Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

“1984” của ORWELL và nước Mỹ của TRUMP

Adam Gopnik
The New Yorker  27/01/2017
Hiếu Tân dịch  290117
   E rằng tôi phải thú nhận một điều khủng khiếp: Tôi chưa bao giờ là người cực lực hâm mộ “1984” của George Orwell. Dường như nó quá thích hợp trong phép ngoại suy của nó, từ hiện tại suy ra tương lai, luôn luôn có một chút ngây ngô trong những ngoại suy tưởng tượng mà chúng ta muốn thấy trong văn học khôngtưởng-đen. Như tác giả Anh Anthony Burgess chỉ ra cách đây đã lâu, cái địa ngục hiện đại của Orwell về cơ bản là sự tái hiện cảnh thống khổ Anh quốc trong những năm thiếu đói thời hậu chiến, thêm vào đó là cái hiểm độc của nhà nước cảnh sát kiểu Staline. Cuốn sách kinh điển lớp chín “Thế giới mới tươi đẹp” của Aldous Huxley trong đó một sân chơi thường trực của tình dục và ma túy tồn tại dai dẳng trong một xã hội cứng nhắc nghiệt ngã, với tôi còn có tính tiên tri hơn; hay như bất kì tác phẩm nào của Philip K. Dick từ những ám ảnh giải trí Mỹ quái đản của chúng ta suy ra một tương lai còn man rợ hơn trong đó Ken và Barbie được sùng bái như thần. Ngược lại, “1984” quá tàn khốc, quá biến thái, quá hạn chế trong những tưởng tượng của nó về mối quan hệ giữa nhà nước toàn trị và những công dân vô phương cứu giúp của nó.
Một lời xin lỗi tự động mấp máy trên môi, khi đúng lúc này lượng bán ra từ Amazon cuốn sách của Orwell tăng cao ngất ngưởng: nó là một cách tiêu khiển tốt hơn và thông minh hơn chúng ta có thể nghĩ rất nhiều. Điều làm thay đổi quan điểm này, tất nhiên, là ngôi vị tổng thống của Donald Trump. Vì điều gây sửng sốt duy nhất trong tuần lễ đầu tiên lạ lùng vô song của ông ta là cái danh hiệu độc tài của Trump hóa ra lại thô sơ, biến thái, và dã man một cách đơn giản đến thế. Chúng ta phải trở lại với “1984” bởi vì, đúng ra, chúng ta phải trở lại năm 1948[1] để có được đúng cái hương vị của nó.
Chẳng có gì là tinh vi trong hành vi của Trump. Ông ta nói dối, lặp lại những lời dối trá, và những người nghe ông ta hoặc là co rúm lại vì sợ hãi, lắp bắp không tin, hoặc cố tìm cách biến những lời nói dối của ông ta thành có lợi cho mình. Tất cả những kẻ hợm mình ở lục địa, từ Žižek[2] đến Baudrillard[3], khăng khăng cho rằng một khi họ đã kéo cái chăn len toàn trị toàn phần lên mắt chúng ta, chúng ta thậm chí không biết điều đó đang xảy ra. Không có chút gì như thế. Những lời dối trá của Trump, và việc ông ta hăm hở nói chúng, mang tính Big Brother[4] (“Anh Lớn”) thuần túy thô thiển, cho dù chúng phát ra có vẻ ngu ngốc đến đâu. Chúng không phải là những cạm bẫy và những cám dỗ hậu hiện đại, chúng là những lời chửi bới và hăm dọa của trẻ con ở sân trường.
Những tiếng la lối đui mù không đếm xỉa gì đến sự thật được tung ra thậm chí không có cái thái độ ngọt ngào bề ngoài, hay điềm đạm, hay thoải mái, không có cái vẻ hào hoa của sự chấp thuận hạ cố, mà với giọng điệu xưa cũ đầy giận dữ, hống hách và hận thù. Trump đơn thuần thuộc loài chuyên chế giận dữ điên cuồng.
Và như vậy, khi đọc lại Orwell, người ta nhớ lại những gì mà Orwell đã mô tả đúng về thứ chuyên quyền cục súc này, rằng về thực chất nó dựa trên những lời nói dối được nói quá thường xuyên, lặp đi lặp lại, và rằng việc cưỡng lại sự dối trá này trở nên không chỉ đơn giản nguy hiểm hơn mà còn nhọc nhằn hơn là nhắc lại nó. Orwell đã thật tài khi thấy rằng, việc nhằm thay đổi nhận thức trong hành động xuyên tạc thực tế này chỉ là thứ yếu. Trước hết, nó là một cách để khắng định quyền lực.
Khi Trump lặp lại câu chuyện lố bịch về ba triệu cử tri bất hợp pháp – một câu chuyện không một ai biết, không có lấy một nhân viên Nhà Trắng nào, không có lấy một dân biểu Cộng hòa nào thật sự tin nó là thật – ông ta không thật sự quan tâm có ai tin hay không, ở một mức độ điên rồ, ngay cả ông ta có tin phần nào hay không. Người ta không có ý định tin nó, họ bị nó đe dọa. Lời nói dối này không phải là khẳng định về những sự việc cụ thể nào; tình trạng điên rồ này là một thách thức có tính toán đối với toàn bộ tinh thần lành mạnh nói chung. Khi một lời nói dối lớn như thế lưu hành, thì việc kéo cuộc nói chuyện trở lại trong phạm vi có lí trở nên bất khả.
Và Jake Tapper của CNN đã có thể tuyên bố dứt khoát rằng câu chuyện đó là láo từ đầu đến cuối – nhưng khi đó Tapper bị dẫn dắt bởi sự thận trọng và ý thức chuyên nghiệp của chính ông, nên đã hỏi Trump rằng nếu ông ta thấy nó là thật, thì có nên tổ chức một cuộc điều tra về nó hay không. Tapper, như bất kì ai khác, biết quá rõ rằng một cuộc điều tra có mức độ trung thực tối thiểu sẽ không đưa ra được một bằng chứng nào về câu chuyện vô lí này. Nhưng đó tất nhiên chỉ là một cái bẫy, một trò chơi. Hãy coi: sẽ có một “ủy ban” gồm các chuyên gia được lấy từ Breibart; nó sẽ không tổ chức một cuộc điều trần nào cả, hoặc sẽ tổ chức những cuộc điều trần kín một cách phi lí, hoặc lấy lời khai từ những khách mời thường xuyên của “The Alex Jones Show” - và cái ủy ban hề này sẽ tuyên bố một cách trơ trẽn rằng quả thật có những bằng chứng phổ biến về bầu cử gian lận. Và Trump sẽ khẳng định lại lời nói dối và đưa những “phát hiện” của ủy ban của ông ta làm bằng cớ.
Trong khi đó các đảng viên Cộng hoà ở Quốc hội, bị đe dọa, sợ hãi lóe lên trong mắt người này tham lam trong mắt người kia, sẽ tận dụng “vấn đề” bầu cử gian lận để theo đuổi các chính sách thật sự chèn ép các cử tri thuộc thiểu số. Caligula, hoàng đế điên của La Mã, đã bỉ ổi bổ nhiệm con ngựa Incitatus của ông ta vào Viện Nguyên lão La Mã, và chuyện đó đã thành gương xấu nghìn năm về hành động chuyên chế ngu đần ngang ngược. Nhưng bây giờ chúng ta biết rằng điều gì sẽ xảy ra nếu Caligula bổ nhiệm con ngựa của ông ta vào Thượng Viện nếu Đảng cộng hòa hiện đại tình cờ chiếm đa số ở đó: những người Cộng hòa đầu tiên sẽ nói họ không muốn đi vào tranh cãi về những chọn lựa cá nhân của Hoàng đế, và sau đó họ sẽ nhanh chóng thấy sự có mặt của con ngựa sẽ giúp biện hộ cho việc tháo bỏ những luật lệ trong ngành công nghiệp xe-ngựa. (“À, bạn biết đấy, ông ta là loại hoàng đế không chính thống, bởi vậy tôi không muốn nói chuyện đó, Jade, nhưng tôi sẽ nói rằng dù Hoàng đế tin gì chăng nữa, chúng ta có một đảng rất rộng mở (inclusive party), và, nếu chúng ta nới lỏng những qui chế về chuồng ngựa, tôi muốn đưa ra điều lệ của nó (đảng) với sự tham dự đầy đủ và được hoan nghênh của một con ngựa”). Cái điên rồ của Hoàng đế và hành động trộm cắp của các thượng nghị sĩ sao hợp nhau đến thế.
Bắt đầu từ tuần này điều quan trọng sống còn với những ai đang cố duy trì tình trạng lành lặn không điên rồ của mình là phải hiểu rằng sự thể là như thế đấy– rằng việc lí trí (hoặc “những hậu quả,” như chúng thường được hiểu) tác động đến quá trình này chỉ là một huyền thoại mà thôi. Bất cứ khi nào có một cuộc chính biến độc tài bắt nguồn từ một hệ tư tưởng phi lí, thì những người tử tế luôn khăng khăng cho rằng nó không thể kéo dài, vì chẳng bao lâu những người tin vào nó sẽ thấy rõ ràng các kết quả tồi tệ, dù đó là một cuộc cách mạng chính trị thần quyền ở Iraq, hay một chính quyền thật sự chuyên quyền đầu tiên ở Hoa Kỳ. Nhưng thật đáng buồn, sự thể không diễn ra theo cách đó. Trump chẳng phải trả một cái giá nào về chính trị khi người ta thấy ông ta là thiếu tư cách, bốc đồng, nông cạn, tiền hậu bất nhất, và coi thường sự thật và lí trí. Những cái ấy chính là chính trị của ông ta. Đó là lí do ông ta giành được quyền lực. Cái thấp kém của ông ta thích sự điên rồ, yếu kém, coi thường lí trí là bởi sự lành mạnh tỉnh táo, năng lực và việc kiên trì tích lũy chứng cứ là những phẩm chất cho phép người có học tỏ ra ưu việt. Oán giận đến trước lí trí. Những trí thức bảo thủ, như tờ Times vạch ra mỗi ngày, hóa ra chia sẻ những nỗi oán giận này sâu sắc hơn họ coi trọng những thực tế hợp lí. Đã trải nghiệm sự hạ cố này, hay họ tưởng tượng ra như thế, trong phạm vi rộng hơn của các trường đại học và các nhà xuất bản, họ có thể nghi ngờ kẻ mị dân này, nhưng họ thật sự ghét những ai tỏ ra chống lại ông ta. Kẻ mị dân thì họ chỉ nhìn với sự khinh thường, những người chỉ trích ông ta mới là đối tượng để họ căm ghét và khinh bỉ từ lâu. Nếu buộc phải chọn, họ luôn luôn chọn kẻ mị dân trước những người biểu tình. Nếu có một điều chúng ta thật sự biết được từ khoa học xã hội, thì đó là nhất định người ta thích nhìn những kẻ thù cũ của họ trở nên khốn khổ hơn, hơn là bản thân họ trở nên hạnh phúc hơn.
Về phía tích cực, đã có những cuộc biểu tình của phụ nữ vào cuối tuần trước, khiến trái tim của bất kì người lành mạnh nào cũng ngập tràn hi vọng. Trước đó một tuần ngắn điều có vẻ còn đáng ngờ – rằng sẽ có thể có một hành động đoàn kết, ôn hòa, và nhất định là vui vẻ, của quần chúng chống lại cơn điên này – đã thật sự được thực hiện, và điều mà người ta hi vọng chỉ là lần đầu tiên trong nhiều lần nữa. Nó làm cho trí óc chúng ta hứng khởi với những khẩu hiệu không thể đơn giản hơn: Cộng đồng là phương thuốc hữu hiệu duy nhất cho tai họa. Hành động là thuốc giải độc duy nhất cho giận dữ. Nếu những âm thanh này có chút gì giống tiếng thì thầm riêng tư của Winston trong “1984”– chẳng hạn, khi anh ta bí mật viết rằng lành mạnh không có tính thống kê – thì ít nhất, trong một lúc nào đó, chúng vẫn còn là những chân lí hoàn toàn công khai. Cầu cho chúng cứ mãi như thế.  





[1] 1984” được viết năm 1948.
[2] Slavoj Žižek (sinh năm1949): nhà triết học, phân tâm học, nhà phê bình văn hoá, nhà marxist theo phái Hegel, giáo sư tại các Đại học New York và London.
[3]Jean Baudrillard (1929-2007): nhà triết học Pháp, xã hội học, lí thuyết văn hoá, bình luận chính trị.
[4] Bản tiếng Việt “1984” của Phạm Nguyên Trường dịch là “Anh Cả”

Ông hoàng của Phi lí: Albert Camus 50 năm sau ngày mất.

Khi Albert Camus bị giết trong một tai nạn xe hơi cách đây 50 năm vào ngà 4 tháng 1, ở tuổi 46, ông đã đoạt giải Nobel văn học, và cuốn sách nổi tiếng nhất của ông
“Kẻ xa lạ” hay “Người ngoài cuộc”(“L’Etranger”, “The Stranger ” hay “The Outsider”) đã giới thiệu với bạn đọc toàn thế giới triết lí phi lí. Vâng, vào thời gian gần cái chết của ông, Camus cảm thấy ông là một kẻ bơ vơ lạc lõng giữa Paris, bị Jean-Paul Sartre và các trí thức thiên tả khác lên án và làm bẽ mặt, vì bằng tự do suy nghĩ ông khước từ nhân nhượng những quan điểm chính trị thời thượng. Và con gái ông đã nói “ba rất cô độc.”

Trái lại ngày nay người Pháp tự hào coi Camus là gương mặt đỉnh cao, trong khi ngôi sao Sartre đã mờ đi. Thậm chí Tổng thống Nicolas Sarkozy, một chính khách cánh hữu, đã đề nghị chuyển di cốt của nhà văn từ Provence đến điện Panthéon ở Paris. Nhiều cuốn sách mới kỉ niệm ngày mất của ông, trong đó có tập sách minh họa rất trang nhã của Catherine Camus, một trong hai cô con gái sinh đôi của ông và là người coi sóc di sản của người cha.
Bạn đọc tìm kiếm trong phê bình văn học, hay thậm chí những nguồn gốc của tư tưởng phi lí, sẽ không thấy nó trong ba cuốn tiểu sử mới này. Cuốn của José Lenzini, một cựu kí giả Pháp, là bất thường nhất, vẽ lại cuộc hành trình cuối cùng của Camus từ Provence đến Paris như một loạt những cảnh hồi tưởng không thực trong cuộc sống của ông. Hai cuốn kia bình thường hơn, những cả hai quá tô vẽ những bức chân dung có thể chấp nhận được của “cậu bé nghèo” chơi đá bóng, như chính ông tự gọi mình, từ Algiers, người đã để lại một dấu ấn kì vĩ như thế trong văn chương và tư tưởng đạo đức.

Một hiện diên ám ảnh lù lù khắp nơi trong tất cả những cuốn sách trên: hiện diện của Algeria, nơi Camus sinh ra, và của mẹ ông, Catherine. Chưa được một tuổi cậu bé Âlbert đã mất cha, một người định cư từ sớm ở Algeria thuộc Pháp, trong trận Marne. Người mẹ câm và mù chữ của ông, và gia đình lớn của bà, nuôi hai con trai của bà trong một căn hộ nhỏ ở Algiers không có cả nhà xí lẫn nước máy. Alain Vircondelet  viết một cách cảm động về “cuộc sống nhỏ nhoi” trong căn hộ không có thứ gì ấy: “những khăn trải giường trắng, đôi bàn tay vặn vẹo của bà mẹ, một chiếc khăn tay và chiếc lược nhỏ.” Thái độ nghiêm trang trầm lặng và thanh sạch của bà in dấu vào đứa con trai, khi cậu vật lộn để đối diện với nỗi xấu hổ vì nghèo – và nỗi xấu hổ của cậu vì đã xấu hổ. “Chúng tôi đã thôi không nói với những người mà chúng tôi yêu quí, và đó không phải là im lặng,” có lần ông nói về mẹ của mình như thế.
Cậu bé Albert được vào trường trung học Pháp, rồi sau đó vào đại học ở Algiers, là nhờ hai người thầy giáo truyền cảm hứng mà ông giữ liên hệ thân mật suốt đời, ông đã đề tặng giải Nobel cho một trong hai người. Camus bắt đầu viết, như một phóng viên và nhà soạn kịch, trong một vùng đất lúc đó là một bộ phận của nước Pháp – và sau đó tách ra. Ông cô dơn, tự nghi ngờ và bồn chồn khắc khoải về chuyện di chuyển. Chàng trai trẻ xuất hiện trong cuốn tiểu sử của Virgil Tanase đặc biệt quyến rũ, ngộ nghĩnh và tình cảm, nhưng thường xuyên di chuyển: giữa Địa Trung Hải thô tháp ngập nắng và Paris chật hẹp xám xịt, luôn luôn tìm kiếm khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa những đợt hành hạ của bệnh lao, cũng như sự an ủi của nhiều phụ nữ mà chàng và yêu say đắm.

Lịch sử đã thấy Camus đứng ở phía tích cực trong nhiều vấn đề đạo đức lớn của thế kỉ 20. Ông tham gia phe kháng chiến chống Nazi, biên tập một tờ báo bí mật, tờ Chiến đấu. Ông vận động chống án tử hình. Có thời là cộng sản, tác phẩm chống chủ nghĩa toàn trị của ông “L'Homme Révolté” (Con người nổi loạn) xuất bản năm 1951, nhận thức một cách xuất sắc những điều ác của chủ nghĩa Stalin. Nó cũng dẫn đến đoạn tuyệt với Sartre, người lúc đó vẫn còn bảo vệ Liên Xô và từ chối lên án các trại tập trung.
Camus rời Algeria đến Pháp, nhưng Algeria  không rời ông. Khi cuộc nổi dậy chống thực dân nổ ra năm 1950, ông từ chối tham gia vào lập trường chính thống của phái tả Pháp coi lời kêu gọi độc lập là một hành động mưu phản. Thậm chí khi Algiers bị khủng bố, Camus vẫn đang thuyết phục một cách vô vọng một giải pháp liên bang, với một vi trí cho những người Pháp định cư (thực dân). Khi ông tuyên bố câu nổi tiếng rằng “Tôi tin tưởng ở công lí, nhưng tôi sẽ bảo vệ mẹ tôi trước công lí” ông bị lên án như mộ kẻ biện hộ cho thực dân. Gần 40 năm sau, ông Lenzini còn lần lại theo dấu vết người cựu sinh viên Algeria đã hung hăng bình luận như thế tại một cuộc họp báo. Bây giờ ông ta thú nhận rằng, vào lúc đó, ông ta chưa đọc tác phẩm nào của Camus, và sau đó bị “sốc” và cảm thấy nhuc nhã khi tình cờ thấy bản báo cáo bao quát của nhà tiểu thuyết về tình trạng bần cùng của người A Rập.
Sự thừa nhận của công chúng mà Camus nhận được trong đời ông hoàn toàn không bù lại được vết thương gây ra bởi sự hắt hủi và khinh miệt của những người mà có lúc ông đã coi là bạn. Ông chịu đau khổ dữ dội trong tay của Sartre, Simone de Beauvoir và phe nhóm văn chương trưởng giả, đầy ghen tị của họ, mà cuộc ám sát man rợ công khai Camus sau khi xuất bản “Người nổi loạn” để lại những vết sẹo sâu. “Có thể trước đấy anh đã nghèo, nhưng bây giờ anh có nghèo đâu,” Sartre đã mắng té tát trên giấy trắng mực đen.
“Ông vẫn cứ là một người ngoài cuộc trong thế giới văn chương này, hạn chế trong sự cứu chuộc hiện sinh” Lenzini viết: “Ông không thuộc về nó. Ông không bao giờ thuộc về cái thế giới ấy. Và họ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để ông biết điều ấy. “Họ chấp nhận ông, chừng nào ông khuất phục uy quyền của họ.” Diều mà Sartre và bạn bè không thể tha thứ là đầu óc độc lập đến bướng bỉnh của ông, làm cho ông tỏ ra trong sáng về mặt đạo đức, nhân văn và tuyệt đối hiện đại.

Nguồn: Prince of the absurd