắc báo cáo của bà. Một luật sư bào chữa nói với tờ nhật báo Kommersant rằng tuyên bố của Vasilieva là “có tính chất suy đoán,” trong khi một người khác nói rằng quan tòa nên dùng một trắc nghiệm phát hiện nói dối. Ngoài ra không có món tiền nào có thể biện minh cho sự mạo hiểm to lớn mà bà đã chấp nhận, như trường hợp của người huýt còi Alexander Litvinenko gợi cho thấy. Viên cựu gián điệp này kết tội Putin về những tội ác man rợ vào năm 2002, bốn năm sau ông bị đầu độc bằng chất đồng vị hiếm của polonium và chết một cái chết đau đớn ở London. Putin chối bỏ mọi dính líu.

Một thuyết có đông người tin hơn nhiều mô tả Vasilieva như một mắt xích trong chuỗi xích những kẻ thổi còi đã lên tiếng tố cáo thời gian gần đây. Người nổi tiếng nhất là Sergei Kolesnikov, một doanh nhân hồi tháng Chạp đã nói rằng ông ta có dính líu đến việc xây một tòa lâu đài bí mật cho Putin trị giá ít nhất một tỉ đô la, phần lớn số tiền đó đến qua việc lại quả từ những kẻ siêu giàu của nước Nga. Ông ta cũng chỉ ra rằng lương tâm của ông là động lực, trong khi người phát ngôn của Putin phủ nhận tố giác này. Sau đó có Alexei Navalny, một nhà đầu tư và một nhà hoạt động đã công bố những tài liệu hồi tháng Mười Một trong đó vạch ra một khoản gian lận 4 tỉ đô la trong công ty độc quyền đường ống dẫn dầu của Nga, mà ban quản trị có quan hệ mật thiết với Putin. Công ty độc quyền chối bỏ mọi gian lận, trong khi bình luận duy nhất của Putin là khen ngợi ban quản trị của nó ít ngày sau khi tài liệu đó được công bố.
“Navalny có được những tài liệu đó từ một nơi nào đó, và những người khác rõ ràng còn có sự động viên từ bên ngoài nữa. Rõ ràng là những [sự tiết lộ] này đã được chuẩn bị lâu từ trước và được công bố trong một dòng chảy mạnh mẽ,” Olga Krystanovskaya, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu của Moscow về giới Tinh hoa[2] nói. Bà tin rằng những người huýt còi được gà trước bởi những người trong đội ngũ của Tổng thống Dmitri Medvedev và được hứa bảo vệ khỏi bất kỳ phản ứng tiềm tàng nào - nhằm mục đích xoay chuyển chú ý của công luận chống Putin trong cuộc tranh cử tổng thống Nga vào năm sau. “Đây là một phần của cuộc chiến tranh ẩn giấu”, Krystanovskaya nói.
Thuyết này - thuyết đặt Putin đấu với Medvedev như một đối thủ trong cuộc tranh cử tổng thống năm sau, cái lăng kính mà hầu như mọi sự kiện lớn gần đây được nhìn qua nó, - được phần lớn những người Nga hay kháo chuyện ưa thích. Mặc dầu cả hai người đều đã nói họ đã quyết định một cách bè bạn ai là người sẽ ra tranh cử năm 2012, giới thạo tin ở Nga không thể tin ai trong hai người lại có thể để người kia chiếm Kremlin mà không phải qua đấu đá. “Tất cả những tiết lộ gần đây là một phần của cuộc cọ sát giữa hai nhánh tinh hoa này,” Lipman của Trung tâm Carnegie nói.

Nhưng trong hai khả năng giải thích sự lớn nhanh gần đây của những người huýt còi, tinh thần đạo đức mới được phát hiện hay là sự phá hoại về chính trị, sự không rõ ràng của nó đặt một đe dọa lớn hơn đối với Putin. Nếu ông nhất định đương đầu với Medvedev và những người trung thành với ông này, Putin có vẻ phải chịu thách thức. Năm 2008 ông chọn Medvedev làm người kế tục, và vẫn được hưởng sự hậu thuẫn to lớn trong bộ máy quan liêu, quân đội và cảnh sát, những người đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bất kỳ cuộc đấu nào để kiểm soát nước Nga. Tuy nhiên nếu một thuyết tầm thường hơn - nếu một biến chuyển trong ý thức đạo đức thật sự dấy lên bất phục bên trong đội ngũ của Putin - điều đó có thể tỏ ra khó khăn hơn cho Putin xoay sở giành phần thắng.
“Những người huýt còi, khi họ có đủ can đảm để đứng ra tố giác, đặt tất cả chúng ta đối diện với những gì tồi tệ trong xã hội chúng ta,” Alford của trường Đại học Maryland nói. Lòng can đảm đó có thể đến từ sự bảo vệ của những đối thủ của Putin, những người đang hăng hái cổ vũ những kẻ lắm mồm mới nảy ra bên trong đám người của Thủ tướng đứng ra tố giác trước cuộc bầu cử tổng thống. Và nếu họ làm thế, khó mà biết được những bí mật xấu xa nào có thể nổi lên trên bề mặt năm nay - hay phương pháp nào có thể được sử dụng để đẩy lùi chúng.

 Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 2011


[1] Những người dóng lên tiếng chuông cảnh báo về việc làm sai trái, chẳng hạn, của cơ quan công quyền.
[2] Đúng hơn là giới đặc quyền đặc lợi



N13

'Tốt cho Putin, Xấu cho nước Nga'

('Good for Putin, Bad for Russia') – Báo chí Đức nói về nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của Putin

Charles Hawley

http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,788400,00.html

Inside is another Putin figure. And another....
DPA
Bên trong là một Putin nữa. Và một ..nữa
Ít người bị ngạc nhiên hôm thứ Bảy khi Tổng thống Nga Dmitri Medvedev chỉ định người tiền nhiệm của ông, Vladimir Putin, trở thành người kế tục ông. Số người bị ấn tượng còn ít hơn. Các nhà bình luận Đức nói động thái này không báo trước điều gì tốt lành cho nước Nga

Năm 2004, Thủ tướng Đức Gerhard Schröder nhắc đến Vladimir Putin- Tổng thống Nga lúc đó - bằng một câu nổi tiếng "nhà dân chủ không tì vết." Cuối tuần này, đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết rằng Schröder có lẽ đã nhầm lẫn.
Đúng như thế giới đã biết trước nhiều tháng, tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev tuần này vừa đề nghị rằng Putin nên ứng cử tổng thống cho đảng Nước Nga Thống nhất, gần như chắc chắn rằng Putin sẽ trở lại Kremlin sau cuộc bầu cử năm sau. Về phần mình, Medvedev rất có thể sẽ tiếp quản vị trí hiện nay của Putin là thủ tướng.
Sự tráo đổi vị trí này, kết hợp với việc từ sang năm sẽ kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ bốn lên sáu năm, có nghĩa là Putin có thể cai trị nước Nga đến 2024.
Không phải mọi người đều hài lòng với thỏa thuận này. Ở phương Tây, chi nhánh  cai trị nặng-tay của Putin vẫn thường bị phê phán về thiếu dân chủ. Bản chất ngấm ngầm của thỏa thuận Medvedev – Puttin chỉ làm tăng những chê trách như thế. Nhiều người khác lo ngại rằng thỏa thuận này có thể dẫn đến trì trệ nền kinh tế và đóng băng mọi loại cải cách. Hơn nữa, những người phê phán nói nó hãm bộ máy quan liêu cực kỳ tham nhũng tại chỗ;  theo tổ chức phi chính phủ Minh Bạch Quốc Tế ở Berlin, nước Nga đứng hàng 154 trên 178 nước được đánh giá về mức độ tham nhũng của quan chức.
Ngay cả người Nga bây giờ cũng chán ngán về nước Nga mà Putin tạo ra. Một cuộc điều tra ý kiến gần đây cho thấy 20 phần trăm người Nga quan tâm đến chuyện di cư – khó có thể coi là dấu hiệu đồng thuận với thủ tướng kiêm tổng thống.
Các nhà bình luận Đức hôm thứ Hai cũng phê phán rộng rãi động thái này.

 Tờ nhật báo trung tả Süddeutsche Zeitung viết:
"Người ta không thể, ít nhất, lên án Putin trong vụ này là không trung thực. Đúng ra, kế hoạch của ông ta trở lại Kremlin rọi một ánh sáng mới lên cấu trúc quyền lực thật sự của nước này… Con người mạnh nhất nước Nga nói một cách bí ẩn về thỏa thuận giữa ông ta và Medvedev được thực hiện từ lâu nhưng chưa bao giờ được đưa ra công luận. Ở các nước khác, điều đó chắc chắn sẽ là một vụ bê bối lớn, nhưng ở nước Nga những quyết định quan trọng được thực hiện mà không cần lấy ý kiến công luận hoặc cho công luận biết là chuyện tất nhiên. Điều ấy tốt cho Putin… Nhưng nó xấu cho nước Nga."
"Nước Nga của Putin là một nhà nước phản hiện đại, phi dân chủ…đất nước lớn nhất trên trái đất [trong số những nước] cai trị bằng sắc lệnh. 'Nước Nga Thống nhất' không phải là một đảng phát triển những tư tưởng, trong quốc hội có rất ít tranh luận. Một tình hình như thế có thể biện hộ được sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và những năm điên rồ, vô chính phủ tiếp theo dưới sự cai trị của Boris Yeltsin. Nhưng nó không còn có ích lợi gì nữa. Các Thống đốc được Moscow chỉ định, các kênh truyền hình được kiểm soát ngặt nghèo, tất cả những cái đó triệt tiêu mọi công khai và cạnh tranh mà nước Nga lúc này cần hơn lúc nào hết."

Tờ nhật báo bảo thủ Die Welt viết:
"Công luận Nga mong mỏi một lãnh đạo mạnh và Putin đã tạo ra được hình ảnh một người như thế. Ông ta đã cho những người Nga bị dằn vặt dày vò một cảm giác tự hào mới và cho phép họ tin tưởng rằng đất nước họ một lần nữa lại thành cường quốc thế giới. Nhưng ông ta không bảo cho họ biết rằng chính là nhờ có lợi tức từ bán dầu lửa và khí tự nhiên, và không phải những cải cách của ông ta, đã dẫn đến một nền kinh tế Nga đang phát triển mạnh. Nhưng có nhiều cơ hội khiến nền kinh tế ấy không phải lúc nào cũng đầy hoa hồng như vậy. Dù làm thủ tướng hay tổng thống thì Putin cũng chưa bao giờ tìm cách mở rộng cơ sở kinh tế của đất nước. Ngược lại, ông ta tập trung nó lại và làm nó thui chột đi."
"Nói một cách trung thực, thì Putin đã vứt bỏ các quyền tự do giành được sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và đã xây dựng một chế độ chuyên quyền. Việc Putin nắm quyền chỉ là tin tốt lành cho phe nhóm cầm quyền."

Từ nhật báo tài chính Handelsblatt viết:
"Medvedev không có bản năng cầm quyền. Theo một cuộc điều tra dư luận, người Nga khó lòng mà nêu được dù chỉ một thành tựu mà ông chủ điện Kremlin giành được trong nhiệm kỳ tổng thống của ông ta. Tuy nhiên, ta phải thành thực khen ngợi Medvedev: ông là một diễn viên xuất sắc."
"Trong gần bốn năm, Medvedev đã thuyết giáo về hiện đại hóa: Ông đã dùng những lời lẽ quyết liệt giải thích rằng việc lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu là "cổ lỗ" và dẫn đến khủng hoảng; rằng tại sao "chủ nghĩa hư vô pháp luật" đã hủy hoại các công ty Nga; và tại sao đất nước cần nhiều tự do và cạnh tranh hơn. Đó chính là thông điệp mà giới trí thức Nga và các nhà đầu tư phương Tây muốn được nghe. Và những người nước ngoài nói riêng đã hiểu thông điệp đó theo giá trị bề mặt của nó."
"Nhưng hiện đại hóa của Medvedev là một sự lừa bịp. Trong diễn văn của ông ta ngày thứ Bẩy, ông ta ca ngợi 'Chế độ Putin' – trong đó ông ta được phép phục vụ như một người giữ chỗ cho Vua trong bốn năm – cũng nghiêm túc như khi ông ta chê bai những yếu kém trong nền kinh tế Nga. Bản thân ông ta chỉ định Putin làm người kế vị, mặc dầu ông ta lặp đi lặp lại phê phán tính đa tạp của chủ nghĩa tư bản do nhà nước kiểm soát của Putin. Putin và Medvedev là anh em về tinh thần. Bằng cách thể hiện những bất đồng về ý kiến, họ chỉ đang tạo ấn tượng về chủ nghĩa đa nguyên."

