Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Reflect upon JPS's "The Respectful Prostitute"


Nghĩ về “cô điếm lễ độ”

Kịch Jean-Paul Sartre: “The Respectful Prostitute”

Sartre đặt tên cô là Lizzie. Tại sao “lễ độ”? Gái điếm có thể vô lễ với khách được sao? Không, qua vở kịch ta sẽ thấy, “lễ độ” ở đây đồng nghĩa với “có giáo dục.” Không biết cô có được học hành gì không, nhưng cô cư xử như người có giáo dục; tuy có lúc cô cũng thấy cần tỏ ra thô tục.
Cô là nhân vật chính - theo tôi là duy nhất - của vở kịch. Chỉ có tính cách của cô phát triển. Tất cả những nhân vật khác, THANH NIÊN DA ĐEN, FRED, JOHN, JAMES, THƯỢNG NGHỊ SĨ
và những người khác, chỉ có mặt để tạo ra những tình tiết xung quanh sự phát triển ấy.


    Meg Mundy đoạt giải thưởng Sân khấu Thế giới về vai diễn Lizzie trong vở kịch "Cô gái điếm lễ độ” tại Nhà hát Cort năm 1948.




Đầu tiên là sự xuất hiện của Thanh niên Da đen cùng một người bạn, bị bọn da trắng tấn công trên tàu, các anh chống trả, bạn anh bị giết, anh bị truy lùng vì chúng muốn đổ tội cho anh hiếp cô gái da trắng Lizzie, để chạy tội cho tên sát nhân da trắng. Anh đến tìm cô xin cô giấu, vì nghĩ bọn kia sẽ không tìm anh ở đó, nhà của người mà bọn họ cho là bị hại. Bọn da trắng cũng cho một người đến làm khách chơi của cô FRED, với âm mưu buộc cô làm chứng gian theo ý chúng.
Vậy là cô bị kẹt vào một tình thế hiểm nghèo.

Hai nhân vật ở dưới đáy xã hội gặp nhau
Cô gái điếm, trong tăm trí mọi người là hạng “đĩ điếm - macô – cặn bã – rác rưởi..” mà xã hội khinh ghét và ruồng bỏ.
Người Da đen, nạn nhân của chế độ phân biệt chủng tộc thời ấy, bị truy đuổi cùng đường, bị hành hình kiểu lynch[1] nếu chúng bắt được.
Hai hạng người mạt hạng. Vậy có gì quan trọng?
Họ là dân. Họ là con người.
Có những lúc họ nhận rõ thân phận của họ: họ đơn độc trong thế giới này.

Quyền

Sự cầu cứu của Người da đen đưa cô vào thử thách hiểm nghèo. Cô không cứu, anh sẽ bị chúng thiêu sống. Cô không ưa người da đen. Quyết định cứu anh, cô thể hiện một phẩm chất cao hơn cả lòng dũng cảm: đó là sự công bằng. Anh cần được sống, như mọi con người, anh có quyền sống, như Hiến pháp Hoa Kỳ đã long trọng hứa. Cô không chỉ bảo vệ anh: cô bảo vệ một quyền của cô: quyền nói sự thật. Quyền làm người.
Những kẻ cưỡng chế cô không hiểu điều đó. Chúng sống trong dối trá. Những kẻ có tiền và có quyền. Tiền để mua chuộc, và quyền để uy hiếp, cưỡng bức người ta phải dối trá. Cô đã bước qua cả hai: từ chối khoản tiền 500$ - không nhỏ lúc đó - và chấp nhà đá. Ở đây có sự đối chọi hai thứ “quyền”: quyền của cô [nói lên sự thật], và quyền của những kẻ thấy mình có quyền dập tắt, đè bẹp nguyện vọng ấy –quyền bôi xóa sự thật. Trong xã hội, cô, anh da đen, là những người không có quyền lực. Bởi vậy, quyền sống, quyền nõi lên sự thật là những quyền, tối thiểu, của những người vô-quyền. Theo công lí, nó là thứ quyền “tạo hóa ban cho mọi người, như nhau, và không ai có quyền cướp đi.” Nhưng trong xã hội, để bảo vệ những quyền ấy, con người đã phải trả giá. Bởi vì, thứ quyền của kẻ có quyền lực, thường lả đặc quyển, không chính đáng, chính là sự tước đoạt quyền tối thiểu của những người “vô quyền”.

 Vấn đề phẩm giá.

Dưới vỏ ngoài sang trọng, Fred  là đại diện tầng lớp thống trị trong xã hội, có quyền và có nhiều tiền, đã hiện ra với đầy đủ sự hung hãn, độc ác, gian manh, đểu giả.
Trong khi Fred  chỉ coi Lizzie là thứ đồ chơi, thì ngược lại, Lizzie coi cuộc hành nghề là cuộc tình; cô nhớ đến nó với những cảm xúc gần như lãng mạn; thậm chí yếu tố tiền nong, nhu cầu kiếm sống dường như lùi ra sau. Fred vứt ra 10 đô, sau khi đã dấn thân vào  trò vui thân xác, mà chính hắn coi là nhớp nhúa bẩn thỉu; hắn không có khả năng hưởng thụ cái phần thăng hoa, tinh tuý hơn trong cuộc truy hoan mà cô điếm kia muốn hiến dâng cho hắn. Hắn không để tâm. Thật ra tâm trí hắn đang mang nặng một âm mưu đen tối. Nhưng Lizzie lại coi đó là giá trị của mình, (dĩ nhiên là giá trị trong cái ‘thị trường’ ấy) và vì làm nghề, nên cô coi mức độ thành thục trong nghề - đo bằng thỏa mãn của ‘khách hàng’ - là giá trị. Ít nhất đó là thái độ lương thiện. Ở đây có qui luật sòng phẳng của thị trường. Hoàn toàn không có những ngón nghề “đĩ thoã” mê hoặc đàn ông một cách gian dối bẩn thỉu, để có thể coi cô là “con đĩ  thối tha” và đối xử với cô như Fred đã làm. Hắn làm thế là từ định kiến xấu thâm căn trong hắn về hạng người (làm nghề) như cô, không màng đến nhân cách của cô, vì trong hắn không có thang giá trị ấy. Hắn, cha hắn, bà cô của hắn, dùng tiền đo người. Hắn gọi cô là con đĩ mười đô. Câu nói đó khắc họa tính cách hắn, không phải cô.Và tất cả khán giả chúng ta nghĩ cô cao hơn thế nhiều, về mọi phương diện. Như vậy, ngay trong cuộc hành lạc, một bên ngập trong nhớp nhúa và một bên cố vươn tới cái đẹp. Một người cố vươn lên tầm người, một kẻ hướng về thú tính. Ai người hơn ai? Và trong suốt vở kịch ta sẽ thấy cô thật sự chiến đấu để giữ lấy phần người, dù có lúc yếu đuối, lạc đường.


Bạo lực và Dối trá

Tuy ở trong giai tầng thống trị, Fred chỉ là kẻ non nớt, đã bất lực trước ý chí của cô. Tình thế chỉ bị đảo ngược khi xuất hiện cha hắn, Thượng Nghị sĩ Clacke, một chính khách xảo quyệt, một con cáo già thật sự.
Ở đây tác giả cho ta thấy vài nét về nền pháp trị Mỹ. Tại những bang miền nam nước Mỹ, thời ấy tinh thần phân biệt chủng tộc còn vô cùng nặng nề, nhưng Thượng Nghị sĩ đã không thể ỷ vào thần thế, vào nhân thân tốt của bị cáo để thao túng toà án, mà vẫn phải dùng thủ đoạn với nhân chứng để thuyết phục tòa theo trình tự tố tụng. Và màn thuyết khách của con cáo già ấy vẽ lên thật sinh động cái trò mị dân, con bài tẩy của thứ chính trị gian manh. Trong một thế giới phân đôi, Bạo lực và Dối trá luôn là hai mặt của quyền lực phi nhân (chống lại con người). 
Tài nghệ thuyết pháp phù thủy của Thượng Nghị sĩ đã tác động, áp đảo lựa chọn của Lizzie (nếu có). Lúc đầu, lão làm ra vẻ công tâm, thừa nhận Lizzie đúng và đứng về phía cô, khiển trách cảnh sát; vì lão tự tin sẽ đến lúc lão lật ngược lại một cách nhẹ nhàng. Đòn thứ hai đánh vào chỗ yếu tình cảm của cô, biết cô là một cô gái bơ vơ, thèm khát tình thương, lão dẫn dụ cô vào câu chuyện do lão bịa ra, về một bà mẹ hiền với bao hứa hẹn yêu thương. Rồi đến lí lẽ. Nguỵ biện một cách nực cười khi người nghe không còn đủ tỉnh táo để nhận ra sự phi lí. Bịa ra cái lí “sự thật nhiều cấp độ” để tung hỏa mù. Rồi lớn lối phát biểu nhân danh ‘Tinh thần Dân tộc Mỹ’. Mạo danh bao giờ cũng là thủ pháp đắc dụng của kẻ lừa bịp qui mô lớn. Áp đặt quan điểm của mình lên đối phương một cách tinh vi, không để kẽ hở cho đối phương kịp có ý kiến riêng. Lão nhấn mạnh đến số phận Thomas mà phớt lờ người thanh niên da đen, mặc nhiên coi như đối phương chấp nhận cái quan niệm của lão “người da đen không phải là người”. Dường như ở đây Sartre muốn nhắc ta nhớ đến một luận điểm [duy vật lịch sử] của Marx: “Tư tưởng thống trị trong một thời đại luôn luôn là tư tưởng của giai cấp thống trị thời đại ấy.” Nhưng điều này không phải do hình thái kinh tế quyết định, như Marx hiểu. Thật ra đây chính là ý chí của giai cấp thống trị: thực hiện sự thống trị tư tưởng của chúng. Không phải trên địa hạt tư tưởng, bằng hoạt động thuần túy tư tưởng, tức là thông qua tranh luận, thuyết phục, thu phục.., đúng nghĩa. Mà trên địa hạt chính trị, bằng thủ đoạn bạo lực và dối trá.

  Và chuyện phải xảy ra đã xảy ra: Lizzie rơi vào cái bẫy đường mật của lão. Cô là cô gái thông minh, nhạy bén, quả quyết, xử lí tình huống chuẩn xác, như ta thấy trong màn đối phó với Fred, cảnh sát, và những kẻ truy lùng. Với một đối thủ cao cơ hơn mình nhiều, có cả một lực lượng hùng hậu sau lưng, cô đã thất thế, sa chân vào mê hồn trận dối lừa, cũng chỉ vì cô quá lương thiện, lương thiện đến cả tin. Mà người lương thiện bị thua trước kẻ gian manh là chuyện quá thường. Cô đã tỉnh ra, khi nhận tờ một trăm đô thay vì lá thư yêu thương mà cô mong đợi.  Và cuối cùng cô cũng nhìn rõ mặt thật, chứ không bị rơi vào hội chứng mê kẻ thù của mình, nhận nó là ân nhân.

Triết lí JPS: lựa chọn cuối cùng của Lizzie: không rõ, để ngỏ cho mọi khả năng.

 Âm mưu của cha con Thượng Nghị sĩ, theo ban đầu, mới thực hiện một nửa: cứu được Thomas nhưng để thoát Thanh niên Da đen. Tuy nhiên vẫn coi là hoàn thành vì Lizzie và Thanh niên Da đen không có cơ hội khai trước toà, và người Da đen không bao giờ dám kiện. Đây là kết quả sự đầu hàng của Lizzie.

Khi Lizzie chĩa súng vào Fred, không có tiếng súng nổ và diễn biến sau đó có thể khiến một số khán giả thất vọng. Với niềm tin của những khán giả này, rất có thể, sau khi hạ gục Fred, và sau mười năm nữa, cô ra tù, sẽ có một thiếu phụ tên là Lizzie quả càm đi đầu trong những cuộc đấu tranh, đòi Nữ quyền, chống phân biệt chủng tộc, chống áp bức bất công.
Nhưng như thế là chưa hiểu Sartre.  Suy nghĩ của những khán giả trên dựa trên một giả định ngầm là, với bản chất lương thiện và ngay thẳng của mình, tất yếu Lizzie sẽ đi con đường mà họ hình dung.
Sartre không nghĩ thế. Với Sartre, không có một “bản chất” nào cả. Con người phải sáng tạo ra bản thân mình trong từng khoảnh khắc, bằng lựa chọn thái độ và hành động của mình. Và lựa chọn ấy là “tự do.”

Hứa hẹn của Fred đưa ra trước Lizzie một viễn cảnh mê hồn. Lizzie sẽ chọn gì? không dễ trả lời

Mình sẽ sống ra sao trong một ngôi nhà với những con người xa lạ đầy dối trá, thù hận và ức hiếp.
Được, ông Thượng nghị sĩ cao tay, ông đã biết tôi rồi, gái này không phải loại vừa đâu.
Còn thằng con của ông, mình dâng cho nó linh hồn thiếu nữ và nó trả mình mười đô. Rồi còn bà cô, lâu lâu cũng gặp; mình vẫn nhớ mình gỡ cho thằng con bà cái án mười năm và bà trả cho mình 100$.
Hừ, dối trá và bạo ngược. Được, dối ta ta cũng liệu bài dối cho. Ta cũng sẽ dối trá, ta cũng sẽ  bạo ngược.
Các ngươi hãy chờ đấy. Có quyền lực là có tất cả, chính các ngươi đã dạy ta điều ấy.Ta đã nắm được con bài chủ,  ta sẽ biết ẩn mình chờ thời. Và đến khi ta có quyền lực trong tay...
......

Không thiếu tiền tiêu. Chỉ đi dạo. Có năm sáu đầy tớ để sai bảo. Ôi cực kì giàu sang, vinh hiển. Mình sẽ là một con búp bê được cưng chiều trong ngôi nhà ấy chăng.
Trong giờ ăn sáng, các quí tiểu thư em gái anh sẽ bảo “Chị ơi, chị là một con điếm , hãy biết giữ lễ độ. Chỗ của chị không phải ở đây đâu.” Và mẹ của “anh ấy”, phu nhân kiêu sa; ánh mắt bà sẽ biến ta thành một cọng rác.
Mồi tuần ba lần thứ Ba, thứ Năm, Chủ nhật. Không phải tiếp khách, mà là đón hoàng tử của lòng mình. Chàng sẽ đối xử với mình ra sao nhỉ. Ồ, chắc chắn không phải như một con búp bê đâu, mà như một cái thảm chùi chân..

Lizzie sẽ chọn gì, hay nói cách khác, hiện tại Lizzie đây là Lizzie nào, và sẽ có một Lizzie nào trong tương lai? Câu trả lời bỏ ngỏ.

Suy nghĩ ngoại đề:
Nước Mỹ bây giờ đã có một Tổng thống Da đen.
Nước Mỹ bây giờ sắp có một Tổng thống Phụ nữ.

Tôi tin ở TIẾN BỘ.


HT.  June 20, 2016.



[1] Nhớ hồi trước có đọc một bài tùy bút chính luận ký tên Nguyễn Ái Quốc, nhan đề “Văn minh là như vậy đó sao?”, mô tả chi tiết một cuộc hành hình kiểu lynch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét