Chúng tôi đã làm gì sai? Các nạn nhân của Cách mạng Văn hoá tìm câu trả lời sau 50 năm.
Các gia đình bị tàn phá bởi các cuộc biến loạn
chính trị của Mao nói họ không thể tha thứ trong khi Trung Hoa vẫn từ
chối đối mặt với quá khứ của nó.
Shuxiang lắc đầu khi được
hỏi liệu ông có thể tha thứ những thiếu niên đã xích cha ông lại và
dùng một thanh sắt đánh ông cụ đến chết không.
Đó là mùa đông năm 1966 khi Chen Yanrong
trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên của Đại Cách mạng Văn
hóa Vô sản của Mao Chủ tịch, một cơn đại hồng thủy biến động chính
trị xảy ra cách nay đúng 50 năm.
Nhiều giờ sau khi bọn Hồng vệ binh
đánh ông cụ trút hơi thở cuối cùng, vợ của Chen – người đã chứng
kiến vụ giết Chen – loạng choạng bước về căn nhà của gia đình vừa
bị lục soát tan hoang, người đầy máu và quần áo bị xé rách nát,
để báo cho sáu đứa con rằng cha chúng không trở về nữa.
“Tôi chỉ hỏi bà: Có chuyện gì xày
ra? Chúng ta đã có sai lầm gì? Chúng ta đã làm gì?” Chan Shuxiang nhớ
lại.
Nửa thế kì trôi qua, Chen, nay đã 73,
đang ngồi ở một trung tâm dưỡng lão ở Bắc Kinh chỉ cách trường trung
học nơi cha ông bị giết vài kilomet, đôi mắt ông đẫm nước khi ông cân
nhắc những tình cảm của ông đối với những thủ phạm.
“Trong thâm tâm tôi không biết nói với
họ thế nào. Tôi không thể tha thứ cho họ,” ông nói về những đứa trẻ
cuồng tín đã đánh chết cha ông lúc 37 tuổi. “Cha tôi là một con
người, không phải con vật. Ông không phải một con chó hay con mèo. Ông
là một con người. Chúng đánh ông đến chết chỉ trong mấy giờ.”
Giáo viên về hưu Chen Shuxiang: “Cha tôi là một con
người, không phải con vật.”
Ảnh: Tom Phillips, gửi cho the Guardian.
Ảnh: Tom Phillips, gửi cho the Guardian.
Năm mươi năm sau phong trào chính trị
tàn hại ấy - bắt đầu ngày 16 tháng Năm 1966 - những người bị cướp
mất người thân yêu đang suy nghĩ về những mất mát của mình và về
tại sao – cho đến tận hôm nay – vẫn chưa có sự thanh toán sòng phẳng
đối với những gì được biết đến như cuộc cách mạng cuối cùng của
Mao.
Andrew Walder, tác giả của “Trung Hoa thời Mao: Một cuộc cách mạng trật
đường rầy”, nói đảng cộng sản đã tỏ ra “cởi mở lạ thường” về
những thiệt hại mà Cách mạng Văn hóa gây ra trong những năm liền sau
khi nó kết thúc, 1976, với cái chết của Mao Trạchđông.
Những nạn nhân
bị ngược đãi đã được phục hồi và trong một số trường hợp được đền
bù. Những thủ phạm vào tù. Những tờ báo của đảng đăng đầy những mô
tả nửa hư cấu về những nỗi đau khổ, và Cách mạng Văn hóa đã được
chính thức coi là một “sai lầm nghiêm trọng.”
Nhưng việc đảng sẵn lòng nghiên cứu
lại những sai lầm quá khứ của nó đã đột ngột dừng lại vào những
năm 1980, khi một đợt sóng trong sinh viên bất đồng những lãnh tụ quá
cố của đảng.
“Một khi nó xuất hiện, những năm 80
trở đi, thanh niên nói riêng trở nên ngang bướng vì sự thiếu dân chủ
và cải cách ở Trung Hoa, họ quyết định rất nhanh rằng họ đã chịu
đựng đã quá đủ rồi, và bây giờ họ sẽ tiến lên.” Walder, nhà xã hội
học ở Đại học Stanford nói.
[Các lãnh tụ Trung Hoa] đã thấy những
gì xảy ra ở Đông Âu, và họ rút ra kết luận rõ ràng và có lợi cho
mình rằng, nếu chúng ta muốn nắm giữ quyền lực thì tốt nhất chúng
ta đừng xoáy vào quá khứ, mà hãy tập trung vào cải thiện đời sống
nhân dân và tiến lên.”
Ba thập niên tiếp theo, cuộc thảo luận
về những điều ác phạm phải trong thập niên đó nói chung vẫn là cấm
kị.
Từ khi chủ tịch Tập Cậnbình lên nắm
quyền năm 2012 đã có sự thúc đẩy cắt bớt sự phê phán triều đại Mao.
“Mất ngọn cờ tư tưởng Mao Trạchđông có nghĩa là phủ nhận lịch sử
vinh quang của đảng,” Tập nói trong lễ kỉ niệm lần thứ 120 ngày sinh
của Mao.
Thiếu cả những câu trả lời lẫn sự
công bằng, một số những người đã mất người thân cho Cách mạng Văn
hoá thấy mình không thể tha thứ cho bọn Hồng Vệ binh trẻ đã tàn phá
gia đình họ dưới danh nghĩa Người Thày Vĩ đại của Trung Hoa.
“Tôi không có lời nào cho bọn chúng.
Không một lời nào cả,” Chen, một thày giáo trung học có cha đã từng
làm việc ở học viện luyện kim Bắc Kinh nói.
“Tôi có thể nói gì?” ông hỏi. “Rằng
các anh còn trẻ? Rằng các anh không biết gì cả? Rằng các anh sai
lầm?”
Yao Shuping, có mẹ bị giết bởi Hồng
Vệ binh đầu tháng Tám năm 1966 và cha tự vẫn hai năm sau, nói bà có
thể tha thứ nếu bọn họ đến trước
để xin lỗi.
“Bọn họ không phải là chủ mưu, họ
chỉ là công cụ,” bà Yao, năm nay 77, nói với the Guardian từ nhà riêng
ở Boston, nơi bà sống từ những năm 1990.
“Bọn họ là một nhóm học sinh trung học. Ở tuổi
ấy họ không biết gì cả. Họ sợ những người khác nói rằng họ không
làm cách mạng.”
Trung Hoa trong những năm
gần đây đã có những cuộc xin lỗi của Hồng Vệ binh gây nhiều tranh
cãi, trong đó có của Song Binbin, kẻ đã bắn để được nổi tiếng trong
mùa hè năm 1966, khi cô ta được chụp ảnh đang gắn băng tay màu đỏ vào
bộ đồng phục của Mao chủ tịch trong cuộc mit tinh lớn cùa quần chúng
ở Quảng trường Thiên An Môn Bắc
Kinh.
“Tôi mong rằng những ai
đã làm sai trong Cách mạng Văn hóa và làm tổn thương thày giáo và
các bạn học của mình sẽ đối mặt với bản thân và thành khẩn ăn năn
để tìm kiếm sự tha thứ và đạt được hoà giải,” Song nói với một tờ
báo Trung Hoa năm 2014, gây nên cả một làn sóng lời khen lẫn kết án
từ những người cho là cô cố tình làm giảm nhẹ vai trò của mình
trong cuộc bạo hành đó.
Roderick MacFarquhar, tảc giả cuốn “Cuộc Cách mạng cuối cùng của Mao”
nói những lời xin lỗi như thế đã chậm trễ quá lâu.
“Đó là loại sự việc lẽ
ra đã phải được làm trên qui mô toàn quốc, trong các thành phố và
làng mạc, thậm chí trên khắp cả nước,” vị học giả của Đại học
Harvard nói. Tất nhiên việc đó lẽ ra phải là một dự án lớn và không
chính phủ nào muốn làm. Nhưng tôi nghĩ nếu làm được thì rất có
lợi.
“Nhân dân muốn được thừa
nhận rằng họ đã bị nhằm đánh và đã bị đối xử dã man,” MacFarquhar nói
thêm “Tôi không nghĩ họ muốn phô bày những tủi nhục cá nhân trước công
chúng nhưng...một sự đền bù nào đó của đảng, một sự thật đơn phương
và hồ sơ hoà giải.
“Nhưng nó sẽ không xảy ra
vì đơn giản nó làm sống lại những kí ức về những năm cuối cùng
của Mao khủng khiếp như thế nào, và đó là điều Tập Cậnbình không
muốn.”
Chỉ có cuộc điều tra qua
loa nhất có vẻ được thực hiện đối với cái chết tức tưởi của Chen
Yanrong.
Năm 1971, khi cuộc Cách
mạng Văn hóa đi vào giai đoạn cuối cùng của nó và sự bình thường
bắt đầu trở lại, vụ sát hại ông được qui là “chết do tai nạn,” một
kết luận mà người thân của ông bác bỏ.
Năm sau gia đình ông nhận
được 2.500 tệ (tương đương 3.700 USD ngày nay), từ trường trung học trực
thuộc Đại học Bắc Kinh, nơi ông bị bọn Hồng Vệ binh tấn công.
Tháng Hai năm 1979 các
quan chức đảng cũng đưa cho gia đình một bản “tuyên án chính trị”
ngắn gọn, về vụ giết người. Nó không nhắc gì đến những kẻ chịu
trách nhiệm trực tiếp về vụ giết
Hồng Vệ binh và sinh
viên, vẫy “Mao tuyển” diễu hành ở Bắc Kinh vào đầu cuộc Cách mạng
văn hóa. Ảnh: Jean
Vincent/AFP/Getty Images
“Chen Yanrong bị hành hạ đến chết bởi
nguyên soái Lâm Bưu và Lũ bốn tên phản cách mạng,” bản luận tội
một-trang nhàu nát mà Chen giữ bên trong khung ảnh vỡ cùng với một
tập tài liệu tìm được về vụ của cha ông.
Thiếu một cuộc điều tra sâu hơn của
chính quyền về việc tại sao cha của ông bị xích vào một két nước
và bị giết, Chen đã soạn một hồ sơ của chính ông để các thế hệ
tương lai có thể hiểu những đau khổ mà Mao gây ra.
“Tôi mất mười năm để viết,” ông nói.
“Việc đó thật khó đối với tôi. Mỗi làn tôi cố nhớ về cha tôi, tôi
không thể nén khóc.”
Cuốn sách nhỏ màu lam 134 trang chứa
đựng những chi tiết về cảnh lúc 4 giờ chiều ngày 27 tháng Tám năm
1966, bọn Hồng Vệ binh đã xuất hiện ở ngôi nhà của gia đình và bắt
cóc cha mẹ ông đưa đi như thế nào.
Tối
hôm đó họ bị ném lên xe tải và bị đưa đến hai trường trung học địa
phương, trung học của
Đại học Thanh Hoa và sau đó trường trung học thuộc Đại học Bắc Kinh.
Chen Yanrong được coi là đã chết ở
địa điểm thứ hai này, vào khoảng giữa 2 và 3 giờ sáng, bị đánh đập
dã man bằng thắt lưng, dây thừng và một cây sắt.
Sáng hôm sau, Chen kể, mẹ của ông bị
đánh tơi tả, về nhà để báo tin.
“Người bà đầm máu, khắp cả mặt mùi
chân tay,” ông nhớ lại. “Trông bà không ra người nữa.”
Mặt đầy nước mắt, bà kể cho các con
những giờ cuối cùng của Chen Yanrong. “Bà bảo tôi: cha con bị đánh
đến khi nằm sõng soài trên nền nhà.”
“Hồng Vệ binh được cho là phá hủy
“Bốn cái Cũ[1]”
và “Năm hạng người ô nhục[2]”
nhưng chúng tôi không thuộc vào những hạng người ấy. Vậy tại sao gia
đình chúng tôi lại chịu tổn thất này?
Đã khổ lại thêm nhục, những kẻ hành
hình Chen sau đó còn đòi người thân của ông nộp 28 tệ để hoả táng thi
hài đã nát bét của ông. Gia đình không đòi lại được xác.
Năm mươi năm sau vụ giết người, Chen đã
khóc khi ông nói ông không có lấy một tấm ảnh để nhớ cha của mình.
“Những năm 1950 và 1960 chụp một bức hình là chuyện xa xỉ,” ông nói.
Wang Youqin, một học giả của Đại học
Chicago, người đã dùng gần 30 năm để điều tra những vụ giết người
của Hồng Vệ binh, nói các nạn nhân của Cách mạng Văn hoá đang đấu
tranh để rũ bỏ gánh nặng cảm xúc, dù nửa thế kỉ đã trôi qua.
“Nỗi đau tâm lí không giống như vết
sẹo trên da, nó không nhìn thấy được. Nhưng nếu bạn nói chuyện với
họ bạn sẽ cảm thấy nó một cách sâu sắc,” Wang nói, bà là người
chứng kiến một số vụ bạo hành của Cách mạng Văn hoá khi còn là nữ
sinh Bắc Kinh và nay ghi lại những nghiên cứu của bà về các nạn nhân
của nó trên một website.
MacFarquhar nói việc
Bắc Kinh từ chối cho phép một ủy ban [truy tìm] sự thật giống như
những ủy ban đã làm ở Argentina, Chile, Nam Phi và Uruguay, đã để ngỏ
cửa cho bạo lực tiếp tục hoành hành. “Họ đã không làm cái công việc
ăn năn cần thiết nếu muốn vĩnh viễn để nó lại sau lưng.”
Chen quyết không
để cho những hung bạo ấy lặp lại, và thề dùng những năm cuối của
đời ông để rọi ánh sáng lên tấn bi kịch này thông qua câu chuyện
người cha của ông. Một khi đứa cháu 12 tuổi của ông đủ lớn, ông sẽ
kể cho nó nghe chi tiết cụ của nó đã chết như thế nào.
“Không có gì giống như thế đã từng
xảy ra trong suốt 5.000 năm của
nền văn minh Trung Hoa,” ông nói.
“Nó không được phép xảy ra lần nữa.”
Chen không có kế hoạch gì để tưởng nhớ năm thứ 50 cái chết của cha ông, nhưng sẽ
không quên lòng quảng đại của người đã nuôi ông khôn lớn.
“Chúng con không
biết bây giờ cha ở đâu, nhưng cha sẽ ở trong tim chúng con mãi mãi,”
ông nói với người cha vắng bóng. “Cha là con người lương thiện, chính
trực, tử tế...Chúng con sẽ luôn luôn nhớ cha.”
HT, 16-17 May 2016
[1] Tư tưởng cũ, phong tục cũ, văn hoá
cũ, thói quen suy nghĩ cũ.
[2] Điạ chủ, phú nông, phản cách
mạng, có ảnh hưởng xấu, cánh hữu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét