Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

KHI QUÁ MUỘN ĐỂ CHẶN TAY PHAT XIT - THEO STEFAN ZWEIG

 Newyorker.  6 tháng Hai, 2017


Stefan Zweig ở Ossining, New York, năm 1941, bảy năm sau khi trốn thoát khỏi bọn Nazi đang lên ở châu Âu.
ẢNH: ULLSTEIN BILD / GETTY


Hiếu Tân dịch
Nhà văn lưu vong Stefan Zweig soạn bản thảo đầu tiên cuốn hồi kí của ông, “Thế giới của Ngày Hôm qua,”  trong cơn mê sảng như lên cơn sốt, mùa thu 1941, như những dòng titre chỉ rõ rằng nền văn minh đang bị bóng tối nuốt chửng. Nước Pháp yêu quí của Zweig đã rơi vào tay Nazi năm ngoái, Blitz[1] đã lên đến cực điểm hồi tháng Năm, với gần một nghìn năm trăm người dân London chết chỉ trong một đêm. Chiến dịch Barbarossa, cuộc xâm lược Liên Xô của phe Trục, trong đó gần một triệu người chết, phát động vào tháng Sảu. Những đội sát thủ cơ động Einsatzgruppen của Hitler, lồng lộn ngay sau Quân đội, tàn sát người Do thái và các sắc dân bị phỉ báng khác – thường được sự giúp sức của cảnh sát địa phương và dân thường.
Zweig đã thoát khỏi Áo trước khi thất thủ, 1934. Trong hồ sơ của nước này, cuộc nội chiến đẫm máu hồi tháng Hai, khi Thủ tướng Thày tu – Phát xit của nước này, Engelbert Dollfuss, đã tiêu hủy lực lượng Xã hội chủ nghĩa đối lập; ngôi nhà của Zweig  ở Salzburg đã bị lục soát để tìm những vũ khí bí mật cung cấp cho dân quân cánh tả. Thời gian đó Zweig được coi là nhà nhân đạo hòa bình chủ nghĩa xuất sắc nhất châu Âu, và sự thô bạo trắng trợn quá quắt của các hành động cảnh sát khiến ông căm ghét đến mức ông đã thu xếp đồ đạc ngay đêm ấy. Từ Áo, Zweig và người vợ thứ hai của ông, Lotte, đi sang Anh, rồi sang Tân Thế giới, thành phố New York trở thành nơi ở của ông, tuy ông ghét cái cảnh đông đúc và cạnh tranh chen chúc. Tháng Sáu năm 1941, muốn thoát khỏi những người tha hương ở Manhattan cầu xin ông giúp đỡ tiền bạc, công việc và quan hệ, hai vợ chồng thuê một căn nhà gỗ một tầng xoàng xĩnh ở Ossining, New York, cách Khu Trừng giới Sing Sing khoảng một dặm đường lên dốc. Ở đây, Zweig bắt đầu miệt mài làm việc cho cuốn hồi ký, giống “bảy con qủỷ mà không có lấy một cuộc dạo chơi” như ông mô tả. Khoảng bốn trăm trang tuôn ra từ ông trong vòng một tuần. Năng suất làm việc ấy phản ánh cái cảm giác khẩn cấp của ông: cuốn sách được soạn ra như một kiểu thông điệp cho tương lai. Có một qui luật lịch sử là, ông viết, “những người đương thời từ chối một nhận thức về  những khởi đầu sớm của các phong trào lớn nó quyết định thời đại của họ.” Vì lợi ích của những thế hệ kế tiếp, những thế hệ sẽ được giao nhiệm vụ xây dựng lại xã hội từ đống tro tàn đô nát, ông quyết định lần tìm lại chế độ khủng bố của Nazi đã có thể thành công như thế nào, và làm sao bản thân ông cũng như nhiều người khác đã có thể mù quáng trước những bước khởi đầu của nó.
Zweig nhận rằng ông không thể nhớ lần đầu tiên nghe tên Hitler là khi nào. Đó là một thời đại lộn xộn, đầy những kẻ kích động xấu xa. Trong những năm đầu khi Hitler nổi lên, Zweig đang ở đỉnh cao sự nghiệp của ông, một chiến sĩ nổi tiếng của sự nghiệp nhằm đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các dân tộc châu Âu. Ông kêu gọi thành lập một trường đại học quốc tế có chi nhánh tại tất cả các thủ đô lớn của châu Âu, với một chương trình trao đổi luân phiên nhằm đưa lớp trẻ tiếp cận với các cộng đồng, các nhóm thiều số, và các tôn giáo khác. Ông nhận thức quá rõ rằng những cơn bốc đồng dân tộc chủ nghĩa thể hiện trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, đã bị pha trộn bởi những tư tưởng kỳ thị chủng tộc trong những năm giữa hai cuộc đại chiến. Khó khăn kinh tế và cảm giác nhục nhã mà toàn thể công dân Đức trải nghiệm như hậu quả của Hiệp ước Versailles đã tạo ra một nỗi oán hận tràn ngập có thể tiếp lửa cho vô số dự án quá khích, khát máu.
Zweig đã nhận xét về kỉ luật và những nguồn tài chính biểu hiện trong những đại hội của những người Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (tiếng Đức: Nationalsozialismus, viết tắt là Nazism) – những bộ đồng phục mới cứng đồng bộ một cách kì quái, những đoàn xe ô tô, mô tô xe tải phi thường mà họ diễu hành. Zweig thường vượt biên giới Đức đến thị trấn nghỉ dưởng nhỏ Berchtesgaden, nơi ông thấy “những đội nhỏ nhưng không ngừng lớn lên gồm những người trẻ tuổi đi giày cưỡi ngựa và mặc sơmi màu nâu với một hình chữ thập ngoặc trên ống tay áo.” Những người trẻ tuổi này rõ ràng được huấn luyện để tấn công, Zweig nhớ lại. Nhưng sau khi âm mưu nổi dậy của Hitler bị đập tan, năm 1923, Zweig dường như khó mà suy nghĩ khác về Nazi cho đến những cuộc bầu cử năm 1930, khi sự ủng hộ Đảng này bùng nổ – từ dưới một triệu cử tri hai năm trước lên đến hơn sáu triệu. Từ thời điểm này, vẫn còn rõ ràng khẳng định nổi tiếng này có thể báo trước điều gì, Zweig hoan nghênh nhiệt tình biểu lộ trong các cuộc bầu cử. Ông chê trách sự hẹp hòi của những người dân chủ cổ hủ của đất nước trước thắng lợi của Nazi, ông gọi những kết quả của thời gian đó là “một tiếng vang có thể không khôn ngoan nhưng cơ bản và cuộc nổi dậy được hoan nghênh của tuổi trẻ chống lại sự chậm chạp và thiếu quyết đoán của ‘chính trị cao cấp’ ”.
Trong hồi ký của mình, Zweig không bào chữa cho bản thân ông và những bạn trí thức của ông vì đã không sớm đoán ra ý nghĩa của Hitler. “Ít người trong số các nhà văn chịu khó đọc cuốn sách của Hitler, đã chế giễu lối khoa trương của phong cách văn chương thùng rỗng của y, thay vì nghiền ngẫm chương trình của y,” ông viết. Họ không coi y là nghiêm túc hay có văn hoá. Thậm chí trong những năm một chín ba mươi “những tờ báo dân chủ lớn, thay vì cảnh báo bạn đọc, lại bảo đảm với họ ngày này sang ngày khác rằng phong trào này...sẽ không tránh khỏi nhanh chóng sụp đổ.” Tự hào về học vấn cao của chính mình, tầng lớp trí thức không thể hấp thụ ý tưởng cho rằng chính nhờ có “những kẻ giật dây” – những nhóm tự lợi và những cá nhân tin rằng họ có thể lôi kéo những trí thức bất mãn để thủ lợi cho chính họ –  mà kẻ vô giáo dục “kích động ở quán bia ” này đã thu được sự ủng hộ rộng lớn. Dù sao Đức vẫn là một quốc gia mà luật pháp dựa trên một nền tảng vững chắc, nơi đa số trong quốc hội phản đối Hitler, và nơi mà mọi công dân tin rằng “tự do và những quyền bình đẳng của họ được bảo đảm bởi hiến pháp được công bố một cách long trọng.”
Zweig nhận ra rằng tuyên truyền đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc xói mòn lương tâm của thế giới. Ông miêu tả khi cơn thủy triều tuyên truyền dâng lên trong Thế Chiến Thứ Nhất, tràn ngập báo chí và radio, sự nhạy bén của độc giả đã trở nên u mê như thế nào. Cuối cùng, ngay đến những nhà báo và trí thức có thiện chí cũng mắc tội vì cái mà ông gọi là “doping” của kích động, một kích thích cảm xúc nhân tạo, lên đến cực điểm và không thể tránh khỏi, trong sự căm thù và sợ hãi của quần chúng. Mô tả sự náo động lành mạnh theo sau tiếng la hét hùng hồn của một nghệ sĩ chống chiến tranh trong mùa thu năm 1914, Zweig nhận xét rằng vào thời điểm đó, “lời nói vẫn còn có sức mạnh. Nó vẫn chưa bị giết chết bởi sự dối trá có tổ chức, bởi tuyên truyền.” Nhưng Hitler đã “nâng dối trá lên thành vấn đề tất yếu,” Zweig viết, khi hắn đưa chủ nghĩa phản nhân đạo thành luật pháp.” Ông nhận xét, vào năm 1939, “Không có một tuyên bố của bất kì nhà văn nào có chút tác động nhỏ nhất.. không có cuốn sách nào, tiểu luận nào hay bài thơ nào” có thể gợi cho quần chúng chống lại việc Hitler hò hét thúc đẩy chiến tranh.
Tuyên truyền vừa củng cố cơ sở của Hitler vừa cung cấp vỏ bọc cho những cuộc xâm lược tàn bạo nhất của chế độ của hắn. Nó cũng làm cho những người đi tìm sự thật rơi vào suy nghĩ mong đợi mơ hồ, khi nỗi khao khát của người Âu về một giải pháp tốt lành cho cuộc khủng hoàng toàn cầu này bao trùm lên mọi hoài nghi có lí. “Hitler chỉ cần thốt ra từ ‘hoà bình’ trong một bài diễn văn, là khuấy động ngay được nhiệt tình của báo chí, khiến họ quên mọi hành động trong qúa khứ của hắn, và không hỏi tại sao Đức vũ trang điên cuồng đến thế, “ Zweig viết. Thậm chí khi người ta nghe những tin đồn về việc xây những trại tập trung đặc biệt, và về những căn phòng bí mật nơi những người vô tội bị thủ tiêu không qua xét xử, người ta vẫn không chịu tin rằng cái thực tế mới ấy có thể tồn tại lâu, Zweig kể lại. “Cái ấy có thể chỉ là sự bùng nổ của cơn thịnh nộ ban đầu, rồ dại,” người ta tự nhủ như vậy. “Loại sự việc ấy không thể tồn tại lâu ở thế kỉ hai mươi.” Trong một trong những cảnh xúc động nhất trong cuốn hồi kí của ông, Zweig mô tả ông nhìn thấy những người tị nạn đầu tiên từ Đức trèo qua những ngọn núi Salzburg và lội qua những dòng suối để vào Áo một thời gian ngắn sau khi Hitler được bổ nhiệm Thủ tướng. “Đói khát, tiều tụy, bị kích động... họ là những lãnh đạo trong chuyến bay hoảng loạn để cố thoát khỏi sự vô nhân đạo đang tràn ra cả quả đất. Nhưng ngay khi đó, khi tôi nhìn vào những người đi lánh nạn ấy, tôi chắc chắn đã nhận thấy trên những gương mặt xanh xao kia, như một tấm gương, cuộc sống của chính tôi; và thấy rằng tất cả, tất cả, tất cả chúng ta sẽ trở thảnh nạn nhân của chứng khát quyền lực của chỉ một con người này.”
Zweig sống khốn khổ ở Hoa Kỳ. Những người Mỹ dường như thờ ơ với đau khổ của những người di cư; châu Âu, ông nhắc đi nhắc lại, đang tự sát. Ông kể với một người bạn rằng ông cảm thấy như thể ông đang sống một cuộc sống “của người đã chết.” Trong một cố gắng vô vọng làm mới lại ý chí quyết sống, ông đã sang Brazil năm 1941, ở đó, trong những lần viếng thăm trước, người dân của đất nước này đã đối xử với ông như một siêu sao, và ở đó, sự pha tạp chủng tộc rõ ràng làm Zweig sửng sốt như thấy con đường duy nhất cho nhân loại tiến lên phía trước. Trong những bức thư gửi đi vào thời gian này, ông thổ lộ nỗi khát khao thường trực, như thể ông đã du hành ngược thời gian về thế giới của ngày hôm qua. Thế nhưng, cho dù tất cả sự ưu ái của ông đối với người dân Brazil và cảm kích trước vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước này, nỗi cô đơn của ông ngày càng trở nên sắc lạnh. Nhiều bạn thân của ông đã chết. Những người khác thì cách xa vạn dặm. Giấc mơ của ông về một châu Âu bao dung, không còn biên giới, (luôn là tổ quốc tinh thần của ông) đã bị phá hủy. Ông viết cho tác giả Jules Romains “Cuộc khủng hoảng bên trong của tôi là ở chỗ tôi không thể đồng hóa bản thân tôi với tôi của tờ hộ chiếu, với cái tôi lưu vong.” Tháng Hai1942, cùng với Lotte, Zweig dùng thuốc ngủ quá liều. Trong một thông điệp tự tử chính thức ông để lại, Zweig viết rằng có lẽ tốt hơn hết là rút lui trong tự trọng trong khi còn có thể, sau khi đã sống “một cuộc sống mà lao động trí tuệ là niềm vui thanh khiết nhất và tự do cá nhân là điều tốt lành nhất trên mặt đất.”
Tôi tự hỏi Zweig sẽ đánh giá sự thoái hoá tinh thần của nước Mỹ đã rơi xuống mức nào trong tình trạng hiện nay của nó. Chúng ta có một lãnh đạo lôi cuốn, một kẻ nói dối liên tục và không ăn năn – không phải bệnh lí mà có mưu đồ, để xoa dịu các đối thủ, để khích động cơn thịnh nộ trong khối cử tri nòng cốt của ông ta, và để khuấy động những lộn xộn. Nhân dân Mỹ bị làm cho rối mù và mụ mị bởi một trận lụt những tin tức giả mạo và thông tin làm lạc hướng. Đọc trong hồi kí của Zweig trong những năm Hitler lên nắm chính quyền, tự hỏi tại sao nhiều người có thiện chí thời đó “không thể hay đã không muốn nhìn ra một thủ đoạn mới vô sỉ bất chấp luân thường đạo lý một cách cố ý đang hoạt động,” khó mà không nghĩ về tình trạng tệ hại hiện nay của chúng ta. Tuần trước, khi Trump kí một lệnh quyết liệt cấm nhập cư dẫn đến một sự phản đối kịch liệt khắp trong nước và trên thế giới, rồi sau đó tìm cách xoa dịu những người phản đối bằng những biện pháp tạm thởi và những lời chối cãi, tôi nghĩ về một trong những thủ đoạn chủ yếu mà Zweig đã nhận dạng ở Hitler và những bộ trưởng của hắn: họ đưa ra những biện pháp cực đoan nhất một cách từ từ – có mưu đồ – để đánh giá mỗi sự vi phạm mới được đón nhận như thế nào. “Mỗi lần chỉ một viên thuốc duy nhất rồi sau đó đợi để quan sát tác động của sức mạnh của nó, để xem lương tâm của thế giới có tiêu hóa trọn được cả liều không,” Zweig viết. “Những liều thuốc tăng mạnh dần dần cho đến khi cả châu Âu lụi tàn vì chúng.”
Và Zweig vẫn có thể nhận xét về hôm nay rằng, Tổng thống Trump và “những kẻ giật dây” vô sỉ của ông ta vẫn chưa khóa hồ sơ về việc thực thi quyền lực của họ. Một bài học bi thảm mà “Thế giới của Ngày Hôm Qua” đưa ra là, ngay cả trong một nền văn hóa mà những thông tin đánh lạc hướng tràn ngập, nơi mà một thái độ hung dữ được những nhóm lợi ích giàu có, táp nham ủng hộ, cảm thấy có quyền nhờ sự nói dối không nao núng của một lãnh đạo có sức lôi cuốn, trung tâm có thể vẫn giữ được. Theo quan điểm của Zweig, chất độc cuối cùng cần thiết để làm kết tủa cơn thảm họa Đức xảy ra vào tháng Hai năm 1933, với vụ cháy toà nhà quốc hội ở Berlin, một vụ hỏa hoạn cố ý mà Hitler đổ cho những người cộng sản nhưng nhiều nhà sử học vẫn tin rằng do chính bọn Nazi gây ra. “Một cú đấm làm toàn bộ hệ thống tư pháp Đức tan tành,” Zweig nhớ lại. Sự phá hủy một công trình có tính biểu tượng – một vụ cháy chẳng làm chết ai – trở thành một cái cớ để chính phủ bắt đầu khủng bố thường dân của chính nó. Đám cháy định mệnh đó xảy ra chưa đến ba mươi ngày sau khi Hitler trở thành Thủ tướng. Sức mạnh đầy khổ đau của cuốn hồi kí của Zweig nằm ở nỗi đau nhìn lại và thấy rằng có một cửa sổ nhỏ trong đó có thể hành động, và rồi phát hiện ra cánh cửa sổ đó bỗng nhiên đóng sập lại một cách đột ngột và không sao cưỡng lại như thế nào.




[1] Blitz là cuộc oanh kích Anh Quốc của Phát Xít Đức thực hiện trong Thế chiến II từ 7 tháng 9 năm 1940 tới 10 tháng 5 năm 1941. Trong khi chiến dịch thực hiện oanh tạc một loạt thành phố và thị trấn dọc vương quốc Anh, lực lượng không quân Đức bắt đầu tấn công London trong 57 ngày liên tiếp. Tính đến cuối tháng 5 năm 1941, hơn 43.000 dân thường, một nửa trong số đó là dân London đã bị giết hại bởi cuộc không kích, hơn một triệu ngôi nhà tiêu hủy hoặc tàn phá chỉ tính riêng tại London. (vi.wikipedia)

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Camus và Sartre bất hòa về vấn đề tự do như thế nào


Aeon.
Hiếu Tân dịch




Họ là một đôi cọc cạch. Albert Camus là người Pháp ở Algeria (pied-noir) sinh ra trong một gia đình nghèo, có nét đẹp dễ dàng mê hoặc. Jean-Paul Sartre, xuất thân từ tầng lớp trên trong xã hội Pháp, khó có thể nói là đẹp trai. Họ gặp nhau ở Paris trong thời kì chiếm đóng, và trở nên thân thiết sau Thế Chiến Hai. Vào thời gian thành phố này dần dần hồi phục trở lại, Camus là bạn thân nhất của Sartre. Sau này Sartre viết “Sao hồi ấy chúng tôi yêu anh đến thế.”
Họ là những thần tượng rực rỡ của thời đại. Báo chí theo dõi từng cử động hàng ngày của họ: ‘Sartre ẩn dật ở Les Delux Magots..’, ‘Camus lang thang ở Paris...’ Khi thành phố bắt đầu tái thiết, Sartre và Camus lên tiếng về tinh thần của thời đại, Châu Âu đã bị tàn phá, nhưng đống đổ nát do chiến tranh để lại đã tạo không gian cho tưởng tượng về một thế giới mới. Độc giả nhìn vào Sartre và Camus để hình dung ra bộ mặt của cái thế giới mới đó. Nhà triết học Simon de Beauvoir sau này nhớ lại “chúng tôi đã mang đến cho thời hậu chiến hệ tư tưởng của nó.”
Hệ tư tưởng ấy hiện ra dưới dạng chủ nghĩa hiện sinh. Sartre, Camus và các bạn bè trí thức của mình bác bỏ tôn giáo, dựng những vở kịch mới và bi quan, kêu gọi bạn đọc sống đích thực, và viết về cái phi lí của thế giới – một thế giới vô mục đích và vô giá trị. Chỉ có “những hòn đá, xác thịt, những ngôi sao và những sự thật có thể sờ mó được,” Camus viết. Chúng ta phải chọn sống trong thế giới này và phóng chiếu ý nghĩa và giá trị của chính chúng ta lên nó để làm cho nó có ý nghĩa. Điều đó có nghĩa là con người là tự do và chịu gánh nặng của nó, vì tự do có kèm theo một trách nhiệm ghê gớm, thậm chí khiến ta suy kiệt, để sống và hành động một cách đích thực.
Tư tưởng về tự do gắn bó Camus và Sartre về mặt triết học, rồi cuộc chiến đấu vì công bằng đoàn kết họ lại về mặt chính trị. Họ lao vào đối mặt với bất công và chữa trị nó, và trong mắt họ, không có nhóm người nào bị đối xử bất công hơn những người công nhân, giai cấp vô sản. Camus và Sartre nghĩ về họ như những người bị xiềng vào lao động của mình, và bị cắt xén mất tính người. Để giải phóng họ, cần xây dựng những hệ thống chính trị mới.
Tháng Mười năm 1951, Camus xuất bản cuốn Kẻ nổi loạn. Trong đó, ông nêu ra một phác thảo “triết lí nổi loạn”. Về thực chất đây không phải là một hệ thống triết học, mà là hỗn hợp của nhiều tư tưởng triết học và chính trị: mọi con người là tự do, nhưng bản thân tự do là tương đối, người ta phải chấp nhận các giới hạn, sự tiết chế, “những mạo hiểm có tính toán,” những cái tuyệt đối là chống lại con người (phi nhân bản). Trên hết, Camus lên án bạo lực cách mạng. Bạo lực phải được sử dụng trong những hoàn cảnh cực chẳng đã, (dù sao ông cũng đã ủng hộ những cố gắng chiến tranh [chống phát xít] của Pháp) nhưng sử dụng bạo lực cách mạng để thúc lịch sử đi theo hướng mà anh mong muốn là không tưởng, chuyên chế và phản bội chính anh.
 “Tự do tuyệt đối là quyền của những kẻ mạnh nhất thống trị,” Camus viết, “trong khi công bằng tuyệt đối đạt được bằng cách đàn áp tất cả các mâu thuẫn, do đó nó phá hủy tự do.” Xung đột giữa công bằng và tự do đòi hỏi thường xuyên tái cân bằng, điều hoà về chính trị, một sự chấp nhận và hoan nghênh cái hạn chế nhiều nhất: tính nhân đạo của chúng ta. “Sống và để người khác sống” ông nói “để tạo ra con người của chính chúng ta.”
Sartre đọc Kẻ nổi loạn một cách phẫn nộ. Theo ông, có thể đạt được cả tự do và công bằng hoàn hảo – và đó là thành công của chủ nghĩa cộng sản. Dưới chủ nghĩa tư bản, và trong bần cùng, những người công nhân không thể tự do. Những lựa chọn của họ không dễ chịu và không nhân đạo: làm công việc đáng ghét, hoặc chết. Nhưng bằng cách loại bỏ nhứng kẻ áp bức và trao quyền tự trị rộng rãi cho công nhân, chủ nghĩa cộng sản cho phép mỗi cá nhân sống không thiếu thốn về vật chất, do đó họ có thề lựa chọn thể hiện bản thân cách tốt nhất. Điều đó làm cho họ tự do, và thông qua sự bình đẳng vững chắc này, đó cũng là công bằng.
Vấn đề là, đối với Sartre và nhiều người phái Tả khác, cần phải có bạo lực cách mạng để đạt tới chủ nghĩa cộng sản, bởi vì phải đập tan trật tự hiện tồn. Tất nhiên không phải tất cả những người phái tả đều tán thành bạo lực như thế. Sự chia rẽ giữa những người cứng rắn và những người ôn hoà phái tả, rộng hơn, giữa những người cộng sản và những người xã hội, không phải là mới. Tuy nhiên trong những năm 1930 và đầu những năm 1940, người ta đã thấy phái Tả tạm thời đoàn kết chống phát xít. Khi phát xít tan rã, sự đoạn tuyệt giữa những người phái tả cứng rắn dung thứ cho bạo lực và những người ôn hòa lên án nó quay trở lại. Sự chia rẽ này trở nên gay gắt hơn nhiều do sự biến mất trên thực tế của phái Hữu và uy thế của Liên Xô – nó tiếp sức cho những người cứng rắn trên khắp châu Âu, nhưng dấy lên những bất an cho những người cộng sản khi sự khủng khiếp của những trại tập trung, khủng bố và những phiên tòa trình diễn bị đưa ra ánh sáng. Câu hỏi cho mọi người phái tả thời kì sau chiến tranh thật đơn giản: anh đứng về bên nào?
Với việc xuất bản Kẻ nổi loạn, Camus tuyên bố một chủ nghĩa xã hội hòa bình không dùng đến bạo lực cách mạng. Ông kinh hoảng về những câu chuyện từ Liên Xô, nó không phải là một đất nước của những người cộng sản tay-trong-tay, sống tự do, mà là một nước không hề có tự do. Trong khi đó thì Sartre chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản, và ông sẵn sàng tán thành bạo lực để làm thế.
Sự chia rẽ giữa hai người bạn là một cú giặt gân của truyền thông. Les Temps Modernes– tở báo do Sartre biên tập, đăng một bài phê phán cuốn Kẻ nổi loạn, có lượng bán ra tăng ba lần. Cả hai tờ Le Monde và L’Observateur tường thuật nghẹt thở cuộc đổ vỡ này. Khó mà tưởng tượng ngày nay một mối hận thù trí thức lại thu hút sự chú ý của công chúng đến mức ấy, nhưng trong sự bất hòa này nhiều độc giả thấy cuộc khủng hoảng chính trị của thời đại phản ánh trong đó. Đó là cách nhìn chính trị diễn ra trong thế giới tư tưởng, và một thước đo giá trị  của các tư tưởng. Nếu anh tận lực tận tâm với một tư tưởng, anh buộc phải giết người vì nó sao? Đâu là cái giá của công bằng? Đâu là cái giá của tự do?
Lập trường của Sartre bị nhiều người phản đối, nhưng ông chiến đấu để bảo vệ nó đến hết đời mình. Sartre là nhà hiện sinh, ông nói con người bị kết án phải tự do, cũng chính là Sartre - nhà Marxist, nghĩ rằng lịch sử không để nhiều khoảng trống cho tự do đích thực theo nghĩa hiện sinh. Mặc dù ông không bao giờ thật sự gia nhập đảng Cộng sản Pháp, ông vẫn tiếp tục bảo vệ chủ nghĩa cộng sản trên khắp châu Âu cho đến năm 1956,  khi xe tăng Liên Xô vào Hungary cuối cùng đã thuyết phục ông rằng Liên Xô không theo đường tiến bộ. (Thật ra, ông thất vọng về việc Liên Xô tiến vào Hungary bởi vì họ đang hành động giống như Mỹ, ông nói). Suốt đời Sartre vẫn giữ được tiếng nói mạnh mẽ bên phái Tả, ông chọn Tổng thống Pháp Charles De Gaulle làm bung xung ưa thích của mình. (Sau một đòn tấn công cực kì hiểm ác, người ta yêu cầu De Gaulle bắt Sartre. “Chẳng ai lại bỏ tù Voltaire,” ông trả lời). Tuy nhiên, Sartre vẫn rất khó lường, cho đến khi chết, 1980, ông vẫn giữ mối quan hệ lằng nhằng quái đản kéo dài với chủ nghĩa Mao tàn khốc. Mặc dù Sartre tách rời hoàn toàn khỏi Liên Xô, ông vẫn không hoàn toàn từ bỏ ý nghĩ cho rằng có thể biện minh cho bạo lực cách mạng.
Bạo lực cách mạng của chủ nghĩa cộng sản đã đẩy Camus sang một quỹ đạo khác. Ông viết trong
Kẻ nổi loạn: “Cuối cùng tôi chọn tự do. Vì cho dù công bằng không được thực hiện, thì tự do vẫn duy trì quyền đối kháng chống lại bất công và giữ cho truyền thông cởi mở.” Từ phía bên kia cuộc chiến tranh lạnh, khó mà không đồng tình với Camus, và ngạc nhiên về nhiệt tình để Sartre vẫn giữ nguyên là người cộng sản trung thành. Việc Camus tỉnh  táo theo sát thực tế chính trị, khiêm nhường về mặt đạo đức, nắm vững những hạn chế và những sai lầm có thể có của chủ nghĩa nhân đạo, ngày nay vẫn là một thông điệp được nhiều người chú ý. Ngay cả những tư tưởng đáng kính trọng và có giá trị nhất thì vẫn cần được cân bằng với nhau. Chế độ chuyên chế và chủ nghĩa không tưởng là con đường nguy hiểm để tiến lên – và là lý do để châu Âu bị tàn phá, khi Camus và Sartre phấn đấu để hình dung ra một thế giới công bằng hơn và tự do hơn.
.




Donald Trump và "Thế giới Mới Tươi đẹp" của Aldous Huxley

Cha tôi đã tiên đoán Trump vào năm 1985 – ông cảnh báo: đây không phải Orwell, đây là “Brave New World” (Thế giới Mới Tươi đẹp)



Sự nổi lên của Donald Trump đã chứng tỏ lập luận của Neil Postman trong “Vui chơi đến chết” là đúng. Đây là những gì chúng ta có thế làm.
Andrew Postman
Theguardian.com/   02/02/2017


Chúng ta đang chú mục vào 1984. Nhưng chính là nên sợ  Brave New World.
 Photograph: Flickr/Urban Integration



Hiếu Tân dịch
Suốt cả năm ngoái, khi cuộc bầu cử tổng thống càng lúc càng trở nên quái đản, và đưa chúng ta đến những nơi chúng ta chưa bao giờ đến, tôi thấy một mẩu trên truyền thông nhắc đến Vui chơi đến chết, một cuốn sách do cha tôi, Neil Postman, viết đoán trước từ năm 1985, rất nhiều ý trong đó trở thành đề tài bàn luận của chúng ta ngày nay.
Trên Forbes một cộng tác viên viết rằng cuốn sách “có thể giúp giải thích điều ở nơi khác không thể giải thích.” CNN nhận xét rằng cú sốc Trump “ngược về trước chắc chẳng khiến Postman ngạc nhiên.” Trên trang ChristianPost.com, Richard D Land nghĩ về việc đọc cuốn sách cách nay ba thập niên và “cảm thấy điếng người về cái nhìn thấu đáo tiên tri của Postman vào những gì lúc đó còn là tương lai của nước Mỹ, và nay thường xuyên là một miêu tả đau đớn về hiện tại của Mỹ.” Tháng trước, một cái tít trên tờ Paste Magazine hỏi: “Phải chăng Postman đã tiên đoán được Sự Nổi lên của Trump và Tin tức Giả mạo?”
Các đồng nghiệp và học trò cũ của cha tôi, (ông đã dạy ở Đại học New York hơn 40 năm và đã mất năm 2003), lâu lâu vẫn viết email và nhắn tin qua Facbook cho tôi, sau những lần diễn trò mới nhất của Trump, tự hỏi “Liệu Neil nghĩ thế nào nhỉ?” hay rầu rĩ nhận xét “cha anh đã bóc mẽ nó.”
Luận điểm trung tâm của Vui chơi đến chết khá đơn giản: có hai cái mốc khôngtưởng-đen  được viết bởi những nhà phê bình văn hóa lỗi lạc của Anh Thế gới Mới Tươi đẹp của Aldous Huxley và Một Chín Tám Tư của George Orwell – và người Mỹ chúng ta đã lầm khi sợ hãi và ám ảnh bởi cảnh tượng được mô tả trong quyển sau (nhà nước kiểm duyệt thông tin, hạn chế chuyển động, tiêu hao sinh lực cá nhân) hơn là quyển trước (công nghệ xoa dịu, tiêu dùng ngốn ngấu, huyễn hoặc hài lòng thường trực).
Tập trung chú ý nhầm chỗ vào Orwell là có thể hiểu được: vì nhiều thập kỉ chiến tranh lạnh đã làm cho chủ nghĩa cộng sản – hiện thân bằng Anh Lớn (Big Brother) trong Một Chín Tám Tư  – thành mối đe dọa sống còn chủ yếu đối với Mỹ và với giá trị cao đẹp nhất của người Mỹ: tự do. và để kết thúc, cái năm thực đến rất nhanh khi cha tôi đang viết quyển sách của ông, bởi vậy chúng ta có hình ảnh mạnh của Orwell trong óc.
Đùng một cái, trong vòng nửa thập niên, Bức tường Berlin bị hạ. Hai năm sau Liên Xô sụp đổ. “Chúng ta cứ dán mắt vào năm 1984” cha tôi viết. “Khi năm ấy đến, lời tiên tri không ứng nghiệm, những người Mỹ say sưa ca hát ca ngợi chính mình. Những mái nhà dân chủ tự do vẫn vững. Khủng khiếp có thể diễn ra ớ đâu đó, chúng ta, ít nhất, vẫn chưa bị những cơn ác mộng Orwell ghé thăm.”

Không may, vẫn còn một cảnh tượng mà người Mỹ chúng ta phải phòng vệ, cảnh tượng mà ngay thời đó, những năm 1980 Tổng thống là một cựu diễn viên và một tay truyền thông hào nhoáng. Diễn ngôn chính trị của chúng ta (nếu bạn thích gọi thế) hết ngày này sang ngày khác rút lại thành những câu cụt lủn (soundbite[1]) (“than vãn ở đâu?” và “tôi phải trả tiền cho chiếc microphone này” thành hai thời điểm gotcha, có vẻ như chứng nhận cho sự ghê gớm của người nói.)
Đất nước ngày càng nhận nhiều thông tin “nghiêm chỉnh” không phải từ báo chí là nơi cần một mức độ thận trọng và cam kết tích cực, mà từ truyền hình. Người Mỹ xem truyền hình trung bình 20 giờ mỗi tuần. (Cha tôi nhận xét rằng tờ USA Today, khai trương 1982, có nhiều hình ảnh màu sắc nổi bật, có danh mục lướt nhanh và biểu đồ, và những câu chuyện ngắn hơn nhiều, thật sự là một tờ báo ăn theo nội dung hình thức những tin tức bài vở trên tivi)
Nhưng quan trọng không phải là việc xem tivi nhiều gây ra rắc rối. Chính khán giả là người đang bị điều kiện hóa để lấy thông tin nhanh hơn, theo cách ít bản sắc hơn, và tất nhiên, dựa trên hình ảnh. Như cha tôi đã chỉ ra, một câu văn được viết ra có một mức độ đáng tin cậy của nó, đúng hay không đúng – hay, ít nhất, chúng ta có thể thảo luận một cách có ý nghĩa về sự đúng đắn của nó. (Đó là tiền- sựthựcpre- truthiness”, tiền-nguỵtạo -“alternative facts”.)
Còn hình ảnh? Người ta không bao giờ nói một bức hình là thật hay giả. Nó chỉ gây chú ý hay không. Chúng ta càng xem nhiều tivi - ngón tay chúng ta đặt trên remote, chúng ta càng đòi hỏi nhiều – rằng không chỉ những chương trình mua vui tiêu khiển cho chúng ta mà cả tin tức và những vấn đề khác. Tiêu hóa được. Hình ảnh hấp dẫn. Khiêu khích. Tóm lại, thích thú. Lúc nào cũng vậy. Xin lỗi, Kênh Truyền hình Cáp –Vệ tinh.
Cảnh tượng này theo đúng tinh thần tác phẩm khôngtưởng-đen của Huxley đã tiên báo từ năm 1931, mà cha tôi tin rằng lẽ ra chúng ta đã phải cảnh giác với nó. Ông viết:

“Điều mà Orwell sợ là người ta cấm sách. Điều mà Huxley sợ là sẽ không còn lí do gì để cấm một quyển sách, vì sẽ không còn ai muốn đọc một quyển sách. Orwell sợ những người tước đoạt thông tin khỏi chúng ta. Huxley sợ những người cho chúng ta quá nhiều đến mức chúng ta tụt xuống thành thụ động và ích kỉ. Orwell sợ là sự thật sẽ bị che giấu khỏi chúng ta.  Huxley sợ là sự thật sẽ bị dìm chết dưới một biển thờ ơ. Orwell sợ chúng ta sẽ trở thành một văn hóa tù hãm. Huxley sợ chúng ta sẽ trở thành một văn hóa tầm thường vô giá trị.”

1984 – năm, chứ không phải tiểu thuyết – trông rõ ràng có vẻ cổ quái. Một phần ba thế kỉ sau, chúng ta mang theo mình những màn hình dùng cho cá nhân, mọi lúc, và thay vì bảy kênh truyền hình cộng với một kiến thức lõm bõm về cáp, chúng ta thật sự có vô số lựa chọn.
Ngày nay, thời gian trung bình trước màn hình của một người lớn ở Mỹ là 74 giờ, (và vẫn còn tăng nữa). Chúng ta xem bất cứ khi nào ta muốn, không phải khi có người bảo ta, và thường xem một minh, và thường trong khi làm nhiều việc khác. Soundbite đã được thay bằng nhiều thứ khác: virality, meme, hot take, tweet. Liệu có thể tìm hiểu đến nơi đến chốn một vấn đề của đất nước một cách mạch lạc, có ý nghĩa trong một môi trường vụn mảnh, khó chú ý theo dõi như thế này không?
Được rồi, thời gian thay đổi tất cả. Công nghệ và cải tiến không đợi ai. Đạt được bằng chương trình. Nhưng một cư dân bất kì có thể tham gia như thế nào khi mà nó chỉ đòi hỏi chúng ta like hay không like một post nào đó, hoặc “kí tên” một bản thỉnh nguyện trên mạng? Người ta có thể hiểu chúng ta nghiêm túc đến đâu, hay chúng ta tự hiểu mình thế nào –  khi cái quyết định thời lượng được phát sóng (airtime), cho một diễn văn vận động tranh cử chẳng hạn, và số lần/người xem, chia sẻ và thích không phải là nội dung của bài nói, mà là cách thể hiện: giọng khàn, cử chỉ có thể rất bạo lực, hay dùng những kiểu cách như trẻ con để người ta chú ý, hoặc dùng biểu hiện trên nét mặt?
Cuốn sách của cha tôi cảnh báo những gì sẽ đến, nhưng nhiều người khác đã thấy và sợ các khía cạnh của nó (xin nêu vài cái tên: Norbert Wiener, Sinclair Lewis, Marshall McLuhan, Jacques Ellul, David Foster Wallace, Sherry Turkle, Douglas Rushkoff, Naomi Klein, Edward Snowden).
Ngôn từ công cộng của chúng ta đã rơi vào tầm thường hóa đến mức sửng sốt, chúng ta vẫn dùng những từ “tranh cãi” để tả các ứng viên tổng thống của chúng ta trên sân khấu khi họ đối mặt nhau. Thật không? Ai có thể bị sốc bởi sự nổi lên của một ngôi sao truyền hình thực tế, một người đã to mồm tuyên bố khích động, nhiều tuyên bố dối trá ngoạn mục nhưng gần như tất cả chúng được làm ra cho những gì thường được gọi là “truyền hình hay”?
Ai có thể kinh hoảng khi ngôi sao cuả lĩnh vực nói trước công chúng lại tỏ ra không có kinh nghiệm, không thận trọng chỉn chu và xã giao, mà chỉ có khả năng chọc cười – dù cách chọc cười làm người ta phẫn nộ, tức phát điên lên?
Như vậy, vâng, cha tôi đã bóc mẽ. Liệu ông cũng có tiên đoán rằng nhà lãnh đạo này chọn đến một thời như thế này, khi cuối cùng chúng ta đã trở nên ham mê những công nghệ và những trò giải trí của chúng ta, mới hầu như chắc chắn có những khuynh hướng phát xít không? Tôi tin ông cũng gọi như thế.
Trong tất cả những cách (và có nhiều cách) có thể định nghĩa phát xít, có một nét cơ bản là nó không trung thành với tư tưởng về bất cứ quyền nào ngoài quyền của nó, tóm lại, nó là ý hệ tự yêu mình. Nó tạo ra huyền thoại về sự vĩnh viễn không thể bác bỏ (rất giống cái cách một hình ảnh là “thật” không thể bàn cãi), vì bản chất độc tài toàn trị không bị kiềm chế của nó.
“Truyền hình là phương tiện truyền thông tốc độ ánh sáng, loại truyền thông tập trung ở hiện tại,” cha tôi viết. “Ngữ pháp của nó, nếu có thể nói thế, không cho phép truy nhập vào quá khứ...lịch sử không thể có vai trò quan trọng nào trong chính trị hình ảnh. Vì lịch sử chỉ có giá trị cho người hiểu một cách nghiêm túc khái niệm rằng có những mẫu hình trong quá khứ có thể cung cấp cho hiện tại những truyền thống được ấp ủ nuôi dưỡng”
Cuối đoạn này, cha tôi có nhắc đến nhận xét của Czesław Miłosz, người đoạt giải Nobel văn học, trong diễn từ nhận giải năm 1980 có nói rằng thời đại này đáng chú ý vì “sự khước từ ghi nhớ”, cha tôi nhận xét Miłosz đã  nhắc đến “sự kiện gây choáng váng là bây giờ có hơn một trăm cuốn sách in phủ nhận rằng cuộc thảm sát diệt chủng Holocaust đã xảy ra.”
Một lần nữa: cổ quái như thế nào.
Trong khi những tin tức ngụy tạo đã có với chúng ta từ khi có những chương trình nghị sự, và từ cả hai phía, hiện nay, nhờ  có Breitbart News, Infowars và sự bất tử của những huyền thoại như ‘người ta hỏi nguồn gốc của tổng thống Obama’, chúng ta đang chứng kiến một loại chưng cất, tinh chỉnh.
 “Một thế giới kiểu Orwell thì dễ nhận ra, và dễ kháng cự hơn một thế giới kiểu Huxley,” cha tôi viết. Mọi thứ trong nền tảng của chúng ta đã chuẩn bị để chúng ta biết và chống lại một nhà tù khi những cánh cổng khép lại xung quanh chúng ta. ...nhưng ai được chuẩn bị để vũ trang chống lại cả một biển vui chơi thích thú?”

Ước gì tôi có thể kể với bạn rằng, đối với tất cả những gì cha tôi thấy trước, cha tôi cũng đã đưa ra một giải pháp. Nhưng không. Ông thấy công việc của ông là nhận dạng một vấn đề nghiêm trọng, ít được nói đến; rồi hỏi một loạt câu hỏi quan trọng về vấn đề đó. Ông biết sẽ rất khó tìm ra câu trả lời dễ dàng cho những tai hại mà “technopoly” - công nghệ chính trị đã gây ra. Nó là một vấn đề hệ thống, nó thấm vào tâm lí của chúng ta cũng như vào văn hóa của chúng ta
Nhưng chúng ta cần nhiều hơn là chỉ hi vọng suông. Chúng ta cần một chiến lược, hay ít nhất là một số sách lược.
Trước hết: xử lí những luận điệu sai trái như một cơ hội. Tìm thông tin càng gần nguồn càng tốt. Internet là một cơ hội tuyệt vời cho các công dân săn tin – nó có một nguồn tài liệu gốc vô cùng phong phú, có những chứng nhân đáng tin cậy..v.v..– mặc dù nó cũng bị thao túng làm người ta hoang mang.
Thứ hai: Đừng chờ mong “truyền thông” làm việc đó cho bạn. Tất nhiên có vài người chuyên nghiệp đã làm việc một cách xuất sắc. Nhưng hầu hết truyền thông tồn tại để bán cho bạn một cái gì đó. Nó chỉ trung thành với khuếch trương lưu thông, buôn bán trên mạng, thu nhập từ quảng cáo. Đừng ghen tỵ với nó. Nhưng cũng đừng băn khoăn tại sao Câu chuyện X thì được mà Câu chuyện Y thì không.
Thứ ba: cho các nhà báo. Jay Rosen, một sinh viên cũ của cha tôi và là tiếng nói chủ đạo trong phong trào “báo chí công ” đưa ra nhiều đề nghị hữu ích, thực tế.

Cuối cùng và quan trọng nhất, nhà trường phải có trách nhiệm làm cho học sinh nhận thức được về những môi trường thông tin của chúng ta, nhiều lúc đã trở thành môi trường tiêu khiển, nhưng có ít bằng chứng về các trường học đã được trang bị hoặc quan tâm để làm việc này. Vậy ai đó phải làm.
Chúng ta phải dạy con em chúng ta, từ tuổi rất nhỏ, biết hoài nghi, nghe một cách thận trọng, giả định rằng mọi người đang nói dối về tất cả mọi thứ. (Vâng, có thể không phải là tất cả mọi người.) Kiểm tra lại các nguồn tin. Xem xét điều gì chưa được nói. Hỏi những câu hỏi. Hiểu rằng tất cả mọi người kể chuyện đều có sự thiên vị. Tất cả các diễn đàn cũng thế.
Tất cả chúng ta đều cười – ít nhất là một số trong chúng ta – lối diễn dịch tin tức của Jon Stewart và Stephen Colbert, bởi vì mọi chuyện đã trở thành trò cười. Nếu chúng ta không muốn bị soma-hoá (chữ của Huxley) bởi công nghệ, là một cái gì đó thua kém cả những thằng ngu cười cợt, và đồng loã trong việc biến văn hoá chúng ta thành ve chai đồng nát, thì “điều đòi hỏi ở chúng ta bây giờ là một kỉ nguyên mới của trách nhiệm...giao cho chúng ta một nhiệm vụ khó khăn. Đó là cái giá và là hứa hẹn của tư cách công dân.”

Những dòng cuối cùng này không phải cha tôi viết  – tổng thống mới nghỉ gần đây của chúng ta đã nói chúng trong diễn văn nhậm chức cuối cùng của ông. Ông nói đúng. Điều này sẽ khó. Nó không còn là chuyện vui chơi nữa.




[1] Cụm từ ngắn, dễ nhớ và lặp lại, các chính khách thường chèn vào bài nói của mình, phát trên tivi, báo chí.

Alice Kaplan- “Đi tìm Kẻ xa lạ”

Augustin, Kaddour, Meursault
KAMEL DAOUD

Kẻ xa lạ” của Camus luôn luôn và mãi mãi mê hoặc. Bằng chứng từ “Đi tìm Kẻ xa lạ” của Alice Kaplan.



Hiếu Tân dịch

chìa khóa quyến rũ: Meursault, nhân vật ám ảnh này, có phải anh ta có người cha là ông thánh Augustin dấu mặt, và nỗi đau kì lạ sau cái chết của Monique, mẹ anh? Những chữ đầu lúng búng của cuốn Kẻ xa lạ có tiếng vọng trong lời thú tội của vị thánh không thể khóc mẹ với nỗi đau đớn hoàn toàn và đích thực, rồi chọn sau đó đi tắm và đi ngủ. Đây là chiếc chìa khóa về những suy tưởng và cái ám ảnh của Albert Camus về nỗi không thánh thần không Thượng Đế, mà cái chết trẻ của ông đã làm nó hoàn toàn mất hút. Tất cả những điều trên được gợi ra khi đọc cuốn sách gần đây của Alice Kaplan, “Đi tìm Kẻ xa lạ” (Gallimard). Chính là vì cuốn tiểu thuyết kia vẫn còn hấp dẫn mê hồn. Đời cho nó êm đềm lên địa vị “thánh kinh,” không phải vì tác giả của nó là thần thánh, mà vì cái xu hướng giải thích nó như chú giải văn bản cổ. Tóm lại là, tiểu sử một cuốn sách. Alice Kaplan, giáo sư đại học Yale, đã viết về cuộc đời một cuốn sách, sự ra đời của nó, trong truyền thống phê bình thuần túy phả hệ học từ xưa. “Kẻ xa lạ” đột hiện như một điều huyền bí. Tính đồng đại tồi tệ, bệnh hoạn và nghiệt ngã của Meursault vẫn còn là điều kì dị lôi cuốn hàng triệu độc giả. Sự chính xác lạ lùng của một thứ ngôn ngữ rỗng, được điền đầy bằng nội dung duy nhất uy nghi của cái thế giới tản mát này, vẫn còn nguyên bí ẩn như thể tôn gíáo: người ta giải thích cái biểu tượng của “khí hậu” này, nhưng người ta không đi đến cùng. Ngay bản thân Camus trong những cuốn sổ tay cũng thừa nhận sự kì diệu của cuốn sách mà ông thấy trong ông, trước cả khi tin rằng đã viết nó trong một căn phòng tối tăm ở một khách sạn Paris.
Tìm tòi của Kaplan dẫn đến một cảnh tượng “tội ác”: cái cảnh nổi tiếng, vẫn còn quyến rũ các bạn đọc, quyến rũ thế giới, và kéo dài vấn đề tính khác biệt về phía triết học. Mảnh đất kinh khủng nơi giết người dưới ánh mặt trời đã thực sự tồn tại, cuộc ẩu đả đã diễn ra và những vai chính của sự kiện đã trở thành người sáng lập huyền thoại của thân phận chúng ta gần như có thật và có cả những tên tục. Tuy nhiên cái từ “có thật” không thích hợp với “Kẻ xa lạ” của Camus hoặc tiểu sử một cuốn sách của Alice Kaplan, nói “có thật” dẫn đến thất vọng và làm nguội lạnh huyền thoại này. Đây đồng thời là nơi sinh một con người mà cái chết và thời đại làm nên một Che Guevara theo nghĩa này, một mưu toan thánh hóa con người không cần trời, một việc tầm thường biến thành kinh thánh, một phong cách biến sự gò bó thành mê li ngao ngán, và một sự khước từ cái thế giới đã biến trì độn thành trang trọng. Vấn đề không còn là “có thật” nữa, mà là “trải nghiệm một sự thật.” Vậy “Đi tìm Kẻ xa lạ” đã tìm lại được người A rập ấy: anh ta đã có một cái tên, một bệnh lao, một người vợ, và một gia đình vẫn còn sống ở Oran! Dưới mắt tôi. Trò tiêu khiển của thế giới siêu việt[1], thế giới của những ngẫu nhiên, nó tặng cho anh một trong những chiếc chìa khóa để giải ẩn ngữ (énigme) dưới đế giày của người hành hương. Cái viễn cảnh này đào sâu hơn nữa vào kiệt tác không bao giờ cạn: chi tiết đời thực của nó là chính xác, cuốn tiểu thuyết trở thành “thật” và cuốn tiểu sử của Kaplan trở thành chuyến du hành được đổi mới để về thăm lại “Kẻ xa lạ”. qua điều tra sự ra đời của một cuốn tiểu thuyết, người ta vượt qua cái chết của một con người để đạt được sự hồi sinh của một nạn nhân. Người ta tìm lại được sự đa dạng, nhưng cái đó không bao giờ đủ; người ta biết nó đã được viết như thế nào, nhưng không bao giờ người ta biết nó sẽ được đọc lại như thế nào. Đây không phài là một cuốn tiểu thuyết, một cuốn sách, một hành động hoặc một lí thuyết. Đây là một khoảnh khắc trong lịch sử văn học. Nói đúng ra, nó không phải là lịch sử, mà là một khoảnh khắc, trần trụi như một viên đá cuội, được dựng lên như một tượng đài, khôi phục sự tu hành đã bị xuống cấp vì sự tách lià khỏi xác thịt và khỏi Nhà thờ, biến tật điếc đặc của thế giới thành cơ hội làm sáng tỏ ý nghĩa. Rốt cuộc? “Kẻ xa lạ” là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi có thể làm đối tượng cho một cuốn tiểu sử vì nó sinh động. Từ “phi lí” đã hơi bị người đời dùng ẩu. Người ta thích dùng từ này thay vì nói nhân phẩm đối mặt với sự trống rỗng. Một sự cám dỗ điên rồ: hãy đọc lại cuốn tiểu thuyết này, và thay Meursault bằng Augustin, cùng sinh ra trên một mảnh đất. Cuốn sách lúc đó trở thành “những lời thú tội” về một vụ giết người khác, lần này là người cứu chuộc. Vả lại, dưới ánh mặt trời này, cả đất nước tôi là vung ven của một siêu hình học cổ đại.


Bài trên Le Point, 29 Septembre 2016





[1] Thế giới siêu việt”: tạm dịch chữ “L'Arrière-monde: thế giới bí ẩn, vô hình, ẩn dưới thế giới thực tại (một khái niệm triết học do Friedrich Nietzsche đưa ra)