Tờ nhật báo trung tả Frankfurter Allgemeine Zeitung viết:
"Putin đi vào chức vụ năm 1999 với mục tiêu ngăn chặn sự phân rã của nước Nga và nhằm mục đích ấy, ông đã phát động một cuộc chiến tranh dã man ở Chechnya. Ngày nay, điện Kremlin đang đối mặt với tiếng gọi đang lớn lên từ cánh hữu đòi từ bỏ Bắc Caucasus bởi vì nó đã trở thành rất khó kiểm soát. Trong nhiều năm, Putin nói cuộc chiến chống tham nhũng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của ông ta, nhưng đất nước ông ta tiếp tục rơi vào hàng tham nhũng quốc tế. Putin muốn đất nước giảm lệ thuộc vào dầu và khí, nhưng thực tế nó đang tăng… Putin tìm cách thiết lập lại nền tảng công nghiệp của nước Nga, nhưng khoảng cách công nghệ với phần còn lại của thế giới chỉ càng rộng thêm….Cơ sở hạ tầng và y tế tiếp tục suy sụp mặc dầu những chương trình nhiều tỉ đô la nhằm tái thiết cả hai. Khi những thất bại trở nên rõ ràng, Putin đổ lỗi cho những người bên dưới ông ta – tội lỗi do những người yếu đẻ ra."
 "Tuy nhiên Putin vẫn còn hoàn toàn được lòng dân. Điều này phần lớn do kết quả của việc ông đã tạo được bình ổn sau những hỗn loạn của tổng thống Boris Yeltsin trong những năm 1990 và bởi vì sự kiện nhiều thành phố Nga được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế do dầu khí mang lại. Tuy nhiên điều đó không đủ tính hợp pháp để đi suốt 12 năm. Hơn nữa, có vẻ như việc người Nga nghĩ gì về kết quả lãnh đạo của ông ta không có gì là quan trọng."

Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 2011



N14

Nhân dân đấu với Putin

Fareed Zakaria
TIME,Monday, Dec. 26, 2011
http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,2102543-1,00.html
Ảnh minh họa: Hieronymus gửi cho TIME

"Chúng tôi tồn tại!" Đám đông ở Moscow hô. Ngay cả những người biểu tình ở Nga cũng có khứu giác văn chương và triết học. Họ còn có cả can đảm nữa. Trong suốt thập kỷ qua, các đối thủ chính trị của chế độ Vladimir Putin đã bị quấy nhiễu liên tục, bị bỏ tù, bị tra tấn và bị giết. Nhưng những người đàn ông đàn bà này vẫn chiếm lĩnh đường phố, tuần hành giữa mùa đông nước Nga, đòi cùng một thứ mà những người biểu tình khắp nơi trên địa cầu đòi hỏi - phẩm giá, sự tham dự vào đời sống chính trị, và tự do. Ở nước Nga, họ có thể thắng lợi không?

Các điều kiện dẫn đến Mùa Xuân A Rập thì khác nhau. Trong số đó điều chính yếu nhất là cái cảm giác bị xa lánh và ra rìa khỏi  các cấu trúc quyền lực kinh tế và chính trị của đất nước. Cảm giác này bây giờ ở nước Nga là mạnh. Theo một cuộc điều tra của Trung tâm Levada, 52% số người Nga tin rằng nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo của đất nước ngày nay còn cao hơn cả trong những năm 1990 (Năm 2007 chỉ có 16% cảm thấy như vậy)
Mùa Xuân A Rập cũng nổi lên vấn đề về sự liên kết. Một dân cư trẻ, bồn chồn, biết truy cập các mạng truyền thông xã hội và các công nghệ khác có khả năng thấy được thế giới bên ngoài và hiểu được tình trạng lạc hậu của bản thân. Nước Nga có một dân chúng già và co cụm, nhưng trong số những người biểu tình ở Moscow có nhiều người trẻ sống ở thành thị đã biết kết nối với thế giới bằng mọi công nghệ thông tin mới.

Nước Nga còn có một thành phần cực kỳ khác với thành phần tham gia cuộc nổi dậy A Rập: tăng trưởng kinh tế đã tạo ra một tầng lớp trung lưu mới, với nó, nhiều hy vọng đang lớn lên. Ở Ai Cập và Tunisia, kinh tế đã tăng trưởng nhiều năm trước khi những cuộc biểu tình bắt đầu, và việc tự do hóa [kinh tế] đã mở ra những ngành công nghiệp mới và những lĩnh vực mới hướng ra thế giới. Ở Nga, GDP tính theo đầu người tăng gấp đôi từ năm 1998 đến 2010 (tính theo đồng đô la ổn định). Đó là lý do tại sao Putin được lòng dân trong nhiều năm. Tất nhiên, kinh tế Nga được nâng lên bởi cải cách thì ít mà nhờ giá dầu thì nhiều (nay đã lên đến đỉnh 100$ một thùng), điều này không làm xã hội Nga mạnh lên mà làm nhà nước Nga mạnh lên.
Mâu thuẫn kịch tích lớn trong lịch sử nước Nga là giữa nhà nước và xã hội. Nói đơn giản, nước Nga luôn luôn có quá nhiều nhà nước mà quá ít xã hội. Các nhà sử học đã chỉ ra rằng nước Nga về thực chất là tài sản của Nga Hoàng và tầng lớp nông nô giống với nô lệ hơn là những người nông dân đơn giản, và đất nước không có một thiết chế nào tranh biện với thẩm quyền của chính phủ. Sự tiếp quản của những người cộng sản chỉ làm sâu đậm thêm những đặc điểm này bằng cách xây dựng một siêu nhà nước thống trị mọi khía cạnh của đời sống người dân. Khi nó sụp đổ năm 1991, té ra bên dưới nó chỉ toàn hỗn độn.
Nhưng một xã hội công dân Nga luôn luôn tồn tại, nhỏ bé nhưng năng động, tán thành các giá trị phổ biến và các quyền con người. Đó là nước Nga của Tolstoi và Pasternak, Sakharov và Gorbachev, và nó luôn luôn tin rằng vận mệnh của nước Nga gắn với phương Tây. Nước Nga này đã không chết dưới thời Putin. Thật ra, nó đang lớn lên, âm thầm nhưng mạnh mẽ, trong suốt thập kỷ qua. Trong một bài đăng trên tờ International Affair của Đại học Columbia, Debra Javeline và Sarah Lindemann-Komarova mô tả một nước Nga trong đó xã hội công dân đang ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn. Hiện nay ở Nga có hơn 650.000 tổ chức phi chính phủ. Trong số này nhiều tổ chức không mang tính chính trị công khai, nhưng họ thách thức quyền lực và những quyết định của chính phủ - về các vấn đề môi trường chẳng hạn - và đôi khi họ thắng thế.
Tất nhiên nhà nước Nga vẫn mạnh, vẫn chiếm ưu thế và tràn ngập mọi lĩnh vực kinh tế chính trị. Mặc cho mọi đòi hỏi đổi thay đang sôi động, chính quyền của nhà nước, do Putin nắm một cách điêu luyện, sẽ tạo một quãng ngừng. Không phải chỉ vì Putin đã có thể khôi phục lại một phần cơ cấu sợ hãi từ thời Xô viết. Đó còn là vấn đề tiền. Nhà nước Nga có quyền sử dụng một nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất so với bất cứ nước nào trên thế giới: dầu mỏ, khí đốt, kim cương, nickel, đồng, nhôm. Sự giàu có này giúp chính phủ cả trong đàn áp và mua chuộc nhân dân của mình.

Ta hãy xem sự kiện này. Mặc dầu Mùa Xuân A Rập có khả năng và sức mạnh, nó cũng chưa tạo ra được một thay đổi chính trị nào trong một nước giầu về dầu mỏ. Cách mạng bắt đầu trong những sa mạc của người Maghreb ở Tunisia. Morocco nhanh chóng bị cuốn theo. Nhưng ngay bên cạnh nó, nước Algeria, là nước đàn áp hơn cả hai nước kia, vẫn chưa bị những cuộc biểu tình chống đối sờ đến. Có thể gọi nó là Mùa Xuân A Rập, nhưng sự bất bình bắt đầu từ một năm rưỡi trước đó trong một nước không-A Rập, là Iran, khi Phong trào Xanh chiếm các đường phố. Nhưng chế độ Iran, mua sự ủng hộ bằng cách ban chức tước cho các giáo sĩ, và đàn áp bằng các lực lượng bán quân sự, vẫn còn đó. Các nước vùng Vịnh giầu nguồn dầu mỏ cũng sống sót qua những trận cuồng phong thay đổi - ngay cả ở Bahrain, nơi mà lực lượng đối lập có được sự ủng hộ mạnh mẽ.
Liên Xô đổ khi giá dầu sụt xuống còn 20$ một thùng. Nếu nó sụt xuống nữa, như nhiều người đoán, nhà nước Nga sẽ mất đi tài sản lớn nhất của mình. Và nếu xã hội công dân Nga có thể tạo ra một thay đổi cho dù khiêm tốn chống lại những điều quái dị này, thì nó sẽ viết lại lịch sử.

Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 2011
 

 

N15

Sai lầm ưa thích của tôi

Madeleine Albright kể về cái lần bà thất thố với Putin

Newsweek, 25/7/2011

http://www.thedailybeast.com/newsweek/2011/07/24/madeleine-albright-my-favorite-mistake.html

Madeleine Albright., Ảnh: Cindy Marler / Hollandse Hoogte-Redux

Khi tôi là nhà ngoại giao lớn nhất của Hoa Kỳ, tôi đã mắc một sai lầm thật tệ. Chuyện xảy ra như thế này.
Năm 1999. Tổng thống Clinton. Bộ trưởng Quốc phòng Cohen và tôi ngồi trong một gian phòng, kỷ niệm lần thứ 50 NATO. Đó hoàn toàn là một việc bất ngờ: chúng tôi chỉ ngồi và trò chuyện vui đùa, và chúng tôi giả vờ làm những con khỉ "Không thấy điều gì xấu, không nghe điều gì xấu, không nói điều gì xấu." Sau đó tôi quyết định đi ra ngoài và mua ba chiếc ghim kẹp tóc mang hình con khỉ. Một năm sau, Tổng thống Clinton và tôi sang Moscow họp cuộc họp cấp cao. Tôi kinh hoàng về sự man rợ trong những hoạt động quân sự của Nga ở Chechnya. Tôi nghĩ họ là xấu. Do đó tôi đã mang ba chiếc ghim con khỉ đến cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin.
Tôi bắt đầu mang ghim kẹp tóc để bộc lộ thái độ của tôi khi tôi làm đại sứ ở Liên Hiệp Quốc. Khi đó chúng ta đang cấm vận Iraq, và tôi được chỉ thị phát biểu thật gay gắt về Saddam Hussein. Để đáp lại, ông ta công bố một bài thơ trên một tờ báo so sánh tôi với một con rắn kinh khủng. Tôi đã có một chiếc ghim con rắn, do đó tôi quyết định mang nó. Khi báo chí hỏi tôi sao tôi lại mang chiếc ghim đó, tôi nói "Bởi vì Saddam Hussein đã ví tôi với một con rắn kinh khủng." Và tôi nghĩ, "Ờ hay đấy," rồi tôi đi ra ngoài mua một lố đồ trang sức đi với quần áo mà tôi cho là nó phản ánh những gì có thể sẽ xảy ra trong những ngày nhất định nào đó. Bởi vậy, vào những ngày tốt tôi mang ghim con bướm, hay bông hoa, hay quả cầu. Vào những ngày xấu tôi đeo côn trùng. Chẳng hạn có một lần khi tôi đang trò chuyện với những người Nga thì chúng tôi phát hiện ra một dụng cụ nghe trộm – một con rệp – tại một trong những phòng họp bên ngoài văn phòng của tôi tại Bộ Ngoại giao. Lần sau gặp những người Nga ấy, tôi đeo một con rệp to tướng.
Nhưng cái lần tôi đeo ghim con khỉ để gặp Tổng thống Putin thì là một sai lầm to lớn. Khi chúng tôi bước vào, ông ấy quay sang Tổng thống Clinton và nói, "Chúng tôi luôn luôn quan sát xem Ngoại trưởng Albrigh đeo thứ gì." Rồi Tổng thống Putin quay sang tôi và hỏi, "Tại sao bà đeo những con khỉ ấy?" Tôi nói, "Bởi vì chính sách Chechnya của các ông." Tổng thống Putin trở nên tức tối với tôi. Đến lúc đó tôi mới nhận ra rằng mình đã đi quá xa. May sao, điều ấy không ảnh hưởng đến cuộc thảo luận quan trọng giữa ông ta và Tổng thống Clinton. Tôi không xin lỗi, những tôi học được một điều rằng đôi khi ta có thể đi quá giới hạn một tí, rằng trong những tình huống thật sự nghiêm trọng, với một ai đó không có những tình cảm hài hước giống như ta, ta vẫn có thể chọc phá đôi chút.


Madeleine K. Albright là Chủ tịch Tập đoàn Albright Stonebridge, một hãng chiến lược toàn cầu, và Chủ tịch LLC (công ty trách nhiệm hữu hạn) Quản lý Vốn Albright, một hãng tư vấn đầu tư tập trung vào những thị trường mới nổi. Năm 1997, bà được bổ nhiệm làm nữ ngoại trưởng đầu tiên của Hoa Kỳ. Từ 1993 đến 1997, Tiến sĩ Albright là đại diện thường trực của Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc. Cuốn sách gần đây nhất của bà: Hồi ký về cuộc Bầu cử Tổng thống: Chúng ta làm thế nào để khôi phục thanh danh và vai trò lãnh đạo của nước Mỹ.

Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 2011

 

 

 N16

Nước Nga sợ gì ở châu Á?


Richard Weitz
The Diplomat, 06/6/2011
Mặcdầu sức mạnh quân sự và kinh tế đang lên của nó, Nga không coi Trung Hoa là một đe dọa. Những hỗn loạn tiềm tàng ở Trung Á là một vấn đề khác.


What Russia Fears in Asia



Tình hình tiến triển ở Trung Á và Pakistan, chứ  không phải sức mạnh quân sự đang lớn lên của Trung Hoa thật sự  là những mối quan tâm lớn đối với Nga, ít nhất theo các quan chức chính trị và quân sự Nga đã cùng tôi trò chuyện tại một hội nghị quan trọng ở Moscow.
Tôi đã thăm dò nhiều quan chức cao cấp Nga tại cuộc họp không chính thức An ninh và Quốc phòng của câu lạc bộ Vandai Thảo luận Quốc tế về Trung Hoa, và nhận được những câu trả lời có phần đáng ngạc nhiên. Khi xem xét sức mạnh kinh tế và tiềm năng quân sự Trung Hoa ngay cả nhiều nhà phân tích về quốc phòng của Hoa Kỳ tuy không coi Trung Hoa là đe dọa nhưng vẫn coi việc kiềm chế sự lớn lên của nó là một thách thức. Quả thực trong hai năm qua, chính quyền Barack Obama đã tìm cách củng cố hợp tác quốc phòng với nhiều nước châu Á khác lo ngại về sự lớn lên của Trung Hoa, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam. Và, giống như các chính phủ trước của Hoa Kỳ, họ cũng kêu gọi các nhà lập chính sách của Trung Hoa làm cho các chương trình và chính sách quốc phòng của họ trở nên minh bạch.
Trái lại, các nhà lãnh đạo Nga khi phát biểu công khai luôn luôn nhắc lại quan điểm chính thức rằng Nga và Trung Hoa là những đối tác chiến lược, rằng thay vì sợ Trung Hoa lớn lên, Moscow hoan nghênh nó như một nhân tố ổn định ở châu Á. Và mặc dầu vị quan chức quân sự cao cấp mà tôi gặp ở Moscow nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc phòng Nga thường xuyên theo dõi những phát triển quốc phòng của Trung Hoa, và thấy dấu hiệu rõ ràng về những khả năng của Trung Hoa đã được cải thiện, nước này vẫn không coi Trung Hoa là một mối đe dọa hiện tại hay đang nổi lên.
Một viên tướng cao cấp Nga xác nhận rằng các lãnh đạo quốc phòng Nga thường xuyên thảo luận về Trung Hoa với các đồng nhiệm của họ ở Mỹ, và thêm rằng đó là bởi vì các lãnh đạo Nga lo ngại về những căng thẳng giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ có thể tác động tiêu cực đến an ninh ở châu Á nói chung, và nước Nga nói riêng.
Tuy nhiên một số nhà phân tích quốc phòng Nga tại hội nghị hơi thiếu lạc quan về sự lớn lên về tiềm năng quân sự Trung Hoa. Chẳng hạn, một người nói với đại biểu Nhật Bản duy nhất, người đã đặt nhiều câu hỏi về vấn đề này, rằng đừng lo về việc có thể đặt một trong những tàu chiến Mistral ở miền Viễn Đông Nga, bởi vì chức năng của nó là để ngăn chặn Trung Hoa, không phải để đánh Nhật Bản.
Quả thật việc đổ vỡ trong vụ bán vũ khí Nga cho Trung Hoa trong mấy năm gần đây đã dẫn đến nhiều nhà phân tích quốc phòng phương Tây tin rằng Nga thực chất đã bỏ Trung Hoa. Trong quá khứ, Moscow có thể đã dựa vào việc Trung Hoa mua nhiều hệ thống vũ khí công nghệ cao từ tổ hợp công nghiệp quân sự Nga. Và, theo sau quyết định của các chính phủ phương Tây áp đặt cấm vận vũ khí lên Trung Hoa sau sự cố Thiên An Môn năm 1989, một lệnh cấm nói chung vẫn còn hiệu lực đến hôm nay, Trung Hoa nổi lên như một trong những khách hàng tin cậy nhất của các hạng mục quốc phòng Nga. Trong gần hai thập niên, Trung Hoa đã thanh toán khoảng từ một phần tư đến một nửa lượng hàng quân sự bán ra nước ngoài của Nga, Trung Hoa mua các sản phẩm quân sự của Nga nhiều hơn của tất cả các nước khác cộng lại. Trong những năm 1990 giá trị mua bán này lên đến 1 tỉ $ mỗi năm, trong khi giữa những năm 2000, con số này lên trên 2 tỉ $ mỗi năm.
Nhưng từ bấy đến nay điều này đã thay đổi trông thấy. Từ 2005, Trung Hoa đã ngừng mua tầu chiến hay máy bay chiến đấu của Nga, và đã thôi ký những hợp đồng mới mua bán vũ khí nhiều tỉ đô la. Các nhà cung cấp Nga hiện nay chủ yếu chỉ tiếp tục thực hiện những hợp đồng quá khứ (như giao tên lửa phòng không S-300,) hiện đại hóa những hàng đã giao trước, hay cung cấp công nghệ chuyên môn hóa, như những động cơ máy bay công suất cao cho các phản lực cơ chiến đấu, trong đó các nhà chế tạo của Nga giữ được một lợi thế rõ ràng. Giám đốc công ty xuất khẩu vũ khí do nhà nước kiểm soát , Rosoboronexport, đã tiên đoán rằng giá trị vũ khí Nga bán cho Trung Hoa có thể sụt xuống tới ít nhất 10 phần trăm giá trị của toàn bộ xuất khẩu quân sự của Nga trong những năm tới.
Nhưng vị lãnh đạo hãng quốc phòng đã ăn tối với chúng tôi khẳng định rằng các công ty Nga vẫn còn thấy cơ hội để bán vũ khí cho Trung Hoa để kiếm thêm lợi nhuận. Mặc dầu ông ta thừa nhận rằng Nga đã giúp góp phần cải tiến chất lượng công nghiệp quốc phòng Trung Hoa thông qua việc chuyển giao bằng sáng chế các công nghệ Su-27 và các phương tiện khác, ông vẫn thấy những cơ hội hợp tác có lợi với Trung Hoa nhờ sự thừa nhận của nhiều (nếu không phải tất cả) thành viên của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ rằng Trung Hoa vẫn còn cần dựa vào các đối tác nước ngoài, bởi vì công nghiệp nội địa của nó vẫn chưa đủ khả năng tự nó làm được tất cả mọi thứ.
Lãnh đạo hãng quốc phòng nói thêm rằng ông ta cũng không coi công nghiệp chế tạo máy bay của Trung Hoa là một đe dọa cạnh tranh. Khi tôi hỏi về các "chiến đấu cơ thế hệ thứ 5" của Trung Hoa, ông trả lời rằng người Trung Hoa sẽ phải "đi một đoạn đường dài" trước khi họ chế tạo được một máy bay thế hệ 5 tương đương với T-50 của Nga. Ông cũng thêm rằng mặc dầu một số trong các hệ thống con của J-20 của Trung Hoa có thể được coi như thế hệ 5, Trung Hoa sẽ còn cần nhiều thời gian để kết hợp tất cả các hệ thống con này một cách hiệu quả và sản xuất ra một chiếc máy bay thật sự tối tân.
2.
Vậy thì người Nga lo ngại điều gì? Các lãnh đạo quốc phòng dường như tập trung hơn vào Trung Á, vì tin rằng sự mất ổn định ở đó sẽ tăng lên từ những tác động dễ lây truyền của những rối loạn về kinh tế chính trị và xã hội ở Bắc Phi và từ việc các lực lượng NATO rút khỏi Afghanistan trong những năm tới. Những người nói chuyện với tôi đặc biệt lo lắng về những xung đột nội bộ mới ở Kyrgyzstan, sự  nổi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Hồi giáo ở Tajikistan, và thất bại của Mỹ và NATO trong việc ổn định tình hình ở Afghanistan trước khi họ rút các lực lượng chiến đấu về. Các nhà hoạch định chính sách Nga sợ rằng những phức tạp do những thay đổi này gây nên sẽ làm tăng nguy cơ khủng bố và buôn lậu ma túy vào Nga, cũng như thách thức các lợi ích kinh tế của Nga ở đó, như tiếp cận và kiểm soát nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt.
Để đối phó với nỗi sợ thật sự về hỗn loạn ở Trung Á, Nga đang dựa mạnh vào Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thế (CSTO) bẩy thành viên. Một viên tướng cấp cao phụ trách việc lập kế hoạch và các chiến dịch của quân  đội Nga nói rằng các nước, bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Russia, Tajikistan và Uzbekistan đã khắc phục được nhiều thiếu sót mà ông xác nhận rằng CSTO đã trải qua mùa hè vừa rồi, khi nó tê liệt trong cuộc khủng hoảng Kyrgyzstan. Ông ta nói rằng CSTO hiện nay có khả năng quân sự, kế hoạch tác chiến và cơ sở pháp lý để tiến hành những cuộc can thiệp nhanh ở Kyrgyzstan, Tajikistan và thậm chí có thể cả Afghanistan với lý do chống khủng  bố, giữ gìn hòa bình và những cớ khác.
Ông ta còn nói ông cảm thấy các lãnh đạo quân sự các nước thành viên CSTO đã đạt được sự đồng thuận thật sự về tổ chức. Kazakhstan chẳng hạn, đã trở thành một đối tác đặc biệt gần gũi của nước Nga trong  việc xây dựng một CSTO mới và hiệu quả hơn, và viên tướng này nói rằng ông ta đang chờ đợi một cuộc tập trận lớn mà CSTO có kế họach tổ chức vào mùa hè và đầu thu năm nay để xác nhận tiến bộ đó. Ông và nhiều người Nga khác thôi thúc NATO lập những quan hệ trực tiếp với CSTO, biết rằng nó rất có thể đóng một vai trò lớn hơn ở Trung Á khi các quân đội phương Tây rời khỏi Afghanistan. 
3
Tuy nhiên thật thú vị, từ cuộc họp của chúng tôi, ngày càng trở nên rõ ràng là các lãnh đạo quân sự và dân sự của Nga nhìn tiềm năng CSTO hoàn toàn khác nhau. Trái ngược với phát biểu lạc quan của các lãnh đạo quân sự Nga, về các khả năng và sự cố kết trong tương lai của tổ chức này, các quan chức dân sự lập chính sách quốc phòng và các nhà phân tích coi sự bất đồng quan điểm về an ninh của các nước thành viên là một vấn đề lớn. Chẳng hạn, các thành viên CSTO như Belarus và ngay cả Armenia đang bận tâm với những vấn đề an ninh khác về cơ bản với bốn thành viên Trung Á khác. Vì lý do này, họ coi CSTO chủ yếu như một 'tổ chức chính trị' xác nhận vị trí đứng đầu của Moscow ở Trung Á, hơn là một lực lượng quân sự lớn.
Tương tự họ cũng đánh giá thấp tiềm năng quân sự của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), không giống CSTO nó gồm cả Trung Hoa nhưng không có Armenia và Belarus. Họ nói họ tin rằng nó sẽ tiếp tục tập trung vào chống khủng bố hơn là phát triển các khả năng hợp tác quân sự chung giữa các nước thành viên. Theo quan điểm của họ, SCO, cũng có một chức năng chính trị là chủ yếu, làm nản chí những sự kình địch tiềm tàng giữa Trung Hoa và Nga trong vấn đề kiểm soát Trung Á.
Nhìn xa hơn ra ngoài mặt trận này, các quan chức quốc phòng Nga nói nhiều về các quan hệ an ninh với Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng nước này là đối tác chủ yếu của Nga trong việc đảm bảo an ninh của Hắc Hải chống lại cướp biển, khủng bố và các mối đe dọa khác. Chẳng hạn họ nói họ lấy làm tiếc rằng các nước Hắc Hải khác đã từ chối đề nghị của Nga và Thổ về mở rộng hợp tác an ninh đa phương trong khu vực Hắc Hải, qua đó một lượng đáng kể dầu khí châu Á được chuyển vào các thị trường châu Âu.
Tuy nhiên dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, phòng thủ tên lửa vẫn còn là vấn đề căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Vấn đề cơ bản là, không giống như các đối tác NATO của mình, các lãnh đạo Nga không coi Iran là một đe dọa đối với an ninh châu Âu. Như một quan chức cao cấp bộ quốc phòng diễn tả: 'người Iran không điên đầu. họ sẽ không bao giờ tấn công châu Âu.' Và vị quan chức đó coi mối đe dọa tiềm tàng đối với nước Nga cũng không thể xảy ra. 'Theo quan điểm của tôi,' ông ta nói, 'đe dọa thật sự đối với nước Nga đến từ Pakistan' mặc dầu ông nói rõ mối đe dọa ấy nảy sinh đơn giản từ việc những kẻ Islamist quá khích ở chung một nơi với các vật liệu hạt nhân, điều này cũng làm các quan chức phương Tây lo ngại.
Xét đến những nhận thức khác nhau về mối đe dọa, và mang trong tâm trí những thông điệp tại một chỉ thị của Nga nói rằng Hoa Kỳ đang đơn giản sử dụng mối hiểm họa Iran như một cái cớ để xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh hơn chống lại Nga, vị quan chức cao cấp bộ quốc phòng nói ông thấy ít có lý do tại sao nước ông nên giúp xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa có thể đe dọa tiềm tàng đối với các lực lượng hạt nhân của Nga. Họ sẵn sàng nhìn theo cách khác, ông nói, nếu NATO muốn "tiêu phí toàn bộ số tiền" vào việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng chỉ nếu Nga nhận được bảo đảm bằng văn bản rằng các khả năng của hệ thống được giữ trong giới hạn đủ để không đe dọa các lực lượng hạt nhân của nước Nga.
Nhưng còn một cường quốc đang lên khác, Ấn Độ, thì sao? Người lãnh đạo công ty quốc phòng biểu lộ đôi chút tức giận với người Ấn Độ, vì đã quên rằng chính Nga, chứ không phải Ấn Độ, là đối tác dẫn đầu trong mối quan hệ quốc phòng của họ. Ông ta nhận xét, chẳng hạn, mặc dầu quyết định của bộ quốc phòng Ấn Độ loại bỏ các máy bay Nga (và Mỹ) khỏi vòng cuối trong cuộc cạnh tranh bán cho Ấn Độ những máy bay chiến đấu đa năng, ông vẫn coi Ấn Độ như một thị trường tốt – chừng nào người Ấn Độ đánh giá đúng rằng Nga có những "thứ có ích" chào bán. 

Richard Weitz viết những bình luận hằng tuần về các vấn đề an ninh và chiến lược châu Á – Thái Bình Dương. Ông là giám đốc Trung tâm Phân tích Quân sự Chính trị và Cộng tác viên Cao cấp của Viện Hudson. Các bài bình luận của ông xuất hiện trên International Herald Tribune, The Guardian và Wall Street Journal (Châu Âu), cùng những ấn phẩm khác.

 Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 2011

N17

Chấm dứt sự bảo bọc Phương Tây cho những kẻ cai trị Nga.

Mikhail Kasyanov, Vladimir Milov, Boris Nemtsov và Vladimir Ryzhkov

Washington Post 20,02/2011

http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2011/02/20/AR2011022002548.html?hpid=opinionsbox1
Năm nay mở đầu một cách hết sức tượng trưng ở Nga. Trong những ngày cuối cùng của năm 2010, các nhà cầm quyền đã quyết định chứng tỏ quyền lực và sự bất dung của họ đang bị thách thức: Bản án tuyên đọc trong phiên tòa nực cười xử Mikhail Khodorkovsky và Platon Lebedev không có liên hệ gì với tư pháp; những gương mặt đối lập chủ chốt bị bắt giữ đến 15 ngày chỉ vì những lý do chính trị đơn thuần.
Những hành động độc đoán vụng về này làm thành một cái nền kỳ cục cho bài nói của Tổng thống Dmitry Medvedev tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tuy nhiên, cử tọa trí thức và được thông tin tốt ở Davos nhiệt tình hoan hô những lời lẽ hay ho của ông về hiện đại hóa nền kinh tế Nga và sự phát triển mạnh mẽ của dân chủ. Các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới dường như chấp nhận sự phàn nàn của ông về việc ít người Nga hiểu những kế hoạch vĩ đại của ông cho tương lai của đất nước, mà những kẻ đầu sỏ tham lam và các quan chức tham nhũng từ những năm 1990 đã cản trở ông thực hiện.
Rõ ràng là hệ thống kinh tế và chính trị nước Nga đang vô cùng cần được hiện đại hóa toàn diện. Nhưng những hành động đàn áp ngày càng tăng đang đi theo một hành trình khác.
Trái với mong đợi nhiều người ở Nga và nước ngoài bộc lộ khi Medvedev lên nhậm chức - bằng cách bổ nhiệm trực tiếp không qua bầu cử - năm 2008, nhiệm kỳ tổng thống của ông chưa tỏ ra một dấu hiệu nào rằng những lời lẽ hùng biện dân chủ có thể biến thành hành động thực tế. Thật ra phe đối lập đã đúng. Thời kỳ này được đánh dấu bằng việc tăng cường những cuộc bầu cử hạn chế và giả mạo, cuộc chiến tranh chống Georgia; việc nới lỏng hạn chế sử dụng lực lượng vũ trang ở nước ngoài, vụ tra tấn và chết trong khi giam giữ của Sergey Magnitsky, một luật sự của quỹ đầu tư Hermitage Capital bị cảnh sát đột nhập; tình trạng vô pháp luật và tham nhũng của cảnh sát, liên tục đàn áp các đối thủ chính trị và những người bất đồng chính kiến. Những nước châu Âu tiêu thụ năng lượng đã trải qua những vụ ngừng cung cấp, chỉ là một hình thức công khai gây sức ép của Nga lên các nước láng giềng. Những tổ chức thanh niên côn đồ nhặng xị ủng hộ Kremlin được khuyến khích.
Medvedev đã đầu tư cá nhân ông ta vào quá nhiều hành động xấu xa này. Cùng với ông thầy của mình, Thủ tướng Vladimir Putin, ông chịu trách nhiệm trực tiếp về một số vụ vi phạm nhân quyền và làm vẩn đục hơn nữa bầu không khí chính trị của đất nước này. Ông không còn xứng đáng miễn tội vì còn có nghi ngờ. Câu hỏi được hỏi ở Davos năm 2000 Putin thật ra là ai. Bây giờ cần làm cho mọi người rõ Putin và Medvedev là ai.
Các cuộc bầu cử quốc hội được ấn định sẽ diễn ra trong vài tháng nữa, và cuộc bầu cử tổng thống sẽ đến vào năm sau. Nhưng những hành động độc tài của các quan chức cuối năm ngoái gợi cho thấy các cuộc bầu cử tương lai sẽ không hơn gì những cuộc bầu cử trước - với những người thắng cử đã được chỉ định từ lâu trước khi bỏ phiếu, một nhóm đối lập nhỏ xíu giả vờ tranh đấu trong khi các ứng cử viên đối lập thật sự không được phép tranh cử, các ủy ban bầu cử tạo ra các kết quả cần thiết, và các nhà quan sát ngắn hạn Phương Tây xác nhận rằng trong Ngày bầu củ, trừ vài sự kiện nhỏ bé còn nói chung mọi sự đều ổn cả.
Cỗ xe hai ngựa của nước Nga đã chứng tỏ rằng họ sẽ sớm quyết định ai trong số họ sẽ làm tổng thống trong nhiệm kỳ sáu năm mới được quy định hay thậm chí hai nhiệm kỳ kế tiếp. Chẳng có ai hỏi ý kiến nhân dân Nga, những người dở sống dở chết sẽ ra các địa điểm bỏ phiếu để tạo bức tranh thích hợp cho truyền hình. Đó là cách mà tập đoàn thống trị Nga hiểu về dân chủ.
Thật ra những người cầm quyền Nga để cho công cụ của họ, những cuộc “bầu cử” của đất nước này không khá hơn chút nào so với cuộc biểu diễn gần đây ở Belarus. Và nếu điều đó xảy ra, nước Nga sẽ mất đi cơ hội cuối cùng của nó để có một cuộc trở về hòa bình con đường bình thường của phát triển dân chủ.
Có thể làm được gì? Chúng tôi kêu gọi các lãnh đạo Phương Tây hãy thôi cái chính sách “ôm hôn” thực dụng của họ, thôi ve vãn các nhà cai trị nước Nga - hành vi không mang lại chút lợi lộc nào cho Phương Tây mà tạo ra ở nước Nga ấn tượng rằng chế độ Putin là một chế độ tử tế, giống như bất kỳ chế độ nào khác trong thế giới dân chủ.
Điều này không chỉ là chọn những người phát ngôn chủ đạo giỏi hơn cho những sự kiện quốc tế quan trọng. Nó có nghĩa là các lãnh đạo Phương Tây hãy thôi nhắm mắt trước việc các lãnh đạo Nga không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, đặc biệt liên quan đến bầu cử tự do và công bằng và những quyền con người cơ bản. Nó có nghĩa là Phương Tây nên thôi chào đón các nhà cai trị Nga như ngang hàng, tạo cho họ thế hợp pháp mà họ rõ ràng không xứng đáng. Nó có nghĩa là Phương Tây nên bắt đầu vạch trần thực tế tham nhũng của giới quyền uy nước Nga, khả năng chúng tìm nơi gửi gắm của cải ăn cắp được và rời nước Nga để sống cuộc sống phong lưu ở các nước Phương Tây là một trong những cột trụ bền vững của chế độ. Nó có nghĩa là các nước Phương Tây nên đưa ra những hình phạt đúng mục tiêu để trừng trị những quan chức trực tiếp lạm dụng các quyền của đồng bào họ.
Điều này không đơn giản. Những biện pháp như thế sẽ bị chống đối mãnh liệt bởi phe nhóm Putin, bởi số khách hàng đang tăng lên của tập đoàn quốc doanh Gazprom-Rosneft, và bởi một số doanh nghiệp mong được làm ăn êm thấm, nếu có mờ ám, với chính quyền Nga. Nhưng những nguyên tắc này thì không thể nhân nhượng chút nào hết.
Là những người lãnh đạo của phe đối lập dân chủ thống nhất Nga, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi Phương Tây hãy ngừng làm suy yếu sự nghiệp của chúng tôi và cam kết làm theo chính những nguyên tắc làm cơ sở cho xã hội Phương Tây. Chúng tôi tin chắc chúng tôi có thể đạt được mục tiêu của chúng tôi thông qua quá trình tự do và dân chủ bình thường, miễn là chúng tôi có được những điều này phục hồi trong đất nước chúng tôi.

Các tác giả là đồng chủ tịch Đảng Tự do của Nhân dân Nga.
 Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét