Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

AI CẬP: Arabic Spring



Loạt bài về cách mạng Ai Cập


A-1   Phải chăng tiếp theo là Ai Cập?                                                                                       
Newsweek

A-2   Hiệu ứng Tunisia thu hút Ai Cập                                                                                         
Newsweek

A-3    Cách mạng bằng Internet                                                                                               
Newsweek

A-4    Ai Cập: Internet sập, cảnh sát dàn quân                                                                                   
Time

A-5      Sự công khai kháng cự của Mubarak làm cho cuộc sống của Obama  thêm   khó khăn              
Time

A-6     Cuộc khủng hoảng Ai Cập trong một bối cảnh toàn cầu.                                                      
Stratfor

A-7 Phương Tây mất đi tay bạo chúa được ưa chuộng của mình                                                     
Spiegel
A-8    Chị em Hồi giáo: Nhận diện người phụ nữ trong nước Ai Cập mới                                                    
Spiegel

A-9    Cuộc thử nghiệm Hồi giáo: Ai Cập có thể vận hành một nền dân chủ không?
Spiegel





A-1 Phải chăng tiếp theo là Ai cập?

Mike Giglio
Newsweek
23/01/2011
Nguồn: http://www.newsweek.com/2011/01/22/the-revolution-comes-to-egypt.html

Cuộc nổi dậy của Tunisia tuần trước đã tiếp sinh lực cho các nhà hoạt động đã nản chí trong vùng này. Một cuộc phản kháng đang tới gần ở Cairo có thể đánh dấu bước khởi đầu của một chuyển biến khác. 

Khaled Said, một doanh nhân nhỏ trong thành phố lịch sử Alexandria của  Ai cập, bị cảnh sát lôi ra khỏi một tiệm cà phê internet và đánh đến chết trên đường phố mùa hè vừa qua. Said không được biết đến như kiểu người làm chính trị. Nhưng theo các nhóm hoạt động nhân quyền, cuộc tấn công ấy là hành động trả thù việc post lên blog cá nhân của anh một video về cảnh sát đang chia lãi ma túy.

Vụ giết người này quả là một vụ kích động. Các nhà hoạt động Ai cập đã phát động một chiến dịch kéo dài chống sự dã man và tra tấn của cảnh sát, hầu như nằm ngoài xu thế chủ đạo, và nhiều người hết sức ngạc nhiên về việc tin này được lan truyền nhanh chóng trong công chúng đến thế. “Vấn đề là, anh ấy thật sự không phải là một mối đe dọa,” Sherif Mansour nói - ông là một viên chức kỳ cựu của chương trình tập trung theo dõi truyền thông đại chúng ở Ai cập cho Freedom House[1], một nhóm kiểm soát. “Cái chết của anh đã tạo nên mối liên kết giữa giới luật sư và cuộc sống hàng ngày của người dân Ai cập. Nó cho thấy mọi người đều có thể bị tấn công.”                            

Một thời gian ngắn sau vụ giết người đó, một trang facebook xuất hiện dưới cái tên “Tất cả chúng ta đều là Khaled Said.” Vận hành bởi một người quản lý mạng ẩn danh, nó bắt đầu bằng những đoạn post về vụ của Said. Nhưng trang này nhanh chóng vọt lên thành một chiến dịch tổng lực chống sự bạo hành của cảnh sát và vi phạm nhân quyền ở Ai cập, trở thành một ngân hàng thông tin, thường xuyên post lên những biểu đồ, hình ảnh và video, và công bố tên của những cảnh sát bị tố cáo lạm dụng. Mansour tin rằng trang này sẽ đưa sự tàn bạo của cảnh sát ra thành một cuộc tranh luận rộng rãi. Nhóm này đã tổ chức những cuộc biểu tình tôn vinh Said, và hôm nay số thành viên của nó đã lên đến 380.000 biến nó thành nhóm hoạt động nhân quyền trên mạng lớn nhất và năng động nhất của nước này.

Hiện nay nhóm này hướng tầm mắt đến một sự nghiệp lớn hơn nhiều - thách thức ách thống trị độc tài ở Ai cập, nơi tổng thống Hosni Mubarak đã nắm chính quyền gần 30 năm.

Sau những cuộc biểu tình phản đối ở Tunisia đuổi cổ tổng thống độc tài của nước này, “Tất cả chúng ta đều là Khaled Said” chuyển thành giọng điệu chính trị công kích. Trong nhiều ngày, trang này bắt đầu kêu gọi biểu tình quy mô lớn ở Cairo vào thứ Ba, 25 tháng Giêng, với những yêu sách từ chấm dứt sự bạo hành của cảnh sát và nâng lương tối thiểu lên 180 $ một tháng đến giải tán Quốc hội. Người quản lý trang này, khăng khăng yêu cầu nói chuyện qua chat trên G-mail, và xin được gọi tên là “ElShaheeed”  nói với NEWSWEEK rằng các sự kiện ở Tunisia đã khiến nhân dân Ai cập chú ý. “nó đã đem lại cho tất cả chúng tôi niềm hy vọng rằng mọi sự có thể thay đổi,” anh nói. 

Sáng thứ Sáu, gần 69.000 người đã đăng ký tham gia cuộc biểu tình phản đối ngày 25 tháng Giêng, trên trang Facebook “Tất cả chúng ta đều là Khaled Said

Các nhóm đối lập [hoạt động theo kiểu] truyền thống cũng đã bắt đầu hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình ngày Thứ Ba. Mohamed ElBaradei, một nhân vật đối lập chủ chốt, người đã cảnh báo một “cuộc bùng nổ kiểu Tunisia” ở Ai cập, đã nhanh chóng ủng hộ cuộc biểu tình.  Đêm hôm thứ Năm cuối cùng ông đã ngỏ lời ủng hộ ngầm, bằng cách viết trên Twitter “Hoàn toàn ủng hộ những cuộc biểu tình hòa bình chống đàn áp”.

Và như vậy có thể tìm thấy ở Cairo trong tuần tới những đầu mối để hiểu cuộc cách mạng Tunisia sẽ tác động như thế nào đến các chế độ độc tài khác trong khu vực, đặc biệt từ khi các nhà hoạt động trên mạng và các nhà hoạt động truyền thống dường như gống nhau cùng tham gia vào các lực lượng tranh đấu. Ngày thứ Ba sẽ là phép thử thật sự đầu tiên xem có phải cách mạng là giống hay lây không.

 

Sự chống đối Mubarak đã âm ỉ một thời gian, nhưng rời rạc. Những cuộc biểu tình đến rồi đi, và những kế hoạch cho những cuộc biểu tình quy mô lớn thường thất bại. Trong khi đó nhà nước cảnh sát Ai cập có thể nghiền nát đối lập một cách dã man và hiệu quả. Và sau sự kiện Tunisia, chính phủ đang chú ý theo dõi nghiêm ngặt, nó đã tung ra một đợt tuyên truyền rầm rộ và đã thả những tù chính trị.

Nhưng theo sau những cuộc bầu cử quốc hội gây tranh cãi kịch liệt hồi tháng Mười Một - khi đảng cầm quyền thắng một tỷ số không tin nổi là 97 phần trăm số ghế, giữa những lời buộc tội chắc chắn gian lận phiếu bầu - những lực lượng vì sự thay đổi đã được khuấy động: đó là nhận xét của Steven Cook, một nghiên cứu sinh cao cấp về Trung Đông tại Hội đồng về các Quan hệ Đối ngoại, mới sang Cairo tuần trước. Một cuộc mít tinh nhỏ hơn chống sự bạo hành của cảnh sát đã được trù hoạch cho ngày 25 tháng Giêng, ngày lễ toàn quốc của cảnh sát. Nhưng những sự kiện ở Tunisia đã cho những lực lượng này một cú đẩy mạnh. “Tunisia không gây ra tình hình này. Nhưng nó chắc chắn thêm xung lực vào cuộc chống đối khá mạnh mẽ đã có từ trước.” Cook nói.

Ahmed Salah, một nhà hoạt động kỳ cựu ở Cairo, chỉ ra rằng cuộc cách mạng Tunisia xảy ra tự phát, được thúc đẩy bởi sự tự hy sinh của một sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp - không có định hướng của một phong trào chính trị hay một sức đẩy chống đối có dự tính. Tuy nhiên Salah nói rằng những sự bắt chước mù quáng gần đây lan tràn khắp Ai cập (tính đến tuần này đã có đến chín vụ) chứng tỏ rằng tâm trạng bức bối đang lan tỏa, và đáng lưu ý là họ đều là những người dân thường Ai cập, không phải các nhà hoạt động.

Các nhà hoạt động đang cố gắng lợi dụng thời cơ bằng cách đưa các tin tức về những cuộc phản kháng tới những người dân thường Ai cập, bằng bất kỳ cách gì có thể làm được, từ đưa tờ rơi trên đường phố đến truyền miệng rỉ tai và những tin nhắn văn bản. Truyền thông xã hội đã là một công cụ khác - và cực kỳ quan trọng - cả trong việc phối hợp các nhà hoạt động và truyền bá thông điệp, đặc biệt vì truyền thông Ai cập bị kiểm soát ngặt nghèo. “Tôi không biết trong hoàn cảnh như hiện nay làm thế nào chúng tôi có thể hoạt động được nếu không có nó,” Salah nói. “Trước đây, việc vươn ra ngoài khó khăn hơn rất nhiều.”

 Tuy vậy, mặc dù có những tin đồn xì xào về cuộc phản đối ngày 25 tháng Giêng, ElShaheeed vẫn nhận rõ những khó khăn trong việc chuyển dịch những cú “click” trên Internet để hỗ trợ dưới mặt đất. Nhằm mục đích đó, anh đã và đang dùng trang này để hối thúc nhân dân tổ chức bằng cả những phương tiện truyền thống nữa, thậm chí post những đường link tới những tờ rơi để chúng được tải xuống và phát tán - tuần trước các nhà hoạt động đã phát tán truyền đơn tới những người đi lễ ngày thứ Sáu. Nhưng anh nói chỉ đến thứ Ba mới biết được những cố gắng như thế đã đủ chưa.

“Chúng tôi đang hy vọng sẽ có thật nhiều người, và nhân dân trên đường phố thấy chúng tôi, kết nối với những yêu cầu của chúng tôi và tham gia với chúng tôi,” anh nói. Và nếu những cố gắng đó thất bại, “Tôi sẽ học được từ bài học đó, tiếp tục tiến lên, và làm những việc khác nữa.”


HT 270211


Bài sau: Hiệu ứng Tunisia thu hút Ai cập





A-2 Hiệu ứng Tunisia thu hút Ai cập

NEWSWEEK, 25/01/ 2011
http://www.newsweek.com/2011/01/25/tunisia-effect-grips-egypt.html

 egypt-protests-hsmall
 Hàng trặm người biểu tình chống chính phủ diễu hành ở Cairo chống Tổng thống Hosni Mubarak kếu gọi chấm dứt nghèo khổ.  
(Ảnh: Mohammed Abu Zaid / AP)


Đó là hiệu ứng Tunisia. Trong gần hai tuần lễ, các học giả Trung Đông đã suy đoán liệu việc tống cổ nhà độc tài Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali có dẫn đến những bất ổn khác nữa trong khu vực hay không. Và hôm nay câu trả lời đã đến: hàng ngàn người biểu tình đổ ra các đường phố Cairo và một số thành phố nhỏ hơn của Ai cập hô vang những khẩu hiệu chống tổng thống Hosni Mubarak và đòi nhiều quyền hơn. Đây là cuộc phản kháng lớn nhất từng thấy trên đất nước này, và cảnh sát chống bạo động đã đối phó bằng hơi cay và súng phun nước.

Người dân Ai cập cũng có nhiều nỗi bất bình như những người Tunisia đồng cảnh ngộ: một chính phủ tham nhũng và vô tích sự, tình hình kinh tế ảm đạm, sự tra tấn trong tay các lực lượng an ninh. Đó là lý do những người tổ chức biểu tình cố ý lập kế hoạch cho cuộc tập hợp của họ vào ngày hôm nay, chính là “Ngày Cảnh sát” chính thức của chính phủ. Một trang Facebook do những người tổ chức phản kháng lập ra đã tập hợp được hơn 90.000 người tham gia. Chính phủ Ai cập chắc đã nhận ra rằng, giống như với Tunisia, Internet có thể là một công cụ tập hợp mạnh mẽ: được biết Twitter bị chặn hầu như cả ngày thứ Hai. “Điều này vượt quá mọi mong đợi” Shadi Hamid, giám đốc nghiên cứu tại trung tâm Doha của Viện Brookings nói. “Người ta nghi ngờ về con số người tham gia. Trước đó đã có ba cuộc biểu tình được tổ chức bởi Facebook. Nhưng có sự khác nhau giữa hoạt động trên mạng và hoạt động trên đường phố. Hôm nay thật sự là đông vô kể.”

Ở Cairo những người biểu tình tập trung quanh Quảng trường Tahrir, một trong những không gian mở lớn nhất thành phố và là địa điểm của Bảo tàng Ai cập nổi tiếng. Wael Abbas, một trong những nhà hoạt động blogger nổi tiếng nhất Ai cập, đã từng bị bắt và bị đe dọa nhiều lần, đã đến thật sớm trong buổi sáng biểu tình tại Cairo, với ít hy vọng. Nhưng trái lại, Abbas đã thấy anh bị vây bọc bởi hàng ngàn người. “Có đủ loại người, những người chưa bao giờ thấy có trong các cuộc biểu tình trước đây,” Abbas nói. Những người biểu tình hô những khẩu hiệu như “Đả đảo Murabak” và “Dù thế nào thì cách mạng Ai cập cũng sẽ đến.” Những người khác thông minh hơn với những câu châm biếm sắc nhọn, có những câu chĩa vào người con trai có khả năng kế tục Murabak là Gamal. Một nhóm hô: “Gamal, nói với cha mày: nhân dân Ai cập ghét chúng mày. “Gamal, nói với cha mày: đây không phải trại chăn nuôi của nhà mày.” Ở một số nơi, những người biểu tình ném đá vào cảnh sát và thậm chí tấn công một xe phun nước. Những người khác xé những bức ảnh lớn của Mubarak treo dọc trên đường phố và thậm chí ném chúng vào lửa.

Nhiều người biểu tình ở Cairo hôm nay mô tả cùng loại vấn đề được chia sẻ. Những nỗi bất bình cũng dường như hết sức giống với  nỗi bất bình đã đẩy đến sự tự hy sinh của Mohammed Bouazizi - người bán rau quả, đã châm ngòi cho cuộc cách mạng Tunisia. Ahmed Atta, một người 33 tuổi đã tốt nghiệp đại học, nói anh tham gia biểu tình vì anh không thể tìm được một công việc thích hợp và không có sự quen biết đặc biệt trong chính quyền để giúp anh tìm ra lối thoát. “Đất nước này đã sôi sục lên thậm chí còn trước cả Tunisia, nhưng người Tunisia đã bước đi trước Ai cập. Chúng tôi đã chậm bước rồi,” Atta nói. “Các bộ trưởng của chúng tôi tham nhũng và nguồn nước của chúng tôi bị ô nhiễm. Tôi mua thứ bánh mì không thể ăn được, nhưng chúng tôi vẫn phải ăn. Chúng tôi có thể làm gì đây? Chết đói ư?” Tarek Hamdy, một bác sĩ thú y 31 tuổi, cũng đang vật lộn để tìm công việc. Anh đã đi tìm hơn năm năm nay nhưng chỉ có thể tìm được những công việc vặt kiếm được dưới 100$ mỗi tháng. Rời khỏi Ai cập dường như bây giờ là lối thoát tốt hơn đối với anh. “Cách duy nhất để có việc làm là thông qua quan hệ và hối lộ. Nhưng đây không phải là cách chúng tôi nên làm sau khi cha mẹ chúng tôi đã phải tốn rất nhiều tiền nuôi chúng tôi ăn học,” anh nói. “Tôi không chống cảnh sát. Tôi chống cả chế độ này.” Ngay cả một số cảnh sát có mặt trong đám đông cũng đồng tình với sự nghiệp này. Tại một địa điểm trung tâm Cairo, một phóng viên NEWSWEEK hỏi một sĩ quan cảnh sát đứng gần bên rằng anh có đồng ý với những gì những người biểu tình đang nói không. Anh trả lời, “Tất nhiên!”

Một sự bất ngờ ngày hôm nay là tổ chức Muslim Brotherhood (Huynh đệ Hồi giáo) nhóm chống đối lớn nhất nước này. Nhóm này tuyên bố nó không chính thức tham gia cuộc biểu tình phản đối, và chính phủ dường như đã tiến hành những bước để đảm bảo nó giữ lời. Cảnh sát ngăn một nhóm cựu nghị sĩ thuộc Brotherhood ra khỏi các văn phòng của Bar Association vào buổi chiều, có lẽ để giữ họ cách xa khỏi những người biểu tình. Tuy nhiên, một số thành viên cố gắng chen vào trong đám đông. Gamal Heshmat, một cựu nghị sĩ thuộc Brotherhood, từ tận Damanhour, một thành phố cách Cairo khoảng 100 dặm về phía tây bắc đến đây. “Mọi người nên đòi hỏi các quyền của mình,: Heshmat nói. “Thay đổi đang diễn ra.”

Liệu Mubarak có sớm đến Saudi Arabia tụ hội với Ben Ali của Tunisia không (như một số người biểu tình hôm nay đã hô)? Vào thời điểm này, dường như điều đó không xảy ra. Bộ máy an ninh khổng lồ của Ai cập được nhiều người coi là tàn ác hơn nhiều so với những đồng sự ở Tunisia và đã giữ được Mubarak tại vị gần 30 năm. Các hãng điện tín đã báo cáo có một số người biểu tình bị giết trong các cuộc biểu tình ngày hôm nay. Nếu các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, con số người chết nhất định sẽ tăng lên. “Chế độ đang quay trở lại rất mạnh,” Hamid của Brookings nói. “Không giống như đồng sự Tunisia, chúng tàn nhẫn hơn nhiều. Chúng không đơn giản ngồi yên để cho phong trào chống đối lớn lên.”
Cùng với  Mike Giglio ở New York






A-3      Cách mạng bằng Internet
.
Mike Giglio
NEWSWEEK /26/01/2011
http://www.newsweek.com/2011/01/26/revolution-by-internet.html

 Người dân Ai cập bắt đầu những cuộc biểu tình chống đối của họ trên mạng và sau đó bổ sung vào chiến thuật cứng trên mặt đất trong một cố gắng hạ bệ một nhà nước cảnh sát đang tồn tại một cách nhục nhã


Basem Fathi, một nhà tổ chức của những cuộc biểu tình ngày thứ Hai ở Cairo, đang chạy khắp thủ đô, cố mua khăn mặt và lều trại. Trong một ngày mà hàng chục nghìn người đổ ra đường phố trong một loại biểu tình quy mô lớn mà nhà cầm quyền Ai cập chưa từng biết đến trong nhiều thập kỷ, những người biểu tình đã chiếm Quảng trường trung tâm Tahrir, tại đó họ bao vây nhà Quốc hội. Bây giờ trông họ có vẻ sẵn sàng ở lại cả đêm. Fathi dường như sửng sốt về thắng lợi. “Chúng tôi chưa có người lãnh đạo chuyện này, nhưng những người đứng đầu cuộc biểu tình đang cố gắng lo phần hậu cần,” anh nói. Anh nói thêm rằng anh không biết điều gì sẽ đến tiếp theo. “Không ai biết cả. Nhưng ít ra nhân dân đang bắt đầu tin rằng họ có thể làm nên một cái gì đó - mà không chỉ hôm nay.”

Được cách mạng ở Tunisia khích lệ, những cuộc biểu tình ngày thứ Hai bắt đầu cách đây hơn hai tuần với một chiến dịch trên một trang Facebook được nhiều người biết. Tuy nhiên, ngay cả khi trên mạng có sự đảm bảo 90.000 tham gia, thì một cuộc biểu tình quy mô lớn theo kiểu Tunisia có vẻ như không xảy ra. Cái gọi là cuộc cách mạng hoa Nhài là tự phát, được châm ngòi bởi sự hy sinh của một người bán rau quả có trình độ đại học, không phải là sự thúc đẩy của những nhà hoạt động có tổ chức. Ai cập là một nhà nước cảnh sát đang tồn tại bằng đàn áp , với một lịch sử dài bỏ tù những người bất đồng chính kiến và kiểm soát đám đông tay không. Những mưu đồ tổ chức những cuộc biểu tình phản đối ở Ai cập thường trở nên vô ích. Mohammed ElBaradeiMuslim Brotherhood, hai phong trào đối lập có khả năng lôi kéo người xuống đường nhất, chỉ ủng hộ về tinh thần. Đặc biệt Brotherhood  được coi như nhóm duy nhất ở Ai cập có khả năng huy động được một số lớn người xuống đường. “Hình mẫu trong quá khứ là có nhiều nhà hoạt động Internet, nhưng không phải luôn luôn có số lượng lớn người trên các đường phố,” Jason Brownlee nói (ông là một chuyên gia về các quan hệ Mỹ- Ai cập, học giả khách mời của Woodrow Wilson Center).

Tuy nhiên các nhà tổ chức biểu tình kết hợp một hiểu biết về Internet với những chiến thuật cứng trên mặt đất. Họ có những người trợ giúp mạng để phối hợp với các bạn bè và gia đình bằng văn bản và lời nói, và tham gia với các nhà hoạt động [theo phương thức] truyền thống để tung ra những tờ rời và tiếp cận nhân dân trên đường phố. Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước, “ElShaheeed” nhà quản lý ẩn danh của trang chính Facebook đứng sau cuộc biểu tình, đã nói với NEWSWEEK rằng việc tổ chức cái gì đó có ý nghĩa thì những hoạt động trên mạng là không đủ. “Không chỉ là post lên mạng” Anh nói. “Để có nhân dân xuống đường, cần phải tập hợp. Tập hợp hết sức khẩn trương.”

Các nhà tổ chức biểu tình, trong đó có cả Phong trào Sinh viên 6 tháng Tư, và một số nhóm chống đối nhỏ hơn, cũng đi đến một chiến lược nhằm phá những cố gắng của chính phủ kiểm soát đám đông. Trong cuộc phỏng vấn ấy, ElShaheeed nói các những người biểu tình sẽ gặp nhau trên ba quảng trường gần với những khu vực nghèo trong thành phố và từ đó hội tụ lại trên một địa điểm chọn trước. Anh hy vọng điều ấy sẽ cho các cuộc biểu tình thêm thời gian để thu hút những người dân bình thường từ đường phố. Những hướng dẫn về tác dụng ấy được post lên trang Facebook. Kế hoạch ấy đã thành công, mặc dầu nghe đâu có mặt đến 20.000 cảnh sát. Những cuộc biểu tình ở Cairo bắt đầu từ các quảng trường Mostafa Mahmoud, Matraya, và Shubra, trước khi đám đông gặp nhau để chiếm quảng trường Tahrir.


Trong khi đó có đến 12 thành phố trong khắp cả nước có những cuộc biểu tình nhỏ hơn nhưng cùng một mục đích. Ở thành phố Mahallah châu thổ sông Nile, những cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra chỉ để lấy thêm nghị lực, theo Ahmad Abdel Fattah, một nhà báo phụ trách những sự kiện này cho tờ nhật báo Almasry-Alyoum. Một cuộc tuần hành buổi chiều của vài nghìn người tiếp theo bằng một cuộc lớn gấp ba lần, anh ước tính, và những người biểu tình đã táo bạo xé toang những tấm ảnh lớn của tổng thống Hosni Murabak treo trên các đường phố, thậm chí quẳng chúng vào lửa. Khi đêm đến, một cuộc biểu tình thứ ba đã hình thành. “Trong cuộc biểu tình đầu tiên, chủ yếu chỉ có các nhà hoạt động. Nhóm thứ hai là những người bình thường.” Fattah nói.

Những cuộc biểu tình quy mô lớn như thế có thể được tổ chức chủ yếu trên Internet và độc lập với phe đối lập truyền thống của Ai cập, đặc biệt là Muslim Brotherhood, có lẽ đã cho Mubarak nhiều lý do để lo lắng, Shadi Hamid, giám đốc nghiên cứu tại trung tâm Doha của Viện Brookings nói. Nó cho thấy người dân Ai cập bình thường đã chán ngán ách thống trị độc tài đến độ nào, và nỗi thất vọng ấy có thể lan nhanh như thế nào - nó mang cái bóng đen của cuộc nổi dậy Tunisia. “Đây không phải là cuộc biểu tình do Islamist tổ chức. Điều này thật sự là chưa từng có. Đây chỉ là những người dân Ai cập bình thường nổi giận,” anh nói. “Nếu tôi là một quan chức chính phủ, thì lúc này hẳn tôi đứng ngồi không yên.”










 

A-4     Ai cập: Internet sập, cảnh sát dàn quân

TIME, 27/01/ 2011

Nguồn: http://www.time.com/time/world/article/0,8599,2044885,00.html



Ảnh: Những người biểu tình Ai cập đụng độ với cảnh sát chống bạo loạn ở Suez, Ai cập, ngày thứ Năm, 27/01/2011.
 (AP)


Hoạt động Internet ở Ai cập bị phá vỡ và chính phủ đã triển khai một lực lượng cảnh sát đặc nhiệm ở Cairo hôm thứ Sáu, nhiều giờ trước một đợt sóng mới các cuộc biểu tình chống chính phủ đã biết trước.
Tình hình này chứng tỏ chế độ của tổng thống Hosni Mubarak đang siết chặt sự đàn áp thẳng tay của nó sau những cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm chống ách thống trị gần 30 năm của ông ta.
Lực lượng chống khủng bố, hiếm khi thấy trên đường phố, đã chiếm các vị trí tại các địa điểm chiến lược, kể cả quảng trường Tahrir, nơi có cuộc biểu tình lớn nhất tuần này.
Facebook và Twitter đã giúp phát động các cuộc biểu tình tuần này. Nhưng tối thứ Năm, những website này đã bị phá vỡ, cùng với tin nhắn điện thoại di động và các dịch vụ nhắn tin BlackBerry Messenger. Sau đó mạng Internet sập. Trước đó, phong trào rộng rãi của dân thường này được hai lần tiếp sức - sự trở về của người đoạt giải Nobel Mohamed ElBaradei và sự ủng hộ của nhóm đối lập lớn nhất, Muslim Brotherhood.
Sau nửa đêm, các lực lượng an ninh bắt giữ ít nhất năm nhà lãnh đạo của Brotherhood, và năm cựu nghị sĩ, theo luật sư của nhóm, Abdel-Moneim Abdel-Maksoud và người phát ngôn, Walid Shalaby. Họ nói các lực lượng an ninh cũng đã bắt một số lớn thành viên Brotherhood trong một cuộc càn quét ở Cairo và nhiều nơi khác.
Phép thử thật sự đối với phong trào phản kháng là liệu phe đối lập rời rạc của Ai cập có thể tập hợp lại hay không, với cuộc tập hợp ngày thứ Sáu được mong đợi sẽ là một trong những cuộc lớn nhất từ trước đến nay.
Các trang mạng xã hội đang xì xầm rằng những cuộc tập hợp sau buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu có thể thu hút số lượng khổng lồ những người chống đối đòi trục xuất Mubarak. Hàng triệu người tập hợp tại các nhà thờ Hồi giáo trong khắp thành phố ngày thứ Sáu, cho các nhà tổ chức một bể dân chúng khổng lồ để rót vào.
Mubarak 82 tuổi không thấy xuất hiện hay nghe nói gì từ khi có những cuộc biểu tình phản đối bắt đầu hôm thứ Ba với hàng nghìn người diễu hành ở Cairo và một loạt thành phố khác. Trong khi ông ta có thể vẫn có cơ hội để thoát khỏi thứ thách cuối cùng này, lựa chọn của ông ta là hạn chế, và tất cả đang có vẻ như dẫn đến nới lỏng sự nắm quyền của ông ta
Bạo lực leo thang hôm thứ năm trong các cuộc biểu tình bên ngoài thủ đô. Trong thành phố Suez sôi sục, dọc theo con kênh đào chiến lược Suez, những người biểu tình đốt một trạm cứu hỏa và cướp vũ khí quay lại chĩa vào cảnh sát. Bộ Nội vụ nói trong một tuyên bố rằng hơn 90 cảnh sát đã bị thương trong những cuộc đụng độ ấy. Không có những con số trực tiếp về số người biểu tình bị thương.
Trong vùng bắc Sinai của Sheik Zuweid, hàng trăm người Bedouin và cảnh sát đấu súng, giết chết một người 17 tuổi. Khoảng 300 người biểu tình bao vây một đồn cảnh sát từ trên nóc những tòa nhà xung quanh và phóng hai quả lựu đạn vào đó, làm hư hại các bức tường.
Băng video cảnh bắn cậu bé, Mohamed Attef, được đưa cho một nhà báo địa phương và AP Television News đã có được. Attef ngã gục xuống sau khi bị bắn trên đường phố. Khi những người biểu tình đưa cậu đi, cậu còn sống nhưng sau đó đã chết.
Nước Mỹ, hậu thuẫn chủ yếu của Mubarak ở Phương Tây, đã công khai khuyên cải cách và chấm dứt dùng bạo lực chống lại những người biểu tình, báo hiệu nhà lãnh đạo Ai cập có thể không còn được ủng hộ hoàn toàn của Washington nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn phát trực tiếp trên Youtube, tổng thống Barack Obama nói những cuộc biểu tình chống chính phủ tràn ngập các đường phố chứng tỏ những nỗi thất vọng của các công dân Ai cập. “Điều hết sức quan trọng là nhân dân có những cơ chế để thể hiện những nỗi bất bình của mình,” Obama nói.
Lưu ý rằng Mubarak đã từng là “một đồng minh của chúng ta trong nhiều vấn đề quan thiết,” Obama nói thêm: “Tôi đã luôn luôn nói với ông ấy rằng việc đảm bảo chắc chắn họ đang tiến tới cải cách, cải cách chính trị và cải cách kinh tế, là vô cùng quan trọng đối với tình trạng tốt đẹp lâu dài của Ai cập.”
“Và bây giờ các bạn có thể thấy những thất vọng dồn nén đang đươc phô bày trên các đường phố,” Obama nói.
Trong một động thái dường như để giúp làm tăng số lượng người trên các đường phố, Muslim Brotherhood chấm dứt những ngày bất động bằng cách tung lực lượng trợ giúp của nó đằng sau những cuộc biểu tình. Trên website của nó, nhóm hoạt động ngoài luật pháp này nói nó có thể sẽ gia nhập với “tất cả các lực lượng dân tộc Ai cập, nhân dân Ai cập, sao cho ngày Thứ Sáu tới đây sẽ là ngày nổi giận chung của đất nước Ai cập.”
Tuy nhiên, sự đứt gãy của Internet được báo cáo là bởi một nhà cung cấp dịch vụ chính cho Ai cập. Seabone có cơ sở ở Italy nói sau 12 giờ 30 giờ địa phương sáng thứ Sáu không còn lưu thông Internet vào và ra khỏi đất nước này.
Đối với Brotherhood, vẫn còn nhức nhối về thất bại gần đây trong cuộc bầu cử nghị viện ô nhục vì gian lận, những cuộc biểu tình cho họ một dịp hiếm hoi để chộp lấy trong tình hình đang ngày càng hình thành rõ nét như một cơ hội tốt nhất để thay đổi chế độ  từ khi Mubarak lên cầm quyền 1981.
Brotherhood đã tìm cách tự  vẽ nó thành một lực lượng thúc đẩy thay đổi dân chủ trong chế độ độc tài của Ai cập, và đang cố gắng xóa bỏ hình ảnh trong số những người phê phán nó rằng nó nhằm cướp chính quyền và áp đặt các luật Hồi giáo. Nhóm này đã dính liu vào các cuộc bạo lực chính trị trong nhiều thập kỷ, cho đến khi nó từ bỏ bạo lực trong những năm 1970.
Sự ủng hộ của Brotherhood và sự trở về của ElBaradei dường như có khả năng tiếp thêm sinh lực cho một phong trào phản kháng rộng lớn do thanh niên dẫn đầu, bằng sự bất ổn kéo dài nhiều ngày, đã làm lung lay cái giả định rằng bộ máy an ninh của Mubarak có thể kiểm soát được sự nổi loạn của quần chúng.
ElBaradei, nguyên đứng đầu cơ quan kiểm soát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc và là đối thủ chủ yếu của Murabak, đã tìm cách tái tạo bản thân như một người hoạt động dân chủ lão luyện trong đất nước mình. Ông được một số người ủng hộ coi như một gương mặt có khả năng đoàn kết các lực lượng đối lập cứng cổ của đất nước và mang đến cho đất nước một bản đồ đường lối cho tương lai.
Đối với Elbaradei, đây là một cơ hội để rũ bỏ hình ảnh của ông như một người trong giới tinh hoa, không còn liên lạc [với trong nước] sau nhiều năm sống ở nước ngoài, lúc đầu như một nhà ngoại giao Ai cập, và sau làm việc với Liên Hiệp Quốc.
Elbaradei nói với các nhà báo hôm Thứ Năm trước khi lên đường về Cairo: “Nếu nhân dân, đạc biệt là những người trẻ,… muốn tôi lãnh đạo cuộc chuyển biến này, tôi sẽ không để họ thất vọng. Ưu tiên của tôi ngay bây giờ là … thấy một chế độ mới và thấy một Ai cập mới thông qua chuyển biến hòa bình.”
Ngay khi vừa đặt chân lên đất Ai cập, ông đánh một nốt nhạc hòa giải.
“Chúng tôi vẫn giơ tay ra với chế độ để làm việc với họ cho quá trình thay đổi. Mọi người Ai cập không muốn thấy đất nước rơi vào bạo lực,” ông nói. Bàn tay của chúng tôi đang chìa ra.”
“Tôi mong rằng chúng ta không cần phải xuống đường để áp lực với chế độ rằng họ cần phải thay đổi.” ElBaradei nói. “Không có đường lui. Tôi hy vọng chế độ chấm dứt bạo lực, chấm dứt bắt người, chấm dứt tra tấn người.”
Không có Mubarak, đảng Dân tộc Dân chủ cầm quyền nói hôm thứ hai rằng nó sẵn sàng đối thoại với công chúng nhưng không đưa ra nhượng bộ nào để thảo luận những đòi hỏi về một giải pháp cho tình hình thất nghiệp và nghèo khổ đang tăng lên và thay đổi chính trị.
Safwat El-Sherif, tổng bí thư của đảng này và một người thân tín của Mubarak, bị một nhân vật kỳ cựu của đảng cầm quyền chỉ trích về những cuộc biểu tình,  tại một cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi cuộc náo loạn bắt đầu.
“Chúng tôi tự tin về khả năng lắng nghe. Đảng NDP đã sẵn sàng cho một cuộc đối thoại với công chúng, tuổi trẻ và các đảng hợp pháp,” ông nói. “Nhưng dân chủ có những quy tắc của nó và có quá trình. Thiểu số không thể ép buộc ý chí của nó lên đa số.”
Lời bình luận của El-Sharif dường như củng cố nềm tin của nhiều người chống đối rằng chế độ Mubarak không thể, hay không sẵn lòng đưa ra những cải cách đáp ứng được yêu cầu của họ. Điều đó có thể cho các đảng đối lập một thuận lợi để giành được sự ủng hộ của dân chúng nếu họ síế chặt hàng ngũ và hứa những thay đổi mà lớp trẻ tìm kiếm trên tuyến đầu của cuộc nổi loạn.
Mubarak vẫn chưa nói liệu ông ta có ứng cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa trong những cuộc bầu cử trong năm nay hay không. Ông ta chưa bao giờ chỉ định một người phó, và được cho là đang chuẩn bị cho con trai ông ta là Gamal kế vị ông ta bất chấp sự phản đối của nhân dân. Theo những biên bản Hoa Kỳ bị tiết lộ, sự kế thừa cha truyền con nối này không được sự đồng thuận của quân đội mạnh.
Mubarak đã trù liệu để không một kẻ nào có khả năng thay thế ông ta được phép nổi lên. Những thay đổi về Hiến pháp thông qua năm 2005 bởi nghị viện trong đó đảng NDP chiếm đa số áp đảo, đã khiến những nhân vật độc lập như ElBaradei thực chất không thể tranh cử tổng thống.
Tiếp tục các phương pháp nặng tay của các lực lượng an ninh trong ba ngày qua có lẽ đã cho chế độ của ông ta thêm một ít thời gian nhưng có thể làm mạnh thêm quyết tâm của những người biểu tình và giúp họ giành được sự đồng tình của quần chúng.
Phương án đưa ra một gói cải cách chính trị và kinh tế có thể chấm dứt việc độc chiếm chính quyền của đảng ông ta và đảm bảo rằng các chính sách tự do hóa kinh tế do Gamal con trai và người thừa kế của ông ta thiết kế ra trong thập kỷ qua có lợi cho đa số nghèo khổ của đất nước.
Ông ta cũng có thể dỡ bỏ các luật khẩn cấp có hiệu lực từ 1981, nới lỏng những hạn chế trong việc thành lập các chính đảng và tuyên bố công khai liệu ông ta có ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa trong cuộc bầu cử năm nay không.
Chế độ Mubarak chịu một đòn nặng nề nữa ngày Thứ Năm khi chỉ số điểm chuẩn của thị trường chứng khoán sụt giảm 10 phần trăm vào giờ đóng cửa, sự giảm lớn nhất trong vòng hơn hai năm, trong khi trước đây chỉ sụt giảm 6 phần trăm mỗi ngày.
Tình hình Ai cập tương tự với cuộc vận động của Internet ở Iran trong những cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2009, Craig Labivitz , thủ trưởng khoa học của Arbor Networks, một công ty an ninh có cơ sở ở Chelmsford, Massachusetts, nói.
Ngăn chặn Internet ở những nước áp dụng kểm soát mạnh đối với các nhà cung cấp Internet của nó thì không khó, ông nói, bởi vì các công ty sở hữu cáp quang và các công nghệ khác thường phải theo sự cấp phép khắt khe của chính phủ.
“Tôi không nghĩ có một nút đỏ lớn - có lẽ chỉ một cú điện thoại gọi ra cho khoảng năm sáu người thân thuộc,” ông nói.
Các phòng viên AP Hadeel al-Shalchi và  Tarek al-Tablawy đã đóng góp cho bài này
HT 280111
A-5  Ai cập: sự công khai kháng cự của   Mubarak làm cho cuộc sống của Obama khó khăn hơn.
TIME, 28/01/2011

Nguồn: http://www.time.com/time/world/article/0,8599,2045099,00.html

Một người biểu tình hôn một sĩ quan cảnh sát trong cuộc biểu tình ở Cairo.
Ảnh: AAmr Abdallah Dalsh / Reuters

“Nước Mỹ không có bạn” Henry Kissinger đã có lần nhận xét như thế. “Nước Mỹ chỉ có các quyền lợi.” Theo logic đó, chính quyền Obama hôm thứ Sáu có lẽ đã bị động buông lỏng các quan hệ với Hosni Mubarak - không phải quan hệ cá nhân, bạn hiểu chứ, mà là tổng thống Ai cập đã trở thành tiêu điểm của sự thù địch căng thẳng từ nhân dân của ông ta sau 30 năm chính quyền độc tài ủng hộ ông ta trước một cuộc nổi dậy dân chủ đang lớn lên có thể đe dọa làm tổn hại những lợi ích khu vực lâu dài của Mỹ ở Ai cập.

Khi những đường phố ở Cairo, Alexandria và Suez sôi sục với những cuộc biểu tình chống chế độ hôm thứ Sáu, Chính quyền vẫn khăng khăng nói rằng các lực lượng an ninh của Mubarak kiềm chế không dùng vũ lực chống lại những người biểu tình hòa bình, và trái lại, không chỉ tôn trọng các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp của họ, mà còn lưu ý đến những nỗi bất bình của họ.Những tuyên bố của Nhà Trắng dường như ngày càng có vẻ nói với “các nhà cầm quyền” Ai cập trên đầu Mubarak. Liệu có thật Tổng thống Obama đã nói chuyện qua điện thoại với đồng minh cực kỳ quan trọng của Mỹ này, trong lúc cuộc khủng hoảng đang diễn ra hôm thứ Sáu không? Không, ông không nói, thư ký báo chí Nhà trắng Robert Gibbs đã thú nhận chiều Thứ Sáu, lặp đi lặp lại câu thần chú về ‘kiềm chế, cải cách, và lắng nghe những đòi hỏi của những người biểu tình’.

Nhưng đòi hỏi đầu tiên của những người biểu tình lại chính là đòi hỏi mà Mubarak không có ý định lưu ý: đòi ông ta ra khỏi chính quyền. Khi tiến sĩ Mohammed ElBaradei, con người ôn hòa đoạt giải Nobel Hòa bình và là cựu thanh tra hạt nhân, người đã đóng một vai trò dẫn đầu trong phong trào dân chủ đang trỗi dậy, nói rõ trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu - trước khi ông bị đặt vào vòng quản thúc - “chúng tôi sẵn sàng dàn xếp với chế độ để đảm bảo một cuộc chuyển đổi trật tự và êm thấm, nhưng vấn đề Mubarak phải ra đi thì không có gì phải bàn cãi.”

Khi Mubarak không lên nói trên truyền hình quốc gia vào đầu buổi tối như đã hứa, người ta càng suy đoán rằng chế độ đã bối rối về sức mạnh của các cuộc biểu tình hôm thứ Sáu. Và sự kiện quân đội do Mubarak phái đến các đường phố để kiểm soát lệnh giới nghiêm đã kéo đến nhưng có một thái độ tương đối dễ dãi thoải mái với những người biểu tình, đã tiếp thêm vào hy vọng lạc quan chung rằng con người bạo lực này có lẽ đang tính đường chạy trốn. Bỗng nhiên, tên tuổi của Hussein Tantawi, Bộ trưởng Quốc phòng 75 tuổi của nước này, người ở Washington trong một chuyến viếng thăm định trước trong tuần lễ biểu tình này, được đem ra chào như một [người có thể có thể là] tổng thống lâm thời.

Một số nhà phân tích suy đoán rằng Mỹ có thể đã học được từ sự sụp đổ của tổng thống Ben Ali của Tunisia, và những cuộc thất bại trước đây như sự sụp đổ của Shah ở Iran năm 1979, bằng cách thiết kế sự ra đi của một tay độc tài mà sự thống trị của ông ta đã trở nên không thể giữ lại được nữa, nhằm tháo ngòi nổ cuộc nổi dậy và chuyển giao cho một chính phủ có trách nhiệm hơn, được điều hành bởi một lãnh đạo tiếp tục ưu tiên cho các lợi ích của Mỹ trong khu vực. Dù sao, những người biểu tình cũng cho thấy rõ họ không quan tâm gì đến những hứa hẹn về một Mubarak hiền lành hơn, và sẽ không chịu yên cho đến khi ông ta ra khỏi chính quyền.

Nhưng quy tắc của Kissinger đúng với các đồng minh và chư hầu của Mỹ hơn là với Washington: những quyền lợi của Mubarak không nhất thiết phải phù hợp với của Mỹ. Ông ta nói chung đã nhiều năm phớt lờ sức ép của chính quyền Obama và những người tiền nhiệm, là tiến hành cải cách để nhằm tránh cái kịch bản mà hiện nay ông ta phải đối mặt, và trong một bài nói trên ti vi cuối cùng cũng đã được thực hiện vào lúc nửa đêm, giờ địa phương, Mubarak xuất hiện trông dao động, giải tán chính phủ của ông ta và hứa chỉ định một chính phủ mới vào Thứ Bảy, tự tuyên bố ông ta là một tác nhân của cải cách và nhân quyền, và tuyên bố rằng “chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc cải cách chính trị, kinh tế, và xã hội của chúng tôi, vì một xã hội Ai cập tự do và dân chủ.” Nói cách khác, ông ta không đi đâu cả. Thật ra, Mubarak đã biện hộ cho sự đàn áp thẳng tay của ông ta, thề rằng ông ta sẽ “bảo vệ” Ai cập khỏi “sự vô chính phủ” của những người biểu tình.

Bài nói bị mọi người chế nhạo trên các đường phố, và các nhà phân tích cảnh báo rằng nó sẽ có thể làm mạnh thêm các cuộc biểu tình. Và vì sợ mọi người nghi ngờ rằng Nhà trắng công nhận lập trường của Mubarak như một tuyên bố thách thức với Washington, Tổng thống Obama vội tuyên bố sau đó một giờ rằng ông đã nói chuyện với đối tác Ai cập sau bài nói, và đã làm “rất rõ” rằng Mubarak có một nghiã vụ kiềm chế khỏi bạo lực chống lại những người biểu tình hòa bình, mở lại SMS và Imternet mà chế độ của ông ta đã ngăn chặn, và tiến hành “những bước cụ thể” tới cải cách. “Cuối cùng tương lai của A cập sẽ được quyết định bởi người Ai cập,” Obama nói. “Các chính phủ có nghĩa vụ trả lời công dân của họ.” Thư ký báo chí Gibbs treo giá lên hành vi xấu của Mubarak sau này, cảnh cáo rằng một gói viện trợ hàng năm 1,3 tỉ $ của Mỹ gửi cho các lực lượng an ninh Ai cập sẽ được xem xét lại trên cơ sở cách Ai cập đối xử với những người biểu tình.

Chính quyền đang trong thế kẹt, nhưng đó là kẹt về chiến lược hơn là về đạo đức: Ủng hộ những tên bạo chúa dù bị chính nhân dân của họ kinh tởm nhưng sẵn lòng tuân lệnh Washington trong những vấn đề quốc tế, là truyền thống kéo dài nhiều thập kỷ ở Trung Đông cũng như ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Các vấn đề với Mubarak không đơn giản là những phương pháp của ông ta xung đột với những giá trị mà Mỹ công khai thừa nhận, nó là ở chỗ cái chế độ độc tài sắp vỡ của ông ta có vẻ như đang đi vào giai đoạn tàn tạ cuối cùng, với khả năng Mỹ có thể ở vào phía trái của lịch sử. Khả năng kiểm soát toàn thể nhân dân của ông ta có lẽ đã bị choảng một đòn trí mạng bởi những cuộc biểu tình hôm thứ Sáu, trong đó mười ngàn người đã hết sợ hãi thách thức chính quyền. Trong một ngày, những người dân Ai cập bình thường đã chiếm các đường phố, các lực lượng an ninh không có khả năng kiềm chế họ - mặc dầu 26 người chết trong buổi cuối ngày nhấn mạnh tổn thất đau thương của cuộc đấu tranh ở một số nơi. Và khi đêm xuống ở Cairo, những ngọn lửa thiêu rụi các trụ sở của đảng Dân tộc Dân chủ của Mubarak như một biểu tượng hùng hồn của một niềm say mê bùng vỡ. Đối với một con người mà những quyền lợi chủ chốt của Mỹ, như đường buôn bán qua kênh Suez hay hòa bình giữa Israel với các nước láng giềng A rập, phụ thuộc vào chính quyền của ông ta, Mubarak bỗng nhiên trông không còn có vẻ một cửa đặt cược an toàn.

Cái logic của quyền lợi dài hạn ấy có thể ra lệnh cho Mỹ tránh xa khỏi Mubarak và cố gắng giành cảm tình của phe dân chủ đối lập - phần lớn họ vẫn còn nghi ngờ sâu sắc về những động cơ của Mỹ, sự ủng hộ vô điều kiện của nó cho con người bạo lực cho mãi đến gần đây hôm thứ Ba, khi Hillary Clinton còn bình luận rằng chế độ này là “ổn định” và “đang tìm cách” để xử lý những nỗi bất bình của những người biểu tình đã khiến các đám biểu tình la ó phản đối. Nhưng phong trào phản kháng giăng ra chống Mubarak là một phong trào rộng rãi bao gồm cả những nhân tố mà Washington nhìn với con mắt nghi ngờ, nhất là trong số họ có cả phong trào mạnh Muslim Brothehood.

Tuy nhiên, dù kết quả nào là tối ưu cho sự ổn định và các lợi ích của Mỹ, Mubarak cho thấy rõ ông ta vẫn đang cố thủ. Điều này có nghĩa là biểu tình chống đối sẽ còn dữ dội hơn trong những ngày tới, những tuần tới. Và cuộc đấu tranh để loại bỏ ông ta càng nhiều đau đớn, thì càng ít có khả năng những người bảo trợ lâu dài của ông ta được hưởng lợi về mặt chiến lược từ sự thay đổi này.


HT 290111










A-6. Cuộc khủng hoảng Ai cập trong một Bối cảnh Toàn cầu: Một báo cáo đặc biệt.

George Friedman
Stratfor 30/01/11

Những người biểu tình vẫy cờ Ai cập ở Trung tâm Cairo 30/01/11

Chưa rõ ràng điều gì sẽ xảy ra trong cuộc cách mạng Ai cập này. Không có gì đáng ngạc nhiên là nó đã xảy ra. Hosni Mubarak đã làm tổng thống trong hơn một phần tư thế kỷ, kể từ vụ ám sát Anwar Sadat. Ông ta già và đã ốm yếu. Không ai mong chờ ông ta sống lâu hơn, và cái kế hoạch rõ ràng của ông ta, là ông ta sẽ được thay thế bởi người con trai Gamal, vẫn không xảy ra mặc dầu nó đã có thể cách đây một năm. Không có ai, ngoài những kẻ thân cận nhất, muốn cho cái kế hoạch truyền ngôi của ông ta được thực hiện. Khi người cha yếu đi, thì sự kế tục của Gamar trở nên ít có khả năng xảy ra hơn. Việc Mubarak không vạch ra được một kế hoạch truyền ngôi đáng tin cậy tạo điều kiện bất ổn khi ông ta chết. Vì mọi người biết rằng sẽ có một sự bất ổn khi ông ta chết, hiển nhiên có những người thấy hành động trước khi ông ta chết thì ít thuận lợi. Những người này là ai và họ muốn gì, đó là vấn đề.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách xem xét chế độ này. Năm 1952, Đại tá Abdel Nasser dàn dựng một cuộc đảo chính quân sự ha bệ chế độ quân chủ ai cập, các sĩ quan dân sự trong quân đội và ảnh hưởng của Anh ở Ai cập. Nasser tạo ra một chính phủ mới dựa trên lực lượng quân đội như một lực lượng ổn định và tiến bộ chủ yếu ở Ai cập. Cuộc cách mạng của ông là thế tục và xã hội chủ nghĩa. Tóm lại, nó là một chế độ nhà nước chủ nghĩa thống trị bởi quân đội. Khi Nasser chết, Anwar Sadat thay thế ông. Khi Sadat bị ám sát thì Hosni Murabak thay thế. Cả hai người này đều từ quân đội mà ra, cũng như Nasser. Tuy chính sách ngoại giao của họ có thể thay đổi, nhưng chế độ thì vẫn giữ nguyên.
Những kẻ thù của Mubarak.
Yêu cầu Mubarak từ chức đến từ nhiều giới, trong đó có những thành viên của chế độ - đặc biệt là quân đội - những người coi việc Mubarak không muốn cho phép họ điều khiển cuộc kế thừa là gây nguy hiểm cho chế độ. Đối với một số người trong họ, những cuộc biểu tình vừa là nguy cơ vừa là cơ hội. Hiển nhiên, những cuộc biểu tình này có thể ra ngoài tầm kiểm soát và phá hủy chế độ. Mặt khác, các cuộc biểu tình có thể đủ sức mạnh để buộc Mubarak từ chức, cho phép thay thế bởi - chẳng hạn Omar Suleiman, trùm tình báo mà Mubarak gần đây đã bỏ nhiệm làm phó tổng thống - và do đó cứu chế độ. Đây không phải nói rằng họ xúi dục các cuộc biểu tình, nhưng chắc một số người đã thấy những cuộc biểu tình là một cơ hội.
Đây đặc biệt là trường hợp theo nghĩa là những người biểu tình bị chia rẽ sâu sắc giữa họ với nhau, và như vậy còn xa mới có khả năng tạo ra một phong trào quần chúng kiểu phong trào đã lật đổ Shah ở Iran năm 1979. Quan trọng hơn, những người biểu tình rõ ràng thống nhất với nhau trong việc chống cá nhân Mubarak, và trong một phạm vi rộng hơn thống nhất trong việc chống chế độ. Ngoài chuyện đó ra, có sự chia rẽ sâu sắc giữa những người chống đối.
Các phương tiện truyền thông Phương Tây đã đọc cuộc nổi dậy này như một đòi hỏi tự do dân chủ theo kiểu Phương Tây. Chắc chắn có nhiều người đòi hỏi điều đó. Điều chưa rõ ràng là nó đang khích động nông dân, công nhân và thương nhân Ai cập đồng loạt vùng lên. Những quyền lợi của họ liên hệ với tình trạng kinh tế Ai cập hơn là với những nguyên tắc của một nền dân chủ tự do rất nhiều. Như ở Iran năm 1989, cuộc cách mạng dân chủ, nếu chỉ tập trung ở những người dân chủ thì không thể thắng nếu nó không tạo ra được một sự ủng hộ rộng lớn hơn.
Một nhân tố khác trong cuộc nổi dậy này là Muslim Brotherhood. Phần lớn các nhà quan sát nhất trí rằng Muslim Brotherhood vào lúc này không còn là một phong trào cực đoan và quá yếu để ảnh hưởng đến cách mạng. Điều này có thể, nhưng chưa rõ ràng. Muslim Brotherhood có nhiều nhánh, trong đó có những nhánh đã im lặng dưới sự đàn áp của Mubarak. Chưa rõ ràng ai sẽ nổi lên nếu Mubarak đổ. Chắc chắn không rõ ràng là họ yếu hơn những người biểu tình dân chủ. Thật sai lầm nếu nhầm lẫn sự thận trọng của Muslim Brotherhood với sự yếu ớt. Cách khác để nhìn họ là họ đã chờ một cơ hội tốt và làm giảm nhẹ quan điểm thật của họ, đợi đến một thời điểm mà việc truyền ngôi của Mubarak cung cấp cho họ. Tôi nghi rằng Muslim Brotherhood có tiềm năng ảnh hưởng trong quần chúng Ai cập lớn hơn những người biểu tình ngả về Phương Tây hay Mohamed ElBaradei, cựu thủ trưởng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, người đang nổi lên như một lãnh đạo mới của họ.
Tất nhiên có thảo luận về quan điểm của Tổng thống Mỹ Barak Obama là gì, hay châu Âu nghĩ sao, hay người Iran đang làm gì? Tất cả hững người đó chắc chắn đã nghĩ và thậm chí đã có những kế hoạch. Theo ý tôi, cố gắng định hướng động lực chính trị của một nước như Ai cập từ Iran hay Hoa Kỳ là vô ích, và tin rằng những gì đang diễn ra ở Ai cập là kết quả những âm mưu của họ là vô nghĩa. Nhiều người quan tâm điều gì đang xảy ra ở đó, và nhiều người đang nói đủ chuyện và thậm chí tiêu tiền vào điều tra hay Twitter. Chế độ ở  Ai cập có thể bị ảnh hưởng theo cách ấy, nhưng một cuộc cách mạng thật sự không phụ thuộc vào những gì Liên hiệp châu Âu hay Tehran nói.
Có bốn kết quả khả dĩ. Một là, chế độ này sẽ sống sót. Mubarak có thể ổn định được tình hình, và dễ xảy ra hơn, một sĩ quan cao cấp khác của quân đội có thể thay thế ông ta sau một khoảng thời gian. Một khả năng khác trong kịch bản chế độ sống sót là, có thể một cuộc đảo chính của các đại tá, như chúng tôi đã nói hôm qua. Khả năng thứ hai là, những người biểu tình có thể buộc tổ chức những cuộc bầu cử trong đó Elbaradei hoặc một nhân vật như ông có thể được bầu, và Ai cập có thể lật đổ cái mô hình nhà nước chủ nghĩa mà Nasser dựng lên, và tiến lên con đường dân chủ. Khả năng thứ ba là Ai cập sẽ chìm vào hỗn loạn chính trị. Con đường dễ dẫn đến đó nhất là những cuộc bầu cử dẫn đến kẹt đường chính trị trong đó ứng cử viên có thể đứng vững được lại không được bầu. Nếu tôi có quyền chọn, tôi sẽ cá chế độ tự ổn định và Mubarak ra đi, vì sự yếu đuối tương đối và sự chia rẽ của những người biểu tình. Nhưng đó là một phỏng đoán chứ không phải dự báo.
Ý nghĩa địa chính trị
Dù điều gì xảy ra đều có ý nghĩa rất lớn đối với người Ai cập. Nhưng chỉ có một số trong những kết quả này có ý nghĩa đối với thế giới. Đối với những người Islamist cực đoan, viễn cảnh của một nước Ai cập cực đoan hóa là một cơ may. Đối với Iran, một kết quả như thế có thể không dễ chịu. Iran hiện giờ là một trung tâm đang nổi lên của phong trào Islamist cực đoan, nó sẽ không hoan nghênh kẻ cạnh tranh từ Ai cập, mặc dầu nó có thể hài lòng với một Ai cập Islamist hành động như một đồng minh của Iran (một điều không dễ gì đoan chắc).
Đối với Hoa Kỳ, một Ai cập Islamist sẽ là một thảm họa chiến lược. Ai cập là trọng tâm của thế giới A rập. Điều này có thể sẽ không chỉ thay đổi động lực của thế giới A rập, nó còn đảo ngược chiến lược của Mỹ từ cuối chiến tranh Israel Ai cập năm 1973. Quyết định của Sadat đảo ngược liên minh của ông ta với khối Xô viết và thành lập liên minh với Hoa Kỳ đã phá hoại vị trí của Liên xô ở Địa Trung Hải và trong thế giới A rập, và củng cố vị trí của Hoa kỳ một cách cực kỳ. Sự giúp đỡ của tình báo Ai cập sau ngày 9/11 là cực kỳ quan trọng trong việc ngăn chặn và làm suy yếu al Qaeda. Nếu Ai cập dừng hợp tác hay trở thành thù địch, chiến lược của Mỹ sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng.
Mất mát lớn hơn sẽ là Israel. An ninh quốc gia của Israel đã dựa trên hiệp ước của nó với Ai cập, ký bởi Menachem Begin chịu nhiều phê phán từ phái hữu Israel. Việc phi quân sự hóa bán đảo Sinai không chỉ bảo vệ mặt phía nam của Israel, nó còn có nghĩa là sự sống còn của Israel không còn bị nguy ngập nữa. Israel đánh ba cuộc chiến tranh (1948, 1967,1973) can hệ đến chính sự tồn tại của nó. Mối đe dọa luôn  luôn đến từ Ai cập, và không có Ai cập gây rối, thì không có liên minh các cường quốc nào đe dọa nổi Israel (trừ khả năng hiện nay còn xa là vũ khí hạt nhân của Iran).
Nếu Ai cập định xóa bỏ Hiệp ước Trại David và qua thời gian sẽ xây dựng lại quân đội của nó thành một lực lượng hùng mạnh, thì mối nguy cơ đối với Israel tồn tại từ trước khi ký hiệp định này sẽ lại nổi lên. Điều này có thể không diễn ra nhanh chóng, nhưng Israel sẽ phải đối phó với hai thực tế. Một là quân đội Israel không đủ lớn hay đủ mạnh để chiếm và kiểm soát Ai cập. Hai là sự phát triển của quân đội Ai cập sẽ áp đặt những phí tổn nặng nề lên Israel và thu hẹp không gian để thi thố của nó.
Như vậy có một kịch bản có tiềm năng làm cho những người Islamist cực đoan mạnh lên trong khi đặt Mỹ, Israel, và có khả năng cả Iran nữa vào vị thế bất lợi, tất cả vì những lý do khác nhau. Kích bản này chỉ nổi lên nếu có hai sự việc sau đây xảy ra. Một là Muslim Brotherhood phải trở thành lực lượng chính trị áp đảo ở Ai cập. Hai là, họ phải cho thấy hóa ra là họ cực đoan hơn phần lớn các nhà quan sát hiện nay nghĩ về họ, hay là, họ phải, khi có quyền lực, dần dần trở nên cực đoan hơn.
Nếu những người ủng hộ dân chủ thắng, và nếu họ bầu một người giống như ElBaradei, thì khó có khả năng kịch bản này diễn ra. Phái dân chủ thân Phương Tây chủ yếu lo lắng về những vấn đề trong nước, vì họ là thế tục và không muốn trở lại trạng thái chiến tranh trước Trại Davis, bởi vì điều đó sẽ đơn giản làm quân đội mạnh lên. Nếu họ mạnh lên, thì tình hình địa chính trị sẽ giữ nguyên không đổi.
Tương tự như vậy, tương quan địa chính trị sẽ giữ nguyên không đổi nếu chế độ của quân đội vẫn giữ được chính quyền. - chỉ trừ một kịch bản. Nếu nó quyết định rằng sự mất lòng dân của chế độ có thể được làm dịu bớt bằng cách giả định một chính sách chống Phương Tây và chống Israel nhiều hơn - nói cách khác, nếu chế độ quyết định chơi con bài Islamist,  thì tình hình sẽ tiến triển như một chính phủ Muslim Brotherhood sẽ làm. Thực vậy, khó tưởng tượng là có một liên minh với Muslim Brotherhood được thiết kế để ổn định chế độ. Đã từng xảy ra những sự việc còn lạ lùng hơn thế.
Khi chúng ta nhìn vào động lực chính trị của Ai cập, và cố gắng tưởng tượng liên hệ của nó với hệ thống quốc tế, chúng ta có thể thấy nhiều kịch bản trong đó một số kết quả chính trị sẽ có những tác động sâu xa lên tình hình thế giới. Điều này không có gì ngạc nhiên. Khi Ai cập là một nhà nước của Nasser thân Liên xô, thế giới là một nơi rất khác so với thời trước Nasser. Khi Sadat thay đổi chính sách ngoại giao của ông ta thế giới thay đổi theo. Nếu chính sách ngoại giao của Sadat thay đổi, thế giới lại thay đổi lần nữa.
Phần lớn những kết quả mà tôi hình dung để Ai cập gần nguyên như cũ. Nhưng không phải tất cả. Tình hình là, như người ta nói, chưa ngã ngũ, còn kết quả thì chẳng tầm thường.

HT 030211


A-7  Những người biểu tình đánh bại Mubarak:
 Phương Tây mất đi tay Bạo chúa được ưa chuộng của mình.
SPIEGEL, 11/02/2011
http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,745104,00.html
Mubarak was sworn in just over a week later, and began what would ultimately...
Ảnh: DPA  
http://www.spiegel.de/fotostrecke/fotostrecke-64586-2.html
Cuối cùng, số phận của ông ta đã được định đoạt vì những người biểu tình không chịu lùi bước. Nhân dân trên các đường phố Ai Cập kiên quyết đòi Mubarak phải ra đi. Nhưng Phương Tây đứng bên nhà lãnh đạo này gần như đến phút cuối cùng, bất chấp cái sự thật là tên bạo chúa này đã biến đất nước của y thành một nhà nước cảnh sát và cướp bóc nền kinh tế của nó.

Đúng vào 6 giờ chiều quyết định đó được công bố. Trong một tuyên bố cụt ngủn, Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman loan báo rằng Tổng thống Hosni Mubarak, vì “hoàn cảnh khó khăn” trong nước, sẽ từ chức. Suleiman nói quyền lực lúc đầu sẽ được chuyển giao cho quân đội Ai Cập.
Việc từ chức này là một thắng lợi của những người chống đối. Những cuộc biểu tình lớn lên trong nhiều tuần đã liên tục gia tăng áp lực lên Mubarak. Tổng thống đã ba lần ra nói trước nhân dân. Ba lần ông ta nói ông ta không từ chức.
Mubarak, 82 tuổi, cai trị đất nước ông ta đầy ba thập kỷ, nhưng cuối cùng, ngay cả ông ta cũng phải nhận ra rằng ông ta không thể nào đương đầu với những cuộc biểu tình quần chúng khổng lồ đã làm rung chuyển Ai Cập trong 18 ngày qua. Những người biểu tình giản đơn là không chịu bỏ cuộc. Và ngay cả những người từ lâu đứng bên Mubarak - như Tổng thống Mỹ Barak Obama; lãnh đạo các nước châu Âu - cũng từ bỏ ông ta. Họ nói đây là lúc để cho lãnh đạo Ai Cập mở đường cho một khởi đầu mới.
Hàng trăm nghìn người biểu tình chào mừng bản thông cáo tối thứ Sáu trên quảng trường Tahrir - tâm địa chấn của phong trào đòi dân chủ giữa trái tim của Cairo. Sau bài nói tối thứ Năm của Mubarak, trong đó ông ta nói ông ta sẽ ở lại cương vị cho đến tháng Chín, nhiều người đã gần như mất niềm tin rằng họ có thể đạt được yêu cầu chủ yếu của họ. Ngay tự đầu họ đã nói rằng Mubarak phải ra đi.
Trong 30 năm, các đối tác của Mubarak ở Phương Tây đã đứng bên khi ông ta cai trị Ai Cập bằng bàn tay sắt. Được gọi là “con bò cười” trước khi lên lên nắm quyền, cái biệt danh ông ta có được nhờ nụ cười toe toét ông thường phô ra khi đứng cạnh nguyên tổng thống Ai Cập Anwar al-Sadat -- Mubarak nhanh chóng trở thành lãnh tụ mạnh sau khi người tiền-chức (al-Sadat) của ông bị ám sát tháng Mười 1981. Ông trở thành đối tác đáng tin cậy của Phương Tây - và cai trị nước ông bằng bạo quyền.
Chân dung ông ta được treo trong mọi văn phòng trong nước, ông được tận lực ca ngợi trong các diễn văn. Giới trẻ Ai Cập, chiếm quá nửa dân số, chưa hề biết một lãnh tụ nào khác ngoài Mubarak. Thật ra, đối với họ, ông ta đã trở thành hiện thân của tất cả những gì tồi tệ của đất nước này: ít cơ hội về kinh tế, thiếu tự do và không có quyền cất lên tiếng nói phê phán.
Một chính sách bảo hiểm đối với Phương Tây
Nhưng Mubarak có giá trị đối với Phương Tây. Ông ta không bao giờ dao động trong việc duy trì thỏa thuận hòa bình với Israel và đóng một vai trò quá cỡ ở Trung Đông. Ảnh hưởng vươn xa của ông trong thế giới A rập cũng khiến ông trở thành tuyệt đối không thể thiếu được. Các Tổng thống Hoa Kỳ, các nguyên thủ nước Pháp, thủ tướng Anh, - tất cả đều giữ những mối quan hệ gần gũi với tổng thống Ai Cập này.
Ông cũng là vị khách được chào đón ở Đức, và đã gặp gỡ hầu hết các chính khách cao cấp nhất của Berlin. Quả thật, Đức thậm chí đã hiến cho Mubarak một nơi cư trú khả dĩ  trước khi ông ta tính chuyện nghỉ ngơi.
Khi Bộ trưởng Ngoại giao Đức Hans-Dietrich Genscher thăm Cairo năm 1982, Mubarak đã “Nhân danh đức Allah Nhân từ” ca ngợi nhà chính khách này một cách quá lố, là “người anh em thân thiết nhất của tôi.”  Sau cuộc gặp gỡ đó, khi Genscher ca tụng sự hào phóng của đối tác của ông ta, lãnh tụ Ai Cập đã làm đẹp lòng khách bằng câu trả lời rằng những sự việc như thế chỉ là bình thường giữa những người anh em với nhau.
Gia đình Mubarak rất được Đức trọng vọng. Năm 2004, trường Đại học Stuttgart đã tặng danh hiệu “công dân danh dự” của đại học này cho phu nhân tổng thống, Suzane Mubarak, vì sự nghiệp xã hội của bà và sự tận tụy đấu tranh cho các quyền của trẻ em và phụ nữ. Khi Tổng thống Ai cập được điều trị thoát vị đệm ở một bệnh viện Đức cùng năm ấy, ông đã được nhiều chính khách nổi bật đến thăm, trong đó có Thống đốc bang Bavarian Edmund Stoiber, Bộ trưởng Ngoại giao Joschka Fischer và Thủ tướng Gerhard Schröder. Schröder bào chữa cho việc viếng thăm ấy bằng cách nói rằng, là một trong những nhà chính khách dày kinh nghiệm trong khu vực, Mubarak là “một cố vấn đặc biệt quan trọng.”
Sự tán dương tài năng ngoại giao của Mubarak cho đến gần đây vẫn còn cao như thế. Tháng Ba 2010, ông ta được Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp ở Berlin, trước khi giải phẫu túi mật ở Heidelberg. Tuy nhiên chính phủ Đức vẫn tiếp tục đề cập vấn đề nhân quyền trong các cuộc đàm phán với Mubarak. Chẳng hạn, Bộ trường Ngoại giao Đức Guido Westerwelle nói rằng ông đã đưa vấn đề này ra trong cuộc viếng thăm Cairo mùa xuân năm 2010.
Nhưng nó chưa bao giờ vượt xa quá một cuộc đối thoại thận trọng, và Berlin chưa bao giờ đưa ra những đòi hỏi cải cách thật sự. Ngược lại, Mubarak còn được coi như một con đê chắn sóng trong cuộc đấu tranh chống Hồi giáo cực đoan. Chính quyền của Tổng thống George W. Bush  cũng coi chế độ cứng rắn không khoan nhượng của Ai Cập là có lợi trong cuộc đấu tranh chống những kẻ bị tình nghi là khủng bố. Thí dụ ngoạn mục nhất của sự hợp tác của họ là vụ giáo sĩ Abu Omar, bị CIA bắt cóc ở nơi công cộng tại Italia trước khi có tin ông bị tra tấn ở Ai Cập.  Mô tả của Abu Omar về việc ông bị giam giữ ở Ai Cập cung cấp cho ta cái nhìn sâu vào những điều khủng khiếp có thể thấy trong những ngục tối của Ai Cập
Mubarak đã biến thành một nhà độc tài như thế nào.
Ở Ai Cập, từ lâu Mubarak đã bị coi là một tên bạo chúa. Đât nước thường xuyên ở trong tình trạng khẩn cấp. Mubarak nắm chặt quyền lực bằng cách sử dụng các đạo luật chống khủng bố và các cuộc bầu cử rõ ràng là gian lận. Ông ta biến nước mình thành một nhà nước cảnh sát. Nghe nói có hơn một triệu chỉ điểm, nhân viên mật vụ và sĩ quan cảnh sát để giám sát số dân hơn 80 triệu. Phe đối lập được giữ nhỏ, và các phương tiện truyền thông phê phán chế độ gặp khốn khó. Những người bất đồng chính kiến bị đưa vào những nhà tù khét tiếng về tra tấn và nhiều người đơn giản biến mất không để lại dấu vết.
Những cuộc ám sát trong nhiều năm mà Mubarak đã may mắn thoát được chứng tỏ kẻ bạo ngược này đã bị căm ghét đến mức nào. Trường hợp gần cái chết nhất của ông ta là năm 1995 trong chuyến đi thăm Addis Ababa, thủ đô Ethiopi. Lúc đó Mubarak đang trên đường đến dự cuộc gặp cấp cao của Tổ chức Thống nhất Châu Phi, đoàn hộ tống của ông ta bị những người Islamist Ai cập tấn công. Chỉ có nhờ lớp vỏ thép của chiếc xe do Đức chế tạo mà lần ấy ông ta thoát chết.
Mubarak chống lại sức ép quốc tế đòi cho nhân dân ông ta nhiều quyền tự do hơn. Chịu sức ép của Washington, ông ta đành chấp nhận những ứng cử viên khác ngoài bản thân ông ta trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2005. Nhưng chế độ này rất ít cố gắng trong việc làm cho các cuộc bầu cử thành dân chủ. Do những mánh khóe rõ ràng, ứng cử viên đối lập Aiman Nur chỉ thu được 7 phần trăm phiếu. Vì ra ứng cử mà cá nhân Nur phải trả giá đắt. Ngay sau cuộc bầu cử, ông bị kết án năm năm tù bằng những lời buộc tội nghe có vẻ hợp lý.
Tuy nhiên, chính sự suy thoái của kinh tế Ai cập đã đổ thêm dầu vào đám lửa giận dữ. Trong những năm 1970, nước này vẫn còn đọ được với những nền kinh tế như của Nam Triều Tiên. Nhưng khi các nước châu Á bắt đầu vươn lên, thì Ai Cập không theo kịp.
Nước Ai Cập của Mubarak cũng đã thất bại về kinh tế.
Sự thất bại của nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa, giống như nhiều nước A rập khác đã áp dụng, tất nhiên là một lý do. Nhưng chế độ của Mubarak còn chứng tỏ là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng và cai trị bằng cướp bóc. Một bài phóng sự trên tờ báo Đức Die Tageszeitung đã nhắc đến một câu chuyện tiếu lâm mà nhân dân Ai Cập thích lưu truyền. Alaa, con trai Mubarak được mời đến đại lý hãng Mercedes ở Cairo. “Chỉ với 2€ ngài có thể nhận được chiếc xe mui kín thượng hạng, thưa điện hạ.” đại lý Mercedes nói. Con trai tổng thống liền rút ra tờ giấy bạc 10€. Khi người đại lý định ngăn lại, anh ta nói: “Tôi sẽ chỉ lấy năm chiếc thôi.”  
Những cải cách nhằm củng cố ngân sách của đất nước nói chung chỉ làm lợi cho các giai cấp trung và thượng lưu. Nỗi thống khổ của người nghèo chỉ tiếp tục tăng lên, và cùng với nó là nỗi căm giận. Thông tin duy nhất về mức độ giầu có của nhà độc tài thì chỉ có những tin đồn. Tuy vậy, chúng cũng đủ để đổ dầu vào ngọn lửa căm hờn. Tài sản của gia đình Mubarak nghe nói trị giá khoảng 40 tỉ đô la, khối tài sản này được tích lũy qua, chẳng hạn, tiền hoa hồng của các hợp đồng quốc phòng. Truyền thông A rập cho biết khoản tiền đó đã được đầu tư an toàn ra nước ngoài. Cho dù mất hết quyền lực, thì gia đình Mubarak cũng sẽ không phải thiếu thốn. Tuy nhiên các chuyên gia nghi ngờ những ước tính về gia sản của nhà độc tài này là sát thực tế.
Những mối quan hệ của Mubarak với các nước khác trong thế giới A rập đã rắc rối ngay từ ban đầu. Hiệp định hòa bình riêng rẽ ký với Israel năm 1979 của người tiền chức của ông ta, Anwar Sadat đã phá hủy nghiêm trọng vị trí của Ai Cập như một sức mạnh chính trị chủ yếu với các nước A rập. Tuy nhiên, Mubarak quyết định gắn với hiệp định gây tranh cãi này. Điều đó bảo đảm quan hệ của Ai Cập với Phương Tây cũng như viện trợ nước ngoài từ Mỹ với số tiền 1,5 tỷ đô la, trong đó có 1,3 tỷ đô la viện trợ quân sự. Sau đó Mubarak thành công trong việc khôi phục vị trí thành viên cho Ai Cập trong Liên hiệp các nước A rập, nhờ đó kết thúc sự cô lập của nước này trong khu vực các nước A rập.
Tuy nhiên nhiều người không bao giờ tha thứ cho Mubarak vì đã tuyên bố hòa bình giữa Israel và các nước A rập là “sứ mệnh” của ông ta. Trong khắp thế giới A rập, một số người vẫn còn miệt thị Mubarak như một kẻ “Zionist” (người theo chủ nghĩa phục quốc Do thái) hay “đầy tớ của Phương Tây” cho đến tận khi ông ta từ chức. Những người Hồi giáo sùng đạo cũng coi ông ta là kẻ thù của họ vì việc đàn áp Muslim Brotherhood ở Ai Cập.
Cũng còn phải chờ xem việc chuyển giao quyền lực có ý nghĩa gì. Liệu quân đội có giữ đúng kế hoạch hiện nay là tổ chức các cuộc bầu cử vào tháng Chín hay nó sẽ đưa đối lập vào quá trình chuyển đổi sớm hơn nhiều. Vai trò tương lai của Phó Tổng thống Suleiman, mới được chỉ định cách đây ít ngày vào vị trí này, vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, đó là những câu hỏi cho những ngày sắp tới.
Lúc này, người dân Ai Cập đang hân hoan chào mừng cuộc cách mạng của họ.





[1] Một tổ chức phi chính phủ quốc tế, có cơ sở ở Washington D.C., tiến hành nghiên cứu và biện hộ cho dân chủ, tự do chính trị và các quyền con người.







 
A-8 Chị em Hồi giáo
Nhận diện người phụ nữ trong nước Ai Cập mới
Dialika Krahe
SPIEGEL, 01/4/2011
http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,754250,00.html
Egypt's women -- such as these two in Cairo's Tahrir Square -- took to the...
Ảnh: REUTERS
Những người phụ nữ trong tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo đóng một vai trò trợ thủ trong cuộc cách mạng Ai Cập, và bây giờ họ muốn giúp một tay xây dựng tương lai dân chủ của nó. Mặc dù nhiều người mặc âu phục bên dưới mạng che mặt, dùng Facebook và Twitter, và nói những câu chuyện về giải phóng, họ dường như vẫn phải vật lộn với vấn đề làm một người phụ nữ Hồi giáo hiện đại có nghĩa như thế nào.
Jihan, người nhiều tuổi nhất, đang ngồi trong một ghế bành trong căn hộ thứ hai của bà ở Cairo. Một chiếc khăn trùm in hoa đóng khung đôi gò má đỏ của bà, một cốc nước táo trên tay. Bà nói rằng, Inshallah, thậm chí một phụ nữ cũng có thể lên làm tổng thống ở Ai Cập.
Arwa, người trẻ nhất, đang ngồi trước một máy tính bên ngoài phòng trẻ em màu hồng của cô, trong thành phố nhỏ Abu Kebir, lướt trang blog của cô. “Mubarrak bỏ chạy rồi” cô nói. “Khi em đủ lớn, em sẽ có một ghế trong nghị viện, Inshallah.”
Zahraa, ở vào lứa tuổi giữa hai người, đang đứng trong bóng rợp nhà tù Tora của Cairo. Chị kéo chiếc khăn hijab trăng thắt chặt quanh mặt chị, như thể tự vũ trang cho mình vì tương lai. “Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng đất nước,”chị nói.
Đây là ba người Chị em Hồi giáo, thuộc về các thế hệ khác nhau. Mặc dầu không có quan hệ họ hàng, họ là chị em về tinh thần, ba người trong hàng trăm nghìn phụ nữ như một phần của nhóm kháng chiến lớn nhất đất nước, chiến đấu cho bản thân họ và cho một nước Ai Cập mới.
Mục tiệu của họ là một xã hội Hồi giáo. Họ tự tin và thông điệp của họ là rõ ràng: Đây cũng là thời của chúng tôi. Mặc dầu chúng tôi có thể đeo mạng che mặt, chúng tôi cũng mạnh như những người đàn ông của Huynh đệ Hồi giáo.
Sự công bằng của Chúa.
Kể từ cách mạng, mỗi ngày trôi qua họ lại thêm một chút sức mạnh. Bây giờ một cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp đã cho mọi người Ai Cập - kể cả phụ nữ - thứ tự do mà những người như Jihan, Arwa và Zahraa từ lâu đã tin là không thể nào có được.
Mỗi ngày kể từ khi Tổng thống Ai cập Hosni Mubarak bị đuổi là một ngày đặc biệt. Nhưng đối với Zahraa El-Shater, khi chị đứng trước cổng nhà tù Tora, ngày đặc biệt này là một ngày phải ăn mừng.
Bụi cuốn lên không trung, và những đám mây treo lơ lửng trên bầu trời. Zahraa đang đợi cha cô được thả. “Bây giờ là lẽ công bằng của Thượng Đế,” cô nói. “Cha tôi sẽ được tự do, và những người làm điều ấy với chúng tôi sẽ bị đưa vào trong tù.”
Chữ “những người ấy” cô muốn nói đến Mubarak và tay sai của ông ta, nhưng đặc biệt là Habib el-Adly. Người này đến gần đây còn là Bộ trưởng nội vụ Ai Cập bây giờ bị kết tội tham nhũng và ngồi trong xà lim bên cạnh xà lim của cha cô.
Zahraa, 34 tuổi, một người vợ và là mẹ của 4 đứa con, là con gái của Khairat El-Shater, “nhân vật số ba” trong tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Chị là người phụ nữ to lớn với nước da trắng như sứ và đôi mắt đen. Chiếc áo dài quét đất của chị hầu như giấu đi hoàn toàn chị là một người phụ nữ trẻ. Chiếc điện thoại di động của chị rung không ngớt. Chị bỏ qua một nửa số cuộc gọi.  
“Chị phải tượng tượng điều này,” chị nói “Các con của tôi đã phải chứng kiến cảnh chồng tôi và cha tôi bị bắt và bọn an ninh quốc gia đập cửa lúc 2 giờ sáng và bỗng nhiên họ đứng đó trong căn hộ của tôi.”
Nửa kia của Huynh đệ
Đứng xếp hàng cạnh chị như một hàng lính che mặt là các chị em của chị. Họ trùm khăn hijab, loại khăn trùm đầu truyền thống của phụ nữ Hồi giáo, và niqab, loại mạng che mặt chỉ để những khe hở cho đôi mắt. Họ là những phụ nữ khác trong Huynh đệ Hồi giáo. Tất cả có những kinh nghiệm tương tự. Mắt họ dán vào cổng nhà tù.
Zahraa đã là thành viên của tổ chức Chị em Hồi giáo từ lâu lắm trong chừng mực chị còn nhớ được. “Nó không giống như bạn phải làm đơn xin một thẻ hội viên.” Chị nói. “chúng tôi có một hệ tư tưởng chung.”
Tổ chức Chị em Hồi giáo có từ năm 1932. Nó là cánh nữ của Huynh đệ Hồi giáo, tổ chức Hồi giáo trong bóng tối mà Mubarak đàn áp và phương Tây sợ. Nhóm này liên hệ với những từ gợi lên nỗi sợ ở Phương Tây, như "Shariah,"(luật Hồi giáo) "jihad" (thánh chiến) and "terror" (khủng bố.)
Trước cách mạng, Mỹ xếp Huynh đệ Hồi giáo vào loại cực đoan, chống phương Tây và chống Israel. Nhưng bây giờ khi chế độ cũ đã đổ, nó đã trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất trong nước và tự đóng vai một tổ chức dân chủ. Bất chấp nhiều thập kỷ bị đàn áp, Huynh đệ đã cố gắng thu hút được hàng trăm nghìn người ủng hộ, những người ngày nay chuẩn bị đóng một vai trò trong sự hình thành tương lai của Ai Cập. Khoảng một nửa trong số họ sẽ là phụ nữ: những người con gái và những người mẹ như Zahraa, Jihan và Arwa, những người lúc này đang hô hào đòi có một vai trò mới trong xã hội.
Tự do trong cái nhìn đầu tiên
Cổng mở. Người cha của Zahraa hiện ra, sau bốn năm rưỡi bị chế độ Mubarak cầm tù vì cáo buộc khủng bố, rửa tiền và là thành viên của một tổ chức khủng bố. Ông nheo mắt khi lần đầu tiên nhìn thấy tự do.
Zahraa muốn ôm ông. Vài giọt nước mắt chảy vào mạng che mặt của chị. Nhưng chị không thể đến gần ông. Các thành viên Huynh đệ đã nhanh chóng vây lấy ông và bây giờ đang hô vang  "Allahu akbar" (Thượng Đế vĩ đại!) và “Huynh đệ Hồi giáo là hy vọng của đất nước.” Chỉ mới cách đây ít tuần, họ có thể đã bị bắt.
Trong buổi chiều đó ở Cairo, họ dương cao những lá cờ Ai Cập, cũng những lá cờ những người biểu tình phất lên trên Quảng trường Tahrir. Zahraa nói chị cũng tham gia vào các cuộc biểu tình hàng ngày. “Không có ai ở Ai Cập bị Mubarak khủng bố nhiều hơn chúng tôi,” chị nói.
Zahraa kiễng chân lên để nhìn thấy cha chị rõ hơn, nhưng không có dấu hiệu nào của niềm vui trên mặt chị. Chị cố gắng khó khăn để mỉm cười, giống như một người đang bị sốc hơn, một người không thể tin vào những gì mình đang nhìn. “Khi tôi nghĩ về cha tôi, tôi nhìn thấy ông trong xà lim” chị nói, thêm rằng chị không có hình ảnh nào khác trong đầu. Trong khi chồng của Zahraa phải ngồi tù năm năm, thì cha chị ở đó 12 năm.

Phần 2: Những cái nhìn tự do
Cho đến lúc này, những anh em trong Huynh đệ Hồi giáo vận động dưới những cái bóng của xã hội, trong khi phụ nữ chuyển động dưới những cái bóng của Huynh đệ Hồi giáo. Zahraa thuộc vào thế hệ những phụ nữ không biết cuộc sống nào khác cuộc sống dưới chế độ cũ, những người chưa bao giờ biết cả Hồi giáo lẫn tự do có nghĩa là gì.
Bây giờ vào giữa lứa tuổi 30, Zahraa được 5 tuổi khi Mubarak lên nắm quyền. “Hoặc là chúng tôi, hoặc là chúng nó,” Mubarak lấy cớ để làm cho người dân Ai Cập sợ những người Hồi  giáo. Zahraa nói “cả đời tôi, tôi bận rộn để cố sức đưa những người đàn ông nhà tôi ra khỏi tù và giữ cho gia đình khỏi ly tán, đến nỗi tôi không đến được những cuộc họp hàng tuần của Huynh đệ. Bây giờ mọi việc sẽ phải khác.”
Khi được hỏi chị hình dung nước Ai Cập mới sẽ như thế nào, và nó nên tự do, bao dung và đa nguyên như thế nào, Zahraa nói xã hội dưới chế độ cũ là “nông cạn”. “Cuộc sống không có gì ngoài ăn uống, lấy chồng lấy vợ và lao đi làm việc” chị nói thêm. Như chị thấy, nhiều phụ nữ Ai Cập đeo mạng che mặt và đến cầu nguyện như thể đó là một phần của chương trình tập luyện hàng ngày, nhưng không thật sự sống với niềm tin của mình.
Zahraa nói rằng chị mơ ước một xã hội Hồi giáo văn minh, có những đường phố sạch, lương thiện, một đất nước không có tham nhũng, và trên hết, một nền giáo dục tốt hơn. “Trước đây có lúc việc học tập thật kinh khủng, trong đó người ta khảo bọn học sinh tốt nghiệp, phần lớn bọn chúng thậm chí không biết đọc cho đúng”
Vị trí của một phụ nữ
Khi được hỏi về phụ nữ Ai Cập, Zahraa lúc đầu nói: “Tôi không phân biệt giữa đàn ông và đàn bà. Họ bổ sung cho nhau. Tất cả chúng tôi đều ra quảng trường Tahrir, cả đàn ông đàn bà, đúng không?” Nhưng sau đó chị nói: “Đàn bà thậm chí không muốn làm cùng những việc mà đàn ông làm. Đó là bản chất của họ, chị nói thêm, là có con, tình cảm hơn, và thích hợp với các trách nhiệm xã hội hơn.”
Quả thật, Zahraa còn xa mới được giải phóng và chống lại đàn ông. Chị nói cha chị sức khỏe kém khi ở trong tù. Đặc biệt là về mùa hè, ông chịu cái nóng trong căn xà lim không có điều hòa nhiệt độ. “Tôi muốn chúng tôi cùng chịu đựng với cha,” chị nói, nên chị để cho gia đình cũng không có điều hòa nhiệt độ trong căn hộ của họ. Chịu khổ thay cho người khác rõ ràng cũng là bổn phận của một phụ nữ.
Do bị cấm hoạt động chính trị Huynh đệ trở nên đặc biệt tích cực trong xã hội. Nó điều hành các bệnh viện, các trường học, nhà trẻ và các nơi phát chẩn. Làm thế, nó được nhiều người ủng hộ.
Những thành viên của Huynh đệ Hồi giáo chỉ được hoạt động trong nghị viện với tư cách độc lập. Nhiều người bị theo dõi, giám sát và bị bắt. Vì phụ nữ trong Huynh đệ không bị coi là nguy hiểm, nên họ có thể hoạt động bên dưới tầm dò xét của chính phủ.
Điều này tạo cho Chị em một vai trò quan trọng hơn. Họ giữ cho tổ chức sống, chăm sóc gia đình các tù nhân, tổ chức các cuộc tuần hành phản đối và quyên tiền để thuê luật sư.
Họ không được phép làm lãnh tụ chính trị. “Điều đó không thể được,” Zahraa  nói, “bởi vì an ninh quốc gia. Ý nghĩ rằng phụ nữ có thể bị bắt là cấm kỵ đối với nhóm này.” Ngoài ra, chị nói, nhiều huynh đệ Hồi giáo cảm thấy rằng tốt hơn đối với phụ nữ là thực hiện những bổn phận “tự nhiên” của họ, như làm mẹ chẳng hạn.
Một cựu binh của những ngày xưa
Đám đông đẩy cha của Zahraa về phía phố, và ông chui vào một chiếc xe không quen. Zahraa lao theo chiếc xe. “Họ là ai? họ muốn gì?” chị gào lên. Chị trườn tay qua cửa sổ xe và cố nắm lấy tay ông. “Tôi nghĩ đó là xe của bọn an ninh nhà nước,” chị nói. Những nỗi sợ cũ dai dẳng khó qua.
Zahraa El-Shater, con gái của Khairat El-Shater, được biết rõ trong giới Chị em Hồi giáo. Jihan al-Halafawy, 59 tuổi, người già nhất trong ba chị em Hồi giáo này, cũng biết câu chuyện của chị. “Zahraa giống như một đứa con gái của tôi” bà nói. Jihan vào học trường đại học Alexandria cùng với cha của Zahraa. Vì chồng bà cũng ở tù nhiều năm, nên bà hiểu nỗi lo sợ của Zahraa.
Hôm trước, Jihan cùng với hàng ngàn người biểu tình khác đứng trên Quảng trường Tahrir kêu gọi chính phủ chuyển tiếp giải quyết những yêu cầu chưa được thực hiện của nhân dân. Bây giờ bà ngồi trong căn hộ của bà ở Cairo. Trên chiếc bàn nhỏ cạnh bà là một chiếc vỉ ruồi mầu vàng và một chiếc thảm cầu nguyện cuộn lại.
Jihan là giám đốc một trung tâm văn hóa, Bà đến từ thành phố cảng Alexandria bên bờ Địa Trung Hải, nơi bà vào đại học, gặp chồng bà và gia nhập Huynh đệ. Cuối cùng bà trở thành người Chị em Hồi giáo đầu tiên tranh cử một ghế trong nghị viện.
Jihan đã ở trong nhóm này khi Muabrak lên cầm quyền. Không giống Zahraa, bà biết là một chị em tích cực có ý nghĩa như thế nào và vẫn được tự do. Jihan cười nhiều. Khi bà nói, đôi gò má của bà bị đẩy lên và đôi mắt bà hẹp lại. Bà có những ký ức tốt đẹp về những ngày và gia nhập Huynh đệ. Ký ức của bà là cửa sổ nhìn vào quá khứ, nhưng chúng cũng giữ những đầu mối cho tương lai của Chị em Hồi giáo.
Bước ngoặt 1981
Nó xảy ra sau chiến tranh A rập - Israel năm 1973, bà nói. Sadat đã ban hành lệnh ân xá cho Huynh đệ Hồi giáo, và nhiều tù nhân chính trị đã được thả. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, nhóm này có thể nói trước công chúng. Một vài anh em diễn thuyết ở Đại học Alexandria, và Jihan, một sinh viên trẻ vừa mới bắt đầu đeo mạng, ngay lập tức cảm thấy bị hấp dẫn vào những tư tưởng của họ.
Sau khi trở thành một thành viên Jihan tổ chức các cuộc họp, các sự kiện văn hóa và các cuộc thảo luận. Bà chịu trách nhiệm về nhóm phụ nữ trong Huynh đệ Hồi giáo tại trường đại học này. Mục tiêu của nó là phổ biến những tư tưởng của Huynh đệ và cung cấp giáo dục Hồi giáo cho công chúng. “Chúng tôi trẻ,” bà nói, “và chúng tôi muốn thay đổi đất nước.” Vào thời gian đó không có hạn chế của chính phủ, Jihan nói, so sánh với thứ tự do mới mà các Chị em Hồi giáo hiện giờ đang được nếm trải lần đầu.
Khi Sadat hòa bình với Israel, Huynh đệ bác bỏ quyết định của ông, và một số thành viên trở nên quá khích. Năm 1981, Sadat bị ám sát bởi những người được cho là những cựu thành viên Huynh đệ Hồi giáo. Cùng năm đó, Mubarak lên nắm quyền và chồng Jihan bị bắt.
Từ đó, chồng bà đã bị bắt thêm 11 lần nữa. Mặc dầu bà có sáu đứa con phải trông coi, bà vẫn cố gắng tổ chức được các cuộc biểu tình phản đối và vận động truyền thông. Chẳng bao lâu bà trở thành một gương mặt nổi tiếng. Vào thời gian đó, xã hội Ai Cập và phương Tây coi Islamist như một tổ chức lạc hậu, đầu óc hẹp hòi với những cấu trúc không thân thiện với phụ nữ. “Chúng tôi muốn chứng tỏ với họ rằng điều ngược lại mới đúng,” Jihan nói.
Một người đáng là tiên phong
Năm 2000, những hoạt động của Jihan cuối cùng đã khiến bà trở thành người phụ nữ đầu tiên ra tranh cử một ghế trong nghị viện. Những người phê bình bảo bà là một phụ nữ chỉ ngồi đó làm vì.
Vào thời ấy, một trong những lo ngại lớn nhất của bà là việc phụ nữ tranh luận với nam giới ở nơi công cộng không phải là bình thường. Cũng như nhiều người nghĩ vẽ khuôn mặt một phụ nữ lên những áp phích lớn là không thích hợp.
Nhận rõ những vấn đề này, Jihan đến thăm các nhà học giả Hồi giáo và hỏi họ bà nên làm gì. Khi họ nói với bà rằng kinh Koran không cấm những việc như thế, bà lao mình vào công việc. Mặc dầu chồng bà đang bị giam cầm và đội ngũ vận động cho bà đã bị bắt, bà vẫn thắng vòng đầu của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, bà đã không được nhận ghế của mình sau khi các quan chức nói có những vi phạm qui tắc bầu cử.
Khi được hỏi ngày nay bà có ra tranh cử lại không, Jihan nói: “Tôi không muốn loại trừ ý nghĩ đó, nhưng tôi muốn thấy thế hệ trẻ tiến lên vị trí lãnh đạo hơn.”

Phần 3: Người Chị em Hồi giáo không điển hình của hôm nay
Khi Jihan nói điều đó, bà nghĩ đến những phụ nữ trẻ như Arwa.
Arwa El-Taweel, người trẻ nhất trong ba Chị em Hồi giáo, năm nay 21 tuổi. Cô mở cửa căn nhà của cô ở thành phố nhỏ Ai Cập Abu Kebir, cách Ciaro 85 km vê hướng đông bắc. Cô sống với cha mẹ và anh em trong một ngôi nhà được coi là “mới giầu” ở Ai Cập. Đồ gỗ trong phòng khách bắt chước phong cách Louis XVI, với những chân mạ vàng, và hoa ở khắp nơi. Cha cô là dược sĩ làm việc ở các nước vùng Vịnh.
Arwa bỏ mạng che mặt ra. Cô chỉ có thể làm thế khi ở nhà, cô giải thích, và bởi vì không có người đàn ông nào có thể kết hôn với cô đang ở trong phòng. Cô treo mạng lên tay nắm cửa, để lộ mớ tóc đuôi ngựa màu nâu, bông tai sáng lóe và chiếc váy dài bó sát. Khi bỏ mạng che mặt ra trông cô giống một thiếu nữ bình thường.
Thật ra, Arwa có thể gần như một thiếu nữ bình thường nếu như không có những sự việc cô nói, như: “Tất nhiên tôi muốn trở thành một chính trị gia” và “Tôi nghĩ những người phương Tây cũng là người.” Cô nói thêm, các nền văn hóa khác nhau thì không có gì sai trái cả.
Phòng ngủ mà Arwa ở chung với em gái được trang bị đồ gỗ màu trắng và hồng gắn vào tường. Những con thú nhồi bông nằm trên giường. Arwa nói năm 16 tuổi cô quyết định gia nhập Huynh đệ. Cô vừa khởi đầu một chương trình nghiên cứu truyền thông ở trường đại học, cô giải thích, và cô đã đạt tới một điểm trong cuộc sống của mình trong đó cô tự hỏi cô muốn trở thành loại phụ nữ nào, và muốn sống loại cuộc sống nào, và vai trò của cô trong xã hội nên là gì.
Sau đó Arwa bắt đầu đọc về nhiều vấn đề - về những người xã hội chủ nghĩa, về đảng Dân tộc Dân chủ của Mubarak, và về chủ nghĩa thế tục nói chung. “Nhưng tôi không hiểu tại sao tôn giáo và chính trị lại được coi là tách rời nhau.” Arwa nói đạo Hồi là toàn thiện. “Tôi làm việc gì, và tôi là ai là từ đạo Hồi mà ra,” cô nói.
Arwa bắt đầu đọc văn học của nhà sáng lập Huynh đệ Hassan al-Banna. “Tôi lập tức say mê tư tưởng của ông,” Arwa nói. Cô cũng đọc tác phẩm của những người Islamist khác. “Nhưng họ quá khắt khe, quá cực đoan,” cô nói. “Họ cấm tất cả những gì của phương Tây trong cuộc sống của họ, và với họ mọi thứ đều là xấu.” Arwa nói những tư tưởng như vừa nêu không phù hợp với thực tế, và thêm: “Để là một người Hồi giáo tốt bạn không cần phải sống như thể đang ở giữa thời Trung Cố.”
Cô lấy xuống từ giá sách một cuốn nát bươm nói về những nguyên tắc của Huynh đệ. Khi cô lật nhanh qua các trang, cô nói quyển sách này là vật duy nhất mà cô cố giữ được. Cô nói, “Bọn nhân viên an ninh nhà nước lục soát nhà chúng tôi mấy phút, và mang đi mọi thứ khác.”
Một cuộc sống đầy mâu thuẫn
Arwa mở chiếc tủ màu hồng của cô và lôi ra một ít váy ngủ - và một bộ áo cưới. “Tôi thích ăn mặc đẹp” cô nói trước khi nói thêm rằng Thứ Sáu này cô sẽ cưới.
Người đàn ông mà cô sẽ cưới là người vị hôn phu thứ hai của cô. “Người đầu tiên không thể chấp nhận tôi muốn có một sự nghiệp bên cạnh một gia đình,” cô nói “và rằng tôi muốn đi đây đi đó và tích cực hoạt động chính trị.” Ngay trước khi kết hôn, người vị hôn phu thứ nhất đòi hỏi cô để nhiều thời gian ở nhà hơn. Bởi vậy cô cắt đứt quan hệ.
Arwa nói chồng chưa cưới mới của cô thì khác. Hai người gặp nhau trong công tác. Cô nói ngay với anh rằng cô không có ý định từ bỏ bất cứ thứ gì. Cô nói cô bảo anh rằng cô có thể bay đến Qatar vào buổi sáng hôm sau ngày cưới của họ để tham dự một hội nghị. “Tôi nghĩ anh ấy không dám nói một điều gì về việc đó,” cô nói.
Arwa lên Facebook, Twitter và cô viết blog, cô có đến 100.000 người đọc. “Đây” cô nói, chỉ vào bức ảnh của cô trên màn hình máy tính. Đó là bức ảnh chụp nhanh trên giải Gaza với một người phụ nữ đeo mạng che mặt màu trắng. Cả hai đang cười. “Hamas,” Arwa nói và mỉm cười.
Rồi trông cô có vẻ hơi bị sốc, như thể cô vừa thoáng nghĩ có lẽ tình bạn với một người trong Hamas có thể thật sự là quá cực đoan chăng. Đó là một trong những khoảnh khắc khi những chiếc mạng che mặt của các Chị em Hồi giáo được nâng lên một chút, hé ra những gì có thể là những mâu thuẫn ẩn giấu giữa những lời lẽ bao dung và những quan điểm bất dung.
Khi được hỏi cô hình dung thế nào về tương lai của cô ở Ai Cập, Arwa nói cô muốn “tận dụng những tiềm năng (của cô),” thêm rằng điều này là đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ hiện nay. Cô muốn trở lại trường đại học và lấy thêm một bằng nữa bởi vì cô cảm thấy rằng cô bị lừa dối dưới hệ thống giáo dục cũ. Arwa nói cô cũng muốn trở thành một người mẹ tốt và một người Hồi giáo tốt. Và, tùy thuộc vào cương vị chính trị nào mà Huynh đệ muốn mời cô, cô nói cô muốn “tham gia vào đó,” rằng cô muốn giúp hình thành xã hội mới này. “Và có lẽ năm tôi 30 tuổi,” cô nói thêm, “Tôi sẽ có một ghế trong nghị viện.”
Tưởng tượng một nền Dân chủ Hồi giáo.
Vào Thứ Bảy, 19 tháng Ba, nhiều người Ai Cập  - trong đó có cả phụ nữ - đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý về hiến pháp mới. Cuộc trưng cầu dân ý là về việc bổ sung những điểm tu chính vào hiến pháp, như đặt nhiệm kỳ giới hạn cho tổng thống tương lai là 8 năm, đòi hỏi nghị viện thông qua đối với các đạo luật trong tình trạng khẩn cấp mà Muabrak đã lợi dụng một cách vô liêm sỉ, và cho phép những cá nhân độc lập về mặt chính trị tranh cử tổng thống.
Tuy nhiên mục tiêu khác của trưng cầu dân ý là mau chóng thực hiện các cuộc bầu cử mới. Vì các đảng khác không có đủ thời gian để tự tổ chức lại, điều này sẽ đặc biệt có lợi cho Huynh đệ Hồi giáo. Vì lý do này, nhiều nhà hoạt động trong cách mạng bao gồm cả nhà chính khách đối lập Mohamed ElBaradei, kêu gọi người Ai Cập loại bỏ tu chính hiến pháp.
Arwa nói rằng đa số bỏ phiếu ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, chứng tỏ rằng người Ai Cập thật sự sẵn sàng cho dân chủ. Jihan nói: “Đây là những gì tất cả chúng tôi đã và đang mơ ước,” bà nói thêm rằng kết quả bầu cử sẽ chứng tỏ rằng người Ai Cập muốn nhanh chóng tiến lên con đường dân chủ.
Tư tưởng của ba Chị em Hồi giáo về dân chủ là nó có thể là một giai đoạn trước mắt trên con đường đưa Ai Cập trở thành một xã hội Hồi giáo. Vấn đề là: Rốt cục một xã hội như thế có thể là dân chủ như thế nào?
Cuộc cách mạng đã cho Arwa, Jihan và Zahraa cả tiếng nói lẫn ý tưởng về dân chủ có thể có nghĩa gì. Nhưng nó không thay đổi những ưu tiên của họ trong cuộc sống. Quả thật, là một người mẹ tốt, một người vợ tốt và một người Hồi giáo tốt vẫn còn là những mục tiêu cao nhất trong cuộc sống. Họ có thể muốn được giải phóng - nhưng chỉ trong chừng mực mà đạo Hồi có thể dung thứ. Họ là những phụ nữ đấu tranh cho các quyền, nhưng họ không quan tâm đến việc đấu tranh cho bản thân họ chống lại đàn ông.
Cái dễ chịu của điều chắc chắn
Buổi chiều muộn ở Cai rô. Thành phố mờ ảo dưới lớp sương khói và ánh mặt trời mầu vàng. Zahraa El-Shater, con gái của người tù chính trị mới được tự do, đã để cho mình bị cuốn đi theo cuộc diễu hành rầm rộ của đoàn người hân hoan ủng hộ ông. Họ lao đi thật nhanh qua những đường phố Cairo, những người đàn ông thò cổ ra ngoài cửa xe để vẫy người đứng xem bên đường, bấm còi inh ỏi và reo hò như những cổ động viên bóng đá sau khi đội bóng của họ đá thắng một trận quan trọng.
Họ dừng xe ở Nasr City, một quận của Cairo nơi Zahraa sống trong một căn hộ ở một chung cư cao tầng. Họ đang được chờ đợi. Ai đó đã treo một dãy đèn nhiều mầu trên mỗi tầng và có hoa nhựa ở lối vào. Zahraa và em gái của chị, trùm khăn đen kín người, đứng ở trước cửa như thể để đề phòng những khách không mời mà đến.
Họ nói về niềm vui sướng của họ, và họ ca ngợi tự do và tín ngưỡng của họ. Họ nói rằng mọi chuyện mà một người mộ đạo có thể hy vọng được biết có thể tìm thấy trong kinh Koran. Từ dưới chiếc khăn đen, em gái của Zahraa rút ra một sự so sánh với chiếc máy giặt: “Nếu anh mua một chiếc và nó không chạy, anh có thể đọc trong sách hướng dẫn” cô nói, “bởi vì anh biết nhà chế tạo chiếc máy này biết máy làm việc như thế nào” Cũng sự việc như thế áp dụng cho Allah, đấng sáng tạo, cô nói. “Ngài là người tạo ra tất cả chúng ta.” Cô nói, kinh Koran là quyển sách hướng dẫn mà Allar đem cho loài người.
Trong lúc hai người phụ nữ nói, những người đàn ông tụ tập xung quanh cha của Zahraa trên đường phố bên dưới. Họ mới từ nhà thờ (Hồi giáo) trở về. Khi họ đánh trống là làm thành một vòng tròn xung quanh những chiếc xe đậu, những con người hân hoan này nói những câu nghe có vẻ phản dân chủ đối với nhiều người. “Kinh Koran là hiến pháp của chúng ta,” họ hát, “và thánh chiến là con đường của chúng ta.”
Christopher Sultan dịch từ tiếng Đức
 Bản tiếng Việt: Hiếu Tân 040411






A-9  Cuộc thử nghiệm Hồi giáo: Ai Cập có thể vận hành một nền dân chủ không?


Juliane von Mittelstaedt và Volkhard Windfuhr ở Cairo
Spiegel 31/1/2012
http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,812196,00.html
One year after the revolution, Egypt may have a parliament, but it still has a...

Ảnh: Scott Nelson / DER SPIEGEL
Một năm sau cách mạng, Ai Cập có thể có nghị viện, nhưng còn xa nó mới có thể tự coi mình là một nền dân chủ thực sự. Những người Salafist siêu bảo thủ có những nỗi e ngại về một chế độ đại nghị, trong khi các chính khách thế tục lo rằng Huynh đệ Hồi giáo và hội đồng quân nhân đang mặc cả sau hậu trường.
Trong ngày đầu tiên làm ông nghị của mình, Ziad el-Eleimy đứng trên Quảng trường Tahrir, nơi mọi sự bắt đầu. Anh mặc chiếc áo khoác bằng nhung kẻ rộng lùng thùng, với phù hiệu nghị viên trên ve áo, và mang một túi nhựa. Anh ngủ trên quảng trường gần ba tuần trong thời gian cách mạng.
   Bây giờ el-Eleimy đang nhìn xuyên qua quảng trường như muốn tìm kiếm cái gì, nhưng chẳng có gì để mà kiếm. Tiếng xe cộ gầm rú trên đường nhựa, không khí nồng nặc hơi khói xả, và đèn hiệu giao thông cả năm nay chưa được sửa chữa. Một phóng viên Nhật giơ chiếc micro lên mặt anh, và el-Eleimy nói một vài bình luận hú họa về tự do và công bằng xã hội và sự kiện là tâm hồn anh vẫn còn để ở quảng trường Tahrir.
   Ông nội anh bị tù dưới chế độ cố tổng thống Gamal Abdel Nasser, cha mẹ anh bị giam dưới thời người kế tục Nasser là Anwar Sadat, và bản thân anh có thời gian phải ngồi sau song sắt dưới thời tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak - tuy chỉ một tháng, nhưng cũng đủ để những kẻ coi ngục tặng anh một cẳng chân gãy và một cánh tay gãy. Hôm nay ba kẻ thống trị và ba thế hệ áp bức đã kết liễu, hôm nay el-Eleimy, 31 tuổi, một luật sư, nhà cách mạng và đại biểu nhân dân, có ghế trong nghị viện mới. Chỉ có vấn đề là bản thân anh không thể tin vào nó.
   Cuộc thí nghiệm kép
Một năm sau cách mạng, Ai Cập có một nghị viện mới, một nghị viện được bầu tư do hơn và công bằng hơn trước đây. Hơn hai phần ba nghị viện là Islamist, họ giữ nhiều ghế bằng đảng cầm quyền cũ, NDP đã từng giữ. Trong nghị viện có 8 nữ, 13 đảng viên cũ của NDP và chỉ có một nhúm những người cách mạng. Họ cùng nhau chịu trách nhiệm thảo ra một hiến pháp, và cuối tháng Sáu, khi tổng thống đã được bầu, hội đồng quân nhân được yêu cầu chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Ít ra kế hoạch là như thế.
   Nó là một cuộc thí nghiệm kép, và hậu quả của nó sẽ có một tác động lên toàn thế giới A Rập. Có thể nào một nước, lại là nước Hồi giáo, tìm đường đến dân chủ mà chỉ thông qua những cuộc bầu cử tự do thôi không? Hay là nó cần một cuộc cách mạng thứ hai để quét sạch những thiết chế thối nát, trong đó có cảnh sát, truyền hình quốc doanh, và các hãng thông tấn của chính phủ vẫn đang hoạt động theo các qui tắc cũ?
  Nếu các thành viên của nghị viện tập hợp lực lượng, và nếu, với sự ủng hộ của nhân dân, họ gây áp lực lên hội đồng quân nhân, thì các tướng lĩnh sẽ khó có thể chống lại. Nhưng nếu họ thích đẩy tới những chương trình nghị sự của riêng mình và đi đến một sự thỏa thuận với quân đội nhằm mục đích đó, thì nghị viện có thể sẽ vẫn nguyên như cũ, một nơi mà các đại biểu của nhân dân gặp nhau trong 146 năm mà thậm chí không thật sự đại diện cho nhân dân.
   Cách mạng bây giờ trong tay của các đại biểu. El-Eleimy, một mgười dân chủ xã hội, là một trong số họ, một người có ý thức về quyền lực của mình và đầy khao khát mang lại thay đổi. Nhưng cũng có những người như Khaled Hanafi, 50 tuổi, một thành viên của Huynh đệ Hồi giáo đã chờ đợi 20 năm nay một ghế trong nghị viện. Và rồi còn có cả anh chàng Salafist[1] Ahmed Khalil, 33 tuổi, người không được phép dạy trong chinh ngôi trường của mình chỉ vì bộ râu. 
   Họ không có điểm gì chung, trừ sự kiện là cả ba đều đi biểu tình trên Quảng trường Tahrir, tuy nhiên bây giờ họ phải cùng nhau xác định những vấn đề quan trọng: chúng ta muốn loại nhà nước nào? Và chúng ta hiểu dân chủ là như thế nào?

"Không tin rằng nghị viện có thể bảo vệ nổi mày"
El-Eleimy, một mgười dân chủ xã hội, đi bộ từ Quảng trường Tahrir đến tòa nhà Nghị viện. Anh lê bước qua cát, nơi những người biểu tình đã phá toang mặt đường, đi qua tòa nhà Mogamma, biểu tượng khổng lồ của nhà nước quan liêu, và Viện Ai Cập, vốn đã đổ nát từ hồi tháng Chạp. Nghị viện đằng sau nó, nhưng một bức tường bằng các khối bê tông và dây thép gai hiện giờ đang chắn ngang đường phố này. El-Eleimy phải vòng sang đường khác.
  Tòa nhà được coi là nơi trú ngụ của nền dân chủ tương lai của Ai Cập tọa lạc đằng sau một hàng rào với những cột trụ đầu bịt vàng. Đằng sau nó là những cuộn dây thép gai và lính gác. Mấy luống hoa đằng trước mới được trồng và những bức tường còn tươi màu sơn. Không còn bất cứ bằng chứng nào rằng mới cách đây có một tháng đã có những người chết ở đây, và binh lính ném những cặp hồ sơ vào đám đông, từ một ngôi nhà, mỉa mai thay, trên đó khắc dòng chữ "Dân chủ bảo đảm cho quyền lực tối cao của nhân dân."
Hôm đó El-Eleimy cũng có ở đây. Anh đã được bầu, nhưng điều đó không ngăn được bọn cảnh sát vũ trang đánh đập anh. "Không tin rằng nghị viện có thể bảo vệ mày khỏi chúng tao," một trong những tên lính cười khẩy nói. El-Eleimy nhớ rõ những lời này, bởi vì chúng tỏ cho anh thấy ai vẫn còn thật sự nắm quyền trong nước. Anh đi gặp một số tướng lĩnh ở hội đồng  quân nhân ba tuần sau khi Mubarak bị lật đổ. Họ muốn các nhà hoạt động ngừng chống đối. "Những người đó không thương lượng", el-Eleimy nói, "họ chắc chắn không tự nguyện rời bỏ quyền lực."
   Sau đó anh bước vào nghị viện và xuất trình cho lính gác tấm phù hiệu của anh, để lấy được nó ngày hôm trước anh đã phải chờ đợi mất năm giờ. Trong cái nghị viện  lạ lùng này không có văn phòng cho các đoàn đại biểu cũng không có bất cứ ngân sách nào cho bộ máy điều hành nó. Chỉ có một thư viện bụi bặm và nhiều tượng thạch cao và cẩm thạch, tranh sơn dầu treo nghiêng ngả và những chân nến trong hành lang với trần cao bằng ngọn cây. Đó là một trong nhiều thiết chế của Ai Cập cũ, tạo cho nhân dân cái cảm giác về sự bất lực của chính họ.
Khóa học cấp tốc về dân chủ
  Trong khi đó, những người Salafist đang tụ tập ăn mừng bên ngoài. Đảng Al-Nour của họ, cái tên có nghĩa là "Đảng Ánh sáng" chiếm 121 ghế, tức gần một phần tư hạ viện, Đại hội Nhân dân. Họ công kênh Ahmed Khalil, một trong những lãnh đạo của họ qua đám đông như một cầu thủ bóng đá vừa ghi bàn thắng. Khali ép cứng người anh ta trong một bộ com lê mầu be diện cho ngày này. Bộ râu của anh được chải chuốt tỉ mỉ và anh cầm trong tay một chiếc smart phone lấp lánh. Anh là một nghị viên Salafist kiểu mẫu, tuy vậy chỉ có bề ngoài anh là hiện đại mà thôi. Anh từ chối nói chuyện với phụ nữ, và quan điểm của anh là quan điểm của một tay bảo thủ cực đoan.
   Chỉ mới cách đây một tuần, anh đứng trong một gian phòng hội nghị của khách sạn cùng với các nghị viên khác trong khi một nhà khoa học chính trị giải thích cho họ nghị viện vận hành như thế nào. Đó là khóa học cấp tốc về chế độ đại nghị, bao gồm mọi thứ từ các ủy ban đến các thủ tục pháp lý. Phần lớn những người Salafist không biết gì về chính trị. Cho đến gần đây, họ còn coi bầu cử là chuyện báng bổ.
   Khalil không cần khóa học này. Anh có học vị tiến sĩ về quản trị kinh doanh và điều hành một trường học ở Alexandria. Anh là người khéo ăn nói, vì thế các nhà báo được phép nói chuyện với anh. Anh đã chuẩn bị kỹ lưỡng những câu trả lời cho câu hỏi về các vấn đề nhạy cảm như phụ nữ và bikini. Câu thứ nhất là những người Salafist không áp bức phụ nữ mà ngược lại bảo vệ họ. Họ đã chuẩn bị một số đạo luật chống mù chữ, nghèo khổ và bất công, Khalil nói. Tuy nhiên điều đó không làm cho anh trở thành một người nữ quyền, anh vẫn cho rằng khăn trùm đầu và sự phân biệt giới tính được tạo ra để có lợi cho phụ nữ. Anh nói anh cũng không có gì phản đối du lịch bãi biển, nhưng ngành du lịch không nên tập trung quá nhiều vào các bãi biển. Anh vạch ra rằng hành trình trên xe jeep và trượt trên đụn cát cũng là hình thức giải tiêu khiển thú vị lắm.
  Đứng trước nghị viện sáng hôm đó, anh nói: "Sharia[2] và dân chủ phải kết hợp với nhau, thì rồi tất cả sẽ tốt đẹp. Đó chính là điều đang diễn ra hiện nay." Tất nhiên, anh nói thêm, khi các luật dân chủ xâm phạm Sharia, luật Hồi giáo phải chiếm ưu thế. Những người Salafist vận động chủ yếu trên lời hứa hẹn chống tham nhũng, nhưng họ cũng biết rằng đó là một cuộc đấu tranh không thể thắng lợi nhanh chóng. Cái có thể nhanh chóng đạt được là một hiến pháp Hồi giáo.
Cực kỳ ngoan đạo
   Khi kỳ họp nghị viện bắt đầu, hàng ghế các Salafist trông giống như một nhóm múa dân gian, trong những chiếc khăn turban, mũ dạ, những bộ râu và những chiếc áo choàng, gọi là jellabiya. Tất nhiên, mỗi người trong bọn họ có một cái bướu cầu nguyện trên trán, do dập trán xuống sàn trong những buổi cầu kinh hàng ngày. Đó là dấu hiệu của sự sùng đạo cực độ.
   Mệnh lệnh công việc đầu tiên cho nghị viện tự do đầu tiên là toàn thể 508 thành viên phải đọc một lời thề với đất nước, nền cộng hòa và hiến pháp, mặc dầu Ai Cập không thật sự có một hiến pháp vào lúc này. Các đoàn đại biểu lần lượt theo nhau đọc lời thề của mình, một sự kiện được truyền hình trực tiếp kéo dài suốt 4 giờ cho phần còn lại của thế giới xem.
  Khi el-Eleimy đứng lên, anh nói thêm rằng anh có ý định thực hiện đầy đủ các yêu cầu của những người cách mạng. Một người Salafist từ chối thề trung thành với nền cộng hòa, nhưng với "học thuyết của đấng Allah" thay vào đó, trong khi những người khác nói thêm rằng họ sẽ chỉ ủng hộ lời thề chừng nào nó không đi ngược với ý chí của Thượng Đế. Chỉ là một lời thề, một nghi thức, tuy thế nó bộc lộ những khiếm khuyết đầu tiên.
  Rồi họ bầu chủ tịch nghị viện, và người thắng cử, đúng như chờ đợi, là Mohammed Saad el-Katatny, tổng thư ký Đảng Tự do và Công lý của Huynh đệ Hồi giáo. Đó là vị trí có ảnh hưởng nhất mà một thành viên của Huynh đệ Hồi giáo từng nắm giữ, và Katatny biết phải cám ơn ai. "Cám ơn rất nhiều, quân đội tuyệt vời và hội đồng quân nhân, đã cố gắng để có được những cuộc bầu cử này."
Nước cờ táo bạo
Ngày hôm sau, nhà cách mạng el-Eleimy đang ngồi đốt hết điếu thuốc này đến điếu khác, trên chiếc tràng kỷ baroque mạ vàng trong quán ăn tự phục vụ của nghị viện. Hội đồng quân sự vừa mới dỡ bỏ các đạo luật khẩn cấp  tồn tại qua ba thập kỷ, và nó đã thả 2.000 tù nhân.
El-Eleimy cảm thấy rằng đó là tiến bộ, nhưng như thế chưa đủ: "Huynh đệ Hồi giáo và hội đồng quân nhân đã có một cuộc thương lượng," anh nói. "Trong cuộc bầu cử tổng thống, Huynh đệ Hồi giáo sẽ ủng hộ ứng cử viên quân đội. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho họ cai trị mà không cần giữ một trách nhiệm chính thức nào. Đó là điều hay nhất có thể xảy đến với họ."
Anh vừa mới soạn thảo một kiến nghị để gọi bộ trưởng nội vụ, bộ trưởng tư pháp và bộ trưởng quốc phòng trước nghị viện để chất vấn. "Và người đứng đầu hội đồng quân nhân!" anh nói thêm. Đó là một nước đi táo bạo, nhưng anh hy vọng để động viên các đại biểu khác phá vỡ hiệp ước giữa quân đội và những người Islamist.
 Nhấn chìm các tiếng nói khác
Quảng trường Tahrir đầy chặt người hôm thứ Tư, 25 tháng Giêng, ngày lễ kỷ niệm cách mạng. Có nhiều người hơn cái ngày Mubarak bị lật đổ. Huynh đệ Hồi giáo đã dựng lên một sân khấu lớn nhất, trực tiếp từ sân khấu của phong trào tuổi trẻ cách mạng.
   Họ đã lắp hàng chục chiếc loa, và bây giờ chúng đang hát om sòm những bài ca yêu nước, lớn giọng đến nỗi chúng át hết mọi thứ khác.
Khaled Hanafi, 50 tuổi, là một bác sĩ nhãn khoa với bộ râu nhếch nhác và mặc chiếc áo len. Trông ông không có vẻ gì như nguyên mẫu của một người Islamist nham hiểm. Trong cách mạng, Hanafi chăm sóc những người bị thương trong một bệnh viện dã chiến ở Quảng trường Tahrir, và ông vừa mới được bầu vào nghị viện với 150.000 phiếu.  Trước đây có lần, năm 1995, ông đã cố vận động vào nghị viện, và sau đó ông bị một năm tù. Lúc đầu ông bị tra tấn nhưng, ông nói, thời gian sau đó là thời kỳ tươi đẹp nhất trong đời ông. "Tôi chưa bao giờ học nhiều đến thế. Tất cả (tù nhân) chúng tôi là những giáo sư và kỹ sư."
Hanafi trưng bày những bức ảnh của ông chụp từ bệnh viện dã chiến ra phía trước sân khấu. Chúng thể hiện ông đang băng bó cho người bị thương và ngủ trên sàn nhà. Tất cả là về uy tín cách mạng, và Hanafi có nhiều. Nhiều người tin ông khi ông đứng trên sân khấu và nói rằng cách mạng đã kết thúc và hội đồng quân nhân chắc chắn sẽ rút khỏi chính trường vào ngày 30 tháng Sáu.
Liệu sẽ có một hiệp ước giữa hội đồng quân nhân và Huynh đệ Hồi giáo, như nhiều người khẳng định  không? Một thoáng nhăn lướt qua nét mặt ông. Giật mạnh chiếc khăn quàng cổ, ông nói: Không, tuyệt đối không! Ông gọi nó là tin đồn nhảm và nó xuất phát từ những kẻ chỉ muốn gây hỗn loạn.
  "Chúng tôi không muốn một nhà nước Hồi giáo"
Những người Huynh đệ Hồi giáo không thích những người biểu tình, vì những người này ngày càng trực tiếp chống lại họ. Đối với họ, cách mạng là trong quá khứ, trong khi những người biểu tình tin rằng nó còn ở tương lai.  Vào ngày thứ Tư 25 tháng Giêng, hàng trăm ngàn người diễu hành đến Quảng trường Tahrir từ mọi hướng, đúng như họ đã làm cách đây một năm. Hàng chục ngàn người phản đối hôm thứ Sáu, cái ngày mà họ gọi là "Ngày nổi giận." Và bây giờ những người biểu tình không chỉ hô "Đả đảo hội đồng quân nhân" mà còn hô: "Chúng tôi không muốn một nhà nước Hồi giáo."
Có nhiều người cắm trại trên Quảng trường Tahrir vào tối thứ Tư. Nhiều người biểu tình đã ở lại, trong đó có el-Eleiny. Anh muốn ngủ trên quảng trường và từ đó đến nghị viện mỗi buổi sáng. Dù sao, nó cũng không xa.
Christopher Sultan dịch sang tiếng Anh
Bản tiếng Việt: Hiếu Tân


[1] Người theo phong trào Hồi giáo Sunny
[2] Bộ luật đạo đức và tôn giáo của đạo Hồi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét