Ai Cập có thể vận hành một nền Dân chủ không?
Juliane von Mittelstaedt và Volkhard Windfuhr ở Cairo
Spiegel 31/1/2012
http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,812196,00.html
Đám đông tụ tập tại quảng trường Tahrir ngày 25 tháng Giêng 2012 để kỉ niệm một năm ngày nổi dậy - Ảnh: Scott Nelson / DER SPIEGEL |
Một năm sau cách mạng, Ai Cập có thể có nghị viện, nhưng còn xa nó mới có thể tự coi mình là một nền dân chủ thực sự. Những người Salafist siêu bảo thủ có những nỗi e ngại về một chế độ đại nghị, trong khi các chính khách thế tục lo rằng Huynh đệ Hồi giáo và hội đồng quân nhân đang mặc cả sau hậu trường.
Trong ngày đầu tiên làm ông nghị của mình, Ziad el-Eleimy đứng trên Quảng trường Tahrir, nơi mọi sự bắt đầu. Anh mặc chiếc áo khoác bằng nhung kẻ rộng lùng thùng, với phù hiệu nghị viên trên ve áo, và mang một túi nhựa. Anh ngủ trên quảng trường gần ba tuần trong thời gian cách mạng.
Bây giờ el-Eleimy đang nhìn xuyên qua quảng trường như muốn tìm kiếm cái gì, nhưng chẳng có gì để mà kiếm. Tiếng xe cộ gầm rú trên đường nhựa, không khí nồng nặc hơi khói xả, và đèn hiệu giao thông cả năm nay chưa được sửa chữa. Một phóng viên Nhật giơ chiếc micro lên mặt anh, và el-Eleimy nói một vài bình luận hú họa về tự do và công bằng xã hội và sự kiện là tâm hồn anh vẫn còn để ở quảng trường Tahrir.
Ông nội anh bị tù dưới chế độ cố tổng thống Gamal Abdel Nasser, cha mẹ anh bị giam dưới thời người kế tục Nasser là Anwar Sadat, và bản thân anh có thời gian phải ngồi sau song sắt dưới thời tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak - tuy chỉ một tháng, nhưng cũng đủ để những kẻ coi ngục tặng anh một cẳng chân gãy và một cánh tay gãy. Hôm nay ba kẻ thống trị và ba thế hệ áp bức đã kết liễu, hôm nay el-Eleimy, 31 tuổi, một luật sư, nhà cách mạng và đại biểu nhân dân, có ghế trong nghị viện mới. Chỉ có vấn đề là bản thân anh không thể tin vào nó.
Cuộc thí nghiệm kép
Một năm sau cách mạng, Ai Cập có một nghị viện mới, một nghị viện được bầu tư do hơn và công bằng hơn trước đây. Hơn hai phần ba nghị viện là Islamist, họ giữ nhiều ghế bằng đảng cầm quyền cũ, NDP đã từng giữ. Trong nghị viện có 8 nữ, 13 đảng viên cũ của NDP và chỉ có một nhúm những người cách mạng. Họ cùng nhau chịu trách nhiệm thảo ra một hiến pháp, và cuối tháng Sáu, khi tổng thống đã được bầu, hội đồng quân nhân được yêu cầu chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Ít ra kế hoạch là như thế.
Nó là một cuộc thí nghiệm kép, và hậu quả của nó sẽ có một tác động lên toàn thế giới A Rập. Có thể nào một nước, lại là nước Hồi giáo, tìm đường đến dân chủ mà chỉ thông qua những cuộc bầu cử tự do thôi không? Hay là nó cần một cuộc cách mạng thứ hai để quét sạch những thiết chế thối nát, trong đó có cảnh sát, truyền hình quốc doanh, và các hãng thông tấn của chính phủ vẫn đang hoạt động theo các qui tắc cũ?
Nếu các thành viên của nghị viện tập hợp lực lượng, và nếu, với sự ủng hộ của nhân dân, họ gây áp lực lên hội đồng quân nhân, thì các tướng lĩnh sẽ khó có thể chống lại. Nhưng nếu họ thích đẩy tới những chương trình nghị sự của riêng mình và đi đến một sự thỏa thuận với quân đội nhằm mục đích đó, thì nghị viện có thể sẽ vẫn nguyên như cũ, một nơi mà các đại biểu của nhân dân gặp nhau trong 146 năm mà thậm chí không thật sự đại diện cho nhân dân.
Cách mạng bây giờ trong tay của các đại biểu. El-Eleimy, một mgười dân chủ xã hội, là một trong số họ, một người có ý thức về quyền lực của mình và đầy khao khát mang lại thay đổi. Nhưng cũng có những người như Khaled Hanafi, 50 tuổi, một thành viên của Huynh đệ Hồi giáo đã chờ đợi 20 năm nay một ghế trong nghị viện. Và rồi còn có cả anh chàng Salafist[1] Ahmed Khalil, 33 tuổi, người không được phép dạy trong chinh ngôi trường của mình chỉ vì bộ râu.
Họ không có điểm gì chung, trừ sự kiện là cả ba đều đi biểu tình trên Quảng trường Tahrir, tuy nhiên bây giờ họ phải cùng nhau xác định những vấn đề quan trọng: chúng ta muốn loại nhà nước nào? Và chúng ta hiểu dân chủ là như thế nào?
"Không tin rằng nghị viện có thể bảo vệ nổi mày"
El-Eleimy, một mgười dân chủ xã hội, đi bộ từ Quảng trường Tahrir đến tòa nhà Nghị viện. Anh lê bước qua cát, nơi những người biểu tình đã phá toang mặt đường, đi qua tòa nhà Mogamma, biểu tượng khổng lồ của nhà nước quan liêu, và Viện Ai Cập, vốn đã đổ nát từ hồi tháng Chạp. Nghị viện đằng sau nó, nhưng một bức tường bằng các khối bê tông và dây thép gai hiện giờ đang chắn ngang đường phố này. El-Eleimy phải vòng sang đường khác.
Tòa nhà được coi là nơi trú ngụ của nền dân chủ tương lai của Ai Cập tọa lạc đằng sau một hàng rào với những cột trụ đầu bịt vàng. Đằng sau nó là những cuộn dây thép gai và lính gác. Mấy luống hoa đằng trước mới được trồng và những bức tường còn tươi màu sơn. Không còn bất cứ bằng chứng nào rằng mới cách đây có một tháng đã có những người chết ở đây, và binh lính ném những cặp hồ sơ vào đám đông, từ một ngôi nhà, mỉa mai thay, trên đó khắc dòng chữ "Dân chủ bảo đảm cho quyền lực tối cao của nhân dân."
Hôm đó El-Eleimy cũng có ở đây. Anh đã được bầu, nhưng điều đó không ngăn được bọn cảnh sát vũ trang đánh đập anh. "Không tin rằng nghị viện có thể bảo vệ mày khỏi chúng tao," một trong những tên lính cười khẩy nói. El-Eleimy nhớ rõ những lời này, bởi vì chúng tỏ cho anh thấy ai vẫn còn thật sự nắm quyền trong nước. Anh đi gặp một số tướng lĩnh ở hội đồng quân nhân ba tuần sau khi Mubarak bị lật đổ. Họ muốn các nhà hoạt động ngừng chống đối. "Những người đó không thương lượng", el-Eleimy nói, "họ chắc chắn không tự nguyện rời bỏ quyền lực."
Sau đó anh bước vào nghị viện và xuất trình cho lính gác tấm phù hiệu của anh, để lấy được nó ngày hôm trước anh đã phải chờ đợi mất năm giờ. Trong cái nghị viện lạ lùng này không có văn phòng cho các đoàn đại biểu cũng không có bất cứ ngân sách nào cho bộ máy điều hành nó. Chỉ có một thư viện bụi bặm và nhiều tượng thạch cao và cẩm thạch, tranh sơn dầu treo nghiêng ngả và những chân nến trong hành lang với trần cao bằng ngọn cây. Đó là một trong nhiều thiết chế của Ai Cập cũ, tạo cho nhân dân cái cảm giác về sự bất lực của chính họ.
Khóa học cấp tốc về dân chủ
Trong khi đó, những người Salafist đang tụ tập ăn mừng bên ngoài. Đảng Al-Nour của họ, cái tên có nghĩa là "Đảng Ánh sáng" chiếm 121 ghế, tức gần một phần tư hạ viện, Đại hội Nhân dân. Họ công kênh Ahmed Khalil, một trong những lãnh đạo của họ qua đám đông như một cầu thủ bóng đá vừa ghi bàn thắng. Khali ép cứng người anh ta trong một bộ com lê mầu be diện cho ngày này. Bộ râu của anh được chải chuốt tỉ mỉ và anh cầm trong tay một chiếc smart phone lấp lánh. Anh là một nghị viên Salafist kiểu mẫu, tuy vậy chỉ có bề ngoài anh là hiện đại mà thôi. Anh từ chối nói chuyện với phụ nữ, và quan điểm của anh là quan điểm của một tay bảo thủ cực đoan.
Chỉ mới cách đây một tuần, anh đứng trong một gian phòng hội nghị của khách sạn cùng với các nghị viên khác trong khi một nhà khoa học chính trị giải thích cho họ nghị viện vận hành như thế nào. Đó là khóa học cấp tốc về chế độ đại nghị, bao gồm mọi thứ từ các ủy ban đến các thủ tục pháp lý. Phần lớn những người Salafist không biết gì về chính trị. Cho đến gần đây, họ còn coi bầu cử là chuyện báng bổ.
Khalil không cần khóa học này. Anh có học vị tiến sĩ về quản trị kinh doanh và điều hành một trường học ở Alexandria. Anh là người khéo ăn nói, vì thế các nhà báo được phép nói chuyện với anh. Anh đã chuẩn bị kỹ lưỡng những câu trả lời cho câu hỏi về các vấn đề nhạy cảm như phụ nữ và bikini. Câu thứ nhất là những người Salafist không áp bức phụ nữ mà ngược lại bảo vệ họ. Họ đã chuẩn bị một số đạo luật chống mù chữ, nghèo khổ và bất công, Khalil nói. Tuy nhiên điều đó không làm cho anh trở thành một người nữ quyền, anh vẫn cho rằng khăn trùm đầu và sự phân biệt giới tính được tạo ra để có lợi cho phụ nữ. Anh nói anh cũng không có gì phản đối du lịch bãi biển, nhưng ngành du lịch không nên tập trung quá nhiều vào các bãi biển. Anh vạch ra rằng hành trình trên xe jeep và trượt trên đụn cát cũng là hình thức giải tiêu khiển thú vị lắm.
Đứng trước nghị viện sáng hôm đó, anh nói: "Sharia[2] và dân chủ phải kết hợp với nhau, thì rồi tất cả sẽ tốt đẹp. Đó chính là điều đang diễn ra hiện nay." Tất nhiên, anh nói thêm, khi các luật dân chủ xâm phạm Sharia, luật Hồi giáo phải chiếm ưu thế. Những người Salafist vận động chủ yếu trên lời hứa hẹn chống tham nhũng, nhưng họ cũng biết rằng đó là một cuộc đấu tranh không thể thắng lợi nhanh chóng. Cái có thể nhanh chóng đạt được là một hiến pháp Hồi giáo.
Cực kỳ ngoan đạo
Khi kỳ họp nghị viện bắt đầu, hàng ghế các Salafist trông giống như một nhóm múa dân gian, trong những chiếc khăn turban, mũ dạ, những bộ râu và những chiếc áo choàng, gọi là jellabiya. Tất nhiên, mỗi người trong bọn họ có một cái bướu cầu nguyện trên trán, do dập trán xuống sàn trong những buổi cầu kinh hàng ngày. Đó là dấu hiệu của sự sùng đạo cực độ.
Mệnh lệnh công việc đầu tiên cho nghị viện tự do đầu tiên là toàn thể 508 thành viên phải đọc một lời thề với đất nước, nền cộng hòa và hiến pháp, mặc dầu Ai Cập không thật sự có một hiến pháp vào lúc này. Các đoàn đại biểu lần lượt theo nhau đọc lời thề của mình, một sự kiện được truyền hình trực tiếp kéo dài suốt 4 giờ cho phần còn lại của thế giới xem.
Khi el-Eleimy đứng lên, anh nói thêm rằng anh có ý định thực hiện đầy đủ các yêu cầu của những người cách mạng. Một người Salafist từ chối thề trung thành với nền cộng hòa, nhưng với "học thuyết của đấng Allah" thay vào đó, trong khi những người khác nói thêm rằng họ sẽ chỉ ủng hộ lời thề chừng nào nó không đi ngược với ý chí của Thượng Đế. Chỉ là một lời thề, một nghi thức, tuy thế nó bộc lộ những khiếm khuyết đầu tiên.
Rồi họ bầu chủ tịch nghị viện, và người thắng cử, đúng như chờ đợi, là Mohammed Saad el-Katatny, tổng thư ký Đảng Tự do và Công lý của Huynh đệ Hồi giáo. Đó là vị trí có ảnh hưởng nhất mà một thành viên của Huynh đệ Hồi giáo từng nắm giữ, và Katatny biết phải cám ơn ai. "Cám ơn rất nhiều, quân đội tuyệt vời và hội đồng quân nhân, đã cố gắng để có được những cuộc bầu cử này."
Nước cờ táo bạo
Ngày hôm sau, nhà cách mạng el-Eleimy đang ngồi đốt hết điếu thuốc này đến điếu khác, trên chiếc tràng kỷ baroque mạ vàng trong quán ăn tự phục vụ của nghị viện. Hội đồng quân sự vừa mới dỡ bỏ các đạo luật khẩn cấp tồn tại qua ba thập kỷ, và nó đã thả 2.000 tù nhân.
El-Eleimy cảm thấy rằng đó là tiến bộ, nhưng như thế chưa đủ: "Huynh đệ Hồi giáo và hội đồng quân nhân đã có một cuộc thương lượng," anh nói. "Trong cuộc bầu cử tổng thống, Huynh đệ Hồi giáo sẽ ủng hộ ứng cử viên quân đội. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho họ cai trị mà không cần giữ một trách nhiệm chính thức nào. Đó là điều hay nhất có thể xảy đến với họ."
Anh vừa mới soạn thảo một kiến nghị để gọi bộ trưởng nội vụ, bộ trưởng tư pháp và bộ trưởng quốc phòng trước nghị viện để chất vấn. "Và người đứng đầu hội đồng quân nhân!" anh nói thêm. Đó là một nước đi táo bạo, nhưng anh hy vọng để động viên các đại biểu khác phá vỡ hiệp ước giữa quân đội và những người Islamist.
Nhấn chìm các tiếng nói khác
Quảng trường Tahrir đầy chặt người hôm thứ Tư, 25 tháng Giêng, ngày lễ kỷ niệm cách mạng. Có nhiều người hơn cái ngày Mubarak bị lật đổ. Huynh đệ Hồi giáo đã dựng lên một sân khấu lớn nhất, trực tiếp từ sân khấu của phong trào tuổi trẻ cách mạng.
Họ đã lắp hàng chục chiếc loa, và bây giờ chúng đang hát om sòm những bài ca yêu nước, lớn giọng đến nỗi chúng át hết mọi thứ khác.
Khaled Hanafi, 50 tuổi, là một bác sĩ nhãn khoa với bộ râu nhếch nhác và mặc chiếc áo len. Trông ông không có vẻ gì như nguyên mẫu của một người Islamist nham hiểm. Trong cách mạng, Hanafi chăm sóc những người bị thương trong một bệnh viện dã chiến ở Quảng trường Tahrir, và ông vừa mới được bầu vào nghị viện với 150.000 phiếu. Trước đây có lần, năm 1995, ông đã cố vận động vào nghị viện, và sau đó ông bị một năm tù. Lúc đầu ông bị tra tấn nhưng, ông nói, thời gian sau đó là thời kỳ tươi đẹp nhất trong đời ông. "Tôi chưa bao giờ học nhiều đến thế. Tất cả (tù nhân) chúng tôi là những giáo sư và kỹ sư."
Hanafi trưng bày những bức ảnh của ông chụp từ bệnh viện dã chiến ra phía trước sân khấu. Chúng thể hiện ông đang băng bó cho người bị thương và ngủ trên sàn nhà. Tất cả là về uy tín cách mạng, và Hanafi có nhiều. Nhiều người tin ông khi ông đứng trên sân khấu và nói rằng cách mạng đã kết thúc và hội đồng quân nhân chắc chắn sẽ rút khỏi chính trường vào ngày 30 tháng Sáu.
Liệu sẽ có một hiệp ước giữa hội đồng quân nhân và Huynh đệ Hồi giáo, như nhiều người khẳng định không? Một thoáng nhăn lướt qua nét mặt ông. Giật mạnh chiếc khăn quàng cổ, ông nói: Không, tuyệt đối không! Ông gọi nó là tin đồn nhảm và nó xuất phát từ những kẻ chỉ muốn gây hỗn loạn.
"Chúng tôi không muốn một nhà nước Hồi giáo"
Những người Huynh đệ Hồi giáo không thích những người biểu tình, vì những người này ngày càng trực tiếp chống lại họ. Đối với họ, cách mạng là trong quá khứ, trong khi những người biểu tình tin rằng nó còn ở tương lai. Vào ngày thứ Tư 25 tháng Giêng, hàng trăm ngàn người diễu hành đến Quảng trường Tahrir từ mọi hướng, đúng như họ đã làm cách đây một năm. Hàng chục ngàn người phản đối hôm thứ Sáu, cái ngày mà họ gọi là "Ngày nổi giận." Và bây giờ những người biểu tình không chỉ hô "Đả đảo hội đồng quân nhân" mà còn hô: "Chúng tôi không muốn một nhà nước Hồi giáo."
Có nhiều người cắm trại trên Quảng trường Tahrir vào tối thứ Tư. Nhiều người biểu tình đã ở lại, trong đó có el-Eleiny. Anh muốn ngủ trên quảng trường và từ đó đến nghị viện mỗi buổi sáng. Dù sao, nó cũng không xa.
Christopher Sultan dịch sang tiếng Anh
Bản tiếng Việt :
© Hiếu Tân 2011
[1] Người theo phong trào Hồi giáo Sunny
[2] Bộ luật đạo đức và tôn giáo của đạo Hồi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét