Aeon.
Hiếu Tân dịch
Họ
là một đôi cọc cạch. Albert Camus là người Pháp ở Algeria (pied-noir) sinh ra trong một gia đình
nghèo, có nét đẹp dễ dàng mê hoặc. Jean-Paul Sartre, xuất thân từ
tầng lớp trên trong xã hội Pháp, khó có thể nói là đẹp trai. Họ
gặp nhau ở Paris trong thời kì chiếm đóng, và trở nên thân thiết sau
Thế Chiến Hai. Vào thời gian thành phố này dần dần hồi phục trở
lại, Camus là bạn thân nhất của Sartre. Sau này Sartre viết “Sao hồi
ấy chúng tôi yêu anh đến thế.”
Họ
là những thần tượng rực rỡ của thời đại. Báo chí theo dõi từng cử
động hàng ngày của họ: ‘Sartre ẩn dật ở Les Delux Magots..’, ‘Camus
lang thang ở Paris...’ Khi thành phố bắt đầu tái thiết, Sartre và Camus
lên tiếng về tinh thần của thời đại, Châu Âu đã bị tàn phá, nhưng
đống đổ nát do chiến tranh để lại đã tạo không gian cho tưởng tượng
về một thế giới mới. Độc giả nhìn vào Sartre và Camus để hình dung
ra bộ mặt của cái thế giới mới đó. Nhà triết học Simon de Beauvoir sau
này nhớ lại “chúng tôi đã mang đến cho thời hậu chiến hệ tư tưởng
của nó.”
Hệ
tư tưởng ấy hiện ra dưới dạng chủ nghĩa hiện sinh. Sartre, Camus và
các bạn bè trí thức của mình bác bỏ tôn giáo, dựng những vở kịch
mới và bi quan, kêu gọi bạn đọc sống đích thực, và viết về cái phi
lí của thế giới – một thế giới vô mục đích và vô giá trị. Chỉ có “những
hòn đá, xác thịt, những ngôi sao và những sự thật có thể sờ mó
được,” Camus viết. Chúng ta phải chọn sống trong thế giới này và
phóng chiếu ý nghĩa và giá trị của chính chúng ta lên nó để làm
cho nó có ý nghĩa. Điều đó có nghĩa là con người là tự do và chịu gánh nặng của nó,
vì tự do có kèm theo một trách nhiệm ghê gớm, thậm chí khiến ta suy kiệt,
để sống và hành động một cách đích thực.
Tư
tưởng về tự do gắn bó Camus và Sartre về mặt triết học, rồi cuộc
chiến đấu vì công bằng đoàn kết họ lại về mặt chính trị. Họ lao
vào đối mặt với bất công và chữa trị nó, và trong mắt họ, không có
nhóm người nào bị đối xử bất công hơn những người công nhân, giai cấp
vô sản. Camus và Sartre nghĩ về họ như những người bị xiềng vào lao
động của mình, và bị cắt xén mất tính người. Để giải phóng họ,
cần xây dựng những hệ thống chính trị mới.
Tháng
Mười năm 1951, Camus xuất bản cuốn Kẻ
nổi loạn. Trong đó, ông nêu ra một phác thảo “triết lí nổi loạn”.
Về thực chất đây không phải là một hệ thống triết học, mà là hỗn
hợp của nhiều tư tưởng triết học và chính trị: mọi con người là tự
do, nhưng bản thân tự do là tương đối, người ta phải chấp nhận các
giới hạn, sự tiết chế, “những mạo hiểm có tính toán,” những cái
tuyệt đối là chống lại con người (phi nhân bản). Trên hết, Camus lên
án bạo lực cách mạng. Bạo lực phải được sử dụng trong những hoàn
cảnh cực chẳng đã, (dù sao ông cũng đã ủng hộ những cố gắng chiến
tranh [chống phát xít] của Pháp) nhưng sử dụng bạo lực cách mạng để
thúc lịch sử đi theo hướng mà anh mong muốn là không tưởng, chuyên chế
và phản bội chính anh.
“Tự do tuyệt đối là quyền của những kẻ
mạnh nhất thống trị,” Camus viết, “trong khi công bằng tuyệt đối đạt
được bằng cách đàn áp tất cả các mâu thuẫn, do đó nó phá hủy tự
do.” Xung đột giữa công bằng và tự do đòi hỏi thường xuyên tái cân
bằng, điều hoà về chính trị, một sự chấp nhận và hoan nghênh cái
hạn chế nhiều nhất: tính nhân đạo của chúng ta. “Sống và để người
khác sống” ông nói “để tạo ra con người của chính chúng ta.”
Sartre
đọc Kẻ nổi loạn một cách phẫn
nộ. Theo ông, có thể đạt được cả tự do và công bằng hoàn hảo – và
đó là thành công của chủ nghĩa cộng sản. Dưới chủ nghĩa tư bản, và
trong bần cùng, những người công nhân không thể tự do. Những lựa chọn
của họ không dễ chịu và không nhân đạo: làm công việc đáng ghét,
hoặc chết. Nhưng bằng cách loại bỏ nhứng kẻ áp bức và trao quyền
tự trị rộng rãi cho công nhân, chủ nghĩa cộng sản cho phép mỗi cá
nhân sống không thiếu thốn về vật chất, do đó họ có thề lựa chọn
thể hiện bản thân cách tốt nhất. Điều đó làm cho họ tự do, và thông
qua sự bình đẳng vững chắc này, đó cũng là công bằng.
Vấn
đề là, đối với Sartre và nhiều người phái Tả khác, cần phải có
bạo lực cách mạng để đạt tới chủ nghĩa cộng sản, bởi vì phải đập
tan trật tự hiện tồn. Tất nhiên không phải tất cả những người phái
tả đều tán thành bạo lực như thế. Sự chia rẽ giữa những người cứng
rắn và những người ôn hoà phái tả, rộng hơn, giữa những người cộng
sản và những người xã hội, không phải là mới. Tuy nhiên trong những
năm 1930 và đầu những năm 1940, người ta đã thấy phái Tả tạm thời
đoàn kết chống phát xít. Khi phát xít tan rã, sự đoạn tuyệt giữa
những người phái tả cứng rắn dung thứ cho bạo lực và những người ôn
hòa lên án nó quay trở lại. Sự chia rẽ này trở nên gay gắt hơn nhiều
do sự biến mất trên thực tế của phái Hữu và uy thế của Liên Xô – nó
tiếp sức cho những người cứng rắn trên khắp châu Âu, nhưng dấy lên
những bất an cho những người cộng sản khi sự khủng khiếp của những
trại tập trung, khủng bố và những phiên tòa trình diễn bị đưa ra ánh
sáng. Câu hỏi cho mọi người phái tả thời kì sau chiến tranh thật đơn
giản: anh đứng về bên nào?
Với
việc xuất bản Kẻ nổi loạn,
Camus tuyên bố một chủ nghĩa xã hội hòa bình không dùng đến bạo lực
cách mạng. Ông kinh hoảng về những câu chuyện từ Liên Xô, nó không
phải là một đất nước của những người cộng sản tay-trong-tay, sống
tự do, mà là một nước không hề có tự do. Trong khi đó thì Sartre
chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản, và ông sẵn sàng tán thành bạo
lực để làm thế.
Sự
chia rẽ giữa hai người bạn là một cú giặt gân của truyền thông. Les Temps Modernes–
tở báo do Sartre biên tập, đăng một bài phê phán cuốn Kẻ nổi loạn, có lượng bán ra tăng
ba lần. Cả hai tờ Le
Monde và L’Observateur tường thuật nghẹt thở cuộc đổ vỡ này.
Khó mà tưởng tượng ngày nay một mối hận thù trí thức lại thu
hút sự chú ý của công chúng đến mức ấy, nhưng trong sự bất hòa này
nhiều độc giả thấy cuộc khủng hoảng chính trị của thời đại phản
ánh trong đó. Đó là cách nhìn chính trị diễn ra trong thế giới tư
tưởng, và một thước đo giá trị của các tư tưởng. Nếu anh tận lực tận tâm
với một tư tưởng, anh buộc phải giết người vì nó sao? Đâu là cái
giá của công bằng? Đâu là cái giá của tự do?
Lập trường của Sartre
bị nhiều người phản đối, nhưng ông chiến đấu để bảo vệ nó đến hết
đời mình. Sartre là nhà hiện sinh, ông nói con người bị kết án phải
tự do, cũng chính là Sartre - nhà Marxist, nghĩ rằng lịch sử không để
nhiều khoảng trống cho tự do đích thực theo nghĩa hiện sinh. Mặc dù
ông không bao giờ thật sự gia nhập đảng Cộng sản Pháp, ông vẫn tiếp
tục bảo vệ chủ nghĩa cộng sản trên khắp châu Âu cho đến năm 1956, khi xe tăng Liên Xô vào Hungary cuối cùng
đã thuyết phục ông rằng Liên Xô không theo đường tiến bộ. (Thật ra, ông
thất vọng về việc Liên Xô tiến vào Hungary bởi vì họ đang hành động
giống như Mỹ, ông nói). Suốt đời Sartre vẫn giữ được tiếng nói mạnh
mẽ bên phái Tả, ông chọn Tổng thống Pháp Charles De Gaulle làm bung
xung ưa thích của mình. (Sau một đòn tấn công cực kì hiểm ác, người
ta yêu cầu De Gaulle bắt Sartre. “Chẳng ai lại bỏ tù Voltaire,” ông trả
lời). Tuy nhiên, Sartre vẫn rất khó lường, cho đến khi chết, 1980, ông
vẫn giữ mối quan hệ lằng nhằng quái đản kéo dài với chủ nghĩa Mao
tàn khốc. Mặc dù Sartre tách rời hoàn toàn khỏi Liên Xô, ông vẫn
không hoàn toàn từ bỏ ý nghĩ cho rằng có thể biện minh cho bạo lực
cách mạng.
Bạo lực cách mạng
của chủ nghĩa cộng sản đã đẩy Camus sang một quỹ đạo khác. Ông viết
trong
Kẻ nổi loạn: “Cuối cùng tôi chọn tự do. Vì cho dù công bằng không được thực hiện, thì tự do vẫn duy trì quyền đối kháng chống lại bất công và giữ cho truyền thông cởi mở.” Từ phía bên kia cuộc chiến tranh lạnh, khó mà không đồng tình với Camus, và ngạc nhiên về nhiệt tình để Sartre vẫn giữ nguyên là người cộng sản trung thành. Việc Camus tỉnh táo theo sát thực tế chính trị, khiêm nhường về mặt đạo đức, nắm vững những hạn chế và những sai lầm có thể có của chủ nghĩa nhân đạo, ngày nay vẫn là một thông điệp được nhiều người chú ý. Ngay cả những tư tưởng đáng kính trọng và có giá trị nhất thì vẫn cần được cân bằng với nhau. Chế độ chuyên chế và chủ nghĩa không tưởng là con đường nguy hiểm để tiến lên – và là lý do để châu Âu bị tàn phá, khi Camus và Sartre phấn đấu để hình dung ra một thế giới công bằng hơn và tự do hơn.
Kẻ nổi loạn: “Cuối cùng tôi chọn tự do. Vì cho dù công bằng không được thực hiện, thì tự do vẫn duy trì quyền đối kháng chống lại bất công và giữ cho truyền thông cởi mở.” Từ phía bên kia cuộc chiến tranh lạnh, khó mà không đồng tình với Camus, và ngạc nhiên về nhiệt tình để Sartre vẫn giữ nguyên là người cộng sản trung thành. Việc Camus tỉnh táo theo sát thực tế chính trị, khiêm nhường về mặt đạo đức, nắm vững những hạn chế và những sai lầm có thể có của chủ nghĩa nhân đạo, ngày nay vẫn là một thông điệp được nhiều người chú ý. Ngay cả những tư tưởng đáng kính trọng và có giá trị nhất thì vẫn cần được cân bằng với nhau. Chế độ chuyên chế và chủ nghĩa không tưởng là con đường nguy hiểm để tiến lên – và là lý do để châu Âu bị tàn phá, khi Camus và Sartre phấn đấu để hình dung ra một thế giới công bằng hơn và tự do hơn.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét