Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

TRẦN ĐỨC THẢO – Version 2: Bi kịch của một nhà triết học.

Hiếu Tân




Ngày nay chỉ có những giáo sư triết học, mà không có các triết gia. Là một triết gia không phải chỉ là có những tư tưởng siêu việt uyên áo, thậm chí cũng không phải là lập ra một trường phái, mà là yêu sự thông thái đến mức sống theo những tiếng gọi của nó, một đời sống đơn giản, độc lập, cao thượng, và tin tưởng. Đó là việc giải quyết một số vấn đề của cuộc sống, không phải về lý thuyết, mà về thực tiễn.

                                               Henry David Thoreau (1817 - 1862)

Cái tên Trần Đức Thảo từ lâu có nhiều hấp dẫn với tôi. Người ta gọi ông là Triết gia – Nhà triết học duy nhất hay số một của Việt Nam. Nhiều người thống nhất nhận định Việt Nam ta xưa nay không có triết học, vậy thì với Trần Đức Thảo: Có một nền triết học Việt Nam chăng? Trong đời thường, ông có dáng dấp một triết gia theo quan niệm dân dã, (ngày trước người ta thường gọi những cái đầu bù tóc rối như tổ quạ là đầu “phi lô dôp”) Theo những người được gần ông (Phùng Quán, Cao Xuân Hạo..) kể lại, ta thấy ông sống chìm đắm trong suy tư, không màng đến những gì xảy ra ngay xung quanh mình. Nhiều tác giả tên tuổi ở tây Âu, nhiều tạp chí chuyên ngành gọi ông là philosopher – nhà triết học. Người ta không chỉ gọi ông đơn giản là triết gia, mà còn là triết gia chân chính, nhà triết học chiến đấu.. Ở Việt Nam, nhiều người hâm mộ ông, nhưng tôi nghĩ họ chưa chắc đã đọc ông, mà phần nhiều hâm mộ danh tiếng của ông và những giai thoại về ông. Một anh bạn nhà văn kể với tôi rằng ở Paris, Jean-Paul Sartre có một căn phòng trên quảng trường, bốn mặt lắp kính để công chúng “chiêm ngưỡng” Sartre, và trên bàn làm việc trước mặt Sartre, là bức ảnh chân dung Trần Đức Thảo!